Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 182

Số phận thật trớ trêu! Nếu tôi không ở lại Đại Đô, tiễn đưa Chân Kim đi hết chặng đường cuối cùng của cuộc đời cậu ấy, mà sớm trở về với con trai tôi thì tôi đã có thể cứu được nó. Nhưng giờ đây, khi hồn phách của nó đã tan, tôi chẳng làm gì được nữa! Đây là ý trời ư? Ông trời muốn dòng dõi của Bát Tư Ba phải tuyệt tự tuyệt tôn sao?

Tôi muốn khóc cho nghiêng ngả đất trời, khóc mãi cho tới khi đêm xuống, khi giọng đã khản đặc, mới quay ra hỏi:

- Pháp vương có trăng trối điều gì không?

Dampa lau nước mắt, đáp:

- Pháp vương để lại di chúc rằng: hỏa táng ngài, rồi đem tro cốt về Sakya, chôn cất cùng với vợ và con trai ngài.

Cổ họng đau rát, tôi gật đầu mệt mỏi:

- Ta sẽ đưa pháp vương về lại nơi chôn nhau cắt rốn của ngài!

Rồi tôi tỉ mỉ vuốt lại cho phẳng phiu từng nếp áo cà sa trên người con trai, ghé sát tai nó thì thào:

- Dharma, mẹ về với con đây, mẹ sẽ luôn ở bên con...

Nhưng nó không còn nghe thấy lời tôi nữa. Vì sao tôi không nói cho nó biết từ sớm? Vì sao tôi lại đắn đo nhiều như vậy? Nếu tôi biết duyên phận mẹ con tôi ngắn ngủi thế này thì mười chín năm qua, tôi đã không lãng phí quá nửa thời gian mẹ con được bên nhau.

Trên giàn gỗ, hình ảnh Bát Tư Ba trong bộ y phục tăng ni màu sẫm đỏ năm nào chuyển thành hình ảnh Dharma. Tôi châm ngọn đuốc vào đám cỏ và nhìn ngọn lửa cướp đi niềm kỳ vọng lớn nhất của ba chúng tôi. Rồi tôi quỳ xuống, ngửa mặt lên trời, nước mắt lã chã, thấm ướt khăn áo.

Mùa thu năm 1286, tôi đưa tro cốt của Dharma trở lại Sakya. Nửa năm sau, tro cốt của Jumodaban và Deva cũng về tới. Trong gian điện xây cất linh tháp, đã có thêm một tòa tháp hoàng kim khác. Điện thờ trống trãi, hoang vắng năm xưa, nay đã có tới ba tòa tháp, không gian bớt cô quạnh hơn. Một tay nắm chặt viên ngọc Linh hồn, một tay siết chặt chiếc vòng tay hình hoa sen, tôi đứng giữa gian điện rộng lớn, chầm chậm cất bước. Từ Kháp Na đến Bát Tư Ba rồi đến gia đình Dharma, từng người từng người một, hết vòng này đến vòng khác. Nơi đây có tất cả người thân của tôi.

Kể từ ngày có được hình hài con người, tôi đã trải qua bao lần sinh ly tử biệt. Giờ đây, khi người thân đều đã qua đời, bạn bè đều khuất bóng, tôi không còn gì để lưu luyến với nhân gian này.

Có tiếng bước chân vang lên trong gian điện, tôi nhận ra đó là Drakpa Odzer và Dampa. Hai người bước vào, vái lạy tôi. Drakpa Odzer đau buồn cất tiếng:

- Thưa phu nhân, vị trí đế sư hiện đang khuyết, Dharma lại không có con trai nối dõi, Bệ hạ lệnh cho tôi kế nhiệm chức vị này, vài hôm nữa tôi phải lên đường đến Đại Đô nhậm chức.

Tôi gật đầu trong vô thức.

Drakpa Odzer do dự hồi lâu mới lấy hết cam đảm góp ý:

- Thưa phu nhân, mất đi người thừa kế, địa vị của phái Sakya trong triều đình nhà Nguyên tất sẽ lung lay. Chúng ta buộc lòng phải suy xét cho đại cục. Tuy chuyện này rất khó nói nhưng vì tương lai của giáo phái, Drakpa Odzer buộc lòng phải lên tiếng.

Cậu ta ngừng lại một lát để chọn cách diễn đạt sao cho ổn thỏa:

- Giờ đây, phái Sakya chỉ còn một người thừa kế duy nhất.

Tôi ngẩng đầu:

- Dani ư?

Dampa bước lên một bước, quỳ xuống:

- Dani là người thừa kế duy nhất của phái Sakya. Dù cậu ta và cha mình có gây ra bao tội lỗi thì đó đều là chuyện nội bộ của giáo phái, đối với người ngoài, cậu ta vẫn là hậu duệ, là huyết mạch của giáo phái chúng ta.

Tôi bật cười mỉa mai:

- Cậu muốn Dani trở về kế thừa ngôi vị pháp vương đúng không?

Drakpa Odzer cũng bước tới và quỳ xuống, cầu xin:

- Xin phu nhân hãy vì tương lai của giáo phái mà gạt bỏ mọi ân oán trước kia.

Tôi đưa mắt về phía tòa linh tháp cao nhất, đồ sộ nhất, cất giọng lạnh lùng:

- Bát Tư Ba đã ra lệnh đuổi Dani, vì thế cậu ta không thể kế thừa ngôi vị pháp vương. Chúng ta không thể làm trái di mệnh của Bát Tư Ba.

Cả hai người đều sững sờ, vẻ mặt thất vọng. Dampa định mở lời nhưng tôi đã ngăn cậu ta lại:

- Nhưng cậu nói phải, phái Sakya chỉ còn Dani là người kế thừa duy nhất...

Tôi hít thở sâu vài lần, đưa mắt về phía tòa linh tháp sau cùng:

- Hãy đón nó về Sakya, chọn cho nó vài thê thiếp, để nó sinh con trai kế nghiệp phái Sakya.

Hai người nhìn nhau, vui mừng, xúc động, cúi đầu thưa:

- Tạ ơn Lam phu nhân! Phu nhân quả là người rộng lượng, sáng suốt!

Drakpa Odzer đề nghị:

- Tôi biết Dani ở đâu, tôi sẽ lập tức phái người đi đón cậu ấy.

Dampa gật đầu, hướng mắt về phía tôi, đề nghị:

- Trước khi pháp vương mới chào đời và đủ trưởng thành để gánh vác trọng trách, xin Lam phu nhân hãy đứng ra lo liệu công việc của giáo phái!

Tôi lắc đầu, cất giọng u buồn: 

- Ngày mai ta sẽ rời khỏi đây.

Cả hai người cùng thốt lên kinh ngạc:

- Lam phu nhân...

Tôi ngắt lời họ, bước ra khỏi điện thờ, không quay đầu lại, chỉ lưu lại câu nói sau cùng này:

- Phái Sakya và ta đã không còn quan hệ gì nữa!

Về sau, Drakpa Odzer tới Đại Đô nhậm chức đế sư. Cậu ta là người can đảm, trung thành nên rất được Hốt Tất Liệt tin dùng. Drakpa Odzer có công lao rất lớn trong việc duy trì chức vị đế sư của dòng họ Khon trong suốt các đời vua nhà Nguyên.

Sau khi trở lại Sakya, Dani đã cưới bảy người vợ, sinh được mười hai người con trai. Hai mươi tám năm sau khi Dani qua đời, con trai của Dani là Lotro Gyaltsen đã kế nhiệm vị trí đế sư. Đây là hậu duệ dòng họ Khon đầu tiên kế nhiệm chức vị đế sư kể từ sau khi Dharmapala viên tịch. Từ đó cho đến khi nhà Nguyên sụp đổ, tất cả các đời đế sư đều do con cháu nhà họ Khon đảm nhiệm.

Dampa trở thành nhân vật nổi tiếng dưới thời Hoàng đế Hốt Tất Liệt và Nguyên Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ. Sau khi viên tịch đã được truy phong làm quốc sư.

Mấy mươi năm sau đó, thực lực của phái Sakya càng ngày càng suy yếu. Đám con cháu đông đúc của Dani chỉ lo tranh giành quyền lực. Đế sư mới kế nhiệm Lotro Gyaltsen quyết định chia các anh chị em cùng cha khác mẹ của mình thành bốn Labrang: Khitu, Lakhang, Rinqinka và Duqu. Sau đó, chia đều quyền lực và tước vị cho các con trai của bốn người vợ của mình. Labrang Khitu thừa hưởng pháp tọa của đền Sakya, Labrang Lakhang thừa hưởng chức vị đế sư, Labrang Rinqinka và Labrang Khitu chia nhau quyền thừa kế pháp tọa của phái Sakya, Labrang Duqu thừa hưởng tước vị Bạch Lan Vương.

Dưới tòa pháp tọa tổng bộ của đền Sakya là các Labrang nhỏ, có chủ nhân của riêng mình, cứ thế cha truyền con nối. Các Labrang có quyền cai quản thuộc dân, trang viên và thành lũy của riêng mình. Những người này có cùng nguồn cội, tiên tổ nhưng trải nhiều đời, từ anh em ruột đến anh em họ, rồi anh em họ xa, cách nhau hàng mấy đời, sức gắn kết nội bộ cứ lỏng dần.

Tuy phái Sakya vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của triều Nguyên, các Labrang đều giữ những chức vị cao, vượt xa vị trí của mười ba vạn hộ hầu đất Wusi nhưng cách phân chia này đã làm suy yếu thực lực của giáo phái.

Đúng lúc đó, chỗ dựa vững chải nhất của phái Sakya là triều đình nhà Nguyên bắt đầu suy yếu, không thể tiếp tục hỗ trợ và nâng đỡ cho phái Sakya cả về kinh tế và quân sự như trước nữa. Cuối thời nhà Nguyên, Vạn hộ hầu Phaktru vùng lên mạnh mẽ. Đứng trước kẻ địch hung hãn, lớn mạnh, điểm yếu và sự chia rẽ trong nội bộ phái Sakya đã bộc lộ rõ nét. Phái Sakya tan rã nhanh chóng.

Tôi quay về quê hương, vùng núi Côn Luân, dựng một căn nhà cỏ, sống đời ẩn dật. Ba mươi năm sau, vào một đêm gió tuyết thét gào, tôi cứu được một chàng trai trẻ trên đường đi. Buổi tối hôm đó, tôi kể cho chàng trai nghe toàn câu chuyện cuộc đời mình. Câu chuyện kết thúc trước lúc gà gáy và tôi tháo viên ngọc Linh hồn đeo trên cổ, đưa cho chàng trai xem. Người đó rơm rớm nước mắt khi ngắm nhìn viên ngọc rồi run rẩy đứng lên, kéo tôi vào lòng, siết chăt:

- Cuối cùng ta đã tìm được em...

Tôi áp tai mình vào bờ ngực chàng, lắng nghe tiếng trái tim chàng đập rộn ràng, nước mắt tuôn rơi, nụ cười nở trên môi:

- Cuối cùng em đã chờ được chàng...
Bình Luận (0)
Comment