Điện Thoại Này Dùng Chung Nhé

Chương 2

Tôi chớp chớp mắt vài lần và nhìn lại - nhưng nó vẫn nằm nguyên đó, khuất nửa dưới mấy tờ chương trình hội thảo và cốc cà phê Starbuck bỏ đi. Điện thoại làm gì trong thùng rác thế nhỉ?

Tôi ngó quanh xem có ai đang nhìn mình không rồi rón rén thò tay vào lôi nó ra. Có dính vài giọt cà phê, nhưng ngoài ra thì có vẻ hoàn hảo. Một chiếc điện thoại tốt nữa. Vẫn mới thì phải.

Tôi thận trọng quay sang quan sát hành lang đông người. Chẳng một ai đếm xỉa gì đến tôi. Không ai chạy ào lại la lớn: “Điện thoại của tôi đấy!” Hơn nữa tôi đã đi đi lại lại chỗ này cả mười phút rồi. Cho dù người nào ném chiếc điện thoại vào đây thì họ cũng đã làm việc đó một lúc lâu rồi.

Có một mẫu giấy dính phía sau điện thoại, in chữ bé xíu Tập đoàn Tư vấn Bạch Cầu và một con số. Chắc ai đó vừa vứt nó đi ? Hay là nó ngỏm rồi ? Tôi ấn nút bật, màn hình sáng lên. Theo tôi thấy thì nó vẫn ngon.

Một giọng nói khẽ cất lên trong đầu bảo tôi nên giao nộp nó. Đem nó đến bàn trực và nói: “Xin lỗi, tôi nghĩ ai đó đã đánh rơi chiếc điện thoại này.” Đó là việc tôi nên làm. Cứ đi thẳng đến bàn, ngay bây giờ, giống như mọi công dân có trách nhiệm của xã hội...

Chân tôi không nhúc nhích lấy một li. Tay tôi nắm chặt chiếc điện thoại. Vấn đề là, tôi cần điện choại. Tôi cuộc là Tập đoàn Tư vẫn Bạch Cầu, dù họ là ai đi nữa, có cả triệu cái điện thoại. Với cả có phải tôi tìm thấy nó trên nền nhà hay trong phòng gửi đồ đâu nào? Nó nằm trong thùng rác cơ mà. Phàm cái gì đã nằm thùng rác tức làđồ bỏ đi. Rất công bằng đấy chứ. Ai lấy chả được. Luật là thế.

Tôi lại liếc vào trong thùng rác thì thoáng thấy một sợi dây màu đỏ, giống hệt như dây đeo trên cổ các đại biểu hội thảo. Tôi liếc người quản lý trực khách sạn để chắc chắn anh ta không nhìn mình, rồi thò tay vào kéo ra một tấm thẻ hội thảo. Mắt tôi bắt gặp gương mặt của một cô gái xinh đẹp lạ thường, bên dưới có in dòng chữ:Violet Russell, Tập đoàn Tư vấn Bạch Cầu.

Bây giờ tôi có một giả thiết tương đối tốt. Tôi có thể là Poirot. Đây là điện thoại của Violet Russell, cô ấy đã quẳng nó đi. Vì... một lý do nào đó.

Ồi, đấy là lỗi của cô ấy. Không phải của tôi.

Điện thoại bỗng nhiên rung lên làm tôi giật cả mình. Chết tiệt! Có người gọi! Chuông reo ở mức to nhất - và đó là nhạc điệu bài “Single Ladies” của Beyoncé. Tôi vội bấm Bỏ qua, nhưng một lát sau chuông lại rung lên lần nữa, ầm ĩ và không thể nhầm lẫn được.

Trên cái thứ này chẳng nhẽ không có nút điều khiển âm lượng sao? Mấy nữ thương gia ở gần quay sang nhìn tôi chăm chú, và tôi bối rối đến mức bấm trượt sang Trò chuyện thay vì Bỏ qua. Những nữ thương gia vẫn nhìn tôi, thế là tôi bèn áp sát điện thoại vào tai và quay đi.

“Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được,” tôi nói, cố gắng bắt chước giọng trả lời tự động. “Xin quý khách để lại lời nhắn.” Như thế mới thoát khỏi cái đồ của nợ chẳng biết là ai kia.

“Đang ở chỗ quái quỷ nào đấy?” một giọng đàn ông có học dịu dàng vang lên, tôi suýt ré lên vì kinh ngạc. Cứ như thật! Anh ta nghĩ tôi là tổng đài trả lời tự động! “Tôi vừa nói chuyện với Scottie. Một người quen của cậu ta nghĩ sẽ làm được vụ này. Như làm phẫu thuật nội soi vậy. Cậu ta thành thạo lắm. Sẽ không để lại bất kỳ dấu vết gì.”

Tôi không dám thở. Cũng không dám gãi mũi, dù đột nhiên ngứa không tưởng được.

“OK,” người đàn ông nói. “Dù làm gì thì cũng liều liệu đấy nhá."

Anh ta tắt máy, tôi kinh ngạc nhìn điện thoại chằm chằm. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ có người để lại lời nhắn thật.

Bây giờ tôi đâm ra cảm thấy có chút tội lỗi. Đây là một lời nhắn thứ thiệt, mà Violet lại không nhận được nó. Ý tôi là, không phải lỗi của tôi, tại cô ấy quẳng điện thoại đi, nhưng dù sao... Ngẫu hứng, tôi mò trong túi tìm bút và cái duy nhất tôi có thể viết lên là một tờ lịch chiếu phim cũ [Vua Sư tử ấy. Natasha có vé miễn phí. Tôi cứ nghĩ đó là thứ vớ vẩn cho trẻ con nhưng hóa ra lại bá cháy]. Tôi nguệch ngoạc: “Scottie có người quen, phẫu thuật nội soi, không dấu vết, liều liệu.”

Chỉ có trời mới biết thế nghĩa là thế nào. Có lẽ là hút mỡ? Dù sao cũng chẳng quan trọng. Vấn đề là, nếu như tôi gặp cái cô Violet này, tôi sẽ có thể chuyển lời nhắn.

Trước khi điện thoại lại rung lên lần nữa, tôi chạy vội về phía bàn người quản lý trực khách sạn, kỳ diệu thay chỗ này đã vắng người.

“Chào anh,” tôi hổn hển nói. “Lại là tôi đây. Đã ai tìm thấy nhẫn của tôi chưa?”

“Cho phép tôi được đảm bảo với cô, thưa cô,” anh ta nói với một nụ cười lạnh nhạt, “rằng nếu tìm thấy nó thì chúng tôi chắc chắn đã báo để cô biết. Chúng tôi có số điện thoại của cô mà...”

“Không, anh không có!” tôi ngắt lời anh ta, giọng gần như đắc thắng. “Vấn đề là ở đó! Số điện thoại mà lúc trước tôi đưa cho anh bây giờ... ờ... không tồn tại nữa. Không dùng nữa. Đại loại thế.” Điều mà tôi không hề muốn chính là anh ta gọi cho Gã Đội Mũ và nhắc đến một chiếc nhẫn lục bảo vô giá. “Xin anh đừng gọi số máy đó nữa. Thay vào đó, anh có thể dùng số này được không?” Tôi cẩn thận ghi lại số máy trên chiếc điện thoại Tạp đoàn Tư vấn Bạch Cầu. “Ờ, để chắc chắn... tôi có thể gọi thử được không?” Tôi với tay lấy máy để bàn của khách sạn và quay dòng số in trên máy. Một giây sau, giọng Beyoncé bắt đầu vang lên từ chiếc điện thoại di động. OK. Rốt cuộc tôi cũng nhẹ người được một chút. Tôi đã có số điện thoại.

“Thưa cô, còn việc gì nữa không?"

Người quản lý trực khách sạn bắt đầu tỏ ra khá khó chịu, sau lưng tôi đã có một loạt người đang xếp hàng. Thế là tôi cảm ơn anh ta lần nữa và đi về phía ghế tựa gần đó, lòng tràn đầy hưng phấn. Tôi có điện thoại và tôi có một kế hoạch.

Chỉ cần năm phút để ghi số điện choại mới của tôi lên trên hai mươi mẩu giấy viết của khách sạn cùng với dòng chữ hoa: “POPPY WYATT – NHẪN LỤC BẢO, XIN HÃY GỌI!!!” Tôi bực mình thấy cửa phòng khiêu vũ bây giờ đã bị khóa (mặc dù tôi dám chắc mình có thể nghe thấy tiếng những người dọn vệ sinh ở bên trong), vì vậy tôi bắt buộc phải đi lang thang quanh hành lang khách sạn, phòng trà, phòng gửi đồ của nữ, thậm chí cả khu vực tắm hơi, đưa số điện thoại của tôi cho bất cứ nhân viên khách sạn nào tôi gặp và giải thích sự việc cho họ biết.

Tôi gọi cho cảnh sát và đọc số máy mới cho họ. Tôi nhắn tin cho Ruby - tôi thuộc lòng số máy di động của cô ấy - như sau:

Ê! Bị giật điện thoại rồi. Đây là số di động mới của mình. Cậu nhắn với mọi người đc ko? Có dấu hiệu gì của chiếc nhẫn không???

Rồi tôi ngồi phịch xuống ghế tựa, người rã rời. Tôi cảm giác như đã trải qua cả một ngày trong cái khách sạn chết tiệt này. Đáng lẽ cũng nên gọi cho Magnus đưa cho anh số mới này, nhưng tôi chưa thể làm được. Toi có một linh cảm vô cớ là chỉ cần nghe thấy sắc giọng của tôi thôi là anh sẽ đoán ra vụ mất chiếc nhẫn. Anh sẽ cảm nhận thấy ngón tay tôi trống trơn ngay phút tôi cất tiếng chào.

Xin hãy quay trở lại, nhẫn ơi. Xin hãy quay trở lại, trở lại GIÙM CÁI...

Tôi ngả người ra phía sau, nhắm mắt lại, cố gắng gửi một thông điệp bằng thần giao cách cảm qua bầu trời. Vì thế nên lúc tiếng nhạc Beyoncé lại vang lên, tôi giật mình nhảy dựng lên. Có thể linh nghiệm rồi! Nhẫn của tôi! Có người đã tìm ra rồi! Thậm chí không xem số hiển thị, tôi liền bấm Nói chuyện và hào hứng trả lời: “A lô?"

“Violet à?” Một giọng đàn ông đập vào tai tôi. Không phải là giọng người lúc nãy, anh chàng này giọng trầm hơn. Nghe giọng anh ta có vẻ hơi nóng nảy, nếu như ta có thể đoán ra điểu đó chỉ qua hai từ [Điều mà tôi nghĩ là có thể.]. Anh ta cũng đang thở gấp gáp, điều này có nghĩa hoặc anh ta là một kẻ quái đản, hoặc anh ta đang tập thể dục. “Em đang ở trong sảnh à? Đoàn người Nhật vẫn ở đó chứ?”

Theo phản xạ tôi liền nhìn ra xung quanh. Có một nhóm người Nhật đứng ở gần cửa.

“Đúng thế, họ vẫn ở đây,” tôi nói. “Nhưng tôi không phải là Violet. Đây không còn là điện thoại của Violet nữa. Xin lỗi. Có khi anh nên chuyển lời dùm để mọi người biết số máy của cô ấy đã thay đổi?”

Tôi phải ngăn không cho các bạn của Violet quấy quả mình mới được. Tôi không thể chịu được việc họ cứ năm giây lại gọi một lần.

“Xin lỏi, ai đấy?” người đàn ông hỏi. “Tại sao cô lại trả lời số máy này? Violet đâu?”

“Tôi sở hữu chiếc điện thoại này,” tôi trả lời với giọng tự tin hơn tôi cảm thấy. Điều đó là sự thật. Nằm trong tay ai là của người đó chứ. [Tôi chưa bao giờ chắc mình có hiểu đúng không.]

“Cô sở hữu nó? Cái quái quỷ gì... ôi Chúa.” Anh ta làu bàu, tôi có thể nghe tiếng bước chân ở xa. Nghe có vẻ như anh ta đang chạy xuống cầu thang. [Chắc không phải là một kẻ quái đản rồi] “Hãy nói cho tôi biết, họ đang rời khách sạn à?"

“Mấy ông Nhật á?” Tôi liếc nhìn nhóm người. “Hình như thế. Không biết được.”

“Trong số họ có người đàn ông thấp lùn không? Béo ú, tóc dày ấy?”

“Ý anh nói người đàn ông mặc complet màu xanh da trời hả? Có, ông ta đứng ngay trước mặt tôi đây này. Trông có vẻ khó chịu. Bây giờ ông ta đang mặc áo khoác.”

Người đàn ông Nhật béo lùn vừa được đồng nghiệp đưa cho một chiếc áo Burberry. Ông ta vừa mặc áo vừa quắc mắt, một tràng tiếng Nhật giận dữ tuôn ra không ngớt từ miệng ông ta, trong khi tất cả các bạn ông ta lia lịa gật đầu.

“Không được!” Tiếng người đàn ông trong điện thoại hét lên làm tôi sửng sót. “Ông ta không thể đi được?

“Ờ, nhưng mà đúng là thế đấy. Rất tiếc.”

“Cô phải giữ chân ông ta. Hãy đến chỗ ông ta giữ không cho ông ta rời khách sạn. Đi đến chỗ đó đi, hãy làm tất cả những gì cần thiết.”

“Sao cơ?” Tồi nhìn chằm chằm vào điện thoại. “Anh nghe này, xin lỗi nhưng tôi thậm chí còn chưa bao giờ gặp anh...”

“Tôi cũng đã gặp cô bao giờ đâu,” anh ta đáp trả. “Mà cô là ai vậy? Cô có phải là bạn của Violet không ? Cô có thể cho tôi biết chính xác lý do con bé bỏ việc giữa chừng đúng dịp hội thảo lớn nhất trong năm không ? Con bé nghĩ tự dưng tôi không cần trợ lý riêng nữa sao ?” A ha. Vậy ra Violet là trợ lý riêng của anh ta. Nghe hợp lý đấy. Và con bé đã cho anh ta nghỉ khỏe! Ờ, mình cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, anh ta hách dịch thế cơ mà.

“Đằng nào cũng chẳng quan trọng,” anh ta tự ngắt lời mình. “Vấn đề là, tôi đang đi cầu thang bộ từ trên tầng chín, thang máy bị tắc, không đầy ba phút nữa tôi mới xuống tới tầng trệt, cô có nhiệm vụ giữ chân Yuichi Yamasaki ở đó cho tới khi tôi đến nơi. Cho dù cô là cái ngữ gì đi nữa.”

Có láo toét không!

“Không thì sao?” tôi đáp trả.

“Nếu không thì công đàm phán suốt một năm trời trôi sông đổ biển cả chỉ vì một sự hiểu lầm ngớ ngấn đấy. Đổ bể vụ làm ăn lớn nhất trong năm. Một nhóm hai mươi người mất việc làm.” Giọng anh ta nghe tàn nhẫn. “Từ người quản lý cao cấp đến thư ký, tuốt cả hội. Chỉ bởi vì tôi không thể xuống kịp và người duy nhất có thể giúp lại không chịu giúp.”

Ôi, quỷ tha ma bắt.

“Được rồi!" tôi điên tiết nói. “Tôi sẽ cố hết sức. Anh nhắc lại tên ông ta xem nào?”

“Yamasaki ”

“Đợi đã!” tôi vừa gọi vừa chạy dọc qua sảnh. “Xin hãy đợi, thưa ông Yamasaki! Ông có thể đợi một phút được không?”

Ông Yamasaki quay người lại, vẻ ngạc nhiên, mấy tay vệ sĩ bước lên, bao bọc quanh ông ta. Bộ mặt to bự của ông ta vẫn đang rúm ró giận dữ, cái cằm bạnh quấn trong một chiếc khăn lụa. Tôi cảm giác đây không phải người ưa nói chuyện tào lao.

Tôi không biết phải nói gì tiếp theo. Tôi không biết nói tiếng Nhật, cũng không biết gì về thương mại Nhật Bản hay văn hóa Nhật Bản. Ngoại trừ sushi. Nhưng tôi không thể tự dưng tiến tới chỗ ông ta mà nói “Sushi!” được. Như thế khác nào tiến gần một thương gia Mỹ mà nói “Bít tết!” cơ chứ.

“Tôi... rất hâm mộ... công việc của ông,” tôi ứng biến. “Liệu tôi có thể xin chữ ký của ông được không ?”

Ông ta có vẻ lúng túng, một đồng nghiệp ghé tai ông ta thì thầm dịch. Ngay lập tức lông mày ông ta dãn ra, ông ta cúi người chào tôi.

Tôi từ tốn cúi người chào lại, ông ta bật ngón tay, mồm quát ra lệnh. Mấy giây sau, một chiếc cặp da rất đẹp được mở ra trước mặc ông ta, ông ta trau chuốt viết cái gì đó bằng tiếng Nhật.

“Ông ta vẫn còn ở đó chứ?” Giọng người lạ bỗng phát ra từ điện thoại.

“Ừa,” tôi thì thầm. “Sắp đi rồi đây này. Anh đang ở đâu?” Tôi đon đả cười với ông Yamasaki.

“Tầng năm. Cứ giữ chân ông ta đấy. Hãy làm những gì cần thiết.”

Ông Yamasaki đưa cho tôi mẩu giấy, đóng nắp bút lại, cúi chào lần nữa và chuẩn bị rời đi.

“Hãy đợi đã!” tôi la lên. “Liệu tôi có thể... cho ông xem cái này không?"

“Ngài Yamasaki rất bận,” một đồng nghiệp của ông ta, đeo kính gọng sắt và mặc chiếc áo sơ mi trắng nhất tôi từng thấy, quay lại nói. “Xin vui lòng liên hệ qua văn phòng của chúng tôi.”

Họ lại sắp sửa rời đi. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không thể xin thêm chữ ký nữa. Không thể chồm vào buộc chân ông ta. Cách nào đó, tôi phải thu hút được sự chú ý của ông ta...

“Tôi có một thông báo quan trọng!” tôi kêu lên, vội vã đi theo họ. “Tôi là một bức điện âm nhạc! Tôi mang tin nhắn từ vô số những người hâm mộ ông Yamasaki. Sẽ là rất khiếm nhã với họ nếu như ông từ chối tôi đấy!”

Từ “khiếm nhã” có vẻ khiến họ dừng ngay lại. Họ cau mày, nhìn nhau bối rối.

“Một bức điện âm nhạc?” người đàn ông đeo kính gọng sắt nói đầy ngờ vực.

“Như kiểu quà tặng âm nhạc ấy,” tôi ướm lời. “Chỉ hát thôi.”

Tôi không chắc nói như vậy có làm sáng rõ hơn chút nào không.

Sau một hồi rối rít tỉ tê cái gì đó vào tai ông Yamasaki, phiên dịch viên quay sang phía tôi,

“Cô được phép biểu diễn.”

Ngài Yamasaki quay lại, và tất cả nhân viên của ông ta làm theo, khoanh tay chờ đợi, đứng thành hàng. Xung quanh sảnh, tôi có thể thấy một vài cái nhìn quan tâm từ những nhóm thương gia khác.

“Anh đang ở đâu thế hả ?" tôi tuyệt vọng thì thầm vào điện thoại.

“Tầng ba,” lát sau giọng người đàn ông mới vang lên. “Ba mươi giây nữa, đừng để ông ta đi mất.”

“Bắt đầu đi,” người đàn ông kéo kính gọng sắt nói với giọng châm chọc.

Một số ngưòi đứng gần quay sang theo dõi. Ôi Chúa. Sao tôi lại có thể tự đưa mình vào tình thế này chứ? Thứ nhất, tôi không biết hát. Thứ nhì, tôi có thể hát gì về một thương gia Nhật Bản tôi chưa từng gặp trước đó? Thứ ba, tại sao tôi lại đi nói “bức điện âm nhạc” hả giời?

Nhưng nếu tôi không mau mau làm gì đó, hai mươi người có thể mất việc.

Tôi cúi người thật thấp, chỉ để câu giờ, và tất cả nhóm người Nhật liền cúi đầu chào đáp lại.

“Bắt đầu đi,” người đàn ông keo kính gọng sắc nhắc lại, mắt quắc lên.

Tồi hít một hơi dài. Tiến lên nào. Mình làm gì chẳng quan trọng. Chỉ cần kéo dài ba mươi giây. Rồi mình có thể bỏ chạy và họ sẽ không bao giờ gặp lại mình nữa.

“Ngài Yamasaki...” Tôi bắt đầu một cách thận trọng, theo giai điệu của bài “Single Ladies”. “Ngài Yamasaki. Ngài Yamasaki, Ngài Yamasaki.” Tôi lắc hông và vai hướng về phía ông ta, nhún nhảy như Beyoncé [OK không phải giống như Beyoncé mà là như thể tôi đang bắt chước Beyoncé]. “Ngài Yamasaki, Ngài Yamasaki.”

Thực tình chẳng có gì khó cả. Tôi không cần lời bài hát mà chi cần nhai đi nhai lại “Ngài Yamasaki” là được. Sau một hồi, thậm chí vài người Nhật cũng hát theo và vỗ lưng ngài Yamasaki.

“Ngài Yamasaki, Ngài Yamasaki. Ngài Yamasaki, Ngài Yamasaki.” Tôi giơ ngón tay lên và nháy mắt, vẫy vẫy ông ta. “Ô ô ô...ô ô ô…”

Cái bài hát này dễ thuộc đến tức cười. Tất cả đám người Nhật bây giờ đều hát cùng, trừ Ngài Yamasaki, chỉ đứng đó, vẻ thích thú. Một số đại biểu đứng gần cũng hát theo, tôi nghe ai đó trong số họ nói: “Đây có phải một màn Flash mob không?”

“Ngài Yamasaki, Ngài Yamasaki, Ngài Yamasaki... Anh đang ở đâu hả?” Tôi thì thầm vào điện thoại, mặt vẫn giữ vẻ rạng rỡ.

“Đang xem.”

“Cái gì cơ?” Tôi ngẩng phắt lên, đưa mắt quét qua hành lang. Đột nhiên cái nhìn của tôi dừng lại ở một người đàn ông đứng một mình, cách khoảng ba mươi mét. Anh ta mặc bộ complet sẫm màu, tóc đen dày rối bù, điện thoại áp vào tai. Mặc dù ở cách xa, tôi vẫn có thể thấy anh ta đang cười.

“Anh ở đây bao lâu rồi ?" tôi tức giận hỏi.

“Vừa mới tới thôi. Không muốn làm gián đoạn mà. À, cô cừ lắm,” anh ta bổ sung. “Tôi nghĩ cô đã lôi kéo được tay Yamasaki ngay tại trận rồi.”

“Cảm ơn,” tôi nói giọng châm biếm. “Rất vui đã giúp được việc cho anh. Bây giờ ông ta là của anh rồi nhé.” Tôi cúi người chào Ngài Yamasaki rất điệu, rồi quay gót bước nhanh ra cửa, bỏ qua những tiếng kêu thất vọng của đám người Nhật. Tôi có nhiều việc quan trọng để lo hơn là đám người xa lạ ngạo mạn và những vụ làm ăn ngu xuẩn của họ.

“Đợi đã!” Giọng của người đàn ông đuổi theo tôi, qua tai nghe. “Cái điện thoại đó. Là của thư ký riêng của tôi.”

“Thế thì lẽ ra cô ta không nên vứt nó đi.” Tôi đáp trả, đẩy cửa đi ra. “Người nào bắt được thì là của người đấy.”

Có mười hai trạm tàu điện ngầm từ Knightsbridge tới nhà của bố mẹ Magnus ở khu Bắc London, và tôi kiểm tra điện thoại ngay khi tôi từ ga tàu đi lên. Chiếc máy nháy sáng báo có nhiều tin mới - khoảng mười tin nhắn và hai mươi email - nhưng chỉ có khoảng năm tin cho tôi và không có tin tức gì về chiếc nhẫn. Một tin từ đồn cảnh sát - tim tôi nảy lên hy vọng - nhưng chỉ là để xác nhận tôi đã báo cáo vụ việc và hỏi xem tôi có muốn Nhân viên Hỗ trợ Nạn nhân đến thăm không.

Phần còn lại đều là tin nhắn và thư cho Violet. Khi giở xem, tôi nhận thấy từ “Sam” hiện ở dòng chủ đề của khá nhiều email. Lại cảm thấy như thám tử Poirot, tôi kiểm tra mục “Số đã gọi” và tất nhiên, số cuối cùng gọi cho chiếc máy này là “di động của Sam." Vậy đó là anh ta rồi. Sếp của Violet. Tay Tóc Đen Rối Bù. Và để minh chứng cho điều đó, địa chỉ email của Violet là [email protected].

Tò mò một chút, tôi mở một mail ra. Người gửi là [email protected] và chủ đề là: “Về việc: Ăn tối ? “

Cảm ơn Violet. Xin đừng nói gì với Sam. Bây giờ mình cảm thấy hơi xấu hổ!

Ồ. Vì sao cô ta lại xấu hổ nhỉ ? Trước khi ngăn được mình, tôi đã kéo xuống xem thư cũ được gửi hôm qua.

“Chị Jenna ạ, thực ra, chị cần biết điều này - Sam đã đính hôn rồi. Chúc chị mọi điều tốt lành. Violet.”

Anh ta đính hôn rồi. Hay đấy. Khi đọc lại mấy từ đó lần nữa, tôi cảm giác có một chút phản ứng lạ lùng trong người, tôi không thể cắt nghĩa được - ngạc nhiên ư?

Nhưng tại sao tôi phải ngạc nhiên? Tôi thậm chí còn không biết anh ta.

OK, bây giờ tôi phải biết toàn bộ câu chuyện. Tại sao Jenna lại xấu hổ? Điều gì đã xảy ra? Tôi kéo xuống nữa cho đến khi tìm thấy một thư mở màn rất dài của Jenna, cô ta rõ ràng đã gặp tay Sam Roxton này ở một buổi chiêu đãi, bị anh ta hớp hồn và hai tuần trước đã mời anh ta đi ăn tối, nhưng anh ta không trả lời điện thoại.

"... hôm qua mình gọi lại... có thể là nhầm số... có người bảo mình anh ấy nổi lắm, cách tốt nhất để tiếp cận anh ấy là thông qua thư ký riêng... rất xin lỗi làm phiền bạn... gọi lại hoặc thư cho mình biết tin nhé...”

Tội nghiệp cô ta. Tôi cảm thấy phẫn nộ thay cho cô ta. Tại sao anh ta không trả lời ? Gửi nhanh vài dòng mail từ chối khéo thì đã chết ai ? Xong rồi rốt cuộc hiểu ra anh ta đã đính hôn, lạy Chúa.

Tóm lại là chuyện tầm phào. Đột nhiên tôi nhận thấy mình đang chõ mũi vào hộp thư của người khác, trong khi tôi có một đống việc khác quan trọng hơn phải bận tâm. Poppy ơi, phải biết cái gì đáng ưu tiên chứ. Tôi cần mua một chai rượu biếu bố mẹ Magnus. Và một tấm thiệp “Mừng về nhà.” Và, nếu như tôi không tìm ra dấu vết chiếc nhẫn trong vòng hai mươi phút nữa... một đôi găng tay.

Thảm họa. Thảm họa. Tình hình là tháng Tư thì không ai bán găng tay cả. Thứ duy nhất tôi tìm thấy là đồ tồn kho ở cửa hàng Accessorize. Đồ từ mùa Giáng sinh năm ngoái, chỉ còn cỡ nhỏ.

Không thể tin nổi là tôi đang nghiêm túc chuẩn bị gặp mặt bố mẹ chổng tương lai trong đôi găng tay chật ních hình tuần lộc bằng len đỏ. Lại còn tua rua.

Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Hoặc là thế hoặc là tay trơ gặp họ.

Trong khi bắt đầu chặng đường dài lên đồi dẫn tới nhà bố mẹ Magnus, tôi cảm thấy phát ốm phát sốt. Không chỉ vì chiếc nhẫn. Cả cái viễn cảnh đáng sợ về nhà chồng nữa. Tôi rẽ qua đường và ngay lặp tức nhận thấy tất cả cửa sổ của ngôi nhà đều sáng trưng. Họ đã về.

Tôi chưa từng biết ngôi nhà nào phù hợp với gia chủ như nhà của gia đình Tavish. Nó lâu đời và đồ sộ hơn bất kể ngôi nhà nào cùng phố, khinh khỉnh nhìn xuống từ vị trí thượng tôn của mình. Trong vườn có cây thủy tùng và cây bách diệp. Những nhánh thường xuân leo phủ kín tường, còn cửa sổ thì vẫn giữ nguyên các bộ khung gỗ nguyên gốc từ năm 1835. Trong nhà dán giấy dán tường của William Harris từ những năm 1960 trong khi sàn gỗ trải thảm Thổ Nhĩ Kỳ.

Có điều là bạn không thực sự thấy được những tấm thảm bởi vì chúng gần như bị che phủ dưới đống tài liệu và bản thảo cũ kỹ mà chẳng ai thèm bỏ công dọn dẹp bao giờ. Trong gia đình Tavish không ai quan tâm đến việc dọn dẹp cả. Có lần tôi nhặt được một quả trứng luộc đã hóa thạch trong căn phòng ngủ dành cho khách, vẫn nằm trong cốc đựng trứng, cùng với một lát bánh mì khô queo. Chắc phải đến một năm tuổi.

Và chỗ nào trong nhà cũng ngồn ngộn toàn sách với vở. Xếp lên nhau thành ba chồng trên giá sách, vứt thành từng đống trên nền nhà và ở mọi phía của cái bồn tắm ố vàng. Bác Antony viết sách, bác Wanda viết sách, Magnus viết sách và Conrad - anh trai anh cũng viết sách. Thậm chí Margot - vợ của Conrad cũng viết sách [Nhưng không phải sách truyện mà là sách có chú thích. Sách có chủ đề, ví dụ như lịch sử, nhân chủng học và chủ nghĩa tương đối văn hóa ở Turkmenistan].

Thật tuyệt vời. Ý tôi là, thật đáng hãnh diện khi cả gia đình đều là những trí thức đầu bảng. Nhưng điều đó cũng khiến bạn có tí tẹo tèo teo cảm giác cọc cạch.

Đừng hiểu lầm, tôi nghĩ mình cũng khá thông minh. Bạn biết đấy, kiểu một người bình thường, học trung học, vào được đại học, kiếm được việc làm và mọi thứ. Nhưng đây không phải là những người bình thường, họ ở trong một bảng khác. Họ có đầu óc siêu việt. Họ là phiên bản hàn lâm của Gia đình Siêu nhân [Mình tự hỏi không biết nhà họ có ăn dầu cá không. Mình phải nhớ hỏi họ mới được], Tôi mới chỉ gặp bố mẹ anh một vài lần, khi họ quay về London một tuần vì bác Antony có bài giảng quan trọng, nhưng chừng đó cũng đủ gây ấn tượng với tôi. Trong khi bác Antony giảng giải về lý thuyết chính trị thì bác Wanda trình bày trước một tổ chức nghiên cứu chiến lược quan trọng nào đó một bài viết về Do Thái giáo và nữ quyền, cả hai đều xuất hiện trên chương trình Giới thiệu Văn hóa, với hai quan điểm đối lập nhau trước một phóng sự về ảnh hưởng của thời kỳ Phục hưng [Đừng hỏi tôi. Tôi đã lắng nghe rất chăm chú nhưng không thể hiểu ra vì sao họ lại bất đồng quan điểm. Tôi nghĩ người dẫn chương trình cũng chẳng khá khẩm gì hơn tôi]. Bối cảnh của lần gặp gỡ trước giữa tôi và hai bác ấy là như vậy. Không có cái gì gọi là áp lực cả.

Tôi đã được giới thiệu với bố mẹ của một số bạn trai trước đây, nhưng phải thừa nhận đây là lần tồi tệ nhất. Chỉ mới bắt tay và nói mấy câu xã giao, tôi đang kể với bác Wanda bằng giọng tự hào rằng mình học trưòng nào ra thì bác Antony ngước nhìn qua cặp kính to như nửa vầng trăng, cặp mắt bác ấy sáng lạnh, và nói: “Tốt nghiệp ngành vật lý trị liệu à. Hay đấy nhỉ.” Ngay lập tức tôi cảm thấy bị đè bẹp dí. Tôi á khẩu luôn. Thực ra thì tôi đã bối rối đến độ bèn chuồn khỏi phòng, vào nhà vệ sinh. [Về sau Magnus nói là bố anh nói vui vậy thôi. Nhưng nghe chẳng bông đùa chút nào.]

Sau đó, tất nhiên là tôi đóng băng. Ba ngày đó chao ôi là khổ sở vật vã. Câu chuyện càng trở nên học vấn bao nhiêu thì tôi càng ngậm hột thị và lúng túng bấy nhiêu. Đệ nhị giây phút tệ hại của tôi là như sau: phát âm tên “Proust” sai và mọi người đều đưa mắt nhìn nhau. Đệ nhất giây phút tệ hại của tôi: trong phòng khách mọi người đang theo dõi chương trình “Thử thách đại học” thì có phần câu hỏi về xương. Là chủ đề của tôi! Tôi học ngành này! Tôi biết tất cả tên tiếng Latin và mọi thứ! Nhưng đúng lúc tôi đang còn dốc sức trả lời câu hỏi đầu tiên thì bác Antony đã đưa ra đáp án đúng rồi. Tôi nhanh nhẹn hơn ở phần sau - nhưng chung cuộc bác ấy vẫn đánh bại tôi. Tất cả vụ này như thể một cuộc thi đấu, và bác ấy đã thắng. Thế rồi lúc kết thúc, bác ấy nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân rồi hỏi: “Ở trường vật lý trị liệu người ta không dạy giải phẫu học à, Poppy?” khiến tôi chỉ hận không có cái lỗ nào mà chui xuống.

Magnus nói anh yêu tôi, không phải bộ óc của tôi, và rằng tôi chỉ việc lờ gia đình anh đi. Natasha thì nói chỉ cần nghĩ tới chiếc nhẫn, ngôi nhà ở Hampstead và biệt thự ở Tuscany. Đấy là cách nhìn của Natasha. Còn tôi thì cho rằng tốt nhất là nên thế này: không nghĩ gì đến họ cả. Và cho đến nay mọi việc đểu ổn. Họ ở cách xa vạn dặm, mãi tận Chicago.

Nhưng bây giờ họ đã về.

Ôi Chúa. Tôi vẫn hơi lăn tăn về vụ “Proust” (hay là Proost? Prost?). Tôi cũng chưa ôn lại tên tiếng Latin của các loại xương. Hơn nữa vào giữa tháng Tư, tôi lại đang đeo găng tay len đỏ hình tuần lộc. Có tua lua xua.

Chân tôi run rẩy trong khi tôi ấn chuông. Run rẩy thực sự. Tôi cảm giác mình như người hình nộm trong Phù thủy xứ Oz. Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể đổ sụp trên đường và bác Wanda sẽ mắng cho tôi một trận vì tội để mất chiếc nhẫn.

Thôi nào, Poppy. Mọi việc ổn cả. Không ai nghi ngờ gì đâu. Mình sẽ nói là tay mình bị bỏng. Cứ bịa thế đi.

“Chào chị Poppy!”

“A, Felix! Chào em!”

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy người ra mở cửa là Felix.

Felix là cậu út cùa gia đình - mới mười bảy tuổi và vẫn đang đi học. Thực tế là Magnus ở cùng với cậu ấy suốt thời gian bố mẹ đi vắng, như kiểu người trông trẻ, còn tôi dọn đến ở cùng sau khi chúng tôi đính hôn. Không phải vì Felix cần người trông nom. Cậu ấy hoàn toàn tự lập, đọc sách suốt ngày và bạn thậm chí chẳng bao giờ biết cậu ấy ở trong nhà. Một lần tôi đã cố huyên thuyên đôi chút với cậu ấy về chủ đế “hút hít”. Cậu ấy lịch sự sửa tôi từng chi tiết một, rồi nói cậu ấy để ý thấy tôi uống nhiều hơn mức gợi ý của Red Bull và hỏi tôi có nghĩ rằng liệu mình nghiện Red Bull không. Đó là lần cuối cùng tôi cố gắng ra dáng đàn chị.

Sao cũng được. Tóm lại, tình hình trên đã chấm dứt vì bây giờ hai bác Antony và Wanda đã từ Mỹ trở về. Tôi đã dọn trở lại căn hộ của mình và chúng tôi bắt đầu để ý tìm thuê nhà. Magnus chỉ muốn tiếp tục ở nhà bố mẹ. Anh nghĩ chúng tôi có thể tiếp tục sử dụng phòng ngủ và buồng tắm dự phòng ở tầng trên cùng, và như thế chẳng phải sẽ rất thuận tiện cho anh tiếp tục sử dụng thư viện của bố hay sao?

Anh có bị khùng không? Đời nào tôi lại sống dưới cùng một mái nhà với gia đình Tavish chứ.

Tôi theo Felix vào trong nhà bếp, Magnus đang ngồi đó, ngả nghiêng trên ghế, tay chỉ vào một trang đánh máy mà nói: “Anh nghĩ lập luận của em sai ở chỗ này. Ở khổ thứ hai.”

Dù Magnus ngồi kiểu gì, dù anh làm gì, trông anh vẫn tao nhã. Đôi chân đi giày da nâu mềm gác trên ghế, anh đang hút dở điếu thuốc [Tôi biết. Tôi đã bảo anh cả tỷ lần rồi đấy chứ.] và mái tóc màu râu ngô hất ngược lên trước trán như thác nước.

Nhà Tavish có chung một màu tóc, giống kiểu gia đình sói. Thậm chí bác Wanda cũng nhuộm tóc tương tự. Nhưng tóc Magnus trông đẹp hơn cả, tôi không nói vậy chỉ vì tôi sắp cưới anh đâu. Da anh tàn nhang, lại dễ bắt nắng, mái tóc màu hung sẫm của anh trông giống như trong quảng cáo. Đó là lý do tại sao anh để tóc dài [Không dài thành búi tó, như thế trông sẽ thô. Chỉ vừa phải ở hai bên]. Thực tế là anh khá tự đắc về điều đó.

Thêm nữa, tuy là một học giả nhưng anh không phải anh chàng mọt sách ngồi trong nhà đọc cả ngày. Anh trượt tuyết rất giỏi, và anh cũng sẽ dạy tôi trượt tuyết. Trên thực tế, nhờ đó mà chúng tôi quen nhau. Anh bị bong gân cổ tay trong khi trượt tuyết nên mới đến trung tâm vật lý trị liệu. Lẽ ra Annalise mới là người điều trị cho anh, nhưng cô ấy lại đổi lịch hẹn để khám cho một bệnh nhân thường xuyên, nên thay vào đó tôi khám cho anh. Một tuần sau đó anh bắt đầu tán tỉnh tôi và một tháng sau thì anh ngỏ lời cầu hôn. Một tháng đấy! [Tôi không nghĩ sẽ có ngày Annalise tha thứ cho tôi. Trong đầu cô ấy, nếu cô ấy không đổi hẹn thì bây giờ cô ấy mới là người sắp cưới Magnus].

Lúc này Magnus ngước nhìn lên, gương mặt anh bừng sáng. “Em yêu! Mỹ nhân của anh thế nào? Lại đây đi!” Anh khoác tay làm hiệu bảo tôi tới gần để hôn, rồi khum tay ôm mặt tôi, như cách anh vẫn làm.

"Chào anh,” tôi gượng cười. “Hai bác về nhà rồi chứ? Chuyến bay thế nào ạ? Em nóng lòng muốn gặp hai bác quá.”

Tôi cố gắng tỏ ra hào hứng nhất có thể, mặc dù chân tôi chỉ muốn tháo chạy ra khỏi cửa phi một lèo xuống cuối đồi.

“Em không nhận được tin nhắn của anh à?” Magnus có vẻ không hiểu.

“Tin nhắn gì cơ? À” Tôi.chợt hiểu ra. “Tất nhiên rồi. Em đánh mất điện thoại. Em có số mới. Em sẽ đưa cho anh.”

“Em đánh mất điện thoại à?” Magnus nhìn tôi chăm chú. Chuyện gì xảy ra vậy?

“Không có gì!” tôi nói giọng tỉnh bơ. “Chỉ là... đánh mất nên phải kiếm một cái mới. Chẳng có chuyên gì to tát đâu anh.”

Tôi đã quyết định đường lối chung là ngay bây giờ càng ít nói với Magnus thì càng tốt. Tôi không muốn bị cuốn vào bất kỳ cuộc nói chuyện nào xoay quanh việc tại sao tôi lại cố sống cố chết giữ rịt lấy một chiếc điện choại vô tình lượm được trong thùng rác.

“Thế anh nhắn gì vậy?” tôi vội vàng bổ sung, cố lái câu chuyện sang hướng khác.

“Máy bay của bố mẹ anh chuyển hướng. Bố mẹ anh phải bay qua Manchester. Đến mai mới về tới nhà.”

Chuyển hướng?

Manchester?

Ôi Chúa ơi. Tôi an toàn rồi! Tôi được hoãn thi hành án rồi! Chân tôi có thể ngừng run lẩy bẩy rồi! Tôi muốn hát vang Hallelujah! Ma-an-chester! Ma-an-chester!

“Trời, chán thế!” Tôi cố hết sức nặn ra một vẻ mặt thất vọng. “Khổ thân hai bác quá! Manchester ở xa tít mù khơi thế mà! Em cũng mong ngóng chờ được gặp hai bác. Chán quá.”

Tôi nghĩ mình nói khá thuyết phục. Felix ném cho tôi một cái nhìn kỳ cục, nhưng Magnus đã ngồi xuống ghế cầm tờ bản thảo lên. Anh không bình luận gì về găng tay của tôi. Felix cũng thế.

Có lẽ tôi có thể thoải mái tí tẹo rồi.

“Ờ... thế... hai anh em này,” tôi nhìn quanh bếp. “Thế còn nhà cửa thì sao?”

Magnus và Felix nói định dọn dẹp chiều nay, nhưng nhà cửa trông như bãi chiến trường. Trên bàn bếp đầy hộp đồ ăn sẵn, một chồng sách nằm trên mặt lò sưởi và thậm chí cả trong nồi. “Ngày mai hai bác về nhà. Chúng ta nên làm gì đó chứ?”

Magnus trông vẫn ngây ra. “Bố mẹ anh chẳng bận tâm đâu.”

Tất nhiên là anh có thể nói như vậy được. Nhưng mình là con dâu (tương lai), đã ở trong nhà và sẽ bị ăn mắng.

Magnus và Felix bắt đầu nói chuyện về cái chú thích nào đó [Thấy chưa? Cái gì cũng nằm ở chú thích hết đó], tôi bèn quay sang bàn bếp bắt đầu dọn dẹp qua loa. Tôi không dám cởi găng tay, nhưng hai anh em chẳng hề để ý đến tôi, may quá. Ít nhất tôi biết các phòng khác trong nhà ổn cả. Hôm qua tôi đã rà soát toàn bộ chỗ này, thay tất cả các lọ sữa tắm cũ kỹ bẩn thỉu và lắp tấm mành che mới cho phòng tắm. Điều hay ho nhất là tôi đã lần tìm ra một số cỏ chân ngỗng cho công việc nghiên cứu của bác Wanda. Ai cũng biết bác ấy mê mẩn cỏ chân ngỗng. Bác ấy thậm chí còn viết một bài báo về “Cỏ chân ngỗng trong văn học”. (Đây đơn giản là một đặc thù của gia đình này: bạn không thể chỉ thích suông, bạn phải trở thành chuyên gia hàn lâm hàng đầu về điều đó.)

Lúc tôi dọn dẹp nhà cửa gọn gàng xong, Magnus và Felix vẫn đang mải mê trao đổi. Nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp rồi. Không ai hỏi tôi về chiếc nhẫn. Tôi cứ đà này mà đi về thôi.

“Thôi, em về đây,” tôi nói bình thản và hôn phớt lên đầu Magnus. “Anh cứ nói chuyện tiếp với Felix đi. Khi nào hai bác về, cho em gửi lời chào hai bác nhé.”

“Em ở lại đây đi!” Magnus vòng tay qua eo tôi kéo tôi lại gần. “Bố mẹ anh muốn gặp em!”

“Thôi không, có anh và Felix là được rồi, mai em đến sau.” Tôi cười thật tươi đánh lạc hướng để không ai chú ý đến việc tôi đang nhích dán ra cửa, tay để sau lưng. “Còn nhiều thời gian mà.”

“Em không trách chị đâu,” Felix ngẩng đầu lên nói, lần đầu tiên kể từ lúc tôi bước vào nhà.

“Sao cơ?" tôi nói, thấy hơi khó hiểu. “Không trách chị về việc gì?”

“Không muốn ở lại.” Cậu ấy nhún vai. “Em nghĩ chị thật lạc quan dù bố mẹ em phản ứng như vậy. Em đã định nói thế bấy lâu nay. Chắc chắn chị là một người rất tốt, Poppy ạ.”

Cậu ấy nói cái gì vậy?

“Chị không hiểu... ý em là sao?” tôi quay sang Magnus tìm sự giúp đỡ.

“Không có gì đâu em,” anh lấp liếm. Nhưng Felix đang nhìn ông anh trai chằm chằm, ánh mắt lóe sáng.

“Ôi Chúa ơi. Anh không nói gì với chị ấy à?"

“Felix, em thôi đi.”

“Anh không nói gì, đúng không? Như thế không công bằng lắm, đúng không, anh Mag?”

“Nói chuyện gì cơ?” Tôi quay từ người này sang người kia. “Chuyện gì ?”

“Không có chuyện gì cả.” Giọng Magnus có vẻ bối rối. “Chỉ là...”

Cuối cùng anh nhìn thẳng vào mắt tôi. “Được rồi. Bố mẹ anh không hào hứng lắm khi nghe nói chúng ta đính hôn với nhau. Chỉ thế thôi.” Trong một lúc tôi không biết phải phản ứng thế nào. Tôi nhìn anh trừng trừng, đờ đẫn, cố gắng thu nạp những gì vừa nghe thấy.

“Nhưng anh từng nói...” Tôi không thực sự tin vào giọng mình. “Anh từng nói bố mẹ anh rất phấn khởi khi biết tin cơ mà. Anh bảo là hai bác rất vui mừng!”

“Các cụ sẽ phấn khởi!” anh cáu kỉnh nói. “Khi các cụ hiểu ra vấn để.”

Sẽ ư?

Cả thế giới của tôi đang chao đảo. Chỉ cần nghĩ bố mẹ Magnus là những thiên tài khiến người ta phát khiếp là tôi đã thấy tệ lắm rồi. Nhưng lại còn thêm việc từ đầu đến giờ họ vẫn phản đối chuyện chúng tôi lấy nhau nữa?

“Anh đã bảo em là bố mẹ anh không thể hình dung ra một cô con dâu nào dịu dàng, có duyên hơn.” Lúc này cả người tôi run lên. “Anh nói là bố mẹ anh thân ái gửi lời hỏi thăm em từ Chicago! Tất cả đều là nói dối ư?”

“Anh không muốn làm em khó chịu!” Magnus trừng trừng nhìn Felix. “Em nghe này, chẳng có gì to tát cả. Các cụ sẽ thay đổi quan điểm. Các cụ chỉ nghĩ chúng ta hơi vội vàng... các cụ không biết rõ về em... các cụ ấu trĩ lắm.” Anh kết thúc bằng một cái cau mặt. “Anh đã bảo các cụ thế.”

“Anh cãi cọ với các cụ à?” Tôi hoảng hốt nhìn anh. “Sao anh không nói với em một lời nào về chuyện này?”

“Cãi cọ gì đâu,” anh thanh minh. “Đúng hơn là... bất đồng quan điểm.”

Bất đồng quan điểm? Bất đồng quan điểm?

“Bất đồng quan điểm còn tệ hơn cãi cọ.” Tôi kinh hãi than thở. “Tồi tệ hơn gấp ngàn lần! Ôi trời. Giá mà anh nói cho em biết trước... Em biết làm gì bây giờ? Làm sao em có thể gặp bố mẹ anh đây?”

Tôi biết mà. Ông Bà Giáo Sư cho rằng tôi không xứng tầm họ. Tôi có khác gì cô gái trong vở opera phải từ bỏ người yêu bởi cô ấy không môn đăng hộ đối, rồi mắc bệnh lao mà chết, như thế cũng tốt, vì cô ấy thấp kém hơn và dốt nát. Có lẽ từ “Proust” cố ấy cũng không biết phác âm.

“Poppy, em bình tĩnh lại nào!” Magnus cáu kỉnh nói. Anh đứng thẳng dậy nắm chặt lấy vai tôi. “Đây chính là lý do anh không muốn cho em biết. Đó là những chuyện vớ vẩn trong gia đình, chẳng liên quan gì đến chúng ta cả. Anh yêu em. Chúng ta sẽ lấy nhau. Anh sẽ làm vậy và anh sẽ đảm bảo như thế kệ ai muốn nói gì thì nói, dù đó là các cụ hay bạn bè anh hay ai đi chăng nữa. Đây là việc của riêng chúng ta mà thôi.” Giọng anh chắc như đinh đóng cột khiến tôi bắt đầu cảm thấy yên lòng. “Với cả anh biết chắc là các cụ sẽ thay đổi ý kiến một khi có thời gian gần gũi em hơn.”

Tôi miễn cưỡng nở nụ cười.

“Thế mới đúng là mỹ nhân của anh chứ.” Magnus ôm chặt lấy tôi, tôi cũng vòng tay ôm anh, cố gắng hết mức tin vào những gì anh nói.

Khi anh buông tôi ra, ánh mắt của anh hướng về tay tôi. Anh cau mày, vẻ ngạc nhiên khó hiểu. “Em yêu... sao em lại đeo găng tay?”

Mình sắp bị suy nhược thần kinh mất rồi. Chắc chắn thế.

Toàn bộ sự cố chiếc nhẫn suýt nữa bị phơi bày. Suýt nữa, nếu không có Felix. Tôi vừa định lấy lý do bị bỏng tay để biện bạch mộc cách ngớ ngẩn vụng về vừa thấp thỏm sợ Magnus sinh nghi thì Felix ngáp, nói “Chúng ta ra quán đi!”, thế là Magnus chợt nhớ ra phải gửi mail đã, và mọi người liền quên chuyện cái găng tay.

Nhân cơ hội đó tôi bèn rút lui. Ngay lập tức.

Bây giờ tôi đang ngồi trên xe buýt, nhìn chăm chú vào màn đêm, trong người cảm thấy lạnh lẽo. Tôi đánh mất chiếc nhẫn. Gia đình Tavish không muốn Magnus cưới tôi. Điện thoại của tôi bị cướp. Cảm giác như mọi tấm lưới bảo hộ của tôi đều đã bị tước đi cùng một lúc.

Điện thoại trong túi tôi lại phát ra tiếng nhạc Beyoncé, tôi lôi nó ra, chẳng hy vọng gì nhiều.

Biết ngay mà, không phải là ai trong số các bạn tôi gọi đến để báo “Tìm thấy rồi!" Cũng không phải điện thoại của đồn cảnh sát hay khách sạn. Là anh ta, Sam Roxcon.

“Cô bỏ chạy thế à,” anh ta nói không rào đón. “Tôi cần lấy lại điện thoại. Cô sống ở đâu vậy?"

Lịch sự thật. Không một câu “Cảm ơn cô rất nhiều vì đã giúp tôi trong vụ làm ăn với các thương gia Nhật Bản.”

“Có gì đâu,” tôi nói. “Bất cứ lúc nào anh cần.”

“Ớ.” Bất chợt giọng anh ta nghe có vẻ bối rối. “Đúng rồi. Cảm ơn cô. Tôi nợ cô một món. Còn bây giờ, cô định sẽ trả lại tôi cái điện thoại đó như thế nào? Cô có thể ghé qua văn phòng tôi hoặc tôi có thể cử người đến nhà cô lấy. Cô sống ở đâu?”

Tôi lặng thinh. Mình không trả lại cho anh ta được. Mình cần số điện thoại này.

“A lô?”

“Tôi vẫn nghe.” Tôi nắm điện thoại chặt hơn, nuốt nước bọc khó khăn. “Nhưng vấn đề là, tôi cần mượn cái điện thoại, chỉ mượn tạm thôi.”

“Chúa ơi!” Tôi có thể nghe tiếng anh ta thở ra. “Cô nghe này, tôi e rằng chiếc điện thoại đó không phải để cho ‘mượn’. Đó là tài sản của công ty, tôi phải thu hồi về. Hay là với chữ ‘mượn’ ý cô định nói ‘ăn cắp’? Vì tin tôi đi, cô phải hiểu là tôi có thể tìm ra dấu vết của cô và tôi sẽ không trả cô một trăm bảng cho vui đâu.”

Anh ta nghĩ thế à? Rằng tôi muốn xoáy tiền à? Rằng tôi là một kẻ ăn trộm điện thoại à?

“Tôi không định nẫng điện thoại!” tôi căm phẫn kêu lên. “Tôi chỉ cần nó vài ngày. Tôi đã đưa số này cho mọi người, tôi đang ở trong một tình huống thực sự khấn cấp...”

“Cô làm gì cơ?” Nghe giọng anh ta thực sự bối rối. “Sao cô lại phải làm thế?"

“Tôi đánh mất nhẫn đính hôn." Tôi gần như không thể nói thành lời. “Đó là một chiếc nhẫn cổ, có giá lắm. Thế rồi điện thoại của tôi bị người ta nẫng mất, tôi hoàn toàn tuyệt vọng, thế rồi tôi đi qua thùng rác thì thấy cái điện thoại này. Ở trong thùng rác,” tôi nhấn mạnh. “Thư ký riêng của anh đã quẳng nó đi. Một vật đã bị vứt vào thùng rác thì nó trở thành tài sản công cộng, anh biết đấy. Ai cũng có thể nhặt lấy.”

“Vớ vẩn,” anh ta đáp trả. “Ai bảo cô thế?”

“Điều này... điều này là luật bất thành văn.” Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ. “Dù thế nào, tại sao thư ký riêng của anh lại bỏ việc và vứt điện thoại đi như vậy? Theo tôi thấy thì con bé chẳng giống kiểu thư ký riêng gì cả.”

“Không hề. Không giống thư ký riêng. Giống con gái của một người bạn thì hơn, đáng lẽ ra không nên giao việc cho con bé. Nó mới chỉ vào làm có ba tuần. Nó kiếm được một cái hợp đồng làm người mẫu đúng bốn giờ chiều qua. Một phút sau, nó đã thôi việc. Lúc đi nó còn chẳng thèm báo cho tôi, phải qua một thư ký khác tôi mới biết đấy.” Nghe giọng anh ta khá bực mình. “À này, cô... cô tên gì ấy nhỉ ?”

“Wyatt. Poppy Wyatt.”

“Ờ, cô Poppy, đùa chơi thế đủ rồi. Tôi rất tiếc cho chiếc nhẫn của cô. Hy vọng là cô sẽ tìm lại được. Nhưng cái điện thoại này không phải là một thứ phụ trang nhí nhảnh cô có thể xoáy để phục vụ cho mục đích của mình. Nó là điện thoại của công ty, có thư từ trao đổi công việc liên tục. Toàn những thứ quan trọng. Thư ký riêng của tôi điều hành cuộc sống của tôi. Tôi cần những thông tin đó.”

“Tôi sẽ chuyển tiếp đến cho anh, tôi vội vã cắt lời anh ta. Tôi sẽ chuyển tiếp mọi thứ. Như thế có được không?”

“Cái kh...” Anh ta lầm bầm cái gì đó trong cổ họng. Được rồi, cô thắng cuộc. Tôi sẽ mua cho cô một cái điện thoại mới. Đưa tôi địa chỉ của cô, tôi sẽ gửi nó đến...”

“Tôi cần cái điện thoại này ” tôi bướng bỉnh nói. “Tôi cần số máy này.”

“Vì Chúa...”

“Cứ làm như tôi nói là ổn mà!” Tôi hấp tấp tuôn ra một tràng, “Tất cả thông tin nhận được, tôi sẽ gửi cho anh ngay lập tức. Anh sẽ không thấy có gì khác biệt cả! Ý tôi là đằng nào anh chẳng phải làm như thế, đúng không? Nếu anh đã mất thư ký riêng thì điện thoại của thư ký riêng còn ích gì nữa? Như thế này tốt hơn. Với cả anh nợ tôi vụ giữ chân ông Yamasaki đấy nhé.” Tôi không thể không nhắc đến điều đó. “Chính anh cũng vừa nói thế.”

“Ý tôi không phải vậy, và cô cũng hiểu như thế...”

“Anh sẽ không bị thiếu bất kỳ thông tin nào đâu, tôi cam đoan đấy!" Tôi cắt ngang tiếng cằn nhằn của anh ta. “Tôi sẽ chuyển tiếp cho anh mọi thông tin. Đợi nhé, tôi sẽ cho anh xem, chờ tôi hai giây...”

Tôi dừng cuộc gọi, kéo thanh trượt xuống tất cả các tin nhắn nhận được từ sáng nay và nhanh chóng chuyển tiếp từng tin tới số di động của Sam. Ngón tay tôi làm việc nhanh như chớp.

Tin nhắn từ “Vicks Myer”: đã chuyển tiếp. Tin nhắn từ “Ngài Nicholas Murray”: đã chuyển tiếp. Chỉ mất vài giây để chuyển tiếp hết các tin nhắn. Còn email thì có thể gửi tới samroxton@ tapdoantuvanbachcau.com.

Thư từ “Phòng nhân sự’’: đã chuyển riếp. Thư từ “Tania Phelps”: đã chuyển tiếp. Thư từ “Bố”...

Tôi ngập ngừng giây lát. Tôi nên thận trọng ở đây. Bố của Violet hay bố của Sam? Địa chỉ thư là [email protected], chẳng đem lại thông tin hữu ích gì.

Tự nhủ tất cả là vì mục đích chính đáng, tôi lướt xem qua nội dung.

Sam ơi,

Lâu ngày quá rồi. Bố nghĩ đến Sam thường xuyên, tự hỏi Sam lúc này đang làm gì, mong có lúc nào bố con mình trò chuyện chút. Sam có nhận được tin nhắn điện thoại của bố không? Không sao, bố biết Sam bận mà.

Lúc nào tiện đường đi ngang, Sam nhớ ghé qua nhà đấy nhé. Bố muốn bàn với Sam chuyện này - rất hay, nhưng không có gì vội cả đâu.

Thân mến,

Bố

Đọc đến cuối thư, tôi cảm thấy hơi bị sốc. Tôi chẳng quen biết gì anh chàng này, với cả đây hoàn toàn không phải việc của tôi. Nhưng đùa chứ. Bạn nghĩ mà xem, chí ít anh ta cũng nên trả lời tin nhắn của bố mình chứ. Để ra nửa tiếng đồng hồ hàn huyên có gì là khó đâu? Hơn nữa nghe giọng bố anh ta rất dịu dàng, khiêm nhường. Tội nghiệp ông cụ, phải viết thư cho thư ký riêng của chính con trai mình. Tôi những muốn tự mình trả lời thư ông cụ, những muốn tới thăm ông cụ trong ngôi nhà nhỏ giữa chốn đồng quê [Đấy là giả sử ông cụ sống trong một ngôi nhà nhỏ giữa chốn đồng qụê. Nghe cách ông cụ nói chuyện thì có vẻ như vậy. Đơn độc. Có lẽ chỉ có một chú chó trung thành để bầu bạn].

Thế đấy. Thôi sao cũng được. Đâu phải việc của mình. Tôi ấn “Chuyển tiếp” và bức thư thu nhỏ lại, cùng với các thư khác. Một lát sau tiếng nhạc Beyoncé cất lên. Lại là Sam.

“Ngài Nicholas Murray gửi tin nhắn cho Violet chính xác vào lúc nào?” anh ta hỏi cộc lốc.

“Ờ...” tôi liếc điện thoại. “Khoảng bốn tiếng trước.” Mấy từ đầu của tin nhắn hiển thị trên màn hình, thế thì chẳng có gì ghê gớm nếu mở ra đọc phần còn lại, đúng không? Cũng có gì hấp dẫn đâu nào.

Violet, nhờ cháu nhắn Sam gọi cho chú. Điện thoại cậu ấy tắt.

Cảm ơn, chú Nicholas.

“Chết tiệt. Chết tiệt.” Sam lặng đi một lát. “OK, nếu lại có tin nhắn của chú ấy thì cô báo cho tôi ngay nhé. Gọi điện cho tôi.”

Tôi há miệng định nói, “Thế còn bố anh thì sao? Tại sao anh không gọi cho ông cụ bao giờ?” nhưng rồi lại thôi. Poppy, không được. Ý tưởng tồi.

“À, lúc nãy có một người gọi điện để lại lời nhắn cho anh.” Vụt nhớ ra, tôi liền nói. “Vụ hút mỡ gì đó thì phải. Hay là không phải cho anh?"

"Hút mỡ?” anh ta hồ nghi nhắc lại. “Tôi chẳng liên quan gì đến chuyện đó cả."

Anh ta không cần phải tỏ ra nhạo báng như thế. Tôi chỉ đặt câu hỏi thôi. Chắc là tin nhắn cho Violet. Tuy con bé chẳng có vẻ gì cần hút mỡ.

“Thế... chúng ta thống nhất nhé? Cứ làm thế nhé?”

Anh ta không trả lời, tôi hình dung anh ta đang trừng mắt nhìn cái điện thoại. Tôi không thực sự có cảm giác anh ta từ chối cách dàn xếp này. Nếu không thế thì anh ta còn lựa chọn nào khác?

“Tôi sẽ chuyển địa chỉ thư về lại máy chủ,” anh ta cáu kỉnh nói, gần như lầm bầm một mình. “Ngày mai tôi sẽ nói chuyện với mấy cậu kỹ thuật. Nhưng tin nhắn vẫn sẽ tiếp tục. Nếu sót tin nào...”

“Sẽ không sót đâu! Anh nghe này, tôi biết như thế này không hay ho cho lắm,” tôi nói, cố gắng xoa dịu anh ta. “Tôi xin lỗi. Nhưng tôi thực sự tuyệt vọng. Tất cả nhân viên khách sạn có số máy này... cả những người dọn vệ sinh... đây là hy vọng duy nhất của tôi. Chỉ vài ngày thôi. Và tôi hứa sẽ chuyển tiếp mọi thông tin. Thề danh dự Brownie đấy.”

“Brownie cái gì?” Anh ta xem bộ không hiểu gi.

“Danh dự! Đội thiếu niên tình nguyên Brownie! Giống như Hội Hướng đạo ấy! Giơ tay lên, làm dấu và tuyên thệ... Đợi nhé, tôi sẽ cho anh xem...” Tôi tắt cuộc gọi.

Đối diện với tôi trên xe buýt có một tấm gương đầy bụi bẩn. Tôi đứng thẳng trước gương, một tay cầm điện thoại, tay kia làm dấu theo kiểu Brownie, miệng cười tươi hết cỡ như muốn nói “Đầu óc tôi bình thường”. Tôi chụp ảnh và gửi liền cho “Di động của Sam”.

Năm giây sau có tin nhắn đến.

Lẽ ra tôi có thể gửi ảnh này cho cảnh sát bắt cô.

Tôi trút một hơi thở phào. Lẽ ra. Như thế có nghĩa là anh ta sẽ không làm vậy.

Tôi trả lời lại:

Tôi đánh giá rất, rất cao điều đó. Cảm ơn JJJ

Nhưng không có hồi âm.
Bình Luận (0)
Comment