Diary In Grey Tower

Chương 27

Phòng tác chiến nội các.

“Tưởng sẽ gặp một ông già lẩm cẩm phải không, Alan.” người đàn ông đứng dậy khỏi bàn làm việc bằng gỗ hồ đào, bắt tay tôi.

“Tôi nghĩ ngài hẳn sẽ rất nghiêm túc.” tôi thành thực thừa nhận: “Ngài là người lãnh đạo tối cao của cục tình báo.”

C rất khác so với những gì tôi tưởng tượng. Tôi đã nghĩ mình sẽ gặp một ông già đầu hói, mũi ưng, nói năng thận trọng kiểu cách, đeo kính hình bán nguyệt với cặp mắt soi mói. C quả là mũi ưng, nhưng ông ta cao lớn hơn một chút so với tôi dự đoán. Tôi nghĩ ông ta chắc chưa đến năm mươi tuổi, tóc màu nâu sẫm, mũi khoằm, đeo kính thường, ánh mắt sắc bén nhưng giọng cười thì sang sảng.

Ông ta mặc một chiếc áo dạ có vẻ hơi dày so với thời tiết, tay cầm tách cà phê. Hình ảnh này khiến tôi chợt liên tưởng đến những ông bác ngồi uống bia đen trong quán rượu vùng quê ở Bedford, hơn là giữa một văn phòng nhỏ bé giải quyết những việc quốc gia đại sự không thể diễn tả bằng lời.

“Nhiều người cũng nghĩ vậy đấy.” ông ta chăm chú nhìn tôi: “Alan, cậu trưởng thành rồi. Trông càng giống mẹ cậu.”

Tôi thấy hơi ngượng nghịu.

“Lần trước trông thấy cậu, cậu chỉ là một đứa trẻ nằm trong lòng Jane.”

“Ngài từng gặp mẹ tôi sao?!” tôi kinh ngạc.

C ra hiệu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế trước bàn ông ta, ông ta cũng ngồi xuống: “Cà phê nhé? Hay trà?”

“Không cần, cảm ơn.” tôi đáp.

“Ta đã gặp mẹ cậu.” ông ấy nói chậm rãi: “Ta, là người ra lệnh xử lý phu nhân Castor.”

Tôi ngồi trước mặt ông ta, đại não phút chốc trống trơn.

Tôi hiểu từng từ ông ta nói ra, nhưng không sao chắp nối chúng thành một thứ gì có nghĩa được.

“Alan, ta biết cậu rất đau khổ. Năm đó ta cũng đã đau khổ, cầm bút ký tên lên quyết định hành quyết mà tay run rẩy, ký ba lần mới xong… ta nghĩ kể từ đó sẽ không còn được gặp Jane và cha cậu nữa. Đến giờ ta vẫn tin là như vậy, mẹ cậu là một thiên tài về mật mã, tìm khắp nước Anh cũng không được một người thứ hai tài năng như mẹ cậu. Xử lý bà ấy với cục tình báo mà nói là một tổn thất rất lớn, tổn thất này mãi đến khi Andemund Garcia nhận chức mới được bù đắp lại.”

“Mẹ cậu nắm được quá nhiều, trong tay chúng ta có bằng chứng xác đáng về việc bà ấy liên quan đến gián điệp Đức. Andemund đã cho cậu xem băng hình rồi, phải không?”

“Đúng.”

“Vậy là cậu biết bà ấy đang làm việc cho tình báo Đức.”

Tôi đau đớn đến nói không thành lời: “Đúng vậy.”

C lắc đầu, quay nhìn ra cửa sổ, chỉ để tôi thấy đường phác nghiêng gương mặt ông ta.

“Alan, ta cũng đau khổ như cậu.”

“Cậu không hiểu, phải không?” ông ta hớp một ngụm cà phê rồi đẩy nó đến góc xa nhất trên bàn, như thể đó là một khối thương tâm tột độ mà người ta chỉ muốn cách càng xa càng tốt: “Để ta kể cho cậu từ đầu… câu chuyện phản quốc của mẹ cậu.”

C nói thật bình thản, đôi mắt vẫn hướng ra cửa sổ, không quay lại nhìn tôi.

Đột nhiên tôi nhớ đến Andemund.

Mỗi khi tôi hỏi Andemund một câu hỏi khó trả lời, anh ấy cũng sẽ nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, che giấu biểu cảm trên gương mặt mình.

Tôi nghĩ có lẽ người của thế giới tình báo này là vậy.

Chỉ là khi C kể, ông ta dường như già hẳn đi, giống như bất chợt nhận ra gánh nặng thời gian bấy lâu vẫn đè trên đôi vai mình.

“Cục tình báo từng cho đăng đề bài Brachistochrone lên “Tạp chí nhà toán học”, công khai tuyên bố không ai có thể giải được nó. Sau đó MI-6 nhận được tổng cộng ba đáp án, một của ta, một của cha cậu, cái còn lại đóng dấu bưu điện quận Cambridge, đó là mẹ cậu. Trong những lời giải ấy, đáp án của ta được đánh giá là hoàn hảo, đã loại suy định lý Fermat, vận dụng phương pháp quang học. Giờ nghĩ kĩ lại lời giải của cha cậu mới tuyệt vời nhất, thực sự thể hiện được tư duy biến phân, thực sự rất tuyệt vời…”

“Nhưng người nhanh nhất chính là mẹ cậu. Đáp án của bà ấy rất tùy tiện, lời giải viết ngoáy trên một mảnh giấy… buổi sáng tạp chí lên kệ, đến chiều bà ấy đã giải ra, thư bỏ vào hòm vừa kịp trước lần lấy thư cuối cùng trong ngày. Sáng hôm sau cục tình báo đã nhận được lời giải của mẹ cậu, đến ngày thứ năm thì nhận được của ta, một tuần sau nữa mới là bưu kiện của cha cậu.”

“Một tháng sau, chúng ta cùng nhận được lời mời của MI-6, họ hỏi chúng ta có sẵn lòng phục vụ tổ quốc theo một con đường đặc biệt không. Đó là lần đầu tiên ta gặp Jane. Bà ấy có đôi mắt màu lam xám và mái tóc quăn dịu dàng, khiến ta nghĩ đến hình ảnh thiên sứ trong bức bích họa ở giáo đường hơn là một nhà toán học. Lúc ấy ta mới được bổ nhiệm làm giảng viên ở Oxford, mẹ cậu thì đã công bố một số luận văn ở Cambridge và có chút danh tiếng. Ta đã đọc luận văn của bà ấy, vô cùng tài hoa.”

“Alan, ta nói những điều này với cậu là hy vọng cậu có thể bỏ qua địch ý với ta. Ta và mẹ cậu từng là đồng nghiệp, là chiến hữu và bạn bè. Chúng ta làm việc cùng nhau mười năm, là những chuyên gia mật mã tình báo đầu tiên của MI-6, những người sáng lập ra trang trại Plymton. Sau này ta được điều lên tổng cục tình báo, mẹ cậu phụ trách phòng 1 và phòng 3 của Plymton… Cậu từng nghe đến tên Kaminsky chưa?”

Chú Kaminsky?

Hình như tôi có chút ấn tượng, hồi nhỏ chú ấy rất hay đến nhà tôi, bao giờ cũng nhấc bổng tôi lên xoay xoay trên trời.

Người cao lớn, để râu quai nón, sắc mặt hồng hào.

“Hình như là bạn của cha tôi.” tôi đáp.

C gật đầu: “Phải, chính cha cậu đã giới thiệu anh ta vào hệ thống tình báo, ông ấy là người bảo lãnh anh ta. Anh ta bị nghi ngờ phản quốc. Cục tình báo quyết định thẩm tra cách ly nghiêm ngặt anh ta và cha mẹ cậu. Cậu biết việc Andemund bị thẩm tra gần đây chứ?… cũng một cách thẩm tra như thế nhưng mẹ cậu phải chịu đựng bốn lần. Sau cuộc thẩm tra thứ tư, ta hầu như không nhận ra Jane nữa, bà ấy gầy rộc đi, không khác gì một đóa thủy tiên đang héo rũ. Khi bà ấy nhìn ta, ta có thể cảm nhận được ngọn lửa sinh mệnh đang tắt dần trong cặp mắt màu lam xám ấy. Ta khuyên bà ấy ly hôn với cha cậu, từ bỏ mọi quan hệ với ông ấy. Ta nói với bà ấy tuy kết quả bốn lần thẩm tra đều cho thấy họ trong sạch, nhưng trong tương lai chỉ cần xuất hiện bằng chứng bất lợi cho ngài Castor, bà ấy và đứa con sau này cũng sẽ bị liên lụy theo. Thậm chí ta đã đưa ra đề nghị… lấy bà ấy sau khi ly hôn. Alan, đừng nhìn ta như vậy. Ta thừa nhận mình từng bị bà ấy cuốn hút.”

“Jane không còn được tổ chức tin tưởng nữa. Bà ấy tin cha cậu và gã Kaminsky kia, cũng tin tưởng nước Anh. Sau này bà ấy cầu xin ta để được rời khỏi trang trại Plymton, trở về nghiên cứu toán học như trước. Lúc ấy bà ấy vừa mới mang thai cậu.”

“Ta qua mặt cấp trên dùng quyền lực của mình để phê chuẩn yêu cầu tạm nghỉ công tác của bà ấy, đồng thời trấn áp mọi tin tức bất lợi cho cha cậu… giống như Andemund đã che giấu tin tình báo bất lợi với cậu lần này. Về sau ta gặp lại mẹ cậu ở lễ trao huân chương Pulitzer, bà ấy vẫn dịu dàng nhã nhặn như trước, khi ấy cậu đã được năm tuổi, trông bà ấy lúc đó thực sự là một người mẹ.”

Ông ta ngừng lại để bấm chuông gọi cà phê.

“Có lẽ cậu muốn một tách cà phê rồi nghe tiếp?”

Tôi nghe thấy giọng mình đáp: “Không cần.”

C thở dài, không phản đối: “Kaminsky thực sự đã phản quốc. Hắn trốn sang Đức, mang theo rất nhiều tài liệu cơ mật. Hắn viết thư cho cha cậu, nói rằng có thể cho người đón gia đình cậu sang Berlin tiếp tục nghiên cứu mật mã. Trong thư còn đề cập đến việc Đế quốc đang tiến hành một công trình mật mã vĩ đại, rất cần đến bọn họ. Lá thư này rơi vào tay cục tình báo, kể từ đó gia đình cậu hoàn toàn bị mất tín nhiệm.”

“Thời điểm đó có quá nhiều tình huống cho thấy họ sẽ trốn sang Đức… ta nhận được mật báo vợ chồng Castor đang thu dọn đồ đạc, đồng thời ngừng thuê tiếp căn nhà họ ở đã lâu. Tình hình sau đó hẳn Andemund đã kể cho cậu rồi, người lãnh đạo cục tình báo đương thời hạ lệnh xử lý họ.”

Tôi nhớ lại những lời Andemund từng nói với mình… ở đây người ta làm việc vì tổ quốc. Mạng sống của em sẽ không còn thuộc về em nữa. Sẽ có gián điệp nước ngoài âm mưu tiếp cận em. Nếu cần thiết, cuộc sống riêng tư của em cũng bị giám sát. Nếu bị phán quyết phản quốc, em sẽ bị xử lý trong im lặng. Nếu cấp trên nghi ngờ em phản quốc mà không có chứng cứ, rất có thể có một ngày em sẽ bất cẩn ngã khỏi xe khách, vừa hay gãy cổ. Đó là nguyên tắc của tổ chức, vì sự an toàn của tất cả mọi người.

“Trước vụ cháy một tháng mẹ tôi đã đưa tôi về quê ở với bác!” tôi vụt đứng dậy: “Nếu họ thực sự định đi Đức, không đời nào họ bỏ tôi lại nước Anh một mình!”

Tôi không biết phải diễn tả ra sao, chỉ có thể mụ mị lặp đi lặp lại: “Ông không hiểu, mẹ tôi yêu nước Anh…”

C sẵng giọng: “Nhưng lúc này bà ấy đang làm việc cho Đức Quốc xã.”

“Có thể bà bị ép làm thế!”

“Phải, rất có thể…” ông ta gật đầu: “Nếu lúc ấy chúng ta có thể tin tưởng cha mẹ cậu nhiều hơn, có lẽ sự việc đã khác…”

Tôi sực nhớ ra: “Mẹ tôi còn sống, vậy còn cha tôi thì sao? Ông ấy đang ở đâu?”

“Ta không biết. Alan, cậu phải bình tĩnh. Tay cậu đang run đó.” C đè tay lên vai tôi, ấn tôi ngồi xuống ghế: “Chúng ta chưa hề nhận được tin gì về cha cậu.”

Ông ta ngồi lại, đợi nhịp thở của tôi bình ổn lại phần nào rồi mới tiếp: “Lần này ta muốn nói để cậu hiểu, Alan, ta tin cậu.”

Ông ta tiếp: “Trước kia cục tình báo không tin mẹ cậu, nhưng Alan, ta tin cậu. Bây giờ ta có đủ khả năng và quyền lực để tin cậu, không cần một điều kiện gì cả. Tôn trọng ý nguyện của cậu, ta hỏi cậu một lần nữa: Cậu sẵn lòng cống hiến vì nước Anh chứ?”

Tôi không nhớ mình đã trả lời thế nào. C bày ra trước mắt tôi sự thực quá tàn khốc, giờ phút này chúng ngợp ngụa trong óc tôi, xâm chiếm khả năng suy nghĩ của tôi. Tôi vẫn phỏng đoán chính cục tình báo đã chỉ thị mẹ tôi làm việc cho Berlin, nhưng hôm nay ảo tưởng ấy đã bị những lời của C đập nát. Tôi cảm thấy nơi nào đó trong ngực mình nhói buốt, nhưng không sao kêu được thành lời.

“Alan, ta biết sự thật sẽ khiến cậu đau khổ. Nhưng ta hy vọng cậu sẽ chỉ làm việc cho ta sau khi biết mọi chuyện. Nếu có thể, ta cũng không muốn làm tổn thương cậu.” C hỏi tôi: “Cuối tháng sáu, cậu có thể chế tạo xong máy giải mã chứ?”

Tôi nhớ đến lá thư nọ.

“Thủ tướng yêu cầu cuối tháng sáu chúng ta phải hoàn thành cỗ máy hoặc cung cấp tốc độ giải mã tương đương.” tôi nghe thấy mình nói: “Tôi có một đồng sự có thể làm xong máy giải mã vào cuối tháng sáu. Trước khi cậu ta hoàn thành nhiệm vụ, tôi cam đoan tốc độ giải mã của văn phòng số 1 sẽ ngang bằng tốc độ máy giải mã.”
Bình Luận (0)
Comment