Đoạt Hồn Kỳ

Chương 62

Thượng Quan Linh sau khi được tin tuyệt vọng về đôi mắt của mình, chàng biết từ nay mình sẽ phải sống trong một cảnh tối âm u của thế giới người mù, tất cả những gì đẹp của đời, đã hạ màn hết đối với chàng. Phải chi Thượng Quan Linh đã cao niên bạc đầu gì cho cam, đằng này đang thanh xuân đầy nhựa sống, thế mà phải cam đành chịu cảnh sống lúc nào cũng tối ấy... cho dù có võ công cái thế trong người đi nữa, thì có dụng ích gì? Chàng lúc này chỉ biết cúi gầm đầu đau đớn trong tâm hồn mình, Liễu Mi đứng cạnh an ủi. Hoa Diệp Tử không tiện ở lại lâu, ông ta âm thầm ra về.

Chỉ trong khoảnh khắc, bỗng Hoa Diệp Tử hấp tấp chạy vào lớn tiếng rằng:

- Thôi! Có rồi! Có rồi! Có cách rồi... Tôi mơ hồ quá, quên béng ngay một phương pháp này...

Thượng Quan Linh và Liễu Mi vội ngửng đầu, cả hai lại tràn ngập hy vọng đồng thanh hỏi ngay rằng:

- Thưa ngài còn cách gì?

Hoạt thương công Hoa Diệp Tử lại lắc đầu lẩm bẩm rằng:

- Không!... Không!... Phương pháp này! Hà... Thôi đừng nói ra nữa, vì có nói ra cũng không làm sao lo cho được.

Liễu Mi không chịu bỏ lỡ một cơ hội nào, dù nàng biết là mỏng manh, vội truy hỏi ngay:

- Thưa tiên sinh! Thật ra là phương pháp gì? Xin ngài cứ nói thẳng ra xem!

Hoa Diệp Tử rằng:

- Tôi biết rằng trong nhân gian này có thứ dị bảo, có thể dùng trị bệnh mắt, tuy bệnh nặng đến nỗi hư tròng, nhưng được dị bảo ấy thế nào cũng khôi phục nhãn lực ngay, dị bảo ấy được mệnh danh là Ngân hoa hỏa thụ, vật báu này, vốn là một báu vật trấn bang của dân thiểu số Ngọc Thụ ở miền Thanh Hải, nếu được báu vật này, chỉ cần nhúng vào nước đem thấm vào mắt, bệnh thong manh sẽ lành khỏi ngay:..

Liễu Mi vội hỏi ngay:

- Thưa tiên sinh, cây Ngân hoa hỏa thụ hiện nay chả ở Ngọc Thụ Thổ Ty miền Thanh Hải là gì?

Hoạt thương công Hoa Diệp Tử lắc đầu rằng:

- Ấy!. Chính cái khó là chỗ điểm này, nếu Ngân hoa hỏa thụ mà vẫn còn nằm tại Ngọc Thụ, chỉ nội danh vọng và công lực của Liễu cô nương và Thượng Quan công tử, thế nào cũng có thể mượn tạm với họ để chữa bệnh mắt, nhưng khốn nỗi nay cây dị bảo ấy không còn tại Ngọc Thụ nữa rồi, nghe đâu đã bị mất tích lâu năm! Xưa kia, có một vị Thổ Ty của Ngọc Thụ, vốn là người tuấn tú đẹp trai, sau vì một trận giao tranh ác liệt, trở thành người tàn khuyết rùng rợn, từ đó trên giang hồ người ta phong cho một biệt danh Ngọc Thụ Ky Nhân! Vị Ngọc Thụ Ky Nhân này, mười năm trước đã rời bỏ Ngọc Thụ ra đi, và đến nay, chẳng ai còn biết số phận của người này ra sao, và nghe đâu cây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ, đã được vị kỳ nhân này mang theo bên mình, và cả người vợ Miêu Gia Diệm Nữ và đứa bé gái đã mất tích một cách thần kỳ với vị Ngọc Thụ Ky Nhân...

Liễu Mi đã rõ trang tình sử bí mật của vị Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác do Hồng điệp Châu Chu kể trên Mặc Phụ Sơn, và nàng còn biết luôn sự tự giải thoát nỗi lòng đau khổ của Độc chỉ Thôi Bác về cái chết lao mình xuống vực sâu của Tả Diện Phong trên Mặc Phụ Sơn, nơi đã xảy ra những cảnh tình đau lòng của vị Đệ nhất cao thủ trong thiên hạ Độc chỉ Thôi Bác. Nếu đoán không sai, dưới vực thẳm của Tả Diện Phong trên Mặc Phụ Sơn ấy, ngoài trừ Thôi Bác, Ngọc Thụ Ky Nhân, Miêu Gia Diệm Nữ, cô bé gái, thần ưng Đại Hắc ra, thế nào trong ngôi mồ thiên nhiên còn chôn cả cây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ là khác.

Nhưng vụ án tình ly kỳ này, trừ mình, anh em Hầu Hạo, chị em Song Điệp ra, trên giang hồ không còn ai biết đến vụ án thê thảm này. Liễu Mi tuy là một trong số bốn người biết về chuyện ly kỳ này, nhưng vì can hệ đến thanh danh cả một đời của Độc chỉ Thôi Bác, nàng đâu dám tiết lộ bí mật này ra để gây xáo trộn dư luận trong võ lâm!

Tiếng Hoạt thương công Hoa Diệp Tử tiếp tục rằng:

- Sau khi hai vợ chồng Ngọc Thụ Ky Nhân và đứa bé gái mất tích, dòng họ của Ngọc Thụ cũng kể như đã tuyệt tự không còn người lên kế ngôi nối nghiệp làm Thổ Ty, đồng thời xứ Ngọc Thụ từ ngày bị thất lạc dị bảo Ngân hoa hỏa thụ, liên miên xảy ra thiên tai nhân họa, sự đói kém đã xua đẩy gần hết những người đã sống lâu đời tại Ngọc Thụ, cũng có nhiều người lặn lội ra công để đi tìm tung tích vợ chồng Thổ Ty và đứa bé gái! Chuyện này đã làm chấn động khắp trên giang hồ, và những người xưa kia từng mến phục tính hào phóng của Ngọc Thụ Ky Nhân, chẳng ai là không tình nguyện ra công đi dò thăm tin tức Đến nay tin tức đều vô âm, mà chẳng ai biết đến cây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ bị thất lạc phương nào, thành ra chuyện này chỉ có thể cầu may gặp tình cờ mà không thể nào cố công đi tìm cho ra được. Nhưng tôi tin tưởng rằng, một người đầy phúc hậu như Thượng Quan công tử đây, thế nào cũng có kỳ duyên, chắc là chưa tới thời cơ đó thôi, nhưng sau này nếu quả gặp được dị bảo, nhớ kỹ là lấy nước suối lọc cho sạch, rồi dùng Ngân hoa hỏa thụ nhúng vào ấp lên đôi mắt, bệnh chẳng mấy lúc sẽ lành ngay...

Liễu Mi và Thượng Quan Linh hết lời cảm tạ sự chỉ giáo của vị thần y, Hoạt thương công Hoa Diệp Tử cáo từ ra về luôn.

Sau khi thần y Hoạt Thương Công ra về, Liễu Mi và Thượng Quan Linh bèn bàn tính với nhau, chờ lên Mặc Phụ Sơn, sẽ mở cuộc mạo hiểm xuống dưới vực thẳm của ngọn núi băng tuyết Tả Diện Phong một chuyến.

Hai người lại tiếp tục cuộc hành trình, vào đầu tháng mười, họ đã đến Mặc Phụ Sơn. Hai người lững thững lên bộ lên Lãnh Hương Điện, từ đằng xa, Liễu Mi đã thấy một cái tháp đen nhỏ nửa ngọn uy nghi sừng sững trên Lãnh Hương Điện. Nhưng nàng tinh mắt, nhận ngay ra đó là anh chàng Phích lịch nhị lang Sở Canh, hình như đang lo canh gác thì phải!

Sở Canh chỉ lo nhìn tuốt phía xa, chàng không để ý những nơi gần cho mấy, khi Thượng Quan Linh và Liễu Mi lên gần đến nơi, gây nên tiếng động nhẹ, Sở Canh giật mình khi thấy hai người, sự nghi ngờ đã khiến chàng đưa tay lê mắt dụi mạnh, rồi chàng lớn tiếng hỏi:

- Nhị tiểu thư, Thượng Quan công tử nhị vị thật đó sao?...

Thượng Quan Linh nhận ngay ra tiếng của Sở Canh, chàng mừng hỏi:

- Sở huynh đó ư?...

Sở Canh chạy tung ngay lại ôm choàng ngay Thượng Quan Linh xúc động rằng:

- Hà!... Thượng Quan huynh! Ngày nào tôi cũng đứng đây trông đợi sự trở về của tiểu thư và công tử, vì tôi nghĩ người phúc đức hiền hậu như hai vị, thế nào cũng tránh được các tai họa không may...

Tiếp theo, Sở Canh hết lời xin lỗi về chuyện xảy ra tại ngôi huyệt mộ mà chàng đã gán cho Thượng Quan Linh là quỉ nhập tràng. Thượng Quan Linh vui vẻ tươi cười không chấp trách gì những chuyện nhỏ mọn ấy, thôi thì Sở Canh vui mừng rối rít, nói huyên thuyên, vô tình tiếng nói oang oang của chàng đã kinh động mọi người trong Lãnh Hương Các, mọi người vội chạy ra, thấy là Liễu Mi và Thượng Quan Linh, ai nấy mừng tủi lẫn lộn!

Trong trường hợp này, tâm tình mỗi người một khác Sở Canh vẫn ăn năn về hành động dã man của mình, khi đẩy Thượng Quan Linh té xuống vực thung lũng ở Thanh Thông Cốc, nay tuy đã xin lỗi và Thượng Quan Linh đã không trách chấp gì, nhưng trong lòng của con người quá chất phác này vẫn cảm thấy như bất an, chàng không hề nghĩ rằng, cái thong manh của Thượng Quan Linh đâu phải do lỗi gì chàng gây ra đâu. Còn anh em Hầu Hạo, một người là bạn thân cũng là sư huynh, còn một người nữa là chịu ân cứu tử của Thượng Quan Linh, nay thấy chàng bị thong manh trầm trọng như thế, hai anh em đều rối quýnh lên, Hầu Hạo luôn luôn tỏ vẻ bực tức xoa tay đấm chưởng chan chát, Đông Phương Đình chỉ cúi đầu khóc sùi sụt.

Phần Thanh điệp Châu Sách và Hồng điệp Châu Chu, hai chị em xưa nay chỉ nghe tên của Thượng Quan Linh do mọi người kể lại, nay mới được rõ Lư Sơn chân diện mục, quả là một vị thiếu niên công tử anh tuấn bất phàm, hèn gì chị Liễu Mi phải ngây ngất vì vị công tử bảnh trai này. Thấy mọi người đều tỏ vẻ lo lắng đến Thượng Quan Linh, chị em Song Điệp vẫn cảm thấy tiếc cho chàng trai bị mắc tật thong manh. Những tiếng than ngẩn thở dài nối tiếp nhau truyền ra...

Thượng Quan Linh tuy không thấy rõ sắc mặt của Liễu Mi trong lúc này ra sao, nhưng với thính giác sắc bén, chàng có thể phán đoán Liễu Mi đang làm gì! Chàng có vẻ thành khẩn nói với Liễu Mi rằng:

- Em ơi! Chúng mình đi thôi! Tuy anh không thể nào chiêm ngưỡng ngôi mộ của Thôi lão tiền bối và phu nhân của ông ta, nhưng đối với họ anh vẫn kính trọng họ vô cùng... - Lúc này cả hai người đang đứng cạnh nơi Tả Diện Phong!

Câu nói này, chàng đã tỏ ý nghĩa của mình, nhưng vốn rất yêu Liễu Mi, lại e ngại nàng sẽ ngầm trách mình, Thượng Quan Linh lại lúng túng nói:

- Em Liễu Mi... Ngu huynh không bao giờ quên tấm tình chăm lo săn sóc của em, nhưng sự thong manh của ngu huynh đây chắc là ý trời muốn vậy, chúng mình cũng không thể nào miễn cưỡng cãi ý trời được... nếu...

Thượng Quan Linh cảm thấy khó nói vô cùng, nhưng chàng cũng cố dồn hết can đảm thốt ngay ra:

- Nếu em không đồng ý, anh không có quyền gì để ngăn trở tuổi thanh xuân của em, em có thể để mặc anh... em cứ việc đi lo tương lai của em... anh vẫn có thể nhẫn chịu nếp sống này...

Lời nói này không khác gì một thau nước lạnh buốt đang tạt vào mình Liễu Mi, nàng run người, vừa kinh lại vừa tức, lòng hoài nghi và phẫn nộ buột miệng hỏi rằng:

- Anh rất hài lòng để được xa em phải không?

Liễu Mi sau khi hỏi chỉ thấy sắc mặt Thượng Quan Linh có vẻ đau khổ, nghe chàng khẽ tiếng nói ngay rằng:

- Anh... đương nhiên anh không muốn thế, nhưng nếu đôi mắt bị mù hẳn từ đây, anh không muốn em phải hy sinh vì anh, tuy anh không thích phải xa cách nhau, nhưng anh vẫn nghĩ đến hạnh phúc của em, anh không thể nào sống riêng cho bản thân của mình.

Liễu Mi ôm chầm ngay vào lòng Thượng Quan Linh rằng:

- Anh nghĩ khùng vừa vừa chứ! Em sẽ không bao giờ xa anh đâu... sao anh đến giờ này mà vẫn không chịu hiểu cho nỗi lòng của em...

Thượng Quan Linh đưa tay vuốt sờ tóc Liễu Mi, lẩm nhẩm rằng:

- Nào anh đâu có khùng, chỉ vì anh quá yêu em, nên không nỡ tâm thấy em phải hy sinh cho anh...

Liễu Mi gắt yêu:

- Em cấm anh nói những ý nghĩ thế! Chỉ cần sao chúng ta thật lòng với nhau, trên thế gian này, không có gì có thể ảnh hưởng làm lung lay đến mối tình của mình... anh khùng của em đã hiểu rõ chưa?...

Thượng Quan Linh cảm động:

- Anh hiểu, và hiểu thấm thía là khác, nhưng em đã bị thiệt thòi quá nhiều!

Liễu Mi phì cười an ủi người yêu:

- Anh Linh à! Trong lòng anh lúc này hình như đã bình tĩnh lắm, lời anh quả không sai, nếu là ý trời đã muốn thế, chúng ta cũng chẳng nên nghịch lại, nếu mắt anh khỏi thì càng hay, còn không, chúng mình cũng chẳng cần oán trách gì, nhưng mong sao hai chúng mình có thể sống vững bền bên nhau, được như vậy cũng đủ hạnh phúc lắm rồi, khi nào xong xuôi các mối ân oán, chúng mình sẽ ẩn cư một nơi nào lý tưởng để tận hưởng những nếp thanh nhàn an lạc...

Thượng Quan Linh vuốt tóc nàng:

- Em Liễu Mi... ý em đã trùng hợp với ý anh trong bấy lâu.... em... em... anh biết nói gì hơn nữa đây?..

Hai người đang lúc trao nhau bằng lời nói truyền cảm và những động tác âu yếm ấy, tâm tình họ từ nỗi buồn thất vọng đổi dần sang mừng và cảm thấy mãn nguyện. Thời gian lặng thoảng qua, bỗng hai người cảm thấy những con sóc nhảy chạy tung tăng ngang mặt họ. Liễu Mi ngửng đầu nhìn về phía rừng thông trước mặt, thấy có một người xuất hiện, chỉ thấy đàn sóc chạy nhảy tung tăng khắp xung quanh người ấy như có vẻ thân nhau lắm. Liễu Mi thấy vậy gần như không tin đến nhãn lực của mình, sự thực vẫn hiển nhiên bày trước mắt nàng, đó là một thiếu nữ, nếu nói thiếu nữ là người, thì quả là một người bất phàm trong thế gian, phải hình dung thiếu nữ là tiên nữ có lẽ đúng và hợp hơn!

Lối ăn mặc của thiếu nữ, trông lại càng quái dị, khắp toàn thân đều mặc toàn thứ áo và váy ngắn bằng lá kết lại, để lộ một cặp đùi trắng và thon, tóc rối bung và đi chân không, một nửa bả vai trắng mịn! Liễu Mi lạ lùng nghi hoặc trong lòng, thiếu nữ này phơi nắng hằng ngày, sao da không bị sạm nắng kìa. Không những Liễu Mi cảm thấy thiếu nữ có vẻ đẹp hồn nhiên và còn chứa đựng vẻ đẹp thiêng liêng là khác, thật không khác gì tiên nữ hạ phàm. Chỉ thấy đôi mắt đen láy và đang lộ vẻ ngạc nhiên đang nhìn Liễu Mi, Thượng Quan Linh với vẻ thần sắc hồn nhiên lạ lùng. Càng nhìn Liễu Mi càng cảm thấy mến thích thiếu nữ lạ.

Liễu Mi đoán phỏng thiếu nữ chỉ ước lối đôi tám xuân xanh là cùng! Nhưng cái đẹp thần thánh của thiếu nữ, có thể nói hiếm có trong trần gian này! Liễu Mi đã nổi tiếng là người đẹp trên giang hồ, trong thâm tâm nàng, cũng thường tự phụ như thế, với ý nghĩ của nàng: người đẹp phải có những yếu tố: dung mạo xinh đẹp, cử chỉ ung dung, phong độ ôn hòa, tri thư thức lễ, thông minh sáng suốt, có những điều kiện như thế mới tạm đủ tiêu chuẩn của một người đẹp; và hễ gặp được một nàng đẹp nào, Liễu Mi đều ngấm ngầm đem hết những điều kiện sẵn có của mình để so sánh với đối phương, nhất là những người nàng đã quen như chị em Song Điệp, Đông Phương Đình, Hạ Quyên, đều không phải địch thủ về sắc đẹp với Liễu Mi.

Suốt trong thời gian phiêu bạt giang hồ của nàng, Liễu Mi chưa hề gặp một thiếu nữ khả dĩ có thể khiến nàng ganh tị về cái đẹp! Nhưng kỳ này, mọi thành kiến kiêu hãnh về sắc đẹp của nàng đã bị lung lay, thiếu nữ đang đứng trước mặt nàng đây, tuy chưa hề trang điểm sửa soạn, nhưng sắc đẹp ấy đã khiến nàng phải cảm và phục thầm trong lòng, cái đẹp nhân tạo quả không làm sao át nổi cái đẹp hồn nhiên của nó! Nay thiếu nữ trước mắt mình đây, nào đâu có những phục sức lộng lẫy gì, ấy thế mà đẹp vẫn hoàn đẹp!

Liễu Mi đã nhiều lần nghi ngờ đôi mắt của mình, không biết có lây bệnh thong manh giả không! Cuối cùng nàng vẫn phải chấp nhận sự thật! Nhưng Liễu Mi vẫn còn tự tin về các điều kiện mà mình đã có, sự hiểu biết của mình thế nào cũng trội hơn cô gái có vẻ rừng rú này, nhưng về nhan sắc, Liễu Mi tự hiểu mình không phải địch thủ của thiếu nữ rừng rú này. Lúc này, vì mắt Thượng Quan Linh không thấy, chỉ có Liễu Mi và thiếu nữ nhìn nhau. Liễu Mi bỗng cảm thấy một mùi thơm thoang thoảng dễ chịu lạ, mùi thơm này không phải mùi thơm của hoa, mà là một mùi thơm được toát ra của nữ thể (thân thể con gái), nhưng không phải thứ thơm nồng tục thường, với óc thông minh sẵn, thứ nữ của Thanh Thông Hội lập tức hiểu ngay là chuyện gì.

Xưa kia, Miêu Gia Diệm Nữ với thân thể dị hương của mình mà nổi tiếng trên giang hồ, chẳng cần nói, trong thiên hạ này có mấy người có loại hương thể như thế. Vậy vị thiếu nữ đang đứng trước mắt đây, nhất định là con gái của Miêu Gia Diệm Nữ. Nàng quả là con riêng của Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác, đã bị ngã xuống vực thẳm của miền băng tuyết trên mười năm nay như thế đã không bị thiệt mạng, quả là một chuyện quái dị khó tưởng tượng! Liễu Mi ngó sửng sốt, nàng lúc này càng thấm thía hiểu rõ lời nói của cổ nhân với bốn chữ Thiên đường quốc sắc quả không cần phải trang điểm gì thật. Dầu cho giờ đây có mang ra một bộ quần áo xấu nhất trong trần gian này mặc vào người thiếu nữ đây, vẫn không làm sao giảm bớt được sắc đẹp hồn nhiên của người ta!

Cả đôi bên nhìn nhau khá lâu. Bỗng Liễu Mi lên tiếng hỏi thiếu nữ:

- Này em? Em tên gì?

Thiếu nữ tươi cười để lộ hẳn một hàm răng trắng như ngọc rằng:

- Em tên là A Hương!

Liễu Mi cảm thấy tiếng nói của thiếu nữ đây khác hẳn người phàm thường, một giọng lơ lớ nghe có vẻ tựa giọng của các con sóc vậy.

Liễu Mi bất giác mừng thầm trong lòng; Hà, Hà!... Với sắc đẹp như tiên của nàng, nếu không mở miệng nói chuyện, may ra có thể là người đẹp nhất trong thiên hạ, nhưng với giọng oanh pha lẫn giọng sóc ấy hẳn nhiên đã thua đứt Liễu Mi này rồi? Nghĩ vậy xong, Liễu Mi cười rằng:

- Em Hương, thế em có biết chị đây là ai không?

A Hương với vẻ hồn nhiên của bản ngã nói ngay:

- Em biết! Chính chị là Liễu Mi chứ còn ai...

Liễu Mi giật mình thất kinh, vội hỏi ngay:

- Ai đã nói với em... nói mau chị nghe...

A Hương vẫn cười hồn nhiên rằng:

- Chính Thôi bá bá, bác ấy nghe chị gọi tên... bèn sai ngay em lại gọi chị...

Nàng thiếu nữ đẹp như tiên này, hình như mới học nói tiếng người vậy, nàng chỉ biết dùng những câu rất đơn giản, vì nàng không biết dùng tiếng nghênh đón mà lại nói là gọi...

Thượng Quan Linh đứng cạnh bỗng lớn tiếng hỏi ngay:

- Thôi lão tiền bối hiện ở đâu... phiền tiểu cô nương dẫn đường cho...

Với lời nói đầy văn hoa như vậy, nàng thiếu nữ A Hương chẳng hiểu ất giáp sấp ngửa gì, đôi mắt sáng hẳn lên hỏi Liễu Mi:

- Chị, anh ấy nói gì vậy?

Liễu Mi mỉm cười bước qua nắm ngay tay A Hương, thân mật nói từng tiếng như dịch lại rằng:

- Em Hương, chúng mình đi về!

A Hương hiểu và dẫn luôn hai người đi.

Liễu Mi lúc này đi sát cạnh A Hương, mùi thơm quái dị của thiếu nữ khiến nàng thư thái lạ lùng. Liễu Mi thầm nhủ: May mình cũng là thân gái như nàng, nếu mình là con trai đàn ông, làm sao không khỏi ngây ngất trong lòng... Trong lúc Liễu Mi mãi suy tư ấy Thượng Quan Linh đi phía sau cũng ngửi rõ một mùi thơm tương tự ấy, chàng bất giác lên tiếng rằng:

- Hoa gì đâu mà thơm quá vậy! Mùi thơm có vẻ ngon ngọt... quá lạ...!

Liễu Mi ức ngầm, quả nhiên mũi đàn ông thính thật, nhưng may là chàng nay đã bị thong manh, nếu không, được thấy người đẹp như tiên hạ trần này, chắc gì mà không ngây ngất tâm hồn! Liễu Mi hờn mát không thèm trả lời! Nào hay A Hương đi phía trước nghe chàng nói vậy, bèn hồn nhiên cải chính ngay:

- Không phải là hoa đâu, đó là mùi hương thể của A Hương toát ra đó!

Thượng Quan Linh ồ... một tiếng như kinh ngạc, chàng bất giác tự lẩm bẩm:

- Quốc sắc thiên hương, trời ban dị thể...

Thượng Quan Linh chưa nói hết, Liễu Mi đã không bằng lòng gắt ngay:

- Thôi ông ơi!... Hãy đi mau lên... người ta đã sốt ruột, mà ông còn vui vịnh thơ với phú!...

Thượng Quan Linh vội ngậm thinh ngay, hình như chàng đã cảm thấy người yêu đang ghen thầm, cả ba lẳng lặng đi xuyên khỏi một khu rừng, đến ngay một hang động, trước cửa động xuất hiện một người và một chim ưng khổng lồ!

Liễu Mi buột miệng gọi lớn: - Thôi thúc thúc!...

Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác không quay đầu lại chỉ thấy ông ta đang cặm cụi khắc chạm một bức tượng người, thần ưng Đại Hắc đứng giúp sức bên cạnh. Liễu Mi lấy làm lạ, vì chỉ thấy Đoạn Trường Nhân dùng móng tay của mình khắc chạm vào một tảng đá, và chính con Đại Hắc đang dùng mỏ cứng rắn của nó, mổ đẽo theo lằn vết của chủ đã gạch. Thỉnh thoảng nó đưa móng trảo của mình ra sửa sang lại, một chim một người, cả hai đang say sưa trong việc tạc tượng người, hình như không hề biết có người nào đứng phía sau mình. Nhìn lại tảng đá, bề cao bằng người thật, và đang được tạc thành một người đàn ông và một người đàn bà, người đàn ông được tạc thành lối ăn mặc của một tù trưởng, trông vừa hiên ngang vừa anh tuấn, còn người đàn bà thì tạc theo lối trang sức của một Miêu gia, một vẻ đẹp hiền thục đoan trang, Liễu Mi có vẻ quen mắt lắm.

Liễu Mi chợt nhận ra ngay, khuôn mặt người đàn bà trên bức tượng đá đây, trông giống hệt mặt của thiếu nữ A Hương. Chẳng cần phải đoán xa xôi, hai bức tượng ấy, kẻ đàn ông chính là Ngọc Thụ Thiếu Tù, còn đàn bà tức bà Miêu Gia Diệm Nữ.

Hai bức tượng đã tạc gần xong, nay chỉ còn ra công gọt sửa những chi tiết nhỏ, nhưng hai bức tượng càng lúc càng hiện ra những nét linh động của nó, trong không khác vì như người sống vậy. Liễu Mi lúc này bất giác lại nổi tính so sánh ngầm, nàng công nhận vị Ngọc Thụ Thiếu Tù quả là một mỹ nam tử, lẽ đương nhiên Thượng Quan Linh không sao sánh kịp với người ta, còn về Miêu Gia Diệm Nữ người ta có một vẻ đẹp chín mùi của thiếu phụ, nay tuy chỉ còn thấy dung nhan bằng tượng đá, ấy thế mà vẫn đủ sức thu hút lạ lùng... nhưng nay, đôi uyên ương đã thành người thiên cổ, nắm xương trắng đã vùi sâu dưới đất và đã chôn theo tất cả tài sắc kinh thế một thời nào... mối hận tình đã đi hết vào dĩ vãng... Liễu Mi nghĩ đến đây, nàng bất giác nổi lên một nỗi lòng tiếc thương vô bờ bến.

Càng ngắm nhìn hai bức tượng, Liễu Mi càng cảm phục quỉ phủ thần công (búa rìu ma công lao thần) tạc chạm của Độc chỉ Thôi Bác. Vị Đoạn Trường Nhân quả là người giỏi, văn võ đã quán tuyệt trong thiên hạ, mà nghệ thuật điêu khắc của ông ta lại còn khéo hơn quỉ thần đến thế! Liễu Mi thầm phục vị kỳ nhân này lắm.

Sau khi Độc chỉ Thôi Bác và Đại Hắc gọt sửa xong bức tượng, mới bắt đầu tiếp khách! Thần ưng Đại Hắc kêu lên một tiếng quá, vỗ cánh vọt ngay lại cạnh Thượng Quan Linh kêu nhỏ rối rít, nó như lo lắng bệnh tình của bạn cũ và cũng như an ủi chàng hãy an tâm bình tĩnh vậy.

Thượng Quan Linh đưa tay vuốt ve Đại Hắc rồi gọi:

- Ưng huynh! Ưng huynh!... không ngờ chúng mình lại gặp nhau đây!...

Bên kia, Độc chỉ Thôi Bác quay lại nhìn Liễu Mi và một giọng thân thiết lên tiếng gọi ngay:

- Liễu Mi cháu...

Liễu Mi chạy bạt sang ập ngay vào lòng vị tiền bối khóc nức nở! Vì trong lòng nàng lúc này đã coi vị Thôi đại hiệp đây không khác cha già của mình ở Thanh Thông Hội, thành thử nàng nàng được thể khóc đã! Bao nhiêu những nỗi uất ức bấy lâu, nay nàng được dịp tung ra hết bằng nước mắt của mình.

Thôi Bác vuốt ve tóc nàng Liễu Mi với giọng ấm cúng rằng:

- Hà! Hà!... Cháu nín đi!... Chuyện này đều tại thúc thúc ta mà ra cả... nín đi!... ngoan! Cháu nín đi! Thôi thúc thúc sẽ dạy thêm võ học cho cháu. Cháu vui chớ? Nhưng cháu bây giờ phải nín ngay đã!...

Nhưng vị tiểu thư của Thanh Thông Hội vẫn khóc như mưa không ngớt. Đoạn Trường Nhân rất thích cô bé này, tưởng đâu mình chịu nhận con bé làm môn đệ như thế, thế nào cũng nín khóc ngay, nào hay Liễu Mi lại càng sướt mướt thêm, khiến cho vị đại hiệp đây thêm lúng túng, hết khuyên nín lại vuốt ve an ủi. A Hương chẳng hiểu chuyện gì mà Liễu Mi khóc dữ thế này, chỉ biết băn khoăn đứng bên cạnh.

Thượng Quan Linh nghe tiếng khóc của người yêu và tiếng an ủi của người lạ, chàng lên tiếng khuyên ngay:

- Liễu Mi đừng khóc nữa em!

Thôi Bác nghe tiếng nói này, lập tức hiểu ngay nguyên do cái khóc của Liễu Mi, thì ra ý trung nhân của cô bé này đã bị thong manh! Bèn than rằng:

- Cháu Liễu Mi, hãy dìu ngay Thượng Quan công tử vào trong động đã!

Liễu Mi nghe vậy lập tức ngừng khóc ngay, dẫn ngay Thượng Quan Linh bước lại tham yếu Thôi Bác rồi nói:

- Anh Linh ơi! Đây là vị Thôi Bác đại hiệp mà anh vẫn thường kính phục, và cho đến giờ này anh vẫn chưa được nhìn oai nhan của ngài, nay chỉ có Thôi tiền bối mới có thể chữa khỏi bệnh mắt cho anh được mà thôi. Vậy anh nên lại lạy tạ cầu Thôi tiền bối mở lòng từ bi chữa bệnh cho...

Thượng Quan Linh biết nàng đang dùng thủ đoạn nói khích vị tiền bối, tuy trong bụng không tán thành, nhưng chàng cũng thành khẩn quì xuống rằng:

- Kính lão tiền bối, đệ tử Thượng Quan Linh xin tham yết ngài!

Chàng không hề đả động đến chuyện chữa mắt.

Thôi Bác đỡ ngay dậy, mọi người vào ngay trong động, thấy trang hoàng đơn giản sạch sẽ, mặt đất trải toàn lá thông, vừa êm vừa ấm cúng.

Sau khi mọi người ngồi yên ổn, thần ưng Đại Hắc đứng cạnh, Độc chỉ Thôi Bác huýt lên một tiếng sáo, lập tức cả một đàn sóc lớn bé, chúng tha toàn những hoa quả đưa đến trước mặt mọi người. Thượng Quan Linh và Liễu Mi ăn luôn một hơi vài trái, chỉ cảm thấy thơm ngon lạ lùng, nhưng lại không biết tên những hoa quả ấy gọi sao.

Liễu Mi lúc này bèn kể hết mọi việc đã xảy ra trên Mặc Phụ Sơn và đến khi bắt sống được Đinh Hãm của Vô ảnh Phong mới thôi; và đồng thời cũng nói rõ lý do đến đây là nhờ sự ám chỉ cách chữa bệnh của Hoạt Thương Công đã từng dạy. Chỉ có cây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ mới có thể cứu nổi bệnh cho Thượng Quan Linh, nên hai người đã không ngần ngại gì đến đây mạo hiểm một chuyến cầu may, và Liễu Mi cũng không quên thuật lại những chuyện mà Hồng điệp Châu Chu đã kể về cuộc đời của Thôi Bác. Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác chỉ thở dài và gật đầu buồn bã nhận ngay.

Trong cảnh ấm cúng của động hang trải đầy lá thông đây, Độc chỉ Thôi Bác bèn thuật lại cảnh tao ngộ của mình:

Sau khi lao mình từ trên cao xuống vực thẳm để tìm cái chết giải tỏa nỗi hận tình của mình ngờ đâu con linh điểu Đại Hắc, nó quá mến chủ, trong lúc nguy cấp ấy Đại Hắc đã tự động giơ ngay móng trảo của nó chụp ngay thân của Thôi Bác, từ từ hạ mình xuống, nhờ vậy cả chim lẫn người đều được bình an vô sự. Sau khi xuống đến nơi tìm hết các nơi một lượt, nhưng không thấy hài cốt của Ngọc Thụ Ky Nhân và Miêu Gia Diệm Nữ đâu, trong lòng bất giác nghi ngờ!

Thôi Bác đành đem theo Đại Hắc đi vào rừng thông, thoạt tiên chỉ thấy toàn các chú sóc lớn bé, rồi tiếp đó Đoạn Trường Nhân ngửi thấy một mùi thơm quái lạ. Ngay khi ngửi phải mùi thơm ấy, Độc chỉ Thôi Bác suýt ngất hẳn luôn, một mùi thơm mà đã lâu không được ngửi lại, vì chính mùi thơm thể hương của nàng tình nhân Miêu Gia Diệm Nữ! Không lý nàng té xuống đây sau hơn mười năm trời mà vẫn còn sống? Và cả người chồng Ngọc Thụ Ky Nhân cũng chưa chết? Nếu quả nhiên còn sống, Thôi Bác thân hành lại tạ tội trước mặt họ, đồng thời sẽ yêu cầu họ tái lại nếp sống của thế gian, và sẽ bảo Đại Hắc đưa họ về, và sau khi an bài xong mọi việc, Thôi Bác sẽ tự sát ngay trước mặt họ để tỏ lòng thành của mình, và thi hài sẽ do Đại Hắc đưa về Tả Diện Phong để chôn cất!

Cuối cùng tìm thấy hai bộ xương người, một thiếu nữ trần truồng và đang ăn trái với đám sóc, và chính mùi thơm thể hương đã tiết ra từ trên thân mình cô bé này, trên cổ cô bé lại đeo một dị bảo của trần gian, đó là báu vật trấn bang của Ngọc Thụ Thổ Ty xưa kia là cây Ngân hoa hỏa thụ. Trước cảnh bất ngờ và quá rõ ràng của sự kiện này, Độc chỉ Thôi Bác đã khóc sướt mướt, một cái khóc thấm thía nhất trong đời của vị Đoạn Trường Nhân.

Không biết có phải chính nhờ vật dị bảo Ngân hoa hỏa thụ đeo trên cổ của cô bé mà con ruột của mình được thoát cơn tai nạn bị té xuống vực thẳm này chăng? Độc chỉ Thôi Bác không tin, nhìn kỹ toàn thân thiếu nữ, không có một triệu chứng gì là tàn tật, trong lúc té đã nghiễm nhiên tránh khỏi thương tích, như thế chắc là công hiệu của dị bảo ngân hoa hỏa thụ?

Nhìn cô bé lúc đó không khác nào như bậc Nữ hoàng của loài sóc, ăn trái và đùa giỡn với bầy sóc.

Độc chỉ Thôi Bác lúc ấy dồn dập các tư tưởng ý nghĩ trong đầu: nào từ kinh hãi đến đau khổ, rồi hối hận, rồi vui mừng, rồi yêu thương... Và từ lúc đó bỏ ngay ý định tự sát, quyết chí nuôi con cho khôn lớn.

Độc chỉ Thôi Bác lại bồng ngay cô bé, bé ta không biết la khóc tiếng người, chỉ chí chóe kêu như tiếng sóc! Thôi Bác tay bồng con và tiếp tục tìm kiếm thêm, nhưng trong động ngoài hai bộ xương của Ngọc Thụ Ky Nhân và Miêu Gia Diệm Nữ ra, không còn vật gì khác hơn, hình như mọi vật đã quay về với đất. Thôi Bác thở dài não nề, Á Cơ khi sinh đẻ con gái ra chưa đặt tên, và nay với danh nghĩa bố ruột của bé gái, Thôi Bác bèn đặt tên A Hương cho nàng! Sau đi tìm gỗ rừng về làm áo quan để mai táng hai bộ hài cốt của người quá cố rồi lại tìm được một khối đá nhẵn nhụi về tạc chạm thành hai bức tượng, và công việc tạc tượng này đã được làm với thời gian khá lâu, và cũng từ đó, Độc chỉ Thôi Bác phải lo áo bằng lá cho A Hương che thân và dạy nàng tập nói tiếng người, tuy thời gian chẳng được bao lâu, nhưng vì có khiếu thông minh, A Hương cũng đã nói được những tiếng thông thường cần dùng.

Trong những ngày sống tại dưới vực thẳm này, Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác đã tiêu ma thì giờ buồn hận của mình vào việc tạc tượng minh huynh và tình nhân của mình. Thôi Bác chỉ ước vọng sao có thể tìm ra đôi lời nguyền rủa của Ngọc Thụ Ky Nhân hay Miêu Gia Diệm Nữ, dù cho là những lời nguyền rủa tàn nhẫn đến bực tột đỉnh của tàn nhẫn! Nhưng tuyệt nhiên không thấy họ để lại một di tích gì, Thôi Bác quằn quại đau khổ trong lương tâm, không biết rằng vị minh huynh và vị tình nhân của mình trước khi bị chết có thông cảm cho tình cảnh của mình không? Hay là họ vẫn mang theo mối oán hận? Nay Thôi Bác cố sống, chẳng qua chỉ vì cho đứa con gái A Hương, hình như Đoạn Trường Nhân cũng ngầm hiểu rằng, có lẽ vợ chồng Á Cơ muốn mình đào tạo sao cho đứa con gái này trở thành hiệp nữ văn võ toàn tài! Nay dù mình có chết đi cũng chẳng chuộc gì được cho nỗi hận tình của mình, duy chỉ còn cách ráng hết tất cả nỗi ăn năn của mình để dạy dỗ cho A Hương, may ra nhờ đó mà bớt được nỗi khổ muôn đời của mình!

Tài năng của Độc chỉ thôi Bác, lẽ đương nhiên là dư sức dạy dỗ cho A Hương. Cô bé rừng rú này được Thôi Bá Bá dạy nói tiếng người ráo riết, và nàng cũng biết luôn cả loại ngôn ngữ của thần ưng Đại Hắc. A Hương đã tiến bộ nhanh chóng, thần ưng là bạn thân nhất của nàng, và những khi nhàn rảnh thường đưa A Hương đi chơi đó đây. Thấm thoát không bao lâu, vị Độc chỉ Thôi Bác lại tìm ra quyển ký sự của mình, và cuộc đời cứ âm thầm trôi qua mãi cho tới khi Liễu Mi đến.

Sau khi Độc chỉ Thôi Bác nói xong lại còn cho hay thêm một chuyện nữa rằng, sau khi được biết A Hương là con ruột mình, trong lòng như đã cảm thấy có nơi nương dựa về tâm hồn, bệnh ho bất trị xưa kia cũng đã mất hắn, đáng lý sống dưới hang động này không bị chết đói thì cũng chết lạnh, nhưng lạ thay đã không chết như vậy mà trái lại còn khỏi luôn cả bệnh bất trị là khác!

Liễu Mi nhìn lại, quả nhiên da mặt Thôi Bác hồng hào, tinh thần quắc thước hơn xưa nữa, và từ nãy đến giờ quả nhiên không hề ho một tiếng nào.

Nhưng Liễu Mi lúc này còn mải theo đuổi ý nghĩ riêng, miễn cưỡng cười và nói vài câu chúc mừng về sự may mắn. Liễu Mi đang lo nghĩ về số phận của người chồng tương lai của mình, thế bệnh thong manh trầm trọng này, thế nào cũng có dị bảo Ngân hoa hỏa thụ mới có thể cứu nổi, nhưng mãi đến giờ này, vẫn chưa thấy Thôi Bác nhắc đến chuyện trị bệnh này, mà trên cổ của A Hương lại không thấy đeo dị bảo này, hiển nhiên vật báu đã bị chôn theo với thi hài của vợ chồng Ngọc Thụ Ky Nhân!

Nếu phải đào mồ lên để dùng dị bảo chữa bệnh, Thượng Quan Linh biết chuyện này chắc sẽ không đời nào chịu vậy... và như thế, đôi mắt của Thượng Quan Linh đành chịu mang tật suốt đời sao!

Liễu Mi bi thương, tính tình lại bất khuất, nàng càng không muốn thấy hạnh phúc bị thiếu đi một đại chi tiết như thế, vẫn không bỏ một tia hy vọng nào, lên tiếng hỏi ngay:

- Kính thưa đại thúc! Nay cây Ngân hoa hỏa thụ hiện ở đâu?

Độc chỉ Thôi Bác vẫn lẳng lặng không trả lời, bầu không khí vô cùng yêu tĩnh tỏa khắp trong động thạch âm u. Liễu Mi cuống lên, Thôi Bác nhận ngay ra cô bé họ Liễu này đã phải lòng chàng Thượng Quan Linh, nên mới mạnh dạn hỏi gặn mình như thế.

Không thể nào trách nàng được! Thôi Bác tự nhủ lòng mình như vậy. Khi nhìn Thượng Quan Linh, thần sắc quá bình tĩnh của thiếu niên đã khiến cho vị Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác đã phải sửng sốt bất ngờ, chẳng thấy chàng có vẻ hy vọng hay xúc động gì, trái lại chàng có ý gắt với người yêu đã dám hỏi vu vơ như thế. Quả nhiên lời đồn không sai, thì ra vị thiếu niên giang hồ mà là môn đệ của nhóm Càn Khôn Ngũ Tuyệt Nam bút Gia Cát Dật, tính ngay thẳng, hào hoa phong nhã, chẳng khác thầy là mấy, quả là người biết tôn trọng chánh nghĩa là lẽ phải, quí hơn nữa là nỗi lòng trọng nghĩa, không vì sự mù mắt của mình mà đi làm một việc bất nghĩa như thế.

Thượng Quan Linh không hổ danh là vị thiếu niên hiệp nghĩa anh hùng, một vị anh hùng trọng nghĩa như thế, hèn gì khi trải qua những cảnh ra sống vào chết, mà chàng ta vẫn ngang nhiên đổi chuyện hung dữ thành an lành vô sự.

Độc chỉ Thôi Bác cũng từng nghe đến tên của Thượng Quan Linh, nay mới chính thức được thấy mặt, nhưng vị Đoạn Trường Nhân hình như đã quen chàng ta từ lâu rồi. Gia Cát Dật và Túy Đầu Đà đều yêu mến chàng, Hầu Hạo và Đại Hắc đều là bạn thân của chàng, nhất là cô bé Liễu Mi tinh ranh mà mình thích ấy lại yêu say sưa Thượng Quan Linh vậy, nay xem kỹ ra, Thượng Quan Linh quả có rất nhiều điểm cho người ta thích mến lắm.

Thôi Bác lúc này cũng thấy mình có hảo cảm với Thượng Quan Linh, nếu nói về thông minh lanh lợi, quả chàng không làm sao bì nổi với Liễu Mi, nhưng nếu bàn về tâm tình căn cơ, Liễu Mi quả đã thua xa Thượng Quan Linh. Với võ công tuyệt thế hiện nay của mình, đến nay vẫn còn chưa tìm được một người nối nghiệp, vừa rồi có ý muốn thu Liễu Mi là nữ đệ tử, nhưng nay xem ra, Thượng Quan Linh có xứng hơn, nhưng tiếc thay người đã là cao túc của Nam bút Gia Cát Dật, mình đâu có lý đoạt ái đồ người ta, xem ra những bản lãnh tuyệt thế của mình, chỉ còn nước truyền hết lại cho A Hương mà thôi. Thôi Bác vì mải suy nghĩ liên miên, quên luôn câu trả lời, Liễu Mi không tiện hối hỏi, nàng chỉ còn một cách dùng một thứ vũ khí trời đã ban cho người đàn bà - khóc!

Đoạn Trường Nhân quả nhiên không chịu nổi tiếng khóc, bèn từ từ rằng:

- Cháu Liễu Mi! Cháu hãy nín nghe thúc thúc nói đây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ đã chôn cất cùng với hai người bạn thân của thúc thúc, nó sẽ làm bạn cùng với vợ chồng Ngọc Thụ Ky Nhân...

Nghe vậy, Liễu Mi càng tuyệt vọng, nàng cố hùng hồn rằng:

- Kính thưa Thôi thúc thúc! Ngân hoa hỏa thụ vốn là bảo vật trấn bang của Ngọc Thụ Thổ Ty. Nay trên giang hồ đều xôn xao về việc dị bảo này bị thất lạc và còn nghe đồn rằng bang Ngọc Thụ vì đã mất báu vật này mà nay liên miên xảy ra tai ách hoạn nạn khắp trong vùng... Nay đại hiệp ngài chỉ lo chỉ có mỗi chuyện riêng vị kỷ của mình, mà không cần đếm xỉa đến hạnh phúc của đại đa số... Ngài đâu biết nỗi thống khổ của đám lê dân đang bị tai ách hành hạ liên miên...

Nói tới đây, nàng cố như nghẹn ngào nức nở thêm, Độc chỉ Thôi Bác cũng không khỏi cười thầm trong bụng: Con bé này quá ranh mãnh thật, mượn cớ thống khổ cứu lê dân Ngọc Thụ, trách ta vị kỷ, bộ ngươi không ích kỷ để cứu người yêu mà lại đi thương khóc thật cho đám dân vô danh ở Ngọc Thụ chăng? Tuy nghĩ trong bụng như vậy, nhưng Thôi Bác không tiện nói toạc ra, nay thấy nàng vẫn khóc sướt mướt, trong lòng tuy bất nhẫn, nhưng cũng chẳng lên tiếng nói gì. Liễu Mi càng khóc to, Thượng Quan Linh lên tiếng rằng:

- Liễu Mi! Sao em lại hồ đồ đến thế! Em cố cưỡng ép Thôi lão tiền bối như thế, có khác nào để thỏa mãn lòng ích kỷ của mình, như thế thì còn gì là đại nghĩa nữa...

Mấy câu nói này, nghĩa chánh từ thuận, Thôi Bác bất giác phải khen thầm, và càng mến thích tính hào hùng của Thượng Quan Linh.

Thình lình, Đại Hắc đang nằm bẹp mình bên cạnh bỗng kêu lên vài tiếng như đang bày tỏ ý kiến của nó với chủ. Liễu Mi đương nhiên không biết ý nghĩa gì? Thôi Bác bất giác thầm nhủ: Tên thiếu niên Thượng Quan này quả thật là người đang gặp vận may, nay đến cả con linh điểu Đại Hắc cũng không muốn hắn bị tật mù suốt đời, ngang nhiên cũng dám tỏ ý xin ta lấy dị bảo ra để chữa trị cho người bạn thân của nó.

Nghĩ xong, bèn từ từ rằng:

- Cháu Liễu Mi nói đúng, Ngân hoa hỏa thụ phải qui hoàn về xứ Ngọc Thụ...

Tuy câu nói ngắn, nhưng đối với Liễu Mi quả là một tin mừng vô kể, nhưng nàng không biết vị Độc chỉ Thôi Bác này sẽ dùng cách gì để lấy cấy dị bảo Ngân hoa hỏa thụ, nếu phải đào mồ bới mả, quả thật là không thể có hành động ấy được. Liễu Mi đằng này băn khoăn, thì Thượng Quan Linh đằng kia lập tức phản đối ngay:

- Hà lão tiền bối (họ của Ngọc Thụ Ky Nhân) và phu nhân đã mai táng cẩn thận, không thể nào có hành động vô nghĩa thế được, nếu Thôi lão tiền bối có ý muốn lấy dị bảo ấy ra, vãn bối không tán thành hành động ấy...

Trông thần sắc Thượng Quan Linh càng lẫm liệt oai phong, Thôi Bác càng thích thú và cười nói rằng:

- Dù Thôi Bác ta có già lẩm cẩm đến đâu đi nữa, trước kia đã lầm lẫn một lần, nay ta không thể nào bị mắc thêm cái lầm tai hại thứ hai nữa, cậu đừng ngần ngại gì... Tuy Ngân hoa hỏa thụ hiện nằm trong mộ, nhưng ta vẫn có cách lấy ra...

Liễu Mi mừng quýnh, nàng yên chí, lúc này nàng mới để ý sự kiện xung quanh, chỉ thấy A Hương đã ngủ say trong lòng của Thôi Bác, bên ngoài trời đã khuya, nàng cũng yên trí tìm một giấc ngủ thoải mái trong động thất ấm áp này.

Sáng hôm sau, Thôi Bác dẫn Thượng Quan Linh, Liễu Mi, A Hương, Đại Hắc, và trên mười mấy chú sóc nhỏ đến ngôi mộ.

Thượng Quan Linh vì bệnh mắt, nên không biết vị Độc chỉ Thôi Bác có diệu kế gì, nhưng Liễu Mi, A Hương, chim ưng Đại Hắc, ai nấy trố tròn mắt theo dõi hành động của Thôi Bác, chỉ thấy Đoạn Trường Nhân líu ta líu tíu, trên mười chú sóc lập tức chạy ngay lại quanh quẩn dưới chân Thôi Bác. Liễu Mi lập tức hiểu ngay dụng ý của vị Đoạn Trường Nhân, nàng kính phục ngầm. Sau những tiếng líu tíu một hồi của Thôi Bác, đám sóc lập tức thi hành nhiệm vụ, chúng xúm xít lại khoét ngay một lỗ hổng nhỏ nơi mộ, và cả đám sóc nối đuôi nhau chạy hết vào trong, chớp nháy, quả nhiên chúng đã không phụ sứ mạng. Trên mười chú sóc đã nghiễm nhiên tíu tít bưng ngay cây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ ra, giao ngay cho A Hương, xong chúng lại hùa nhau lấp ngay lỗ hổng kín đáo lại. Hình như công việc này không phải là hành vi đào mả trộm báu gì, Liễu Mi vô cùng vui mừng, nàng thấy cây dị bảo Ngân hoa hỏa thụ chỉ lớn bằng ngón tay cái, hình thù trông tựa như một cây nhỏ bé, chiều dài lối bốn tấc trở lại, lá đều bằng bạc, cành toàn màu ửng hồng, ánh sáng óng ánh nhóa mắt, quả là một kỳ bảo trong trần gian. Lúc này thấy A Hương lấy tay cọ chùi dị bảo, Độc chỉ Thôi Bác bèn cười rằng:

- Hương ơi! Cháu hãy giao ngay bảo thụ cho chị Liễu Mi, và đi lấy nước suối ngay lại đây mau!

A Hương giao ngay cho Liễu Mi và chạy đi lấy ngay nước lại. Độc chỉ Thôi Bác ra lệnh chữa bệnh, Thượng Quan Linh ngồi xếp chân bàn tròn, Liễu Mi ra tay, nàng nhúng bảo thụ vào nước suối, từ từ thấm ngay vào mắt của Thượng Quan Linh, rồi kỳ tích đã xuất hiện ngay sau khi đó... Và ai nấy đang hồi hộp... Bỗng Thượng Quan Linh lớn tiếng reo lên:

- Em Liễu Mi! Hãy mau cám ơn Thôi lão tiền bối... anh đã thấy được mọi vật xung quanh rồi!

Sau khi khôi phục được nhãn lực, câu chuyện thứ nhất của Thượng Quan Linh là quì thụp ngay xuống tạ ơn vị Thôi tiền bối, xong lại hướng qua ngôi mộ của vợ chồng Ngọc Thụ Ky Nhân lạy tạ lễ lớn, rồi đứng lên vái dài A Hương, thần ưng Đại Hắc cũng lại cọ sát thân vào Thượng Quan Linh để tỏ nỗi mừng của nó. Lúc này ba người có ba tâm tình thầm kín khác nhau.

Liễu Mi lúc này mừng ứa nước mắt, vì nàng cảm thấy ước vọng của mình đã đạt tới mục đích! Nàng sung sướng hơn ai hết. Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác, lúc này càng chăm chú quan sát khuôn mặt của Thượng Quan Linh, vị đại hiệp không khỏi ngẩn người về sự cấu tạo của tạo hóa, trong ngũ quan của con người, không dè đôi mắt lại chiếm một địa vị tối quan trọng đến thế. Thượng Quan Linh vừa rồi còn thong manh, tuy cũng thấy rõ các đặc tính: anh tuấn, hiền hậu, chính trực, nhưng vẫn có một thần sắc ngớ ngẩn dài dại thế nào, nay đôi mắt chàng sáng lại, quả trở nên linh động! Chỉ cảm thấy vị thiếu niên càng tỏ ra xuất chúng và hiên ngang lẫm liệt lạ!

Chả thế mà xưa kia nhà danh họa Lý Long Miên vẽ rồng mà không điểm mắt, vì truyền rằng nhà danh họa này vẽ rồng giống đúc như thật, sợ điểm thêm mắt, rồng sẽ bay về trời mất. Suy vậy đủ biết cặp mắt quan hệ là bực nào! Thôi Bác cảm thấy mình đã làm một công đức nhỏ cho hai trẻ đang yêu nhau, trong lòng cũng thấy thư thái dễ chịu.

Riêng phần nàng tiên A Hương, lúc này kinh ngạc hơn ai hết. Trước đây, nàng không hề cảm thấy anh Thượng Quan Linh này có gì lạ, nhưng bây giờ, trong khi vô tình làn nhãn tuyến của nàng đã ngó ngay vào đôi mắt của Thượng Quan Linh khiến nàng có một cảm giác kỳ lạ chuyển khắp trong người. Nàng không biết ngượng nghịu là gì, chỉ cảm thấy quái lạ, và cứ nhìn thẳng trân sang vị thiếu niên anh tuấn, hình như nàng tìm lại những cảm giác là lạ của cái nhìn ấy.

Phần Thượng Quan Linh, sau khi khôi phục lại nhãn lực của mình, chàng sung sướng như muốn đón nhận tất cả mọi cảnh sắc đang xảy ra xung quanh mình, nào cảnh sắc nên thơ của động hang, nào oai hùng của Đại Hắc, nào những chú sóc dễ thương tung tăng, nào bộ mặt hiền từ của Thôi tiền bối đại hiệp, nào khuôn mặt đẹp của ý trung nhân Liễu Mi.

Nhưng sự kinh ngạc sau cùng của chàng là: một thiếu nữ như tiên giáng thế, thân tuy chỉ mặc áo kết bằng lá, một vẻ đẹp hồn nhiên, và càng kinh lạ hơn nữa nàng đã tiết ra một mùi thơm lạ lùng của thể hương! Thượng Quan Linh ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, chỉ nghe chàng lẩm bẩm buột ra tiếng nói:

- Trời.... Rõ đúng là tiên nữ hạ phàm!...
Bình Luận (0)
Comment