Sau khi Huy nhi hạ sinh, Giang Phong rất cao hứng. Hàng loạt biểu tấu của triều thần nhân đó cũng được phê chuẩn dễ dàng. Triệu Phong cả năm nay ở Trường Hưng Thành rảnh rỗi an nhàn đến phát chán, nên đã dâng biểu xin được xuất chinh nam Thiên Trúc, thảo phạt Vương triều Vijayanagara. Lý do được đưa ra là Vương triều Vijayanagara tấn công các nước chư hầu của Đế quốc ở vùng nam Thiên Trúc.
Số là ở nam Thiên Trúc có đến hàng trăm tiểu quốc lớn nhỏ, nếu kể luôn những tiểu quốc chỉ gồm một tòa thành thị thì phải lên đến cả nghìn. Lúc bấy giờ, bán đảo Ấn Độ còn được gọi là các xứ Thiên Trúc. Vùng bắc Thiên Trúc thuộc quyền kiểm soát của người Mông Cổ, vùng nam Thiên Trúc thuộc quyền thống trị của Vương triều Vijayanagara. Thế nhưng, triều đình Vijayanagara đóng đô ở thành Vijayanagara trên cao nguyên Decan, và chỉ kiểm soát được những khu vực lân cận. Những khu vực khác thuộc vùng nam Thiên Trúc bị chia ra thành cả nghìn tiểu quốc, do các vị tiểu vương tự cai trị lấy, chỉ thần phục và nộp cống cho Vương triều Vijayanagara. Càng về phía nam, càng xa khu vực cao nguyên Decan, sự thống trị của Vương triều Vijayanagara càng yếu ớt.
Từ khi quân đội của Thần Thánh Đế quốc tiến vào khu vực nam Thiên Trúc, buộc Vương triều Vijayanagara phải dùng trọng lễ cầu hòa, thì uy tín của triều đình Vijayanagara giảm đi nhanh chóng. Các tiểu quốc chư hầu nhận thấy triều đình Vijayanagara đã suy yếu, nên bắt đầu dương phụng âm vi, dần dần chỉ còn thần phục trên danh nghĩa. Thậm chí, nhiều tiểu quốc tương đối hùng mạnh còn phớt lờ những mệnh lệnh của Vijayanagara. Ngoài ra, một số tiểu quốc khác thần phục Vương triều Vijayanagara chủ yếu là tìm chỗ dựa để được bảo hộ, thì nay lại thấy tôn chủ quốc không còn đủ mạnh nữa, không đủ sức bảo hộ bọn họ nữa. Thế là bọn họ quyết định tìm chỗ dựa mới đáng tin cậy hơn. Và tất cả đều hướng về Thần Thánh Đế quốc, bởi lúc bấy giờ, có nước nào hùng mạnh hơn Thần Thánh Đế quốc kia chứ. Vậy là Thần Thánh Đế quốc đã có thêm rất nhiều chư hầu mới ở vùng nam Thiên Trúc, đặc biệt là những tiểu quốc lân cận vùng duyên hải, có quan hệ kinh tế và chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thần Thánh Đế quốc.
Vương triều Vijayanagara thấy nhiều tiểu quốc chư hầu theo gió trở cờ, đương nhiên không hài lòng, một mặt phái sứ giả sang Gia Định kháng nghị, mặt khác cử binh thảo phạt những tiểu quốc từ chối thần phục bọn họ. Dù sao thì những tiểu quốc đó cũng là chư hầu của Đế quốc, nên quân đội trú đóng ở Tích Lan đã tiến vào nam Thiên Trúc viện trợ. Chỉ có điều trú quân ở Tích Lan quá ít, đối phó không xuể, nên trước sau đã có gần chục tiểu quốc bị chiếm giữ, tiểu vương phải lưu vong sang Tích Lan. Những vị này đã liên hợp lại dâng biểu về Gia Định xin Đế quốc xuất quân giúp bọn họ phục quốc. Chính vì vậy mà Triệu Phong đã dâng biểu xin suất quân thảo phạt Vương triều Vijayanagara, giúp các chư hầu phục quốc. Giang Phong đã chuẩn tấu, phái Triệu Phong suất lĩnh 8 đạo quân tinh nhuệ Thần Vũ, Thần Sách, Thần Uy, Thần Long, Uy Vũ, Uy Đức, Uy Nghĩa, Uy Viễn, cùng với 4 đạo tân binh Long Giang, Đông Giang, Tương Giang, Ngân Giang; tổng cộng 36 vạn quân xuất chinh nam Thiên Trúc thảo phạt Vương triều Vijayanagara, mục tiêu là hoàn toàn tiêu diệt Vương triều Vijayanagara, khiến cho nam Thiên Trúc chỉ còn lại các tiểu quốc, để dễ cai trị hơn. Theo kế hoạch của Giang Phong, các tiểu quốc chư hầu ở nam Thiên Trúc được giữ nguyên tình trạng hiện tại. Đế quốc chỉ chiếm lĩnh địa bàn kiểm soát của Vương triều Vijayanagara, sát nhập vào lĩnh thổ Đế quốc. Đối với việc này, các tiểu quốc ở nam Thiên Trúc cũng chẳng hề phản đối, một phần vì sợ oai Đế quốc, phần khác là vì địa bàn kiểm soát của Vương triều Vijayanagara tiếp giáp với lĩnh địa của người Mông Cổ ở miền bắc, bọn họ chẳng ai muốn nhiễm chỉ cả. Đối với người Thiên Trúc, đặc biệt là các quân vương quý tộc, người Mông Cổ cũng đồng nghĩa với ác mộng.
Trong khi đó, Đinh An Bình lại dâng biểu xin thảo phạt Đế quốc Ottoman, để giải quyết hoàn toàn mối ẩn hoạn của vùng bán đảo A Lạp Bá và Đế quốc Latium. Quân Thổ của Đế quốc Ottoman hiếu chiến và ngông cuồng. Nếu không hoàn toàn đánh bại bọn họ thì khó lòng tiêu trừ hậu hoạn. Giang Phong cũng chuẩn tấu, nhưng phải chờ sau khi dẹp xong Vương triều Vijayanagara, rồi điều cả 12 đạo quân viễn chinh tiếp tục tây chinh. Trong lúc chờ đợi, Đinh An Bình phải về Sinai chỉnh bị 6 đạo quân đang trú đóng tại đấy.
Còn Cát Ti thì dâng biểu xin cho thần dân của Đế quốc được tham gia khai cương thác thổ. Dù sao thì ở Phi châu và Mỹ châu chỉ mới có khu vực duyên hải bị Đế quốc kiểm soát, những bộ lạc nằm trong phạm vi vài trăm dặm thật sự thần phục. Còn những bộ lạc thổ dân nằm trong nội lục đa phần dương phụng âm vi, hoặc thậm chí kháng cự sự hiện diện của Đế quốc. Cát Ti xin cho thần dân được tổ chức Khai thác đoàn, tiến hành khai thác những khu vực mà ảnh hưởng của Đế quốc chưa đến được. Giang Phong đã phê chuẩn đề nghị này, nhưng phạm vi khai thác chỉ giới hạn trong nội lục Phi châu, ngoài ra không được vô cớ xúc phạm đến lợi ích của các bộ lạc, tiểu quốc đã ‘thật sự’ thần phục Đế quốc, cụ thể là những bộ lạc, tiểu quốc có cử sứ đoàn đến Gia Định tiến cống. Giang Phong cố ý khiến cho những kẻ một dạ hai lòng, chỉ thần phục trên danh nghĩa phải hối hận. Còn việc không cho khai thác ở Mỹ châu là bởi lúc này ở Phi châu còn rất nhiều vùng rộng lớn chưa được ‘khai hóa’, Mỹ châu lại quá xa, hơn nữa Giang Phong biết rằng Mỹ châu có rất nhiều vàng bạc, phải để cho Đế quốc quân đội đến chiếm lĩnh.
Chiếu thư quy định : Bách tính thuận dân ai có năng lực đều có thể đăng ký với quan phủ xin thành lập Khai thác đoàn, đến Phi châu nội lục khai cương thác thổ. Chỉ cần bọn họ có thể giành được đất đai từ thổ dân chưa ‘khai hóa’, kiến thiết thành trấn, thì thành trấn đó sẽ trở thành lĩnh địa của bọn họ, bọn họ chỉ cần hướng Đế quốc cống nạp thuế phú là được, địa vị được xem tương đương với các tiểu vương Phi châu. Đây là một cách để bình dân trở thành quý tộc, nên chắc chắn sẽ có rất nhiều bình dân phú hào tham gia. Còn giới quý tộc ai có hứng thú mạo hiểm, cũng có thể tham gia khai thác, không hạn chế. Nhưng chiếu thư này không có hiệu lực đối với những người không phải là thuận dân của Đế quốc, tức chỉ lương dân và nghịch dân. Lương dân là chỉ những thần dân của Đế quốc nhưng không nói được ngôn ngữ của Đế quốc, đa số là thần dân của những vùng mới ‘khai hóa’, hoặc những lĩnh địa xa xôi mà lĩnh chủ không nhiệt tâm với việc giáo dục. Còn nghịch dân là chỉ những cư dân chống đối Đế quốc, hoặc thuộc những thế lực chưa thần phục Đế quốc.
Đế quốc có thể thống trị một lĩnh thổ rộng mênh mông thế này cũng nhờ tình hình thế giới lúc bấy giờ, trừ đất Trung Hoa thì đều không tồn tại một vương triều thật sự thống nhất. Chẳng hạn như, ở nam Thiên Trúc danh nghĩa do Vương triều Vijayanagara thống trị, nhưng Vương triều Vijayanagara chỉ có thể kiểm soát được khu vực cao nguyên Decan, những nơi khác là địa bàn của các tiểu quốc bán độc lập, chỉ thần phục và nạp cống cho Vương triều Vijayanagara, đồng thời tự cai trị địa bàn của mình. Do vậy, chỉ cần Vương triều Vijayanagara sụp đổ, các tiểu vương nam Thiên Trúc sẵn sàng thay đổi tôn chủ quốc, đối với bọn họ cũng không có khác biệt gì đáng kể. Còn ở Âu châu cũng tương tự. Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức bao gồm hàng nghìn công quốc, lĩnh địa độc lập hợp thành. Sự lỏng lẻo còn hơn cả các xứ nam Thiên Trúc. Khi liên quân của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg bị đánh bại thì Đế quốc cũng sụp đổ. Các vương quốc khác ở Âu châu cũng do vô số lĩnh địa bán độc lập hợp thành, Quốc vương chỉ là một đại lĩnh chủ mà thôi. Bởi thế, mỗi khi chinh phục một khu vực, quân đội Thần Thánh Đế quốc chỉ cần đánh bại tôn chủ quốc, an phủ các chư hầu là có thể thống trị được khu vực. Đương nhiên, đó chỉ là đối những nước lớn, còn khi gặp những nước nhỏ thì trực tiếp tiêu diệt và sát nhập vào lĩnh thổ Đế quốc. Riêng ở đất Trung Hoa, do bởi mấy mươi năm bạo chính của cha con Vĩnh Lạc đế, đặc biệt là Vĩnh Lạc đế thường xuyên phát động chiến tranh, lại sinh hoạt xa hoa hoang phí, dẫn đến quốc lực suy kiệt, khiến Minh triều sụp đổ.
Long nhi chỉ ở lại Gia Định hơn tháng, rồi lại theo Đinh An Bình đi về Âu châu. Đối với việc thảo phạt quân Thổ, Long nhi cũng giống như những người Âu châu khác, rất có hứng thú. Mặc dù lần này việc chinh phạt không có quân đội Latium tham gia, nhưng Long nhi là Hoàng tử của Đế quốc, đương nhiên có tư cách tham dự. Chỉ còn chờ Triệu Phong hoàn thành việc bình định nam Thiên Trúc là có thể khởi binh.