Đó là đầu xuân 1972, năm ấy tôi mười tám tuổi, làm y tá trong quân y rồi theo phẫu sư đoàn đóng trong rừng An Giang dưới miền Tây. Tôi băng bó và chăm sóc vết thương cho nhiều thương binh cả nam lẫn nữ nhưng chung quy tôi vẫn là đứa con gái mới lớn, chưa từng tiếp xúc gần gũi với đàn ông, dù bác sĩ giao việc gì tôi cũng cố gắng làm hết, duy cái chuyện lau rửa vết thương nơi chỗ kín cho nam thương binh nằm liệt giường thì tôi không làm được!
Tôi cố chấp lắc đầu trước mặt bác sĩ, và trước mặt anh chàng Tiểu đội trưởng.
Tiểu đội hơn chục người vừa bị địch xung kích, mấy đồng đội của anh ta bị thương nặng do trúng đạn hoặc trúng bom mới được khiêng về đây hai hôm trước. Đây là lần đầu chúng tôi giáp mặt nhau. Anh ta cao phải tới thước tám, thân hình to lớn trong áo bộ đội lấm đất, đầu đội nón kết, khuôn mặt sáng sủa ưa nhìn với nước da hơi ngăm, ánh mắt hướng vào tôi nghiêm nghị khó chịu:
- Tại sao đồng chí không làm?
- Tiểu đội trưởng, em là gái chưa chồng, chỗ đó của đàn ông... sao em có thể?
- Đã gia nhập quân ngũ, chấp nhận làm y tá thì đồng chí phải săn sóc thương binh dù với mọi vết thương, ở bất cứ vị trí nào. Đồng đội tôi xả thân chiến đấu, còn đồng chí ở đây phân biệt nam nữ, vậy có đúng không?
Tôi nhìn anh ta, thầm nghĩ ngoài chiến trường có cái khổ của chiến trường, nơi quân y cũng có cái khó của quân y, anh ta tại sao không thể thông cảm cho một đứa con gái mới làm y tá hơn một năm như tôi? Bác sĩ đứng giữa khó xử, anh Khánh từ đâu chạy lại, bảo để anh làm giúp tôi vì anh là y tá nam, sẽ dễ hơn! Tôi thấy anh cười gật đầu với mình, liền nói câu cảm ơn.
- Đồng chí cứ vậy sao thành y tá thành thạo được? Tôi không thích đứa con gái suốt ngày chỉ biết khóc khi ở ngoài chiến trường khói lửa này.
Tiểu đội trưởng quay lưng rời đi, tôi bặm môi, chị Miên đứng kế bên an ủi:
- Thôi để ý chi, người ta là Tiểu đội trưởng, đòi hỏi nghiêm khắc là chuyện thường. Nghe đâu, tiểu đội anh ta cũng khá lắm đó.
Giỏi vậy sao bị địch xung kích bị thương tới mấy người? Tôi không nói ra lời đó chỉ quay lại công việc của mình, trước khi rời lán, tôi còn nghe loáng thoáng chị Miên nói với anh Khánh, Tiểu đội trưởng hình như tên Khởi!
Tôi biết anh ta đề cập đến chuyện khi nãy tôi đứng trong góc bếp khóc thầm.
Tôi khóc vì nhớ nhà chứ không phải vì tôi sợ!
Tía tôi hi sinh trong một lần làm nhiệm vụ, mùa đó miền Tây địch bắn phá cầu đường dữ dội hòng ngăn tiếp tế từ quân ta, tía tôi cùng mấy đồng chí giao thông chung vai quyết giữ đường lên biên giới. Cả đời tía tôi bảo vệ những con đường, những vòng bánh xe chở quân, chuyển hàng từ hậu cần ra tiền tuyến.
Má có mình tôi, hồi đó đi làm ruộng má đau đẻ giữa chừng. Má nói lúc mở mắt ra thì nghe tiếng tôi khóc rồi, xung quanh thấy mấy bông dại nở nhụy, thế là đặt luôn cái tên Nhụy Hoa. Nhiều người đọc trại, cứ gọi tôi là nhị này nhị nọ miết.
Má bảo tôi hãy như hoa dại, kiên cường khoe sắc, cả đời vui vẻ hồn nhiên. Mong mỏi của má khó thành khi năm mười bảy, tôi xin má đi bộ đội, má không nói gì ngoài việc đồng ý. Má biết thời chiến tranh, những lứa thanh niên luôn xung phong đi bộ đội, góp sức mình trong việc giải phóng nước nhà.
Má bảo tôi cẩn thận với con trai, đừng quên nhiệm vụ của mình, môi trường quân đội kỷ luật, đứa con gái như tôi sẽ được rèn giũa nghiêm khắc.
Tôi kiên quyết là vậy, thế mà ngày ra đi nước mắt chảy mãi không ngừng.
Tôi chọn quân y, chẳng cần phải ra tận chiến trường cầm súng giết địch, ở đây tôi có thể chăm sóc cho nhiều người, giúp họ xoa dịu những cơn đau do chiến tranh bom đạn khốc liệt gây ra. Tôi học trong lớp y tá quen được nhiều đồng chí nữ, có người đang độ xuân xanh cũng có người đã lấy chồng đẻ con. Lớp học nam nữ học chung, và tôi biết anh Khánh. Người đen nhẻm, tốt tính, hay cười. Anh chăm lo cho tôi lắm, tôi xem anh như anh trai. Cái duyên thế nào khi khóa học trôi qua, tôi với anh lại về cùng một đơn vị, thế là thân càng thêm thân.
Tôi hay gửi thư cho má, lúc đầu ở đây tôi nhớ nhà lắm, dần dần thì nguôi ngoai.
Quân y làm việc liên tục, ca trực không lúc nào ngơi nghỉ, nhiều đêm vừa đặt lưng xuống chiếu nhắm mắt chưa bao lâu đã nghe tiếng bom dội lại, biết ngay thể nào cũng có thương binh chở đến.
Hơn một năm, qua những ca trực vất vả tới sáng, tôi cũng quen rồi.
Chiều chiều ngơi tay chút, chị Miên rủ tôi qua lán mấy anh nam nói chuyện cho vui. Nơi đây chỗ nào tôi cũng dám đi, riêng có chỗ này thì e dè, vì mỗi lần tới đây đều thấy toàn đàn ông con trai, họ thấy tụi tui lại chọc ghẹo liên tục.
Vài lần tôi từ chối mà chị Miên có chịu đâu, bảo anh Khánh ở bển trông em qua đấy hoài! Tôi sang đó chỉ nói được dăm ba câu với ảnh, chẳng làm gì khác.
Hôm nay qua tới nơi, tôi không những thấy mấy anh quân y mà còn vài bộ đội chiến đấu với cả Tiểu đội trưởng tên Khởi kia. Nhóm bộ đội thân thiện nói râm ran kể đủ thứ chuyện đánh Mỹ, anh chàng Tiểu đội trưởng ở trong lán, lâu lâu nhìn ra ngoài và vừa thấy tôi lại quay mặt đi. Chị Miên để ý người ta hay sao mà cứ hỏi:
- Ảnh ít nói quá hả?
- Anh Khởi cũng hòa đồng lắm, không xét nét cấp trên cấp dưới, bình thường thì vui vẻ nhưng ra tới chiến trường thì nghiêm túc dữ thần.
- Ảnh nhiêu tuổi, có vợ chưa?
- Mới ngoài hai mươi, chưa vợ. Nhiều cô đòi thương mà ảnh từ chối hoài hà.
- Thế chị hỏi kỹ vậy, định hỏi cưới Tiểu đội trưởng tụi này hả?
- Ờ thì ảnh gật cái là tui hỏi cưới liền!
Chị Miên bông đùa, ai nấy đều cười rần rần trước tánh bạo dạn của chị. Từ trong lán Tiểu đội trưởng đi ra, tôi thấy mọi người lập tức im bặt, chắc sợ đội trưởng la cho một trận vì biết nãy giờ mình trở thành mục tiêu bị bàn tán cỡ nào.
- Tôi vô rừng có chút việc, mấy đồng chí ngồi đây coi mắt tới đồ đạc giúp tôi.
- Đồ quan trọng lắm hả Tiểu đội trưởng?
- Mấy cái đó mất, tôi không làm lại được.
Dõi theo bóng dáng anh ta khuất sâu trong rừng, mọi người tiếp tục câu chuyện dở ban nãy. Tự dưng tôi tò mò nhìn vô lán, trên chiếc bàn nứa ọp ẹp là một cuốn sổ cũ, mấy lá thư rồi vài thứ lỉnh kỉnh. Tôi nghĩ chắc thư tình của anh ta.
Không khí đang vui vẻ thì thình lình máy bay đến.
Đằng sau những ngọn cây cao vút, bọn địch ập tới chẳng khác gì sấm sét.
Một bộ đội liền đứng dậy nói rõ ràng nhưng không quá lớn: "Chúng đánh tọa độ đó!", một thứ ánh sáng lạnh chớp giật, đất bên dưới rùng mình một cái. Tất cả chúng tôi nằm sát xuống nín thở, tiếp theo đất đá cùng mấy cành cây lớn từ trên đầu đổ ào xuống. Máy bay địch vẫn ở trên cao, hết đợt này lại đến đợt khác! Loạt bom không thả trực tiếp xuống chỗ này, mà cách một khoảng nhưng đủ để rung chuyển mấy cái lán dựng siêu vẹo tại đây.
Không ai bảo ai, chúng tôi lập tức đi tìm chỗ nấp. Trong đầu tôi khi ấy bất giác nhớ tới Tiểu đội trưởng, phía rừng nơi anh ta vừa đi về gần với chỗ đánh tọa độ của địch, không biết anh ta may mắn thoát được không. Rồi mắt liếc nhanh về bàn nứa, có mấy thứ đồ quan trọng anh ta nói giữ hộ. Mặc xung quanh cây lớn đổ ào, tôi chui vô lán, quýnh quáng lấy cuốn sổ với thư từ, kèm theo vài thứ khác. Một tiếng bom dội ầm, tôi giật mình thụp xuống, chợt có ai đó nắm vội tay tôi kéo giật lại, nhìn qua mới phát hiện là Tiểu đội trưởng.
"Chạy mau!", anh ôm chặt lấy tôi chạy vội ra khỏi lán. Máy bay địch còn quay mòng trên đầu kèm theo từng đợt pháo sáng rực. Tìm được khe đá an toàn, anh ta đẩy tôi vào bên trong núp, còn mình đứng nửa thân ngoài nửa thân trong. Tiếng ầm ầm dội ở ngoài, địch bắn hai mươi ly nghe rát cả tai.
Khe đá chật chội tối om, và tôi cảm nhận hơi ấm truyền vào lòng bàn tay mình. Vai tôi với vai Tiểu đội trưởng đụng nhau, tay anh ta vẫn nắm chặt tay tôi, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần gũi với con trai đến vậy. Tôi nhìn sang bên, ánh sáng yếu ớt của buổi chiều cùng pháo sáng trên cao giúp tôi nhìn rõ bóng dáng to lớn đang che chắn ngoài cửa khe. Vị đội trưởng trong tấm áo bộ đội mạnh mẽ lẫn quyết liệt khi bảo vệ tôi. Hình ảnh đó như đập vào trong tâm trí tôi, rất lâu về sau...
Máy bay cuối cùng cũng bay đi.
Bắt đầu nghe âm thanh lào xào, chắc mọi người đã trở lại dãy lán, tôi với Tiểu đội trưởng cũng đi ra. Không bị dội bom nhưng cành cây đổ xuống làm vài cái lán bị sụp. Chúng tôi nhanh chóng chạy về chỗ lán của phẫu sư đoàn, may chỗ này chưa bị thiệt hại nhiều. Đứng một lúc, tôi phát hiện vai phải của Tiểu đội trưởng chảy máu, màu đỏ thấm đẫm vải áo.
- Tiểu đội trưởng, anh bị thương rồi kìa!
- Vết thương nhẹ thôi, không sao. - Rồi anh ta nhìn tôi - Nghe tiếng máy bay, tôi chạy vội về thấy ai nấy đều tìm chỗ nấp, sao đồng chí còn chạy vô lán?
Bấy giờ mới sực nhớ, tôi đưa ra cái túi vải cũ sờn mà ban nãy kịp bỏ đồ vào trong đó, trả lại cho anh ta và nói rõ:
- Hồi nãy anh đi có nhờ coi giúp những thứ này, anh nói rất quan trọng nên em mới quay vô lán để lấy cho anh.
Tôi thấy Tiểu đội trưởng ngây người một thoáng, vẻ mặt giống kiểu vừa bất ngờ vừa ngạc nhiên, tiếp theo anh ta đón lấy cái túi vải rồi mở ra xem, tôi nghĩ là mình đã lấy đủ hết. Sau đó anh ta nhìn lại tôi, giọng dường như nhẹ nhàng hơn chút:
- Đây là nhật ký của tôi với mấy lá thư gia đình gửi, vài kỷ vật của đồng đội, đúng là quan trọng nhưng không đến mức khiến đồng chí phải mạo hiểm như vậy.
Nghe anh ta nói thế bất giác tôi thấy chàng trai này hiền lành đến lạ, lúc này trông anh thật khác với sáng nay khi quở trách tôi.
- Tại em nghĩ chạy vô lấy ít đồ chắc cũng không sao.
- Đồng chí nhỏ nhắn vậy mà gan lớn quá.
- Nhưng hồi sáng Tiểu đội trưởng nói em chỉ biết khóc.
Thật tình tôi chỉ buột miệng nhắc lại thôi, nào ngờ Tiểu đội trưởng trở nên khó xử liền đưa tay lên gãi đầu, nhưng anh ta quên mất mình đang đội nón kết thành ra càng thêm bối rối, tôi trông thế mà buồn cười vô cùng.
- Sáng nay tôi không đúng khi nặng lời với đồng chí. Tôi thấy đồng đội đau đớn vì bị thương nên sốt ruột, không thông cảm khi đồng chí là một cô gái.
- Cái đó em hiểu, điều em không thích là Tiểu đội trưởng nói em chỉ biết khóc.
- Ban nãy thấy đồng chí liều mình thì tôi biết cô can đảm cỡ nào rồi.
Không nghĩ Tiểu đội trưởng khó tính đó lại khen mình, tôi ngượng ngùng cười.
- Đồng chí tên gì?
- Nhụy Hoa, cái tên nghe hơi buồn cười, má đẻ em trong bụi hoa dại nên đặt vậy.
- Tôi thấy cũng hay, thế đồng chí biết tên tôi chưa?
- Nghe mọi người nói Tiểu đội trưởng tên Khởi.
- Phong Khởi, là nổi gió đó. Đồng chí thấy ở đâu nổi gió thì ở đấy có tôi.
- Tiểu đội trưởng cũng biết nói đùa nghen.
- Quê đồng chí Hoa ở đâu?
- Em ở Vĩnh Long.
- Ủa vậy là đồng hương rồi, tôi cũng ở Vĩnh Long đây.
Tôi nghe tiếng anh cười khẽ, cùng lúc một đồng chí bộ đội đi tới hỏi về hành trình ngày mai, anh gật đầu xong quay qua tôi nói rằng:
- Mai tiểu đội tôi phải rời khỏi đây, chẳng biết chúng ta có còn gặp lại không.
- Quân y tụi em thường đâu có ở một nơi, chỗ này bị địch đánh tọa độ lần thứ ba rồi, có lẽ sẽ phải dời đi chỗ khác.
Phong Khởi tỏ vẻ tiếc nuối, mà cũng lạ, lòng tôi cũng mang chút nuối tiếc.
- Thôi, trong thời chiến gặp gỡ nhau vậy cũng là cái duyên. Đồng chí bảo trọng, mong có ngày gặp lại, đến lúc đó hi vọng đồng chí trở thành y tá giỏi giang.
- Tiểu đội trưởng, anh cũng bảo trọng.
Tôi dứt lời, Phong Khởi liền đưa tay lên mái tóc rối của tôi, khoảnh khắc ấy tim tôi đập nhanh kỳ lạ. Mãi đến khi anh lấy xuống một bông hoa dại vô tình vướng vào tóc lúc nào chẳng hay, thả rơi nó vào lòng bàn tay tôi. Anh cười, nhìn thật duyên, đôi mắt long lanh hơn cả những vì sao trên trời đang dần về đêm. Lúc anh quay đi, tôi không hiểu cảm giác xao xuyến này của mình là gì...
Chỉ biết rằng, tôi đã ép khô bông hoa dại ấy, cất vào sổ tay giữ cho riêng mình.
Hôm sau, Phong Khởi cùng tiểu đội lên đường, còn rất nhiều những trận chiến đang chờ đợi họ. Phẫu sư đoàn chúng tôi cũng chuyển đến chỗ khác.
Sau lần đó, lòng tôi tràn đầy hi vọng lẫn chờ đợi, dẫu thứ mình đợi thật mơ hồ.
Thời chiến, gặp gỡ rồi chia xa là điều rất hiển nhiên.
Không ai trong chúng tôi biết được định mệnh phía trước của mình là gì, sẽ ra sao. Dù vậy, những con người mang trong mình trái tim thanh xuân này vẫn tiếp tục hành trình gian khổ vì lý tưởng lẫn khát vọng về một tương lai hòa bình.
...
[Và năm ấy, xảy ra một sự kiện lớn, đó là Chiến dịch Xuân - Hè, còn gọi là "Mùa hè đỏ lửa 1972", bước ngoặt vô cùng quan trọng gần như thay đổi cục diện chiến tranh miền Nam bấy giờ. Chiến dịch kéo dài gần một năm, bắt đầu từ tháng ba năm 1972 đến tháng giêng năm 1973 do Quân Giải phóng miền Nam hòng chống lại chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc tấn công diễn ra với quy mô lớn, tiến thẳng vào tuyến phòng ngự quan trọng ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Thời điểm đó mây Quảng Trị nhuộm một màu đỏ, Tây Nguyên khói lửa ngày đêm, những con đường miền Tây ngập tràn lửa đạn, một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh được giải phóng với mười tám tháng ròng rã của chiến dịch Nguyễn Huệ trước khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết.] ...
Thắng trận nhưng thương vong cũng không ít.
Ngoài tiền tuyến bộ đội chiến đấu ngày đêm, nơi hậu cần quân y chúng tôi không biết một ngày phải tiếp nhận bao nhiêu thương binh, trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật xuyên đêm. Kỳ lạ thay, dù mệt mỏi đến đâu, hay trong những giấc ngủ chập chờn, thì tôi vẫn luôn nhớ về một hình bóng rất xa xôi.
Nhớ ngày hôm đó, hình ảnh chàng trai đẩy tôi vào khe đá và đứng chắn bên ngoài bảo vệ, nhớ nụ cười của anh, đôi mắt sáng lấp lánh, cả bông hoa dại anh lấy xuống từ mái tóc tôi... Thời chiến đầy gian khổ mà cũng kỳ diệu thay, người ta có thể mang trong mình bóng hình không bao giờ gặp lại, hay một lời hứa chưa từng được nói ra, vậy mà vẫn chẳng cách nào quên được.