Đôn Kihôtê - Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra

Chương 56

Nói về cuộc trò chuyện hay ho lý thú giữa Xantrô Panxa và vợ bác là Têrêxa Panxa cùng những sự việc khác đáng ghi nhớ.

Khi làm tới chương năm này, dịch giả cho rằng cuốn sách có sự giả mạo vì thấy trong đó Xantrô Panxa có những lời lẽ không phù hợp với trí tuệ cằn cỗi của bác, nói những điều quá tinh tế mà ông nghĩ rằng bác không thể nào biết được. Tuy nhiên, làm đúng chức trách của mình, ông tiếp tục dịch như sau:

Xantrô trở về nhà, mặt mày hớn hở vui mừng, cách xa một tầm nỏ bác gái cũng nhận ra khiến bác không thể không hỏi chồng:

- Thầy Xantrô nó ơi, có điều gì mà thầy trở về vui vẻ thế?

Xantrô đáp:

- Bu nó ạ, nếu đó là ý Chúa, tôi vui lòng từ bỏ niềm vui này.

- Tôi chả hiểu thầy nó nói gi cả, và tôi cũng chả biết ý tứ thầy nó ra sao, mà lại bảo là vui lòng từ bỏ niềm vui nếu đó là ý Chúa. Đần độn như tôi đây cũng chả thấy ai muốn khổ vào thân bao giờ.

- Têrêxa hãy nghe tôi nói; tôi vui vì tôi đã quyết định trở lại hầu hạ ông chủ Đôn Kihôtê. Ông chủ muốn đi lần thứ ba tìm kiếm những chuyện phiêu lưu, và tôi sẽ đi cùng ông. Tôi ra đi vì cảnh nhà bấn bách và cũng vì nuôi một hy vọng; hy vọng làm tôi sung sướng khi nghĩ rằng có thể kiếm được một trăm đồng tiền vàng nữa như số tiền ta đã tiêu; tuy thế, tôi cũng thấy buồn vì phải xa bu nó và các con. Giá như Chúa cho tôi được sống êm ấm ở nhà, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, đừng bắt tôi phải mang thân vào những nơi hang cùng ngõ hẻm - điều mà ngài có thể làm được dễ dàng, miễn là ngài muốn, - hiển nhiên là niềm vui sướng của tôi càng tăng thêm nhiều. Phải xa bu nó, tôi nửa buồn nửa vui. Vì thế nên tôi nói rằng tôi vui lòng từ bỏ vui sướng này nếu đó là ý Chúa.

- Này thầy nó ơi, nhưng từ ngày ra nhập hiệp sĩ giang hồ, thầy nó nói năng quanh co quá, chẳng ai hiểu nổi.

- Chúa hiểu cho tôi là đủ rồi, bu nó ạ; Người hiểu hết mọi chuyện. Nhưng thôi, xếp việc đó lại. Bây giờ, bu nó hãy chăm sóc con lừa trong ba ngày liền để nó có đủ sức xông pha trận mạc, hãy cho nó ăn gấp đôi và tìm cho tôi bộ yên cương cùng những phụ tùng khác vì thấy rằng thầy trò tôi không đi ăn cưới mà đi khắp hoàn cầu nói chuyện phải trái với những tên khổng lồ, những loài yêu quái, tai phải nghe những tiếng rít, tiếng gầm, tiếng rống, tiếng gào. Tuy nhiên, tất cả những cái đó đều không đáng kể nếu như không phải chạm trán với bọn lái la và những tên pháp sư Môrô.

- Thầy nó ạ, tôi nghĩ rằng làm giám mã giang hồ cũng phải sẩy vẩy mới kiếm được miếng ăn. Vì vậy, tôi cầu xin Đức Chúa trời phù hộ cho thầy nó sớm thoát khỏi cảnh này.

- Tôi nói cho bu nó biết là nếu tôi không nghĩ rằng chỉ nay mai sẽ trở thành thống đốc một hòn đảo, tôi sẽ chết ngay bây giờ.

- Thầy nó đừng nói như thế. Con gà có nhọt ở lưỡi mà vẫn sống. Dù cho quỷ tha đi hết những hòn đảo trên đời này, thầy nó vẫn sống được, không làm thống đốc, thầy nó vẫn từ trong bụng mẹ mà ra, không làm thống đốc, thầy nó vẫn sống cho tới ngày nay, và không làm thống đốc, thầy nó vẫn sẽ xuống hố hoặc sẽ bị người ta khiêng xuống hố khi nào trời bắt tội. Thiên hạ có khối người không làm thống đốc mà vẫn sống và vẫn được tính trong dân số. Loại nước chấm ngon nhất trên đời là cái đói, mà người nghèo thì không thiếu, cho nên họ ăn bao giờ cũng ngon miệng. Thế nhưng, thầy nó ạ, nếu may ra thầy nó trở thành thống đốc, chớ quên tôi và các con nhé. Phải nhớ rằng thằng Xanchicô nhà ta đã tròn mười lăm tôi đầu và đã đến lúc đi học nếu như chú nó là tu viện trưởng muốn nó gia nhập giáo hội. Lại còn con gái chúng ta là Mari Xanta nữa. Phải lo cho nó sống được một khi gả chồng cho nó. Tôi ngờ ngợ là nó muốn lấy chồng cũng như thầy nó muốn làm thống đốc vậy. Thôi thì con gái có chồng, dù xấu tốt, còn hơn đi theo trai.

- Bu nó ạ, nếu Chúa cho tôi một chức gì, như thống đốc chẳng hạn,chắc chắn tôi sẽ gả con Mari Xanta vào nơi quyền quý cao sang, cao tới mức người ta phải thưa nó là lệnh bà.

- Chớ, chớ, thầy nó ạ. Tốt nhất là phải tìm nơi bằng vai phải lứa mà gả chồng cho nó; còn như bắt nó bỏ guốc xỏ chân vào giày, bỏ váy ngắn bằng dạ nâu để mặc váy ***g dài thườn thượt bằng tơ lụa, không gọi tên nó trống không là Marica mà phải thưa phu nhân này, bà lớn nọ, con bé sẽ chẳng theo nổi đâu, và mỗi bước đi nó sẽ vấp, để lộ hết chân tẩy ra thôi.

- Mụ lẩm cẩm im mồm đi. Chỉ hai ba năm sau, nó sẽ ra dáng một mệnh phụ đài các ngay. Bằng không cũng chẳng hề gì. Nó cứ làm bà lớn đi, rồi muốn ra sao thì ra.

- Thầy nó phải biết thân biết phận mình, đừng với tay quá cao. Phải nhớ câu phương ngôn: "Hãy chùi mũi con ông hàng xóm và coi nó như con cái trong nhà" 1. Gả con Mari nhà ta cho ông bá tước hay ông quý tộc để rồi bị họ nhiếc móc, xỉ vả là con nhà hạ lưu, bố cu mẹ ** thì thật đẹp mặt! Thôi, tôi chả nghe thầy nó đâu. Tôi nuôi con gái tôi khôn lớn không phải để cho người ta mắng chửi nó. Trong làng có thằng Lôpê Tôchô, con ông Huan Tôchô; trông nó rắn rỏi, khỏe mạnh, lại là chỗ quen biết cả. Tôi thấy cu cậu để mắt tới con bé nhà ta đấy. Chỗ bằng vai phải lứa, con Mari lấy nó thật đẹp đôi và vợ chồng ta cũng được gần nó. Thế là cả nhà, cha mẹ, con cháu, dâu rể đoàn tụ, bình an dưới sự che chở của Chúa. Chớ cho nó vào làm dâu những nơi lầu hồng gác tía làm gì kẻo rồi người ta chẳng hiểu nó và bản thân nó cũng chẳng hiểu mình ra sao nữa.

- Mụ vợ ngu xuẩn kia, tại sao mụ cứ định ngăn cấm ta kiếm cho con gái một tấm chồng danh giá để rồi mai sau những đứa cháu ta được gọi là Đức ông. Têrêxa, nghe ta bảo đây: ta vẫn thấy các cụ ta nói rằng kẻ nào gặp may mắn mà không biết hưởng thì không được phàn nàn một khi điều may qua đi mất. Lúc này, vận may gõ cửa nhà ta, nếu đóng lại là ngu. Gió lành đang thổi, hãy để gió đưa bay bổng lên cao.

Ở đoạn trên của như dưới đây, Xantrô nói năng khôn ngoan như vậy cho nên dịch giả cuốn sách nghĩ rằng chương này ắt là giả mạo.

Xantrô nói tiếp:

- Con mụ đần độn kia, nếu ta được cai trị một vùng nào bở ăn, khiến ra thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn này, như vậy không tốt hay sao? Rồi ta sẽ tha hồ kén chồng cho con Mari Xanta, và mụ sẽ được người ta gọi là Đônha Têrêxa Panxa, vào nhà thờ ngồi trên thảm đệm len, mặc cho những mụ quý tộc khác trong vùng lườm nguýt. Không tốt à. Nếu thế thì cuộc đời mụ cũng sẽ chỉ như bây giờ, không tăng không giảm, giống hệt một bức hình trên thảm mà thôi. Nhưng không bàn cãi nữa, dù mụ muốn nói gi, con Xanchica cũng phải trở thành bá tước phu nhân.

- Thầy nó nói năng phải nghĩ chứ. Tôi e rằng chức bá tước phu nhân sẽ mang lại tai họa cho con gái tôi. Thầy nó muốn làm gì thì tùy, muốn nó trở thành công nương hay công chúa, tôi cũng mặc. Tôi chỉ xin nói rằng tôi không muốn và không tán thành việc đó. Thầy nó ạ, tôi luôn luôn muốn có bình đẳng, không thích lên mặt rởm. Tên rửa tội của tôi là Têrêxa, không hơn cũng không kém, không tô điểm thêm bằng chữ đôn hay đônha. Bố nhà tôi tên là Caxcahô, đúng lý ra, phải gọi tên tôi là Têrêxa Caxcahô, nhưng vì tôi làm bạn với thầy nó nên người ta gọi tôi là Têrêxa Panxa. Phép tắc nhà vua như vậy, không theo cũng chẳng được. Tôi vui lòng mang tên đó, chẳng cần thêm chữ đôn lên đầu làm gì cho nặng mình, mang chả nổi. Tôi cũng chả muốn để cho thiên hạ nói mỗi khi thấy tôi ăn mặc theo kiểu các bà bá tước hay thống đốc: "Trông con mẹ xề ra vẻ chưa! Mới hôm qua, chị ả còn gò lưng ra kéo sợi đay, đi lễ nhà thờ còn phải lấy gấu váy che đầu vì không có khăn vuông, ấy thế mà bây giờ cũng váy ***g, cũng trâm cài đầu, mặt vênh vác lên. Tưởng người ta không biết đấy hẳn?". Nếu Chúa muốn cho tôi có đủ cả thất quan hay ngũ quan, hoặc còn đủ những giác quan mà tôi có, tôi sẽ không để cho thiên hạ dè bỉu tôi như thế. Thầy nó cứ việc đi làm thống đốc mà lên mặt với tôi. Có linh hồn mẹ tôi chứng giám, tôi và con gái tôi sẽ không rời một bước khỏi làng này đâu. Đàn bà cấm cung đàn bà đứng đắn, con gái hay làm con gái nết na. Thôi, thầy nó đi mà tìm kiếm những chuyện phiêu lưu cùng với ông chủ Đôn Kihôtê, mặc cho mẹ con tôi ở nhà rau cháo lần hồi. Ơn nhờ Chúa, mẹ con tôi ở hiền gặp lành. Mà tôi cũng chả biết ai đã gọi ông chủ thầy nó là Đôn vì cha ông nhà ông ta có chức phận gì đâu.

Xantrô đối đáp lại:

- Ta nói cho mà biết, mụ có phúc lắm đấy. Lạy Chúa, mụ kể lể dây cà dây muống, chẳng có đầu xuôi đuôi ngược gì cả. Thử hỏi ông Caxcahô, những cái trâm cài đầu, những câu phương ngôn và thái độ hợm hĩnh có liên quan gì tới những điều ta nói? Lại đây, con mụ đần độn, dốt nát kia (ta phải gọi mụ như vậy vì mụ không hiểu điều ta nói và lại chẳng muốn sung sướng). Nếu ta bảo mụ rằng con gái ta gieo mình từ trên tháp cao xuống, hoặc giả nó giao du bừa bãi như mụ Uruca lẳng lơ thì mụ không theo ta là đúng. Nhưng nếu trong khoảnh khắc ta áp lên lưng nó chức đôn và chức lãnh chúa, ta lôi nó ra khỏi đống rơm và đặt nó vào chốn cao sang, trên một cái bệ trải toàn đệm nhung, tại sao mụ không tán thành và không làm theo ý muốn của ta?

- Thầy nó có biết tại sao không? Tại vì phương ngôn có câu: Y phục phải xứng người, không có tài đức mà đòi ăn mặc đẹp chỉ tổ lòi cái đuôi ra. Thiên hạ không nhìn kẻ nghèo mà chỉ để ý tới nhà giàu; nếu người giàu có một mai trở nên nghèo khổ, những kẻ xấu mồm sẽ không ngớt xì xào, dị nghị, mà những kẻ xấu mồm thì có cả đống, như đàn ong vậy.

- Mụ Têrêxa kia, hãy lắng nghe ta nói vì có lẽ cả đời mụ chưa được nghe những lời như vậy bao giờ. Những lời ta sắp nói ra đây không phải là của ta mà là của cha truyền đạo trong tuần chay vừa qua tại làng ta. Nếu ta nhớ không nhầm, cha đã nói rằng tất cả sự vật hiện tại mà ta đang nhìn thấy, in vào trí nhớ của ta một cách sâu sắc hơn những sự vật đã qua.

Một lần nữa, lời nói trên đây của Xantrô khiến người dịch chương này là giả vì nó vượt quá sức của bác.

Xantrô nói tiếp:

- Vì vậy, khi ta nhìn thấy một người nào đó ăn mặc sang trọng đẹp đẽ, có kẻ hầu người hạ. ta cảm thấy người đó buộc ta phải kính trọng, và mặc dù trí nhớ của ta nhắc ta rằng người đó có một quá khứ không hay - hoặc là gia cảnh nghèo hèn, hoặc là gốc gác xấu xa, - ta cũng chẳng hề quan tâm vì đó là chuyện cũ. Điều mà ta quan tâm là sự việc đang diễn ra trước mắt. Và nếu một người gặp may mắn, từ chốn bùn lầy nước đọng (đây là lời của cha truyền giáo) đạt tới đỉnh cao của phú quý, lại tỏ ra niềm nở, hào phóng, lịch thiệp với mọi người, không kèn cựa với các nhà quý tộc dòng dõi, mụ có thể tin rằng không một ai nhớ tới chuyện cũ của người đó nữa; trái lại, thiên hạ sẽ nhìn vào hiện tại mà kính trọng, trừ những kẻ ghen ghét, quen thói rèm pha bất cứ một sự phú quý nào.

- Tôi chả hiểu thầy nó nói gì cả. Thầy nó muốn làm gì thì tùy, nhưng đừng mang những bài diễn thuyết hùng hồn ra bổ đầu tôi nữa. Và nếu thầy nó kiết tâm làm những điều đã nói...

- Quyết tâm chứ không phải kiết tâm, Xantrô bẻ.

- Thầy nó đừng cãi với tôi, Têrêxa đáp lại. Tôi nói Chúa nghe cũng thuận tai, chẳng như thầy nó đâu. Thôi, nếu thầy nó vẫn cứ khăng khăng muốn làm thống đốc thì hãy cho thằng con của thầy đi theo để mà dạy nó cách cai trị. Con trai phải theo và học nghề của bố.

- Khi nào tôi làm thống đốc, tôi sẽ nhờ bưu vụ đưa nó đến chỗ tôi và tôi sẽ gửi tiền về cho bu nó. Tôi sẽ không thiếu tiền, vì một khi thống đốc không có tiền, sẽ không thiếu kẻ cho vay. Bu nó sẽ lo may mặc cho con, sao cho che đậy được cái gốc tích của nó và làm cho nó ra dáng con một vị thống đốc.

- Cứ gửi tiền về, tôi sẽ may cho nó vô số quần áo.

- Thế ta thỏa thuận với nhau là con gái chúng ta sẽ trở thành bá tước phu nhân nhé.

- Khi nào tôi thấy nó làm bá tước phu nhân, tôi sẽ đưa nó đi chôn, Têrêxa đáp. Nhưng thôi, tôi nhắc lại là tùy thầy nó muốn làm gì cũng được; đàn bà chúng tôi sinh ra để nghe lời chồng, dù chồng mình ngu đần.

Nói rồi bác khóc hu hu như thể đã nhìn thấy con gái mình chết và bị đưa đi chôn vậy. Xantrô lựa lời khuyên giải vợ, nói rằng bác sẽ cố gắng thu xếp cho con Xanchica trở thành nữ bá tước trong thời gian chậm nhất.

Tới đây kết thúc cuộc trò chuyện. Xantrô trở lại gặp Đôn Kihôtê và chuẩn bị cuộc xuất hành
Bình Luận (0)
Comment