Tuy cô có cảm tình với nhà họ Mẫn, nhưng cô cũng chỉ có thể làm được vậy thôi. Nếu nhiều hơn thì cũng không thể nói được. Mẫn Ngọc Lâm có tin cô hay không thì tùy vào khả năng lĩnh ngộ của ông.
Dương Tử Mi xem qua một lượt các món đồ cổ do Mẫn Ngọc Lâm sưu tầm được. Đa số đều là đồ thật và có một ít là đồ giả.
Tiếp đó, Mẫn Ngọc Lâm cẩn thận mở một két sắt ra.
Két vừa mở thì một luồng sáng chói mắt lập tức chiếu ra. Món đồ được để trong đó có vật khí rất mạnh, nhưng vật khí đó lại là luồng khí màu đen xui xẻo.
Món đồ cổ kia là một chiếc vò rượu cao to, miệng loa kèn, cổ gập rộng, thân to, sâu, chân tròn, cao khoảng năm mươi centimet, đường kính miệng tầm bốn mươi centimet, nặng mười ký.
Trên cổ của chiếc vò rượu nọ có chạm ba con rồng hướng về ba phía khác nhau, đầu rồng ló ra. Thân vò chạm hình hai con hổ, dưới miệng hổ lại có hình của một người, đầu người nằm lọt trong miệng hổ, dưới thân hổ là một đường viền ngang như ranh giới, tạo thành cảnh tượng hai con rồng như đang đối diện với nhau. Vòng tròn trên chân vò cũng được khắc chữ và được đục lỗ theo hình chữ thập.
- Tiểu Mi, con biết đây là gì không?
Mẫn Ngọc Lâm nhìn Dương Tử Mi hỏi.
- Là vò rượu Long Hổ. Lần trước con cũng mới vừa học được ở chỗ thầy Tống. Thầy Tống nói là trên thế giới hiện chỉ có hai vò rượu Long Hổ được khai quật. Một đang được lưu giữ và bảo quản trong viện bảo tàng quốc gia, còn chiếc còn lại là thuộc sở hữu cá nhân hoặc cũng có thể là đã thất lạc ở nước ngoài. Không ngờ là chiếc còn lại đó lại được ông đây lưu giữ.
Dương Tử Mi nói.
Mẫn Ngọc Lâm ra vẻ đắc ý, nói:
- Chiếc vò rượu này là ông mua từ một tên phá gia chi tử vào hai mươi năm trước. Lúc đó ông chỉ tốn có ba trăm ngàn để mua thôi. Con xem, người bị hổ ngoạm đầu kia chắc là nô lệ. Cảnh tượng này phản ánh chế độ hà khắc và tàn nhẫn của chế độ nô lệ trước đây.
Dương Tử Mi lắc đầu nói:
- Con thấy, người này không phải là nô lệ mà là thầy mo.
- Thầy mo sao? Sao lại như vậy được? Thầy mo là người có địa vị rất cao vào thời nhà Thương. Trừ khi phạm tội gì đó lớn nên mới bị đem làm mồi cho hổ như thế.
Mẫn Ngọc Lâm kinh ngạc nói.
- Ông ơi, không phải là người này đút đầu làm mồi cho hổ đâu ạ. Hoa văn này là theo chủ đề về pháp thuật, phản ánh quá trình làm phép của các thầy mo lúc bấy giờ. Miệng hổ há rộng ra kia chính là tượng trưng cho ranh giới giữa sống và chết ở thời cổ đại, còn người phía dưới miệng hổ kia tượng trưng cho số năm mươi. Năm mươi cũng chính là biểu trưng cho khả năng trao đổi, tương thông với đất trời dưới sự giúp đỡ của con hổ khi bái tế đấy ạ.
Dương Tử Mi giải thích.
Mẫn Ngọc Lâm nhìn cô hỏi:
- Những thứ đó đều do Tống đại sư chỉ dạy cho con sao?
Dương Tử Mi gật đầu.
Thật ra là cô đang nói dối.
Những điều cô vừa nói kia không phải do Tống Huyền chỉ dạy cho cô mà hoàn toàn là nhờ thiên nhãn của cô cả. Khi cô dùng thiên nhãn để nhìn vào hoa văn đó thì cảnh tượng kia như hiện ra trước mắt cô vậy, thậm chí cảnh tượng đó còn sống động như thật vậy.
- Là vậy sao? Sao giới học thuật lại không nói như thế nhỉ? Theo lý mà nói thì nếu như Tống đại sư đưa ra lập luận này thì cũng nên công khai cho mọi người biết chứ.
- Con nghĩ chắc là thầy Tống vẫn chưa dám khẳng định nên mới thế thôi ạ. Tuy nhiên, dựa vào trực giác của một thầy tướng thuật, con thấy lập luận này có vẻ chắc chắn hơn so với lập luận nô lệ kia ạ.
Dương Tử Mi bình thản nói.
- Ô?
Mẫn Ngọc Lâm cũng ừ hử cho qua.
- Nhưng mà chiếc vò này là vật dùng để bái tế. Thời đó, mỗi khi bái tế, đa phần đều dùng người sống để bái tế, nên con thấy chiếc vò đó tích tụ rất nhiều âm sát khí và oán khí, con thấy tốt nhất là ông nên tránh xa nó ra.
Dương Tử Mi nhắc nhở Mẫn Ngọc Lâm.
- Ông biết chứ, thế nên ông có vật này hộ thân nên trước giờ mới bình yên, không xảy ra chuyện gì cả.
Đoạn, Mẫn Ngọc Lâm lấy ra một thẻ bài bằng gỗ màu đen buộc bằng sợi dây đỏ mà ông đang đeo trên cổ ra cho Dương Tử Mi xem.