Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 105

Kangtsoban nín khóc, ngoan ngoãn ngồi xuống để Kháp Na xỏ giày cho mình. Nụ cười rạng rỡ của cô gái che đi nét ngây dại lúc đầu, làm gương mặt vốn rất xinh đẹp, đáng yêu sáng bừng. Dáng vẻ ngoan ngoãn, dễ thương ấy không khỏi khiến người ra phải động lòng, nuối tiếc, nếu không có trận ốm ấy, hẳn Kangtsoban sẽ là một tiểu thư yêu kiều, duyên dáng.

Bát Tư Ba và Jichoi đứng ngoài cửa chứng kiến toàn bộ sự việc. Jichoi kéo tay áo chấm nước mắt, gương mặt già nua, tội nghiệp:

- Đây là lần đầu tiên Kangtsoban chủ động gần gũi với người lạ. Thật không ngờ Bạch Lan Vương lại khiêm nhường, tốt bụng như vậy! Đây quả là mối lương duyên trời Phật ban tặng!

Tôi nhìn thấy rất rõ, Bát Tư Ba khẽ chau mày khi nghe câu nói của Jichoi rồi chàng hướng mắt về phía Kháp Na đang ân cần xỏ giày cho Kangtsoban, vẻ mặt chẳng lấy gì làm vui. Sau đó, suốt cả ngày, Kangtsoban cứ bám lấy riết Kháp Na. Cậu ấy đi đâu, cô nàng bám theo đó, cứ bật cười ngờ nghệch, không chịu rời, cũng không hề cảm thấy xấu hổ, thẹn thùng như những cô gái bình thường khác. Nếu ai đó định kéo cậu ấy đi, cô nàng lập tức gào khóc, giãy giụa, kêu la inh ỏi khiến Kháp Na cũng cảm thấy phiền toái và mệt mỏi. Cuối cùng, tôi đã phải hóa phép khiến cô nàng tự nhiên buồn ngủ để Kháp Na được yên thân.

Sự lo lắng của Bát Tư Ba quả nhiên đã ứng nghiệm ngay buổi tối hôm đó. Jichoi đến gặp chàng, ấp úng mãi mới bày tỏ nguyện vọng muốn hai gia đình kết thành thông gia, cùng nhau phát triển. Ông ta đã hứa chắc như đinh đóng cột trước mặt Kháp Na rằng, chỉ cần cậu ấy đối xử tốt với Kangtsoban, ông ta sẽ không phản đối cậu ấy cưới thêm vợ.

Kháp Na cúi đầu lặng lẽ. Bát Tư Ba từ chối thẳng thắn:

- Không phải chê trách gì tiểu thư nhà ngài, mà vì em trai ta đã có người thương, nó không muốn cưới cô gái nào khác ngoài cô gái đó.

Kháp Na giật mình, ngẩng lên nhìn Bát Tư Ba, vẻ mặt vừa kinh ngạc vừa lo lắng. Lúc ấy, tôi vẫn đang đóng vai người hầu, thấy tim mình bỗng đập nhanh dữ dội, vội đưa mắt nhìn Kháp Na. Vừa chạm phải ánh mắt tôi, cậu ấy lập tức quay mặt đi, vờ rót nước nhưng nước tràn ra khỏi cốc, chảy lênh láng trên mặt bàn mà cậu ấy không hay biết. Chỉ có Bát Tư Ba vẫn bình thản, tiếp chuyện và tiễn Jichoi ra về.

Sau khi Jichoi về với bộ mặt đưa đám, Kháp Na cười buồn, hỏi anh trai:

- Đại ca vẫn luôn mong mỏi phái Sakya có thể di dời đến đây kia mà? Nếu đệ cưới Kangtsoban, chắc chắn Jichoi sẽ đồng ý cho chúng ta xây dựng thành trì tại lũng sông Nyang Chu.

Bát Tư Ba nhìn em trai bằng ánh mắt xót thương:

- Kháp Na, đệ đã hy sinh quá nhiều cho giáo phái. Ta không muốn đệ phải đánh đổi hạnh phúc của mình thêm một lần nữa.

Kháp Na xúc động:

- Nhưng phái Sakya là tâm huyết cả đời của huynh…

Bát Tư Ba nghiêm nghị ngắt lời em trai:

- Ta sẽ thuyết phục Jichoi. Nhưng nếu vì đệ từ chối cưới con gái ông ta mà ông ta không chấp thuận đề nghị của ta, ta sẽ tìm cách khác.

Chàng nhìn em trai, ánh mắt lấp lánh:

- Kháp Na, nếu như không biết rõ tâm tư của đệ, có thể ta sẽ suy nghĩ thêm về cuộc hôn nhân này. Nhưng bây giờ… Đệ còn trẻ, ta muốn được thấy đệ chung sống hạnh phúc bên người con gái đệ yêu thương đến đầu bạc răng long, sinh con đẻ cái, gia đình êm ấm.

Kháp Na sững sờ, khuôn ngực phập phồng, ngón tay bấu chặt lấy ghế. Một lúc lâu sau, cậu ấy mới nhắm mắt lại, nói khẽ:

- Đại ca, đệ chẳng có tâm tư gì cả, cũng không yêu thương ai, huynh hiểu lầm rồi!

- Nhưng…

Kháp Na vội ngắt lời anh trai:

- Đại ca, chỉ cần có lợi cho huynh, có ích cho giáo phái, đệ cưới ai cũng được!

Bát Tư Ba liếc nhìn tôi, trả lời dứt khoát:

- Kháp Na, ta không đồng ý để đệ cưới một cô gái ngớ ngẩn!

Kháp Na ngửa đầu cười lớn, tiếng cười thê lương, chua chát:

- Như thế chẳng phải càng tốt hơn sao? Đệ bằng lòng cưới cô ấy vì chí ít, cô ấy sẽ không gây ra những chuyện động trời như Mukaton và Dankhag.

Bát Tư Ba đột nhiên cao giọng, nghiêm khắc:

- Kháp Na, đừng nhắc đến chuyện này nữa! Ta quyết không đồng ý!

Tối hôm đó, cả ba chúng tôi tiếp tục rơi vào trạng thái trằn trọc không yên. Tâm trạng của tôi vô cùng nặng nề. Dường như tôi đã hiểu ra phần nào, nhưng tôi không muốn tiếp tục truy xét nữa. Trong dòng suy nghĩ mông lung, hỗn loạn của tôi, gương mặt của Kháp Na và Bát Tư Ba cứ ẩn hiện, đan cài trước mắt. Sau đó, tôi không hiểu nổi trái tim mình nữa.

~.~.~.~.~.~

Chàng trai trẻ nhấp một ngụm trà bờ, khoanh chân lại:

- Tôi nhớ là trong lịch sử Tây Tạng, giai đoạn này được gọi là chính quyền Sakya, hay triều đại Sakya. Lần đầu tiên trong lịch sử Tây Tạng, phái Sakya thiết lập chính quyền với mô hình kết hợp giữa chính trị và tôn giáo. Ngày sau, phái Gelug cũng đã học theo họ.

Tôi gật đầu:

- Chính xác. Nhưng việc thiết lập một chính quyền như thế phải được sự chấp thuận của chính quyền trung ương. Cậu xem xét quyền hạn của phái Sakya ở đất Tạng thì sẽ rõ.

Tôi bấm ngón tay, bắt đầu phân tích:

- Thứ nhất, căn cứ theo tước phong của hoàng đề triều Nguyên, phái Sakya là giáo phái thủ lĩnh ở Tây Tạng, có quyền cai quản toàn bộ tu viện, tăng nhân và cư dân Lad của tất cả các giáo phái ở đất Tạng. Pháp chỉ do đế sư ban bố và chiếu chỉ của hoàng đế được ban hành và áp dụng đồng thời tại Tây Tạng.

Chàng trai trẻ bổ sung một cầu đầy vẻ hiểu biết:

- Làm vậy để đề phòng trường hợp người tạng chỉ biết đến phái Sakya mà không biết chính quyền trung ương là gì.

- Hai là, quản lý cơ cấu hành chính ở Tây Tạng theo mệnh lệnh của hoàng đế triều Nguyên. Ví dụ như việc: phân chia vạn hộ hầu, thiên hộ hầu, việc quản lý cư dân Mid, trưng thu thuế khóa, ban thưởng nông nô và trang viên cho những người có công, cố quyền trừng phạt những quý tốc và tu viện chống lại triều Nguyên và chính quyền Sakya, thu hồi nông nô và trang viên của họ, v.v… Ngoài ra, đế sư có quyền tiến cử hoàng đế phong tước cho các quan chức và vạn hộ hầu ở Tây Tạng. Chức quan thấp hơn thiên hộ hầu sẽ do đế sư trực tiếp sắc phong.

Chàng trai trẻ khẽ thở dài:

- Đó đều là thực quyền! Có thể nói phái Sakya đã trở mình chỉ trong chớp mắt, một bước lên mây!

Tôi vội giải thích:

- Nhưng cả đời Bát Tư Ba chưa bao giờ hạ lệnh tước phong đoạt trang viên và nông nô của ai.

Chàng trai trẻ lập tức tiếp lời:

- Nhưng còn những người khác ở phái Sakya thì sao? Thời gian Bát Tư Ba lưu lại trên đất Tạng rất ngắn ngủi, khi ngài tới Trung Nguyên, chắc chắn phải có người thay ngài lãnh đạo giáo phái chứ? Quyền lực to lớn như vậy, ai mà không thèm thuồng cho được!

Tôi không biết phải phản bác ra sao, đành cúi đầu, lẳng lặng uống trà.
Bình Luận (0)
Comment