Phạm Chuy tên tự là Thúc, quê ở Đại Lương, có tài bàn trời
nói đất, có chí định nước yên dân, muốn làm quan với vua Nguỵ, nhưng vì nhà
nghèo không có ai tiến dẫn, bèn trước đến xin theo hầu quan trung đại phu là Tu
Giả, được làm xá nhân. Trước kia vì Tề Mân vương vô đạo. Nhạc Nghị họp bốn nước
cùng đánh Tề, Nguỵ cũng phái quân gíup Yên; đến khi Điền Đan phá được quân Yên
mà khôi phục nước Tề, Tương vương lên ngôi, vua Nguỵ sợ Tề báo thù, bèn cùng
nước Tề, Tương vương lên ngôi, vua Nguỵ sợ Tề báo thù, bèn cùng tướng quốc là
Nguỵ Tề bàn kế, sai Tu Gỉa sang Tề thông hiếu. Giả đem Phạm Chuy đi theo. Tương
vương hỏi Tu Giả rằng :
- Xưa kia tiên vương ta cùng Nguỵ hợp
quân đánh Tống thực là đồng thanh đồng khí, vậy mà khi người Yên tuyệt diệt nước
Tề, Nguỵ thực có dự vào, quả nhân nghĩ cái thù của tiên vương, đang còn nghiến
răng đau ruột. Nay Nguỵ lại đem lời nói suông đến dụ quả nhân, Nguỵ thực là phản
phúc vô thường, làm sao quả nhân dám tin ?
Tu Giả không biết đáp
thế nào, Phạm Chuy đứng bên thay lời mà nói rằng :
- Đại vương
nói sai rồi. Trước kia quả nhân theo Tề đánh Tống là vâng mệnh quý quốc đó. Vốn
hẹn với nhau chia ba nước Tống, thế mà quý quốc bội ước, một mình lấy cả đất đai
nước Tống. Không những thế, mà lại còn đem quân đánh phá nước chúng tôi. Đó là
một điều thất tín của nước Tề. Chư hầu sợ Tề kiêu bạo, nên phải thân cận với
Yên; trận đánh ở Tế Tây, cả năm nước cùng chung một kẻ thù, có một mình gì nước
chúng tôi ? Nước chúng tôi không nỡ làm quá, nên không dám theo quân Yên đến Lâm
Tri, đó là tệ ấp có lễ với nước Tề vậy. Nay đại vương anh võ hơn đời, báo thù
rửa hổ, rạng mở nền vua, quả nhân cho là cái công nghiệp to tát của Hoàn, Uy tất
lại lập nên, có thể che được cái lỗi của Mãn vương mà để phúc lại đến vô cùng,
cho nên sai hạ thần là Gỉa này đến nối lại tình giao hiếu ngày trước, e rằng cái
dấu xe đổ của Mãn vương lại thấy ở ngày nay vậy!
Vua Tề ra ý sợ,
đứng lên tạ rằng :
- Đó là lỗi của quả nhân !
Liền hỏi Tu Giả người ấy là ai.
Tu Giả nói :
- Đó là xá nhân của hạ thần tên là Phạm Chuy.
Vua Tề ngoảnh nhìn hồi lâu, rồi sai đưa Tu Giả ra ngoài công
quán, cung đãi rất hậu; lại sai người ngầm bảo Phạm Chuy rằng :
- Quả nhân mến đại tài của tiên sinh, muốn lưu tiên sinh ở Tề
dùng làm khách khanh, mong rằng tiên sinh chớ từ chối.
Phạm Chuy
từ rằng :
- Hạ thần với sứ giả cùng đi mà không cùng về là bất
tín vô nghĩa, thì còn làm người thế nào được nữa !
Vua Tề lại
càng yêu trọng, sai người đem cho Phạm Chuy mười cân hoàng kim và trâu, rượu.
Chuy cố từ chối không nhận, sứ giả hai ba lần tỏ bày cái ý kính mến của vua Tề,
nhất định không chịu trở về, Chuy bất đắc dĩ phải nhận trâu, rượu mà trả lại
vàng. Sứ giả lấy làm kính phục rồi ra về.
Nào ngờ có người đã
đem việc ấy nói với Tu Giả, Tu Giả đòi Phạm Chuy đến hỏi rằng :
- Sứ Tề đến làm gì thế ?
Phạm Chuy nói :
- Vua Tề đem mười cân vàng và trâu, rượu cho tôi, tôi không dám
nhận, nài ép mãi, tôi chỉ lấy có trâu, rượu mà thôi.
Tu Gỉa nói
:
- Vì cớ gì mà vua Tề lại cho nhà ngươi ?
Chuy
nói :
- Tôi không biết, hoặc giả thấy tôi là người tả hữu của
đại phu, nên kính đại phu mà đoái đến tôi chăng !
Tu Giả nói :
- Lễ vật không đem cho sứ giả mà lại chỉ cho riêng nhà ngươi,
tất là nhà ngươi có tư thông gì với Tề ?
Phạm Chuy nói :
- Vua Tề trước có sai sứ mời tôi ở lại làm khách khanh, tôi cự
tuyệt, lấy điều tín nghĩa tự thề, khi nào tôi lại dám tư thông !
Tu Gỉa càng đem lòng ngờ. Sứ mệnh đã xong, Tu Giả cùng Phạm Chuy
trở về Nguỵ. Giả bèn nói với tướng quốc Nguỵ Tề rằng :
- Vua Tề
muốn lưu xá nhân của tôi là Phạm Chuy làm khách khanh, lại tặng vàng và trâu,
rượu, tôi ngờ là Chuy có đem việc kín trong nước bảo cho Tề biết, nên mới được
vua Tề ban cho hậu như thế !
Nguỵ Tề cả giận, bèn họp tân Khách,
sai người bắt Phạm Chuy để tra hỏi.
Chuy đến phủ phục ở dưới
thềm. Nguỵ Tề thét hỏi rằng :
- Mày đem việc mật mà nói với nước
Tề phải không ?
Phạm nói :
- Khi nào tôi dám
thế!
Nguỵ Tề hỏi :
- Nếu mày không tư thông gì
với Tề, sao vua Tề lại muốn lưu mày lại ?
Chuy nói :
- Việc lưu lại quả có, nhưng Chuy này không theo.
Nguỵ Tề nói :
- Vậy thế vàng và trâu, rượu, sao
mày lại nhận ?
Chuy nói :
- Sứ giả cứ ép mãi, sợ
phất ý vua Tề, bất đắc dĩ tôi chỉ nhận có trâu, rượu, còn mười cân vàng thực sự
tôi không lấy.
Nguỵ Tề hầm hừ rồi hét to rằng :
- Thằng giặc bán nước lại còn già mồm cãi, dù vua Tề chỉ cho
trâu, rượu cũng không phải là không có cớ !
Bèn gọi ngục tốt
trói Phạm Chuy lại, bảo đánh đủ một trăm roi, bắt phải cung nhận tội thông Tề.
Phạm Chuy nói :
- Tôi thực không có sự tư thông,
thì biết cung xứng điều gì ?
Nguỵ Tề càng giận nói rằng :
- Đánh chết thằng này cho ta, chớ để lại cái mầm tai hoạ !
Ngục tốt cứ lệnh truyền, đánh lấy đánh để. Chuy bị đánh gãy cả
răng, máu chảy đầy mặt, đau quá không chịu được, gào khóc kêu oan. Các tân khách
thấy tướng quốc đang cơn cả giận, không dám khuyên can. Nguỵ Tề sai lính hầu một
mặt dùng chén lớn rót rượu uống, một mặt sai ngục tốt giơ roi đánh mãi từ giờ
thìn đến giờ mùi. Phạm Chuy bị đánh, khắp mình thâm tím, máu thịt dây cả ra đất;
xương sườn cũng bị gãy, đánh "cắc" một tiếng. Chuy kêu rú lên rồi chết ngất đi.
Lính hầu bẩm là Phạm Chuy chết rồi. Nguỵ Tề chạy xuống nhìn xem, thấy Chuy gãy
răng và xương sườn, khắp mình không còn chỗ nào không có vết roi, nằm thẳng
trong vũng máu, không cựa quậy, thì chỉ mặt mà mắng rằng :
-
Thằng giặc bán nước, chết thực đáng kiếp nhé! Đáng để làm gương cho kẻ sau !
Rồi sai ngục tốt lấy mê cói cuốn chặt cái thây lại, khiêng để
trong chuồng xí, bảo tân khách đại tiện, tiểu tiện lên trên, chớ để cho nó được
làm con ma trong sạch. Chẳng mấy chốc trời đã tối. Phạm Chuy mạng còn chưa
tuyệt, đã chết mà lại sống lại, từ trong mê cói giương mắt nhìn trộm, chỉ thấy
một tên lính đứng canh giữ bên cạnh. Phạm Chuy thở dài một tiếng. Tên lính nghe
thấy vội chạy lại xem, Phạm Chuy bảo rằng :
- Tôi bị thương nặng
thế này, dẫu có tạm tỉnh cũng không sao sống được, nếu anh có cách nào khiến cho
tôi được chết ở nhà tôi, để được khâm liệm, thì nhà tôi có vài lạng vàng xin
biếu cả anh để tạ ơn.
Tên lính canh tham lợi, bảo rằng :
- Vậy thì nhà ngươi lại cứ làm như chết rồi, ta sẽ vào bẩm.
Nguỵ Tề và tân khách lúc ấy đều đã say quá, tên lính vào bẩm
rằng :
- Người chết ở chuồng xí đã có mùi hôi thối khó chịu, xin
cho khiêng bỏ đi.
Tân khách đều nói :
- Phạm
Chuy dẫu có tội, tướng quốc xử trị như thế cũng đã đủ rồi.
Nguỵ
Tề nói :
- Quẳng bỏ nó ra ngoài bãi, để cho diều ăn hết thịt nó
đi !
Đoạn tân khách đều tan về. Nguỵ Tề cũng trở vào nhà trong.
Tên lính canh chờ đến lúc hoàng hôn, người vắng, bèn cõng Phạm Chuy về nhà, vợ
con Chuy trông thấy xiết bao đau xót! Phạm Chuy sai lấy vàng tạ ơn người lính,
lại sai bỏ cái mê cói ra, giao cho y, bảo đem quăng ra ngoài bãi, để che mắt mọi
người. Tên lính canh đi rồi, vợ con Chuy rửa bỏ máu và thịt nát ra, rịt bọc
những vết thương lại, rồi đem cơm rượu cho Chuy ăn uống.
Phạm
Chuy bảo vợ rằng :
- Nguỵ Tề căm giận ta lắm, dẫu biết ta chết,
nhưng còn có lòng ngờ, ta về được là nhân lúc nó say. Ngày mai nó tìm thây ta
không thấy, tất đến nhà tìm, như vậy thì ta sẽ không sống được. Ta có người anh
em kêt nghĩa là Trịnh An Bình, nhà ở ngõ hẹp trong cửa tây, nàng nên nhân lúc
ban đêm đưa ta đến đó, chớ nên tiết lộ, đợi hơn một tháng ta khỏi đau rồi, sẽ
trốn đi nơi khác. Sau khi đã đem ta đi rồi, trong nhà nên phát tang coi như là
ta đã chết thật, để tuyệt cái lòng ngờ của Nguỵ Tề.
Người vợ
theo lời, sai tên đầy tớ đến trước báo cho Trịnh An Bình. Trịnh An Bình đi đến
ngay nhà Chuy thăm xem, rồi cùng người nhà cõng Chuy đem về nhà. Hôm sau Nguỵ Tề
quả nhiên còn sợ Phạm Chuy sống lại, sai người đến xem chỗ quãng thây, tên lính
canh về báo là cái thây quăng ở bãi vắng, giờ chỉ còn có cái mê cói không, chắc
là bị chó tha đi hết rồi. Nguỵ Tề lại sai người đến nhà xem, thấy cả nhà Chuy
đều để trở, bấy giớ mới yên lòng.
Lại nói Phạm Chuy ở nhà Trịnh
An Bình rịt thuốc dần dần bình phục. An Bình lại cùng Pha5m Chuy đến ở giấu
trong núi Cụ Thứ. Phạm Chuy đổi họ tên là Trường Lộc, người trong núi không ai
biết. Quá nửa năm có quan yết giả nước Tần là Vương Kê vâng mệnh vua Tần sang sứ
nước Nguỵ, ở trong công quán, Trịnh An Bình giả làm tên dịch tốt vào hầu Vương
Kê, ứng đối nhanh nhẹn, Vương Kê yêu lắm, có hỏi riêng nước Nguỵ còn có ai là
hiền tài mà chưa ra làm quan không. An Bình nói :
- Ngưoì hiền
tài thực hiếm có lắm, trước có Phạm Chuy là người có nhiều mưu trí, nhưng bị
tướng quốc đánh đến chết...
Nghe nói chưa xong, Vương Kê đã than
rằng :
- Tiếc thay, con người ấy không đến nước Tần, không được
tỏ cái tài lớn ra với đời !
An Bình nói :
- Nay
trong xóm tôi có Trương Lộc tiên sinh, tài chẳng kém gì Phạm Chuy, ngài có muốn
được thấy người ấy không ?
Vương kê nói :
- Đã
có người ấy, sao không mời đến đây họp mặt cùng ta ?
An Bình nói
:
- Người ấy có kẻ thù trong nước, không dám đi ban ngày. Nếu
không thì người ấy đã làm quan nước Nguỵ từ lâu rồi, không phải đợi đến ngày
nay.
Vương Kê nói :
- Đêm đến cũng được, ta xin
sẵn lòng chờ đợi.
An Bình bèn trở về, bảo Trương Lộc cũng cải
trang làm tên dịch tốt, đêm khuya đến công quán yết kiến Vương Kê. Vương kê hỏi
qua về đại thế thiên hạ, Phạm Chuy bày tỏ rõ ràng như ở trước mắt.
Vương Kê mừng rằng :
- Tôi biết tiên sinh không
phải là người thường, tiên sinh có thể cùng tôi qua chơi nước Tần không ?
Phạm Chuy nói :
- Tôi có kẻ thù, không thể ở yên
trong nước được, nếu ngài có thể đem tôi đi theo, thực là điều tôi rất mong.
Vương Kê tính đốt ngón tay nói rằng :
- Tôi còn
năm ngày nữa thì việc đi sứ xong. Đến kỳ, tiên sinh nên đợi tôi ở gò Tam Đình
vào chỗ vắng người, tôi sẽ đưa tiên sinh lên xe cùng đi.
Qúa năm
ngày, Vương Kê từ biệt vua Nguỵ, quần thần đều đi tiễn ra ngoài thành rồi mới
trở về. Vương Kê ruổi xe đến gò Tam Đình, bỗng thấy trong rừng có hai người chạy
ra, tức là Trương Lộc và Trịnh An Bình. Vương Kê mừng quá, như bắt được của quí,
mời Trương Lộc và An Bình lên xe cùng đi, dọc đường trò chuyện rất hợp ý nhau,
nên thân yêu nhau lắm. Không mấy ngày đã đến địa giới nước Tần. Khi vào đến Hồ
Quan, bỗng thấy đằng trước có bụi bay mù, một đoàn xe ngựa từ phía tây đi đến.
Phạm Chuy hỏi đó là ai. Vương Kê nhận ra được đội tiền khu, nói đó là thừa tướng
Nhương Hầu đi kinh lý các quận ấp ở phía đông. Nguyên Nhương Hầu tên là Nguỵ
Nhiễm, là em trai Tuyên Thái hậu, mà thái hậu lại là con gái họ Thiên nước Sở và
là mẹ Chiêu Tương vương. Khi Chiêu Tương vương lên ngôi, vì còn bé nên thái hậu
ra triều quyết định mọi việc chính, dùng em trai là Nguỵ Nhiễm làm thừa tướng,
phong làm Nhương hầu, em thứ là Thiên Nhung cũng phong là Hoa Dương quân, đều
coi việc nước. Đến sau Chiêu Tương vương đã lớn tuổi, lòng sợ thái hậu, liền
phong em trai là công tử Khôi làm Kinh Dương quân, công tử Thị làm Cao Dương
quân, muốn để chia quyền của họ Thiên, trong nước gọi là Tứ Qúi, nhưng tôn quí
nhất là thừa tướng. Mỗi năm thừa tướng lại thay vua đi khắp quận quốc, điều tra
quan lại, xem xét thành trì, điểm duyệt xe ngựa, yên vỗ nhân dân, đó là theo lệ
thường, nên lúc ấy Vương Kê trông thấy đội tiền khu liền nhận ra ngay được.
Phạm Chuy nói :
- Tôi nghe Nhương hầu chuyên
quyền ở nước Tần, ghen người hiền, ghét kẻ tài, không muốn dung tân khách các
nước, cho nên tôi sợ bị nhục, vậy xin hãy ẩn vào trong hòm để lánh mặt.
Một lát Nhương hầu đến, Vương Kê xuống xe đón chào, Nhương hầu
cũng xuống xe đáp lễ và yên ủi rằng :
- Ngài thực đã khó nhọc vì
việc nước !
Rồi cùng đứng ở trước xe nói chuyện. Nhương hầu hỏi
Quan Đông gần đây có việc gì.
Vương Kê đáp không có, Nhương hầu
mắt nhìn vào trong xe hỏi rằng :
- Ngài có đem người khách chư
hầu nào cùng về đấy chăng ?
Bọn ấy chỉ lấy miệng lưỡi du thuyết nước người,
để cầu giàu sang, đều không có thực dụng đâu.
Vương Kê đáp rằng
:
- Tôi đâu dám đeo theo bọn ấy về !
Khi Nhương
hầu từ biệt đi rồi, Phạm Chuy ở trong hòm xe chui ra, toan xuống xe chạy.
Vương Kê nói :
- Thừa tướng đi rồi, tiên sinh có
thể yên lòng cùng đi với tôi.
Phạm Chuy nói :
-
Tôi có nhìn trộm mặt Nhương hầu, thấy mắt trắng dã mà trông không thẳng, con
người như vậy thì tính hay đa nghi mà hiểu việc chậm. Lúc nãy Nhương hầu nhìn
vào trong xe là đã có ý nghi rồi, nhất thời chưa sục tìm ngay, nhưng lâu tất lấy
làm hối, hối tất sẽ trở lại để tìm, chi bằng tôi tránh trước là hơn.
Rồi bảo Trịnh An Bình cùng chạy lên trước, xe của Vương Kê đi
sau. Được chừng mười dặm, sau lưng thấy có tiếng ngựa chạy, nhìn xem thì thấy có
hai mươi tên kỵ binh đương từ phía đông phi ngựa đến, đuổi theo xe Vương Kê, nói
vâng mệnh thừa tướng, sợ quan đại phu có mang kẻ du khách nào về theo, nên phải
trở lại để khám xét.
Rồi cùng khám xét khắp xe của Vương Kê,
thấy quả không có người ngoại quốc nào, mới quay đi. Vương Kê than rằng :
- Trương tiên sinh quả là người có trí, ta thật không bằng !
Liền giục xe đi mau, chừng năm sáu dặm, thì gặp Trương Lộc và
Trịnh An Bình, mời lên xe cùng đi vào Hàm Dương. Vương Kê vào triều tiến vua
Tần, phục mệnh xong, liền nói :
- Nước Nguỵ có một người tên là
Trương Lộc, trí mưu hơn người, thực chất là bậc kỳ tài trong thiên hạ; người ấy
có nói với hạ thần về cái nguy cơ của nước Tần, và bảo có thuật làm cho yên
được; nhưng tất phải đến đây mà giải bày ở trước mặt đại vương mới được, cho nên
hạ thần đem theo cùng về.
Vua Tần nói :
- Các
khách chư hầu thường hay nói quá cao; nhưng mà ngươi đã mang về, thì hãy để cho
ở trong khách xá.
Vương Kê vâng mệnh đưa Trương Lộc đến ở khách
xá, ròng rã hơn một năm không thấy vua Tần cho triệu vào. Một hôm Phạm Chuy bỗng
ra chơi ngoài chợ, thấy Nhương hầu đương trưng binh đi đánh.
Phạm Chuy hỏi riêng rằng :
- Thừa tướng định đi
đánh nước nào ?
Có một ông già nói rằng đó là muốn đánh đất
Cương Thọ của Tề. Phạm Chuy hỏi quân Tề có phạm vào đất Tần chăng ?
Ông già nói :
- Không.
Phạm Chuy
nói :
- Tần cùng Tề đông tây cách xa nhau, khoảng giữa có Hàn,
Nguỵ ngăn cách. Tề không phạm Tần, sao Tần lại vượt xa để đánh Tề ?
Ông già dẫn Phạm Chuy đến chỗ vắng nói rằng :
-
Đánh Tề không phải là ý vua Tần. Chỉ vì Đào Sơn ở trong phong ấp của thừa tướng,
mà Cương Thọ ở gần Đào Sơn, cho nên thừa tướng muốn sai Võ An quân đem quân đi
đánh lấy, để mở rộng phong ấp của mình đó thôi !
Phạm Chuy trở
về khách xá, thảo một bức thư dâng lên vua Tần, đại ý nói :
"Kẻ
bề tôi gửi trọ (người ngoại quốc đến ở nhờ nước Tần) là Trương Lộc dám dâng lời
tâu này, tội thật đáng giết. Tôi nghe nói rằng minh quân trị nước, người có công
thì thưởng, kẻ có tài thì cho làm quan, công to thì lộc hậu, tài cao thì chức
trọng, cho nên kẻ bất tài không dám lạm chức mà người có tài không đến bị bỏ
sót. Tôi nay đợi mệnh ở hạ xá đã hơn một năm; nếu nhà vua cho tôi là có thể dùng
được, xin cho tôi được chút thì giờ để giải bày những điều tôi muốn nói; nhược
bằng nhà vua cho tôi là vô dụng thì lưu tôi lại làm gì ? Quyền nói là ở tôi,
quyền nghe là ở nhà vua, nếu tôi nói mà không đúng, thì bấy giờ sẽ xin chịu tội.
Vậy chớ nên vì cớ khinh tôi mà khinh cả người tiến cử tôi vậy !"
Vua Tần đã quên Trương Lộc, khi thấy bức thư, liền cho đòi đến
ly cung (cung làm riêng ở một nơi) triều kiến. Vua Tần chưa đến. Phạm Chuy đến
trước, trông thấy xe ngựa vua Tần đang đi đến, giả ý không biết, cố ý đi vào
trong một cái ngõ. Kẻ hoạn giả đi trước thét đuổi nói :
- Có vua
đến.
Phạm Chuy cố ý nói :
- Tần chỉ có thái hậu
và Nhương hầu, làm gì có vua !
Nói rồi đi thẳng, không kể đến
lời kẻ hoạn giả. Đang lúc cãi nhau, vua Tần đã đi đến, hỏi kẻ hoạn giả vì cớ gì
lại cãi nhau với khách, kẻ hoạn giả thuật lại lời nói của Phạm Chuy. Vua Tần
cũng không giận bèn đón vào nội cung, đãi làm thượng khách. Phạm Chuy nhún
nhường. Vua Tần đuổi bỏ các người tả hữu ra ngoài, quì xuống mà nói rằng :
- Tiên sinh có điều gì dạy bảo quả nhân ?
Phạm
Chuy nói :
- Dạ, dạ !
Một lát, vua Tần lại quì
xuống mà nói như trước. Phạm Chuy lại "dạ, dạ" như thế đến ba lần.
Vua Tần nói :
- Tiên sinh không dạy bảo quả
nhân, có lẽ cho quả nhân là không đủ cùng nói chăng ?
Phạm Chuy
nói :
- Không dám thế, xưa kia Lã Thượng câu ở sông Vị, khi gặp
Văn vương chỉ nói một lời mà Văn vương tôn là Thượng phụ, tin dùng mưu kế, nhờ
đó diệt nhà Thương mà có thiên hạ; còn Cơ Tử, Tỉ Can, là thân thích của vua Trụ,
hết lời can ngăn mà vua Trụ không nghe, rồi người bị tù, người bị chết, vua Trụ
thì mất nước, vì đó mà nhà Thương diệt vong. Điều đó không có gì lạ, chỉ là tin
với không tin mà thôi. Lã Thượng dẫu là người xa mà Văn vương tin dùng, nên
vương nghiệp nhà Chu, mà Lã Thượng cũng được phong hầu truyền mãi đời đời; Cơ
Tử, Tỉ Can dẫu là thân thích mà không được vua Trụ tin, cho nên thân không khỏi
cái chết, cái nhục mà lại không cứu được nước. Nay tôi là kẻ gửi trọ, ở vào địa
vị người dưng, mà những điều muốn nói thì lại là quốc gia đại kế, hoặc quan hệ
đến tình cốt nhục của người ta, không nói thắm thiết thì không bổ cứu gì cho
Tần, mà muốn nói thâm thiết, thì cái hoạ Cơ Tử, Tỉ Can e sẽ theo sau, cho nên
nhà vua ba lần hỏi mà tôi không dám đáp, là vì tôi chưa xét được lòng vua có tin
hay không tin.
Vua Tần lại quì xuống mà nói rằng :
- Tiên sinh nói gì thế ? Qủa nhân hâm mộ đại tài của tiên sinh,
cho nên đuổi bỏ những kẻ tả hữu ra ngoài, để được chuyên nghe lời dạy. Phàm việc
đáng nói thì trên từ thái hậu, dưới đến đại thần, xin tiến sinh cứ nói hết,
không can gì mà phải giấu giếm.
Vua Tần sở dĩ nói câu ấy, là vì
lúc đi vào lối ngõ, nghe tên hoạn giả thuật lời Phạm Chuy nói "Tần chỉ có thái
hậu và Nhương hầu chứ không nghe có vua", nên trong lòng nghi hoặc, vì thế mới
nóng lòng xin Phạm Chuy dạy bảo cho. Mà Phạm Chuy thì lại e buổi đầu vào yết
kiết vua Tần, nếu vạn nhất có nói câu nào không hợp ý vua Tần thì sẽ tuyệt đường
tiến ngôn về sau. Phương chi tả hữu tất có nhiều kẻ nghe trộm, e họ truyền nói
đi, tất sẽ gây vạ cho mình, nên mới đem sự tình bên ngoài nói qua một lượt để mở
đầu câu chuyện, rồi mới thưa rằng :
- Nay đại vương cho thần
được nói hết, đó chính là ý muốn của thần.
Nói rồi, sụp xuống
lạy, vua Tần cũng lạy đáp lại. Đoạn ai ngồi vào chỗ nấy. Phạm Chuy nói :
- Đất Tần hiểm trở không nước nào bằng, giáp binh cường tráng
cũng không nước nào địch nổi, vậy mà Tần muốn kiêm tính các nước không xong,
nghiệp bá vương không thành được, há chẳng phải là đại thần nước Tần có mưu tính
sai lầm điều gì chăng ?
Vua Tần cung kính hỏi :
- Xin nói cho biết chỗ sai lầm ?
Phạm Chuy nói :
- Tôi nghe Nhương hầu sắp vượtHàn, Nguỵ mà đánh Tề, việc ấy sai
lầm. Tề cách Tần rất xa, lại có Hàn, Nguỵ ngăn cách, đem ít quân đi thì không có
đủ làm hại Tề, đem nhiều quân đi thì làm hại Tần trước. Trước khi Nguỵ vượt qua
Triệu mà đánh Trung Sơn, lấy được ngay đất ấy nhưng liền đó lại bị Triệu chiếm
mất. Là cớ sao ? Là vì Trung Sơn gần Triệu mà xa Nguỵ vậy. Nay đánh Tề mà không
được là cái nhục lớn cho Tần, mà cho dù có đánh được thì cũng chỉ lợi cho Hàn,
Ngụy chứ Tần chẳng có lợi gì ! Chi bằng ngày nay nên kết giao nước xa mà chuyên
đánh nước gần. Kết giao nước xa để lìa tình thân của người, chuyên đánh nước gần
để rộng đất cõi của ta; từ gần đến xa, như tầm ăn lá, lấy hết được cả thiên hạ
cũng chẳng khó gì.
Vua Tần lại hỏi :
- Cách kết
giao nước xa, chuyên đánh nước gần như thế nào ?
Phạm Chuy nói :
- Kết giao nước xa thì không nước nào bằng Tề, Sở; đánh lấy nước
gần thì không nước nào bằng Hàn, Nguỵ. Đã lấy được Hàn, Nguỵ thì Tề, Sở, cũng
không thể còn được.
Vua Tần vỗ tay khen phải, liền bái Phạm Chuy
làm khách khanh, gọi là Trương khanh, tin dùng mưu kế, đông đánh Hàn, Nguỵ, bãi
đạo quân Bạch Khởi đi đánh Tề, Nguỵ Nhiễm cùnng Bạch Khởi, một tướng văn, một
tướng võ, cầm quyền đã lâu, thấy Trương Lộc mau được vua yêu, đều có ý không
bằng lòng. Nhưng vua Tần càng tin Phạm Chuy, cách đối đãi càng ngày càng hậu,
thường thường đêm khuya cho đòi riêng vào để bàn việc, Phạm Chuy nói gì cũng noi
theo. Phạm Chuy biết vua Tần thực đã tin dùng mình, nhân lúc chầu riêng, xin
đuổi các người tả hữu ra ngoài rồi nói rằng :
- Tôi đội ơn đại
vương quá nghe, cho được cùng bàn việc, tôi dù tan xương nát thịt cũng không đủ
báo đền. Tuy nhiên tôi có cái kế yên nước Tần, còn chưa dám nói hết với đại
vương.
Vua Tần quì hỏi rằng :
- Quả nhân đem
nước nhờ cậy tiên sinh, tiên sinh đã có kế yên Tần, sao không nói ngay cho biết,
còn đợi đến bao giờ ?
Phạm Chuy nói :
- Trước
kia tôi ở Sơn Đông, nghe nói ở Tề chỉ có Mạnh thường quân chứ không có vua Tề.
Nay ở nước Tần cũng chỉ nghe nói có thái hậu, Nhương hầu, Hoa Dương quân, Cao
Lăng quân, Kinh Dương quân, chứ không nghe nói có vua Tần. Đại phàm giữ quyền
trị nước, ấy là vua, cho nên các quyền sinh sát, dữ, đoạt, người khác không được
chuyên dùng. Nay thái hậu cậy mình là quốc mẫu, chuyên quyền không nể đã bốn
mươi năm rồi; Nhương hầu một mình làm tướng Tần, Hoa Dương giúp sức, Kinh Dương,
Cao Lăng đều có vây cánh, sinh sát tự do, tài sản của tư gia gấp mười nhà nước,
đại vương chỉ chắp tay mà giữ cái tiếng là vua không, chẳng cũng nguy lắm ru ?
Trước kia Thôi Trữ chuyên quyền ở Tề rồi giết Trang công. Lý Đoái chuyên quyền ở
Triệu rồi giết chủ phụ, nay Nhương hầu trong thì cậy thế thái hậu, ngoài thì
trộm oai đại vương, dụng binh thì chư hầu sợ, giải giáp thì chư hầu mừng, đặt kẻ
tai mắt làm tả hữu vua, tôi thấy đại vương đứng một mình ở trong triều đã bao
nhiêu lâu rồi, e rằng sau khi đại vương trăm tuổi đi thì kẻ làm vua nước Tần
không còn phải là con cháu đại vương nữa !
Vua Tần nghe nói, bất
giác buốt xương, rợn lòng, liền vái hai cái mà nói rằng :
-
Những điều tiên sinh nói đó đều là lời nói tim gan, quả nhân tiếc là không nghe
được từ trước !
Hôm sau lập tức cho thu tướng ấn của Nhương hầu,
Nguỵ Nhiễm, bắt phải về ngay ấp phong. Nhương hầu lấy xe bò nhà nước để chở gia
tài đến hơn một nghìn cỗ, còn kỳ trân dị bảo không biết bao nhiêu mà kể, đều là
những thứ mà trong kho nước Tần không có. Ngày hôm sau vua Tần lại đuổi Hoa
Dương, Cao Lăng, Kinh Dương ra ngoài cửa quan, an trí thái hậu ở thâm cung,
không cho tham dự chính sự. Rồi cử Phạm Chuy làm thừa tướng, cho phong ấp ở Ứng
Thành, gọi là Ứng hầu. Người Tần đều bảo là Trương Lộc làm thừa tướng, không ai
biết đó là Phạm Chuy, chỉ riêng có Trịnh An Bình biết. Chuy dặn phải giữ kién
chớ nên tiết lộ. An Bình cũng không dám nói hớ ra.
Bấy giờ vua
Nguỵ là Chiêu vương đã mất mấy năm nay, con là An Ly vương lên ngôi, nghe vua
Tần mới dùng mưu của thừa tướng Trương Lộc muốn đánh Nguỵ, thì hội họp quần thần
để bàn. Tín Lăng quân Vô Kỵ nói :
- Quân Tần không đến đánh Nguỵ
đã mấy năm nay, nay vô cớ khởi binh, rõ ràng là khinh ta không có sức giữ nước
vậy nên phòng bị nghiêm ngặt để đợi quân Tần đến.
Tướng quốc
Nguỵ Tề nói :
- Không được, Tần mạnh, Nguỵ yếu, đánh tất không
lợi. Nghe nói thừa tướng Trương Lộc là người Nguỵ, há lại không có chút tình với
nước cũ hay sao ? Nếu sai sứ đem nhiều lễ vật, trước thông với Trương thừa
tướng, sau yết vua Tần, xin cho được nộp con tin để cầu hoà, thì có thể giữ được
vẹn toàn.
An Ly vương mới lên ngôi, chưa từng trải sự chiến
tranh, bèn dùng kế của Nguỵ Tề, sai trung đại phụ là Tu Giả sang sứ Tần.
Tu Giả vâng mệnh, khi đến Hàm Dương, ở trong quán dịch. Phạm
Chuy mừng nói rằng :
- Ngày nay Tu Gỉa đến đây tức là ngày ta
báo được thù xưa đó.
Bèn cởi bỏ áo sang, cải trang làm người
nghèo khổ rách rưới, ngầm đi ra ngoài tướng phủ, đến thẳng quán dịch, thong thả
đi vào, xin được yết kiến Tu Gỉa.
Tu Gỉa trong thấy, cả sợ nói
rằng :
- Ồ! Phạm Chuy còn sống đấy à ? Ta cứ yên chí nhà ngươi
bị Nguỵ tướng đánh chết, làm sao lại còn sống mà sang được đến đây ?
Phạm Chuy nói :
- Khi ấy, họ đem thi thể tôi
quăng ra ngoài bãi, hôm sau mới hồi lại, may gặp người lái buôn đi qua, nghe
tiếng kêu rên, thương mà cứu cho, nên còn được sống. Nhưng tôi không dám về nhà,
từ đó lưu lạc sang nước Tần, không ngờ lại được gặp đại phu ở đây.
Tu Giả hỏi :
- Có lẽ Phạm thúc muốn sang du
thuyết nước Tần chăng ?
Phạm Chuy nói :
- Ngày
trước tôi có tội với nước Nguỵ, nay trốn sang đến đây, được sống là may, còn dám
mở mồm nói gì nữa !
Tu Giả hỏi :
- Phạm thúc ở
Tần, làm gì để mưu sinh ?
Chuy nói :
- Làm thuê,
làm mướn để kiếm miếng ăn.
Tu Giả nghe nói bỗng động lòng
thương, giữ lại cùng ngồi, bảo lấy rượu cơm ra cho ăn uống. Bấy giờ là mùa đông,
Phạm Chuy mặc áo rách, tay chân run rẩy, coi bộ rét lắm.
Tu Giả
than rằng :
- Phạm thúc rét đến thế ư ?
Rồi sai
lấy một cái áo bào cho mặc.
Phạm Chuy nói :
- Áo
của đại phu, khi nào tôi dám mặc !
Tu Giả nói :
- Cố nhân
cần chi mà phải quá nhũn như thế!
Phạm Chuy mặc áo vào, hai ba
lần tỏ lời cảm tạ, rồi hỏi Tu Giả sang có việc gì ?
Tu Giả nói :
- Nay quan thừa tướng nước Tần là Trương quân mới làm việc, ta
muốn vào bái yết riêng, nhưng hiềm không có người tiến dẫn. Phạm Thúc ở đây đã
lâu, có biết người nào có thể nói trước với Trương thừa tướng cho ta được không
?
Phạm Chuy nói :
- Chủ nhân tôi có quen thân
với thừa tướng, nên tôi thường đi vào tướng phủ. Thừa tướng hay đàm luận, trong
khi bàn đi nói lại việc gì, chủ nhân tôi có câu nào chưa trả lời kịp, tôi thường
giúp vào một lời. Thừa tướng cho tôi là người có tài nói, đôi lúc cho ăn uống,
nên được thân cận. Nếu đại phu muốn vào yết kiến thừa tướng, tôi xin cùng đi.
Tu Giả nói :
- Được thếthì còn gì hay bằng ! Vậy
Phạm thúc định hôm nào đưa tôi vào hầu thừa tướng ?
Phạm Chuy
nói :
- Thừa tướng thường bận việc lắm, hôm nay may ngài được
nhàn rỗi, sao không đi ngay ?
Tu Giả nói :
- Tôi
đi xe tứ mã đến, nhưng hiện ngựa đau chân, xe gãy trục, chưa thể đi được.
Phạm Chuy nói :
- Chủ nhân tôi cũng có xe, có
thể mượn được.
Phạm Chuy nói rồi, đi về phủ, lấy cỗ xe lớn thắng
bốn ngựa, thân đánh xe đến trước quán dịch, rồi vào báo với Tu Giả rằng :
- Có xe rồi, tôi xin đánh xe để ngài đi.
Tu Gỉa
hớn hở lên xe, Phạm Chuy cầm cương, mọi người đi đường, trông thấy thừa tướng
đánh xe đi, hoặc chắp tay đứng ra bên đường, hoặc chạy tránh xa. Tu Giả cứ ngỡ
là họ kính trọng mình, có biết đâu là họ vì Phạm Chuy. Khi xe đến trước tướng
phủ. Phạm Chuy nói :
- Đại phu hãy đợi một lát ở đây, tôi xin
vào bẩm trước, nếu thừa tướng cho phép, thì có thể vào được.
Phạm Chuy theo cửa phủ đi vào. Tu Giả xuống xe đứng ở ngoài cửa,
đợi rất lâu, nghe trong phủ nổi hiệu trống, lính hầu hô vang lên rằng thừa tướng
đã ra công đường. Thuộc lại, xá nhân, đi lại tấp nập, mà không thấy bóng Phạm
Chuy đâu. Tu Gỉa liền hỏi tên lính canh cửa rằng :
- Lúc nãy có
người bạn tôi là Phạm thúc vào bẩm trước với thừa tướng đã lâu không thấy ra,
nhà ngươi có thể vào giúp tôi được không ?
Tên canh cửa hỏi :
- Phạm thúc vào lúc nào ?
Tu Giả nói :
- Đó là người đánh xe cho tôi lúc đến đây !
Tên
canh cửa nói :
- Người đánh xe ấy tức là Trương thừa tướng, thừa
tướng đi lẻn qua ngoài quán dịch thăm bạn, cho nên giả làm người thường mà đi,
sao lại bảo là Phạm thúc ?
Tu Giả nghe nói như người đang ngủ
bỗng nghe tiếng sét dữ dội, trống ngực đánh thình thình, nói rằng :
- Ta bị Phạm thúc đánh lừa, chết đến nơi rồi !
Càng nghĩ càng sợ, đành phải lột áo cởi đai, trút mũ, đi chân
không, quì ở ngoài cửa, nhờ lính canh cửa vào nói giúp rằng kẻ có tội nước Nguỵ
là Tu Giả ở ngoài xin chịu tội chết. Hồi lâu nữa, có lệnh thừa tướng cho đòi
vào. Tu Giả lại càng sợ, cúi đầu, quì gối mà đi, theo cửa bên đi vào, thẳng đến
trước thềm, dập đầu, luôn miệng nói tội đáng chết. Phạm Chuy uy phong lẫm liệt,
ngồi trên công đường hỏi rằng :
- Mày biết tội chưa ?
Tu Gỉa phủ phục thưa rằng :
- Tôi biết tội rồi.
Phạm Chuy nói :
- Mày có bao nhiêu tội ?
Tu Gỉa nói :
- Dù nhổ hết tóc tôi để kể, tội tôi
cũng chưa hết.
Phạm Chuy nói :
- Mày có ba tội.
Vì mỗ mã tiên nhân ta ở Nguỵ, nên ta không muốn làm quan ở Tề, vậy mà mày lại
nghĩ ta tư thông với Tề, nói bậy với Nguỵ Tề để nó căm giận ta, đó là một tội.
Đang khi Nguỵ Tề nổi cơn giận, đánh ta đến gãy răng, gãy xương, mày không hề can
ngăn đó là hai tội. Đến khi ta đau quá ngất đi, bị bỏ vào chuồng xí, mày lại đem
tân khách ra mà đái vào tao; xưa kia đức Trọng Ni không làm điều thái quá, sao
mày lại quá nhẫn tâm báo cái thù trước, nhưng thấy mày thươngta rét mà cho áo,
còn có lòng yêu đến người cũ, nên ta rộng dong cho được toàn tính mệnh, mày phải
nên biết ơn ta !
Tu Giả dập đầu lạy tạ mãi không thôi. Phạm Chuy
xua tay đuổi đi. Tu Giả khúm núm đi ra, từ đó người Tần mới biết thừa tướng
Trương Lộc tức là Phạm Chuy người Nguỵ, trá hình đến nước Tần. Hôm sau Phạm Chuy
vào chầu vua Tần, nói nước Nguỵ sợ hãi, sai sứ xin hoà, không dám đánh nhau, đó
đều do oai đức của vua Tần mà được. Vua Tần cả mừng, Phạm Chuy lại tâu rằng :
- Hạ thần có cái tội khi quân, xin đại vương tha thứ cho mới dám
nói.
Vua Tần nói :
- Khanh có điều gì cứ nói,
quả nhân không bắt tội.
Phạm Chuy tâu rằng :
-
Hạ thần thực không phải Trương Lộc, chính là Phạm Chuy người Nguỵ đó. Từ bé thần
mồ côi, nhà nghèo, phải theo quan trung đại phu nước Nguỵ là Tu Giả làm xá nhân,
rồi cùng Giả sang sứ Tề. Vua Tề có đem vàng cho riêng hạ thần, hạ thần từ chối
không nhận, không ngờ Tu Giả về nói với tướng quốc Nguỵ Tề, đem hạ thần ra đánh
đến chết. May mà hạ thần sống lại, đổi tên là Trương Lộc, chạy trốn sang Tần,
mong ơn đại vương cho được làm thừa tướng. Nay Tu Giả đã phụng sứ đến đây, họ
tên thực của hạ thần đã lộ ra, cần phải lại theo như cũ, cúi mong đại vương
thương mà xá tội cho !
Vua Tần nói :
- Quả nhân
không biết khanh bị oan như thế ! Nay Tu Giả đã đến, thì nên chém đầu để thoả
lòng căm giận của khanh.
Phạm Chuy nói :
- Tu
Gỉa vì việc công mà đến; từ xưa hai nước giao binh, không chém sứ gỉa của nhau,
phương chi lại là đến để cầu hoà. Hạ thần há dám vì thù riêng mà làm hại nghĩa
công! Vả lại, kẻ nhẫn tâm giết hạ thần chính là Nguỵ Tề, chứ không phải Tu Giả.
Vua Tần nói :
- Khanh trước nghĩ đến việc công
rồi sau mới nghĩ đến việc tư, có thể nói là người đại trung. Cái thù Nguỵ Tề,
quả nhân sẽ báo cho khanh nghĩ xử.
Phạm Chuy tạ ơn lui ra. Vua
Tần chuẩn lời cầu hoà của Nguỵ. Tu Giả vào từ biệt Phạm Chuy, Chuy nói :
- Người cũ đến đâ, nên phải kính đãi một bữa cơm.
Rồi truyền xá nhân lưu Tu Giả ở trong phủ, sai bày tiệc rượu to
thết đãi. Tu Gỉa nghĩ thầm Phạm Chuy rộng lòng tha tội cho đã là may lắm, không
ngờ lại còn cho sửa tiệc để hậu đãi nữa. Phạm Chuy lui vào nhà trong, Tu Giả một
mình ngồi ở phòng ngoài, có lính canh giữ, không rời đi đâu, từ giờ thìn đến giờ
ngọ, bụng đã đói, nghĩ thầm hôm trước Phạm Chuy ra ngoài quán dịch, mình gọi đem
cơm rượu sẵn có ra đãi. Hôm nay Phạm Chuy đãi giả lại, chỗ bạn cũ, tưởng nên cứ
xoàng xoàng là được, cần chi phải bày vẽ quá. Một lát, trên nhà bày tiệc đã
xong, thấy trong phủ phát ra một cái đơn, mời khắp sứ thần các nước và những tân
khách có tiếng ở trong phủ. Tu Giả lại nghĩ thầm, đó là những người Phạm Chuy
mời đến để tiếp mình, nhưng không rõ đó là những ai. Lát nữa vào ngồi, mình cũng
phải biết phận, không nên ngồi leo, ngồi càn mới được. Tu Gỉa còn đang nghĩ vẩn
vơ, đã thấy sứ thần các nước và tân khách tấp nập kéo đến. Người coi tiệc vào
báo khách đến đã đủ. Phạm Chuy ở nhà trong bước ra, chào hỏi khắp lượt, rồi cứ
theo vị thứ, ai nấy cùng ngồi dự tiệc, dưới tả hữu vu bắt đầu tấu nhạc, mà không
thấy mời đến Tu Gỉa. Tu Gỉa bấy giờ vừa đói, vừa khát, vừa khổ, vừa buồn, vừa
thẹn vừa tức, nổi bực dọc không sao tả được. Khi rượu đã được ba tuần, Phạm Chuy
mới nói :
- À, còn một cố nhân ở đây, vừa rồi tôi quên mất !
Các khách đều đứng dậy nói :
- Thừa tướng đã có
vị bạn cũ, chúng tôi theo lễ phải hầu tiếp.
Phạm Chuy nói :
- Dẫu là người cũ, nhưng không dám để cùng ngồi với các ngài !
Rồi sai đặt một bàn nhỏ ở dưới nhà, gọi Tu Giả đến, sai hai tên
tù bị tội thích chữ ngồi kèm hai bên. Trên bàn không có cơm rượu, chỉ có thứ đậu
đã rang kỹ, hai tên tù bưng mà đút vào mồm cho Tu Giả, như là cho ngựa ăn vậy.
Quan khách đều lấy làm ngượng và hỏi rằng :
- Thừa tướng có điều
gì mà lại căm giận người ấy quá như thế ?
Phạm Chuy thuật lại
đầu đuôi việc cũ, các khách đều nói :
- Như thế, không trách
được thừa tướng căm giận !
Tu Giả dẫu bị nhục, nhưng không dám
chống lại, đành cứ phải nhá đậu rang cho khỏi đói. Ăn xong, lại phải tạ ơn. Phạm
Chuy trừng mắt nói rằng :
- Vua Tần dẫu cho Nguỵ hoà, nhưng cái
thù Ngụy Tề ta cần phải báo, nay tha chết cho mày, về ngay bảo vua Nguỵ, mau mau
chém đầu Nguỵ Tề mang đến nộp ta, và đưa gia quyến ta sang Tần rồi hai nước kết
tình giao hiếu cùng nhau. Không thế, ta sẽ tự đem quân đến làm cỏ thành Đại
Lương. Bấy giờ dù hối cũng không kịp.
Tu Giả sợ quá, chẳng còn
hồn vía nào, dạ dạ luôn mấy tiếng rồi lui ra.