Để Ta Đi Vào Giấc Mơ Của Nàng (Dư Ảnh Mộng)

Chương 14

Trần Dự Liên băn khoăn cất tiếng gọi: “Đạo trưởng…”. Vân Hòa chân nhân bấy giờ dường như mới để ý đến sự hiện diện của ông, đôi mày vẫn chưa giãn ra, cất giọng trầm trầm: “Ông là trưởng trấn Thuận Thanh sao?” Giọng nói lạnh lùng xa cách, không còn vẻ thân thiết nhẹ nhàng như khi nói chuyện với đồ nhi nhỏ tuổi. Trần Dự Liên cung kính bảo phải, Vân Hòa hỏi tiếp: “Lần trước ông bảo nơi này hạn hán đã lâu, mời ta tới cầu mưa. Ta đã tới rồi. Đồ nhi của ta còn nhỏ, đi đường mệt nhọc, phiền ông đưa thầy trò ta vào trấn nghỉ ngơi trước, rồi từ từ tìm hiểu sự tình nơi đây.” Đến lúc này, Trần Dự Liên mới cảm thấy vị đạo sĩ này không có gì không bình thường, vội vã cung kính vái chào rồi quay lưng dẫn đường.

Trần Dự Liên góa vợ, trong nhà chỉ có một mụn con. Đứa con trai năm nay vừa tròn mười lăm tuổi lại đi học ở xa, vì vậy ông sắp xếp cho hai thầy trò Vân Hòa vào ở tạm phòng của cậu. Căn nhà rộng rãi nhưng không quá sang trọng, bài trí cũng không có gì đặc sắc, nhưng lại làm kẻ sinh ra trong nhung lụa là Trần Văn Dự hết sức tò mò. Chàng sờ hết chiếc giá đèn bằng đồng đến chiếc bình hoa gốm, từ bộ đồ uống trà bằng bằng sứ trắng tới chiếc giá sách bằng gỗ sơn đen, khóe miệng khe khẽ nhếch lên. Ảnh Ảnh chín tuổi ngồi xếp bằng trên giường nhìn chàng xoay qua xoay lại khắp căn phòng, thoạt trông như một con búp bê bằng sứ xinh đẹp.

Một lát sau Vân Hòa không còn sờ mó lung tung nữa, ngồi xuống ghế chống tay nhìn Ảnh Ảnh, nhìn đến mức nàng phát run. Vân Hòa nói: “Ảnh Ảnh, muội biến ta thành một lão đạo sĩ già khòm, bản thân muội thì trẻ lại mấy tuổi. Ta phải tính sổ muội thế nào đây?” Hóa ra từ nãy đến giờ dù trong lúc chạy qua chạy lại, chàng vẫn luôn canh cánh chuyện này trong đầu. Ảnh Ảnh nhún nhún vai, giọng nói non nớt trẻ con cất lên: “Muội cũng không biết đâu.” Vân Hòa xoa xoa thái dương một chút rồi nói: “Thôi được thôi được, nhập gia tùy tục. Ta cũng không muốn làm khó đứa trẻ con như muội.” Chàng đứng dậy, chắp tay ra sau lưng, đôi mắt hướng về phía xa xăm: “Xét tình hình trước mắt, chúng ta chỉ có thể khảo sát khu vực xung quanh đây một chút, sau đó mới từ từ nghĩ ra đối sách. Ta không tin chúng ta lại không có cách mang màu xanh lại cho trấn Thuận Thanh này, đúng không?” Ảnh Ảnh gật gật đầu tỏ vẻ tán đồng: “Sư phụ nói cái gì cũng đúng, sư phụ làm gì Ảnh Ảnh cũng ủng hộ hết!” Vân Hòa đạo sĩ nghe nàng nói bằng giọng điệu như vậy thì hai mắt sáng lên, khẽ lẩm bẩm: “Kỳ lạ, sao vi sư có cảm giác trong mộng cảnh này chẳng những cơ thể của đồ đệ teo lại, mà tính tình cũng như đứa trẻ con.” Ảnh Ảnh nhìn lòng bàn tay be bé mềm mềm của mình, khẽ đáp: “Thì Ảnh Ảnh vốn là đứa trẻ con mà!”

Một lát sau, Vân Hòa chân nhân cùng tiểu đồ đệ theo gót trưởng trấn Trần Dự Liên đi kiểm tra xung quanh trấn. Phía đầu trấn là một cái giếng lâu năm, cũng chính là nguồn nước chính của người dân nơi đây. Tuy giếng nước chưa hẳn cạn kiệt, nhưng màu nước đục ngầu chứng tỏ nguồn nước cũng chẳng hi vọng duy trì được bao lâu. Những luống đất từng là vườn rau xanh mát của các gia đình bây giờ chỏng chơ cằn cỗi, cái đói đang len lỏi trong ánh mắt khao khát của từng đứa trẻ nhem nhuốc khi nhìn thấy hai thầy trò. Vân Hòa chân nhân nhìn những kẻ gặp nạn trong cơn hạn hán, chợt nhớ tới có thời kỳ con dân Vân Triều cũng từng gặp cơn đói khổ tương tự như vậy, đáy lòng không khỏi hơi quặn thắt. Thấy khuôn mặt Vân Hòa chân nhân hiện nét không vui, Ảnh Ảnh giật tay áo của chàng khẽ hỏi: “Sư phụ, sư phụ, kiến thức của đạo gia, người còn nắm rõ chứ?” Chỉ thấy sư phụ nàng gật đầu: “Cũng vừa đủ dùng.”

Kí ức trong mộng cảnh của chàng đều từ kẻ có tên “Vân Hòa chân nhân” truyền lại. Người này do trí tưởng tượng của Dư Ảnh tạo ra, lẽ ra không thể có kiến thức uyên thâm về đạo pháp. Nhưng những gì có trong đầu Trần Văn Dự lúc này lại không phải vậy. Chàng có cảm giác từng đợt từng đợt tri thức đang không ngừng ùa vào đầu chàng đều là kiến thức chính tông, bởi chúng có nét tương đồng với những gì chàng từng nghiên cứu sơ qua về đạo pháp lúc rãnh rỗi, mà rõ ràng là kiến thức sâu rộng và thâm thúy hơn rất nhiều!

Buổi chiều, Vân Hòa chân nhân nhốt mình trong phòng, ngồi bấm tay tính toán tính toán một chút, lại tỏ vẻ kỳ quái nói: “Đồ nhi, theo vi sư thấy, trận hạn hán này không phải tự nhiên mà có. Có vẻ như hai năm trước thủy mạch của trấn Thuận Thanh bị xâm hại.” Ảnh Ảnh gật đầu: “Thủy mạch càng mạnh mẽ thì nguồn nước nhận được càng nhiều. Thủy mạch ở vùng này suy yếu, chẳng trách nơi này mới không đón được mưai!” Trần Dự Liên lúc này đang bưng khay trà vừa bước đến cửa, nghe vậy thì cũng quên mất lễ nghi mà vội đẩy cửa hỏi: “Chân nhân, lời người nói phải chăng là thật? Vậy trấn Thuận Thanh phải làm sao?” Vân Hòa chân nhân nói: “Lão Trần, ông nhớ lại xem hai năm trước ở trấn đã từng xảy ra sự kiện kinh thiên động địa gì hay không?” Trần Dự Liên nghe hỏi vậy thì chầm chậm ngồi xuống ghế, khuôn mặt đăm chiêu hồi tưởng lại một lượt các sự kiện lớn xảy ra hai năm qua. Cuối cùng giọng nói hơi già nua của ông cũng ngập ngừng cất lên: “Chân nhân, Thuận Thanh chỉ là trấn nhỏ, về lẽ thường thì cũng không có gì nổi bật. Chỉ là đúng hai năm trước, ở trấn đúng là đã xảy ra một một khó tin.” Vân Hòa nhấp ngụm trà do ông bưng đến, điềm tĩnh hỏi: “Là chuyện có liên quan đến yêu ma quỷ quái sao?” Người kia thở dài, gật đầu đáp: “Chân nhân tiên đoán như thần. Đúng là như vậy!” Sau đó cất giọng đều đều kể lại mọi chuyện.

Thì ra hai năm trước, ở vùng đất này bỗng nhiên xuất hiện một con rắn tinh. Con rắn tinh này có kích thước vô cùng to lớn, toàn thân xanh lét, cái miệng đỏ ngầu, không biết đã dọa sợ biết bao nhiêu người dân vô tội. Mặc dù nó chưa từng hại ai, nhưng lại đưa ra một yêu sách vô cùng kì quặc: đó là mỗi tháng vào đêm trăng rằm, dân làng phải cử ra một người đàn ông đến ngủ với nó. Thanh niên trai tráng trong làng nghe đến việc phải ngủ với rắn tinh thì sống lưng đã lạnh toát, còn người đã có gia đình, lại càng không chấp nhận được yêu sách này. Đúng lúc có một vị đạo sĩ giang hồ ghé ngang qua trấn, bày cho dân làng cách diệt trừ yêu xà. Dân làng cùng đạo sĩ hiệp lực, cuối cùng con rắn tinh cũng bị đánh cho chạy tan tác.

Trần Dự Liên kể xong, nghiêng mặt hỏi Vân Hòa: “Theo chân nhân, liệu con rắn tinh này có liên quan đến việc thủy mạch bị xâm hại?” Vân Hòa nghịch nghịch chòm râu thưa, nheo mắt nói: “Trước mắt phải xác định được tu vi của con rắn tinh thì mới biết nó có khả năng làm việc đó hay không. Theo ta thấy, con yêu có khả năng khống chế thủy mạch thì đạo hạnh không dưới ngàn năm đâu.” Nói rồi quay sang cười với Ảnh Ảnh đang ngồi im lặng trên ghế: “Đồ đệ, chúng ta đi tìm yêu quái đi!”

Hai thầy trò dắt tay nhau đi ra một vùng đất trống ở bên ngoài trấn. Ảnh Ảnh hỏi: “Sư phụ, người định làm như thế nào? Thật sự là phải đánh nhau với yêu quái ư?” Hai người bọn họ trong mộng cảnh trước quả thật cũng từng bị truy sát, nhưng đánh nhau với người và đánh nhau với yêu quái không hề giống nhau tí nào! Vân Hòa híp mắt đáp: “Rồi con sẽ thấy.” Chỉ thấy chàng nhặt một cành cây khô, vẽ một vòng tròn trên đất, rồi thêm vào đó vài ký hiệu nghuệch ngoạc kỳ lạ. Một lúc sau chàng ném cành cây đi, bấm tay lẩm bẩm một hồi, từ chính giữa vòng tròn chợt hiện ra một vầng sáng. Một người đàn ông béo lùn đầu hói chợt trồi từ dưới đất lên. Người ngày mặc quần áo trắng, khuôn mặt già nua đầy những vết nhăn li ti như vỏ cây, đôi mắt ti hí hiện ra đầy vẻ kinh ngạc. Lão già nhìn thấy hai thầy trò hơi khom người hành lễ: “Không biết hai vị tiên nhân gọi Thổ Địa Thuận Thanh ta đến có chuyện gì?” Ảnh Ảnh tròn xoe mắt ngắm ông lão chỉ cao hơn mình nửa cái đầu, tự thán vị “Vân Hòa chân nhân” kia cũng thật có bản lĩnh. Vân Hòa hỏi: “Thổ Địa gia khách khí, bần đạo chỉ muốn hỏi ngài một đôi chuyện thôi. Chẳng hay ngài có biết việc thủy mạch nơi đây đang bị xâm hại?” Lão thổ địa chợt thở dài, gật đầu nói: “Là họa thì không tránh được. Tiểu tiên tu vi còn yếu, không đánh lại tên yêu kia, ngược lại bị hắn không chế không thể rời trấn Thuận Thanh, không trình báo sự việc này cho cấp trên được.” Vân Hòa nheo mắt nói: “Con yêu mà ngài nói có phải là xà yêu?” Khuôn mặt Thổ Địa chợt trở nên nhăn nhúm. Lão nói nhanh: “Không được, tiểu tiên không thể nói ra! Nhưng tiểu tiên biết xà yêu đang ở một cái động đá ở Bắc Thuận Thanh. Đạo trưởng, bảo trọng!” Lão Thổ Địa nói xong thì cơ thể co giật dữ dội rồi nhanh chóng chìm trở lại vào vòng sáng. Chẳng mấy chốc trên mặt đất chỉ còn một vòng tròn méo mó bị cát bụi bôi nhòe.

Ảnh Ảnh nhấc cái chân ngắn ngủn đá đá vào mặt đất, đăm chiêu nói: “Sư phụ, hình như có cái gì đó kéo lão Thổ Địa trở lại đất rồi. Bây giờ chúng ta đến động đá tìm rắn tinh có phải không?” Thấy Vân Hòa gật đầu, nàng nói tiếp: “Sư phụ ngự kiếm đi nhé? Cái chân ngắn của Ảnh Ảnh mỏi lắm rồi, không đi bộ nổi nữa đâu!” Vân Hòa thấy nàng làm nũng thì dở khóc dở cười, rút ra cây kiếm gỗ bên thắt lưng. Chỉ thấy miệng chàng lẩm bẩm, hai ngón tay chàng quẹt dọc theo chiều mũi kiếm, thanh kiếm kia đã nằm lơ lửng là là trên mặt đất. Vân Hòa ngồi xổm xuống, khẽ nói: “Ảnh Ảnh còn nhỏ, dễ té, để sư phụ cõng đi!” Nói xong chính chàng cũng giật mình, có lẽ bởi chàng bị ảnh hưởng bởi tính cách của nhân vật trong mộng cảnh mà lúc này “Vân Hòa” tỏ ra cưng chìu đệ tử hết lòng. Nếu là Trần Văn Dự hàng thật giá thật, chắc chắn chàng chẳng bao giờ hành động như thế. Dù vậy, trong mộng cảnh này, chàng có cảm giác chân thật rằng đồ đệ của mình là một nhóc con yếu đuối, cần được che chở, yêu thương.

Ảnh Ảnh chầm chậm leo lên tấm lưng rộng của Vân Hòa, ôm lấy cổ chàng, ánh mắt đầy phức tạp. Nàng chưa từng nói cho Trần Văn Dự biết, hình tượng Vân Hòa chân nhân trong mộng cảnh này thực ra rất giống một cố nhân của nàng. Ký ức về nụ cười hiền từ và sự cưng chiều hết mực của ông đã khắc sâu vào tâm trí của Dư Ảnh, đọng lại trong nàng một tuổi thơ đầy tươi đẹp. Được Vân Hòa cõng đi trong mộng cảnh, đón từng làn gió mát phả vào mặt, trong đầu nàng sống lại cảm giác lúc nhỏ được người ấy ngày ngày cõng đi dọc theo triền núi Cửu Vĩ quanh năm mây mù lảng bảng, sáng đón sương mai, ngắm bình minh, chiều xem mặt trời lặn.

Gió thổi mái tóc cùng vạt áo bay phấp phới, khiến những kẻ trên kiếm gỗ có cảm giác cơ thể mình nhẹ bẫng như sợi lông mềm phất phơ. Vân Hòa đứng vững trên thân kiếm lúc này đã cao hơn mặt đất hàng trăm trượng, mắt dõi về hướng dãy núi đá xa xa phía trước. Chợt chàng cảm thấy vạt áo trên lưng mình ươn ướt, liền cất tiếng hỏi: “Ảnh Ảnh, con khóc sao?” Đứa bé áo đỏ phía sau nghiêng gò má dựa vào tấm lưng chàng, khẽ nói: “Sư phụ bay nhanh quá… bụi bay vào mắt Ảnh Ảnh mất rồi!”

Chẳng mấy chốc, hai thầy trò đã đứng trước một cửa động chật hẹp. Vân Hòa giắt kiếm gỗ vào thắt lưng, nghiêm túc nói: “Ảnh Ảnh, trong động nguy hiểm. Con đứng ở đây chờ ta.” Nói rồi bước thẳng vào trong động tối. Ảnh Ảnh xoay trái xoay phải, tìm được một tảng đá con con nhẵn nhụi, bèn nhẹ nhàng ngồi lên đó, mắt dõi về phía cửa động. Mãi một lúc sau Vân Hòa vẫn chưa quay trở ra. Bỗng nhiên nền đá cuội phía sau lưng Ảnh Ảnh phát ra tiếng sột soạt. Một người phụ nữ ăn mặc như nông phụ, tay trái xách theo một cái làn nhỏ bước lại chỗ nàng ngồi, cười hỏi: “Cô bé sao lại một mình ngồi đây?” Ảnh Ảnh mải ngắm đôi giày thêu hoa của mình, tựa như không nghe thấy lời của người phụ nữ lạ mặt. Nàng ta thấy cô bé phớt lờ mình cũng không giận, nhẹ nhàng đặt chiếc làn xuống, ngồi xổm trước mặt Ảnh Ảnh: “Ôi, bé con thật dễ thương! Nói cho ta biết, cha mẹ cháu đâu rồi?” Không hiểu vì sao, người phụ nữ này mang lại cho Ảnh Ảnh một cảm giác lành lạnh. Nàng chậm chạp ngẩng đầu nhìn nàng ta, trong đầu không ngừng xoay chuyển tìm cách bỏ chạy.

Chợt từ phía cửa động có tiếng quát của Vân Hòa: “Yêu nghiệt to gan! Không được làm hại đồ nhi của ta!”
Bình Luận (0)
Comment