Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 111







Lại nói, khi nghe gã sứ giả của Hoàng đế La - Đức Sigismund de Luxembourg bảo rằng song phương cứ đóng quân mãi ở đây, không làm gì cả, sẽ hao phí lương thực rất nhiều, George I de Trento liền biết ngay bên phía đối phương có lương thực không được dư dả cho lắm, nên mới nóng vội quyết chiến như thế. Đại quân đông đến 285.000 người, mỗi ngày tiêu hao lương thực rất nhiều, kéo dài cả tháng sẽ thành một con số thiên văn. Đối với các nước phương đông, đặc biệt là ở Trung Hoa, con số 285.000 quân, tức 28 vạn 5.000 quân, là không nhiều (thua cả quân đội của Hồ Quý Ly ở Đại Việt). Nhưng ở Âu châu đó đã là con số rất lớn.



George I de Trento nghe gã sứ giả nói thế, chỉ cười nhạt bảo :



- Đóng quân ở đây hay đóng quân ở nơi khác đều tiêu hao lương thực cả, có gì khác biệt đâu !



Đối với quân đội của liên quân Thần Thánh Đế quốc - Latium – Trento thì không có gì khác biệt, bởi quân đội của liên quân là quân thường trực, đóng quân ở đâu cũng đều phải ăn, cũng đều phải tiêu hao lương thực. Trong khi đó, quân đội của liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary là quân nông dân, được chinh triệu trong lúc khẩn cấp, hậu cần bổ cấp chuẩn bị không đủ, lương thực thiếu thốn, thời gian càng kéo dài càng bất lợi. Ngoài ra, nông dân bị bắt ra chiến trường, nếu đến vụ mùa mà chiến tranh còn chưa kết thúc, sẽ lỡ mất vụ mùa, sang năm sẽ lại càng thiếu lương thực. Bọn Đinh An Bình, George I de Trento cũng biết vậy, nên không gấp phát động tấn công, tiếp tục chờ thời cơ. Gã sứ giả nghe đối phương đáp như thế, ngớ người một lúc, rồi lặng yên chẳng biết nói sao. Chẳng lẽ gã lại thú nhận quân đội bản phương là quân ô hợp, hay thú nhận bản phương không có đủ lương thực. Chỉ cần gã dám nói vậy, chuyện đến tai Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, gã sẽ khó giữ được tính mạng. Tốt nhất là im lặng để khỏi phải ‘thần khẩu hại xác phàm’.



George I de Trento lại bảo :



- Ngươi về đi. Khi nào thấy thích hợp, Đại vương sẽ ra lệnh tấn công. Còn nếu như các ngươi không thể chờ được, cứ kéo đến đây nạp mạng.



Gã sứ giả đành quay về hồi báo với Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Cả bọn bàn tán phân vân, không ai có chủ ý gì. Công tước Ernest de Autriche Intérre, nhiếp chính của Công quốc Áo, sai Hầu tước Kultur de Klagenfurt suất lĩnh 10.000 quân đến doanh trại đối phương khiêu chiến để khuếch trương thanh thế. Đại quân cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, chờ thời cơ mà phát động tấn công. Đối phương có thể chờ được, nhưng bọn họ thì không thể chờ được - hậu cần không đủ.



Hầu tước Kultur de Klagenfurt dẫn quân đến trước doanh trại đối phương, dàn thành trận thế chỉnh tề, rồi giục chiến mã ra trước hàng quân, hướng về phía đối phương quát to :




- Trong các ngươi, có ai dám ra đây cùng ta quyết một trận tử chiến.



Quan quân bên trong doanh trại thấy vậy, đều đưa mắt nhìn nhau, hỏi :



- Gã ta muốn chết hay là có âm mưu gì ?



Viên tướng phụ trách việc phòng ngự xua tay bảo :



- Mặc kệ gã ta có âm mưu hay không ! Truyền lệnh khai pháo !



Tiếp đó, mấy nghìn khẩu thần công đồng loạt khai hỏa. Đạn lửa đỏ rực cả nửa bầu trời. Một bộ phận phủ xuống đầu Hầu tước Kultur de Klagenfurt, còn đại đa số rải xuống đầu quân đội Áo đang dàn trận chỉnh tề ở phía sau. Hầu tước Kultur de Klagenfurt tử trận ngay giữa trận tiền, quân đội phía sau cũng tổn thất thảm trọng. Những người bị đạn pháo bắn trúng, lập tức tan xương nát thịt, tử trạng thê thảm. Những kẻ chưa bị đạn pháo bắn trúng, hốt hoảng tháo chạy, giẫm đạp lên nhau chết rất nhiều. Cuối cùng chỉ còn lại chưa đến 3.000 người chạy về đến doanh trại bản phương.



Tận mắt nhìn thấy thảm trạng đó, từ Hoàng đế cho đến vương công quý tộc đều kinh hãi thất sắc. Mọi người không ai nhắc đến chuyện khiêu chiến nữa, chỉ cùng nhau bàn bạc, tìm cách khắc phục sự uy hiếp bởi vũ khí của đối phương. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg còn rao truyền trong toàn quân, ai tìm được cách sẽ được trọng thưởng, thậm chí cắt đất phong tước.



Thế là, trong mấy ngày sau đó, quân đội song phương đều án binh bất động. Cuộc đại hội chiến không diễn ra như dự kiến.







Nghỉ ngơi vài ngày, Đinh An Bình đột nhiên ra lệnh cho đại quân rời doanh trại, di chuyển về phía đông nam. Đại quân thừa lúc đêm tối lặng lẽ rút đi, nhưng trong doanh trại vẫn cắm cờ xí dày đặc như vẫn có quân đội đóng trong đó. Còn đại quân rời Salzburg, di chuyển sang Styria, hướng về phía Hungary. Vương quốc Hungary đã huy động đại bộ phận quân đội đến Salzburg tham chiến, còn lại một bộ phận phải đóng giữ ở biên giới phía đông đề phòng quân Thổ, trong nước lúc này trống không, là thời cơ tốt nhất để tiến chiếm. Đây là kế sách ‘tị thực kích hư’ rất bình thường, nhưng hiệu quả.



Trong khi đó, phải vài ngày sau phía liên quân Đế quốc La – Đức – vương quốc Hungary mới phát hiện có sự khác lạ bên phía doanh trại đối phương. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg là người đã phát hiện ra điều đó, nên vội đi gặp Hoàng đế Sigismund de Luxembourg bẩm báo :



- Bệ hạ. Bên doanh trại đối phương có điều khác lạ. Chúng ta nên phái thám tử sang bên đó điều tra xem sao.



Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg là một trong bảy vị Tuyển hầu của Đế quốc La – Đức (còn gọi là Đại cử tri), những người có quyền bầu Hoàng đế, nên có địa vị rất cao. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg không thể không tôn trọng ý kiến của các Tuyển hầu, nên vội hỏi :



- Khác lạ thế nào ?



Frederick I de Brandenburg nói :



- Mấy ngày nay, bên doanh trại đối phương không hề thấy có sự ồn ào như mọi khi, lại còn có nhiều đàn chim đáp xuống đậu ngay trên các doanh trướng. Dường như doanh trại không người.



Sigismund de Luxembourg cả kinh, vội truyền lệnh thám tử khẩn cấp sang doanh trại đối phương thám thính tình hình. Trong lúc chờ đợi, Sigismund de Luxembourg hỏi Frederick I de Brandenburg bằng giọng lo lắng :



- Đối phương quỷ kế đa đoan. Nếu như đối phương rút đi thật, chẳng biết lại có âm mưu quỷ kế gì nữa đây ?




Frederick I de Brandenburg thở dài nói :



- Quân ta tập trung ở đây, các nơi khác binh lực không hư. Ta chỉ lo đối phương chuyển hướng tấn công các nơi khác.



Sigismund de Luxembourg giật mình nói :



- Có thể lắm. Không. Không chỉ là có thể. Ta có cảm giác đối phương chắc chắn sẽ làm như vậy. Phải làm sao đây ?



Frederick I de Brandenburg lắc đầu nói :



- Đành chờ cho có kết quả chính xác đã, rồi mới định đoạt được.



Sigismund de Luxembourg gật đầu, lại sai thám tử mở rộng phạm vi thám thính sang các khu vực xung quanh. Ông ta cho rằng đối phương đã chuyển hướng tấn công các nơi khác, nên cần biết chính xác đối phương đã đi về hướng nào.



Hồi lâu, đội thám tử thứ nhất đã quay trở về, hồi báo :



- Bệ hạ. Doanh trại đối phương không có ai hết.



Do đã phán đoán từ trước, Sigismund de Luxembourg không giật mình nữa, chỉ xua tay nói :



- Được rồi. Lui ra đi.



Khi thám tử đã lui ra, ông ta quay sang nhìn Frederick I de Brandenburg, hỏi :



- Giờ chúng ta phải làm sao ?



Frederick I de Brandenburg nói :



- Mời các vương công đến bàn bạc vậy !



Sigismund de Luxembourg liền truyền lệnh :



- Người đâu. Mau mời chư vị vương công khẩn cấp đến nghị sự !




Lát sau, các vị Tuyển hầu (Elector), vương tử (Prince), công tước (Duke) kéo đến hội họp. Mọi người đều ngạc nhiên, không hiểu Hoàng đế triệu tập khẩn cấp như thế là có việc gì. Chẳng lẽ chiến sự phát sinh biến cố. Mọi người nhìn thấy Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đều có sắc diện u ám, nên đoán chắc đã xảy ra chuyện không hay. Công tước Henry XVI de Bavaria hỏi :



- Bệ hạ. Chẳng lẽ đã xảy ra chuyện gì sao ?



Sigismund de Luxembourg nói :



- Đối phương đã rút quân. Bên doanh trại đối phương lúc này không người.



Tuyển hầu Eric V de Saxe - Lauenburg hoan hỉ nói :



- Thế thì hay quá. Cuối cùng đối phương cũng đã chịu rút lui rồi.



Một số người cũng lộ vẻ nhẹ nhõm. Cuộc chiến ở đây khiến bọn họ tốn kém quá nhiều, ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi và tiếc của, nhưng lại không thể không tham chiến. Chỉ có Công tước Henry XVI de Bavaria tinh minh hơn, hỏi :



- Bệ hạ lo lắng chuyện gì thế ?



Sigismund de Luxembourg nói :



- Quân ta tập trung ở đây, các nơi khác không hư. Ta lo đối phương sẽ chuyển hướng tấn công các nơi khác. Những nơi có nhiều nguy cơ nhất chính là Bavaria, Württemberg, Styria và Carinthia.



Mọi người cả kinh thất sắc. Công tước Henry XVI de Bavaria tái mặt hỏi :



- Có biết đối phương chuyển đi đâu không ạ ?



Sigismund de Luxembourg lắc đầu nói :



- Chưa rõ. Thám tử đang đi điều tra. Ta cho mời mọi người đến đây, là muốn hỏi xem mọi người có cách gì ngăn trở đối phương thay đổi chiến trường hay không ?



Ai nấy đưa mắt nhìn nhau. Sigismund de Luxembourg thấy vậy chỉ biết lắc đầu, thầm than quân ta chẳng lẽ không có trí giả hay sao.


Bình Luận (0)
Comment