Hạt Ngọc Ẩn Mình

Chương 9

KỂ TỪ KHI trở về nhà, công tước Ridgeway có thói quen dành chút thời gian buổi sáng ở trong phòng học, lặng lẽ quan sát bài giảng. Sau đó anh thường dắt Pamela xuống chuồng ngựa chơi với con chó trước khi dùng bữa trước. Fleur buộc phải chấp nhận việc đó.

Buổi học sáng hôm sau đêm khiêu vũ được nghỉ vì tiểu thư Pamela đã thức khuya. Trưa hôm đó Fleur dẫn Pamela đi dọc hành lang trước khi vào phòng học, cho con bé xem những bức tranh, chỉ cho nó các điểm quan trọng. Dù cố hết sức nhưng cô chỉ mong Pamela sẽ thích những bức tranh đẹp mà không thấy rối trước quá nhiều kỹ thuật, và sẽ muốn vẽ nhiều hơn. Con bé có tài về hình khối và màu sắc, dù khi vẽ thì nó luôn vẽ nhanh cho xong do tính thiếu kiên nhẫn.

Công tước xuất hiện trên đỉnh cầu thang và đi về phía họ trước khi Fleur chỉ xong cho con bé. Fleur khẽ thở dài. Cô hy vọng sẽ không phải gặp công tước cả ngày hôm nay - cô biết phu nhân và hầu hết khách khứa đã ra ngoài đi dạo. Cô ghét phải nhớ lại cuộc gặp gỡ đêm qua của họ - nỗi sợ hãi lúc sóng bước cùng công tước trên con đường vắng, cảm giác khó chịu khi buộc phải chạm vào ngài ấy và cho phép công tước chạm vào mình, sự lôi cuốn đến không ngờ và lạ lùng của điệu valse nhảy cùng ngài trên lối đi ấy, đôi mắt cô nhắm chặt để quên đi rằng ngài ấy chính là người đang khiêu vũ cùng cô.

Suốt buổi đêm qua cô cố quên đi điệu nhảy mà mình cô nhớ rõ nhất trong cả buổi tối kỳ diệu ấy - cho đến khi ngủ thiếp đi và anh cúi xuống, làm cô đau và nói với cô rằng cô làm thế vì cô thích.

Tiểu thư Pamela mỉm cười, nắm lấy tay cha và ngẩng mặt cho công tước hôn.

“Papa, tuần tới là sinh nhật Timothy Chamberlain. Con và cô Hamilton được mời đấy. Sáng nay mới có thư mời. Mẹ có cho con đi không? Cha cũng đi chứ?”

“Nghe có vẻ rất vui nhỉ,” anh cất lời lúc Fleur xoay người đi vào phòng học. “Pamela, cha không chắc mình có thể đi trong khi còn phải tiếp khách. Cha sẽ xem mình có thể làm được gì.”

Công tước ngồi yên lặng suốt giờ học buổi trưa đến khi Fleur cho Pamela nghỉ sớm.

Công tước đứng dậy. “Con sẽ qua phòng trẻ với vú à?”

Đứa trẻ phụng phịu. “Vú sẽ gội đầu cho con. Con thích đi thăm Tiny với cha hơn.”

“Chúng ta sẽ đi thăm Tiny ngay trước giờ ăn trưa. Nếu vú nói con cần gội đầu thì cha chắc là phải làm thế. Đi đi nào.”

Con bé lê chân đi.

Fleur mải mê gom sách vở lại và xếp lên giá. Cô cứ nghĩ công tước đã đi ra cùng con gái, như mọi khi.

“Những bức tranh ở trên lầu quá phức tạp, cô nên chỉ cho Pamela những bức ở tầng dưới nếu cô muốn nó thích.”

Fleur không nói lời nào.

“Cô đã thấy gian phòng tranh dài chưa?”

“Đã thấy, thưa đức ngài, với bà Laycock.”

“À, với bà Laycock. Bà ấy luôn là người đầu tiên thừa nhận mình chẳng biết gì về nghệ thuật hội họa ở Willoughby. Hiểu biết của bà ấy khá hơn từng ngày. Những bức chân dung trong phòng tranh sẽ cho cô phương tiên cụ thể dạy bài học gia phả. Và chẳng bao giờ là quá trẻ để học về gia tộc mình. Cô có rỗi không?”

Fleur chỉ có thể quay lại từ giá sách mà cô chẳng thể vờ như vẫn còn lộn xộn nữa.

“Giờ chúng ta sẽ đi đến đó. Ta sẽ giới thiệu cho cô biết ông bà tổ tiên của ta.”

Cô lặng lẽ đi cạnh công tước dọc hành lang, xuống cầu thang, băng qua đại sảnh, vượt qua người hầu đứng yên không nhúc nhích, nếu không kể đến anh người hầu ngủ gà ngủ gật, và xuyên qua cánh cửa dẫn vào gian nhà dài rộng được dùng làm phòng tranh. Ánh nắng chiều tràn ngập gian phòng.

“Ta thích nơi này,” công tước dừng lại ngay ngưỡng cửa. “Kể cả chẳng có bức tranh sơn dầu nào ở đây ta cũng thích.”

Cô dõi theo ánh mắt anh nhìn lên trần nhà thạch cao tròn được khắc trổ tinh xảo những hình lá và trái cây.

“Vào những ngày mưa dai dẳng, thì căn phòng này là nơi trú ngụ thật tuyệt. Ít nhất người ta có thể tản bộ ở đây.Lúc còn nhỏ anh em ta thường dành hàng giờ ở đây. Ta tin là vì ở đây bọn ta vẫn có thể nhảy dây, đánh quay, chơi trò nhấc thẻ[1] và đánh cờ trong tủ quần áo bên dưới. Vợ ta và bà vú lúc nào cũng thích giữ Pamela ở tầng trên. Có lẽ đôi khi cô sẽ thích dẫn con bé đến đây.”

[1] Bỏ thẻ thành từng đống, rồi nhấc từng cái lên mà không làm động đậy những cái khác.

Họ đi đến tận cuối phòng tranh, và anh dành cả giờ sau đó mô tả những bức tranh, tên các họa sĩ, và kể cho cô nghe vài mẫu chuyện về mỗi vị tổ tiên được vẽ. Anh kể với dáng vẻ hiểu biết, tự hào xen lẫn chút hài hước.

“Có điểm gì đó, chút ấm áp, có lẽ là chút đảm bảo khi biết mình là người thừa kế của một dòng dõi. Có điều gì đó khi chính mình được gọi là công tước đời thứ Tám chứ không phải đầu tiên. Thậm chí mũi của tôi vẫn giống công tước đời thứ Tư, cô thấy không? Vì vậy tất nhiên là tôi không thể nói mình thừa hưởng nó từ mẹ.”

Nhưng công tước đời thứ Tư mang bộ tóc giả dài và xoăn.

Đức ngài đang nhìn cô. Cô có thể cảm nhận đôi mắt của đức ngài trên người mình và tự dặn lòng thận trọng nhưng vẫn phải hít thở đều, không được thở khó nhọc.

“Gia đình cô thì sao? Có lịch sử lâu đời không?”

Cha mẹ cô. Ông bà cô là ai cô cũng chưa từng biết. Có vài bức chân dung cũ kỹ mà chẳng người nào nhận ra người trong tranh là ai được treo ở trang viên Heron. Rõ ràng là cô lớn lên với khao khát được biết rõ gốc gác gia đình mình. Fleur đã suy nghĩ giá mà cha mẹ cô biết họ sẽ xa rời cô sớm như thế thì họ sẽ dạy dỗ cô từ bé, sẽ kể cho cô nghe về mình, tuổi thơ của mình, về cha mẹ và ông bà. Hay có lẽ cha mẹ cô đã kể, nhưng cô còn quá nhỏ nên không nhớ, và không biết rằng đến lúc nào đó cô sẽ khao khát những điều như thế.

“Cô đến từ đâu? Cha cô là ai? Cô là ai?”

“Fleur Hamilton,” cô muốn di chuyển đến bức họa tiếp theo. Nhưng chẳng phải Hamilton là họ của bà ngoại cô sao? Làm sao cô biết điều đó? Chắc hẳn từ lâu lắm rồi đã có ai đó nói với cô. “Gia sư của con gái ngài, thưa đức ngài.” Và tất nhiên từng một lần là điếm của công tước.

“Tuổi thơ của cô không êm đềm đúng không?” Đôi mắt công tước vẫn không rời khỏi người cô. “Cha cô đối xử tệ với cô à?”

“Không!” Ánh mắt cô tóe lửa nhìn anh trong một khắc. “Tôi đã rất hạnh phúc cho đến khi cha mẹ mất năm lên tám.”

“Cha và mẹ cô mất cùng nhau à?”

“Vâng.” Và cô mím môi. Cô chưa bao giờ giỏi nói dối. Mới đây cô đã nói cha mình chết trong nợ nần.

Cuối cùng họ cũng di chuyển và công tước lại mô tả những bức họa chân dung. Lúc đến đây với bà Laycock cô không hề nhận ra bức tranh cuối cùng chính là chân dung của anh. Có lẽ lúc đó bà quản gia mải nói chuyện gì đó.

Kể cả thế liệu cô có nhận ra đó là anh, trước khi anh trở về, nếu được nhìn đủ gần? Liệu cô có biết trước? Cô quan sát thật kỹ. Một chàng trai trẻ, rất trẻ, mảnh khảnh, mặc đồ cưỡi ngựa, một tay cầm roi ngựa, với con chó xpanhơn[2] bên cạnh. Một chàng trai trẻ độc thân, điển trai và vô tư lự với cái đầu ngẩng cao đầy kiêu hãnh.

[2] Giống chó lông mượt, tai to, thõng, cụp xuống.

Không, cô sẽ không nhận ra.

Không hiểu sao cô cảm thấy muốn khóc.

“Những ngày trước trận Waterloo của ta. Khi ta nghĩ cuộc đời đẹp, nhỏ bé như hạt trai vô giá trong vỏ sò. Ta cho là khi còn trẻ tất cả chúng ta đều nghĩ thế. Cô có như vậy không?”

“Không.” Cô vẫn có Daniel, tình yêu cô dành cho anh, tình yêu anh dành cho cô cùng viễn cảnh mai sau cứ mãi bị truy nã, khốn khổ. “Có lẽ một lần, rất lâu rồi.” Chỉ mới vài tháng trước thôi sao? Không phải là dĩ vãng đã xa sao?

“Đêm qua cô đã thức khuya và cả chiều bận rộn, ta nghĩ cô sẽ muốn về phòng nghỉ ngơi một lát.”

Công tước mở cửa và cho phép cô đi trước anh vào đại sảnh. Nhưng họ đến đại sảnh đúng lúc cửa trước bật mở và vô số khách khứa trở về sau chuyến đi dạo.

Fleur định quay lại phòng tranh nhưng công tước đứng ở ngưỡng cửa ngay sau lưng cô.

“À, Ridgeway,” giọng của Sir Philip Shaw vang lên, “và cô Hamilton thú vị.”

“Ridgeway, giấu tài nhé”, quý ông có khuôn mặt ửng hồng vui vẻ nhận xét, “trong khi tất cả chúng tôi bị nướng dưới ánh mặt trời, thì cậu lại vui vẻ với cô gia sư ở trong lâu đài mát mẻ.”

“Đôi khi,” Sir Hector Chesterton lên tiếng, “tôi ước là mình có mấy cô con gái.”

“Xin phép cho ta được giới thiệu cô Fleur Hamilton với những ai tối qua chưa biết,” một tay công tước đặt hờ sau lưng cô, “ cô Hamilton đây là gia sư của Pamela.”

“Cô được lui, cô Hamilton. Javis, mang trà sang phòng khách lớn ngay.” Giọng nói ngọt ngào, rành rọt của nữ công tước vang lên.

Fleur xoay người, đi nhanh hơn và gần như chạy lên cầu thang, dọc theo hành lang về phía phòng mình. Thật quá xấu hổ!

Cô đứng trước khung cửa sổ mở rộng, tận hưởng làn gió nhẹ, chưa muốn nằm xuống dù đã mệt. Ngủ sẽ chỉ mang những cơn ác mộng trở lại thôi!

Anh đã từng có thời trai trẻ, đẹp đẽ và vô tư lự. Anh đã từng nghĩ thế giới là vỏ sò của mình, cuộc đời như viên ngọc trai quý giá. Như anh nói, đó là những ngày trước trận Waterloo. Và khi đó anh nói bằng giọng buồn bã, như thể những giấc mơ đó là ảo tưởng, vô giá trị. Cô tự hỏi điều gì khiến công tước Ridgeway bất mãn với cuộc đời thế? Công tước có mọi thứ kia mà.

Và đột nhiên cô nhận ra mình vẫn cảm thấy muốn khóc. Họng và ngực cô đau nhức với một nỗi đau không tên đã làm cô buồn không tả xiết.

***

“Chết tiệt,” công tước Ridgeway nói, “ta đâu có tham dự tiệc hoàng gia, Sidney.”

“Tôi sẽ xong trong nháy mắt nếu ngài ngước cằm lên,” gã người hầu trả lời, hoàn thành nút gút cuối cùng với ca-vát của ông chủ. “Thưa ngài, xét cho cùng thì ngài có khách ăn tối.”

“Ngươi láo xược quá đấy. Giờ thì xong chưa?”

“Và thật cảm ơn, đức ngài. Tôi sẽ tránh xa tâm trạng cáu kỉnh của ngài ngay khi lau dọn sạch sẽ nơi này xong.”

“Ngươi sẽ chẳng thể đi được đâu,” công tước gắt gỏng, “nếu quả đạn pháo ở Waterloo đó chỉ cần rơi gần hơn chỗ ngươi mười phân.”

“Đúng vậy, thưa đức ngài,” gã người hầu đồng tình, xoay sang chải sạch áo ngoài. “Nhưng rồi, ngài chẳng thể ăn mặc sang trọng tiếp khách khứa nữa nếu quả đạn pháo rơi xuống gần hơn chỗ ngài mười phân.”

Sidney khôn ngoan lờ đi câu vặn lại của ông chủ. Cảm xúc của cậu đã được rèn luyện đến mức miễn nhiễm trước những câu chửi thề tồi tệ và tục tĩu nhất nhờ những năm ở trong quân ngũ.

Công tước cau có nhìn chằm chằm vào hình bóng trong gương và chiếc ca-vát được thắt hoàn hảo mà anh sắp trưng ra trước ánh mắt khách khứa của vợ mình. Anh ghét phải ăn mặc sang trọng mọi nơi mọi lúc. Trong chính nhà mình! Trong hai đêm liền. Với anh sự trang trọng của dạ tiệc đêm qua đã đủ cho cả tháng rồi.

Hôm nay anh bỏ mặc khách khứa cả ngày. Đa số khách khứa ngủ vùi đến trưa, và anh bịa ra lý do nhiều việc để ở nhà cả chiều chứ không đi dạo cùng họ. Chết tiệt, anh có quyền có chút riêng tư.

Nhưng họ lại là khách của anh.

Tất nhiên anh cũng phải có nghĩa vụ với Pamela. Con bé còn nhỏ và có quyền được anh dành thời gian quan tâm, chuyện trò. Anh phải dành cho con bé cả sự quan tâm và thời gian bới Sybil chỉ mải làm vừa lòng khách và vui thú. Ít nhất, đó là những lý do mà anh đã tự viện ra cho mình.

Anh định sẽ tránh xa cô hơn nữa. Kẻo không thì anh sẽ dẫn cô ra ngoài nhiều hơn - lúc học cưỡi ngựa trông cô thật vui vẻ dù luôn tỏ ra miễn cưỡng.

Những gì anh thật sự phải làm là tránh xa phòng học. Nếu anh hoàn toàn thành thật với mình, thì không chỉ - hay thậm chí là chủ yếu - anh để cho Pamela đang vẽ với mình trong phòng học, hay đến thư viện mỗi sớm tinh mơ là bởi anh sợ lỡ mất khúc nhạc cô chơi ở phòng bên cạnh và nhớ cô.

Mới sáng nay Sidney đã nhận xét khi thấy anh dậy sớm và ngáp sau một đêm thức khuya là anh phải thương những người làm hầu ở tầng trên phải dậy thật sớm. Có lẽ Sidney nói đúng.

Và đột nhiên đêm qua anh thức giấc với giấc mơ đang nhảy điệu valse trên con đường vắng với một người phụ nữ mắt nhắm chặt, mái tóc vàng như lửa buông thả và trải như lụa quanh cánh tay anh.

Không thể. Chỉ là không thể. Anh sẽ phải bảo Houghton chuyển cô ta đi đâu đó. Gửi cô về Willoughby là quyết định điên rồ.

Cánh cửa phòng thay đồ của anh đột nhiên mở ra mà không được báo trước, và nữ công tước đứng đó, một tay vẫn đặt trên cửa, trông thật đáng yêu trong màu hồng nhạt và trẻ hơn tuổi hai mươi sáu rất nhiều.

“Ồ,” cô ta ngọt ngào, “ngài vẫn bận sao? Có thể cho Sidney lui được không?”

Gã người hầu nhìn ông chủ với đôi chân mày nhướng lên, và công tước gật đầu.

“Phiền cậu lui ra, Sidney,” anh nhấc chân. “Ta có thể làm gì cho nàng Sybil?”

Cô ta đợi cho cánh cửa đóng lại. “Trong đời mình em chưa bao giờ nhục nhã như thế,” cô ta nhìn anh với đôi mắt to tròn, bị tổn thương. “Adam, làm sao ngài có thể làm thế với em, và trước mặt bao khách khứa chứ?”

Anh thản nhiên nhìn cô ta. “Ta cho là nàng đang nói về việc có liên quan đến cô Hamilton.”

“Sao ngài mang cô ta về đây?” Cô ta căn vặn, siết đôi tay trắng, mảnh dẻ trước ngực. “Để làm em tổn thương thêm ư? Em chưa bao giờ phàn nàn ngài ở London lâu cả, Adam. Và em luôn biết vì sao ngài phải đi đến đó. Em phải chịu đựng bao nhiêu sự nhục nhã mà không một lời trách móc. Nhưng giờ em phải chịu đựng việc ngài có nhân tình ngay dưới mái nhà này ư? Và ả nhân tình đó hết sức gần gũi với con gái em sao? Ngài đòi hỏi quá nhiều ở em. Em không thể chịu đựng nổi.”

“Thật đáng tiếc là nàng chẳng có khán giả nào khác ngoài ta,” mắt anh nhìn cô ta không chớp. “Lời lẽ của nàng thật xúc động, Sybil. Ắt hẳn người ta sẽ tin những lời nàng vừa nói. Ta và cô Hamilton đã đi từ phòng tranh lớn ra đại sảnh. Hình như nàng chẳng thấy khác thường bởi ta chọn một nơi công khai như vậy để hẹn hò bí mật thì phải ?”

“Ngài thấy vui khi chế nhạo và chà đạp lên cảm xúc của em. Em cho là ngài cũng thấy thích thú khi dối trá. Ngài có dám phủ nhận việc mình đang quan hệ bất chính với cô Hamilton không?”

“Có, ta phủ nhận. Nhưng nàng đã gọi ta là kẻ dối trá, Sybil, vì vậy chẳng phải câu hỏi của nàng là vô nghĩa sao? Thật quá sốc nếu ta có một nhân tình sao?”

“Em còn biết trông đợi gì khác ở ngài và buộc phải chấp nhận. Nhưng dù tình yêu ngài dành cho em đã chết Adam, thì em vẫn còn sót lại một chút tôn trọng vì em là vợ ngài.”

“Vợ.” Anh khẽ cười và tiến hai bước. “Ta sẽ không cần nhân tình nếu có một người vợ, Sybil. Có lẽ nàng sẽ bảo vệ quyền lợi của mình hăng hái hơn.”

Anh đặt một tay dưới cằm cô ta và hôn lên môi. Nhưng cô quay ngoắt đầu sang bên.

“Đừng. Làm ơn, đừng.” Cô ta nài nỉ.

“Ta không nghĩ nàng hào hứng với việc đó. Đừng lo, Sybil. Ta chưa bao giờ ép buộc nàng và giờ cũng chẳng muốn làm thế.”

“Em không khỏe. Em vẫn chưa phục hồi sau trận ốm.”

“Phải. Ta có thể thấy chuyện đó đúng là vậy. Và nàng gầy hơn, đúng không? Có chuyện gì khác nữa khiến nàng đến đây không?”

“Không.” Giọng nói ngọt ngào, rành rọt run run. “Nhưng em biết ngài nói dối, Adam. Em biết ngài dan díu với gia sư của Pamela. Dù ngài có chối cỡ nào em cũng biết đó là sự thật.”

Đột nhiên hình ảnh vết máu - trên bắp đùi và trên tấm ga Fleur nằm xuất hiện.

“Dường như,” anh điềm tĩnh nói, nhìn vợ không chớp mắt, “chúng ta đều đã sẵn sàng xuống tiếp khách. Chúng ta sẽ đi cùng chứ?” Anh đưa một cách tay ra cho cô ta vịn.

Nữ công tước đặt một cánh tay lên ống tay áo mà chẳng hề vòng quanh tay anh, và im lặng bước đi bên cạnh. Mộ người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh dẻ, xinh đẹp trông ngây thơ như thiếu nữ.

Công tước nghĩ, đôi khi thật khó mà tin rằng đó là hiện thực và tương lại, cuộc hôn nhân mà anh đã hằng mơ từ thuở còn trai trẻ. Ngoại trừ việc giấc mơ đó đã chết và giờ chẳng thể có gì có thể thay thế.

Có lẽ chỉ như một giấc mộng chợt đến trong đêm.

Anh lại nghĩ về Fleur, về lần đầu tiên anh thấy cô đứng lặng lẽ trong bóng tối bên ngoài nhà hát Drury Lane, về việc muốn cô ngoài mong đợi. Anh muốn vòng tay và cơ thể của người phụ nữ sẽ chấp nhận anh trong một đêm mà không lời nào chất vấn. Anh muốn ngủ với mái đầu gối lên ngực phụ nữ. Ước muốn chút yên bình. Muốn xoa dịu sự cô đơn của mình.

Và anh lại nhớ về vết máu và bàn tay run lẩy bẩy của cô lúc anh ấn chiếc khăn ướt để cô lau sạch sau khi quan hệ. Và nhớ lại cơn đói cùng sự tự chủ đã giúp cô không ngốn ngấu chỗ thức ăn trước mặt. Và vẻ bị xúc phạm của cô khi anh đặt những đồng tiền ấy vào tay, trả cho dịch vụ vừa sử dụng.

Anh ngừng lại trước cánh cửa dẫn vào phòng khách khi chờ người hầu mở cửa, rồi bước vào với vợ. Anh mỉm cười và cảm nhận được ánh mắt rạng rỡ mà vợ anh dành cho những vị khách đang có mặt trong phòng.

***

Sáng hôm sau Fleur luyện đàn trong phòng âm nhạc hoàn toàn yên tĩnh. Cánh cửa nối giữa phòng nhạc và thư viện vẫn đóng im ỉm.

Và cô nhận ra mình bồn chồn hơn những buổi sáng khác. Anh có ở đó không? Anh có giấu mình sau cánh cửa đóng và lắng nghe không? Liệu anh có định bất ngờ mở toanh cánh cửa đó để phê bình vài nốt sai hay nói rằng cô không được phép sử dụng căn phòng này nữa? Hay rốt cuộc anh chẳng hề có ở đó? Cô có một mình như vẫn tưởng không?

Cô không thể tập trung vào bản nhạc đang chơi. Cô không thể thả hồn vào bản nhạc đã thuộc và nhắm mắt vẫn có thể chơi được. Ngón tay cô cứng đơ và lóng ngóng.

Cô tự cười mà chẳng chút vui vẻ lúc rời phòng nhạc sớm hơn năm phút. Biết rõ anh ở gần thì có thoải mái hơn khi anh vắng mặt không? Người đàn ông chua cay, thủ đoạn mà cô sợ hơn bất kỳ ai trên đời, kể cả Mathew, và cơ thể quá gần gũi đến độ luôn khiến cô xoay người, chạy đi trong kích động.

Cả buổi sáng cô luôn lắng tai chờ đợi bước chân chắc nịch vang lên ngoài hành lang và nắm đấm cửa xoay mở trong lúc dạy mấy bài học cho Pamela.

Nhưng họ chỉ có một mình. Và buổi sáng dường như thật yên tĩnh, Pamela không nhặng xị và ngoan ngoãn, cho đến lúc cả hai đang thêu thì con bé đột nhiên chộp lấy cái kéo mà không hề báo trước cắt xoẹt tấm vải đang thêu thành nhiều mảnh.

Fleur sửng sốt ngước lên, cây kim của cô nằm lơ lửng trong không khí. Cô đang kể dở một câu chuyện.

“Mẹ nói ta có thể xuống nhà,” Pamela nói, “Mẹ đã nói thế! Và cha nói để lúc khác. Cha nói cha sẽ nhắc cho mẹ nhớ. Cha đã nói thế cách đây nhiều năm. Ta sẽ không bao giờ được phép xuống dưới đó. Và ta không quan tâm. Ta không muốn xuống đó.”

Fleur lặng lẽ thu dọn đồ sang một bên và đứng dậy.

“Và giờ cô sẽ nói với họ là ta rất hư, đã cắt nát tấm vải, và họ sẽ lên phòng trẻ và mắng ta. Mẹ sẽ khóc vì ta hư. Nhưng ta không quan tâm. Ta không quan tâm.”

Fleur lấy cái kéo và mảnh vải rách trong bàn tay nhỏ xíu và cúi xuống trước mặt đứa trẻ.

“Và tất cả là lỗi của cô. Mẹ đã nói ta được xuống nhà, và cô sẽ không cho ta đi. Ta ghét cô, và ta sẽ nói mẹ đuổi cô đi. Ta sẽ nói với ba.”

Fleur kéo đứa trẻ vào trong vòng tay và ôm nó thật chặt. Nhưng Pamela đánh cô bằng cánh tay tự do và dùng cả hai chân đá cô. Con bé hét lớn lên khi Fleur nhất bổng nó lên rồi ngồi xuống gờ cửa sổ, ôm nó trong lòng, đu đưa, vỗ về, ngâm nga.

Cửa phòng mở tung và bà Clement xộc vào. “Cô đang làm gì với đứa trẻ tội nghiệp đó thế?” Mắt bà ta tóe lửa. “Chuyện gì vậy, cục cưng đáng thương của ta?”

Bà ta với tay để kéo Pamela ra. Nhưng con bé hét to hơn và bám chặt Fleur, vùi mặt trong ngực cô. Bà Clement lại biến mất.

Vài phút sau, lúc Pamela đang rấm rức khóc thì cánh cửa lại mở ra. Công tước Ridgeway nhẹ nhàng đóng cửa lại và đứng nhìn trong một lát. Fleur kề má lên đỉnh đầu con bé. Cô không nhìn lên.

“Chuyện gì đang xảy ra?” Công tước hỏi, băng qua căn phòng. “Chuyện gì vậy Pamela?”

Nhưng con bé tiếp tục rấm rức khóc trong vòng tay Fleur.

“Chuyện gì vậy cô Hamilton?”

Cô ngước đầu lên nhìn anh và trầm tĩnh nói, “Không giữ lời hứa.”

Anh đứng yên trong một lúc lâu rồi ngồi xuống bên cạnh, xoay người về phía họ, đầu gối công tước sượt qua đầu gối Fleur. Anh với tay gỡ đôi tay đan vào nhau quanh cổ Fleur của con bé.

Và Fleur ngước lên nhìn vào đôi mắt chán chường, vết sẹo hằn lên rõ ràng dưới ánh sáng trên khuôn mặt mệt mỏi. Cô nghĩ khuôn mặt này từng thật đẹp, nhớ lại bức chân dung, ngoại trừ mái tóc và đôi mắt đen nhánh và chỗ gồ lên trên mũi - có khi vì những nét này. Nhưng giờ vẫn đẹp, vết sẹo dường như lại càng làm nổi bật chứ không làm xấu đi những nét của anh.

Nếu cô không gặp anh trong hoàn cảnh kinh khủng đó, nếu cô có thể quên được cơn ác mộng có khuôn mặt ấy đang cúi xuống trong khi đang thúc vào trong cơ thể cô, thì có lẽ cô sẽ luôn thấy anh thật đẹp.

Anh chuyển ánh mắt sang con gái. “Ta có thể làm gì, Pamela? Ta có thể làm gì để đặt mọi thứ về đúng vị trí?”

Fleur cảm thấy như thể anh đang nói với chính mình, tâm can cô run rẩy.

“Chẳng gì cả,” con bé ngừng giữa con nấc. “Đi đi.”

“Mẹ đã hứa là ngày nào đó con có thể gặp các phu nhân đúng không? Và cha đã hứa sẽ nói và nhắc mẹ. Nhưng cha vẫn chưa làm. Cha xin lỗi. Con sẽ tha thứ cho cha chứ?”

“Không!” Con bé lại nói khi úp mặt vào ngực của Fleur.

Công tước thở dài và đặt tay lên đầu con gái. “Con sẽ cho cha cơ hội để sửa sai chứ? Chiều nay có buổi picnic ở chỗ tàn tích. Cha sẽ sắp xếp để con cũng được đến đó được không?”

“Không. Con muốn ở đây học tiếng Pháp với cô Hamilton. Chiều nay cô ấy sẽ dạy cho con.”

“Xin con đấy, Pamela. Liệu chúng ta có thể thuyết phục cô Hamilton dời sang ngày mai được không?”

Fleur hôn lên thái dương nóng hổi của con bé. “Ngày mai chúng ta sẽ học tiếng Pháp nhé? Trời hôm nay thật thích hợp để đi picnic. Cô nghĩ các phu nhân đều mặc váy áo muslin, đội mũ bonnet thật đẹp và cầm dù.”

“Và cha nghe nói là có cả chả tôm hùm nữa. Con có đi không Pamela?”

“Nếu cô Hamilton cũng đi.” Pamela bất ngờ trả lời.

Mắt Fleur và công tước bất giác khóa vào nhau.

“Nhưng mẹ và cha cháu muốn tự mình dẫn cháu đi.”

“Cô Hamilton sẽ vui lắm nếu được nghỉ một buổi,” cùng lúc đó công tước nói. “Cô ấy không mấy khi được nghỉ.”

“Vậy thì con không đi.” Con bé hờn dỗi.

Công tước nhướng chân mày và Fleur nhắm mắt.

“Cô có thích chả tôm hùm không, cô Hamilton?” Công tước khẽ hỏi.

“Tôi luôn thích ăn món đó khi đi picnic.”

Pamela nhảy xuống khỏi lòng Fleur và vén chỗ tóc rối khỏi gương mặt sưng húp và đỏ bừng của mình.

“Con sẽ đi tìm vú. Con sẽ yêu cầu vú mặc váy màu hồng và đội mũ bonnet cho con.”

“ Hãy nhờ vú, Pamela. Như vậy hay hơn là yêu cầu.”

Công tước đứng dậy lúc con gái chạy ra khỏi phòng, và nhìn xuống Fleur. “Ta xin lỗi vì cô phải một mình đương đầu với nó. Bà vú bảo Houghton chạy đi báo với ta là Pamela đang la hét và cô đang siết con bé chặt đến nghẹt thở. Ta thật đáng trách khi hy vọng là nó đã quên đi thỉnh cầu được gặp các phu nhân.”

Fleur chẳng nói gì ngoài việc thu dọn những mảnh vỡ vụn.

“Chiều nay ta sẽ thu xếp thực hiện lời hứa đó. Học trò đã trở nên gắn bó với cô hơn, cô Hamilton, ta hy vọng điều đó có thể an ủi cô phần nào.”

Cô nghĩ với chút hoảng sợ lúc ra khỏi phòng học rằng cô không muốn tham gia buổi picnic. Cô sẽ làm bất cứ cách nào đó để khỏi phải đi - ngoại trừ việc thất hứa với Pamela. Và vì vậy cô chẳng còn cách nào khác.

Cô nuối tiếc hai tuần đầu tiên ở Willoughby, bởi trong thời gian đó cô vui vẻ dù nữ công tước và bà Clement có gây chút khó khăn.

Cô ước gì mình không biết công tước Ridgeway chính là ai. Nhưng tất nhiên, trước ngày hôm nay cô đã biết mình sẽ không có được công việc này nếu người đó không phải là anh. Giờ này cô sẽ ở London, trong căn phòng trọ bé xíu, và làm điếm.

Dù sao đi nữa cô cũng nợ ơn anh.

Và nếu thật sự mối quan hệ của cô và Pamela có chút tiến triển - dù cô không hoàn toàn dám chắc - thì như thể có nghĩa là cô đã tới gần con bé hơn một chút. Có thể con bé hay hờn dỗi, bướng bỉnh, nhưng con bé thật sự rất nhạy cảm và có những nhu cầu cơ bản. Và khi nó cần Fleur, dù không chịu thừa nhận. Thật tuyệt làm sao khi mình có ích và được cần đến.

Dường như buổi chiều này cô phải chuẩn bị tham gia buổi picnic.
Bình Luận (0)
Comment