Tấn Cảnh công bị con ma đánh, hộc máu tươi ra đằng miệng, ngã lăn xuống
đất . Nội thị vực vào trong phòng, giờ lâu mới dần dần tỉnh lại . Các
quan đều không được vui mà tan về cả . Cảnh công ốm nặng không dậy được . Nội thị tâu rằng ở đất Tang môn có người thầy cúng cao tay lắm, ban
ngày trông thấy ma quỷ được, xin cho đi triệu đến . Tấn Cảnh công cho đi triệu . Thầy cúng đất Tang Môn mới vào cửa phòng, đã nói ngay là có ma
quỷ . Cảnh công hỏi hình dáng ma quỷ ấy thế nào . Thầy cúng nói:
- Đầu bù tóc xoã, mình cao hơn trượng, thường hay lấy tay đánh vào ngực, trông rất hung tợn!
Cảnh công nói:
- Thầy cúng nói chính hợp với măt ta trông thấy . Con ma ấy bảo là ta giết oan con cháu nó, không biết nó là ai ?
Thầy cúng nói:
- Tất là người công thần đời trước mà nay con cháu bị chết oan!
Cảnh công ngạc nhiên nói rằng:
- Ý chừng người ấy là tổ họ Triệu!
Đồ Ngạn Giả đứng bên cạnh, liền tâu với Cảnh công rằng:
- Thầy cúng này nguyên là môn khách họ Triệu, nên mượn chuyện này để nói gỡ cho họ Triệu, chúa công chớ nên nghe .
Cảnh công nín lặng . Được một lúc lại hỏi thầy cúng rằng:
- Con ma ấy có thể cúng được không ?
Thầy cúng nói:
- Con ma ấy đang có lòng căm tức, dẫu cúng cũng vô ích .
Cảnh công nói:
- Vậy thì cái hạn lớn của ta thế nào ?
Thầy cúng nói:
- Tôi xin liều chết mà nói thẳng rằng cứ như bệnh tình của chúa công thì e không kịp nếm lúa mạch mới .
Đồ Ngạn Giả bảo thầy cúng rằng:
- Chỉ trog một tháng nữa thì lúa mạch chín . Chúa công dẫu có
bệnh, nhưng tinh thần còn tráng kiện, đã đến nỗi nào! Nếu chúa công được nếm lúa mạch mới thì ta chém đầu nhà ngươi!
Đồ Ngạn Giả nói xong, liền đuổi thầy cúng ra . Sau đó bệnh Tấn
Cảnh mỗi ngày một nặng thêm . Y sinh nước Tấn vào xem, không biết là
chứng bệnh gì, không dám cho thuốc . Quan đại phu là Nguỵ Tướng (con
Ngụy Kỳ) nói với mọi nguời rằng:
- Ta nghe nói nước Tần có hai người danh y là Cao Hoà và Cao
Hoãn, được Biển Thước truyền nghề cho, chữa bệnh tài lắm, hiện đang làm
chức thái y ở nước Tần . Nay muốn chữa bệnh cho chúa công thì tấ phải
mời người ấy mới được .
Mọi người đều nói:
- Tần là một nước cừu địch với ta, khi nào lại chịu cho thầy thuốc sang chữa bệnh cho chúa công ta!
Nguỵ Tướng nói:
- Có tai nạn gì thì giúp đỡ lẫn nhau, ấy là việc hay của nước
láng giềng! Tôi dẫu hèn mọn, cũng xin đem ba tấc lưỡi mà báo được nước
Tần phải cho danh y sang cứu chữa cho chúa công .
Mọi người đều nói:
- Nếu được như vậy thì cả triều đều cám ơn ông lắm .
Ngụy Tướng tức khắc thẳng đường đi sang nước Tần . Tần Hoàn công hỏi đến có việc gì .
Ngụy Tướng tâu rằng:
- Chúa công tôi chẳng may bị bệnh, nghe nói quý quốc có hai danh y là Cao Hoà và Cao Hoãn, có tài khởi tử hồi sinh, vậy tôi sang mời, để về chữa bệnh cho chúa công tôi .
Tần Hoàn công nói:
- Nước Tấn đã nhiều lần vô lý đánh nhau với quân ta; nước ta dẫu có danh y, khi nào lại chịu chữa bệnh cho vua Tấn!
Nguỵ Tướng nghiêm nét mặt đáp rằng:
- Nhà vua nghĩ thế là sai lắm! Quý quốc cùng tôi là láng giềng,
bởi vậy vua Hiến công tôi ngày xưa cùng vua Mục công ở bên quý quốc đã
kết thân với nhau, để định đời đời cùng nhau giao hiếu, thế mà vua Mục
công lúc trước dẫu có giúp vua Huệ công tôi về nước, lại gây việc tranh
chíên ở đất Hàn Nguyên; lúc sau dẫu có giúp vua Văn công về nước, lại
bội lời thề ước ở sông Dĩ Thuỷ, có phải là những sự thù oán đều tự quý
quốc ra cả đó không ? Khi vua Văn công tôi tạ thế đi rồi, Tần Mục công
lại quá nghe lời Mạnh Minh, khinh vua Tương công tôi hãy còn trẻ tuổi,
đem quân qua núi Hào Sơn, đánh lén nước phụ thuộc của nước tôi, để đến
nỗi thua quân; nước tôi bắt được ba quan nguyên sóai mà đều tha cho về,
rồi sau qúy quốc lại trái lời thề, đem quân sang đi đánh Sùng mà quý
quốc lại đem quân cùng với nước tôi giao chiến; đến chúa công tôi bây
giờ, sang hỏi tội nước Tề thì nhà vua lại sai Đỗ Hồi đem quân cứu Tề .
Lúc thua không chừa, lúc được không thôi; những mối thù oán, đều là tại
qúy quốc cả ! Nhà vua thử nghĩ xem như thế là nước tôi xâm phạm quý
quốc, hay là quý quốc xâm phạm nuớc tôi ? Nay chúa công tôi có bệnh,
muốn cầu danh y của quý quốc, các quan triều thần nước tôi đều nói: "Tần là một nước cừu địch với ta, khi nào chịu cho" ! Tôi cãi rằng: "Không
phải! Vua Tần đã làm nhiều việc trái lẽ, chắc đâu không biết hối, chúyến này, tôi sẽ nhân việc cầu danh y mà nối lại cái tình hoà hảo của đấng
tiên quân ta thuở xưa". Nay nhà vua không cho thì lời nói của các quan
triều thần nước tôi là trúng lắm rồi . Thế là cái đạo láng giềng nên
phải giúp nhau mà nhà vua không giúp; cái đạo làm thầy thuốc là phải cứu sống người mà nhà vua ngăn thầy thuốc đi cứu sống người, tôi dám chê
nhà vua lắm!
Tần Hoàn công thấy Nguỵ Tướng lời lẽ khảng khái, bày tỏ rành mạch thì bất giác sinh lòng kính trọng mới bảo Nguỵ Tướng rằng:
- Nhà ngươi trách ta như thế là phải, ta xin vâng lời .
Nói đoạn truyền cho thái y là Cao Hoãn sang ngay nước Tấn . Ngụy Tướng tạ ơn, rồi cùng với Cao Hoãn ngay đêm ấy rời khỏi Ung Chân mà
tiến thẳng về Tân Giáng . Tấn Cảnh công ốm nặng, ngày đêm mong đợi thầy
thuốc nước Tần, bỗng nằm mộng thấy hai đứa bé con ở trong lỗ mũi chui ra . Một đứa nói: "Cao Hoãn nước Tần là danh y đời bây giờ, nếu hắn đến
chữa thuốc thì chúng ta tất bị hại, biết làm thế nào mà tránh được ?"
Đứa kia nói: "Chúng ta tránh vào phía trên mạng mỡ, phía dưới quả tim
thì hắn làm gì ta nổi!"
Được một lúc thì Tấn Cảnh công kêu đau bụng rầm rĩ cả lên, không thể chịu được . Nguỵ Tướng đưa Cao Hoãn vào . Cao Hoãn xem mạch xong,
nói với Tấn Cảnh công rằng:
- Bệnh này không thể nào mà chữa được nữa!
Tấn Cảnh công hỏi:
- Tại sao ?
Cao Hoãn nói:
- Bệnh này ở phía trên mạng mỡ, phía dưới quả tim, dẫu đốt cũng
không thấu được, dẫu châm cũng không tới được, còn chữa làm sao, chẳng
qua cũng là mệnh trời!
Tấn Cảnh công khen rằng:
- Nhà ngươi thật là danh y! Lời nói hợp với trong mộng của ta lắm!
Nói xong truyền đem lễ vật tiễn đưa Cao Hoãn trở về nước Tần .
Bấy giờ có một người tiểu nội thị tên gọi Giang Trung, hầu hạ mỏi mệt
quá, đang giữa ban ngày, bỗng chợp mắt ngủ đi, thấy mình công Tấn Cảnh
công bay lên trên trời; khi tỉnh dậy, nói chuyện với những người xung
quanh, lại vừa gặp Đồ Ngạn Giả vào cung thăm bệnh, nghe được cái mộng ấy liền nói với Cảnh công rằng:
- Trời là dương minh, bệnh là âm ám, nay thấy bay lên trên trời, thế là bỏ chỗ âm ám mà tới chỗ dương minh, bệnh chúa công tất gần đến
ngày khỏi .
Tấn Cảnh công hôm ấy thấy trong mình cũng hơi dễ chịu, lại nghe
lời nói của Đồ Ngạn Giả, có ý mừng thầm . Bỗng có kẻ điền nhân đem lúa
mạch mới vào dâng . Tấn Cảnh công muốn ăn ngay, liền sai nhà bếp đem một nữa giã nhỏ ra để nấu cháo . Đồ Ngạn Giả căm tức người thầy cúng về
việc nói họ Triệu chết oan, mới tâu với Cảnh công rằng:
- Ngày trước thầy cúng nói: chúa công không kịp nếm lúa mạch
mới, nay câu nói ấy không nghiệm, xin triệu đến mà bảo cho hắn biết .
Tấn Cảnh công theo lời, triệu người thầy cúng đất Tang Môn vào, rồi sai Đồ Ngạn Giả quở trách rằng:
- Lúa mạch mới đã để đây rồi, nhà ngươi còn dám bảo là chúa công không kịp nếm nữa hay thôi ?
Thầy cúng nói:
- Chưa chắc!
Tấn Cảnh công nghe nói tức thì biến sắc . Đồ Ngạn Giả nói:
- Bề tôi mà dám nguyền rủa vua thì tội đáng chém!
Đồ Ngạn Giả truyền đem người thầy cúng ra chém . Người thầy cúng thở dài mà than thân rằng:
- Thương hại cho ta, vì giỏi một nghề nhỏ mọn mà đến nỗi thiệt đời!
Quân sĩ đem đầu người thầy cúng đất Tang Môn vào nộp, lại vừa
gặp nhà bếp dâng bát cháo lúa mạch; bấy giờ trời đang trưa, Tấn Cảnh
công toan cầm lấy bát cháo lúa mạch để ăn, tự nhiên bụng phát chướng
lên, muốn đi ra ngoài, vội vàng gọi Giang Trung, bảo cõng ra nhà xí .
Giang Trung cõng ra đến nơi thì Tấn Cảnh công đau bụng quá, chân đứng
không vững, ngã lăn xuống hố xí . Giang Trung lóp ngóp ẵm lên thì đã tắt hơi . Chung qui vẫn là không kịp nấu lúa mạch mới mà giết oan người
thầy cúng cao tay ở đất Tang Môn, đó đều là cái tội của Đồ Ngạn Giả .
Quan thượng khanh là Loan Thư cùng triều thần lập thế tử Châu Bồ lên nối ngôi, tức là Tấn Lệ công . Triều thần công nghị rằng:
- Giang Trung khi trước đã nằm mộng thấy cõng vua Cảnh công ta
lên trời, sau có cõng ra nhà xí, chính là ứng cái mộng ấy, bèn đem Giang Trung tuẫn táng . Người nước Tấn nhân việc Cảnh công chết về bệnh ma
quỷ, đều bàn tán về nỗi oan ức của họ Triệu, nhưng họ Loan và họ Khước
đều thân thiện với Đồ Ngạn Giả còn Hàn Quyết một mình thế cô, nên cũng
không dám nói .
Bấy giờ, Tống Cung sai quan thượng khanh là Hoa Nguyên sang nước Tấn để viếng vua cũ và mừng vua mới . Hoa Nguyên cùng với Loan Thư
thương nghị, muốn cho Tấn và Sở giảng hoà với nhau, để khỏi gây ra việc
tranh chiến . Loan Thư nói:
- Nước Sở không nên tin!
Hoa Nguyên nói:
- Tôi với công tử Anh Tề nước Sở là chỗ quen thân, việc này tôi có thể đảm nhiệm được .
Loan Thư liền sai con là Loan Hàm cùng với Hoa Nguyên sang nước
Sở, vào yết kiến công tử Anh Tề . Công tử Anh Tề trông thấy Loan Hàm hãy còn trẻ tuổi, mặt mũi khôi ngô, liền hỏi Hoa Nguyên . Hoa Nguyên nói là con quan trung quân nguyên soái ở nước Tấn, công tử Anh Tề muốn thử
tài, mới hỏi Loan Hàm rằng:
- Phép dùng quân của qúy quốc thế nào ?
Loan Hàm nói:
- Nghiêm chỉnh .
Công tử Anh Tề lại hỏi:
- Còn có cái gfi hay hơn nữa không ?
Loan Hàm nói:
- Nhàn hạ .
Công tử Anh Tề nói:
- Người ra rối loạn mà mình nghiêm chỉnh, người ta vội vàng mà
mình nhàn hạn thì đánh đâu mà chẳng được . Câu nói ấy thật giản dị mà có thể tóm tắt hết được phép dùng quân .
Vì vậy công tử Anh Tề càng thêm kính trọng Loan Hàm, và đưa vào
yết kiến Sở Cung vương, để bàn định việc giảng hoà của hai nước . Sở
Cung vương bằng lòng rồi hẹn ngày cho ăn thề . Ngày hôm ấy Sĩ Nhiếp nước Tấn và công tử Bỉ nước Sở cùng làm lễ quệt máu ăn thề ở ngoài cửa tây
nước Tống .
Quan tư mã nước Sở là công tử Trắc không được dự bàn về việc ấy, mới nổi giận mà nói rằng:
- Nam bắc từ xưa vẫn không giao thông với nhau, nay công tử Anh
Tề lại muốn chuyên cái công hợp nhất, làm thế nào ta cũng phải phá mới
được .
Công tử Trắc dò thám biết tin Vu Thần hợp với vua nước Ngô là
Thọ Mộng cùng các quan đại phu nước Tấn, nước Lỗ, nước Tề, nước Tống,
nước Vệ và nước Trịnh, hội ở đất Chung Ly, mới nói với Sở Cung vương
rằng:
- Nước Tấn giao thông với nước Ngô, tất là có ý mưu hại nước Sở
ta . Nay Tống và Trịnh đều theo Tấn thì các nước phụ thuộc của Sở ta
không còn gì nữa!
Sở Cung vương nói:
- Ta muốn đánh Trịnh, chỉ ngại về lời thề ở Tây Môn .
Công tử Trắc nói:
- Công việc ngày nay, đàng nào lợi thì làm, cần gì lời thề!
Sở Cung vương liền sai công tử Trắc đem quân đi đánh Trịnh .
Nước Trịnh lại bỏ Tấn theo Sở . Tấn Lệ công giận lắm, họp các quan đại
phu để bàn việc đánh Trịnh . Bấy giờ Loan Thư dẫu làm trung quân nguyên
soái, nhưng quyền chính ở tay ba người họ Khước:
1. Khước Kỳ (con Khước Khắc) làm thượng quân nguyên soái .
2. Khước Thù (em họ Khước Khắc) làm thượng quân phó tướng .
3. Khước Chí (cháu Khước Bộ Dương) làm tân quân phó tướng .
Con Khước Thù là Khước Nghị và em Khước Chí là Khước Khất đều
làm quan đại phu . Bá Tôn là người ngay thẳng, đã nhiều lần đem việc họ
Khước chuyên quyền nói với Tấn Lệ công, bảo nên chọn người nào tài giỏi, hãy cho làm quan, để nén bớt quyền thế họ Khước đi thì mới bảo toàn
được con cháu công thần . Lệ công không nghe lời . Ba người họ Khước căm tức Bá Tôn, mới dèm pha Bá Tôn hay chê bai triều chính . Tấn Lệ công
bèn bắt Bá Tôn đem giết đi . Con Bá Tôn là Bá Châu Lê trốn sang nước Sở . Nước Sở dùng làm quan thái tề, để bàn mưu làm hạii nước Tấn . Tấn Lệ
công vốn có tính kiêu ngạo xa xỉ, ngoài thì tin yêu bọn Tư Đồng (con Tư
Khắc, cháu Tư Giáp) là một lũ thiếu niên mà đều được làm quan đại phu
cả; còn trong thì những mỹ cơ ái tỳ, không biết bao nhiêu mà kể, ngày
đêm vui chơi, chẳng thiết gì đến triều chính . Bởi vậy triều thần ai
cũng có ý chán nản . Sĩ Nhiếp thấy triều chính mỗi ngày một dỡ, nên
không muốn đánh Trịnh nữa . Khước Chí nói:
- Nếu không đánh Trịnh thì sao cho chư hầu phục ?
Loan Thư nói:
- Ngày nay bỏ mất nước Trịnh thì Tống và Lỗ tất cũng ly tán mà thôi, Ôn Qúy (tức là Khước Chí) nói phải lắm!
Miêu Bí Hoàng (hàng tướng nước Sở, sang làm quan ở nước Tấn)
cũng khuyên Tấn Lệ công nên đánh Trịnh . Tấn Lệ công nghe lời, liền giao quốc chính cho Tuân Dinh, rồi đem quân tiến sang nước Trịnh; lại một
mặt sai Khước Thù cùng Loan Áp sang mượn thêm quân Lỗ và Vệ .
Trịnh Thành công nghe nói quân Tấn thế mạnh thì toan sai người ra xin hàng . Quan đại phu là Diêu Câu Nhĩ nói:
- Nước Trịnh ta nhỏ mọn, ở và giữa khoảng hai nước lớn, chỉ nên
chọn một nước mạnh mà theo, cớ sao lại nay Sở mai Tấn, để đến nỗi năm
nào cũng phải chịu cái tai vạ chiến tranh .
Trịnh Thành công nói:
- Vậy thì biết làm thế nào ?
Diêu Câu Nhĩ nói:
- Cứ như ý tôi thì không gì bằng sang nước Sở cầu cứu, hễ quân
Sở đến thì ta cùng với Sở cố sức mà đánh vỡ quân Tấn, mới có thể giữ yên được trong mấy năm .
Trịnh Thành công liền sai Diêu Câu Nhĩ sang nước Sở để cầu cứu . Sở Cung vương vẫn ngại về lời thề ở Tây Môn, không muốn cất quân, mới
hỏi công tử Anh Tề . Công tử Anh Tề nói:
- Vì ta thất tín, Tấn mới đem quân đánh Trịnh, nay ta lại cứu
Trịnh đánh Tấn thì làm khổ dân mà vị tất đã đánh được, chi bằng ta hãy
đợi thời .
Công tử Trắc nói:
- Người nước Trịnh không nỡ bội nước Sở ta, vậy nên mới đến cầu
cứu . Nước ta trước đã không cứu Tề, nay lại không cứu Trịnh thì chư
hầu, ai còn muốn theo ta nữa . Tôi dẫu hèn mọn, cũng xin đem một toán
quân theo đại vương đi cứu Trịnh .
Sở Cung vương bằng lòng, cho công tử Trắc làm đại tướng, rồi đem quân tiến sang nước Trịnh . Sĩ Nhiếp nghe tin quân Sở sang cứu Trịnh,
bảo Loan Thư rằng:
- Chúa công ta còn trẻ tuổi, không biết việc nước, nay ta giả
cách sợ nước Sở mà lui quân, khiến cho chúa công ta biết nghĩ lại, mới
có thể giữ yên được nước nhà .
Loan Thư nói:
- Sợ nước Sở mà lui quân việc ấy tôi không dám làm!
Sĩ Nhiếp lui ra, rồi thở dài mà nói rằng:
- Chuyến này thua là may, nếu thắng trận thì ta chỉ e rằng trong nước lại sinh ra biến loạn .
Bấy giờ quân Sở đã kéo đến đất Yên Lăng . Quân Tấn không tiến
binh được nữa, phải đóng lại ở Bành Tổ Cương . Ngày hôm sau nhằm vào
ngày nguyệt tận, gọi là ngày hối . Theo như binh pháp thì ngày hối phải
kiêng không cất quân, bởi vậy quân Tấn chẳng phòng bị gì cả . Gần hết
canh năm, vào báo rằng quân Sở đã bày trận hò hét om sòm, quân canh vào
báo rằng quân Sở đã bày trận ở phía ngoài dinh, Loan Thư giật mình kinh
sợ mà nói rằng:
- Quân Sở đã kéo đến tận dinh ta mà bày trận, nếu ta giao chiến, tất là bất lợi, chi bằng ta hãy họp các tướng lại để thương nghị .
Các tướng mỗi người nói một cách: người thì nói nên chọn quân
tinh nhuệ mà xông vào quân Sở; người thì nói nên rút về phía sau . Bấy
giờ con Sĩ Nhiếp là Sĩ Mang, mới 16 tuổi, nghe các tướng bàn mãi không
xong, liền vào nói với Loan Thư rằng:
- Nguyên soái lo không có chỗ bày trận hay sao, tôi thiết tưởng đó là một việc rất dễ!
Loan Thư nói:
- Nhà ngươi có kế gì ?
Sĩ Mang nói:
- Ta mật truyền quân sĩ đóng chặt cửa dinh lại, rồi đem bao
nhiêu những bếp đun, san phẳng cả đi, còn giếng thì dùng ván bắc ngang
lên mà lấy kín lại, như thế thì chỉ trong một hồi lâu là có thừa chỗ bày trận mà thôi . Khi đã bày trận xong sẽ mở cửa dinh ra để giao chiến,
thì quân Sở làm gì ta nổi!
Loan Thư nói:
- Bếp và giếng là những chỗ cần dùng, nếu san bếp lấp giếng thì lấy gì mà ăn ?
Sĩ Mang nói:
- Ta hãy truyền cho quân sĩ sắ sẵn lương khô và ước uống đủ dùng trong một, hai ngày, đợi khi bày trận xong, sẽ cho những quân già yếu
ra phía sau dinh, làm bếp khác và khai giếng khác .
Sĩ Nhiếp vốn không muốn đánh, thấy con hiến kế, nổi giận mà mắng rằng:
- Việc binh thắng hay là phụ quan hệ ở mệnh trời . Mày biết gì mà dám nói láo!
Nói xong cầm giáo đuổi theo . Các tướng vội vàng đổ ra, ôm Sĩ Nhiếp lại, Sĩ Mang mới chạy thoát . Loan Thư cười mà bảo rằng:
- Trí khôn của đứa trẻ ấy lại có phần hơn Phạm Mạnh (tức là Sĩ Nhiếp)!
Loan Thư theo kế Sĩ Mang, truyền cho quân sĩ san bếp lấp giếng,
rồi định ngày để giao chiến với quân Sở . Sở Cung vương tiến áp đến dinh quân Tấn mà bày trận, trong lòng nghĩ thầm rằng ta nhân lúc bất ngờ mà
làm như thế, tất nhiên quân Tấn phải rối loạn, sau thấy quân Tấn vẫn im
lặng như tờ, mới hỏi quan thái tể là Bá Châu Lê rằng:
- Tại sao quân Tấn im lặng như vậy, nhà ngươi là người nước Tấn, tất biết rõ cớ ấy ?
Bá Châu Lê nói:
- Xin đại vương trèo lên xe chòi mà xem
Sở Cung vương trèo lên xe chòi, cho Bá Chân Lê đứng ở bên cạnh . Sở Cung vương hỏi:
- Quân Tấn làm gì mà lúc thì chạy sang phía tả, lúc thì chạy sang phía hữu như thế kia ?
Bá Châu Lê nói:
- Đó là đang gọi quân lại .
Sở Cung vương nói:
- Sao bây giờ lại họp cả ở trung quân như vậy ?
Bá Châu Lê nói:
- Đó là họp để bàn mưu .
Sở Cung vương nói:
- Căng màn ra làm gì thế kia ?
Bá Châu Lê nói:
- Đó là làm lễ cáo với tiên quân .
Sở Cung vương nói:
- Sao bây giờ lại cất màn đi ?
Bá Châu Lê nói:
- Đó là đang tuyên bố hiệu lệnh .
Sở Cung vương nói:
- Tại sao trong quân huyên náo, lại có nhiều cát bụi bay mù lên như vậy ?
Bá Châu Lê nói:
- Quân Tấn đang san bếp lấp giếng để lấy chỗ bày trận .
Sở Cung vương nói:
- Xe đều đóng ngựa rồi! Tướng sĩ đều lên xe rồi!
Bá Châu Lê nói:
- Đó là đã kết thành trận thế .
Sở Cung vương nói:
- Tướng sĩ đã lên xe, sao lại còn xuống ?
Bá Châu Lê nói:
- Đó là sắp giao chiến mà còn cúng thần .
Sở Cung vương nói:
- Ta xem quân Tấn khí thế hùng dũng lắm! hay là có vua Tấn ở đó chăng ?
Bá Châu Lê nói:
- Đó là họ Loan và họ Phạm lấy uy danh vua Tấn mà bày trận, ta chớ nên khinh thường .
Sở Cung vương biết hết tình hình quân Tấn, mới truyền cho quân
sĩ phải sửa soạn sẵn sàng, để đến ngày hôm sau giao chiến . Hàng tướng
nước Sở là Miêu Bí Hoàng (con Đấu Việt Lâm trống sang làm quan ở nước
Tấn) cũng đứng hầu ở bên cạnh Tấn Lệ công, tâu với Tấn Lệ công rằng:
- Từ khi quan lệnh doãn nước Sở là Tôn Thúc Ngao chết đi, quân
chính nước Sở chẳng có phép tắc gì cả, hai đạo tinh binh gọi là Lưỡng
Quảng, lâu ngày không tuyển mộ thêm, nhiều người già yếu không thể giao
chiến được, hai quan nguyên soái thì bất hoà với nau, tôi chắc rằng ta
chỉ đánh một trận là phá được quân Sở .
Ngày hôm ấy, hai bên vẫn còn giữ thế chưa giao chiến, tướng nước Sở là Phan Đảng ra sau dinh tập bắn, vừa bắn trúng luôn ba phát, các
tướng đều reo mừng, khen ngợi rầm rĩ lại vừa gặp có Dưỡng Do Cơ đến, các tướng trông thấy đều nói:
- Lại có một tay thần tiễn nữa đến kia!
Phan Đảng nổi giận nói rằng:
- Ta bắn như thế, phỏng đã kém Dưỡng Thúc (tức là Dưỡng Do Cơ) cái gì ?
Dưỡng Do Cơ nói:
- Nhà ngươi bắn trúng cái đích kia, chưa lấy gì làm lạ, ta đây có thể bắn "bách bộ xuyên dương" kia!
Các tướng đều hỏi:
- "Bách bộ xuyên dương" là thế nào ?
Dưỡng Do Cơ nói:
- Trước đây có người lấy thuốc màu đánh dấu một cái lá trên một
cây dương, ta đứng ở ngoài trăm bước bắn một phát mà trúng vào giữa cái
lá ấy, bởi thế mới gọi là "bách bộ xuyên dương".
Các tướng nói:
- Ở đây cũng có cây dương, nhà ngươi thử bắn xem có được không ?
Dưỡng Do Cơ nói:
- Sao lại không được!
Các tướng mừng lắm nói:
- Ngày nay ta lại được xem mũi tên thần của Dưỡn thúc!
Các tướng lấy mực bôi vào một cái lá ở trên cây dương, để cho
Dưỡng Do Cơ đứng ngòai trăm bước mà bắn thử . Dưỡng Do Cơ đứng bắn một
phát . Các tướng không thấy cái tên rơi xuống đất, liền xúm lại xem thì
ra cái tên ấy vướng ở trên cành cây dương mà mũi tên xuyên qua cái lá đã bôi mực . Phan Đảng nói:
- May mà trúng đó thôi! Bay giờ ta theo thứ tự mà đánh dấu vào
ba cái lá, nhà ngươi lại theo thứ tự mà bắn trúng được cả ba thì mới là
tay giỏi!
Dưỡng Do Cơ nói:
- Ta chưa dám chắc, nhưng hãy xin bắn thử!
Phan Đảnhg đánh dấu ba cái lá ở trên cây dương, ở ba chỗ cao
thấp khác nhau: cái đề chữ "nhất", cái đề chữ "nhị" và cái đề chữ "tam" . Dưỡn Do Cơ nhìn qua một lượt, rồi lui ra ngoài trăm bước, lấy ba cái
tên, cũng ghi số hiệu nhất, nhị, tam, rồi theo thứ tự mà bắn luôn ba
phát, đều trúng tất cả . Các tướng cùng chắp tay vái Dưỡng Do Cơ mà khen rằng:
- Nhà ngươi thật là người thần!
Phan Đảng dẫu trong lòng khen thầm, nhưng lại muốn khoe tài của mình, mới bảo Dưỡn Do Cơ rằng:
- Dưỡng thúc bắn như thế cũng cho là giỏi, nhưng nghề bắn lại
cần phải có sức khỏe mới được; ta đây có thể bắn suốt qua được mấy lần
áo giáp, để ta thử bắn cho các ngươi xem .
Các tướng đều nói:
- Chúng tôi muốn xem lắm!
Phan Đảng sai quân sĩ xếp liền với nhau năm lần áo giáp .
Các tướng nói:
- Thôi thế cũng đã đủ rồi!
Phan Đảng lại sai để thêm hai lần nữa, cả thảy là bảy lần . Các
tướng đều nghĩ thầm: bảy lần áo giáp, có khi dày gần tới một thước, tài
nào bắn xuyên qua được! Phan Đảng sai đem bảy lần áo giáp treo lên trên
cái đích bia, rồi đứng ở ngoài trăm bước, cố sức thẳng cánh giương cung
bắn ngay một phát, chỉ nghe tiếng tên bay vụt đi, không thấy rơi xuống
đất . Các tướng xúm lại xem, ai nấy đều reo rầm lên rằng:
- Bắn giỏi quá! giỏi quá!
Nguyên Phan Đảng bắn mạnh quá, cái tên ấy suốt qua bảy lần áo
giáp, như đang đóng cột, không thể lay động được . Phan Đảng nét mặt có ý khoe khoang, bảo quân sĩ đem mấy lần áo giáp ấy xuống, và cứ để cái tên y nguyên như vậy, định đưa khắp cho cả dinh cùng xem . Dưỡng Do Cơ mới
bảo các tướng rằng:
- Khoan đã! đừng hạ xuống vội, để ta thử bắn một phát nữa xem sao!
Các tướng nói:
- Ừ, phải đó! để chúng ta xe tài Dưỡng thúc chuyến nữa!
Dưỡng Do Cơ giương cung lên, toan bắn lại thôi . Các tướng hỏi:
- Sao Dưỡng thúc lại không bắn ?
Dưỡng Do Cơ nói:
- Nếu cứ theo lối cũ mà bắn thì không lấy gì làm lạ; ta đây có một cách bắn khác .
Dưỡng Do Cơ nói xong, liền bắn ngay một phát . Phát tên ấy không cao, không thấp, không lệch về hai bên, lại cắm thẳng ngay vào cái đốc
tên của Phan Đảng mà đẩy sang phía bên kia, còn cái tên của Dưỡng Do Cơ
thì lại thế vào chỗ thủng ấy . Các tướng trông thấy, ai cũng lắc đầu lè
lưỡi mà khen là tài . bấy giờ Phan Đảng mới chịu phục mà nói rằng:
- Dưỡng thúc thật là một tay tuyệt vời, ta không thể theo kịp!
Các tướng nói:
- Nay Tấn, Sở hai nước sắp giao chiến với nhau, chính là lúc cần dùng tài bắn, hai vị tướng quân có tài như vậy, ta nên tâu lên đại
vương biết .
Các tướng bèn sai quân sĩ khiêng mấy lần áo giáp ấy đến trước
mặt Sở Cung vương . Dưỡng Do Cơ và Phan Đảng cũng cùng đến cả . Các
tướng đem những việc hai người bắn thi với nhau thuật lại cho Sở Cung
vương nghe, và tâu với Sở Cung vương rằng:
- Nước ta có người bắn giỏi như thế thì dẫu trăm vạn quân Tấn cũng chẳng làm gì nổi ?
Sở Cung vương nổi giận mà mắng rằng:
- Làm tướng đánh giặc, cần phải dùng mưu kế, chứ sao lại cầu may ở một mũi tên! nhà ngươi tự phụ như thế thì tất có ngày lại chết về
nghề!
Sở Cung vương liền thu lấy cái tên của Dưỡng Do Cơ, không cho bắn nữa . Dưỡng Do Cơ hổ thẹn lui ra .
Đầu trống canh năm hôm sau, Tấn Lệ công và Sở Cung vương cùng
truyền cho quân sĩ nổi hiệu trống đem quân ra trận . Trịnh Thành công
cũng đem quân đến tiếp ứng cho quân Sở . Tấn Lệ công đem quân ra, tiến
thẳng đến trận địa quân Sở, chẳng ngờ có một chỗ bùn lầy, xe Tấn Lệ công sụt bánh, ngựa không thể nào kéo lên nổi . Con Sở Cung vương là Hùng
Phiệt tuổi trẻ hăng hái trông thấy Tấn Lệ công sa lầy, liền thúc quân
đến đánh . Tướng nước Tần là Loan Hàm vội vàng ở trên xe nhảy xuống,
đứng giữa bùn lấy hết sức bình sinh, hai tay nâng hai bánh xe lên, bấy
giờ ngựa mới ra khỏi được . Khi Hùng Phiệt đem quân đến nơi thì vừa gặp
có toán quân của Loan Thư đến . Loan Thư quát to lên rằng:
- Tiểu tướng không đựơc vô lễ!
Hùng Phiệt trông thấy trên lá cờ để bốn chữ: "Trung quân nguyên
soái", biết là đại binh, giật mình khinh sợ, vội vàng bỏ chạy . Loan Thư đuổi theo, bắt sống được Hùng Phiệt . Quân Sở thấy Hùng Phiệt bị bắt,
đều đổ xô lại cứu, nhưng vừa lúc ấy thì Sĩ Nhiếp và Khước Chí cũng đem
quân đến, quân Sở sợ có mai phục, lại phải thu quân trở về . Quân Tấn
cũng không đuổi theo quan Sở nữa . Loan Thư giải Hùng Phiệt về nộp Tấn
Lệ công . Tấn Lệ công toan chém . Miêu Bí Hoàng nói với Tấn Lệ công
rằng:
- Vua Sở nghe tin con bị bắt, ngày mai tất nhiên đem quân đến
đánh, ta nên bỏ Hùng Phiệt vào tù xa, đem ra trước trận mà dụ vua Sở .
Tấn Lệ công khen phải . Sáng hôm sau, Loan Thư truyền mở cửa
dinh để sửa soạn khai chiến với quân Sở . Quan đại tướng là Nguỵ Kỳ báo
Loan Thư rằng:
- Đêm qua tôi nằm mộng thấy tôi giương cung bắn trúng vừng
trăng, một dải hào quang ở trong mặt trăng toé thẳng xuống đất, tôi vội
vàng lùi lại, chẳng ngờ trượt chân sa xuống chỗ bùn lầy, rồi giật mình
tỉnh dậy, không biết đó là điềm gì ?
Loan Thư đóan rằng:
- Cùng họ với nhà Chu ta là mặt trời thi khác họ tất là mặt
trăng, bắn trúng mặt trăng, tất là bắn trúng vua Sở; nhưng lùi lại mà sa vào bùn lầy thì không phải là điềm lành, tướng quân nên cẩn thận mới
được!
Nguỵ Kỳ nói:
- Nếu phá vỡ quan Sở thì tôi dẫu chết, cũng được thoả lòng!
Loan Thư liền cho Ngụy Kỳ đem quân ra trận, gặp tướng nước Sở là Doãn Tương ra nghênh chiến . Hai người đánh nhau mới được mấy hợp thì
quân Tấn đem tù xa chở Hùng Phiệt ra . Sở Cung vương trông thấy, hầm hầm nổi giận, tức khắc giục ngựa tiến vào, định cướp lấy Hùng Phiệt đem về . Ngụy Kỳ trông thấy Sở Cung vương, thì không giao chiến với Doãn Tương
nữa, mà quay lại đuổi theo Sở Cung vương, bắn một phát trúng ngay vào
mắt bên tả . Sở Cung vương vội vàng bỏ chạy, cố nghiến răng mà rút cái
tên ra, cầm ném xuống đất, con ngươi xóc ở đầu mũi tên . Có một đứa tiểu tốt nhặt lấy dâng lên Sở Cung vương và nói rằng:
- Đây là mắt rồng, đại vương không nên bỏ!
Sở Cung vương cầm lấy mà bỏ vào trong túi tên . Quân Tấn thấy
Ngụy Kỳ thắng trận, đều cùng nhau tiến binh . Nguyên soái nước Sở là
công tử Trắc cố sức chống cự, mới cứu thoát được Sở Cung vương . Khước
Chí (tướng nước Tấn) đem quân vây Trịnh Thành công, người dong xe của
Trịnh Thành công đem lá cờ đại tỉnh giấu vào trong túi cung . Trịnh
Thành công mới chạy thoát được . Bấy giờ Sở Cung vương giận lắm, truyền
gọi thần tiễn tướng quân là Dưỡn Do Cơ đến để cứu giá . Dưỡng Do Cơ vâng lệnh chạy đến, nhưng trong mình chẳng có một cái tên nào cả . Sở Cung
vương rút hai cái tên đưa cho Dưỡng Do Cơ và bảo rằng:
- Người bắn ta vừa rồi là người râu xồm, mặc áo bào màu lục,
tướng quân báo thù cho ta . Tướng quân đã là người bắn giỏi, tưởng cũng
không cần phải dùng đến nhiều tên .
Dưỡng Do Cơ lĩnh lấy hai cái tên ấy, rồi tức khắc tiến sang quân Tấn, gặp một người râm xồm, mặc áo bào lục, tức là Ngụy Kỳ . Dưỡng Do
Cơ quát to lên mà mắng Ngụy Kỳ rằng:
- Đứa thất phu kia! sao mày dám bắn đại vương ta!
Ngụy Kỳ vừa toan trả lời thì Dưỡng Do Cơ bắn một phát tên trúng
ngay vào cổ . Nguỵ Kỳ ngã phục xuống mà chết ngay . Loan Thư tức khắc
đem quân đến, cướp lại được thi thể Ngụy Kỳ đưa về . Dưỡng Do Cơ còn
thừa một cái tên, đem về nộp Sở Cung vương và tâu rằng:
- Tôi nhờ uy linh của đại vương, đã bắn chết được viên tướng râu xồm mặc áo bào màu lục rồi .
Sở Cung vương mừng lắm, liền cởi ngay áo cẩm bào ban cho Dưỡng
Do Cơ, lại ban cho một trăn cái tên bằng ngà . Bấy giờ quân Sở đều gọi
Dưỡng Do Cơ là Dưỡng Nhất Tiễn, nghĩa là chỉ bắn một phát tên thứ nhất
đã trúng được ngay, không phải bắn đến phát thứ hai . Bấy giờ quân Tấn
đuổi theo quân Sở gấp lắm . Dưỡng Do Cơ đứng chắn ngang đường giương
cung ra bắn . Quân Tấn không dám đến gần . Tướng nước Sở là công tử Anh
Tề và công tử Nhâm Phu nghe tin Sở Cung vương bị thương, đều đem quân
đến tiếp ứng, lại hỗn chiến một chập nữa, rồi quân Tấn mới chịu lui về . Loan Hàm trông thấy hiệu cờ lệnh doãn, biết là toán quân của công tử
Anh Tề, mới nói với Tấn Lệ công rằng:
- Khi trước tôi sang sứ nước Sở, quan lệnh doãn nước Sở là công
tử Anh Tề có hỏi tôi về việc dùng binh của nước Tấn ta, tôi đáp rằng
nghiêm chỉnh và nhàn hạ . Nay hai bên hỗn chiến, chưa thấy cái gì là
nghiêm chỉnh; hai bên tháo lui, chưa thấy cái gì là nhàm hạ, tôi xin sai người đem rượu sang dâng công tử Anh Tề, để theo được như lời ngày
trước .
Tấn Lệ công khen phải . Loan Hàm sai một người mang hũ rượu sang công tử Anh Tề mà nói với công tử Anh Tề rằng:
- Chúa công tôi thiếu người, Loan Hàm đang phải cầm giáo hộ vệ ở trên xe, vì vậy Loan Hàm không thể đến đây mà khao quân quý quốc được,
có sai tôi thay mặt đem dâng hũ rượu này .
Công tử Anh Tề nhớ đến câu nói về sự nghiêm chỉnh và nhà hạ khi trước, mới khen rằng:
- Tiểu tướng quân thật là nhớ việc lắm!
Nói xong, liền nhận hũ rượu ấy, rót một chén uống mà bảo sứ giả rằng:
- Ngày mai ta sẽ ra trước trận để tạ lại .
Sứ giả nước Tấn về thuật lại cho Loan Hàm nghe . Loan Hàm nói:
- Vua nước Sở bị mũi tên như thế, mà quân Sở còn chưa chịu lui thì biết làm thế nào ?
Miêu Bí Hoàng nói:
- Ta cứ sửa soạn sẵn để sáng sớm mai quyết một trận thắng phụ, chứ có sợ gì quân Sở .
Bấy giờ Khước Thù cùng Loan Áp đi mượn quân nước Lỗ và Vệ đã trở về, nói là hai nước hiện đã cất quân sang gần đến nơi, chỉ còn cách đây độ 20 dặm . Thám tử báo tin cho Sở Cung vương biết . Sở Cung vương kinh sợ mà nói rằng:
- Quân Tấn đã nhiều mà nay lại có quân Lỗ và quân Vệ đến giúp, biết làm thế nào ?
Sở Cung vương tức khắc sai người đi triệu quan trung quân nguyên soái đến để thương nghị.