Diary In Grey Tower

Chương 31

Edgar ở lại London giải quyết việc riêng một hôm, ngày thứ ba chúng tôi cùng ngồi xe về Cambridge, dự định nghỉ đêm ở nhà trọ, chiều hôm sau quay lại London.

Ngoài sự khan hiếm hàng hóa, Cambridge dường như chẳng thay đổi gì so với thời trước chiến tranh. Ở đây chúng tôi không nghe thấy tiếng máy bay ném bom gầm rú trên bầu trời, không nhìn thấy đội tự vệ quốc dân quân trang đầy mình luân phiên trực gác. Mái vòm sảnh đường khoa học và đỉnh giáo đường sừng sững giữa bầu trời màu lam, pho tượng đá vẫn giữ nguyên dáng dấp từ hàng thế kỷ nơi ngã tư đường. Tháng tám cuối hạ, những vụn hoa trắng li ti không tên rắc đầy dưới hàng bóng râm ven phố, mùi hương ngọt ngây ngấy lan tỏa trong không gian.

Nhìn những người trẻ tuổi vội vã băng qua đường, tôi như quên rằng mình đang ở giữa cuộc chiến tranh.

Edgar đeo giá vẽ sau lưng, tuần tự dạo qua các quán cà phê và quán bar chúng tôi thường lui tới ngày trước, dùng bút chì phác lại từng hàng ly đế cao chùi sáng bóng và chùm chuông gió lanh canh trên cửa sổ. Cậu ấy vẽ cả tôi, chúng tôi ngồi dưới tàng cây rợp bóng, cậu ấy cười hiền hậu: “Alan, cậu vẫn đẹp như thế.”

Cậu ấy hỏi tôi: “Cậu và Andemund hạnh phúc chứ?”

Tôi ôm cuốn tập: “Hạnh phúc.”

Cậu ấy cuộn bức tranh lại, thật cẩn trọng cất nó vào ba lô, nói: “Vậy hạnh phúc của tôi giữ ở đây.”

Tôi theo Edgar đến khu nhà trọ cậu ấy ở hồi trước. Chủ nhà mở cửa cho chúng tôi vào, tiếng chìa khóa tra vào ổ rỉ sét nghe rin rít. Đồ đạc cậu ấy để lại khi ra đi đã bị dọn sạch, trong phòng chỉ còn một cái bàn gãy chân. Sàn nhà trước cửa sổ có bốn vết lõm nhỏ nhỏ, ấy là nơi cậu ấy vẫn đặt giá vẽ ngày xưa.

Tôi nhìn quanh phòng, thấy trên màu giấy dán tường vàng ố còn lưu dấu vết nhiều khung tranh vuông vắn treo dạo nọ.

Hồi đó sau khi Edgar đi, tôi đến đây dọn đồ đạc giúp cậu ấy, lúc ấy mới thấy bốn bức tường treo đầy tranh, bức nào cũng là tôi. Tôi đang cười, tôi ngồi dưới tàng cây đọc sách, tôi hí hoáy giải toán, tôi lởn vởn quanh mấy cô em xinh đẹp. Tóc tôi không phải màu vàng sáng, màu mắt xanh xám của tôi hình như cũng chưa bao giờ đẹp như trong những bức tranh sơn dầu ấy, nhưng dưới ngòi bút của Edgar tôi chính là người đó, rực rỡ đến mức khiến mọi thứ xung quanh trở nên ảm đạm lu mờ.

Edgar đứng giữa căn phòng trống trải, chỉ vết khung tranh nâu nâu trên tường: “Chỗ này từng mang đầy hạnh phúc của tôi.”

“Lần này tôi trở về là để thu nhặt hạnh phúc.” Cậu ấy nói: “Alan, cậu vẫn nhớ ngày chúng ta ở bên nhau, phải không?”

Một giây lúc ấy tôi không biết phải đáp ra sao.

“Đừng nói thế chứ, nghe cứ như lần này đi cậu không về nữa ấy! Chiến tranh kết thúc nhất định cậu sẽ được về mà. Nếu cậu thích chỗ này thì mua lấy một căn nhà nhỏ mà ở. Rồi cậu sẽ gặp được cô gái cậu thực sự thích ở đây, giống như chúng ta gặp nhau hồi đó…” Tôi có chút bối rối: “Tôi mới ngó thấy quảng cáo rao bán nhà đó, ở khu quảng trường đẹp lắm, cậu mà ưng thì mình đi xem luôn.”

Cậu ấy bước tới, nhẹ nhàng ôm tôi: “Có lẽ rồi tôi sẽ không trở lại.”

“Không, không đâu, cậu sẽ sống chứ. Không phải cậu bảo máy bay Đức cũ rích còn bọn phi công thì rõ đần độn hả, đời nào chúng bắn hạ cậu được, đúng thế không?” tôi chộp lấy cánh tay cậu ấy, hỏi dồn.

Edgar không đáp, cậu ấy chỉ chăm chú nhìn tôi.

Gương mặt cậu ấy đượm buồn.

Rất lâu sau đó, Edgar thở dài: “Alan, cậu mãi mãi không biết được. Tôi đã thực sự hy vọng mọi chuyện không trở nên thế này.”

Được nghỉ tôi mới có thời gian từ từ ngẫm lại về bức điện máy giải mã không dịch được. Tôi chép nó ra tập vở, nhân lúc Edgar ngồi vẽ để lôi ra xem. Thế này làm tôi chợt thấy như thời gian đã trôi ngược dòng về nhiều năm trước, khi tôi mới gặp Andemund. Lúc ấy tôi và Edgar cũng thường ngồi bên nhau như vậy, cậu ấy vẽ, tôi mày mò nghiên cứu mật mã của Andemund, tiêu phí tất cả thời gian trên đời trong quán cà phê lộ thiên bên bờ sông Cam.

Cậu ấy hỏi tôi: “Lại toán à?”

Tôi gật gật: “Ờ, khó nhăn răng.”

Tối đến, chúng tôi nghỉ lại một quán trọ có ban công rộng thênh thang. Thời chiến ăn uống rất xoàng xĩnh, sau bữa cơm chiều bọn tôi chỉ còn mỗi việc đứng dựa lan can ngắm cảnh.

Không biết có phải tôi bị ảo giác không, nhưng hình như sắc mặt Edgar bỗng thật ảm đạm.

Tôi thì bận nghĩ đến vô số phương thức biến ảo của “Mê” nhưng không cách nào biên ra được đầy đủ ý nghĩa của bức điện nọ. Tôi bắt đầu đoán hệ thống nào đòi hỏi phải sử dụng loại mật mã mới này… tiếc là trong tay tôi hiện giờ chỉ có một bức điện, giá kể chặn được thêm mấy tin nữa, tình hình có lẽ sẽ khả quan hơn nhiều.

Giữa bữa cà phê sáng hôm sau, tôi xuống buồng điện thoại của khách sạn gọi về tổng đài trang trại Plymton, yêu cầu nối máy cho thượng úy Colin, liên lạc viên của không quân, hỏi anh ta liệu không quân Đức có dấu hiệu đổi mới hệ thống tình báo không.

Tiếng thượng úy Colin hơi khó nghe, coi bộ đang nhai thịt rán cho bữa sáng. Anh ta gắt: “Mẹ ơi, như giẻ rách. Rán miếng thịt tử tế bộ khó khăn lắm sao? Đợi tí tôi sắp sang phòng 1 đưa lịch bay hôm nay rồi, rồi từ từ mình bàn nhé.”

“Tôi đang nghỉ.” tôi nói: “Bạn tôi ở căn cứ không quân Hoàng gia mới về phép, tôi xin nghỉ đi loanh quanh với cậu ta.”

“À cái gã vẫn thư từ qua lại với cậu đấy hả… mà tên gì ấy nhỉ?”

“Edgar. Edgar Hilsenrath. Chậc, vừa rồi hai tháng trời không nhận được lá thư giấy đỏ nào, thật tôi cuống gần chết.”

“Giấy đỏ à?” Colin cao giọng.

“Thì giấy viết thư chuyên dụng của không quân chứ gì, góc dưới bên phải có in hình vương miện Nữ hoàng đó.” tôi lơ đễnh đáp.

Đầu dây bên kia đột nhiên im lặng một lúc lâu, mãi sau mới có tiếng thượng úy Colin ngập ngừng vang lên: “Alan, giấy viết thư màu đỏ không được sử dụng từ lâu rồi. Hiện nay chúng tôi dùng giấy màu xanh, dưới cùng in chữ nhỏ: Nước Anh muôn năm.”

Giữa mùa hè nước Anh, mà đột nhiên tôi thấy toàn thân lạnh toát.

“Loại giấy cậu nói chúng tôi bỏ ba năm nay rồi.”

Vậy tức là từ cái ngày Edgar ghi danh vào không quân, họ đã không còn dùng thứ giấy đó nữa.

Tôi nghe giọng mình run rẩy: “Anh ở đó có tra được danh sách phi công đang phục vụ không? Tìm giúp tôi Edgar Hilsenrath. Cậu ấy hưởng ứng lệnh triệu tập mùa hè năm 1939.”

Trở về phòng, bữa sáng đã được dọn ra trên bàn phòng sinh hoạt chung, sandwich đơn giản, trứng ốp la và cà phê. Chúng tôi ở cùng phòng, Edgar rót cho tôi một tách cà phê đen, có chút tiếc nuối nói: “Có ngần này thôi, chẳng mong đợi gì hơn được đâu. Nhà bếp nói bít-tết chỉ phục vụ bữa trưa với bữa tối thôi.”

Tôi cầm tách cà phê ngồi xuống sô pha, nhìn Edgar vào buồng thay đồ và trở ra với một bộ lễ phục đen. Đúng kiểu cổ áo phanh hở tôi thích, trang trí bằng một chiếc ghim cài đính kim cương, rất hợp với gương mặt Hy Lạp và mái tóc quăn của cậu ấy.

Tôi lại cảm thấy toàn thân ớn lạnh.

“Tình yêu ơi, xấu hở?” cậu ấy quay lại nhìn tôi.

“Hợp với cậu lắm, mặc vào một cái là khác liền.” tôi nói: “Bữa nay tính đi đâu?”

Cậu ấy bước tới, cúi xuống hôn trán tôi: “Không đi đâu hết, hôm nay ở lại khách sạn với tôi cả ngày nhé. Chà, Alan, hôm nay cậu cũng đẹp lắm.”

“Tôi muốn đi thăm thư viện hồi trước nữa.”

“Đừng đi, tình yêu à.” cậu ấy nhìn tôi: “Sao cậu không uống cà phê.”

“Vì có độc.”

Edgar sững người, cậu ấy lập tức bước lùi lại, khoanh tay thủ thế. Gương mặt cậu ấy cũng nhanh chóng lộ vẻ kinh ngạc: “Sao cậu biết?”

“Tôi đoán.” tôi chỉ bộ lễ phục trên người cậu ấy: “Cậu đã thay đồ đen đưa tiễn tôi rồi đấy thôi. Tôi vừa gọi cho người bạn ở Bộ chỉ huy không quân Hoàng gia, anh ta nói trung đội 13, đại đội 11 do thiếu tướng Parker chỉ huy chẳng có ai là Edgar Hilsenrath. Bạn thân mến ơi, hai năm nay rốt cuộc cậu đã đi đâu?”

Tôi nghe thấy Edgar chửi thề: “Quỷ tha ma bắt cục tình báo.”

Nhưng rất nhanh sau đó, cậu ấy trấn tĩnh lại và cương quyết tiến về phía tôi: “Alan, uống hết cà phê đi. Ngoan, uống xong tôi sẽ nói cho cậu nghe.”

Tôi đứng dậy ném tách cà phê qua cửa sổ. Kiến trúc quận Cambridge thường không cao lắm, nhưng chúng tôi ở tầng trên cùng, từ đây nhìn xuống người đi dưới ngã tư chỉ li ti như quân cờ vua.

Tôi cố làm ra vẻ bình thản: “Cậu biết cục tình báo sao?”

“Tôi biết cậu làm việc cho cục tình báo.”

“Từ bao giờ?” tôi hỏi.

“Ngay từ đầu. Kể từ khi cậu theo đuổi Andemund Garcia.” cậu ấy thở dài: “Đúng ra cậu nên nghiêm túc nghĩ về điều tôi nói trong thư, nhận công việc ở viện nghiên cứu, Alan ạ. Nếu cậu chịu rời khỏi hệ thống tình báo Anh từ khi đó, sự việc có lẽ đã không đến nước này.”

“Cậu theo Đức à?”

“Tôi họ Hilsenrath. Có lẽ cậu chưa bao giờ để ý, đó là một cái họ Đức. Cha tôi là người Đức.”

Với bộ lễ phục đen trên người, Edgar chậm rãi bước từ khoảng tối xấp bóng trong phòng đến bên cửa sổ rực nắng.

Cậu ấy đang an ủi tôi, vì giọng cậu ấy vẫn vô cùng dịu dàng.

“Alan, tay cậu đang run kìa.”

“Thực ra chẳng có gì đáng sợ cả, uống đi, sẽ xong nhanh thôi.”

“… cậu sẽ có một giấc ngủ tuyệt vời.”

Edgar chỉ cao hơn tôi gần một cái đầu, tôi nghĩ chúng tôi đánh nhau chắc là ngang ngửa. Đợi cậu ấy tiến đến đủ gần, tôi bật dậy, gồng mình thụi vào bụng cậu ấy. Cậu ấy lạng người tránh được. Tôi thì mất đà, lảo đảo chúi về phía trước, vừa lúc ấy tôi cảm thấy đau nhói sau gáy.

Cơn đau lan tỏa khắp toàn thân khiến tay chân tôi như nhũn ra, không thể đứng vững được và cứ thế gục xuống. Buồng phổi giống như đang kháng cự lại cơn tê dại bằng cách phập phồng hớp không khí hoàn toàn không theo chủ định của tôi.

Edgar kịp đỡ được tôi.

Cậu ấy nhét cái máy chích điện vào túi, nhẹ nhàng xoa lưng tôi: “Cường độ điện hơn 10 mili-am-pe, cậu sẽ bị tê liệt một lát.”

Sau giây phút run rẩy, toàn thân tôi thực sự tê liệt. Tôi chỉ có thể để mặc Edgar một tay ôm vai tay kia vòng xuống chân, bế bổng mình lên. Cậu ấy bế tôi vào phòng ngủ, gạt cái chăn lông dê nhàu nhĩ sang một bên và đặt tôi xuống giường.

Cậu ấy lại rót một tách cà phê, tự uống rồi cúi xuống áp môi lên môi tôi. Cơ mặt tôi tê dại, cà phê đen chảy tràn theo khóe miệng xuống vải trải giường trắng. Edgar kiên nhẫn bắt tôi uống thêm mấy ngụm nữa rồi rút khăn tay chậm rãi lau miệng cho tôi.

“Tôi đã cảnh báo cậu cẩn thận với quân áo đen, Alan. Cậu không nên dính vào bọn họ.”

“Yên tâm, chỉ là thuốc ngủ thôi, cậu sẽ không chết đâu. Tôi không thể chống lệnh cấp trên, nhưng tôi sẽ đưa cậu đến một nơi không ai có thể tìm tới. Cậu sẽ không phải đau khổ, và cũng sẽ mãi mãi không rời bỏ tôi.”

“Nếu ban nãy cậu uống hết cà phê mà không biết gì cả thì hoàn hảo biết bao. Cậu sẽ ngủ một cách vô tư và thuần khiết, chà, Alan.” cậu ta hôn trán tôi: “Người đẹp say ngủ của tôi.”

Cơn mê ập đến. Tôi có thể nhận biết được Edgar đang cởi nốt khuy áo ngủ của mình, đôi môi dày của cậu ấy lướt trên cổ tôi. Nhưng tôi không làm gì được, chỉ còn biết buông mình vào cõi hư vô hỗn độn.  Giây cuối cùng trước khi bị ý thức bỏ rơi, tôi thương tâm nghĩ… có lẽ mình sẽ không bao giờ được gặp lại Andemund nữa.

Andemund của tôi.
Bình Luận (0)
Comment