Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 27

“Muốn lưu tiếng thơm cho mình,

Trước hết hãy làm việc thiện;

Muốn sửa dung nhan, hình vóc

Trước hết phải lau gương soi.”

(Cách ngôn Sakya)

Những tháng cuối năm 1253, thời tiết giá buốt bất thường, đến nỗi hơi thở cũng bị đóng băng. Bát Tư Ba lưu lại trong doanh trại của Hốt Tất Liệt, giữa vùng núi non hiểm trở, heo hút ở Vân Nam, chờ mệnh lệnh tiếp theo của Mông Kha Hãn. Những lúc rảnh rỗi, Hốt Tất Liệt thường cho vời Bát Tư Ba đến để đàm đạo về Phật pháp. Nhà sư tuổi trẻ tài cao, kiến thức uyên thâm, tư duy sắc sảo lại khiêm tốn, nho nhã, lịch duyệt ngày càng được Hốt Tất Liệt yêu mến, nể trọng. Vương phi Khabi nhân dịp này lại đề nghị Bát Tư Ba truyền giảng nghi lễ quán đỉnh Hevajra độc đáo của phái Sakya.

Hốt Tất Liệt không những không phản đối mà còn rất đỗi háo hức muốn tiếp nhận nghi lễ này. Ngài lệnh cho thuộc hạ bày trí lại lán trại thật trang hoàng để chuẩn bị cho nghi lễ quán đỉnh. Các dòng cờ phướn được chăng khắp nơi. Người ta dựng một đài cao giữa lán trại, xung quanh xếp những cành thông và những bó hoa. Giữa mùa đông giá lạnh không kiếm được hoa tươi, Khabi cùng đám tỳ nữ đã miệt mài suốt ba ngày để tết những dải hoa lụa tuyệt đẹp, khó mà phân biệt được là hoa giả hay hoa thật. Sau khi bày biện tinh tươm, trang trí cầu kỳ và đặt thêm bếp lửa, cả lán trại trở nên rực rỡ, rạng ngời như trong ngày xuân nắng ấm.

Bát Tư Ba khoác áo cà sa trang trọng, đầu đội mũ ngũ sắc, vầng hào quang thánh khiết, chói lọi tỏa rạng từ người cậu. Cậu ấy đứng trước bục cao, phong thái đường hoàng, đĩnh đạc, lưng vươn thẳng như cây thông ngạo nghễ giữa mùa đông băng giá, nụ cười rạng rỡ tựa nắng mai ngày xuân. Cậu ấy khiêm cung vái Hốt Tất Liệt và Khabi một vái, cất giọng trầm ấm, giọng nói ấy có sức thu hút thật mãnh liệt:

- Nghi lễ quán đỉnh bắt nguồn từ Thiên Trúc. Vào ngày kế vị của tân quốc vương, thượng sư sẽ tưới lên đầu vị vua mới thứ nước biển được lấy về từ bốn phương, cầu chúc quốc vương an khang, hạnh phúc, quốc thái dân an, quốc gia phồn thịnh. Về sau, nghi lễ này được truyền vào đất Tạng, chia thành lễ quán đỉnh truyền pháp và lễ quán đỉnh kết duyên. Lễ quán đỉnh truyền pháp được tổ chức cho riêng những tín đồ đạo Phật, còn lễ quán đỉnh kết duyên được tổ chức cho những ai muốn tiếp nhận lễ quán đỉnh để từ đó phụng thờ thần Hevajra và tu tập theo phép tu của bản giáo.

Khabi gật đầu nhiệt thành, hôm nay cô ấy vận xiêm y lấp lánh ngọc ngà, châu báu, đài các, quý phái bội phần. Thị nữ thận trọng dâng lên một chiếc hộp bằng gấm, Khabi từ tốn mở nắp hộp, bên trong là một viên minh châu cực lớn, ánh sáng phát ra chói lòa, kỳ ảo.

- Pháp sư, khi ta đi lấy chồng, của hồi môn quý giá nhất mà cha mẹ tặng cho ta chính là viên dạ minh châu được vớt lên dưới lòng biển sâu ở tận Tây phương xa xôi. Viên minh châu này ban đêm phát quang rực rỡ, mang theo bên mình có thể tránh tà. Hôm nay, ta xin dâng tặng món quà này cho pháp sư để tỏ lòng tôn kính của đệ tử với sư phụ.

Hốt Tất Liệt ngồi trên tấm thảm Ba Tư quý hiếm, bật cười ha hả:

- Viên minh châu này là báu vật vô cùng quý hiếm, đáng giá hàng trăm nén vàng, hàng nghìn nén bạc, nó tượng trưng cho lòng thành hướng Phật của Vương phi, thế nên pháp sư hãy giúp nàng thỏa nguyện.

Bát Tư Ba nghiêm cẩn chắp tay lại, khiêm cung cúi đầu nhận lấy hộp lễ vật:

- Tạ ơn Vương phi… Xin mời Vương phi theo bần tăng lên quán đỉnh đàn dâng hoa, kết Phật duyên.

Bát Tư Ba chỉ dẫn Khabi bước đến quán đỉnh đàn dựng giữa lán trại, hướng dẫn Vương phi dâng hoa lụa và quả ngọt lên tượng Bồ Tát Văn Thù được đặt ở giữa quán đỉnh đàn. Sau đó, cậu ấy nhấc chiếc bình pha lê trong suốt ở phía trước tượng Phật lên, dõng dạc tuyên bố:

- Nước được dùng trong lễ quán đỉnh hôm nay vốn là tuyết trắng tinh khiết trên đỉnh núi tuyết, nơi không có dấu chân người. Tuyết trắng tan ra thành nước được đặt trước tượng Bồ Tát Văn Thù đã trải qua bảy bảy bốn mươi chín lần cúng tế. Tuy không phải là thứ nước được lấy về từ biển lớn bốn phương nhưng là thứ nước tinh khiết tuyệt đối, tan chảy từ băng tuyết vĩnh cửu. Dòng nước thánh khiết này sẽ mang lại phúc lộc dồi dào cho người chịu lễ.

Tôi niệm thần chú, trốn ở một góc khuất để quan sát, nghe đến đây, không khỏi vênh vang tự đắc. Tôi đã phải trèo lên ngọn núi cao nhất để lấy thứ tuyết tinh khiết về, không dễ dàng chút nào!

Khabi quỳ trước tượng Bồ Tát Văn Thù, chắp tay vái lạy thành khẩn. Bát Tư Ba vừa tụng kinh vừa tưới những giọt nước trong chiếc bình pha lê lên đầu Khabi, chỉ là tượng trưng vài giọt, rồi thôi. Sau đó, cậu ấy đặt vào tay Khabi một khay gỗ, bên trong đựng ấn vàng khắc bốn chữ “Bồ Tát Văn Thù” và một cuốn kinh bằng tiếng Mông Cổ do chính Bát Tư Ba biên soạn:

- Vương phi, bần tăng đã truyền kim ấn và chân ngôn mật chú[1] cho người, kể từ bây giờ, người có thể phụng thờ thần Hevajra và tu tập giáo lý của bản giáo. Ngày mai, bần tăng sẽ truyền giảng đạo quả pháp của phái Sakya cho người.

Khabi đón lấy khay gỗ, mặt mày rạng rỡ. Hốt Tất Liệt đứng bên quan sát, lấy làm thích thú, bèn ngồi xuống, đề nghị Bát Tư Ba làm lễ quán đỉnh cho cả mình nữa. Sau khi lặp lại tuần tự các bước của nghi lễ quán đỉnh cho Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba tuyên bố nghi lễ kết thúc. Cậu ấy tuyên đọc một số giới luật mà đệ tử tu hành tại gia cần tuân theo, rồi gương mặt cậu ấy bỗng nghiêm trang lạ lùng, cậu ấy chậm rãi nói:

- Tuy Đại vương và Vương phi có thân phận cao quý nhưng trước Phật Tổ, mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau, bởi vậy còn một quy định nữa, mong Đại vương và Vương phi tuân thủ.

Hốt Tất Liệt và Khabi tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên, Bát Tư Ba dõng dạc nói tiếp:

- Sau khi tiếp nhận nghi lễ quán đỉnh, người chịu lễ phải tuân thủ lời thề trước Phật Tổ, lễ tạ bậc thượng sư của mình.

Khabi gật đầu:

- Đã tiếp nhận quán đỉnh, đệ tử tất phải tuân thủ pháp độ của giáo phái. Có điều, không biết nghi thức bái tạ thượng sư phải thực hiện ra sao?

Bát Tư Ba lặng lẽ liếc sang Hốt Tất Liệt, vẻ mặt bình thản, cất giọng trầm ấm:

- Thượng sư tọa trên đài cao, đệ tử vái lạy và lắng nghe thượng sư răn dạy, không được trái ý thượng sư.

Quả nhiên mặt Hốt Tất Liệt biến sắc:

- Sao có thể thế được! Ta đường đường là một vương gia, thống lĩnh đại quân phía nam, xưa nay chỉ bái lạy tổ tông và vị huynh trưởng hiện là Đại hãn, quyết không bái lạy người ngoài.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ====== ====== =======

[1] Chân ngôn mật chú là lời nói huyền nhiệm chứa đựng năng lực đưa đến một kết quả siêu nhiên nào đó. Vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ, chân ngôn mật chú có thể là một âm tiết, một chữ, hoặc một câu kệ. Trong Phật giáo, người tu hành cho rằng, chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái, chân ngôn mật chú được lặp lại trong các buổi tu tập, đặc biệt trong Kim cương thừa ở Tây Tạng, chân ngôn mật chú trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Hành giả luôn luôn vừa đọc chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ kim ấn theo chỉ dẫn. Câu chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng là: Úm ma ni bát ni hồng. (DG)

[2] Dogans: tiếng Trung Quốc cận đại gọi tắt là vùng Khang, chỉ phía đông bắc Xương Đô, Tây Tạng ngày nay, là một bộ phận của khu tự trị tộc người Tạng, huyện Ganzi và huyện Aba, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (DG)
Bình Luận (0)
Comment