Gặp Nhau Là Duyên Phận

Chương 31

Khi tôi trở lại anh đã chọn xong đồ và chuẩn bị đi ra. Tôi nghiêm mặt căn dặn thêm lần nữa:

- Tuyệt đối không được tắm nước lạnh.

- Biết rồi.

Vẫn là âm điệu vịt đẹt do viêm họng làm thay đổi giọng. Tôi muốn cười nhưng không cười được. Tôi đứng ở cửa phòng đợi anh đi ra.

Hôm nay dường như anh điều chỉnh đôi nạng thấp hơn mọi ngày thì phải. Khi bước đi thân người anh cúi sâu về trước và xoạc chân rộng hơn bình thường. Có lẽ vừa trải qua cơn sốt làm anh thấy mệt, anh đi chậm hơn trước đó rất nhiều. Tuy từng nhịp bước không run rẫy nhưng tôi lại cảm thấy bước chân ấy quá mức chông chênh, không chắc chắn, cảm giác cứ như bất cứ lúc nào cũng có thể lăn ra hít đất vậy. Anh đi đã chậm lại còn bước dăm ba bước lại dừng một nhịp, anh di di đôi chân điều chỉnh lại tư thế rồi mới tiếp tục bước đi, rõ ràng sắp không điều khiển nổi chân mình. Nhìn vào dáng đi đó của anh tôi không biết tư vị trong lòng mình lúc ấy là gì nữa, một thứ cảm giác nao nao khó tả.

Không phải cố ý nhưng tôi đã đứng tần ngần ở cửa để nhìn anh bước từng bước chậm chạp về phía sau nhà. Tôi đứng khoanh tay để nhìn, tôi nhận ra dường như mình bị dáng đi đó của anh mê hoặc. Không, là bị thôi miên mới đúng, từng động tác của anh hằng sâu vào tâm trí của tôi. Và khoảnh khắc ấy, linh hồn của tôi chừng như bay theo từng nhịp bước của anh. Tôi nhắm mắt, ghi khắc hình ảnh ấy, nói đúng hơn tôi không dám tiếp tục nhìn. Tôi không cảm nhận được rõ ràng khi ấy mình đã nghĩ gì, chỉ nghe rất rõ tiếng lòng mình đang vang vọng:

“Mẹ ơi, bạn bè của tôi ơi, đồng nghiệp của tôi ơi, mọi người nói rất đúng, mọi người không sai, người sai là tôi. Khi mọi người nói nếu tôi lựa chọn anh tôi sẽ cực khổ vất vả, tôi không nên cãi chài cãi cối. Hôm nay tôi đã nhận ra rồi, dù không phải ngày nào cũng chịu đựng điều đó nhưng ít nhất cả quãng đường đời dài dằng dặc sau này sẽ có thêm nhiều ngày như ngày hôm nay. Mà tôi thì chỉ là cô bé quen được người ta chăm sóc, không quen chăm sóc cho người khác. Nếu chấp nhận anh, liệu tôi sẽ chịu đựng được bao lâu đây?”

Ngay lúc ấy chiếc điện thoại trong túi của tôi giãy giụa, nhạc chuông vang lên rền rĩ.

- Con nghe mẹ yêu ơi.

Đầu dây bên kia mẹ tôi càu nhàu:

“Tới nơi cũng không nói cho tao một tiếng! Làm chiều nay tao phải mua cái card nạp vô để gọi.”

Mẹ tôi là vậy đó. Mỗi lần tôi từ nhà đi đâu mẹ luôn buộc tôi phải gọi cho mẹ khi đến nơi, để bà biết tôi đến nơi được an toàn. Sau đó thì bà không quan tâm tôi nữa, tôi sống, chơi bời đến sứt đầu mẻ trán gì bà cũng không hỏi thêm tiếng nào nữa hết. Đúng là không thể hiểu nổi mà.

- Sáu giờ sáng con xuống tới nhà trọ rồi, an toàn tuyệt đối. À, mẹ…

“Gì?”

- Con xác định được rồi.

“Xác định cái gì?”

- Bạn đời.

“Thằng nhỏ đó sao?

- Phải, là anh ấy.

“Cái giọng đó là sao?”

- Con không sao, chỉ buồn ngủ sắp chết rồi. Con gái của mẹ đêm qua không ngủ đủ giấc, sáng phải thức sớm nên cả ngày nay ngồi làm việc cứ mơ mơ màng màng!

“Được rồi, ăn gì đi rồi ngủ!”

- Con biết rồi.

Mẹ tôi ngắt máy. Xác định rồi? Tôi đã từng không chắc nhưng sau khoảnh khắc tôi nhắm mắt định tĩnh tinh thần tôi nhận ra một điều: Trên thế gian này tồn tại thứ hạnh phúc mang tên đau khổ và có cả những nỗi đau mang tên cam tâm tình nguyện. Tôi hiện tại… cam tâm tình nguyện bước cùng anh, cho dù con đường đó chông gai, đầy rẫy khó khăn gian khổ. Một khi con người ta cam tâm tình nguyện thì cực khổ hay đau thương cũng có thể dễ dàng mỉm cười hạnh phúc.

Nghe có vẻ như miễn cưỡng quá phải không, ừ thì đúng vậy, bởi vì trong thâm tâm tôi vẫn còn tồn tại nỗi sợ hãi, tôi sợ mình không đủ sức gánh vác vai trò vợ thảo mẹ hiền. Tôi sợ một ngày nào đó tôi chịu đựng không nổi sẽ thay lòng đổi dạ. Bởi vì... tôi là chúa lật lọng.

Nói vui vậy thôi, thực chất, tôi đã nói về bản tính của mình rất nhiều lần rồi, nghĩ nghĩ nghĩ, do dự do dự, quyết định cuối cùng luôn sai lầm. Hiện tại tôi biết quyết định của mình có thể sai lầm, có thể sau này tôi sẽ buông tay nhưng ít nhất tôi sẽ là chỗ cho ai kia dựa vào một thời gian. Bởi vì năng lực sống một mình của ai kia hiện nay đang rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp, tôi thấy mình có trách nhiệm giúp ai kia cải tạo một chút… Không cần mạnh mẽ, nhưng ít nhất phải biết tự lượng sức mình, từ khi quen anh đến nay tôi cảm nhận được anh luôn làm những việc bán đứng sức khỏe và tính mạng chính mình.

Vũ, anh ngàn vạn lần đừng lên mạng tìm đọc những dòng tâm sự này của em, nếu có đọc cũng xem như em nói chơi đi nha. Em là thật lòng!

Sau khi định tĩnh tinh thần tôi bắt tay thu dọn phòng của anh, nói là thu dọn cho rườm rà một chút thật ra mở quạt công suất lớn và thay ga giường cho mùi nồng của giấm bay đi. Tôi không hiểu sao những tiểu thuyết ngôn tình của Trung luôn dùng giấm chua để biểu trưng cho ghen tức, với tôi giấm chua là thứ làm ra những món ngon nha, còn có thể chữa bệnh. Nên tôi vĩnh viễn không đồng nhất được hai hình ảnh đó lại với nhau.

Nghĩ lại tình cảnh lúc trưa đúng thật là dọa người. Tôi thu dọn xong sau đó ngồi đợi, nhưng đợi cũng không phải là cách bởi tôi biết anh vào nhà tắm rồi thì cả tiếng đồng hồ sau mới thò mặt trở ra… Tôi trước nay vốn dĩ cũng là một con rùa nên cũng chẳng có mặt mũi nào soi mói thời gian của kẻ khác, chỉ có điều tôi nói về anh bởi vì tôi không an tâm. Cũng không thể xông vào giám sát người ta tắm! Giám sát, ý nghĩ gì đây trời? Bỏ qua, bỏ qua, không nghĩ nữa…

Khi cánh cửa nhà tắm lạch cạch mở ra đã là chuyện của hơn ba mươi phút sau, hôm nay anh đúng là nhanh hơn mọi ngày một chút, có lẽ vì bị tôi ở ngoài cứ luôn miệng giục anh nhanh lên còn ra ăn cơm chiều… nói nào là hâm nóng đồ ăn hết rồi nếu không ra nhanh đồ ăn nguội lạnh thì anh phải hâm nóng lần nữa cho tôi. Thật ra nói cho có nói thôi, tôi cần nghe tiếng anh trả lời để xác định người bên trong không đột nhiên bất tỉnh nhân sự nữa.

Nên, lúc anh bước ra cũng là lúc tôi đang ngồi chéo nguẩy trên ghế, một tay cầm cái sạn xào nóng đồ ăn, một tay cầm cái khăn xoa xoa mái tóc đang ướt mem của mình. Tôi vừa tắm xong, nhà anh có đến hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh nên cho dù anh có ngủ luôn trong nhà tắm chuyên dụng của mình thì những thành viên khác vẫn có nơi để giải quyết vấn đề cá nhân.

Và điều quan trọng là tôi chưa hâm nóng xong đồ ăn. Còn vì sao tôi ngồi trên ghế, bởi vì bếp nhà anh vốn thiết kế để anh có thể vừa ngồi xe lăn vừa nấu nên nó thấp lè tè. Tôi không đủ kiên nhẫn để đứng khom lưng cả buổi, vừa đau lưng vừa mỏi chân, nên mỗi lần trưng dụng bếp nhà anh tôi đều tìm cái ghế thấp thấp để ngồi, bộ dáng sẽ trở nên cực kỳ nhàn nhã.

- Anh lại ghế ngồi một lát, em sắp xong rồi.

Anh rất nghe lời, lại ghế ngồi sau đó lấy cái khăn vốn được choàng ngang cổ ra lau tóc. Tôi đổ đồ xào ra dĩa rồi quăng nồi canh lên bếp để đó. Tôi đi đến cạnh anh cúi người ngửi ngửi. Anh nghiêng mặt tò mò nhìn tôi và hỏi:

- Sao vậy?

- Thơm.

Tôi cười vô hại! À, chính xác là vô lại! Anh mới tắm xong toàn thân tỏa ra mùi trà nồng đậm khiến tôi phát nghiện. Có chuyện này dường như tôi chưa nói cho các bạn biết, tôi nghiện mùi trà. Tôi có thể không uống trà mỗi ngày nhưng uống thì phải pha trà đậm, như vậy vị chát đắng mới đậm đà và mùi hương của trà mới nồng được. Tôi thích nhắm mắt ngửi đến khi trà nguội mới uống, ý vị cuộc đời của tôi đơn giản lắm, trà là một trong những đam mê. Và lúc này cơ thể anh lại đang tỏa ra mùi vị mà tôi luôn say mê nên tôi không ngần ngại sáp vô điên cuồng ngửi. Mọi động tác của anh lập tức dừng lại, có lẽ anh ngạc nhiên trước hành động của tôi.

- Để em giúp anh.

Tôi tước đoạt cái khăn anh đang cầm trên tay để tiếp tục lau tóc cho anh.

- Nhà anh có máy sấy tóc không?

- Không có.

- Mai mốt mua một cái.

- Ừ.

Tôi trước nay không cần máy sấy tóc nhưng anh thì khác, anh kỵ nước nên để đỉnh đầu ẩm ướt lâu cũng không phải chuyện tốt lành gì. Tôi dùng khăn xoa xoa lên tóc anh, mùi thơm của dầu gội đầu lan tỏa hòa quyện vào mùi trà và mùi sữa tắm khiến tôi say. Tôi choàng tay qua ôm lấy người anh, nhắm mắt hít một hơi thật sâu và cảm thụ…

- Anh thật là thơm.

Tôi nghe thấy tiếng anh khịt mũi, có lẽ anh cảm thấy tôi hôm nay thật buồn cười. Mặc kệ, tôi vẫn cứ ôm lấy anh và ngửi…

"Ục… ục…"

Âm thanh đánh thức tôi khỏi cảm giác đê mê.

- Á, nồi canh…

Nồi canh bị nóng sôi đến sắp bật cả nắp lên… Tôi nhào lại, mở nắp nồi, tắt lửa.

Sau đó chúng tôi ngồi cạnh nhau ăn cơm, đây là những món ăn ban sáng anh nấu để cúng giỗ cha mẹ của mình. Anh nấu ăn quả không tệ, trong nồi kho còn bỏ thêm ớt. Tôi gắp miếng ớt lên nhìn đến lé mắt, một trái ớt cắt hai bỏ vào ai ăn cho được hả trời.

- Em không ăn được ớt hả?

Tôi vứt miếng ớt vào sọt rác rồi cười nói:

- Thật ra không phải không ăn được nhưng mà nhìn hoành tráng như vậy không dám bỏ vào miệng để nhai. Nên càng không thể cầm nguyên trái lên để cắn như thiên hạ. Nhưng mà nếu bầm nhuyễn hay đâm nát rồi thì bao nhiêu em cũng xơi tuốt hết.

- Vậy là bị tâm lý ảnh hưởng.

- Ừm.

Tôi gật đầu. Gắp miếng thịt kho ăn ngon lành, mặt không biến sắc trước vị ớt cay nồng đó. Những gì tôi nói là thật, tôi ăn cay rất được chỉ không dám nhìn. Nếu ra mua đồ ăn trên đường người bán hỏi để ớt hay không tôi sẽ theo quán tính trả lời là không, nhưng nếu ai lỡ tay bỏ vô luôn thì tôi vô tư xơi tái hết. Tôi nói ra điều này không phải để khoe tài ăn uống của mình mà giới thiệu một chút về bản thân, tôi là con người hai mặt vậy đó, đôi khi tôi không thích mình như vậy nhưng tôi không sửa được tính cách chính mình.

Không biết có phải anh nấu ăn ngon hơn tôi hay bản thân tôi đang bị đói nhưng bữa ăn chiều hôm đó là bữa ăn ngon nhất trong suốt một năm qua của tôi. Cơm nước xong tôi đuổi ai kia về phòng, tự mình giành hết việc để có thể vừa làm việc vừa nghĩ linh tinh. Có ai muốn biết tôi nghĩ gì hay không? Tôi nghĩ về những gì vừa mới xảy ra, sắp xếp chúng để viết thành tiểu thuyết!

- Nga...

- Dạ.

Tiếng gọi làm tôi bừng tỉnh, tôi ghé mắt nhìn theo anh xem có chuyện gì.

- Nghe điện thoại giúp anh.

Tôi ấy, trước giờ luôn rất ngoan, ai kêu làm gì liền làm cái đó, nói thẳng ra là tiếp thu mệnh lệnh nhanh mà chậm hiểu. Đôi khi nhận lệnh, chuẩn bị thực hiện mới chợt nhận ra việc đó mình làm không được nên cứ gặp tình trạng cuối cùng lật lọng bỏ ngang, bàn giao... Tôi hiện tại co giò chạy vào phòng anh để lấy điện thoại, vì anh có bệnh giật mình nên chuông điện thoại rất nhỏ, ở xa sẽ không thể nghe, không để ý cũng sẽ không nhận ra.

Khi tôi cầm điện thoại lên tay cuộc gọi mới vừa rồi cũng vừa kết thúc, màn hình hiển thị có hai mươi ba cuộc gọi nhỡ. Tôi cầm lên và ngẩn người, cuộc gọi mới đang bắt đầu, bắt máy hay không bắt máy, tôi lựa chọn quay ra cửa đưa cho cái người đang thảnh thơi đi bước nhỏ ngoài kia.

- Là của Phong!

- Em nghe đi. Nói với nó anh không sao.

- Sao anh không nghe?

- Nó nghe giọng anh nhất định đoán được anh bị bệnh.

- Bệnh thì nói bệnh, giấu cái gì? Anh ta cũng không phải không biết anh thường xuyên bị bệnh...

Lúc ấy cuộc gọi lại kết thúc.

- Em giúp anh kiểm tra xem bao nhiêu cuộc gọi nhỡ, là của ai gọi.

Tôi mở điện thoại nhìn vào, một mớ lộn xộn.

- Chín cuộc gọi mới nhất của Phong, năm cuộc gọi của Tiến, bốn cuộc của… cái gì mà tên toàn dấu chấm... còn lại số lạ không tên.

Lại cuộc gọi mới hiển thị trên màn hình, tôi đưa sang cho anh. Anh lắc đầu.

- Em nghe đi.

- Nói thế nào?

- Anh không sao.

Tôi cau mày:

- Không sao mới lạ đó!

- Thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện. Mấy đứa trong cửa hàng gọi anh không được nên gọi cho Phong. Cứ nói anh không sao để mọi người đừng lo lắng.

Tôi nũng nịu:

- Em không quen nói dối, lỡ bị lộ thì sao?

- Nếu em muốn cả đám người lạ xông vô nhà anh xác minh sự thật thì muốn nói sao cứ nói.

Á, cái gì? Sẽ có người xông vào kiểm tra sức khỏe anh nếu cuộc điện thoại này tôi nói không trôi sao? Đó có thể là những ai, tôi không đủ can đảm cùng lúc tiếp nhận nhiều ánh mắt soi mói và nhiều câu hỏi hạch sách đâu nha.

- Đợi chút, chìa khóa nhà anh ngoài em và Phong vẫn có người khác giữ sao?

- Ừ. Trước nay Phong hay đi đi về về nên chìa khóa nhà giao cho đứa em bà con xa, nó tên Tiến, là Mr.Tiên trong game ấy. Nếu anh có chuyện lúc Phong không ở đây, Tiến sẽ đến giúp anh.

Tôi nghệch mặt ra rồi. Không hiểu sao nghe xong tôi cảm thấy có chút bực bội.

- Cả sáng gọi không được không ai chạy đến, giờ tự dưng chạy đến sao, nếu không phải em đến kịp thì không phải đến để hốt xác người à?

- Là mấy đứa đó không biết lần này nghiêm trọng, chỉ nghĩ lúc mưa anh ngủ nên không nghe máy thôi. Còn chiều nay không mưa mà gọi mãi không nghe máy mới là vấn đề...

- À...

Tôi còn đang do dự chưa nhận cuộc gọi thì cuộc gọi kết thúc cuộc gọi mới cũng cùng lúc bắt đầu. Vừa nhìn vào tôi xém chút quăng luôn điện thoại, tôi run giọng thông báo:

- Cậu út anh gọi!

- Là Phong đó, em nghe máy đi. Nếu em không nghe máy, lát nữa vợ chồng thằng Tiến sẽ chạy đến đây đó.

Cái gì? Không phải chứ... 

- Em sẽ mở loa.

Nói xong vuốt điện thoại nhận cuộc gọi. Tôi chưa kịp nói gì thì đầu dây bên kia Phong xổ một tràng:

"Anh hai, có làm sao không, sao đến bây giờ mới nghe máy. Chiều nay trên ấy trời không mưa tại sao không nhận cuộc gọi của mấy đứa. Thằng Tiến đang bận không chạy qua ngay được nên gọi cho em. Anh có sao không, nếu không ổn em kêu vợ nó đóng cửa nhà chạy qua xem anh thế nào..."

Sau đó là khoảng lặng, tôi nhìn anh, anh nhìn tôi. Phong im lặng chờ đợi nhưng không nhận được tiếng trả lời thì có vẻ lo lắng gọi dồn:

"Anh hai, anh hai..."

Anh nhìn tôi khẽ hất mặt ý bảo tôi lên tiếng. Nói cái gì, nói cái gì, nói cái gì... đầu tôi cứ chạy rần rần.

- Không cần lo. Anh hai của anh không sao.

"Ủa, chị dâu hả? Anh hai của em thế nào rồi, cả chiều em gọi sao không ai nghe máy, chị dâu đang ở nhà của anh hai em hả..."

Tôi nhìn anh ý hỏi nói thế nào, anh đưa tay lên miệng khẽ suỵt. Tôi nghe trong điện thoại có giọng nam trung trầm ổn nhưng có chút không rõ ràng hỏi vào:

"Nó thế nào? Con kêu ai là chị dâu đó?"

Tôi thấy Vũ gấp gáp ra dấu kêu tôi trả lời thì vội nói:

- Hôm nay ngày giỗ nên anh ấy bận không nghe máy được, anh ấy không sao.

"Anh hai của em đâu, chị cho em nói chuyện với anh ấy một chút!"

Tôi đưa qua cho anh, anh lắc đầu, tôi bất đắc dĩ nói:

- Anh ấy đang tắm, có gì tối em kêu ảnh gọi lại cho anh.

Sau đó tôi ngắt máy, thở phào một hơi. Đúng là hại người mà, chẳng biết người kia là ai nữa, tôi đoán là cậu anh, tôi đã nói dối trắng trợn, còn nữa, tôi vừa bị Phong gọi là chị dâu trước mặt người đó nữa.

- Đó là cậu anh, hiện giờ lúc rảnh Phong túc trực bên ông ấy. Bệnh của ông ấy tuy không nghiêm trọng nhưng cũng không nên để thần kinh lo lắng căng thẳng thêm.

- Nhưng anh không lên tiếng, làm sao mấy người đó biết anh thật sự không sao mà yên tâm?

- Anh tự có cách.

Tôi nén tiếng thở dài, anh nghĩ cho người khác như vậy liệu người khác có lo nghĩ cho anh hay không? Tôi bỏ điện thoại vào túi áo của anh rồi trở ra nhà sau tiếp tục dọn cho xong bãi chiến trường đầy chén dĩa.

(hết chương)
Bình Luận (0)
Comment