Edit: Quanh
Beta: Nhược Vy
Phủ đệ cách hoàng cung không xa, chỉ cần đi thêm một đoạn nữa là tới phố xá náo nhiệt.
Lúc này sắc trời còn sớm, hoa đăng treo cao hai bên đường, người tới ngắm đèn vẫn chưa đông. Đêm nay quan phủ nghiêm cấm không được đi xe ngựa trên phố, nữ quyến chỉ ngồi kiệu nhỏ, đầu tiên là lên phố Chu Tước xem kiệu hoa, sau đó khi trời tối, lên thuyền xem hoa đăng, vừa ngắm cảnh sông nước vừa ngắm trăng, đây là kế hoạch đã được ước định từ trước.
Lệnh Dung ngồi trên kiệu mềm, đi theo sau Dương thị, nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, hai bên đường treo các loại đèn màu kì lạ, tinh xảo đẹp mắt.
Lúc tới phố Chu Tước, chỉ thấy ở đây đã rất đông đúc, có rất nhiều đố đèn [1] được treo lên, trở nên rộn ràng nhốn nháo. Dương thị là người ít nói, không quen nhìn cảnh náo nhiệt như vậy, đành bảo người hầu đi trước mở đường, bà cùng mọi người đi vào Huy Minh lâu, tiểu nhị cung kính dẫn mọi người lên nhã gian tầng ba.
[1] Đố đèn: Một trò chơi truyền thống của Trung Quốc, các câu đố dán trên lồng đèn, treo trên dây hoặc dán trên tường.
Tầng ba cũng có đố đèn, vì ít người lên nhã gian, vậy nên có luật lệ: ai đoán trúng đố đèn mới có thể đi lên, bởi vậy quanh đây rất yên ắng.
Hàn Dao hiếu động, thừa dịp ít người rủ Lệnh Dung chơi đố đèn, Đường Giải Ưu cũng thuận đường đi theo.
Mấy chiếc đố đèn ở xung quanh rất dễ, ba người hiệp lực đoán trúng, nhưng lúc lên cao, lại gặp một chiếc đố đèn rất khó.
Chiếc đố đèn này được làm lịch sự tao nhã, bên trên vẽ một bức tranh, núi cao trăng sáng, ở giữa có một dòng suối nhỏ, cạnh dòng suối là rừng cây thưa thớt, nhìn kĩ có thể thấy suối nguồn ở trên núi, tĩnh mịch thanh u. Bên cạnh có dòng chữ cứng cáp khí khái, viết hai câu thơ "Viễn thụ sơ lâm nhiêu họa ý/ Cao sơn lưu thủy túc tương tư". Đáp án chỉ có một chữ.
Bức tranh vẽ rất đẹp, chỉ vài nét bút mà có thể họa được cảnh núi cao rừng sâu, lại thêm dòng suối tươi mát, giống như "vẽ rồng điểm mắt" [2].
Lệnh Dung nghĩ hồi lâu, lại nhìn sang Hàn Dao, cả hai người đều vô cùng mờ mịt, bỗng có người gọi nàng, Lệnh Dung quay đầu lại, hóa ra là Cao Tu Viễn.
Hắn vẫn dịu dàng như ngọc, thanh nhã như trước.
"Cao công tử...." Lệnh Dung kinh ngạc, "Ngài cũng tới đoán đố đèn sao?"
"Đố đèn này là tại hạ nghĩ ra. Nếu thiếu phu nhân đoán được, hãy viết đáp án xuống đây." Cao Tu Viễn mỉm cười, mặc dù không biết Hàn Dao và Đường Giải Ưu, nhưng hắn cũng ân cần chào hỏi.
Lệnh Dung cũng cười, nhìn Cao Tu Viễn, rồi lại nhìn bức họa kia, một lát sau đã nghĩ ra.
Dưới đố đèn có chiếc bàn nhỏ, trên bàn có bút lông và mực, nàng viết xuống đáp án.
Cao Tu Viễn lại gần, khen lớn "Thật sáng tạo!". Sau đó hắn cúi xuống ngăn bàn, lấy ra một bức tranh, trục được làm bằng ngà voi, quấn trong khăn gấm, đưa cho Lệnh Dung, cười nói: "Thiếu phu nhân là người đầu tiên đoán trúng, dựa theo quy tắc, tại hạ tặng bức tranh này cho thiếu phu nhân."
Lệnh Dung mở ra, chính là bức họa trên chiếc đố đèn kia, nhưng bức tranh này vẽ sinh động hơn, bức tranh thủy mặc càng thêm sắc nét.
Nàng cười nói tạ ơn, Hàn Dao bỏ lỡ phần thưởng, nhưng nghĩ mãi không ra đáp án, đành phải hỏi nàng. Thấy bên ngoài bắt đầu đông người, nàng cùng nàng ấy lùi ra chỗ khác, nói: "Núi cao có rừng sâu, ngoài rừng có suối nhỏ, lại ở ngay dưới chân núi, chẳng phải đáp án chính là "Phong" hay sao? Có suối thì phải có gió, đây chính là ý nghĩa của bức tranh."
Giải thích như vậy, Hàn Dao giật mình, cầm lấy bức tranh, nhìn chằm chằm câu thơ "Cao sơn lưu thủy túc tương tư" kia, không nỡ buông tay.
"Thích bức họa này sao?" Lệnh Dung đã từng vào phòng Hàn Dao, biết nàng ấy hay tập võ rèn luyện thân thể, cũng thích tranh thủy mặc, thường hay giấu tranh trong phòng. Mặc dù Cao Tu Viễn còn trẻ, nhưng bức họa vẽ tinh tế tỉ mỉ, tuy không thể sánh với danh gia, nhưng cũng là bức tranh hiếm có. Thấy Hàn Dao say mê, Lệnh Dung buồn cười, "Tẩu tẩu tặng cho muội nhé?"
"Đa tạ tẩu tử!" Một tiếng này của Hàn Dao, phải nói là vô cùng ngọt.
. . .
Người trên phố Chu Tước đang ăn mừng nhảy múa, ngắm hoa mai trong trẻo xinh đẹp, ở Cẩm Y Vệ, lúc ra khỏi nhà lao, sắc mặt Hàn Chập lạnh lẽo.
Nhà lao được xây dựng chắc chắn, vách tường được mài bằng đá cứng, mỗi phòng giam chỉ có một cửa sổ nho nhỏ, trong nhà lao có cắm đuốc, đủ loại hình cụ được bày hai bên tường, mỗi lần đi vào, đều nghe được âm thanh kêu gào đáng sợ.
Nếu nơi này không âm trầm đáng sợ, những kẻ cứng cỏi sao có thể chịu khai?
Hắn nâng ống tay áo lên, lau đi chút vết máu dính trên người.
Phàn Hành đi sát bên cạnh, nói: "Bành Cương đã khai nhận tất cả, bên này cứ giao cho thuộc hạ là được, đại nhân yên tâm."
Hàn Chập vuốt cằm, "Mọi năm Hà Dương nộp rất ít thuế, hơn một nửa rơi vào tay Bùi Liệt và Bành Cương. Lấy bạc nuôi quân tư, tội mưu phản này bắt buộc phải tra rõ ràng, bọn chúng còn cướp bóc ruộng đất, ức hiếp dân chúng Hà Dương. Chuyện lớn chuyện nhỏ, tất cả đều phải tra, không được bỏ sót."
"Thuộc hạ đã rõ!"
Hàn Chập phất tay cho hắn lui xuống, thong thả ra khỏi Cẩm Y Vệ, sắc mặt hơi tối. Hoàng Đế ngu ngốc vô năng, chỉ biết hưởng lạc, thái giám lộng quyền, tham gia chính sự, gièm pha tham lợi, Tiết độ sứ địa phương lại làm theo ý mình, ngang ngược kiêu ngạo, cho dù thủ đoạn của tổ phụ có mạnh mẽ, cứng rắn, cũng không thể cứu vãn được cục diện. Nếu muốn tra rõ, vậy thì cường bá một phương, ai mà chưa từng ức hiếp bóc lột dân chúng, coi thường luật pháp?
Nghe nói phía Nam đã có lưu dân bắt đầu nổi dậy, giang sơn thái bình này, không biết còn bao lâu nữa sẽ sụp đổ.
Cẩm Y Vệ được canh gác cẩn mật, người ngoài không dám lại lần, hắn đi ra xa mới nghe được tiếng ca múa ăn mừng, là dân chúng đang đi ngắm đèn tết Nguyên tiêu. Trên đường có kiệu hoa, âm nhạc náo động, ca cơ xinh đẹp, đám thiếu niên quần áo lụa là sôi nổi truy đuổi, không ngừng hò hét.
Hắn quay về phủ, lại nghĩ tới cái gì, quay ngược lại đi về phố Chu Tước.
Người đi đường ăn mặc lộng lẫy, thiếu nữ vén váy mà đi, ánh đèn sáng như ngọc. Lúc đi tới Huy Minh lâu, trong ngoài ba tầng đều đông đúc, bởi vì khí chất lạnh lẽo, trên người lại mang kiếm, người bên ngoài đều tránh Hàn Chập, tự giác lùi ra một con đường, phía trước có người muốn chen, còn bị túm áo lại, nhắc nhở lui xuống.
Hàn Chập không mất nhiều sức lực đã lên tới tầng ba.
Lệnh Dung, Hàn Dao và Đường Giải Ưu chơi đố đèn xong liền quay trở về nhã gian, trúng được không ít phần thưởng, tất cả đều đặt trên bàn. Bên dưới có kiệu hoa đi qua, tất cả mọi người đứng cạnh cửa sổ xem náo nhiệt, chỉ có Hàn Dao đứng bên cạnh bàn, mải mê ngắm bức tranh của Cao Tu Viễn.
Hàn Chập đi vào nhìn thấy, thuận miệng hỏi: "Gì thế?"
Hàn Dao không nghe thấy, nhưng Đường Giải Ưu lại nghe được, quay đầu cười nói: "Là Cao công tử tặng tranh cho biểu tẩu." Thấy cửa nhã gian mở ra, nàng ta thuận tiên chỉ sang phía bên kia.
Lệnh Dung vốn đang nói chuyện với Dương thị, thấy Hàn Chập thì cười một tiếng, "Là phần thưởng đoán trúng chiếc đố đèn khó nhất, ta tặng nó cho Dao Dao."
Đêm nay nàng ăn mặc diễm lệ, tóc búi kiểu Thập Tự kế [3], ở giữa cài trâm vàng, hai bên tai đeo khuyên tai khắc hình hoa đinh hương, trên người mặc y phục mới tinh, thêu hình trăng non, phía dưới là phượng hoàng lửa đỏ rực, lớp áo mỏng manh bồng bềnh. Lúc quay đầu, trùng hợp một chiếc kiệu hoa đi qua, ánh đèn lóa mắt, hương thơm thanh nhã, nàng nở nụ cười dịu dàng, đôi mắt sáng ngời.
Mới qua tuổi cập kê, mặt mày đã đẹp như tranh vẽ, so với Tết Đoan Ngọ năm ngoái, lại thêm chút trưởng thành, xinh đẹp rạng rỡ.
Hàn Chập gật đầu, thấy Lệnh Dung và Dương thị nói chuyện, hắn liếc nhìn bức tranh kia, đúng là vẽ rất đẹp, còn quý giá hơn chiếc đố đèn đắt tiền nhất.
Hàn Chập hơi kinh ngạc, quay đầu nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy trong đám người, vị biểu chất của thái giám Điền Bảo kia đang đứng trước một chiếc đố đèn, cười nói với người ta, đố đèn bên cạnh hắn, giống hệt bức tranh thủy mặc Hàn Dao đang cầm.
Hắn thu hồi ánh mắt, nhìn sang câu thơ "Cao sơn lưu thủy túc tương tư", rồi lại nhìn Hàn Dao, âm thầm lắc đầu.
Đúng là tuổi trẻ.
Hắn đứng cạnh cửa sổ, cùng Dương thị ngắm kiệu hoa, bởi vì quá nhiều kiệu hoa, phố Chu Tước náo nhiệt hơn hẳn ngày thường. Đoàn người Dương thị khởi hành, đi ra cửa sau Huy Minh lâu, tới bờ sông Quảng Thông.
Thuyền để ngắm hoa đăng đã được chuẩn bị, đám vú già đỡ Dương thị và hai vị cô nương lên thuyền trước, Hàn Dao thấy hoa đăng hình con cá rất dễ thương, muốn quay lại chọn một con, mang về trong phủ ngắm.
Lệnh Dung vẫn chưa lên thuyền, thuận miệng hỏi: "Để tẩu chọn cho, biểu muội có đi không?"
"Muội không đi." Đường Giải Ưu cười xua tay.
Lệnh Dung đi tới hàng bán hoa đăng, Hàn Chập phải chờ nhà thuyền sắp xếp thuyền cho mình nên bảo Dương thị đi trước, hắn đi cùng Lệnh Dung. Dương thị chỉ ước phu thê hai người bám dính lấy nhau, kêu người chèo thuyền đi, còn bảo hắn nhớ thuê thuyền nào nhỏ chút.
. . .
Lệnh Dung chọn hoa đăng xong, quay đầu nhìn lại, thấy thuyền của Hàn gia đã đi mất, chỉ còn Hàn Chập đứng cách nàng hai, ba bước, môi mỏng khẽ nhếch.
Hoa đăng rải khắp bờ sông, có người thừa dịp náo nhiệt mà bắn pháo hoa, đám trẻ con reo hò vui mừng, mấy cô nương cười duyên. Pháo hoa làm nổi bật đèn màu rực rỡ, Lệnh Dung nghỉ chân một lát, thấy người càng ngày càng đông, nàng nhường đường, không để ý chạm vào người khác, nàng ngước đầu lên, ai ngờ là Hàn Chập. Hắn mặc xiêm y màu đen, cả người u ám, hắn đứng ở nơi đó, cao lớn vững chãi, cánh tay ôm lấy bả vai nàng, chế trụ nàng.
Lệnh Dung bị người ta đẩy, cả người mất đà, ngã vào lồng ngực của hắn.
Nàng nơm nớp ngẩng đầu, chỉ thấy đôi mắt bình thản của Hàn Chập, cũng không còn vẻ lạnh lùng như ngày thường.
Gió từ sông nhẹ thổi, trăng tròn tỏa sáng, ánh sáng từ hoa đăng chiếu vào mặt hắn, gương mặt nghiêm nghị.
Lệnh Dung sửng sốt một lát, sau đó mới thu hồi ánh mắt, nắm lấy hoa đăng hình con cá, "Phu quân, chàng muốn đi thuyền không?"
"Có." Hàn Chập dời mắt, nhìn nàng lên thuyền.
Mái chèo khua nước, rẽ sóng mà đi, hai bên là ánh đèn sáng lạn, hoa mai mờ ảo, gió đêm nhẹ nhàng thổi. Thuyền không lớn, hai người ngồi ở bên trong, cánh nhau khoảng hai thước, chăm chú nhìn hoa đăng hai bên sông, không ai mở miệng nói chuyện.
Lệnh Dung cầm lấy hoa đăng hình con cá, đặt lên hiên cửa sổ, cười nhẹ.
Dưới ánh đèn, bỗng nhiên Hàn Chập mở miệng, ra lệnh cho người hầu, "Lái qua bên phải."
Người hầu tuân lệnh, Lệnh Dung nghe vậy thì nhìn hắn, mặc dù bên phải bờ sông có hoa đăng, nhưng lại thưa thớt vắng vẻ, không náo nhiệt vui vẻ. Nàng có chút bất ngờ, "Mẫu thân và mọi người đang ở phía trước, sao lại qua đây làm gì?"
"Cứ qua đây trước đã." Hàn Chập không trả lời, cầm lấy tay nàng.
Lệnh Dung đành phải ngồi xuống, hai người chỉ cách nhau một khe hở, Hàn Chập ôm lấy bả vai nàng, cởi áo choàng của hắn ra, khoác trên vai nàng. Mặt hắn vẫn lạnh lùng như cũ, cả người lại căng cứng, thấp giọng dặn dò Lệnh Dung, "Đừng sợ, cứ ngắm hoa đăng như trước." Nói xong, hắn lại yêu cầu người hầu lái thuyền vào chỗ vắng vẽ.
Cứ như vậy, thuyền bè xung quanh càng ngày càng ít, người hầu giống như hiểu được ý của hắn, không cần nghe lệnh, tự rẽ thuyền mà đi.
Ánh đèn dần tối, gió đêm phớt qua nhưng lạnh lẽo, Lệnh Dung biết có chuyện không ổn, ôm chặt thân mình, hô hấp nhỏ nhẹ. Chợt có tiếng xé gió truyền đến, tiếng lưỡi kiếm vung lên, Hàn Chập cầm lấy chủy thủ, chặn lại ba mũi tên vừa phóng tới, có một mũi tên trúng vào thân thuyền, khiến con thuyền nghiêng ngả. Bên phải lại có tiếng xé gió, gió lạnh xộc thẳng vào chóp mũi Lệnh Dung, Hàn Chập vội chặn lại, con thuyền mất phương hướng, phía sau có người kêu lên, bùm một tiếng, rơi vào trong nước.
Lệnh Dung kinh hoàng, ôm chặt thắt lưng Hàn Chập, hắn nắm lấy nàng, vận khí bay lên trời, dừng ở nhà dân bên cạnh.
Liên tiếp có tiếng hô lớn, chợt nghe người hầu trên thuyền quát, "Chủ nhân, ngài mau đi đi!"
________
[2] Thành ngữ "Vẽ rồng điểm mắt" bắt nguồn từ cuốn "Lịch đại danh hoạ ký" (Ghi chép về những danh hoạ nổi tiếng trong các triều đại) do Trương Ngạn Viễn thời Đường soạn, trong đó viết: "Vũ đế coi trọng việc sửa sang chùa chiền, thường lệnh cho Tăng Dao vẽ trang trí. Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trên bức tường của Kim Lăng An Lạc Tự, ông không vẽ mắt. Ông thường nói: "Vẽ mắt rồng sẽ bay mất." Mọi người cho rằng lời nói của ông là hoang đường, vô căn cứ, nên kiên quyết thỉnh mời ông vẽ thêm mắt. Một lúc sau khi vẽ xong, sét đánh đổ tường, hai con rồng [được vẽ thêm mắt] cưỡi mây bay lên trời. Chỉ còn lại hai con rồng không vẽ mắt vẫn ở trên tường.
[3] Kiểu Thập Tự kế: