Duyên Kỳ Ngộ

Chương 27

Lưu Giác vừa tỉnh giấc, tinh thần đã phục hồi bảy, tám phần, chàng cử động chân tay chỉ thấy ngực phải rất đau, lại vận nội khí, hầu như đã không còn trở ngại lớn, bèn mở mắt, thấy mình vẫn đang nắm tay A La. Nàng gục đầu vào mép giường, đang ngủ, trên người chỉ khoác tấm chăn, may mà lò sưởi lửa vẫn cháy rất đượm, trong phòng ấm như mùa xuân. Thấy mí mắt nàng hoe đỏ, mòng mọng, ánh mắt chàng trở nên dịu dàng, chợt nảy ý định, miệng la to: "Ôi trời, đau quá!".

A La sực tỉnh, thấy chàng nhăn nhó kêu đau, bỗng nhớ lại sự việc tối qua, vội nói: "Chàng sẽ không chết đâu!".

"Đau quá!".

"Bị kiếm đâm đương nhiên là đau rồi, lại còn không có thuốc tê nữa". A La không biết làm gì, gọi to: "Người đâu! Tướng quân các ngươi tỉnh rồi!".

Nữ tỳ chạy vào, mang theo nước hãm táo đỏ và cẩu khởi, vui mừng reo lên: "Tướng quân tỉnh rồi! Đại phu bảo cũng không nặng lắm, nghỉ ngơi chục ngày vết thương lành miệng là không sao".

Nữ tỳ đưa bát nước cho Lưu Giác, đúng lúc chàng đang khát, uống liền một hơi, lại rên rỉ: "Đau quá!".

Mắt A La vụt đỏ, nhòe nước: "Làm thế nào bây giờ?". Nàng ngoái đầu nhìn nữ tỳ, nói: "Đi hỏi đại phu xem có thuốc giảm đau không!".

Lòng Lưu Giác lâng lâng: "Thì ra nàng quan tâm đến ta như vậy".

Mặt A La đỏ bừng, tươi thắm mơn mởn. Mắt vẫn mờ ướt, dịu dàng như làn nước. Lưu Giác nhìn không chớp, đột nhiên lại cau mày: "Thiên Tường đến chưa?".

A La hơi tươi tỉnh gật đầu.

"Nhìn thấy nàng như thế này à?".

"Ồ? Sao thế?".

"Chẳng phải ta đã nói nàng không được ra khỏi phòng nửa bước cơ mà?". Lưu Giác không hài lòng.

A La phát bực: "Chẳng phải thấy chàng sắp chết hay sao!". Nàng giận dỗi rút tay về. Lưu Giác vẫn nắm chặt không buông, mắt nhắm lại: "Ta đã cho phép nàng đi ra ngoài chưa?".

A La lườm chàng, không biết làm thế nào, lát sau giận dỗi nói: "Nếu không nể chàng đang bị thương, thiếp đã đánh cho chàng rụng răng rồi!".

"Ta muốn ăn món nàng nấu, không làm món chay!". Lưu Giác lại nói.

"Vậy chàng bỏ tay ra!". A La vừa tức vừa buồn cười, thầm nghĩ, sao chàng ta cũng biết làm nũng thế?

"Của ta, ta không buông!". Lưu Giác không chịu.

"Có muốn thiếp lấy chàng không?". A La hỏi khẽ.

"Không phải là muốn, vốn đã thế mà!".

"Vậy chàng buông thiếp ra, thiếp đi nấu cho chàng ăn!".

Lưu Giác từ từ mở mắt, buông tay A La. Nàng đứng dậy, chống tay vào eo cười: "Thiếp sẽ nấu cho chàng. Muốn thiếp lấy chàng, tốt nhất nên biết điều một chút, hừ!". Nói xong nàng ngẩng cao đầu đi ra.

Lưu Giác nghiến răng nhổm dậy, chạm vào vết thương đau nhói, bụng nghĩ, a đầu này thật ngang bướng.

A La phấn khởi đi tìm Lưu Anh hỏi: "Mẹ ta và Tiểu Ngọc đâu?".

Lưu Anh cung kính trả lời: "Chúa thượng đã đồng ý cho tiểu thư gặp họ rồi ư?". A La trợn mắt: "Chúa thượng ngươi còn đang mong tâm trạng ta vui vẻ mới nấu đồ ăn cho chàng, bây giờ người nằm im trên giường không thể động đậy là chàng ta chứ không phải ta!".

Lưu Anh nén cười, đưa A La đi gặp thất phu nhân và Tiểu Ngọc. Qua một cái sân, xuyên qua ô cửa hình bán nguyệt, họ nhìn thấy thất phu nhân và Tiểu Ngọc đang ngồi trong sân. Thấy A La đi đến, thất phu nhân cười vui vẻ: "Tam Nhi, tiểu vương gia có tốt với con không?".

"Mẹ có khỏe không?". A La rảo bước đến ôm chầm lấy bà.

Thất phu nhân vỗ vỗ tay nàng, rõ ràng bà đã biết mọi chuyện. Tiểu Ngọc bĩu môi lườm Lưu Anh: "Ngươi lại đến đây làm gì?". Lưu Anh cười nhăn nhó: "Chẳng phải thuộc hạ đã đưa tam tiểu thư đến rồi sao".

Tiểu Ngọc hừ một tiếng, không thèm để ý anh ta, ôm chầm A La mắt đỏ hoe: "Tiểu thư, em lo cho tiểu thư quá!".

A La tươi cười nhìn Tiểu Ngọc, lại nhìn Lưu Anh đang mặt đỏ tía tai. Xem ra mấy ngày nay hai người này đã có chuyện rồi. Nàng mỉm cười: "Mẹ à, tiểu vương gia bị thương, con đi nấu vài món cho chàng ăn. À, Tiểu Ngọc, ta viết giấy em và Lưu Anh đi mua mấy thứ về đây".

Mặt Lưu Anh sáng lên, ngạc nhiên, sung sướng, Tiểu Ngọc liếc anh ta, mặt thoáng đỏ, lẩm bẩm: "Việc gì phải đi với anh ta, đáng ghét, lúc nào cũng ngăn cản, không cho em và phu nhân gặp tiểu thư!".

A La cười ha ha: "Không liên quan đến y, có trách thì trách Lưu Giác. Muốn ăn món ta nấu, còn phải xem thái độ chàng ta thế nào".

Lưu Anh ngẩn người, cúi đầu thở dài, sao chúa thượng lại khổ thế chứ!

Sau khi Tiểu Ngọc và Lưu Anh đi khỏi, trong sân chỉ còn nàng và thất phu nhân. A La không cười nữa, ngồi nép vào thất phu nhân, gối đầu lên đùi bà, hỏi nhỏ: "Làm thế nào đây? Mẹ?".

"Tam Nhi, con cũng lớn rồi, mẹ thấy tiểu vương gia đúng là rất tốt với con, trong lòng chàng ta có con!".

"Nhưng phải quay về Phong thành. Mẹ à, khó khăn lắm chúng ta mới thoát khỏi đó".

Nếu lấy Lưu Giác, nàng sẽ phải ngoan ngoãn ở bên chàng. Nhưng như vậy có nghĩa phải đối mặt với bao phiền toái của triều đình Ninh vương ở Phong thành, cuộc sống tự do bay lượn như chú chim chắc là sẽ khó mà có được, A La bất giác thở dài.

Thất phu nhân cúi đầu nhìn nàng, lại ngẩng đầu nhìn ra xa: "Tam Nhi, mẹ ở trong bốn bức tường tướng phủ, hy vọng duy nhất là con, mẹ chỉ mong con sống vui vẻ. Ngoài nhớ con, khi buồn mẹ luôn nhớ lại những tình cảm tốt đẹp đã từng có. Hiếm hoi mới có người một lòng một dạ với con như tiểu vương gia, con đừng bỏ qua. Có lúc mẹ đã nghĩ, đời người ngắn ngủi, nhiều khổ đau, được chung sống với người mình yêu, mọi nỗi khổ sẽ vơi đi nhiều. Nếu con bỏ qua, trên đời này tìm đâu ra người có thể che chở bảo vệ con, một lòng với con? Hãy đối xử tốt với tiểu vương gia, đừng nên vì bướng bỉnh nhất thời mà hối hận cả đời".

Từ lúc gặp gỡ gây oán ban đầu, đến rắp tâm thách thức "thủy hỏa bất tương dung", mọi biểu hiện sinh động của Lưu Giác lần lượt hiện lên trong đầu A La, dường như từ trước đến giờ đều là nàng không tin chàng. Nàng kỳ công mưu tính tìm cách rời bỏ Phong thành, thoái hôn trốn tránh chàng mới đến đây. Nhưng ba năm xa cách, khi gặp lại nàng không hề cảm thấy xa lạ. Chàng quan tâm nàng như vậy, gặp lại mới mấy ngày, nàng đã thấy như ở bên nhau rất lâu.

Nàng cảm động, cảm động mối tình sâu nặng của chàng, cũng không thể xua đi mối tình sâu nặng ấy trong lòng. Trong những ngày này, Lưu Giác luôn khiến nàng cảm thấy an toàn, đó là sự an toàn trước giờ chưa từng có. Từ bao giờ chàng đã trở thành người đàn ông thật sự trong lòng nàng? Cảm giác an toàn, bình yên đáng tin cậy nơi chàng khiến nàng muốn dừng chân, không muốn phiêu bạt nữa.

Lấy chàng, nàng phải đối điện với tướng phủ và cung đình mà nàng căm ghét; nhưng nếu không lấy chàng, lẽ nào lại bỏ trốn? Nghĩ đến vẻ đau đớn tuyệt vọng của Lưu Giác, nỗi chua xót dâng trào khiến nàng tức ngực, trong lòng nàng, trong mắt nàng chỉ có hình bóng chàng. Rời xa chàng nàng sẽ day dứt đau khổ biết bao!

Bao ý nghĩ chồng chéo quay cuồng trong đầu, lòng phân vân bấn loạn. Nàng nghĩ, nếu thật sự yêu một người, yêu đến khắc cốt ghi tâm, sẽ không nhiều đắn đo như vậy. Nàng yêu chàng, từ lúc thấy chàng bị thương nằm bất động nàng đã hiểu, nhưng khi thực sự phải từ bỏ mọi thứ đã có để đi theo chàng, không hiểu sao nàng lại đắn đo như thế.

Thất phu nhân nói: "Hai năm nay đi ra ngoài, mới nhận thấy đất trời thật rộng lớn. Mẹ đã nghĩ thông suốt rồi, nửa đời còn lại mẹ muốn nương nhờ cửa Phật".

A La kinh ngạc, ôm riết lấy bà: "Nhưng con không muốn để mẹ sống một mình. Bao năm nay mẹ là người thân thiết nhất của con".

Nàng ngẩng đầu nhìn thất phu nhân, đôi mắt đẹp của bà ánh lên vẻ hiền hậu. A La xúc động, một người đã sớm nguội lòng trần như thất phu nhân, ra khỏi tướng phủ lại cảm thấy đất trời mênh mông, tự tìm được chút niềm vui thanh thản, nếu lại phải quay về chốn cũ sẽ vô cùng phiền muộn. Nếu mình lấy Lưu Giác, trở về Phong thành, Lý tướng nhất định không cho thất phu nhân đi. Ông ta sẽ giữ bà trong tướng phủ như một con bài để khi cần gây sức ép với nàng. Đón thất phu nhân đi cũng không ổn, đây là Ninh quốc, là thời cổ đại, bao luật lệ khuôn phép cũng không dung cho thất phu nhân rời tướng phủ lâu dài. Lòng trăm mối tơ vò, nàng nói: "Mẹ à, mẹ vì con đúng không? Mẹ không muốn quay trở về tướng phủ, nhưng nếu con lấy Lưu Giác, mẹ phải quay về".

Thất phu nhân dịu dàng nhìn nàng: "Tam Nhi, con thật thông minh, mẹ không muốn quay về, cũng không thể quay về. Nhưng, mẹ muốn quy y cũng là thật. Trải qua bao nhiêu năm như vậy, bây giờ mẹ chỉ muốn bầu bạn với ngọn đèn xanh, siêu độ cho người đã thác oan vì mẹ. Ông ấy ở trong lòng mẹ, luôn ở trong lòng mẹ. Có ông ấy ở bên, mẹ đâu còn sợ cô đơn? Hơn nữa, con vẫn có thể thường xuyên đến thăm mẹ".

Thất phu nhân lại cười tinh nghịch: "Mẹ sẽ tu ngay tại hậu viên của vú Trương!".

A La vùi đầu vào lòng thất phu nhân: "Để con nghĩ đã. Bây giờ con vẫn chưa quyết định".

Một binh sĩ Ô y kỵ đi đến cúi chào hai người: "Tam tiểu thư, chúa thượng mời tiểu thư đến đó".

A La lúc này mới sực nhớ, nàng mải nói chuyện với Thất phu nhân, con mèo ốm kia sốt ruột rồi. Nàng cười: "Mẹ à, con đi xem chàng ta thế nào".

Lưu Giác ngủ một lát, uống thuốc xong, nằm thêm lát nữa, ăn mấy món gan lợn, được biết là do A La bảo làm cũng thấy khá ngon miệng. Xong xuôi lại không ngủ được, chờ mãi không thấy A La quay về, mặt sa sầm sai người đi tìm, tự dưng thấy sốt ruột, không nén nổi bèn khoác áo ngồi dậy.

A La đi vào, thấy Lưu Giác đang ngồi tựa đầu giường đọc sách: "Sao đã dậy rồi? Nằm xuống cho thiếp!".

"Chưa cưới đã quản thúc tướng công rồi?". Lưu Giác không nhúc nhích, nhướn mày nói đùa.

"Nói nhảm gì thế? Trông thần sắc chàng tốt lên nhiều rồi! Vậy mặc kệ chàng, thiếp đi đây. Không phải thiếp bị thương, sao thiếp phải lo chứ!". A La nghe chàng nói vậy, ngẩn ra, nói không khách khí, quay người như định bỏ đi.

Lưu Giác hoảng hốt nhảy lên kéo nàng lại. Ngực đau nhói, chàng cũng mặc vẫn cố kéo A La, cả hai cùng ngã ra giường. A La vừa va vào người, chàng vờ đau đớn nhăn nhó: "Bắt đầu từ bây giờ, nàng sẽ ở lại đây, không được rời một bước".

A La xúc động, Lưu Giác hít một hơi nói tiếp: "Nếu còn cựa quậy vết thương của ta lại toác ra".

A La không dám động đậy, khẽ nép vào lòng chàng. Lòng chàng ấm áp như lòng thất phu nhân và mẹ nàng ở thế giới hiện đại. Nàng khao khát, lưu luyến cảm giác ấm áp như thế này. Nhưng, thật sự phải quay trở về nàng lại không muốn. A La nhắm mắt cảm nhận hơi thở của chàng, cũng không muốn nói, cứ như thế này một lát thôi.

Nàng cứ ngồi yên như thế. Lòng Lưu Giác chợt nôn nao, nghĩ đến mấy năm qua chàng đã vì nàng đau đớn không biết bao phen, buồn bao nỗi, bây giờ cuối cùng có thể ôm nàng vào lòng, cảm thấy vừa xúc động vừa xót xa. Chàng xiết tay, ôm chặt A La, chỉ sợ buông lơi nàng lại biến mất. Vết thương ở ngực chàng không mấy bận tâm, thậm chí còn thấy tiếc không trúng một nhát kiếm sớm hơn, nếu không A La đâu có ngoan ngoãn nằm trong vòng tay chàng như thế này.

Mắt chàng dừng lại trên miếng ngọc băng đặt ở bệ cửa sổ, nói nhỏ: "Mảnh ngọc băng nàng tặng ta rất đẹp, sao nàng lại nghĩ ra kế để cho tường thành đóng băng như vậy?". A La không thừa nhận: "Chẳng qua thấy chàng quá si tình, còn kỳ công đốt lửa sưởi cho hải đường ra hoa, thiếp tặng chàng món quà nhỏ cho công bằng".

Lưu Giác cười đau khổ, nàng vẫn không chịu thừa nhận tình cảm đối với chàng, bỗng nhiên hoảng hốt, nói lạnh lùng: "Nàng đừng nghĩ lại bỏ trốn, trước đây có thể trốn được là do Lý phủ có sơ hở. Bây giờ tốt nhất nàng từ bỏ ý định đó đi, ngay cả trong ý nghĩ cũng không nên". Chàng lại thở dài, dịu giọng: "Ngẩng mặt lên nhìn ta, A La".

A La ngẩng đầu, nhìn chàng đăm đăm, mắt lại nhòe ướt. Trong thế giới này nàng quả thực không có sức mạnh. Lúc này, nghĩ đến những tên áo đen bịt mặt hôm trước, cảm thấy mình thực yếu đuối, không nơi nương tựa. Lưu Giác nhẹ nhàng lau nước mắt cho nàng: "Trừ phi ta chết, hãy tin ta, A La! Ta sẽ che chở bảo vệ nàng suốt đời suốt kiếp".

Nàng nhắm mắt, nước mắt lại ứa ra: "Thiếp không biết, đừng hỏi thiếp, bây giờ đừng hỏi".

Vết thương trên ngực lại nhói đau, chàng cúi đầu nhìn nàng. Nhắm mắt, lòng đã quyết, từ giờ không thể để cho A La quyết định.

Những tia nắng đầu tiên hiện ra sau những trận mưa tuyết, thành Lâm Nam trở lại cảnh tượng thuyền bè tấp nập như trước, chiến sự đã qua. Nỗi đau của những gia đình có binh sĩ tử trận cũng dần nguôi ngoai, những vết máu xối chưa hết trên tường thành cũng mờ dần.

Vết thương của Lưu Giác bình phục rất nhanh, chàng ở trong phủ dưỡng thương, A La ở bên chàng không rời một bước. Chàng tuyệt nhiên không đả động đến chuyện cưới xin, A La cũng không nhắc đến quan hệ giữa hai người, họ rất thoải mái, chuyện trò cũng thân mật hơn.

Sáng sớm mỗi ngày, nàng vẫn luyện võ như thường, động tác nhanh nhẹn, Lưu Giác không vận nội lực đấu với nàng, có lúc cũng có thể ra mấy chiêu phối hợp. A La nói: "Chẳng phải chàng luôn muốn biết quyền cước đó gọi là gì, học với ai sao?".

Lưu Giác chưa bao giờ nhìn thấy loại võ công chủ yếu dùng chân đá, tay chém, xỉa chẳng có quy tắc gì hết như vậy. Chàng cố nén tính hiếu kỳ, mỉm cười nhìn A La.

"Đó là...", A La nghĩ đến thế giới mà cô được đưa đến này bối cảnh tương tự lịch sử trước thời nhà Hán, nhưng thời kỳ sau đã khác, bèn cười nói: "... Đó là một loại võ công thời thượng cổ truyền đến từ Nhật Bản, phát triển ở Nhật Bản, sau đó trở nên thịnh hành. Thực ra so với võ công ở đây hầu như tác dụng không lớn, nhưng có thể đối phó với tiểu tặc và rèn luyện sức khỏe. Từ lúc năm tuổi thiếp đã bắt đầu học".

"Nhật Bản ở đâu?".

"Là một quốc đảo ngoài biển, không tìm được đâu. Sư phụ em ở đó, bây giờ cũng không gặp được. Có lúc em nghĩ, qua nhiều năm như vậy, giờ đây tất cả giống như một giấc mơ. Chàng có tin là có thần linh không? Thiếp kể cho chàng nghe chuyện một vị thần trong truyền thuyết nhé?".

A La cười hồn nhiên, co người, dựa vào lòng Lưu Giác: "Vị thần đó gọi là Thượng đế, mọi chúng sinh đều là con của Người, thần dân của Người. Người tạo ra loài người, những người này có kẻ làm vua, có kẻ bán hàng, có kẻ là binh lính, thân phận của mỗi người trong thế gian rất khác nhau. Có lần, một người phẫn nộ hỏi Thượng đế, tại sao lại phân biệt như thế? Tại sao có người suốt đời hưởng thụ giàu sang phú quý, cuộc sống bình yên, còn tôi quanh năm vất vả, lăn lộn mưu sinh? Thượng đế từ bi nói: "Phú quý sang hèn đều là phù vân, ta ban cho các con mỗi người có tư tưởng, có linh hồn. Khi sinh mệnh trên đời của các con kết thúc, khi linh hồn các con đứng trước ta, tất cả đều bình đẳng như nhau, ta coi các con như nhau".

"Hiểu rồi, ý nàng nói giữa người với người kỳ thực đều bình đẳng, chỉ có điều thân phận khác nhau mà thôi?". Lưu Giác nói thản nhiên.

"Chàng thông minh lắm!". A La lòng như nở hoa, không ngờ Lưu Giác lại hiểu biết như vậy, vừa nói đã thông.

"Được, vậy nàng cứ đợi sinh mệnh ở đời này kết thúc hãy nói chuyện bình đẳng. Bây giờ, ở Ninh quốc Ninh vương vẫn là chủ, ở phủ tướng quân ta là chủ!". Mắt lóe lên ánh nhìn ranh mãnh, Lưu Giác nhẹ nhàng ôm A La, bụng nghĩ, muốn bình đẳng, sao có thể?

A La cúi đầu ủ rũ, người ở đây tư tưởng phong kiến thâm căn cố đế, không thể cải tạo. Có điều, cũng phải tìm cách gì có lợi cho mình chứ? Nàng lấy lại tinh thần, nói tiếp: "Truyền thuyết kể rằng, ở một đất nước, mọi gia đình đều phải tuân theo chế độ một vợ một chồng. Nếu người chồng vụng trộm với người đàn bà khác ở bên ngoài, theo hình pháp bị xử phạt một trăm roi và bị bôi đen lên mặt. Nếu người chồng cưới thêm vợ khác về nhà, sẽ bị khép vào tội đa thê tống giam vào ngục, như Lý tướng... cha của em đó, đủ để ngồi tù mười mấy năm".

"Ô? Đàn ông ở đó chẳng phải quá đáng thương hay sao? Nếu lấy một người vợ không thể sinh con trai, mà mình lại không yêu, cũng không thể nạp thiếp sao?". Lưu Giác lắc đầu, cảm thấy không thể tin được. Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

"Có thể ly hôn! Nghĩa là đàn ông có thể bỏ vợ, người phụ nữ nếu không hài lòng có thể bỏ chồng, đi tìm người mình yêu".

"Làm gì có chuyện đó! Ai nhồi vào đầu nàng những thứ xằng bậy như thế?". Lưu Giác bực mình, lấy chàng mà vẫn không hài lòng, không vui, muốn bỏ chồng? Hừ! Chàng bỗng nghiêm giọng: "Ta muốn cưới tất sẽ cưới người ta yêu, cả đời không xa lìa!". Chàng véo mũi A La cười: "Không ngờ nàng là người bảo vệ những phận nữ nhi".

A La hoàn toàn tiêu tan ý tẩy não cho anh chàng, nên nàng cũng nghiêm giọng: "Nếu cưới thiếp, chàng chỉ được có một mình thiếp, nếu chàng nạp thiếp, thiếp sẽ bỏ đi để cho chàng toại nguyện!".

Lưu Giác nhìn nàng nói: "Cho nên nàng không muốn ở bên Tử Ly phải không?".

A La ngây người, đứng dậy đi đến bên cửa sổ. Tử Ly... Tử Ly với nụ cười bất biến trên môi, nhưng nét mặt đượm buồn, Tử Ly đứng ngoài tướng phủ thổi những khúc tiêu da diết, Tử Ly say mê cùng nàng cưỡi ngựa bay như cơn lốc trên thảo nguyên... nàng lại thở dài.

Nhìn bóng dáng mảnh dẻ thở dài trước mặt, trong lòng nàng ấy cũng có Tử Ly ư ? Lưu Giác nhảy từ giường xuống, ôm chặt A La, nghe thấy nàng khẽ hát: "Thuở thiếu thời chàng thích nói vui, thiếp thơ ngây thích hát hay cười, bao ước mộng theo thiếp vào giấc ngủ, cánh hoa rơi tan tác giấc thần tiên...". A La cúi đầu, "Tử Ly và thiếp gặp nhau không đúng lúc, cuối cùng vô duyên".

Thì ra còn có một nỗi đau mang tên đố kỵ. Chàng hận sao nàng không sinh ra ở chốn thâm sơn, không quen ai mà chỉ biết mỗi chàng. Lòng chàng dồn dập từng cơn sóng, giơ tay nâng cằm A La, nhìn vào đôi mắt lung linh ánh nước, nhìn mãi nhìn mãi, đến khi đôi đồng tử đó chỉ in mỗi bóng chàng, mới nhè nhẹ thở một hơi dài, tim lại đập xốn xang, một tay che mắt A La rồi ghé môi hôn.

Mùi hương nhàn nhạt vấn vương nơi đầu lưỡi, A La đầu hơi ngửa ra sau, chàng ép tới, nhìn hàng mi dài thảng thốt, run run, má dậy hồng. Chàng xúc động nhấc bổng nàng, tung lên cao, A La nhắm mắt, cảm giác mất trọng lượng khiến nàng hoảng sợ, hét to, rơi vào đôi cánh tay chắc rắn của chàng. Lưu Giác tung lần nữa, sau mấy lần như vậy, chàng sung sướng cười ngất.

A La ôm chặt cổ chàng phẫn nộ: "Thì ra vết thương của chàng đã khỏi hẳn rồi!".

"Thì ra lòng nàng nghĩ một đằng miệng nói một nẻo! Ha ha, A La của ta! Của ta!". Chàng cười vang.

A La vùi đầu vào ngực chàng nói: "Mẹ thiếp muốn đi tu, thiếp không nỡ. Mẹ sẽ không trở về tướng phủ, thiếp cũng không muốn, Chàng không được đưa thiếp trở về!".

Lưu Giác đặt nàng xuống, nói nghiêm túc: "A La, trước sau nàng vẫn là tam tiểu thư của tướng phủ, không thể vô danh vô phận đi theo ta. Nàng muốn lấy ta nhất định phải đường hoàng từ tướng phủ gả cho ta".

"Nếu như chàng cưới Trình Tinh, không phải tam tiểu thư của tướng phủ?".

"Người đính hôn với ta là tam tiểu thư tướng phủ, ngay từ khi ta cầu hôn, An Thanh vương phủ coi như đã thông gia với Lý tướng. Cuối cùng nàng vẫn phải trở về Phong thành, không thể né tránh".

"Ở Lâm Nam không được sao? Cách xa Phong thành, cách xa vương cung và triều đình". Lưu Giác nhìn sâu vào mắt A La, nàng sợ trở về Phong thành, trước sau A La vẫn chưa hoàn toàn tin mình, A La hoài nghi mình không bảo vệ được nàng hay sao? "A La, nàng phải biết, ta là Bình Nam tướng quân của Ninh quốc, là tiểu vương gia của An Thanh vương phủ, cháu ruột của Ninh vương, anh em họ của thái tử và tứ hoàng tử. Có một số chuyện không thể làm theo ý mình, ta có bổn phận của ta. Nếu ta từ bỏ tất cả cùng nàng cao chạy xa bay, chưa nói Ninh quốc sẽ thế nào, các nước khác cũng coi là cơ hội, nếu họ cử cao thủ bắt ta, một hoàng thân của Ninh quốc cho dù không uy hiếp được cả vương quốc cũng có thể hạ nhục hoàng thất Ninh quốc. Hơn nữa, nàng cũng không còn lựa chọn nào khác, cho dù ta không lấy nàng, về danh phận nàng đã là thê tử có hôn ước của Lưu Giác này". Chàng nhẹ nhàng phân tích mọi chuyện. "Nay vương thượng đã nghỉ triều hai tháng, bão táp ở Phong thành sắp nổi lên, hươu chết trong tay ai cũng chưa nói được, thắng làm vua thua làm giặc là chuyện thường tình. Khi vương thượng băng hà, cũng là lúc ta đưa quân trở về Phong thành".

A La ngây người, nếu theo Lưu Giác, chắc chắn sau này nàng sẽ bị cuốn vào những cuộc đấu đá tranh giành. Nàng lắc đầu một cách vô thức, Lưu Giác giữ chặt đầu nàng không cho lắc: "Ta hiểu, nàng rất ghét cuộc sống đó, nhưng đừng nghĩ tới chuyện bỏ trốn, sao có thể trốn được? Cho dù trốn khỏi đây cũng sẽ rơi vào tay nước khác nàng bảo ta phải làm thế nào? Theo ta, A La nàng chỉ cần theo ta".

Lúc này A La cảm thấy rất mệt mỏi. Nàng có thể theo chàng, cùng sống bên chàng, nhưng cứ nghĩ đến những người ở tướng phủ và cung đình Ninh quốc, nỗi mệt mỏi chán ngán từ trong tiềm thức lại trào lên. Nàng nói nhỏ: "Chàng có biết, trong bữa tiệc ở Đông cung hồi đó tại sao ngón tay Thanh Lôi bị thương không? Bởi vì khúc "Thu thủy" ở Đào hoa yến là do thiếp chơi. Chỉ vì một khúc đàn mà gây ra sóng gió như vậy, kết quả khiến thái tử phi được lợi. Vương Yến Hồi đúng là một nhân tài".

Lưu Giác sững người: "Cho nên nàng mới không chơi đàn nữa, cho dù ta nói thế nào nàng cũng không chịu, trong dạ yến ở Đông cung bất đắc dĩ mới đánh khúc "Quảng lăng tán". Tử Ly có biết không?".

A La lắc đầu: "Một tỳ nữ ở tướng phủ biết chuyện thì đã biến mất rồi. Thiếp rất sợ, nếu không học thổi sáo, e là phụ thân đại nhân kia sẽ phế bàn tay của thiếp để trừ hậu họa. Chàng không nên đưa thiếp quay về, quả thật thiếp rất sợ!".

Lưu Giác cầm bàn tay A La lên, những ngón tay thon dài, lòng bàn tay hơi thô do luyện công. Đôi tay này chơi khúc "Thu thủy" nức tiếng Phong thành, tác thành một vị lương đệ của thái tử. Đôi tay này tạo ra tiếng sáo làm động lòng Ly Thân vương. Chàng nhẹ nhàng vuốt ve những ngón tay đó, đưa lên miệng hôn: "Ta biết rồi".

Chưa đầy mấy ngày sau, Phong thành cho ngựa cấp tốc truyền thánh chỉ của Ninh vương. Thành Lâm Nam đại thắng quân Trần, tin vui bay đến kinh thành, Ninh vương phong cho Lưu Giác làm Bình Nam vương, Cố Thiên Tường là Trung Dũng nhất đẳng công, lại nghe nói đã tìm thấy tam tiểu thư của tướng phủ, liền ban xe kiệu đón về kinh thành. Cùng đến với thánh chỉ còn có mấy gia tướng của Lý phủ.

Trong dạ tiệc ở phủ tướng quân, Lưu Giác hỏi quan khâm sai truyền thánh chỉ về tình hình Phong thành, quan khâm sai nói: "Lão vương gia nhắn lời đến tiểu vương gia, nguyên văn là: "Thăng quan, phong vương lần nữa cũng vẫn là con trai lão phu. Lão phu nói phải nghe".

Mọi người trong phủ cúi đầu cười, Lưu Giác đỏ mặt, lòng chàng sáng như gương, xem ra chỉ có thể để A La một mình quay trở về Phong thành. A La... Lưu Giác lại đau đầu. A La xưa nay không ưa Phong thành, biết nói với nàng thế nào đây?

Tiếng cười nói ồn ào của quan khâm sai và đám tùy tùng trước sân truyền qua lớp lớp sân tường, tan dần trong không trung. Gian phòng nhỏ ở hậu viên của tướng phủ sáng ánh nến, không khí vô cùng tĩnh mịch. Thất phu nhân toàn thân vận áo xanh, xõa tóc ngồi trước gương. Năm tháng đã để lại những dấu ấn lờ mờ trên mặt bà, nhưng dung nhan không hề suy giảm. Bà bỗng mỉm cười, giống như đóa hoa trắng trên núi rùng mình bừng nở, kết tụ mọi thanh khí của linh sơn, kiều mỵ dịu dàng và yếu ớt. Khuôn mặt thất phu nhân chợt lay động bởi nụ cười, bà dịu dàng cất tiếng: "Trông hai người kìa, đây là chuyện tốt, có gì phải khóc!".

Tiểu Ngọc thận trọng chải mớ tóc dài của thất phu nhân, nghe vậy không kìm được nữa, quẳng chiếc lược bật khóc: "Phu nhân, sao phu nhân đành lòng...!".

Không đành cũng phải đành! Thất phu nhân nói: "Đức Phật đã dạy có mất mới có được, ta nghĩ, sống ở chỗ vú Trương, tự do tự tại, lại còn có Hổ Tử láu lỉnh đáng yêu cũng không buồn". Không phải xuất gia mới có thể tu hành, nhưng nếu ba ngàn sợi tơ xanh này mà không cắt, Lý tướng sao có thể cho qua? Chỉ cần không phải quay về bốn bức tường kín mít của Đường viên tướng phủ, suốt ngày đối diện với đám người đáng ghét, cắt đi mái tóc có gì quan trọng? Duy nhất không đành là A La. Mười bảy năm nay nàng chưa hề xa bà, con đường về sau đành để nàng đi một mình.

Thất phu nhân cười dịu dàng, kiên định. Âm thanh dịu dàng này trong mỗi ngày mười năm qua sẽ mãi vang bên tai A La: "Tam Nhi đói chưa... Tam Nhi, mẹ dạy con đánh đàn, âm này lướt nhẹ một chút...". Thanh âm cuối cùng từ phím đàn vang vọng mãi không tan. Xua đi những ý nghĩ đau buồn. Chỉ là cắt tóc, chuyện nhỏ mà! A La cầm cây kéo lên, tự nói với mình, không thể giả chết, làm ni cô là cách tốt nhất. Nàng trầm ngâm vuốt những sợi tóc đen thanh mảnh của thất phu nhân, ngắm nhìn, tay cầm kéo.

Tiểu Ngọc lao đến giữ chặt tay nàng: "Tiểu thư...".

"Bỏ ra! Không còn thời gian nữa!". A La nói, đã là sự lựa chọn tốt nhất, do dự nữa chỉ là sự yếu đuối đàn bà. Thị vệ của Lý tướng đã đến Lâm Nam cùng với quan khâm sai. Nàng, thất phu nhân và Tiểu Ngọc xuất hiện ở Lâm Nam không còn là điều bí mật. Nếu chỉ mình nàng quay về, cho dù thoái hôn hay phải đối diện cũng sẽ đơn giản hơn nhiều. Thất phu nhân một khi đã quay về, vĩnh viễn đừng bao giờ nghĩ đến chuyện rời tướng phủ. Chỉ một câu nói êm ru của Lý tướng, không muốn xa thất phu nhân, thì cho dù Ninh vương cũng không tiện để thất phu nhân rời phủ, dẫu rời phủ bà vẫn mang danh là phu nhân Tả tướng. Chỉ có xuất gia, tuyên bố đoạn tuyệt hồng trần mới là cách tốt nhất.

A La dằn lòng cầm một nắm tóc, cắt xoẹt. Ngơ ngẩn nhìn món tóc trên tay, nước mắt nàng ứa ra: "Mẹ, mẹ có đau không? A La xin lỗi".

Xưa nay đâu có nghĩ cắt tóc lại buồn đến thế, giống như cầm dao cắt vào da thịt thất phu nhân, tay nàng hơi run, tóc lại quá mềm, nhát kéo thứ hai nàng không cắt được. Nàng buồn vì phải cắt đi suối tóc này hay là buồn vì một quyết định bất lực như thế, A La cũng không biết.

"Ngốc quá, tóc làm gì biết đau. Mẹ rất thích, con cứ cắt đi!".

Phải, chỉ là tóc thôi mà, nếu có thể đổi lấy tự do cho mẹ, thì có là gì? Chỉ cần mẹ yên lòng, mình sẽ làm không cần đắn đo. Nàng nhắm mắt, gạt đi giọt nước mắt cuối cùng, khi mở ra, ánh mắt đã kiên cường như đá, nhanh chóng, gọn gàng từng lớp, từng lớp, nàng cắt hết mái tóc dài của thất phu nhân, sau đó dùng dao cạo lại cẩn thận.

A La cười: "Thì ra mẹ không có tóc vẫn rất đẹp! Lấy pháp hiệu là gì đây?".

Thất phu nhân cười: "Tất nhiên là Vong Trần".

Vong Trần ư? Hai người nhìn nhau cười. A La liếc nhìn những lọn tóc dài đen mướt trên bàn, mái tóc đẹp thế này mà làm bộ tóc giả, đội lên nhất định sẽ đẹp. Trong mắt nàng đã sáng lên nụ cười, như tia nắng mặt trời rọi vào tướng phủ yên tĩnh,"Mẹ à, mẹ cứ an tâm nghỉ ngơi, đợi con đến đón".

Bình Luận (0)
Comment