Định Mệnh Trái Ngang (Under Gemini)

Chương 1

Hugh đang đứng bên cửa sổ quay lưng lại phía bà Tuppy. Bóng anh hằn lên những tấm màn cửa đã bạc màu, những tấm màn cửa do chính tay bà chọn cách đây 40 năm. Ánh nắng mặt trời có thể làm bạc màu những loại vải thượng hạng nhất. Lúc đầu, vải ấy màu cánh sen nhạt. Bây giờ, sau nhiều năm phơi mình dưới ánh mặt trời chói chang, màn cửa chỉ còn là một màu hồng nhạt, xơ xác. Đã lâu bà Tuppy không gửi những tấm màn ấy đến tiệm giặt ủi bởi bà sợ vải sẽ rã ra thành từng mảnh. Tuy nhiên, trong bấy nhiêu năm qua, con gái bà tựa như những người bạn cũ. Đã nhiều năm nay, con gái bà là Isobel cố thuyết phục mẹ thay rèm cửa mới nhưng bà Tuppy nói thay rèm cửa mới chẳng khác nào tiễn bà ra khỏi cửa nhà này vĩnh viễn.

Nhưng bây giờ, việc ấy không thể dừng được nữa rồi. Năm nay bà cũng đã 77 tuổi. Sau những năm tháng dài sống trong tình trạng sức khỏe cực kì tốt, bà đột nhiên phát hiện mình bị viêm phổi. Bà không biết mình đã mắc chứng bệnh ấy từ khi nào. Sau một thời gian dài khó thở hệt như phải chui chủi trong một tầng hầm dài hun hút và tối đen, leo ngược dốc để tìm ánh sáng, một hôm bà Tuppy đi khám bác sĩ . Kết quả là bác sĩ liên tục gọi điện đến nhà ba lần một ngày, thông báo tình trạng sức khỏe của bà ngày càng xấu đi. Cuối cùng, một y tá được mời đến tận nhà chuyên lo việc chăm sóc bà. Bà y tá tên Fort William, một góa phụ. Gọi theo tên chồng là McLeod. Bà này vừa cao lại vừa gầy, khuôn mặt lưỡi cày, luôn khoác lên mình bộ trang phục màu xanh nước biển. Chiếc tạp dề màu trắng khiến ngực bà ta phẳng lỳ càng phẳng lỳ thêm. Còn đôi giày thì như được dùng từ kiếp trước cho tới tận kiếp này vẫn chưa thay. Bỏ qua bề ngoài không hấp dẫn đó thì có thể nói bà y tá tất tốt bụng và không có gì đáng chê trách.

Vào thời điểm này, chuyện sống chết của bà Tuppy, chủ nhân biệt thự Fernrigg, không còn là một khả năng xa xôi nữa mà đã là hiểm họa ngay trước mắt.

Chuyện đó không làm bà hoảng sợ. Đơn giản, bà Tuppy chỉ thấy khó chịu. Lúc này, bà hay nghĩ về quá khứ, về quãng đời từ khi bà mới về làm dâu nhà chồng. Năm ấy bà mới 20 tuổi. Khi chợt nhận ra mình có thai, cô Tuppy thấy vô cùng khó chịu và tức giận vì nó ngăn trở không cho cô đến Albert Hall dự buổi dạ vũ mừng Giáng Sinh. Lúc ấy, mẹ chồng cô đã nói ngay: có mang và ở cữ là một khoảng thời gian dài và khó chịu, có muốn đi chơi đâu cũng không được. Riêng Tuppy thấy có thể có phần nhẹ. Thai nghén chẳng khác nào bị bệnh nặng. Tuy nhiên, là phụ nữ thì phải chịu đựng thôi.

Sáng nay trời đẹp. Nhưng khi hoàng hôn xuống chỉ còn ánh sáng lạnh lẽo lọc qua những tấm màn cửa sổ cạnh chỗ anh chàng bác sĩ cao lớn đang đứng. Bà Tuppy hỏi:

- Trời sắp mưa ư?

Anh đáp:

- Sương ngoài biển tràn vào thì đúng hơn. Từ đây không thể thấy những hòn đảo ngoài khơi được nữa rồi. Cách đây nửa giờ, đảo Eigg đã bị sương che khuất.

Bà Tuppy đăm đăm nhìn Hugh. Anh chàng cao lớn và thân hình vạm vỡ như đá tảng thoải mái trong chiếc quần may rất vừa bằng vải tuýt. Chàng bác sĩ đang đứng đó tay đút trong túi quần như thể nhàn rỗi đến độ anh chẳng có việc gì phải làm. Hugh thạo nghề hệt như cha anh hồi con trẻ. Anh còn giống ông ở chỗ: không chịu để ý đến vẻ bề ngoài, không thích người khác chăm sóc mình như em bé. Lúc này Hugh đang đứng trầm tư nhìn ra cửa sổ. Nhờ ánh sáng bên ngoài, bà Tuppy thảng thốt nhận thấy tóc anh đã bắt đầu bạc. Vài sợi tóc trắng xuất hiện nơi thái dương. Lòng bà Tuppy quặn thắt. Những sợi tóc bạc ấy khiến bà cảm thấy mình già thêm đi hàng chục tuổi. Nó còn đáng sợ hơn ý nghĩ về cái chết của chính bà.

- Tóc cháu bạc rồi đấy!

Bà nói bằng một giọng nghiêm khắc như thể chàng trai kia không có quyền bạc tóc vậy. Hugh quay lại. Hai tay anh ôm đầu, miệng cười buồn:

- Cháu biết. Cách đây hai ngày, ông thợ cắt tóc có chỉ cho cháu thấy.

- Cháu bao nhiêu tuổi?

- Ba mươi sáu.

- Còn quá trẻ. Đáng lẽ không nên để cho tóc mình phải bạc mới phải. Chắc tại vì phải chăm sóc bà cho nên cháu mới đến nông nỗi này đấy.

Trong chiếc áo khoác bằng vải tuýt, Hugh mặc một chiếc áo cổ lọ bằng len. Cổ áo đã phai ra và xơ xác cả. Ngay trước ngực áo có một lỗ thủng cần phải vá lại. Tận đáy lòng, bà Tuppy thương anh vô cùng. Chẳng ai yêu thương thằng bé thật lòng và lo lắng cho nó cả. Đáng lẽ nó không nên ở đây, chôn vùi tuổi thanh xuân nơi miền cao nguyên phía tây này. Phần lớn dân vùng này chuyên nghề đánh cá, loại cá trích nhỏ xíu. Thêm một vài chủ trại nhỏ ở rải rác trong vùng dân cư thưa thớt. Đáng lẽ thằng bé phải ở London hay Edinburgh mới phải. Một tòa nhà cao tầng hoặc một viện nghiên cứu quan trọng mới xứng với anh. Hugh xứng đáng với một chân giáo sư đại học hoặc làm công việc nghiên cứu trong ngành y tế.

Khi còn là một sinh viên, Hugh học rất giỏi, đầy nhiệt huyết và tham vọng. Lúc ấy, ai cũng tưởng thằng bé có một tương lai xán lạn. Nhưng rồi nó lại đem lòng yêu một con nhỏ ngu ngốc ở London. Bà Tuppy không nhớ tên con bé, hình như là Diana thì phải. Hugh đưa cô ta về Tarbole giới thiệu với mọi người. Không một ai chịu nổi cô gái ấy. Không màng đến những lời phản đối của bố mình, Hugh quyết định cưới Diana. Đó cũng là một phần tính cách của thằng bé: Hugh luôn cứng đầu. Càng phản đối nó càng không nghe. Đáng lẽ cha nó phải hiểu con mình hơn. Cưới vợ cho con là một việc trọng đại. Nhưng ông Kyle đã quá sai lầm. Bà Tuppy nghĩ thế. Nếu như bây giờ Kyle cha có đội mồ sống dậy đứng ngay trước mặt bà, bà cũng nói nguyên văn như vậy mà không thêm bớt lấy một chữ.

Cuộc hôn nhân nồi tròn úp vung méo ấy cuối cùng trở thành một bi kịch không sao cứu vãn nổi. Và khi hai vợ chồng đường ai nấy đi, Hugh thu gom những mảnh hồn tan vỡ, quay lại Tarbole trông coi tài sản do cha mình để lại.

Giờ thì anh sống một mình, hệt như một anh chàng độc thân gàn dở. Ở cái tuổi khó có thể yêu ai nhiệt thành được nữa, Hugh làm việc quần quật để quên ngày, quên tháng. Bà Tuppy biết Hugh chăm sóc bệnh nhân còn cẩn thận hơn chăm sóc chính bản thân mình. Bữa tối của nó chỉ là một ly whisky và một mẩu bánh mì nhỏ trong quán rượu gần nhà. Bà bảo:

- Tại sao Jessie McKenzie không vá áo cho cháu?

- Cháu không biết. Có thể cháu đã quên không nhờ cô ấy.

- Kiếm người nâng khăn sửa túi lần nữa đi là vừa.

Để đánh trống lảng, Hugh đến bên giường người bệnh. Ngay lập tức, cái quả banh lông lá đang nằm cuộn tròn phía cuối giường của bà Tuppy nhảy chồm lên. Đúng là giống chó dữ thuần chủng Yorkshire. Đang nằm yên trên gối lông ngỗng, nó nhảy dựng lên, phồng mang trợn má như rắn hổ mang bành. Tưởng nhẹ nanh múa vuốt như vậy khiến người ta sợ chắc? Tiếc thay, hàm răng móm mém của nó chỉ làm người ta bật cười.

- Sukey! - Bà Tuppy quát con chó, nhưng Hugh không bận tâm.

- Thế mới là Sukey chứ. Nếu nó không nhảy dựng lên đòi cắn cổ cháu khi cháu đến gần bà thì không giống với tính cách của nó chút nào.

Anh định đưa tay vuốt ve nó, nhưng hàm nướu của nó càng ngoác rộng hơn. Hugh cúi xuống khoác túi lên vai.

- Cháu phải đi đây.

- Cháu phải đi khám bệnh cho ai đó?

- Cháu ghé cô Cooper trước rồi sang nhà Anna Stoddart.

- Anna ư? Anna bị sao thế?

- Anna không sao cả, cô ấy rất khỏe. Khỏe đến độ có đủ nghị lực công việc giữa chừng để chuẩn bị ở cữ.

- Thật sao? Anna có thai lại rồi à? – bà Tuppy mừng rỡ.

- Cháu biết tin này làm bà phấn khởi. Nhưng chớ có hé môi về chuyện ấy đấy nhé! Anna muốn giữ bí mật cho đến khi nào không giấu nổi thì thôi.

- Ồ, bà hồi hộp quá. Sức khỏe con bé thế nào?

- Đến bây giờ thì vẫn bình thường. Thậm chí không thấy xuất hiện hiện tượng ốm nghén thường đến vào buổi sáng.

- Bà hy vọng con bé giữ được cái thai. Cháu phải săn sóc nó cẩn thận nhé! Bà biết nói như thế là thừa, bởi vì…

- Cháu sẽ cẩn thận mà.

- Tin mừng đến thật đúng lúc.

- Cháu phải đi ngay, bà có cần gì nữa không?

Mắt bà dừng lại nơi vết rách trên áo Hugh, tâm trí quay trở lại với chuyện cưới xin và sanh nở. Đột nhiên, bà nhớ Antony, cháu nội mình da diết. Bà bảo:

- Để bà cho cháu biết bà muốn gì. Bà muốn Antony đưa Rose về thăm nhà.

- Thế thì có lý do gì mà không được.

Có một thoáng ngần ngừ trong giọng nói của Hugh. Khoảnh khắc ấy diễn ra quá nhanh đến độ bà Tuppy tưởng mình nghe nhầm. Bà liếc nhìn Hugh nhưng anh lảng tránh mắt bà, làm như đang bận cột lại chiếc dây nơi miệng túi.

- Hai đứa đính hôn cả tháng nay rồi. Bà muốn gặp lại con bé. Từ khi nó cùng với mẹ đến Beach House tới nay đã 5 năm rồi. Lâu quá, bà quên cả mặt mũi nó ra sao rồi.

- Cháu nghĩ cô ấy đi Mỹ rồi.

- À, phải. Ngay sau khi chúng đính hôn, con bé sang Mỹ. Nhưng lúc ấy Antony bảo nó sẽ quay trở lại xứ này sớm. Chắc lúc này nó có mặt ở Anh Quốc rồi đấy. Antony bảo sẽ đưa nó về Scotland sống, nhưng chuyện ấy có vẻ không dễ. Bà muốn biết liệu chúng có định cưới nhau không, và sẽ định tổ chức đám cưới ở đâu. Có quá nhiều chuyện phải thu xếp và bàn bạc. Nhưng cứ mỗi khi bà gọi cho Antony thì nó cứ ngồi ở Edinbugh nói linh tinh lang tang qua điện thoại bằng cái giọng an ủi vỗ về, nghe mãi cũng phát nhàm. Bà ghét người ta vỗ về, an ủi mình lắm. Thà chọc tức bà còn dễ chịu hơn.

Hugh cười: - Cháu sẽ bàn với dì Isobel về chuyện này.

- Nhớ bảo Isobel pha cho cháu một ly rượu sherry.

- Cháu vừa nói mình phải đến thăm bệnh cho bà Cooper mà?

Bà Cooper vốn là giám đốc bưu điện Tarbole. Chỉ cần ngửi thấy hơi men của người ngồi đối diện thôi bà cũng nổi xung lên rồi.

- Bà ấy vốn đã không ưa cháu ngay cả khi hơi thở của cháu không có tý cồn nào.

- Ôi, cái bà già ấy chán mớ đời.

Bà Tuppy nói. Hugh cười đồng tình. Sau khi cáo từ, Hugh đi ra, khép cửa lại để bà ngồi một mình. Sukey mon men lên giường dúi đầu vào cánh tay bà Tuppy. Khung cửa sổ rung lên từng đợt. Hình như ngoài kia gió đang mạnh dần lên. Bà nhìn ra ngoài cửa, thấy một màn mưa trắng xóa ngoài khung cửa kính. Sắp đến giờ ăn trưa. Bà Tuppy ngả người trên đống gối và trở lại thói quen mới xuất hiện cách đây không lâu: hồi tưởng lại quá khứ.

Bảy mươi bảy năm đã qua đi. Biết bao vui buồn. Tuổi già đến quá nhanh. Nó đến khi nào bà thậm chí còn không nhận ra, chứ đừng nói đến chuyện chuẩn bị tinh thần đón nhận nó. Không, Tuppy Armstrong này chưa già đâu nhé. Bà nhớ Lucilla Eliot, nhân vật nữ trong tiểu thuyết The Herb of Grace. Câu chuyện ấy có thể nói là một bản sơ lược tóm tắt tiểu sử của bà.

Nhưng Tuppy không bao giờ thích nhân vật Lucilla, bà nghĩ nhân vật này quá ích kỷ và thích sống cưỡi trên đầu trên cổ người ta. Bà chỉ thích hình anh nhân vật này thướt tha trong tà áo dài màu đen thôi. Từ khi còn trẻ tới bây giờ, bà Tuppy chưa bao giờ có một chiếc váy nào màu đen. Trong đời, thứ bà hay mặc là kiểu đầm rời may bằng vải tuýt, hoặc cardigan. Tay luôn đeo găng cho đến tận khuỷu. Những loại áo quần bền và cứng như mo nang mới có thể chịu đựng được những cơn mưa rào không ngớt của xứ Scotland này.

Vào những dịp thích hợp, bà Tuppy vẫn diện một chiếc váy dài nhung màu xanh để tôn vẻ sang trọng, giàu nữ tính của bà. Áo đặc biệt hợp với nước hoa và vòng tay đeo đầy những nhẫn kim cương kiểu thời trang cầu kì xưa cũ.

Có thể Antony sẽ đưa Rose về kịp ăn tối. Bữa ăn ấy sẽ được tổ chức dưới hình thức một bữa tiệc nhỏ, không có gì phải cầu kỳ, chỉ mời một vài người bạn đến. Bà tưởng tượng những chiếc khăn trải bàn trắng muốt thêu hoa kiểu Island, những chân nến bằng bạc ngay ngắn trên bàn ăn sẽ đẹp tới nhường nào.

Là một chủ nhà hăng hái và hiếu khách, bà bắt đầu lên kế hoạch. Nếu Antony và Rose thực sự tiến tới hôn nhân chính thức thì một danh sách khách mời sẽ được thành lập, mang tên những người trong dòng họ Armstrong. Có lẽ bà Tuppy sẽ phải lên danh sách ngay từ bây giờ, rồi đưa nó cho Isobel để con gái bà biết nên mời ai. Ngộ nhỡ…

Đột nhiên bà không thể chịu đựng được cái suy nghĩ ấy thêm một phút nào nữa. Bà kéo con Sukey lại gần, hôn lên trán nó. Đầu nó đã bắt đầu có mùi hôi vì không được tắm rửa thường xuyên. Sukey quay đầu về phía bà như đáp lại tình thân thiết của bà chủ rồi lại ngủ tiếp. Bà Tuppy nhắm mắt lại.

Bác sĩ Hugh Kyle xuống cầu thang. Tới phòng nghỉ, anh dừng lại, bàn tay tần ngần trên thành lan can. Anh đang bối rối không phải vì bà Tuppy mà vì cuộc đàm thoại vừa rồi giữa hai người. Anh đứng đó lo lắng không biết nên quay trở lên lầu hay đi xuống dưới. Lo lắng và trách nhiệm thể hiện rõ trên khuôn mặt đăm chiêu và vầng trán cau lại.

Dưới kia là hành lang rộng không một bóng người. Cuối hành lang là hai cánh cửa kính mở ra thềm. Tiếp đến là khu vườn trên nền đất thoai thoải dốc ra phía ngoài, rồi đến bờ biển. Cảnh vật chìm trong sương chiều. Nền nhà được lau chùi bóng loáng. Những tấm thảm đã cũ mòn vì thời gian. Trên nóc cái chạn cũ có trưng một bình bông bằng đồng, hoa chen nhau đua sắc trong chiếc bình cổ. Chiếc đồng hồ lớn đang chậm rãi phát ra những tiếng tích tắc, tích tắc vang khắp ngôi nhà. Khung cảnh này đã quá quen thuộc với Hugh như một bức tranh hiện thực minh chứng cho tôn ti trật tự của dòng họ Armstrong. Ngoài kia, chiếc xe đạp ba bánh chạy bằng ác quy của Jason ướt rượt dưới làn mưa. Kế đến là những ổ chó và những cái tô của mấy con chó cưng, mấy đôi ủng cao đến đầu gối dính đầy bùn nằm đó chờ chủ nhân mang vào cất trong phòng treo mũ áo. Với Hugh, ngay từ đầu, những vật ấy đã trở thành thân quen như thể cả cuộc đời anh đã gắn liền với Fernrigg. Giờ đây, cảnh vật đang từng ngày chờ đợi tin tức về sức khỏe của bà Tuppy.

Nhà không một bóng người. Chẳng có gì đang ngạc nhiên, Jason đang ở trường, bà Watty đang trong bếp bận rộn chuẩn bị bữa trưa. Dì Isobel ở đâu nhỉ? Hugh cố đoán xem hiện giờ dì đang ở đâu.

Vừa nghĩ đến đấy, anh nghe tiếng bước chân của dì trong phòng khách. Tiếng bước chân rón rén trên sàn gỗ, lướt trên những tấm thảm trải nhà. Vài giây sau, dì xuất hiện trên ngưỡng cửa. Một con chó xù già, béo ị nặng nhọc theo sát gót. Nhìn thấy Hugh, dì sững lại ngẩng lên nhìn. Khi ánh mắt họ gặp nhau, nhận ra vẻ lo lắng sốt ruột lộ rõ trên mặt Hugh, dì Isobel cố giữ vẻ mặt tươi tỉnh rảo bước đên gần chân cầu thang.

- Dì Isobel, cháu đang không biết nên tìm dì ở đâu.

Dì nói giọng không to hơn tiếng thì thầm mấy tí.

- Má tôi không khỏe à?

- Cũng không có gì nghiêm trọng lắm.

Một tay vung vẩy cái túi, tay kia nhét trong túi quần, Hugh xuống từng bậc thang.

- Vậy sao cháu đứng sững người ra đó? Làm dì hết cả hồn vía…

- Xin lỗi, cháu đang nghĩ về một chuyện khác. Xin lỗi đã làm dì phải sợ hãi.

Dì Isobel không tin lời Hugh cho lắm nhưng vẫn cố mỉm cười. Dì Isobel đã 54 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Là một phụ nữ nhút nhát thích quanh quẩn ở nhà, dì không bao giờ nghĩ tới chuyện xuất giá. Mọi tình cảm của dì đều dồn hết cho mẹ, cho nhà cửa, vườn tược, bạn bè, lũ chó cưng và mấy đứa cháu trai nhỏ. Lúc này, Jason, cháu đích tôn của dòng họ Armstrong đang ở Fernrigg, trong lúc bố mẹ chú đang ở nước ngoài. Nhờ dì, thằng bé được chăm sóc chu đáo. Mái tóc dì Isobel đã điểm sương.

Hugh nhớ ngày xưa tóc dì đỏ rực. Ngược lại, nét mặt dì không có biểu hiện của tuổi già. Vẫn ngây thơ như con trẻ. Chắc có lẽ bởi cuộc sống của dì Isobel ít va chạm. Mắt dì màu xanh, ánh mắt luôn thay đổi như một ngày sắp sửa có bão. Những cảm xúc luôn thể hiện qua đôi mắt, như thể đó là một tấm gương của tâm hồn. Khi dì vui, cặp mắt sáng lên. Mỗi khi dì không thể kiềm chế được nỗi buồn thì nó lại long lanh lệ. Lúc này, dì đang ngước nhìn Hugh với cặp mắt chứa đầy nỗi buồn phiền. Thế nên Hugh không đành lòng làm cho dì Isobel buồn bã hơn.

- Có lẽ bà sẽ…

Đôi môi dì không thể thốt ra được cái từ khủng khiếp ấy.

Hugh nắm khuỷu tay dì, dìu dì vào phòng khách và đóng cửa lại. Anh bảo:

- Dì Isobel, bà nội đang sống những ngày cuối cùng. Bởi bà không còn trẻ và cơ thể cũng đã yếu lắm rồi. Nhưng tính tình bà vẫn cứng rắn hệt như rễ một cây thạch lam cổ thụ vậy. Bởi thế, rất có thể bà sẽ qua được cơn nguy kịch này.

- Dì không sao chịu được ý nghĩ bà sẽ phải nằm liệt giường, không đi lại được và phải phụ thuộc sự phục vụ của người khác trong những sinh hoạt tối thiểu nhất. Mẹ vẫn ghét phải ở trong tình trạng ấy lắm.

- Vâng, cháu biết, cháu biết mà.

- Vậy chúng ta phải làm sao?

- À. – Hugh đằng hắng, đưa tay lên sờ gáy. – Có một chuyện cháu nghĩ có thể làm bà vui: kêu Antony đưa cái con nhỏ mà nó đính hôn cùng…

Isobel quay lại nhìn Hugh. Dì nhớ anh hồi bé, đôi lúc Hugh cũng bướng bỉnh khiến người lớn phải bực bội.

- Hugh này, đừng gọi hôn thê của Antony là con nhỏ đó, nghe ghê lắm. Tên con bé là Rose Schuster. Cháu biết cô ta chẳng kém gì người trong nhà. Có thể cháu không hiểu Rose bằng dì, nhưng ít nhất thì cháu cũng nghe nói qua về Rose rồi chứ.

- Cháu xin lỗi.

Isobel vẫn thường bảo vệ những người họ hàng của mình như thế đấy.

- Thôi được rồi, Rose thì Rose. Theo cháu bà nội muốn gặp lại cô ta.

- Cả nhà đều muốn gặp Rose, nhưng lúc này con bé đang sang Mỹ thăm mẹ. Chuyến đi ấy được hoạch định trước khi hai đứa đính hôn.

- Vâng, cháu biết. Biết đâu giờ này cô ta đã quay về Anh rồi. Bà nội cứ nhắc đi nhắc lại yêu cầu ấy. Nên chăng ta hãy thúc giục Antony đưa Rose về chơi một chuyến. Chỉ cần hai ngày nghỉ cuối tuần cũng đủ rồi.

- Nhưng Antony lúc nào cũng có vẻ bận rộn.

- Cháu chắc dì sẽ giải thích rõ cho cậu ấy nghe về hoàn cảnh gia đình lúc này, dì hãy nói với cậu ấy đừng có lần lữa nữa.

Điều Hugh sợ nhất đã đến: Cặp mắt của dì Isobel đã bắt đầu long lanh nước.

- Là một bác sĩ, cháu cho rằng mẹ tôi sắp chết phải không?

Dì lục túi áo, lấy chiếc khăn tay đưa lên lau nước mắt.

- Kìa dì Isobel, cháu không có ý đó. Nhưng dì cũng biết bà nội Tuppy quý Antony như thế nào. Antony là cháu đích tôn và bà quý cậu ấy còn hơn con trai cả của mình nữa. Chính dì cũng biết Antony là tất cả đối với bà mà.

- Phải, phải, dì biết.

Dì Isobel gạt nước mắt, cất khăn tay, cố tìm đề tài khác bớt ảm đạm hơn. Mắt dì dừng lại nơi chiếc bình rượu sherry thon cổ.

- Uống chút gì nhé?

Hugh cười, cố xua đi nỗi căng thẳng:

- Không, cám ơn dì. Cháu không uống đâu. Cháu sắp khám bệnh cho bà Cooper. Tim bà ấy lại đập nhanh, cháu sợ mạch bà ấy còn đập nhanh hơn nữa nếu bà ấy thấy cháu vừa uống một chút gì đó mang hơi cồn.

Isobel cũng mỉm cười, mặc dù lòng buồn ghê lắm. Trong nhà vẫn thường đem chuyện của bà Cooper ra để vui đùa với nhau. Hai dì cháu cùng rời khỏi phòng, băng ngang qua hàng lang. Dì Isobel mở cửa chính, một làn không khí ẩm ướt lạnh lẽo ướt đẫm sương tràn vào. Xe hơi của Hugh đậu gần lối ra vào ướt đẫm nước mưa.

- Dù có bất cứ dấu hiệu đang nghi ngại nào dì cũng phải gọi điện báo cho cháu biết ngay đấy.

- Dì hứa. Nhưng có y tá rồi, dì chắc sẽ không có gì đáng lo đâu.

Chính Hugh khăng khăng yêu cầu gia đình tìm y tá cho bà Tuppy. Bà bảo đáng lý ra, bà Tuppy phải vào bệnh viện nằm mới đúng. Nghĩ tới chuyện hàng ngày phải đối mặt với một y tá trong nhà, Isobel chán nản vô cùng. Nhưng bệnh tình của mẹ khiến dì còn sợ hơn. Bà Tuppy nhất định là ốm nặng lắm. Vậy phải tìm y tá ở đâu đây? Liệu bà quản gia Watty có phản đối chuyện này không? Và liệu có mặt một cô y tá như thế thì có khiến cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt hay không?

Nhưng Hugh đã lo liệu hết. Bà Watty và nữ y tá đã trở thành đôi bạn tâm giao lúc nào không hay và dì Isobel có thể kê gối cho cao mà ngủ cho ngon. Tiễn Hugh ra về, dì Isobel tự hỏi mình hàng trăm lần rằng: liệu họ sẽ ra sao nếu không có Hugh. Dì nhìn anh vào trong xe, chạy xuôi xuống con đường ngắn giữa hai hàng cây đỗ quyên ướt át, băng ngang qua cánh cửa căn nhà nhỏ sau vườn dành cho gia đình ông bà Watty rồi phóng nhanh, bỏ lại đàng sau hai cánh cổng sơn màu trắng không bao giờ khép lại. Isobel đứng chờ cho tới khi bóng của chiếc xe khuất hẳn. Triều đang lên. Dì Isobel có thể nghe tiếng sóng bạc đầu ào ạt tấn công dải đá ngay phía dưới vườn nhà.

Dì rùng mình quay vào trong nhà, gọi điện cho Antony. Điện thoại trong căn nhà xây kiểu cổ này đặt nơi hành lang. Dì Isobel ngồi bên cái tủ nhỏ, mắt dõi tìm số điện thoại văn phòng Antony ở Edinburgh. Dì không sao nhớ nổi những dãy số dài dằng dặc. Muốn điện thoại cho người thân cận đến mấy, dì cũng phải mở sổ điện thoại. Dù gọi cho chủ cửa hàng bán thực phẩm ngày nào cũng gặp hay gọi điện mua vé ở nhà ga (năm thì mươi họa dì mới cần tới họ) thì dì cũng cứ phải mở sổ. Mắt không rời cuốn sổ, tay dì chầm chậm quay số rồi chờ đầu dây bên kia trả lời. Trong lúc đó, đầu óc dì bận rộn với bao nhiêu ý nghĩ: bình bông trưng trong nhà sẽ tàn vào ngày mai, bà hẳn phải thay những bình bông mới vào chiều nay. Liệu Antony có ra ngoài ăn trưa không? Isobel không thể ích kỷ hơn nữa với bà Tuppy. Người ta ai rồi cũng phải chết, nếu bà không thể chăm sóc cho khu vườn quý giá và đưa Sukey đi dạo thì dì Isobel biết mẹ mình sẽ không thiết sống nữa. Biết thế nhưng ý nghĩ ấy khiến người ta phải sợ hãi. Cố ngăn những ý tưởng u tối, dì Isobel lẩm bẩm như người mất hồn: Đừng để mẹ tôi chết, xin đừng để bà bỏ chúng tôi đi ngay lúc này! Ôi, xin Chúa cứu giúp chúng con…

- Công ty Mc Kinnon, Cairstairs và Robb xin nghe. Xin lỗi, ai đầu dây đó ạ?

Một giọng nói trẻ trung ngân lên như chuông đưa dì Isobel về hiện tại. Dì lại lục khăn tay, lau mắt và cố ăn nói sao cho mạch lạc.

- Ôi, xin lỗi. Tôi tự hỏi không hiểu mình có thể nói chuyện với ông Armstrong được không ạ?

- Xin bà cho biết quý danh.

- Tôi là Armstrong, dì của Antony.

- Xin chờ một chút.

Có tiếng lịch kịch đầu dây bên kia. Rồi ngưng. Tuyệt vời làm sao! Có giọng nói Antony vang lên trong ống nghe đây rồi.

- Dì Isobel.

- Antony đấy ư…

Ngay lập tức, anh nhận thấy có chuyện không ổn.

- Có chuyện gì vậy hả dì?

- Không, không không có gì đâu.

Isobel cố che giấu. Phải cứng cáp lên mới được.

- À, Hugh Kyle vừa mới ở đây ấy mà. Anh ta đến chơi cũng khá lâu, vừa mới về.

Antony hỏi dồn: - Sức khỏe của bà Tuppy lại kém đi phải không?

- À, bác sĩ nói bà nội có tính tự chủ tuyệt vời. Cậu ấy còn nói bà khỏe mạnh như một rễ cây thạch lam cổ thụ vậy.

Dì Isobel cố giữ giọng vui vẻ. Thế mà giọng dì cứ nhỏ dần, nghe ngày càng thiểu não. Dì không sao xua đi hình ảnh khuôn mặt lo lắng của Hugh. Không hiểu Hugh đã nói thực hết với dì chưa? Hay cậu ta chỉ muốn an ủi dì nên mới tìm chuyện vui để nói.

- Bác sĩ bảo… À, Hugh có nói chuyện với bà nội Tuppy và có vẻ như bà muốn gặp cháu, muốn cháu đưa Rose về. Dì không hiểu cháu có tin tức gì của Rose chưa. Cô bé đã từ Mỹ trở về Anh chưa hả cháu?

Đầy dây bên kia im lặng như tờ. Dì Isobel cố giữ giọng nói cho được bình thường.

- Dì biết cháu lúc nào cũng bận rộn, nên không muốn làm cháu phải lo lắng.

Im lặng mãi mới nghe tiếng Antony trả lời.

- Không sao đâu mà dì. Đúng là Rose đã trở về London. Sáng nay cháu vừa nhận được thư của cô ấy.

- Thế thì bà nội sẽ mừng lắm đấy.

Lại im lặng. Cuối cùng, bằng một giọng quả quyết, Antony hỏi: - Bà chắc không qua khỏi được, phải không dì?

Dì Isobel không sao kiềm chế được nữa. Nước mắt trào ra. Dì tự giận mình đã không kiềm chế được bản thân.

- Dì… dì không biết. Nhưng qua cách Hugh cố an ủi dì thì dì nhận thấy chưa bao giờ cậu ta lo lắng đến thế. Nếu tình hình ngày một xấu đi, dì sợ bà nội sẽ không gặp được cháu và Rose nữa. Bà rất quý cháu và Rose. Nhất là sau khi hai đứa đã đính hôn, cháu nhất thiết phải đưa Rose về. Biết đâu nhờ thế mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp. Nhìn thấy hai cháu, bà nội sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa biết bao. Và…

Dì Isobel không thể nói tiếp. Lúc đầu dì không muốn nói nhiều, nhưng nước mắt đã trào ra rồi thì tâm sự cũng tuôn trào theo. Dì thấy mình yếu ớt, tình cảm không thể dồn nén lâu hơn được nữa, chắc vì đã phải chịu cảnh cô đơn quá lâu. Dì Isobel hỷ mũi ồn ào vào chiếc khăn tay trước khi nói thêm:

- Hãy cố về đi, Antony.

Đó là tiếng nức nở từ tận đáy tim. Nó làm cho Antony rung động đến tận tâm can.

- Cháu không biết…

- Ngay cả dì cũng không biết mình phải làm gì bây giờ.

- Thôi được, cháu sẽ dàn xếp với Rose, khuyên cô ấy làm theo ý định của dì. Vào kì nghỉ cuối tuần tới đây, chúng cháu sẽ về, cháu hứa đấy.

- Dì mừng lắm, Antony.

Isobel thở phào nhẹ nhõm. Thế là bọn chúng sẽ về. Nếu Antony đã hứa thì nó luôn giữ lời, dù có gặp phải nạn hồng thủy đi chăng nữa Antony cũng không thay đổi.

- Cháu cũng đừng quá lo lắng. Bác sĩ Hugh bảo bà cứng rắn lắm. về khoản này thì dì biết rõ. Chúng ta, từng người một, đã lớn lên với sự che chở của bà. Chắc chắn bà sẽ sống lâu hơn tất cả tuổi đời của chúng ta gộp lại.

Thực sự nhẹ nhõm, dì Isobel cất tiếng cười trong trẻo.

- Dì nói thật lòng chứ không phải chỉ để an ủi cháu không đâu. Tuy nhiên cháu cũng phải nghĩ đến khả năng điều gì cũng có thể xảy ra.

- Vâng, cháu xin ghi nhớ. Gặp dì vào cuối tuần tới nhé.

- Chúa phù hộ cho cháu.

- Dì cũng đừng buồn nhé. Nhớ gửi lời hỏi thăm của cháu đến bà nội.
Bình Luận (0)
Comment