Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 168

Toàn bộ công trình kiến trúc này chỉ có duy nhất một cổng chính ở phía đông, phía trên cổng là đài quan sát. Cổng thành xây dựng kiểu cổng vòm, cuốn tò vò, rất sâu, hình chữ “T”, bên trong có cửa tò vò. Phía trên vòm cổng khoan các lỗ nhỏ để nếu quân địch tấn công vào thành thì có thể ném đá hoặc những thứ khác qua lỗ này. Tuy nói đền Nam Sakya là một ngôi đền nhưng kiến trúc của nó chẳng khác nào một thành trì được canh giữ cẩn mật. Thành trì này vẫn đang trong giai đoạn thi công nhưng bố cục cơ bản đã thành hình, nơi ở của pháp vương, điện Lakhang đã được hoàn tất, vô cùng nguy nga, tráng lệ. Phân nửa công trình đang phải tạm dừng, lý do là phần lớn nhân công đã bỏ đến Khanochang nên không thể thi công đồng loạt.

Ngắm nhìn Phật điện nguy nga, tráng lệ trước mắt, Chân Kim nhận xét:

- Đền Nam Sakya được xây dựng vô cùng kiên cố, vững chắc. Ta vừa quan sát và nhận thấy, ngay cả những chi tiết nhỏ cũng đã được suy tính rất kĩ lưỡng, chu toàn. Kunga Zangpo quả là một nhân tài!

Bản khâm Sangtrum tiếp tục bẩm báo, trong vòng nửa năm sau khi về Khanochang, Kunga Zangpo đã dốc toàn bộ số của cải mang theo để xây dựng trang viên Khanochang, tường bao của khu trang viên này được xây dựng vô cùng kiên cố, ngoài ra, hắn còn chiêu binh mãi mã khắp nơi. Theo ước tính của Sangtrum, nếu cộng cả số võ tăng đã bỏ Sakya đi theo Kunga Zangpo thì hiện hắn đã có khoảng gần một vạn binh lính.

Quá lo lắng cho sự an nguy của Dharma nên tôi không kìm nổi lòng, vội nắm chặt tay áo Bát Tư Ba:

- Chúng ta hãy nghĩ cách đón Dharma về đây, được không? Chàng là bác ruột của nó, bác ruột về Sakya, Kunga Zangpo phải đưa nó về thăm chàng chứ!

Sangtrum đáp:

- Hắn đã cử người đến đưa tin rằng, tuy pháp vương đã về Sakya nhưng năm mới sắp đến nên sẽ để Thế tử ăn Tết xong mới đưa về thăm hỏi pháp vương. 

Lòng tôi như lửa đốt. Hắn muốn bắt Dharma làm con tin, ngấm ngầm cảnh báo Bát Tư Ba không được manh động. Bát Tư Ba bóp chặt tay tôi, chàng muốn tôi hết sức kiềm chế và bình tĩnh, quay sang nói với Sangtrum:

- Ta biết rồi, bản khâm cứ lui ra đi!

Sangtrum cung kính vái lạy Bát Tư Ba:

- Vẫn còn một việc nữa xin bẩm báo với pháp vương. Con trai của ngài Yeshe, cậu Dani, hiện đang ở Sakya.

Thông tin này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, Bát Tư Ba hỏi:

- Dani về đây bằng cách nào? Yeshe đã chết trong vụ phản loạn ở Vương phủ Vân Nam kia mà!

- Phu nhân của ngài Yeshe đã đưa con trai về Sakya hồi đầu năm nay.

Sangtrum liếc trộm Bát Tư Ba rồi rụt rè thưa:

- Phu nhân bảo rằng, dù sao cậu Dani cũng là con cháu nhà họ Khon, đưa cậu ấy về đây là để hoàn thành di nguyện của ngài Yeshe trước khi qua đời. Cậu Dani đã về đến giáo phái, bà ấy không còn quan hệ gì với Sakya, nói xong, bà ấy liền bỏ đi.

Bát Tư Ba trầm ngâm một lát, hỏi:

- Dani mười sáu tuổi rồi phải không?

Sangtrum đáp:

- Vâng. Dáng người cao lớn, rất giống ngài Yeshe. Cậu ấy rất thông mình, lanh lợi, chỉ có điều tính khí hơi cục cằn, thô lỗ.

Bát Tư Ba mỏi mệt xua tay:

- Ta biết rồi, cứ để nó ở lại. Các ngươi lui ra đi!

Trong phòng chỉ còn lại tôi và Chân Kim. Bát Tư Ba chìa tay về phía tôi, giọng nói run rẩy:

- Lam Kha, chúng ta đi thăm Kháp Na nào!

Tôi sững sờ, miệng đắng chát, khẽ gật đầu.

Điện thờ nguy nga, tráng lệ là thế vậy mà bên trong lại tối tăm, ảm đạm, chỉ có vài ô cửa sổ trên cao rớt xuống vài sợi nắng mong manh. Một tòa tháp hoàng kim cô đơn giữa gian thờ chính, ánh đèn dầu lập lòe chiếu sáng quanh tháp, soi tỏa sắc vàng lạnh lẽo. Kể từ lúc bước vào điện thờ, ánh mắt tôi đã gắn chặt vào tòa tháp nguy nga ấy, trái tim quặn đau từng hồi.

- Kháp Na, em về thăm chàng đây.

Tôi đặt đóa tuyết liên hái trên đỉnh núi Benbo vào chiếc bát pha lê, đóa tuyết liên dập dờn trên mặt nước, đẹp thánh khiết. Tôi đỡ lấy thân hình đang run rẩy vì xúc động của Bát Tư Ba, lồng tay vào bàn tay chàng, thủ thỉ:

- Kháp Na, chàng thấy không? Em và Lâu Cát đang ở bên nhau, em rất hạnh phúc. Em đã giữ lời hứa với chàng.

Chàng quay mặt đi, bờ vai rung động, hơi thở khó khăn, chàng đang gắng sức kìm nén những tiếng khóc. Nước mắt lưng tròng, tôi sụt sịt:

- Con trai chúng ta đã mười tuổi rồi, em vẫn chưa được gặp con. Nghe nói con giống chàng như đúc, chắc chắn là rất đẹp.

Tôi vuốt ve tòa tháp lạnh, áp má vào đó để cảm nhận cái giá buốt thấu tim gan, khẽ thì thào:

- Xin lỗi chàng vì em đã không ở bên con để được thấy con khôn lớn. Những năm tháng sau này, em nhất định sẽ luôn ở bên chăm sóc, bảo vệ con trai và cháu chắt của chúng ta, đời đời kiếp kiếp, cho đến khi em trút hơi thở cuối cùng.

Bát Tư Ba cũng nước mắt vòng quanh, chàng lặng ngắm tòa tháp rồi chậm rãi nói:

- Lam Kha, có chuyện này ta vẫn giấu em. Hôm đó, sau khi hỏa táng Kháp Na, ta lượm được một hạt Xá Lợi lấp lánh tựa ngọc lưu ly bảy màu, đó là viên ngọc kết tụ thể xác và linh hồn của Kháp Na. Ta đã đặt viên ngọc Xá Lợi đó lên đỉnh tòa tháp.

Chàng quay lại nhìn tôi, gương mặt an nhiên, khóe môi nở nụ cười hồn hậu, ấm áp:

- Sau khi tiêu diệt xong đám bội phản, ta có thể yên tâm ra đi được rồi.

Tôi đặt tay lên miệng chàng, nước mắt giàn giụa, lắc đầu phản đối. Chàng gỡ tay tôi xuống, nhìn tôi âu yếm:

- Lam Kha à, đừng tránh né thêm nữa, ta đã có sự chuẩn bị nên không hề sợ hãi. Hãy nghe ta nói, khi ta vẫn còn đủ tỉnh táo để trò chuyện.

Chàng chỉ tay vào mảnh đất trống bên cạnh, vạch một vòng tròn.

- Em hãy xây một tòa tháp như thế này ngay bên cạnh tháp hoàng kim của Kháp Na. Nếu sau khi hỏa táng, linh hồn và thể xác của ta cũng biến thành ngọc Xá Lợi, em hãy đặt Xá Lợi của ta và Kháp Na ở cạnh nhau. Phần tro cốt còn lại hãy đặt vào trong tháp. Hai anh em ta ở bên nhau, sẽ không còn cô đơn nữa…

Tôi khóc hết nước mắt, đứt từng khúc ruột khi thấy chàng bình tĩnh sắp xếp chuyện hậu sự của mình. Chàng thở dài, bước lại, kéo tôi vào lòng, để tôi tựa lên bờ vai gầy guộc của chàng, khóc cho thỏa.

Ra khỏi linh tháp của Kháp Na, tôi đề nghị được đi thăm ngôi nhà gỗ của Dharma. Vì sự an toàn của Dharma, Bát Tư Ba không cho phép đưa thằng bé ra khỏi căn nhà này. Những đồ chơi trẻ con mà năm xưa tôi và Kháp Na chuẩn bị cho con trai, nay đã được xếp gọn, thay vào đó là hàng chồng những kinh văn được viết bằng thứ mực nấu chảy tử vàng [1] và lá bối diệp [2], xếp kín các bức tường. Xem ra thằng bé này rất ham đọc sách. Tôi mân mê từng đồ dùng của con, như thể làm vậy là có thể chạm vào thân hình bé nhỏ của con vậy. Bát Tư Ba trầm ngâm nhìn ngắm tôi, ánh mắt sầu muộn.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Những bộ kinh Phật thường được chép theo phương pháp này vào thời nhà Nguyên. (DG)

[2] Bối diệp (lá bối), còn gọi là Bối Đa La diệp. Tiếng Phạn gọi là Pattra, dịch là “Diệp”, là một loại cây cọ - thực vật miền nhiệt đới, mọc nhiều tại các khu vực hướng Tây Nam Ấn Độ, Mianma và Nam Trung Quốc, lá dài mà dày, có thể dùng để ghi chép kinh văn. Trong Chu Ái Liên Trúc Ký Du thứ mười bốn, quyển 2 có viết: “Bối diệp là một loại lá cây lớn tại Tây Thiên, sáng bóng và sạch sẽ, có thể dùng để viết kinh sách.” Trước khi phát minh ra giấy, Ấn Độ thời cổ đã dùng lá Bối Đa La để ghi chép kinh điển Phật giáo và tư liệu văn hiến của cung đình. Hiện nay, tại khu vực Nam Ấn Độ và Phật giáo Nam truyền, người ta vẫn tiếp tục sử dụng loại lá này. (DG)
Bình Luận (0)
Comment