Hậu Cung Hi Phi Truyện

Chương 44.2

Edit: Ớt Hiểm

Đức phi nghe vậy thì bật cười, chỉ vào Niên thị đồng thời quay qua nói với Dận Chân: “Con xem miệng lưỡi của nàng ta kìa, bổn cung còn chưa nói gì mà nàng ta đã làm một tràng như vậy rồi, đây chẳng phải là ép bổn cung không được chê lễ vật của nàng ta sao. Được rồi được rồi, con tặng cái gì bổn cung đều thích, như vậy đã được chưa.”

“Thôi được rồi, Tố Ngôn, nàng đừng thừa nước đục thả câu nữa, thọ lễ của nàng chất đầy tới hai chiếc xe ngựa, đến ta cũng chẳng biết là cái gì, mau mau lấy ra đi”. Hiếm khi tâm tình của Dận Chân tốt như vậy.

“Thiếp thân tuân mệnh.” Niên thị nhún người cười tủm tỉm rồi sai người dâng lễ vật lên. Hai thái giám từ ngoài tiến vào, mỗi người mang theo một bức bình phong bằng gỗ đỏ, Đức phi nghĩ rằng Niên thị đã dâng quà xong, vừa định lên tiếng thì lại có hai thái giám khác cũng mang theo hai bức bình phong y hệt lúc nãy tiến vào, tiếp tục như thế thêm một lần nữa thì mới ngừng lại.

Sau khi đặt mấy bức bình phong ngay ngắn ổn định rồi thì mấy thái giám mới lui ra, Niên thị mỉm cười bước tới hành lễ chúc: “Đại thọ của ngạch nương, nhi thần không có gì tốt, cố gắng lắm mới chuẩn bị được mấy bức bình phong gỗ đỏ, mong ngạch nương không chê.”

Những bức bình phong này mỗi cái cao gần một trượng*, rộng hơn bốn thước*, làm bằng gỗ đỏ, bốn cạnh đều được khảm trúc Tương Phi, gỗ đàn hương và các vật liệu quý hiếm khác; chưa hết, tấm lụa gấm ở giữa mỗi bình phong là một bức tranh vẽ hình hoa cỏ, tổng cộng mười hai tấm, bốn cạnh của mỗi tấm được thêu những chữ ‘Thọ’ bằng chỉ vàng nối tiếp nhau. Câu ‘tấc lụa tấc vàng’ chẳng khác gì chỉ mười hai bức tranh lụa hoa cỏ này, trị giá không dưới vạn kim. Chưa kể trúc Tương Phi trân quý, gỗ đàn hương khó tìm, gỗ đỏ thượng đẳng, tất cả tạo nên một vật giá trị không để đo đếm được. Cũng may mà chính điện của Trường Xuân cung đủ lớn, nếu không bộ bình phong này cũng không biết để ở đâu.

(*1 trượng = 3,33 mét, 1 thước = 1/10 trượng.)

Trường Xuân cung cũng có rất nhiều bình phong, ngay cửa sổ chính điện đặt một cái làm bằng gỗ tử đàn khắc hình con Li*, cao không tới một thước, nhưng chưa có bộ bình phong nào khiến người trầm trồ ngạc nhiên đến mức này, không chỉ vật liệu quý hiếm, mà còn là chế tác rất tinh xảo; dù là thợ tay nghề giỏi cũng cần thời gian rất lâu mới có thể hoàn thành.

(*Con Li: con rồng không sừng trong truyền thuyết để trang trí các công trình kiến trúc hoặc công nghệ phẩm.)

Đức phi giấu đi kinh ngạc trong lòng, nói với Niên thị: “Con có lòng như vậy bổn cung rất vui, lễ vật như vầy thật quá quý giá, bổn cung thấy hay là con đem về lại đi.”

Niên thị tỏ vẻ buồn bã nói với Dận Chân: “Bối lặc gia ngài xem, quả nhiên là ngạch nương chê thiếp thân quá tầm thường, không có hiếu tâm như ngài cũng như Thập Tam gia cùng tỷ tỷ.”

Nụ cười Dận Chân mỏng như sợi chỉ, nhàn nhạt nói: “Nàng thừa biết ngạch nương không có ý này.” Nói xong, hắn nhìn qua bộ bình phong quý giá rồi nói với Đức phi: “Ngạch nương, nếu Tố Ngôn đã có lòng thì người hãy nhận lấy đi, quý giá hay không cũng không sao, huống gì ngạch nương là một trong tứ phi, phần lễ vật này cũng đâu có gì là khó nhận.”

Dận Chân đã nói như vật, Đức phi đành phải gật đầu: “Vậy thôi được, bổn cung nhận, nhưng từ nay về sau đừng tặng lễ vật quý giá như vậy nữa, Vạn tuế gia nhiều lần nói phải bớt kiêu căng bớt lãng phí, đừng quá ham hưởng thụ.”

“Nhi thần đã biết.” Niên thị giọng mềm như bông trả lời rồi ngồi xuống, ánh mắt xẹt qua phía Na Lạp thị đang im lặng đắc ý.

Sau đó, Lý thị cũng dâng lên phần lễ vật của mình, là một ngọn núi giả bằng Phỉ thúy, hai mặt núi còn điêu khắc hoa văn, một mặt khắc thú vật, cây tùng, chim hạc, hưu nai, ngụ ý ‘Tùng Hạc diên niên’, ‘Hạc Lộc đồng xuân’*; mặt còn lại điêu khắc một Thọ thần và một đồng tử đang hái thuốc, sau lưng là đền đài, đỉnh núi có một viên ngọc màu nâu đỏ, màu sắc đang lan từ từ xuống dưới, tạo thành cảnh mặt trời vừa hừng lên ở phía Đông, ráng màu mới lạ, cực kỳ độc đáo và thú vị.

(*Bức tranh phong thủy ‘Tùng Hạc diên niên’,  ‘Hạc Lộc đồng xuân’ biểu hiện cho sự thịnh vượng, trường thọ.)

Đức phi vui vẻ nhận lấy, còn hỏi thăm vài câu về hài tử trong bụng của Lý thị, đợi nàng ta trả lời xong thì dặn dò nàng dưỡng thai cho tốt, đừng làm gì ảnh hưởng không tốt tới thai khí.

Tuy Diệp thị cũng mang thai, còn sớm hơn Lý thị một tháng, nhưng Đức phi vẫn coi trọng hài tử trong bụng Lý thị hơn, mẫu bằng tử quý, mà con quý cũng nhờ ngạch nương, so về xuất thân, nếu đều hạ sịnh nam hài thì dĩ nhiên con của Lý thị sẽ là người được kế thừa chi vị thế tử.

“Tốt tốt tốt!” Đức phi nói liền ba chữ ‘Tốt’, tâm trạng rất vui vẻ: “Tất cả các con đều có tâm, bổn cung rất là hạnh phúc, các con cùng ở lại dùng cơm trưa với bổn cung, sau đó tới Xướng Âm các nghe diễn tuồng, được chứ?”

Mọi người đồng loạt nghe lời, Đức phi gật đầu đang định nói gì đó thì Lý thị chợt đứng lên: “Ngạch nương, còn có một người chưa dâng lễ vật chúc thọ ngạch nương.”

“Là ai?” Đức phi hơi khó hiểu, Lăng Nhã căng thẳng bước lên nhún người hành lễ: “Nô tỳ Nữu Hỗ Lộc Lăng Nhã thỉnh an Đức phi nương nương, nương nương vạn phúc.”

Cái họ Nữu Hỗ Lộc này làm cho Đức phi nhớ tới chuyện xảy ra ở Thể Nguyên điện vào năm Khang Hi thứ bốn mưới ba, hình ảnh Khang Hi nổi giận hôm đó vẫn còn trước mắt, vào cung nhiều năm như vậy nhưng nàng chưa bao giờ thấy Khang Hi giận dữ tới mức đó, vì vậy mà nàng luôn tò mò về Nữu Hỗ Lộc Lăng Nhã này, liền nói: “Ngẩng đầu lên cho bổn cung nhìn một chút.”

Khi gương mặt kia hiện ra rõ ràng trước mắt, cảm xúc của Đức phi giống hệt như Vinh Quý phi ngày trước, Đức phi hít sâu một hơi, gương mặt này đúng là rất giống với Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu đã mất, lại càng giống với nữ nhân trong bức tranh mà Khang Hi treo ở thư phòng, khó trách trước đây Vinh Quý phi muốn tước đi tư cách tham gia tuyển tú của nàng ta, nếu đổi lại là mình, ngày đêm nhìn thấy gương mặt này trong cung sợ là ngủ cũng chẳng yên. Người nào chưa từng trải qua những tháng ngày xưa cũ, thì không thể hình dung được tình cảm Khang Hi dành cho Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu sâu nặng tới mức nào.

Còn về bức họa nữ nhân trong thư phòng kia, tuy rất giống Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu, nhưng thần thái trong tranh rõ là không phải. Nàng từng nhìn thấy Khang Hi vừa ngắm bức họa đó vừa thẫn thờ, mà không phải chỉ một lần, còn thân phận của nữ nhân trong tranh, Khang Hi chưa bao giờ nhắc tới, chỉ bảo rằng đó là một vị cố nhân.

Na Lạp thị thấy mặt Đức phi biến sắc mà mà lại chẳng nói gì thì chỉ nghĩ rằng Đức phi không hài lòng về việc cho Lăng Nhã vào cung, nên vội đứng lên thỉnh tội: “Nhi thần thấy Lăng cách cách có hiếu tâm, lại thấy ngạch nương từng hỏi thăm về nàng ta, nên nhân dịp này mới cả gan cho nàng ta tiến cung gặp mặt chúc thọ ngạch nương, là nhi thần suy nghĩ không chu toàn, thỉnh ngạch nương…” 

“Không liên quan tới con.” Đức phi phất tay ngắt lời của Na Lạp thị, ánh mắt vẫn để trên người của Lăng Nhã đang lo lắng bất an, lát sau mới nhoẻn miệng cười, giọng nói nhẹ nhàng: “Đứng lên đi, Tĩnh Quý nhân có nhắc qua về ngươi với bổn cung, nếu nàng ta biết ngươi vào cung, nhất định rất là vui mừng.”

“Tĩnh Quý nhân vẫn tốt chứ ạ?” Lăng Nhã cả gan hỏi.

“Dĩ nhiên rất tốt.” Đức phi cười nói: “Khó khăn lắm ngươi mới có dịp vào cung, lát nữa bổn cung đưa ngươi tới Thừa Càn cung để gặp Tĩnh Quý nhân, nàng ta cũng rất nhớ ngươi”

Lăng Nhã mừng rỡ, vội vàng dập đầu tạ ơn, sau đó lấy ra bức ‘Bát tiên chúc thọ đồ’ mà nàng đã thức cả đêm để hoàn thành, hai tay dâng lên, cung kính nói: “Thiếp thân mong ước nương nương ‘như nguyệt chi hằng, như nhật chi thăng; như Nam sơn chi thọ, bất khiên bất năng; như tùng bách chi mậu, vô bất dĩ hoặc thừa.*”

(*Đây là một trong sáu bài thơ ‘Thiên bảo’ của Phú Dã. Nghĩa như sau:

Như trăng muôn thuở yêu kiều,

Như vầng dương sáng phiêu diêu khung trời.

Như nam sơn thọ với đời,

Không xây không xát không rời không băng.

Tốt tươi như bách như tùng,

Con con cháu cháu vô cùng kế theo.)

Đức phi rất hài lòng với bài thơ chúc thọ của nàng, nhận lấy bức tranh thêu từ tay cung nữ rồi mở ra xem, mặc dù trước đó đã thấy nhiều ý tưởng chúc thọ mới lạ độc đáo, nhưng nhìn thấy bức “Bát tiên chúc thọ đồ’ này, ánh mắt vẫn khựng lại, bức tranh này được thêu vô cùng tinh tế, tám vị tiên nhân thần thái tự nhiên, sinh động như thật, từng ly từng tí, độc đáo nhất chính là tiên khí từ bức thêu mờ ảo bay ra, khiến cho người nhìn thấy hình như tám vị tiên nhân này đang cỡi gió đến đây.

“Ồ, sao lại có đóa hoa mẫu đơn ở đây?” Đức phi thấy trên áo của Lữ Động Tân có một đóa hoa đỏ rực, tưởng là hoa thật, theo phản xạ lấy tay phủi đi, phủi tới phủi lui, nhìn kỹ mới phát hiện ra đó là một đoa hoa thêu.

Đức phi vuốt ve đóa hoa mẫu đơn tinh xảo, thở dài: “Thêu giống quá, tay nghề giỏi hơn tú nương trong rất nhiều, bức tranh này là một mình ngươi thêu sao? Còn nữa, sao trên áo của Lữ Động Tân lại có hoa mẫu đơn?” Bức tranh thêu này dài chưa tới một thước, nhưng vì muốn thêu như thật, nên sử dụng chỉ thêu tất mỏng, nhỏ như sợi tóc, tầng tầng lớp lớp phủ lên nhau, vì vậy nên hao tốn rất nhiều công sức và thời gian.

“Hồi bẩm Đức phi nương nương, là thiếp thân và Ôn tỷ tỷ cùng thau thêu, nàng ta nhờ thiếp thân gửi lời chúc thọ tới nương nương, mong nương nương phúc thọ kéo dài, cảnh xuân bất lão. Còn về đóa hoa mẫu đơn…” Lăng Nhã biết Đức phi sẽ hỏi đến chuyện này nên trước đó đã nghĩ cách giải thích, cười nhẹ thưa: “Không biết nương nương đã từng nghe tới ‘Lữ Động Tân tam hí Bạch Mẫu Đơn’ chưa?” Thấy Đức phi gật đầu, nàng lại nói: “Dân gian truyền rằng, sau khi Bạch Mẫu Đơn bị độ, nàng không muốn chia lìa với Lữ Động tân, nhưng lại sợ phạm tiên quy, nên tình nguyện từ bỏ tiên tịch, hóa thành hoa mẫu đơn ngự trên áo của Lữ Động Tân, cả đời làm bạn với Lữ Động Tân.”

[Lời tác giả]: Ta muốn giải thích về tên của Niên thị. Trong sách sử chép lại, tên của nữ nhân chỉ để họ, rất ít trường hợp để lại tên, vì vậy Niên thị rốt cuộc tên gì thì ít ai biết được. Dù là Thế Lan (trong Chân Hoàn truyện – lời editor) hay là Tố Ngôn cũng đều là tên do hậu thế tự đặt, không phải tên chính xác trong lịch sử.
Bình Luận (0)
Comment