Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 22

Mặc dù nói sẽ bán được, nhưng ai cũng không nắm chắc, trời chưa sáng cả nhà đã dậy, quanh quẩn nhìn nương chuẩn bị. Mai lấy ba đòn bỏ vào rổ tre nhỏ mình tự mang, nương sẽ nhẹ một chút. Gió khuya hơi lạnh, nương bắt hai đứa mặc hai lần áo, quấn khăn, đội nón mới bước ra ngoài.

Trời còn tối, sao đã lặn, trăng hạ tuần khuyết màu vàng ệch treo lơ lửng trên bầu trời, không đủ sáng soi đường. Nương một tay xách giỏ, một tay nắm tay A Phúc đi trước, Mai bước theo sau. Đường đất nhấp nhô, nương nhắc mấy chỗ đất thấp mà mấy lần hụt chân xém té. Mùa khô nên có những khoảng đất thấp đã khô, có thể đi được, nếu mùa mưa thì chắc sẽ phải lội sình hoặc đi ghe mới đến chợ được. Nhà mình cần có ghe mới để thuận lợi đi lại. Muốn bán nhiều đường phải vào chợ Sông Lớn, đi chợ càng sớm hơn, không ghe thì không cách nào đến đó được.

Trời dần sáng, a Phúc chân nhỏ đã thấy mệt, nương dắt hai đứa ngồi nghỉ bên đường, lấy khoai nước mang theo ra ăn uống. Dân ở đây hay uống nước mưa trực tiếp trong lu, Mai viện cớ mình bệnh nên nhờ Cúc tỷ nấu nước cho mình uống. Sau đó cô tự nấu để nguội trong bình, bắt a Phúc uống. Lúc đầu hắn không thích, nói nước lạt, không mát như nước trong lu. Mai nói lang y bảo con nít uống nước nấu chín sẽ ít bệnh, nương nghe vậy thì dỗ dành hắn uống. Mỗi lần ra ngoài Mai đều mang theo bình nước nhỏ.

Trên đường đi qua hai ngôi làng có khoảng mười mấy mái nhà, gặp vài người cũng đi chợ. Mặt trời chưa lên nhưng ánh nắng đã chiếu sáng trên ngọn cây cao.

Chợ nằm ven sông Giang Thành, có mấy chiếc ghe đậu cập bờ, dọc theo bãi đất rộng là từng nhóm người đang mua bán.

- Mùa này sao có vịt trời? Hơi ốm, bán bao nhiêu?

- Nhà tẩu cuốc xong rồi à? Có khẩn thêm đất không?

Tiếng nói chuyện rôm rả, ở đây người ta nói chuyện rất lớn tiếng, chắc thói quen ngày thường nhà này nói vọng nhà kia phải nói lớn mới nghe được. Chợ không phải chỉ có đàn bà mà có đàn ông nữa. Có người ngồi trên ghe bán gạo đã được giã, lúa khô trong hai cái lu nhỏ. Có một người trung niên bán mấy con vịt trời, chắc là bẫy được.

Nương dắt hai đứa tìm chỗ trống,

- Ta bán ở đây được không?

Nương hỏi người đàn bà trung niên bán chiếu lát bên cạnh.

- Được, ngươi bày ra đi, bán cái gì?

- Đuờng thốt nốt nhà làm.

Mai để rổ nhỏ đang cầm xuống, tìm cục đất to kê lên. Nương định xếp mấy đòn khác lên nhưng Mai dằn lại, nói nhỏ trong tai nương. Mai lột một phần đầu để lộ ra màu vàng óng của đường, mùi thơm cũng lan ra.

Sắp xếp xong Mai nhìn hàng hoá bày bán xung quanh. Có đủ các loại từ thức ăn đến vật dụng trong nhà. Bên kia đường có sạp nhỏ bày rất nhiều chậu, nồi, lu bằng đất nung. Nhà này chắc có người ở lại chợ luôn, mấy món này nặng lại lớn đâu thể mang đi mang về theo chợ phiên được.

Bá mẫu bán chiếu bên cạnh nhìn mấy đòn đường rồi nhìn ba mẹ con cô như thương cảm.

- Nhà thím ở đâu, ta thấy hơi lạ mặt.

- Ta ở làng Đông Hồ, phía ngoài, mới dọn đến gần tuần trăng.

- À, đường này bán bao nhiêu?

- Một đòn này cỡ sáu lạng là mười văn.

Mai đứng bên cạnh thấy nương trả lời từng câu như thi vấn đáp cũng buồn cười, vậy sao bán hàng!

- Bá mẫu, mùa này đường rất ngon, ngọt hơn thơm hơn. Con cắt một miếng người dùng thử đi.

Miệng nói tay cô nhanh nhẹn lấy dao nhỏ cắt một góc đường đưa qua.

- Bá mẫu ăn thử, không mua không sao.

Người đàn bà này cũng ngạc nhiên thấy Mai nhanh tay vậy, không ngại ngần nếm thử. Thật ra Mai không biết nhiều vị đường thốt nốt, trước kia cũng ít ăn, nhưng cô nghĩ mùa khô cây thốt nốt hút ít nước ngọt trong đất nên nước thốt nốt sẽ đậm vị hơn, giống như trái cây mùa khô sẽ ngọt hơn mùa mưa.

Đoán mò vậy mà trúng, nếm thử vị của đường quả thật ngon ngọt trong miệng làm người ta thoả mãn.

- Ta mua một đòn a, sắp đến Tết Đoan Ngọ rồi, mua về để dành nấu chè cúng.

Nương bán, thu tiền còn Mai lại nghĩ đến Tết Đoan Ngọ (Tết Mùng năm tháng Năm), vậy có thể bán thêm nhiều rồi. Đúng như suy nghĩ của cô, mấy người khách khác cũng mua để dành nấu chè, bánh trôi nước cúng Tết Đoan Ngọ.

Ngày họp chợ ở đây theo con trăng, nước ròng nước lớn; cỡ năm ngày họp chợ một lần, những tháng thiếu là bốn ngày. Hôm nay là cuối tháng tư, mua đường về chuẩn bị cúng Tết từ từ là được.

Mặt trời vừa lên là lúc chợ đông nhất, ghe dưới sông, người trên bờ xôn xao. Nhà Mai bán được mười bảy đòn, đòn lúc đầu Mai cắt cho khách thử chỉ còn một nửa nên mang về nhà. Nương rất vui, nụ cười như xoá tan hết lo âu mệt nhọc, cô và a Phúc cũng vui vẻ theo.

Mai kéo nương ra một góc nói:

- Nương, mình mua thêm cái nồi nấu đường, vừa nhanh, bán được nhiều trước Tết Đoan Ngọ này, đi chợ Sông Lớn bán.

- Chợ Sông Lớn xa quá.

Cuối cùng Mai cũng thuyết phục được nương mua thêm cái nồi. Ba mẹ con vui vẻ đi về. Mấy hôm nay, nhà Mai dùng đường dư sau khi gói nấu chè, pha nước uống, a Phúc vui nhất nhà. Mai định làm xong cỏ ruộng, thư thả hơn sẽ cùng nương và Cúc tỷ làm mấy món mức, kẹo dành ăn vặt. Trong nhà toàn là con nít đang tuổi lớn cần ăn đủ chất.

Đến nhà vắng hoe, mọi người đã ra ruộng, nương cất tiền, nhìn mấy khối đường trên sạp tre không tránh được vui vẻ. Lúc khuya đi sớm, ăn ít giờ bụng đã đói, Mai và a Phúc dọn cơm ra sạp ăn nhanh rồi chạy ra ruộng.

A Phúc chạy trước, khoe khoang:

- Cha, bán hết đường rồi, có nhiều tiền lắm,

Ha ha, hắn còn nhỏ, còn không biết bán được bao nhiêu tiền. Cả nhà vui vẻ nói chuyện, Mai nhắc lại chuyện bàn với nương ở chợ. Cha lấy thêm nước của mấy cây thốt nốt gần bìa rừng, có hai nồi nấu đường nhanh hơn, không sợ không làm ruộng kịp. Việc bán đường ở chợ Sông Lớn ai cũng lo lắng, phải đi sớm, về nhà cũng trưa, mất cả ngày mà ngoài nương và cha thì mấy đứa nhỏ không thể đi một mình được.

- Hay là mang ra nhà nội bán đi?

- Ừ, được.

Cả nhà lập tức đồng ý, đến lúc ăn trưa thì đã bàn xong. Ngày mốt Bình ca, An ca sẽ mang theo đường ra biếu nhà nội và nhờ bán, lỡ bán không được thì để nhà nội ăn dần. Riêng chuyện cách lấy nước thốt nốt thì bàn tới bàn lui chỉ nói cho ông bà nội biết.

Tác giả: VRSS
Bình Luận (0)
Comment