Lại nói, cống vật của nhà họ Cầm khiến Giang Phong bất ngờ nhận ra địa vị lãnh tụ của mình đối với các tộc trong vùng. Trận chiến giữa Đông Giang tộc và quân Chiêm được vô số người truyền tụng, mà càng truyền thì lại càng xa sự thật, sự việc đã được khoa trương lên rất nhiều.
Sự thật thì chỉ có 2.000 dân binh (trong đó có 500 dân binh của Kiềm Châu) cùng khoảng 1.500 ‘dự bị dân binh’ của Đông Giang tộc, gồm cả già trẻ trai gái, chỉ trừ những trẻ con quá nhỏ và người già quá yếu không đi đứng nổi, còn lại toàn thể tộc nhân đều được động viên tham chiến. Đông Giang tộc chỉ có gần 4.000 tộc nhân mà đã có 3.000 người ra trận, thật ra đã dốc hết toàn lực. Đối thủ của bọn họ là 2.000 quân tinh nhuệ Chiêm Thành. Thế nhưng, nhờ việc tổ chức cực kỳ cẩn mật, chỉ trừ một số đầu lĩnh trong tộc, những người khác cũng chỉ biết phần việc của mình. Do đó, ngay cả đối với những người Đông Giang tộc trực tiếp tham chiến cũng nghĩ rằng : quân Chiêm rất đông, rất mạnh; cuộc chiến rất ác liệt; chúng ta chiến đấu rất gian khổ; quân Chiêm thương vong rất nhiều; sau cùng quân Chiêm phá vòng vây chạy thoát, quân ta truy sát đến tận xứ Tân Bình mới giết được tướng Chiêm.
Và khi tin tức truyền đi qua nhiều người, cuối cùng đã thành : hơn vạn quân Chiêm tấn công, Đông Giang tộc động viên toàn dân chống giặc; song phương ác chiến ở cách động Lễ Dương không xa, trận chiến cực kỳ thảm liệt; Đông Giang tộc dân binh anh dũng thiện chiến, 1 địch 10, sát tử quân Chiêm vô số; hơn nghìn quân Chiêm thọ thương bị bắt, hơn năm nghìn quân Chiêm bị giết, số tàn quân còn lại dưới sự chỉ huy của Chiêm tướng phá vòng vây mà chạy; Phạm Thế Căng tướng quân truy sát quân Chiêm đến tận xứ Tân Bình, chém được đầu Chiêm tướng.
Quan niệm quân Chiêm đông đến hơn vạn được tất cả mọi người chấp nhận rộng rãi, bởi vì Đông Giang tộc bắt được hơn nghìn quân Chiêm cũng đủ thấy việc giết hơn năm nghìn quân Chiêm là rất đáng tin. Vì số quân Chiêm này từng theo Chế Bồng Nga tấn công Thăng Long, tức là quân tinh nhuệ thiện chiến, không dễ gì đầu hàng. Hơn nữa, trận chiến rất ác liệt, số bị bắt kia đều vì thọ thương mà bị bắt, chứ không phải hàng binh. Thêm vào đó, quân Chiêm bị bắt hơn nghìn, bị giết hơn năm nghìn mà vẫn còn đủ sức phá vòng vây chạy thoát đến tận xứ Tân Bình, cho thấy quân số hơn vạn là rất hợp lý. Thậm chí có người cho rằng quân Chiêm còn đông hơn thế nữa. Và như vậy, thực lực của Đông Giang tộc được thổi phồng lên. Mà Đông Giang tộc nhờ có Giang Phong xuất hiện rồi mới trở nên ‘hùng mạnh’ như thế. Thành ra, địa vị của Giang Phong được vô hạn đề cao.
Cống phẩm của họ Cầm là một rương ‘thượng phẩm đàn hương mộc’. Giang Phong hoan hỉ lệnh Quảng Tế Pháp sư cất giữ cẩn thận, sau này có việc quan trọng cần dùng. Vì thời gian đầu chỉ mới thử tay nghề thủ hạ, nên Giang Phong chưa muốn dùng đến thứ vật liệu quý giá như thế. Ngoài ra còn có sừng tê, ngà voi, cẩm thạch, mã não, … là những đặc sản của rừng núi do các bộ tộc gửi đến. Những thứ này ở vùng kinh kỳ thì quý giá, chứ còn ở rừng núi thì không hiếm lắm. Rừng núi Đại Việt vốn nổi danh với sừng tê và ngà voi kia mà. Và Giang Phong đều cho thu cất, chờ lúc cần dùng đến.
Sau đó, Giang Phong vắt óc thiết kế các vật phẩm, rồi đích thân truyền đạt ý tưởng của mình cho những người thợ khéo tay được tuyển chọn, để bọn họ làm ra sản phẩm. Giang Phong phải đích thân truyền đạt ý tưởng, bởi Giang Phong không có năng khiếu vẽ vời, bản thiết kế khó nhìn quá. Cũng may mọi người đều cố gắng, nên cuối cùng hàng loạt sản phẩm cũng được tạo ra theo như ý muốn của Giang Phong. Những tòa nhà bằng gỗ theo phong cách các dân tộc, những tòa cung điện theo phong cách của người Kinh, người Hán; nhỏ cỡ nắm tay cũng có, mà cao hơn thước (1 thước = 0,4 mét) cũng có, và đều được điêu khắc tinh xảo. Những bức tượng nhỏ bằng gỗ, tinh xảo nhưng dễ thương, hình phi cầm điểu thú, hình 12 con giáp, và có cả hình người. Đáng chú ý nhất là những con vật trong các bộ phim hoạt hình được tạo ra theo ý Giang Phong trông rất đáng yêu (dù sao thì hậu thế cũng có hàng triệu người yêu thích nó kia mà). Những bộ tranh tứ quý, khắc hình ‘Mai Lan Cúc Trúc’, ‘Lý Ngư Vọng Nguyệt’ theo kiểu truyền thống, hoặc những hình vẽ sự tích mà Giang Phong nghĩ ra được, tóm lại là muôn hình vạn trạng. Đặc biệt, Giang Phong còn tạo nên một số món đồ chơi bằng gỗ của thời sau này, bảo đảm vào lúc bấy giờ sẽ là hàng mới lạ, độc đáo.
Nhìn những món đồ vật được tạo ra, Quảng Tế Pháp sư không ngớt tán thán Giang Phong thật là thần, cả những ‘bảo bối’ như thế này cũng tạo ra được. Những thứ này đáng giá biết bao nhiêu tiền a. Theo ý lão, những thứ ‘bảo bối’ như thế này, cả những nhà quyền quý trong kinh đô cũng chưa chắc có được. Quả thật, những sản phẩm này Giang Phong nhận thấy còn tinh xảo hơn cả những thứ hàng mỹ nghệ mà Giang Phong đã từng thấy trước đây. Tay nghề của cổ nhân thật đáng khâm phục.
Sản phẩm đã có rồi, nhưng lại phát sinh vấn đề khác khiến Giang Phong đau đầu. Quảng Tế Pháp sư nói :
- Chúng ta không có người thạo việc buôn bán a. Những thứ này ở Kiềm Châu sẽ chẳng bán được bao nhiêu tiền. Người ở đây đều nghèo quá. Phải đưa về kinh đô mới bán được giá.
Vấn đề này quan trọng không kém việc tạo ra sản phẩm. Không có người thì đành phải tìm người vậy. Giang Phong bảo :
- Tìm thương nhân. Miễn thạo việc buôn bán, Hoa, Việt, Chiêm đều được.
Thế là Quảng Tế Pháp sư lại phái người đi lùng sục các nơi. Trong lúc chờ đợi, Giang Phong chỉ đành tranh thủ chế thêm một số sản phẩm mới. Nhóm thợ lúc này đã đông đến 50 người, được tập trung về một khu gần chỗ Giang Phong ở, khẩn trương làm việc. Nhiệm vụ của bọn họ là dựa vào những hàng mẫu mà làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa. Chỉ có 10 người khéo tay nhất là theo Giang Phong nghiên cứu, làm ra những sản phẩm đặc thù, độc đáo và có giá trị cao. Hiện tại bọn họ đang ra sức hoàn thành bộ tranh bách thú đồ, rộng 10 trượng (40 mét), cao 1 trượng (4 mét), gồm 100 bức tranh nhỏ ghép lại, bên trên khắc đủ 100 loài thú, được Giang Phong đặt tên là “Sơn lâm bách thú đồ”.
Mấy ngày sau, Quảng Tế Pháp sư đưa một người đến gặp Giang Phong. Nhìn người này thân thể xanh xao như vừa mang trọng bệnh, Giang Phong khẽ cau mày. Quảng Tế Pháp sư nói :
- Đại nhân. Gã này là Cát Ti (Cakti), là một trong số những tù nhân Chiêm Thành mà chúng ta bắt được lúc trước. Gã là người Chiêm, nhưng không phải là quân binh mà là thương nhân. Trước đây gã ta đã từng theo chủ nhân đi buôn bán khắp vùng Chiêm Thành, Chân Lạp, Chà Và (Java), Đại Việt, thậm chí sang cả bên Tàu và bên Thiên Trúc (nam Ấn Độ).
Giang Phong ngạc nhiên hỏi :
- Không phải là quân binh thì đến đây làm gì để đến nỗi bị bắt ?
Gã kia cung kính nói :
- Hồi bẩm đại nhân. Chủ nhân phái tiểu nhân đi theo quân binh để có thể ưu tiên mua lại các chiến lợi phẩm, có ngờ đâu … Ai !
Thật sự trước đó cả song phương không ai tin rằng quân Chiêm sẽ thảm bại như thế. Giang Phong mỉm cười hỏi :
- Ngươi có đồng ý theo làm việc cho ta không ?
Gã kia vội nói :
- Nếu được đại nhân tin tưởng, tiểu nhân nguyện sẽ cống hiến hết sức mình.
Gã ta cũng bị ảnh hưởng bởi những lời truyền tụng gần đây, nên đối Giang Phong rất cung kính, tình tự không hề bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt Chiêm – Việt. Theo gã, cũng như theo những người khác, thần linh (miễn sao không phải là ác thần) thì luôn phải được sùng kính tôn thờ. Theo quan điểm của mọi người, Giang Phong không phải là người ở nhân gian, nên đương nhiên cũng chẳng phải là người Chiêm, người Mường, người Thái hay người Kinh. Thần linh không bị giới hạn bởi quốc gia dân tộc, hễ linh thì được người ta thờ thôi.
Nghe gã nói thế, Giang Phong mỉm cười bảo :
- Thế ngươi cần phải làm sao đấy để được ta tin tưởng.
Gã ta vội nói :
- Dạ dạ. Tiểu nhân trước đây đã từng đi nhiều nơi, thông thạo nhiều thứ tiếng, tuy chưa từng chủ trì những cuộc buôn bán lớn, nhưng ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Đại nhân giao việc, tiểu nhân sẽ hết sức hoàn thành.
Giang Phong hài lòng hỏi :
- Ta muốn thành lập một thương đoàn để đến các nơi phồn hoa bán đặc sản của thánh sơn. Ngươi có làm được không ?
Gã ta cung kính nói :
- Dạ dạ. Tiểu nhân sẽ hết lòng phụng sự đại nhân.
Thế là Giang Phong giao cho Quảng Tế Pháp sư cùng gã tổ chức một đoàn thương nhân cùng đến kinh đô (lúc này là Tây Đô ở Thanh Hóa) buôn bán. Thấy gã cũng lanh lợi, Giang Phong giao hết việc buôn bán cho gã. Quảng Tế Pháp sư chỉ phái người theo giám sát, cũng như bảo vệ tài vật.
Sau khi thương đoàn đi được ít lâu thì bọn Phạm Thế Căng đến. Cùng đi với gã có Phạm Thế Hưng và Phạm Đống Cao.
Chương 9 : THẾ CĂNG PHÓ NHẬM, TỔNG LĨNH NAM TRẤN
Lại nói, sau khi thương đoàn của gã Cát Ti đi được ít lâu thì bọn Phạm Thế Căng đến. Cùng đi với gã có Phạm Thế Hưng và Phạm Đống Cao. Gã ta bái kiến Giang Phong, rồi hoan hỉ nói :
- Tiểu tướng đến từ biệt đại nhân để vào nam nhậm chức. Triều đình đã phong cho tiểu tướng làm Nam trấn An phủ sứ, tổng quản việc quân chính các châu ở Tân Bình và Thuận Hóa để chống nhau với quân Chiêm. Triều đình còn hứa sẽ cung cấp quân lương cho 1 vạn quân binh để trấn giữ các châu. Nhưng quân binh phải do chúng ta tự chiêu mộ. Quân triều đình hiện tại đều sẽ theo Đặng Tất về kinh.
Quảng Tế Pháp sư ngạc nhiên hỏi :
- Tổng quản cả việc quân chính ư ? Lại còn cho tự chiêu mộ quân binh nữa. Triều đình yên tâm phóng quyền như thế hay sao ?
Thật ra thì dùng 1 vạn quân binh để chống quân Chiêm Thành là không nhiều. Nhà Hồ 2 lần đánh Chiêm Thành thì 1 lần sử dụng 15 vạn, chiếm được đất Thăng Hoa; lần thứ 2 sử dụng 20 vạn, tiến được đến đất Đồ Bàn, nhưng không chiếm được, hao binh tổn tướng phải rút về mà không làm nên công trạng gì. Do đó, Lê Quý Ly cấp cho 1 vạn suất quân lương chỉ là để mộ binh phòng thủ và có cơ hội thì quấy nhiễu quân Chiêm mà thôi. Nghe Quảng Tế Pháp sư hỏi vậy, Phạm Thế Hưng cười nói :
- Chúng ta vô hạn khoa trương thực lực của quân Chiêm, lại vô hạn tuyên truyền sự bất lực của quân triều đình. Xứ đó lại toàn dân Chiêm, chẳng có mấy người Việt, mỗi năm chẳng thu được bao nhiêu phú thuế mà lắm sự phát sinh, hao tốn rất nhiều lương tiền. Phía nam lại có quân Chiêm lăm le dòm ngó. Bên trong thì dân Chiêm thường xuyên nổi loạn, dẹp mãi không hết. Trong triều lại đang có nhiều việc, Lê Quý Ly muốn Đặng Tất kéo quân về triều để tăng cường thế lực của mình, tiện cho việc thoán đoạt sau này. Vì thế mà các xứ Tân Bình và Thuận Hóa được hợp lại thành Nam trấn, giao cho Thế Căng làm An phủ sứ với nhiệm vụ duy nhất là chống quân Chiêm.
Việc Lê Quý Ly muốn thoán đoạt ngôi báu của nhà Trần lúc này không ai lạ gì. Mọi người đều biết chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Dù muốn hay không, mọi người đều phải chấp nhận sự thật đó. Những thế lực chống đối đều đã bị Lê Quý Ly tiêu diệt từ nhiều năm trước. Ngay cả tôn thất nhà Trần, nhiều người cũng tỏ ra thân thiện với Lê Quý Ly, như quan Tư Đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, người có uy vọng nhất trong các tôn thất lúc bấy giờ, lại cùng Lê Quý Ly làm thông gia. Thế cũng đủ biết nhà Trần hiện đã mất lòng dân lắm rồi, khó giữ được nữa. Đối với dân chúng lúc này, ai làm vua cũng vậy, miễn sao đừng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thì thôi. Phạm Thế Căng lại hứng khởi nói thêm :
- Sứ giả của chúng ta đến kinh đô, Lê Quý Ly có gọi vào hỏi riêng rằng chúng ta thấy họ Trần với họ Lê ai hơn. Sứ giả của chúng ta đáp rằng : chúng ta chỉ quan tâm việc đánh Chiêm Thành, hễ ai ủng hộ chúng ta chống quân Chiêm thì chúng ta không phản đối người đó. Kết quả tiểu tướng trở thành Nam trấn An phủ sứ, và có thêm 1 vạn suất quân lương.
Giang Phong khẽ mỉm cười. Bọn họ chỉ bảo là không phản đối chứ không nói ủng hộ, quả là lo nghĩ chu toàn, chưa gì đã tính đường lui rồi. Quảng Tế Pháp sư gật gù nói :
- Xem ra Lê Quý Ly không định chờ đợi lâu nữa rồi, do đó mới gọi Đặng Tất đem quân về kinh.
Đặng Tất về kinh chứ không làm Tri châu Hóa Châu nữa, xem ra bánh xe lịch sử đã chuyển hướng rồi. Giang Phong không ưa cái lối gió chiều nào ngả theo chiều đó của Đặng Tất, nên không muốn y ở lại Hóa Châu, vùng nội định thế lực của Giang Phong sau này. Giang Phong cần Hóa Châu (tức vùng Thừa Thiên - Huế ngày nay, một số nhà ngôn ngữ học cho rằng từ Huế là do từ Hóa đọc trại ra, cũng giống như Hoa và Huê) để làm bàn đạp kiểm soát đất Thăng Hoa (lúc ấy còn là đất Chiêm Động và Cổ Lụy của Chiêm Thành), mở mang thế lực của mình.
Đặng Tất là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Dù nhiều người khen Đặng Tất là biết thẩm thời độ thế, nhưng cũng có người cho rằng họ Đặng ‘có hai nhân cách’, ‘có hai mặt’. Giang Phong không thích y, cũng không thấy y xứng đáng là tướng tài, bất quá chỉ là tướng giỏi mà thôi. Chỉ qua cách y cư xử với Giản Định Đế thì biết. Y giúp Giản Định Đế đánh chiếm được 4 châu, Giản Định Đế phong cho y thống lãnh 2 châu ở phía nam, tức là một nửa địa bàn của nhà Hậu Trần lúc bấy giờ rồi, lại còn gia phong Hạ Quốc Công, tước này cực lớn, chỉ ở dưới vua và Thượng Quốc Công, mà xưa nay chỉ có Hưng Đạo Đại Vương sau 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông mới được gia phong Thượng Quốc Công (Thượng, Hạ Quốc Công là một tước vị đặc biệt ở Đại Việt, chỉ ở dưới vua, trên cả tước vương; giống như tước Diễn Thánh Công bên Tàu thời nhà Thanh). Thế mà y bất mãn, cho rằng phong thưởng không hậu, giả ý đem quân về Hóa Châu, không giúp Giản Định Đế đánh quân Minh nữa. Tương truyền, y có nói với bộ hạ : “Cả 4 châu đều do ta chiếm được, thế có khác nào đất đai của ta đâu, vậy mà triều đình chỉ phong cho ta có 2 châu, thôi thì ta về giữ đất của ta”. Trước tình hình đó, Giản Định Đế buộc phải tăng thêm quyền lực cho (tước vị không thể tăng thêm nữa), được quyền điều quân không phải tâu vua. Cũng từ đó mà gây nên bất mãn dẫn đến họa sát thân sau này. Còn trước đó, năm 1391 (9 năm trước khi họ Hồ cướp ngôi nhà Trần), để lấy lòng Lê Quý Lý (sau khi xưng đế mới đổi sang họ Hồ), Đặng Tất đã tố cáo hai tướng trấn thủ Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê có ý bất mãn về việc Quý Ly chuyên quyền và có ý thoán đoạt, nên được tin dùng và phong làm Đại tri châu Hóa Châu. Người như thế, tốt nhất là nên đưa đi khỏi Hóa Châu, để khỏi ảnh hưởng đến đại sự của Giang Phong.
Giang Phong hỏi :
- Đặng Tất được phong chức gì ?
Phạm Thế Căng nói :
- Gã được phong làm Đô tướng, coi quân Thần Vũ.
Giang Phong ngẫm nghĩ một lúc, hỏi :
- Hiện các châu ở Nam trấn do ai quản lĩnh ?
Phạm Thế Căng nói :
- Hóa Châu do Đặng Tất rời đi nên tạm khuyết, Thuận Châu do Nguyễn Phong làm trấn thủ, châu Minh Linh do Nguyễn Lỗ làm trấn thủ, châu Lâm Bình do Đào Duy Liêm làm Thiêm phán, châu Bố Chính do Dương Vũ làm tri châu, còn phủ Tân Bình thì do Lý Đức Tông làm trấn phủ sứ.
Giang Phong thoáng cau mày. Nghe nhắc đến Nguyễn Phong và Nguyễn Lỗ, Giang Phong lập tức có ấn tượng không tốt, nhưng lại không thể nhớ ra bọn họ là người thế nào. Nhưng nếu đã khiến Giang Phong có ấn tượng không tốt, chắc bọn họ cũng có vấn đề gì đó. Vì thế Giang Phong nói :
- Đề nghị Đặng Tất dẫn theo Nguyễn Phong và Nguyễn Lỗ về kinh, lấy lý do là hai người này có quan hệ thân cận với Nguyễn Đa Phương, để lại không tiện.
Nguyễn Đa Phương là đại tướng của nhà Trần, trước đây đã cùng Lê Quý Ly chống quân Chiêm. Quý Ly đánh thua, còn Đa Phương thì đánh thắng. Sau vì chê bai Quý Ly bất tài nên bị hại. Thật ra thì Nguyễn Phong và Nguyễn Lỗ bị các sử gia xem là kẻ phản trắc. Khi quân Chiêm tấn công Thăng Hoa, Đặng Tất chống cự không nổi, rút quân về Hóa Châu thì Nguyễn Phong đóng cửa thành không cho vào, còn Nguyễn Lỗ thì chặn đánh. Sau Nguyễn Phong bị Đặng Tất bắt giết đi, Nguyễn Lỗ bại trận chạy vào nam đầu hàng Chiêm Thành, được trọng dụng. Nhà Minh sang, sai người dụ hàng, hứa sẽ phong làm quan ở bên Tàu, Lỗ theo, bị giết đi. Giang Phong không nhớ rõ sự tích của hai người bọn họ, nhưng do có ấn tượng không tốt nên cũng không muốn dùng. Phạm Thế Căng không hiểu, hỏi :
- Cả hai đều là tướng giỏi. Sao lại gửi bọn họ về kinh ?
Giang Phong nói :
- Ta xem cả hai đều có phản tướng, dùng không có lợi.
Đó là lý do mà Khổng Minh Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Chí ưa dùng. Giang Phong lần này học theo, và bọn Phạm Thế Căng không nghi ngờ gì. Cả bọn còn cùng nhau nghĩ ra thêm nhiều lý do để đẩy hai người họ đi. Không ai muốn trong số thủ hạ có người có phản tướng cả. Tiếp đó, Giang Phong lại hỏi :
- Việc chiêu mộ quân binh, các ngươi định lẽ nào ?
Phạm Thế Căng nhăn nhó than :
- Xứ này đất rộng người thưa, mộ quân không dễ a !
Phạm Thế Hưng gật đầu nói :
- Đừng nói là 1 vạn, ngay cả 4, 5 nghìn cũng không đơn giản.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Ta không bảo các ngươi mộ 1 vạn quân binh. Xứ Tân Bình, Thuận Hóa đồng bằng nhỏ hẹp, toàn là đồi núi, nhiều nơi hiểm trở dễ thủ khó công, 3.000 quân là đủ rồi. Lấy 1.000 quân trấn giữ Hải Vân Quan, 500 quân trấn giữ đèo Ngang, số còn lại giữ trị an trong vùng.
Nếu chỉ lo phòng thủ thì như thế cũng tạm ổn. Thế là mọi người bàn bạc việc mộ quân, cuối cùng quyết định Phạm Thế Căng sẽ lấy 500 dân binh Kiềm Châu, 500 dân binh của Đông Giang tộc, 500 dân binh của các tộc trong vùng, ra Nghệ An mộ thêm 500 quân nữa. Số còn lại vào trong đó sẽ chiêu mộ dân bản địa. Có được quân lương, mộ hơn nghìn quân binh có lẽ cũng không khó lắm. Giang Phong còn dặn nếu có thể thì nên dùng cả người Chiêm, đừng nên kỳ thị.