Hai Đứa Trẻ Vô Tư

Chương 2

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Nhà của Nhiếp Duy Sơn ở ngay con hẻm phía sau, thật ra đó cũng không phải là nhà của hắn mà là nhà của chú ba hắn, vừa ra khỏi đầu hẻm thì đụng phải mặt em họ hắn là Nhiếp Dĩnh Vũ, đúng như đã dự đoán trước.

“Anh ơi, có phải Doãn Thiên Kết vừa về đúng không?” Nhiếp Dĩnh Vũ còn định đi vào trong hẻm.

Nhiếp Duy Sơn nắm lấy cổ áo của đối phương kéo ra ngoài, hắn vừa thấy Doãn Thiên Kết về đã vội rút lui chính là để cản Nhiếp Dĩnh Vũ. Nhiếp Dĩnh Vũ bị lôi đi một đoạn, cho đến trước cửa nhà mình mới tránh ra rồi nói: “Trên thế gian có trăm nghìn loại đau xót nhưng chỉ có yêu thầm là chua xót hơn cả, anh, anh không thương em quá rồi đấy.”

“Mày cũng đừng sỉ nhục yêu thầm.” Nhiếp Duy Sơn giơ chân cho một đạp, “Đời thuở nhà ai yêu thầm mà mỗi ngày đều đứng ở đầu hẻm nghe ngóng động tĩnh, xong rồi ngày nào cũng đến nhà người ta nói chuyện, bộ thân thiết lắm hả?”

Nhiếp Dĩnh Vũ có hơi xấu hổ, nói sang chuyện khác: “Vừa nãy anh Dương Dương kêu la cái gì vậy ạ?”

“Ai mà biết được, què rồi mà còn không yên.” Nhiếp Duy Sơn nói xong thì đi vào nhà. Trong sân bố mẹ Nhiếp Dĩnh Vũ đang ngồi nghỉ ngơi uống trà, buổi tối mùa hè đều nhàn nhã như vậy, Nhiếp Duy Sơn tìm một cái ghế ngồi xuống rồi nói: “Chú ba thím ba ơi, trước khi khai giảng thì cháu sẽ không về đây ngủ đâu ạ.”

Chú ba phe phẩy quạt: “Mỗi đêm cháu đều lên cầu vượt đua moto với người khác tưởng chú không biết hả? Giờ còn định đêm không về, sống yên cho chú một chút đi.”

“Cháu tới cửa hàng của ông ngủ rồi tiện thể làm một món đồ ạ.” Nhiếp Duy Sơn cúi đầu nhìn bàn tay của mình, “May là còn có chút tay nghề, chứ không tốt nghiệp trung học xong biết làm cái gì bây giờ ạ.”

Thím ba cả giận: “Tốt nghiệp trung học rồi lên đại học, cháu còn nhỏ thì muốn làm gì chứ?”

Mắt thấy lại sắp nói tới thành tích học tập nên Nhiếp Duy Sơn đứng dậy chuẩn bị chuồn, vào trong nhà lấy hai bộ quần áo cho vào túi, thấy Nhiếp Dĩnh Vũ đi theo vào thì dặn dò: “Bớt trêu vào Doãn Thiên Kết đi, nếu không Doãn Thiên Dương không tha cho mày đâu.”

Cả cái ngõ này đều biết Doãn Thiên Dương yêu và che chở cho chị mình thế nào, song Nhiếp Dĩnh Vũ không để tâm lắm: “Tuy em gọi anh ấy một tiếng anh nhưng mà với cái trình độ kia của của anh ấy thì có thể không tha cho ai chứ.”

Nhiếp Duy Sơn kéo khóa kéo: “Cậu ấy đứng ngay dưới rổ cũng chả ném trúng được quả nào nhưng lại dám lớn giọng với đội bóng rổ của trường Thể thao, sau đó còn giả gãy xương, mày làm được không?”

Nhiếp Dĩnh Vũ cau mày không lên tiếng, Nhiếp Duy Sơn móc chìa khóa xe ra chuẩn bị đi: “Em trai à, mềm cứng hay không muốn sống gì đấy thì đều có cách trị, nhưng cái loại thiếu dây thần kinh, tự tin đến mù quáng như anh Dương Dương kia của mày thì không thể trị được đâu.”

Trong con hẻm dài như vậy mà chỉ có một ngọn đèn nhỏ, xe điện mở đèn lên mà cứ tưởng như ô tô, trông có phần ngu ngốc, Nhiếp Duy Sơn vặn nhẹ tay lái đi rất chậm, ra khỏi hẻm thì chuyển hướng chuẩn bị tăng tốc.

“Ấy, đợi một lát!” Doãn Thiên Dương đứng ở đầu hẻm bên cạnh, bọc thạch cao còn có vẻ rất nổi bật trong bóng tối, “Cậu làm gì đó, còn mang cả cặp sách theo nữa, không phải là đi chơi lẻ đấy chứ?”

“Chơi cái gì mà chơi, tớ ra cửa hàng ngủ.” Nhiếp Duy Sơn cúi người gõ gõ lớp thạch cao, “Giày cũng không đi mà cứ thế ra ngoài à?”

Doãn Thiên Dương đáp qua loa: “Tớ nhảy lò cò ra đây đấy, cậu mà ra muộn tí nữa là tớ nhảy đến nhà chú ba rồi.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Tối rồi còn có chuyện gì?”

“Tò mò thôi, tại sao chị tớ vừa về thì cậu đã đi ngay vậy?” Doãn Thiên Dương đứng chống một chân mệt quá, cậu nhảy một bước tới gần bám vào vai Nhiếp Duy Sơn, “Có phải cậu có chuyện gì giấu tớ đúng không?”

“Tớ nói đây, cậu không phải vội.” Nhiếp Duy Sơn đoán chừng với cái đức hạnh kia của Nhiếp Dĩnh Vũ chắc cũng chẳng giấu được bao lâu, “Tiểu Vũ thầm mến chị cậu, tớ đi cản nó lại.”

“Không được! Thằng ranh chết bầm này muốn ăn đòn đây mà!” Doãn Thiên Dương xoay người nhảy tránh ra, trong miệng còn lầm bầm một đống lời, “Chỉ tại chị tớ quá xinh đẹp nên từ nhỏ đã chẳng thiếu người theo đuổi, đúng là phiền phức, may mà bọn tớ không phải sinh đôi —— “

Nhiếp Duy Sơn vừa kéo vừa giữ nhưng ngồi trên xe điện không thể di chuyển, vốn dĩ Doãn Thiên Dương đã không vững trọng tâm, vừa nhảy một cái là đã mất cân bằng nên nhào về phía Nhiếp Duy Sơn ngã rầm xuống đất, còn kéo theo cả xe điện.

“Con mẹ nó cậu đúng là dù có bại liệt cũng có thể dỡ mái nhà.” Nhiếp Duy Sơn nằm trên đất, tay vòng ra ôm sau lưng Doãn Thiên Dương. Doãn Thiên Dương nằm đè bên trên vậy mà còn chưa nói hết, ủ rũ lên tiếng: “May mà hai bọn tớ không phải chị em sinh đôi, nếu không mỗi ngày tớ bị theo đuổi chắc cũng bị phiền chết rồi.”

Mất bao công sức Nhiếp Duy Sơn mới lái xe điện đưa Doãn Thiên Dương về đến cửa nhà, trước khi đi còn nói: “Nhảy ra đầu hẻm cũng chẳng có chuyện gì đứng đắn, còn hại cả người tớ dính đầy đất, nhanh đi về đi.”

Doãn Thiên Dương nhảy qua bậc cửa vào trong sân thì đứng im, đoạn hỏi: “Cậu nhớ ngày mai là ngày gì không?”

Nhiếp Duy Sơn quay đầu lại: “Sinh nhật mười bảy tuổi của cậu và thêm một năm nữa thì trưởng thành, có thể gây nguy hại xã hội.”

“Mẹ kiếp, xã hội còn chưa nói gì đâu.” Doãn Thiên Dương bám víu vào cửa, không mở miệng kêu gào thì trái lại còn rất có khí chất thiếu niên tràn đầy sức sống, “Tớ hành động không tiện, cũng không thích ăn bánh ngọt, ngày mai cậu tới ăn mì trường thọ nhớ, ăn xong thì chơi game.”

“Được, sẽ mang quà cho cậu.” Nhiếp Duy Sơn vặn tay lái bỏ đi.

Doãn Thiên Dương vội vàng nhảy lên gọi ở phía sau: “Tớ không muốn quà, không được tặng! Ai tặng thì đứa đó là đồ ngốc!”

Cậu kêu xong thì nhảy lò cò trở vào, Bạch Mỹ Tiên đi từ trong nhà ra dìu cậu, dạy dỗ: “Tối rồi còn kêu la cái gì, lại còn nói tục nữa, nề nếp gia đình của nhà họ Doãn cũng bị mày làm hỏng rồi, may mà mày không phải họ Bạch.”

Doãn Thiên Dương không hé răng, im lặng trở về phòng ngủ, ai biết được Doãn Thiên Kết lại đang ở trong phòng ngủ sơn móng tay làm cho cả phòng đầy mùi sơn, thấy cậu quay lại thì hỏi: “Vừa nãy gào cái gì đấy?”

Cậu trả lời: “Tiểu Sơn nói sẽ tặng quà cho em, em bảo cậu ấy đừng đưa.”

Doãn Thiên Kết vui vẻ nói: “Quá tốt rồi, đúng lúc chị cũng chẳng chuẩn bị gì cả.”

“Sao mà giống nhau được.” Doãn Thiên Dương xoa xoa lớp bột thạch cao của mình, “Cậu ấy vẫn luôn phải ăn nhờ ở đậu ở nhà Nhiếp Dĩnh Vũ, làm gì có dư tiền mà mua quà chứ, hôm nay cậu ấy còn định mua một con chó đất cho em nhưng em không cho.”

Doãn Thiên Dương nói xong thì giật mình: “Em biết rồi, nhất định là cậu ấy sẽ tặng em một con chó đất!”

Gió đêm vẫn rất oi bức, Nhiếp Duy Sơn lái xe điện đến một con phố đồ cổ, tất cả các cửa hàng đều đã đóng cửa, hắn dừng lại trước cửa của “Nhĩ Ký” sau đó mở cửa cuốn lên rồi đi vào.

Ông lão bên trong nghe thấy tiếng động thì mở đèn lên, đoạn nói: “Làm ông sợ đến mức tí nữa thì về trời, còn tưởng là trộm chứ.”

“Nhiều cửa hàng đồ cổ như vậy không ăn trộm, trộm mấy cái vòng tay của ông làm gì chứ ạ.” Nhiếp Duy Sơn đi qua sảnh trước tới sân sau, sau đó mở đèn trong sân lên hỏi, “Ông ơi, có vật liệu gỗ nào không ạ, loại bình thường nhất là được ạ.”

Ông Nhiếp nói: “Cháu định làm gì? Mở máy cơ khí thì ông lại không ngủ được.”

“Không mở máy móc đâu ạ, cháu chọn gỗ trước đã.” Nhiếp Duy Sơn không nhiều lời nữa, đi thẳng vào kho hàng. Ông Nhiếp đi theo cằn nhằn: “Cháu còn một cái vòng chưa làm xong đúng không, ông thấy đấy là thứ tốn công nhất mà cháu từng làm, làm xong thì để trong quầy mà bán.”

“Vật liệu kia không tốt, chẳng bán được mấy đồng đâu ạ.” Nhiếp Duy Sơn tìm được hai khối gỗ lớn rồi cầm cả cưa lên, “Ông đi ngủ đi ạ, cháu làm một lúc rồi cũng ngủ thôi, sáng mai cháu sẽ mua cho ông bánh rán và cháo đậu.”

Đêm khuya, Nhiếp Duy Sơn ngồi xổm trên đất đo gỗ, đo xong thì đánh dấu lại rồi cưa bỏ phần thừa, sau đó ôm phần cần dùng vào phòng cơ khí, lạch cà lạch cạch đến hơn bốn giờ, cuối cùng nằm sấp trên bàn làm việc mà ngủ.

Chưa tới bảy giờ thì các cửa hàng trên phố đồ cổ đã lục tục mở cửa, có người thì ăn hạch đào và uống trà cho tỉnh táo, có người thì xách theo lồng chim để chúng ríu rít mở giọng, còn ông Nhiếp ngồi trên ghế mây trước cửa ăn bánh rán, ăn xong thì cảm thấy thư thái cả người.

Nhiếp Duy Sơn ngủ chưa được hai tiếng đang đứng trong quầy trông hàng, nhân tiện đẩy nhanh tốc độ hoàn thành nốt chiếc vòng chưa làm xong, đến hơn mười một giờ hắn vọt vào tắm rồi chuẩn bị đi ăn mì trường thọ.

Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên đều đi làm nên mì trường thọ đành phải để Doãn Thiên Kết nấu, còn Doãn Thiên Dương thì ngồi bên bàn thái sợi dưa chuột, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn ra cửa.

“Chị ơi, chó con thì đặt tên gì nhỉ?”

“Mười con chó đất thì tám con tên Đại Hoàng, hai con tên Tiểu Hắc, mày cứ xem đó mà làm.” Doãn Thiên Kết thái thịt thành hạt lựu rồi đánh trứng gà, “Vốn đã không chịu học, có chó rồi lại càng không học, rồi ngày nào cũng chơi với chó.”

Doãn Thiên Dương đưa nốt đoạn dưa chuột còn lại vào miệng cắn: “Hôm nay là sinh nhật em, không được nói em.”

Đợi đến mười một giờ bốn mươi mà Nhiếp Duy Sơn vẫn chưa tới, Doãn Thiên Dương đứng ngồi không yên bèn nắm lấy mười đồng nhảy lò cò ra bên ngoài rồi nói: “Em ra đầu ngõ mua một phần mì lạnh(*) cho phong phú thêm chút.”

(*)Mì lạnh (Lương bì): là món mì lạnh của Trung Quốc được làm từ mì sợi lớn, rau mùi, giá đỗ, dưa chuột thái lát… Sau này, món ăn được biến tấu cho thêm đường, giấm, ớt để tăng thêm hương vị.

1

Mới vừa nhảy được hai bước thì đã nghe thấy tiếng còi của xe điện, cậu đứng tại chỗ nhìn ra cửa chờ Nhiếp Duy Sơn khóa xe đi vào, ai biết được Nhiếp Duy Sơn lại xuất hiện ở ngưỡng cửa với hai tay trống không, còn cười với cậu một cái.

Doãn Thiên Dương cũng không thể không biết ngại mà hỏi chó con đâu, chỉ nói: “Mau vào đi, nấu xong rồi.”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Dương nhi, tớ có chuẩn bị cho cậu một món quà đây.”

“Tớ đã nói là cậu đừng có tặng mà, tớ cũng đâu phải trẻ con.” Không biết Doãn Thiên Dương xấu hổ cái gì mà đến cái chân đang bó trong thạch cao cũng hơi luống cuống, “Cậu tặng gì cho tớ đấy.”

Nhiếp Duy Sơn vươn tay sang bên cạnh, có vẻ như món quà đang dựa trên cửa nhà. Doãn Thiên Dương ngừng thở nhìn chằm chằm không chớp mắt, sau đó cậu trông thấy đối phương lấy ra một cặp nạng.

Một cặp nạng.

Ai mẹ nó tặng sinh nhật bằng nạng hả!

“Không phải cậu đi lại bất tiện à, tớ làm cho cậu một cặp.” Nhiếp Duy Sơn còn cảm thấy bản thân cực đỉnh, dù sao cũng là làm cả một đêm thuần thủ công, nguyên liệu còn là tự mình chọn, chỉ thiếu khắc tên của Doãn Thiên Dương lên nữa thôi.

Doãn Thiên Kết cười đến mức quên luôn cả vớt mì khiến cho toàn bộ mì trong nồi đều bị nát, cô nói: “Món quà này quá tốt rồi, khai giảng thì chống nó đến trường, có khi còn đi nhanh hơn cả người bình thường ấy.”

Ba người cộng thêm một cặp nạng cùng chúc mừng sinh nhật, Doãn Thiên Dương cầm bát cúi đầu ăn, còn muốn rơi hai giọt nước mắt, Đại Hoàng của cậu, Tiểu Hắc của cậu, trên thế gian có trăm nghìn loại đau xót, yêu thầm là cái rắm gì, gặp phải người không tốt mới là chết người(*).

(*)Câu gốc là “Ngộ nhân bất thục”: nói về việc người con gái bị gả cho một người chồng có phẩm chất không tốt. Hiện nay còn dùng để nói về việc quen với người không tốt.

Câu đúng ở đây phải là “Thức nhân bất minh” – Quen người không rõ: Nói về việc vào lúc mới quen biết thì chưa hiểu rõ người đó, không kịp thời biết được khuyết điểm cũng như bộ mặt thật của đối phương, tin tưởng nhầm vào đối phương.

Doãn Thiên Kết dạy bảo cậu: “Chị bận bịu nấu mì trường thọ cho mày, Tiểu Sơn thì làm cho mày quà tặng, mày gục mặt xuống cho ai xem hả?”

“Em cảm động…” Cậu ăn xong thì thả bát xuống, “Ai mà ngờ được một ngày trước sinh nhật mười bảy tuổi lại bị thương, ai mà ngờ được sinh nhật mười bảy tuổi lại ăn mì nát, còn nhận được một cặp nạng.”

Nhiếp Duy Sơn cố kìm chế không cười: “Hôm qua cậu đấu bóng với đội bóng rổ, có khi ngày mai lại thi vượt rào với đội điền kinh, tặng cặp nạng mới thực dụng, không khéo sau này lại dùng được tiếp.”

Cơm nước xong có chút mệt nên ai nấy đều trở về phòng bật điều hòa lên đi nghỉ ngơi, Doãn Thiên Dương đứng ở trong phòng ngủ cầu xin, sau đó nhấc tay lên kẹp lấy nạng, cậu nói với vẻ mặt đưa đám: “Không tập có được không, trai đẹp nào lại chống cái này chứ.”

“Trai đẹp cũng không nhảy lò cò.” Nhiếp Duy Sơn đứng trước mặt đối phương che chở, “Cậu thử đi hai bước xem, ngã thì tớ đỡ.”

Doãn Thiên Dương đi được hai bước, đến bên giường thì thả cây nạng lên giường rồi nói: “Sau này không bao giờ tớ khiêu chiến với người khác nữa, nhỡ mà bị thương nặng hơn chút nữa không khéo cậu lại làm hẳn cái xe lăn cho tớ mất.”

Nhiếp Duy Sơn nằm xuống bên cạnh, vốn hắn khó ngủ nhưng lúc này vừa chạm vào giường thì đã thấy buồn ngủ, hắn nhắm mắt rồi móc một chiếc vòng từ trong túi ra rồi nói: “Tặng cậu một thứ nữa.”

Chiếc vòng kia là một sợi dây tết màu đỏ, bên trên có điểm mấy viên ngọc thạch nhỏ nhưng vô cùng tinh xảo, Doãn Thiên Dương nhận lấy rồi đeo vào tay: “Tay nghề của cậu thật sự là quá tốt, nhưng mà vật liệu này có đắt không vậy, ông nội không nói cậu chứ?”

“Là vật liệu bình thường nhất, bị mẻ hay vỡ cũng không đau lòng.” Nhiếp Duy Sơn cầm tay Doãn Thiên Dương rồi giải thích, “Trên này có một viên ngọc hoàn, một viên ngọc châu và một viên hồ lô châu, gọi là vòng Đa Bảo huyền không khai vận.”

(*)Ngọc hoàn, ngọc châu, hồ lô châu là để chỉ hình dạng viên ngọc:

Ngọc hoàn:

01300000009843123606976689252

Ngọc châu:

1102e997180242ac110004

Hồ lô châu:

59c4d071Nd38da49b

Doãn Thiên Dương rất vui: “Rõ ràng đây mới là quà tặng, tớ thích. Haiz nhưng mà cậu xem thử chút đi, hình như hơi rộng, cứ cảm thấy nó sẽ rơi mất.”

Nhiếp Duy Sơn tháo chiếc vòng ra: “Trường không cho đeo trang sức nên tớ làm lỏng một chút để cậu đeo lên cổ chân, nam trái nữ phải, nhưng kết quả là chân trái của cậu bó bột, lãng phí tấm lòng của tớ.”

“Không lãng phí, không lãng phí.” Doãn Thiên Dương cướp lại đeo vào tay một lần nữa, “Ngày mai tớ sẽ đi tháo bột, dù sao vốn dĩ cũng không cần bó bột mà.”

Nhiếp Duy Sơn xoay người chuẩn bị ngủ: “Nếu đã bó rồi thì cứ chăm sóc cho tốt rồi hẵng tháo, đỡ mất công lằng nhằng.”

“Được, nghe lời cậu.” Doãn Thiên Dương nằm ngửa mặt nhìn lên trần rồi giơ cánh tay ngắm nhìn chiếc vòng còn quý hơn bảo bối của mình, cậu hưng phấn một cái là lại không ngủ được nhưng lại sợ quấy rầy Nhiếp Duy Sơn nên tìm một chuyện gây mất hứng mà nói, “Khai giảng thì phải chia lại lớp, chúng ta chọn Văn hay chọn Lý?”

Nhiếp Duy Sơn nghiêm túc suy nghĩ một chút: “Môn nào cách điểm chuẩn gần hơn thì chọn cái đó.”

Doãn Thiên Dương lại hỏi: “Cái nào gần cơ?”

Lần này Nhiếp Duy Sơn trả lời cực nhanh: “Đều rất xa.”

Đột nhiên không khí trở nên yên tĩnh, hai người quay lưng với nhau, đều không lên tiếng nữa.

Hình như ngài Lỗ Tấn có nói một câu, đó là “Học y không cứu được người Trung Quốc”(*), nhìn lại thành tích học tập từ mẫu giáo cho đến cấp ba của Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương thì cho dù có là huyền không khai vận cũng không cứu được bọn họ.

(*)”Học y không cứu được người Trung Quốc” bắt nguồn từ lời nói đầu trong tác phẩm “Gào thét” của Lỗ Tấn. Đại khái là ban đầu ông sang Nhật học y với mong muốn chữa bệnh cho người nghèo như cha ông ngày trước. Nhưng khi trở về Trung Quốc, ông bàng hoàng nhận ra, căn bệnh mà người dân đất nước ông đang mắc phải không phải là căn bệnh thể xác mà chính là căn bệnh tinh thần, sự u mê trầm trọng của người dân Trung Quốc bị bủa vây bởi những tư tưởng lạc hâu, lỗi thời và từ đây ông đã chọn nghề viết văn.

Hết chương 2.
Bình Luận (0)
Comment