Tuy kiểu dáng khác nhau, nhưng liếc mắt cái Bách Lý Quyết Minh đã có thể nhìn ra tất cả những chiếc gương đồng này đều là pháp khí do tiên môn chế tạo. Tạo tác của tiên môn Giang Tả rất được coi trọng, trên mỗi một pháp khí đều sẽ khắc tên người chế tạo và ngày vận chuyển, nếu có tì vết hoặc sai sót gì thì tiện bề truy cứu trách nhiệm. Tạp hóa mua bán ở chợ nào được chú trọng như thế, bán được rồi là kệ luôn, bị hỏng hóc thì chỉ có thể coi như là gặp xui thôi. Đó là lý do vì sao mà pháp khí do tiên môn chế tạo có thể sử dụng rất lâu, giá chào mời trên thị trường cao ngất.
Bách Lý Quyết Minh xoay đèn tìm ngày tháng giao đống gương đồng này, có cái từ tám mươi năm trước, có cái thì hai trăm năm trước, đa phần là ba mươi năm trước. Ngày tháng giao gương từ ba mươi năm trước, thời gian để vận chuyện đống gương đồng này đến Mục Gia Bảo chỉ có thể muộn hơn. Mẹ nó thế thì lại kỳ quái quá, ba mươi năm trước thì y cũng đã biến thành quỷ từ lâu rồi, hết đánh cờ rồi lại ngủ lăn ngủ lóc ở núi Bão Trần, đống hàng này tuyệt nhiên không phải do y đưa đến. Hoặc là Mục Bình Vu lại ăn gan hùm đánh lừa y, hoặc là ngay cả Mục Bình Vu cũng không biết rằng có một nhóm người đã âm thầm vận chuyển lô hàng thứ tư đến Mục Gia Bảo.
Mặt gương cầm trong tay này có niên đại lâu đời nhất, vào hai trăm bốn mươi năm trước. Bách Lý Quyết Minh quyết định sẽ bắt đầu xem từ chỗ này.
“Tìm thấy rồi ạ?” Sư Ngô Niệm đi tới, thấy bên tay Bách Lý Quyết Minh là một hòm gương đồng, trong mắt cũng toát lên sự ngạc nhiên.
“Chưa tìm thấy,” Bách Lý Quyết Minh nói, “Đây không phải là gương của Mục Bình Vu.”
Sư Ngô Niệm ngồi xổm xuống, dùng một con dao nhỏ cạo bên mép hộp gỗ sắt rồi soi dưới đèn xem xét. Trên lưỡi dao có một vệt đỏ, là máu bùn đã khô.
“Thú vị đấy,” hắn nở nụ cười, “thì ra còn có lô hàng thứ tư. Sau khi Mục Gia Bảo bị máu bẩn ăn mòn, có ai đó đã bí mật chuyển chúng nó vào căn hầm.”
“Vừa đọc quyển kinh xong có phát hiện được gì không?” Bách Lý Quyết Minh bắt đầu vẽ phù chú trên mặt gương, thử mở khóa nó.
“Chủ yếu là ghi lại lịch sử thuở xưa của hắc giáo Mã Tang và Mã Tang, viết rất nhiều về những điều huyền bí mà họ tín ngưỡng. Tạm thời không có ích mấy với chúng ta, về rồi sẽ nói rõ sau.” Sư Ngô Niệm nói.
Nét vẽ cuối cùng của hỏa phù đã xong, ánh sáng vàng hồng từ phù chú tức thì lụi tắt. Mặt gương gỉ sét trở nên rõ ràng, thoảng như có từng vòng gợn sóng lăn tăn mở ra, hình ảnh bên trong hiện ra sắc nét. Quả nhiên, đống hàng này là do núi Bão Trần gửi tới, chắc là cái lão Vô Độ kia rồi. Bách Lý Quyết Minh thấy mà buồn bực trong lòng, rốt cuộc thì Vô Độ còn giấu y bao nhiêu chuyện nữa đây? Trong năm mươi năm y biến thành ác quỷ, Vô Độ không bế quan thì cũng ra ngoài, Bách Lý Quyết Minh không ngờ rằng lão còn ghé qua Mục Gia Bảo.
Soi chiếc gương đồng dưới ánh đèn, hai người cùng chăm chú nhìn vào mặt gương, cảnh tượng trong gương hiện ra đầy đủ.
Hình ảnh trong gương rất mờ, có lẽ do niên đại của cái gương này thực quá lâu rồi, ánh quang hòa vào làm một. Bên trong truyền đến rất nhiều tiếng bước chân dồn dập, giống như có cơ số người đang đi đi lại lại, còn có cả tiếng la hét, kêu gào thảm thiết của một người phụ nữ. Nhóm người đang khe khẽ nói chuyện, rầm ra rầm rì, nghe không rõ là đang nói chuyện gì.
“Sinh rồi hả?” Giọng một người đàn ông.
“Vẫn chưa, sắp rồi.”
Chừng lát sau, tiếng khóc nỉ non của trẻ con từ xa vang đến, hai người trên cạnh gương như thở phào nhẹ nhõm.
“Vừa đúng lúc, năm âm tháng âm ngày âm giờ âm, trời sinh thuần âm,” người đàn ông mới nãy hỏi lại cất tiếng, “Họ sẽ không cho phép nó sống sót đâu, ta muốn đưa nó đi.”
Con ngươi Bách Lý Quyết Minh co lại, đoạn quay sang đối mắt với Sư Ngô Niệm. Giọng nói này vô cùng quen thuộc với cả hai người, kẻ đang nói chuyện chính là Bách Lý Quyết Minh lúc còn sống.
Người kia còn chưa kịp đáp thì tiếng khóc của đứa trẻ bỗng nhiên im bặt, có tiếng bước chân vội vội vàng vàng chạy đến.
“Đại Tông sư, Quyết Minh trưởng lão, không ổn rồi, Tứ Âm Đồng Tử bị cha nó ném chết rồi!”
Cảnh tượng trong gương rung lắc không ngừng, người cầm gương hình như đang chạy. Bọn họ đến chỗ một căn nhà gỗ, những người bên trong quay đầu lại, tất cả đều sửng sốt, một cái bóng mờ lướt qua hai bên người họ, tất thảy vẫn giữ nguyên dáng vẻ kinh ngạc đứng chôn chân tại chỗ như mấy con rối. Bóng mờ dừng lại, đó là bóng lưng của một người đàn ông khoác áo bào đen, vóc dáng cao gầy.
Từ đầu đến cuối mặt gương không hề chiếu thẳng ngay mặt hắn, chỉ thấy hắn bế đứa bé trong vũng máu lên rồi đặt trên bàn, sau đó trải tấm vải nhung đỏ thẫm ra, bên trong là một hàng châm bạc cắm ngay ngắn, ngọn nến hơ nóng mũi châm, lập lòe ánh huỳnh quang. Một bàn tay trắng ngần thi châm cho đứa bé, châm dài mảnh như lông trâu đâm vào những huyệt lớn quanh thân nó, nhưng mặt mũi đứa trẻ đã tím tái, không còn cách nào xoay chuyển nữa rồi.
Cánh tay kia ngưng thi châm, một giọng nói trầm thấp trong gương cất lên: “Khi nào thì Tứ Âm Đồng Tử tiếp theo ra đời?”
Có người trả lời gã: “Năm Ất Sửu, tháng Kỷ Mão, ngày Ất Sửu, giờ Kỷ Mão. Theo lịch Mã Tang là năm thứ tám Thiên Cực Tinh, theo lịch Trung Nguyên thì là… sáu mươi năm sau.”
Mọi hành động của núi Bão Trần đều phải dùng gương đồng bát giác lưu lại toàn bộ hành trình, mấy mặt gương đồng về sau cũng toàn là ghi chép những cuộc tìm kiếm Tứ Âm Đồng Tử không có kết quả của Bách Lý Quyết Minh khi còn sống. Những đứa trẻ đó hoặc chết từ trong bụng mẹ, hoặc là tới chậm một bước, đứa thì bị té ngã chết, đứa thì bị bóp ch3t hoặc chết đuối… Mọi Tứ Âm Đồng Tử đều không thể thoát khỏi vận hạn chết sớm, những khuôn mặt trẻ thơ nhỏ xíu không biết bao nhiêu lần hiện lên trong gương, tím tái và đờ đẫn, lớp bùn đất nâu đen chôn lấp thân thể gầy yếu chẳng khác gì con mèo con của tụi nhỏ. Mãi cho đến khi giọng nói của Bách Lý Quyết Minh cuối cùng cũng biến mất, chỉ còn lại một mình Vô Độ lẻ loi độc hành.
Bách Lý Quyết Minh cau mày, núi Bão Trần đã tìm kiếm Tứ Âm Đồng Tử từ mấy trăm năm trước, và cũng không phải tự nhiên mà Vô Độ đưa Tầm Vi về. Chuyện này rốt cuộc là thế nào đây, tại sao bọn họ phải đi tìm Tứ Âm Đồng Tử?
Mùa xuân tháng ba Giang Nam, hàng liễu đong đưa dọc bờ đê.
“Đại Tông sư, đứa bé đã được sinh ra, Tạ gia đặt tên cho nó là ‘Tầm Vi’. Trích từ, ‘Tầm vi dĩ tri trước, nguyên thủy dĩ kiến chung’
[1]. Chúng ta có nên đưa con bé đi không?”
[1] Giải nghĩa: Nhìn sự vật khi nó mới xuất hiện, có thể đoán biết tương lai và kết quả của nó. Giọng nói già nua của Vô Độ thư thả truyền đến, “Không cần, nếu đã có họ tên thì Tạ gia sẽ giữ con bé lại rồi. Cử thêm người đến Tạ gia và giám sát chặt chẽ, không được để đứa trẻ này thất lạc.”
“Phép tắc ở Tạ phủ hết sức nghiêm ngặt, trà trộn vào đó không hề dễ. Tốt hơn hết là đặt gương đồng ở khắp biệt phủ, chúng ta sẽ mở Hư Môn nhỏ trên mặt gương, rồi mượn lỗ hổng từ Hư Môn mà chăm nom Tầm Vi cô nương.”
Cái gương được đưa tới trước mặt Vô Độ, Vô Độ cầm nó lên, gương mặt đôn hậu của lão hiện ra trên mặt gương.
“Vậy cũng tốt, cứ làm như thế đi.” Vô Độ nói.
Khung cảnh trong những tấm gương sau rõ nét hơn rất nhiều, nhưng góc độ của mỗi một chiếc gương đều vô cùng xảo quyệt kỳ dị. Hoặc là nhìn xuống, hoặc là nhìn lên, hoặc là có thể nhìn thấy bóng người từ góc phòng. Hiển nhiên mấy chiếc gương này được đặt ở những góc tối khó có thể nhận ra, theo dõi sự trưởng thành của Tạ Tầm Vi từ mọi hướng. Bách Lý Quyết Minh nhìn những hình ảnh này, cũng không biết nên miêu tả cảm xúc nơi cõi lòng thế nào. Thì ra Tầm Vi từ khi mới lọt lòng đã phải sống dưới ánh mắt của những người mà con bé không hề quen biết. Những người như cái bóng này ẩn mình ở một góc thế gian, mỗi ngày xuyên qua lỗ hổng của Hư Môn trên gương đồng bát giác mà theo dõi Tầm Vi sít sao. Bảo sao năm đó Tạ phủ gặp nạn, Vô Độ lại đến nhanh như thế, vừa kịp lúc cứu được Tầm Vi. Lão không phải là tiện tay cứu nguy khi ngang qua Tạ phủ, mà là đặc biệt đến cứu người.
Hình ảnh lóe trên, hậu cảnh trong gương xuất hiện Tạ Tầm Vi vừa mới tròn một tuổi. Em bé với bông hoa hồng lớn buộc sau lưng, đưa tay ra gọi oa oa rối rít. Tạ Sầm Quan đặt rất nhiều thứ xung quanh con bé, một con đao nhỏ và một cây kiếm nhỏ không có lưỡi, một hộp son phấn bằng sứ, vài con ấn sơn vàng, thậm chí có cả váy liền thân Hàng La.
“Con ngoan, cầm thứ mà con thích đi.” Tạ Sầm Quân vỗ vỗ vào cái mông nhỏ tròn ủm của Tầm Vi.
Bé Tầm Vi hự hự bò một vòng, không nắm đao cũng chẳng cầm váy, mà là ngậm con búp bê về.
“Con búp bê này đâu ra vậy?” Tạ Sầm Quan nghi ngờ mở miệng con bé.
“Ơ, hình như là Quyết Minh trưởng lão của núi Bão Trần thì phải.” Có người đáp.
Lông mày Sư Ngô Niệm nhíu lại thành một rãnh sâu.
Tạ Sầm Quan trong gương hỏi tiếp: “Ai để con rối của Bách Lý trưởng lão ở đây thế hả?” Hắn quay ra dỗ ngọt bé Tầm Vi, “Cục cưng à, chúng ta chọn lại một lần nữa nhé, chứ một lão già đầu có gì hay đâu mà? Vừa bẩn vừa thúi. Giờ mình túm đao con ha, cha sẽ dạy con đao pháp lợi hại nhất thiên hạ.”
Bách Lý Quyết Minh: “…”
Chiếc gương không biết là được đặt ở góc bí ẩn nào mà nghiêng nghiêng hướng ngay ra cửa chính đại sảnh. Bên ngoài là lối hành lang của Tạ phủ, bên trong bày đầy lưu thủy tịch
[2], người đến người đi dưới mái hiên xanh xanh. Mặt gương đột nhiên bị một mảnh vạt áo che lại, có người đến đứng trước gương, áo choàng đã chắn mất tầm nhìn.
[2] Lưu thủy tịch: Một bữa tiệc mà thức ăn được cung cấp liên tục, khách ăn khi đến và rời đi khi đã no. Giọng nói của Khương Nhược Hư vang lên rõ ràng trong gương, “Tạ Sầm Quan thật đúng là không có mắt nhìn, tiểu thư đã chộp được Quyết Minh trưởng lão rồi thì nhẽ ra hắn ta nên đưa tiểu thư đến núi Bão Trần mà bái sư đi chứ, uổng công ta vất vả âm thầm nhét con rối của trưởng lão vào chu yến.”
“Mà thôi, để sau rồi nói.” Là giọng của Vô Độ, “Nhược Hư, ngươi tiếp tục theo dõi Tạ gia, có bất kỳ biến cố nào thì bẩm báo cho ta.”
Những chiếc gương về sau ghi lại quá trình trưởng thành của Tầm Vi từ năm một tuổi đến sáu tuổi. Chắc là do nề nếp của Tạ thị rất nghiêm khắc và canh phòng khá nghiêm ngặt nên gương được đặt vào không nhiều lắm. Cứ cách một khoảng thời gian ngắn sẽ thay gương, gương cũ lấy về còn gương mới thì đặt vào Tạ gia. Nhưng dù cho có tiến vào đại trạch của Tạ phủ đi chăng nữa thì đa số cũng chỉ cài vào được trong góc hoa cảnh, số ít mới có thể vào được phòng ốc, dinh cơ.
Dù là vậy nhưng những ghi chép này đối với Bách Lý Quyết Minh mà nói cũng quá đủ rồi, y xem từng cái gương một, đồ đệ nhỏ của y lớn thêm từng chút, cao lên từng chút trong gương. Lần đầu tiên y thấy được dáng vẻ của Tầm Vi trước khi đến núi Bão Trần, nhóc con này đã nhõng nhẽo từ nhỏ, không vui tí là dẩu cái mỏ lên đến mức có thể treo được cả dàn bầu. Con bé líu lo giọng sữa, ưa làm nũng, ham ăn vụng, lại còn thích chơi bắt Miêu Miêu với hạ nhân nữa, có vài lần chỉ cách cái gương nằm ở góc bí mật mấy bước chân. Bách Lý Quyết Minh nhớ lại thời điểm khi con bé mới đến núi Bão Trần, nào là giặt quần áo, nào là bưng nước rửa chân, làm một nô lệ bé nhỏ cho y mà không than lấy một lời, không nhìn ra cái tính nhõng nhẽo chút nào. Con bé chịu khổ nhiều lắm, gian nan buộc con bé phải hiểu chuyện.
Lại chọn sơ qua một vài chiếc gương lên xem, nội dung cũng không khác nhau là mấy. Cho đến khi tìm được tới năm Tầm Vi sáu tuổi, bản ghi chép của gương đồng đột ngột kết thúc. Trong lòng Bách Lý Quyết Minh và Sư Ngô Niệm đều hiểu rõ, Tạ gia đã bị diệt môn, Tạ Tầm Vi được Vô Độ dẫn lên núi Bão Trần, vậy nên gương đồng cũng không cần phải ghi lại nữa.
Hàng mi Sư Ngô Niệm rũ xuống, hắn hỏi nhỏ: “Tại sao núi Bão Trần lại cần Tứ Âm Đồng Tử, con còn tưởng rằng…”
Hắn còn tưởng rằng, hắn và sư tôn gặp nhau là một sự tình cờ.
Hắn chợt nhớ lại lời Khương Nhược Hư từng nói, Vô Độ gia gia đã làm chuyện tương tự như vậy suốt nhiều năm qua. Giờ thì xem ra sư tôn cũng có tham gia trong đó, và cả các tiền bối khác của núi Bão Trần. Núi Bão Trần ắt hẳn từng có rất nhiều người, trong hàng trăm năm qua, bọn họ tìm kiếm Quỷ Quốc và cổ tộc Mã Tang dưới danh nghĩa cuộc chiến thanh trừ quỷ vực, hi sinh biết bao người, dẫn đến nhân tài sau này tàn lụi, nơi đỉnh núi trơ trọi chỉ còn lại một Đại Tông sư cùng một vị Đan Dược trưởng lão. Nhưng cuối cùng, ngay cả sư tôn cũng bởi vậy mà bỏ mạng rồi trở thành một ác quỷ.
Giờ đây, sự kiện đó sắp đi đến hồi kết. Và người hoàn thành nó chính là Tứ Âm Đồng Tử mà họ hằng tìm kiếm – Tạ Tầm Vi.
Hắn ta có liên quan gì đến Mã Tang? Hay nói cách khác, Tứ Âm Đồng Tử và Mã Tang có quan hệ gì? Rốt cuộc thì núi Bão Trần đang làm gì?
“Còn một chiếc gương nữa.” Bách Lý Quyết Minh đột nhiên nói.
Y xoay lật cái hộp gỗ sắt lại, một mặt gương bị khuyết góc được dán vào đằng sau hộp bằng mễ hồ, bên cạnh là một hỏa phù bắt mất dùng chu sa vẽ nên. Đây là phương thức truyền tin của người trong tiên môn, là thông điệp mà người tiến vào quỷ vực trước dùng phù huy gia tộc nhắc nhở người tiến vào quỷ vực sau, thường thì thông tin được đánh dấu bằng phù huy đều hết sức quan trọng.
Bên cạnh nó vẽ hỏa phù, có nghĩa rằng người nhận nó là Bách Lý Quyết Minh.
Đây là lời nhắn thứ hai Vô Độ để lại cho Bách Lý Quyết Minh, sau cái hộp ngọc băng thiền ở Quỷ Quốc.
Gương đồng cũ nát vô cùng, trên đó loang lổ rất nhiều vệt máu đỏ sẫm cùng những vết xước sâu, ở góc cạnh còn có dấu hiệu bị đốt cháy, xem ra đã phải trải qua rất nhiều phen trắc trở. Bách Lý Quyết Minh gỡ nó xuống, năm tháng được khắc trên tay cầm gương là năm mươi tám năm trước. Y nhìn chằm chằm vào cái gương, sau đó rơi vào im lặng, ngây người trong một thoáng.
“Nhớ ra cái gì sao?” Sư Ngô Niệm hỏi y.
“Không phải,” Bách Lý Quyết Minh nói, “Ta chưa bao giờ nhìn thấy chiếc gương này.”
Ánh sáng từ đèn Trường Minh bập bùng, hai má Bách Lý Quyết Minh nhạt nhòa dưới quầng sáng leo lét. Đột nhiên y cảm thấy có chút lo sợ, như thể nếu như mở mặt gương này ra thì sẽ có một số chuyện không thể nào cứu vãn được nữa. Sự sợ hãi lại một lần nữa hiện lên giăng kín trong lòng y, tựa như lúc đối mặt với Quỷ Mẫu, nỗi sợ cứ quấn lấy và lớn lên như hạt chồi. Một hộp gương đồng quái lạ ghi lại quá trình núi Bão Trần tìm kiếm Tứ Âm Đồng Tử, rồi có cả Tầm Vi lúc bé, y bất an vô cùng, chiếc gương cầm trong tay mà chẳng khác gì một bọc thuốc nổ.
“Không ấy cất nó trước đã, chừng nào về mở ra sau, vẫn chưa có tin tức gì của Mục Tri Thâm mà.” Bách Lý Quyết Minh nói.
“Mở ngay bây giờ.” Sư Ngô Niệm đè lên vai y.
Thằng nhóc này còn hăng hái hơn cả mình nữa. Nhưng hắn nói không sai, bí mật ở ngay trước mắt, sao lại không thể mở cho được? Bách Lý Quyết Minh dằn nỗi u ám trong lòng xuống, đoạn chậm rãi vươn ngón tay, ánh sáng rực rỡ lập lòe nơi đầu ngón, y vẽ vài nét trước mặt gương loang lổ, hỏa phù đột nhiên thành hình ở đầu ngón tay. Mặt gương bỗng nổi gợn sóng, một bí mật lặng lẽ mở ra trước mắt bọn họ.
Trong gương tối om, đột nhiên ‘phừng’ một tiếng rất khẽ, một ngọn lửa đỏ vàng bốc lên, những tia lửa b4n ra như mấy chú bướm nhỏ, khuôn mặt quen thuộc hiện lên trong màn đêm. Đây không phải là lần đầu tiên Bách Lý Quyết Minh đối mặt với chính bản thân mình, ngày xưa lúc còn ở núi Bão Trần, ngày nào rửa mặt y cũng nhìn thấy gương mặt này. Nhưng hôm nay dường như y lại gặp một người xa lạ nào đấy, một bản thân hoàn toàn khác biệt.
Theo như lời Mục Bình Vu nói, lúc còn sống y có một gương mặt cực kỳ lạnh lùng. Hàng mi dài đen nhánh, đuôi mày sắc bén mang theo sát khí tựa đao gươm. Bị hắn ta nhìn chằm chằm không chớp mắt, trong lòng y lạnh lẽo tựa như có một tảng băng.
Người đàn ông mở miệng: “Nếu bọn ta tính không sai, ngươi hẳn là Bách Lý Quyết Minh của năm mươi tám năm sau. Nếu kế hoạch trăm năm của bọn ta hoàn thành mười phần, bên cạnh ngươi hẳn là có một đứa bé thuần âm bẩm sinh.” Trên môi hắn ta lộ ra nét cười trào phúng, không biết là đang mỉa mai ai, “Nói thì nghe kỳ lạ đấy, nhưng ta không thể không dùng cách này để nói chuyện.”
Bách Lý Quyết Minh nhìn chính mình trong gương, không hiểu vì sao trong lòng bỗng dâng lên nỗi xúc động muốn đánh hắn ta.
“Thật không khéo, kế hoạch trăm năm của ngươi chỉ hoàn thành được chín phần, Tầm Vi không có đến đây. Mặc xác ngươi và Vô Độ muốn làm gì, đừng hòng lôi Tầm Vi vào.” Bách Lý Quyết Minh cười khẩy.
“Gặp ngươi ta rất vui.” Người đàn ông cúi đầu thắp một ngọn nến, “Nhưng ngươi xuất hiện ở đây chứng tỏ ngươi đã bỏ lỡ tin mà huynh trưởng để lại cho ngươi. Đó là một chuyện cực xấu, sai một ly đi một dặm. Cho nên ngươi nhất định phải nghe cho kỹ những lời tiếp theo của ta. Nếu không…” Hắn ta ngước mặt lên, đôi mắt đối diện với Bách Lý Quyết Minh bên ngoài gương. Cách năm mươi tám năm, nhưng lại gần trong gang tấc. Hắn gằn từng câu từng chữ: “Đứa bé thuần âm kia của ngươi sẽ chết.”
— — —