Hóa Huyết Thần Công

Chương 68

A Liệt hỏi :

- Đó là một cách để ngăn cho người ta khỏi ăn cắp. Dù ai trông thấy cũng không muốn lấy. Nhưng tại hạ không hiểu bí lục khắc ở chổ nào ?

Lương Trung Sơn đáp :

- Không phải khắc vào kiếm mà là giấu ở trong chuôi.

Lương Trung Sơn xoay chuôi kiếm lấy lần, tự nhiên chuôi kiếm rời ra. Trong chuôi kiếm giấu một cuộn giấy nhỏ.

Dưới ánh đèn hai người phấn khích, cẩn thận lấy cuộn giấy ra.

Lương Trung Sơn nói :

- Thiếu gia! Thiếu gia coi cẩn thận đi ! Lão nô ra ngoài canh chừng. Vụ này không phải tầm thường. Thiếu gia cần để ý lắm mới được.

A Liệt gật đầu. Chàng thổi tắt đèn đi rồi mới mở cuộn giấy ra coi. Hay ở chỗ trong đêm tối chàng coi sự vật cũng rõ như ban ngày chẳng có chút chi bất tiện. Trường hợp này khiến cho dù có người ngoài dòm trộm cũng chẳng thể nào trông rõ cảnh vật trong phòng. Lương Trung Sơn đi tuần tra bốn mặt vô cùng cẩn thận. Hỏi lâu lão nghe A Liệt gọi mới trở về phòng thắp đèn sáng lên, A Liệt đã cất Hóa huyết chân kinh vào trong chuôi kiếm như cũ.

Hai người ngồi bên bàn nói chuyện rất lâu.

A Liệt nói :

- Trong sách gia gia đã nói rõ kinh này là chân bản truyền đời. Trong nhà còn có một bản nữa cũng là bản chính nhưng văn tự đảo lộn lại phương pháp cố ý làm cho thêm phần rắc rối. Vì thế mà người ngoài bản môn có coi đến cũng không hiểu được.

Lương Trung Sơn hỏi :

- Thiếu gia coi kinh văn rồi thấy thế nào ?

A Liệt đáp :

- Rõ ràng minh bạch lắm, nhưng lúc tu luyện nhất định là vấn đề khó khăn, vì pháp môn ở trong này có nhiều chỗ khác hẳn với Lăng gia bí lục của tại hạ. Lại có chỗ dường như đi ngược đường.

Lương Trung Sơn hỏi :

- Vấn đề khó khăn này chỉ có thỉnh giáo Tiêu Dao lão nhân mới hiểu được hay sao ?

A Liệt đáp :

- Đúng thế. Sáng mai tại hạ viết ra một bản lang nha bí lục cùng những chỗ sơ hở để đưa cho Tiêu Dao lão nhân duyệt lại để đối chiếu tham khảo..

Lương Trung Sơn hỏi :

- Sao không đi ngay đêm nay?

A Liệt đáp :

- Không được! Kết quả của A Tinh thế nào? Chúng ta không thể bỏ nàng được.

Lương Trung Sơn nói :

- Theo lời Vân cô nương thì mọi người lâu lắm mới tìm ra được bí đạo, nhưng không kiếm thấy tông tích ai cả.

A Liệt nói :

- Thế thì hay lắm. Chiều tối mai chúng ta lên đường được rồi.

Lương Trung Sơn không hiểu tại sao lại phải chờ đến tối mai mới lên đường mà cũng không biết Tiêu Dao lão nhân ở đâu.

Lão lợi dụng tuổi già và tướng mạo bình trường cùng cải tháng một chút đi thám thính các nơi trong thành Khai Phong suốt ngày hôm sau để nghe động tĩnh của các môn phái.

Kết quả cuộc điều tra tổng hợp thì dường như các phái lớn không hoạt động gì mà gặp rất ít người bọn họ, không hiểu vì lẽ gì họ im lặng.

Đến chiều tối, A Liệt sao Lang nha bí lục xong, sắp sửa hành trang cùng Lương Trung Sơn đang chuẩn bị lên đường thì đột nhiên thanh âm A Liệt cất lên nghe rất kinh hãi. Chàng hô :

- Cao huynh! Mời Cao huynh vào đây ngồi chơi.

Bên ngoài có tiếng người đáp lại :

- Lỗ tai Tra huynh đệ quả là minh mẫn.

Tiếp theo cửa phòng kẹt mở. Một hán tử thân thể tráng kiện khí vũ hiên ngang thái độ kiêu hùng, đàng hoàng bước vào. Người này lưng cài bảo đao, giây thao rủ xuống phất phơ.

Lương Trung Sơn tròn mắt hả miệng ra chiều kinh ngạc. A Liệt bảo lão :

- Lương đại thúc! Đại thúc bất tất phải hoang mang. Cao huynh là người giúp đỡ chúng ta. Đại danh y là Bạch Nhật Thích Khách Cao Thanh Vân, khét tiếng giag hồ.

Cao Tranh Vân gật đầu thi lễ chào Lương Trung Sơn rồi quay lại bảo A Liệt :

- Thông minh tài trí của Tra huynh đệ cao xa hơn sự tiên liệu của tiểu huynh nhiều. Cái đó chứng mình bằng việc tạm trú của Tra đệ Ở nơi đây và đến tối nay mới động thân. Tiểu huynh tỉnh ngộ rồi.

Y dừng lại một chút rồi tiếp :

- Sáng sớm hôm nay người các môn phái tới tấp ra ngoài thành điều tra đến xế chiều mới về.

Họ kiếm trong vòng trăm dặm quanh đây mà không thấy tông tích hai vị đâu nên đoán chắc Tra đệ hãy còn ở trong thành.

A Liệt hỏi :

- Nếu vậy thì đêm nay chắc họ mở cuộc điều tra ráo riết trong phủ Khai Phong phải không?

Cao Thanh Vân đáp :

- Đúng thế ! Nhưng Tra đệ lại phải rời khỏi nơi đây vào lúc đó hay sao?

A Liệt nghiêm nghị hỏi :

- Tin tức này của Cao huynh quan trọng phi thường cho tiểu đệ. Không hiểu bang chủ Cái Bang Lục Minh Vũ có tại phủ Khai Phong chăng ? Ngoài ra tiểu đệ còn muốn thỉnh giáo Cao huynh một việc.

Cao Thanh Vân đáp :

- Chẳng những Lục Minh Vũ hiện ở phủ Khai Phong mà sau lúc mặt trời lặn số đông cao thủ Cái Bang cũng tới đây. Hiện giờ nói về thực lực thì các môn phái lớn chưa bằng hắn được.

A Liệt gật đầu hỏi tiếp :

- Chắc Cao huynh đã điều tra được chỗ dụng tâm của Lục Minh Vũ ?

Cao Thanh Vân đáp :

- Hắn biết sự việc xảy ra ở cửa sổ phía đông sớm muộn gì cũng có kẻ phản loạn chạy đi nên triệu hết những tay cao thủ đến đấy. Thanh thế hắn lớn như vậy thì còn ai dám dây vào ?

A Liệt hỏi :

- Nhưng Cái Bang ở cả giải Giang Nam, sao hắn triệu tập được cao thủ đến mau thế ?

Cao Thanh Vân đáp :

- Dĩ nhiên họ đã dự bị mệnh lệnh từ trước là sắp có lệnh triệu lên miền bắc.

A Liệt xoay chuyển ý nghĩ rồi hỏi :

- Khi đó mọi việc của Cực Lạc giáo chưa bị vở lở. Nếu vì một mình Phùng Thúy Lam thì sao Cái Bang lại đem việc nhỏ làm cho to chuyện? Bởi thế.. tiểu đệ nghĩ rằng họ còn phe cường địch nào khác cần phải đối phó. Cao huynh có hiểu nội vụ không?

Cao Thanh Vân giật mình kinh hãi giương mắt lên nhìnn A Liệt hỏi lại :

- Tra đệ quả nhiên không phải tầm thường. Vậy mà trước đây Tra đệ ra chiều ngớ ngẩn, phải chăng Tra đệ giả vờ ?

A Liệt đáp :

- Tiểu đệ mới đoán có một câu như vậy đã khiến cho Cao huynh kinh ngạc đến thế ư ?

Chàng mỉm cười nói tiếp :

- Vậy không cần hỏi cũng biết là Cao huynh có dính líu về vụ này!

Cao Thanh Vân gật đầu đáp :

- Đúng thế ! Tiểu huynh cố ý tiết lộ ra một tin tức để thăm dò xem động tĩnh của họ đồng thời để chứng thực sự phỏng đoán của mình. Hiện giờ chẳng những đã chứng minh hắn có liên quan đến vụ đó đồng thời tiểu huynh còn biết được hắn là Cực Lạc giáo chủ. Nhân cách hắn như vậy chứng tỏ hắn có thể làm bất cứ một việc thương thiên bại lý nào.

A Liệt trầm ngâm một lúc rồi nhất định không hỏi nữa vì việc Cao Thanh Vân đề cập đến không có liên quan gì tới chàng. Hơn nữa chàng cho là những mối xích mích của họ mình đừng biết là hơn.

Lại nghe Cao Thanh Vân nói tiếp :

- Tra huynh đệ ! Huynh đệ đã nói còn có điều chưa rõ muốn hỏi ta.

A Liệt hỏi :

- Đúng thế ! Tiểu đệ muốn hỏi đêm nay Cao huynh tới đây vì việc gì ?

Cao Thanh Vân nhanh nhẩu đáp :

- Huynh đệ đã hỏi tới thì tiểu huynh nói trắng ra. Tiểu huynh tới đây có việc muốn thương lượng cùng Tra đệ. Có thể nói là một cuộc trao đổi điều kiện hai bên cùng có lợi.

A Liệt nói :

- Nếu là việc có lợi cho chúng ta thì dĩ nhiên tiểu đệ phải tuân mệnh. Cao huynh thử nói nghe.

Cao Thanh Vân nói :

- Tra đệ đã biết tiểu huynh vốn là môn hạ phái Võ Đương, chẳng có ơn oán gì với Tra gia.

Nhưng giữa tệ phái và phái Thiếu Lâm lại có mối quan hệ sâu xa. Vì thế mà.. A Liệt ngắt lời :

- Vì thế mà Cao huynh muốn lấy bảo vật của Thiếu Lâm phải không ?

Cao Thanh Vân đáp :

- Chính là thế đó.

A Liệt hỏi :

- Được lắm ! Nhưng tiểu đệ không hiểu lợi ở chỗ nào?

Lương Trung Sơn xen vào :

- Thiếu gia! Bảo vật đó ở đâu ?

A Liệt khoát tay gạt đi :

- Đại thúc đừng xen vào.

Đột nhiên chàng biến thành người quả quyết, lão luyện tỏ thái độ trấn áp kẻ khác.

Quả nhiên Lương Trung Sơn không dám nói nữa.

Cao Thanh Vân đáp :

- Nếu Tra đệ làm được vụ này thì tiểu huynh đề nghị Tra đệ giả làm tiểu huynh, tiểu huynh giả làm Tra đệ. Chúng ta chỉ cần lộ diện trái ngược nhau là các vị đi đường một cách bình yên.

A Liệt nói :

- Đúng lắm! Kế nầy tuyệt diệu.. Chàng nói rồi cúi đầu ngẫm nghĩ.

Lương Trung Sơn khi nào chịu tin lời Cao Thanh Vân. Vì thế mà lão bồn chồn hết dậm chân lại thở dài.

A Liệt không lý gì đến lão. Chàng ngửng đầu lên nhìn Cao Thanh Vân hỏi :

- Chúng ta đã có điều ước về việc giao dịch. Vậy cứ như ước mà làm, nhưng tiểu đã rất cảm phục diệu kế của Cao huynh, vậy mong Cao huynh hãy giúp tiểu đệ vô điều kiện được chăng ?

Cao Thanh Vân ngạc nhiên đáp :

- Giúp đỡ vô điều kiện ư ?

A Liệt cười đáp :

- Phải rồi ! Tiểu đệ cũng biết lời thỉnh cầu này quá đáng.

Cao Thanh Vân hỏi :

- Tra đệ đã biết là quá đáng sao còn đưa ra ?

A Liệt chỉ cười chứ không trả lời.

Cao Thanh Vân lắc đầu ra vẻ không sao đoạn đáp :

- Chuyến này ta lỗ vốn rồi. Thôi được! Nếu các vị cần lên đường gấp thì ta sẽ có cách khiến cho bọn họ chỉ theo dõi hành tung ta.

Lương Trung Sơn trợn mắt há miệng, ấp úng :

- Thiếu gia ! Vạn nhất mà bọn người kia khám phá rạ. Ý lão muốn nói vạn nhất mà Cao Thanh Vân lừa gạt há chàng tự chui đầu vào tròng.

A Liệt ngắt lời :

- Lương đại thúc, chúng ta đến đây từ đêm qua. Cao huynh đã biết cả rồi. Nếu y muốn gia hại chúng ta thì hiện giờ nhất định bọn cao thủ đã bao vây bốn mặt. Đại thúc bất tất phải băn khoăn.

Cao Thanh Vân nói :

- Chắc lâu nay Lương đại thúc ít qua lại giang hồ nên không hiểu tại hạ là người thế nào.

Y nói rồi lấy râu cùng lông mặt, quần áo và khí giới mà y đã chuẩn bị từ trước đem ra cải trang cho A Liệt.

Thủ pháp hóa trang của Cao Thanh Vân rất thuần thục và mau lẹ. Chỉ trong nháy mắt y đã biến đổi A Liệt giống hệt y. Nên biết Cao Thanh Vân thường thường hành thích giữa ban ngày có thể len lỏi vào bất cứ chỗ nào, nên thuật hóa trang của y đã đến trình độ rất cao minh. Bây giờ A Liệt chỉ việc mặc áo và đeo binh khí vào là xong. Đột nhiên chàng bảo Lương Trung Sơn :

- Lương đại thúc! Bây giờ thời gian đối với chúng ta rất ung dung. Vậy đại thúc chạy đi lấy ngay bảo vật của chùa Thiếu Lâm đưa cho Cao huynh để tỏ lòng thành.

Cả Cao Thanh Vân cùng Lương Trung Sơn đều ngạc nhiên.

A Liệt lại thúc giục :

- Lương đại thúc! Lẹ lên! Chẳng lẽ đại thúc không nhìn thấy tấm lòng nghĩa khí của Cao huynh ư ?

Lương Trung Sơn bỗng phưỡn ngực ra, bật lên tiếng cười dõng dạc đáp :

- Dạ dạ ! Đây là chuyện người đời hâm mộ nhau về nghĩa khí ! Lão nô thật quả vụng về.

Lão chạy đi ngay. A Liệt cùng Cao Thanh Vân đều xúc động. Cả hai người cảm thấy trong lòng thanh thản và nổi lên mô l thân ái thành thực.

Hồi lâu Cao Thanh Vân mới lên tiếng :

- Xét cho cùng thì Lương đại thúc là người rất giàu kinh nghiệm. Hỡi ơi! Người đời nay chỉ mãi mưu đồ lợi riêng, kẻ nghĩa khí thật là hiếm có.

A Liệt nói :

- Cao đại ca ! Tiểu đệ yết kiến Tiêu Dao lão nhân xong rồi có thể vì Cao huynh mà ra công khuyển mã.

Cao Thanh Vân cười đáp :

- Việc của Tra đệ dĩ nhiên tiểu huynh cũng không thể tọa thị điềm nhiên. Phải vậy không ?

Hai người đang trò chuyện thì Lương Trung Sơn đã trở về đem theo cái hộp gỗ dài chừng hơn thước. A Liệt đón lấy hộp trao vào tay Cao Thanh Vân.

Lúc này A Liệt đã đổi y phục, lương đeo trường đao, trông giống hệt Cao Thanh Vân, chỉ có bậc sư trưởng hay thân nhân mới nhận ra được.

Hai người chia tay từ biệt.

A Liệt chờ cho Cao Thanh Vân đi trước trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, mới cùng Lương Trung Sơn ra cửa sau.

Quả nhiên hai người rời khỏi phủ Khai Phong không xảy chuyện gì. Lương Trung Sơn mua một đôi Tuấn mã để đi cho lẹ.

Vào khoảng giờ ngọ hôm sau hai người đã tới Lạc Dương, đi thẳng đến chùa Bạch Mã. Lương Trung Sơn ở lại chùa ngoài. Một mình A Liệt đến ra mắt Tiêu Dao Lão Nhân.

A Liệt đi được một quãng xuống suối rửa mặt bỏ râu và lông mày giả đi, khôi phục lại khuôn mặt. Chàng nhắm phía sau chùa đi thẳng vào.

A Liệt ra tới cổng sau gặp hai nhà sư đứng gác cổng.

A Liệt dừng bước chú ý nhìn hai nhà sư. Lòng chàng nảy ra vô số chủ ý. Hai nhà sư thấy chàng nhìn mình chăm chú đều lấy làm kỳ nhưng cũng không lên tiếng hỏi.

Hai bên lặng lẽ đối diện. A Liệt chắp tay cười nói :

- Kính chào hai vị đại sư.

Hai nhà sư chắp tay đáp lễ. Nhà sư mé tả nhiều tuổi hơn cất tiếng :

- Thí chủ có điều chi dạy bảo?

A Liệt hỏi lại :

- Các vị đại sư có biết cửa này là cửa phương tiện, cửa nơi trần thế mịt mờ rồi chứ?

Hai nhà sư sửng sốt đưa mắt nhìn nhau.

Nhà sư lớn tuổi đáp :

- Thí chủ tuy còn nhỏ tuổi, nhưng trong lời nói có ẩn ý thiền cơ, sâu xa khó hiểu. Tiểu tăng thật thẹn mình là người cửa Không.

A Liệt nói :

- Các vị đại sư đều là kẻ sĩ tận tâm tu đạo nên không hiểu những chỗ phiền não vô cùng của người thế tục. Tỷ như tại hạ khát vọng dâng một vật trân qui lên một vị lão nhân gia mà hiện chưa tìm được đường lối mới thật là khó.

Hai nhà sư không nín cười được. Một vị cười ha hả hỏi :

- Cửa này tuy đặt ra nhưng vẫn luôn luôn mở rộng. Thí chủ còn điều chi phiền não?

A Liệt thở đài sườn sượt đáp :

- Tại hạ dù có vào qua cửa này đến tận tịnh xá, nhưng chẳng làm thế nào để lão nhân gia chịu mở mắt nhìn thì cũng bằng vô ích, có đúng thế không ?

Nhà sư mé hữu nói :

- Vậy thí chủ dùng ngọn lưỡi Tô Tần để lão nhân gia mở mắt ra coi.

A Liệt hỏi :

- Nếu lão nhân gia lờ đi như không nghe tiếng thì làm thế nào ?

Nhà sư mé tả xoa tay hỏi lại :

- Bọn bần tăng làm sao mà hiểu được nên làm thế nào !

A Liệt đáp :

- Đến đại sư mà cũng tụ thủ bàng quan thì tại hạ chả còn chút hy vọng gì nữa.

Nhà sư mé hữu hỏi :

- Thí chủ nói xa nói gần hoài sao không cho biết ý mình muốn là điều gì? Bọn bần tăng không biết thật và dĩ nhiên không muốn hỏi.

A Liệt đáp :

- Tại hạ không dám nói, vì có nói ra đại sư cũng không hiểu.. Chàng mỉm cười nhìn đối phương. Khóe mắt có vẻ khiêu chiến !

Nhà sư mé hữu chau mày hỏi :

- Bây giờ chúng ta hãy tách vấn đề ra làm hai. Bần tăng giúp hay không giúp thí chủ là một chuyện. Hiểu được hay không hiểu được là chuyện khác. Như vậy có đúng không?

A Liệt đáp :

- Đúng lắm !

Nhà sư hỏi :

- Vậy bần tăng muốn hỏi một lời :

Vật đó là vật gì mà bọn bần tăng nghe không hiểu ?

A Liệt đáp :

- Đó là hai pho kinh điển.. Nhà sư mé tả hỏi xen vào :

- Kinh điển ư? Thế thì khó tin lắm.

A Liệt đáp :

- Hai pho kinh này một là Hóa huyết chân kinh và một là Lang nha chân kinh. Khắp thiên hạ chỉ có một mình lão nhân gia hiểu được mà thôi.

Hai nhà sư vốn là người đã đọc hết kinh sách thiên hạ, có ý tự phụ học rộng. Ban đầu họ yên trí là việc thiên hạ dù mình chưa trải qua nhưng chắc đã đọc trong kinh sách rồi. Ngờ đâu A Liệt nói đến hai bộ kinh điển này thì đến cái tên hai nhà sư cũng chưa từng nghe qua, bất giác đều ngẩn người ra.

Đột nhiên có tiếng ngọc khánh vọng ra, thanh âm rất lọt tai.

Hai nhà sư ngạc nhiên. Nhà sư mé tả nói :

- Thí chủ vào đi. Lão tiên sinh mời thí chủ đó.

A Liệt mỉm cười thi lễ rảo bước tiến vào. Miệng lẩm bẩm :

- Chỉ sợ các vị giả câm giả điếc chứ đã chịu nói năng thì lo gì Tiêu Dao lão nhân không nghe tiếng.

Chàng xuyên qua cửa viện nhìn vào thấy một khu đất cỏ mọc và cây cối rườm rà rất tĩnh mịch. Ở mé tả cách đó không xa có một tòa tịnh xá.

A Liệt rảo bước đến cửa tịnh xá thấy cạnh cửa khép hờ, mục quang có thể nhìn vào được.

Bên trong nhà một tòa viện nhỏ bài trí rất trang nhã. Nền nhà lát gạch trắng có bốn người quì ở đó.

Trong bốn người này có ba nam một nữ. Coi bóng sau lưng cũng nhận ra đều đã lớn tuổi. Bọn họ phủ phục xuống đất coi rất thành tâm kính cẩn.

A Liệt định thần, trút bỏ tạp niệm rồi mới khom lưng thi lễ.

Chàng lớn tiếng :

- Vãn bối là Tra Tư Liệt xin bái yết lão tiền bối.

Trên thềm còn có một lần cửa nữa mà cửa này đóng chặt. Phía trong cửa có thanh âm khàn khàn vọng ra :

- Tiến vào đi ! Mở cửa ra !

A Liệt kính cẩn bước lên thềm đi thẳng đến bên cửa, nhưng thấy cửa này khuôn gỗ mà dán giấy rất nhẹ nhàng. Trên cửa còn bụi bám đầy. Hiển nhiên lâu nay không mở ra.

A Liệt xoay chuyển ý nghĩ trong đầu óc nhanh như điện. Trí nhớ của chàng hơn người một bực, nên Cao thanh Vân và Lương Trung Sơn đã nói gì về Tiêu Dao lão nhân chàng không quên một chi tiết.

A Liệt nghĩ thầm :

ÂCao Thanh Vân bảo lão nhân gia chỉ tọa quan một tháng mà sao cửa này lại lâu năm chưa mở.

Mặt khác Lương đại thúc đã kể cho chàng nghe tổ phụ chàng đã tỷ thí võ công với Tiêu Dao lão nhân mà Tiêu Dao lão nhân không chiếm được trượng phong.. Chàng nghĩ tới đây bất giác sinh lòng ngờ vực, bụng bảo dạ ÂHiển nhiên cửa này chưa từng mở ra. Ngày thường họ ra vào tất bằng cửa bên. Vậy hà tất lão nhân gia phải kêu mình mở cửa. Phải chăng trong vụ này còn có điều chi bí ẩn? Dĩ nhiên chàng không suy nghĩ lâu được mà phải đi tới quyết định ngay.

Hiện giờ chỉ có hai cách. Một là chàng mở khuôn cửa giấy này. Hai là nói rõ với Tiêu Dao lão nhân về lý đo không thể mở cửa được.

Vụ này nói thì dễ mà sự thực quan hệ rất lớn. Nếu mở cửa có thể xảy ra biến cố khôn lường, thường khi nguy hiểm đến tính mạng.

Trường hợp khôug mở cửa là phản kháng mệnh lệnh của lão, cũng có thể đưa đến kết quả vĩnh viễn không được gặp mặt lão.

Một trong hai trường hợp đều nghiêm trọng vô cùng! A Liệt xoay chuyển ý nghĩ rất mau, chàng quyết tâm tự nhủ :

- Dù là nguy hiểm đến tính mạng ta cũng cứ tuân lệnh mở cửa. Phương chi chưa chắc Tiêu Dao lão nhân đã biết được ta uống ngũ độc tiên đàm rồi, do đó mà ta thoát nạn không chừng.

Chàng liền đưa hai tay ra khẽ đẩy cửa. Tuy chàng không quay đầu lại cũng biết lúc phát ra tiếng kẹt cửa tất khiến cho bốn người cùng ở trong viện phải chấn động tâm thần, ngẩng đầu lên nhìn.

Hai cánh cửa vừa mở, A Liệt ngó thấy một lão già ngồi xếp bằng trên bồ đoàn nhìn thẳng ra cửa chính đối diện với chàng, cách chàng , thước.

Đồng thời A liệt nhìn thấy lão phất tay áo, một luồng kình lực xô tới trước mặt chàng tựa hồ muốn đưa chàng lên hất ra ngoài trăm dặm. Nói cho đúng thì luồng lực đạo tuy không mãnh liệt lắm, song nó có uy lực ghê gớm khiến cho chàng khó bề kháng cự.

A Liệt tự nhiên vận chân khí đề chống lại, nhưng cảm thấy áo quần phăng về phía sau cơ hồ cứa đứt cả da thịt. Sau cháng không đứng vững được phải lùi ra đến mép thềm. Chỉ một bước nữa là rớt xuống viện.

Đột nhiên người chàng cả mặt trước mặt sau đều rung động rồi đứng vững lại không phải lùi nữa.

Phía sau chàng nổi lên những tiếng thở dài rất khẽ nhưng nghe cũng biết là vì họ lo lắng hay buồn phiền mà phát ra. Dĩ nhiên là tiếng thở dài của mấy người quì ở trong viện.

Lão già trong nhà từ từ đứng dậy. Lão thân hình to lớn, mặc áo lương bào màu nguyệt bạch, tỏ ra là người phong lưu nhàn nhã. Mặt lão thoáng lộ vẻ kinh ngạc. Nhưng phải là nhãn lực cỡ A Liệt mới nhìn thấy.

Lúc này A Liệt không bị luồng tiềm lực xô đẩy chàng bèn bước tiến vào trước cửa quì xuống miệng hô lời bái yết.

Lão già nói :

- Hài tử ! Ngươi hãy tiến vào đây!

A Liệt tạ Ơn rồi tiến vào trong nhà. Lão già ngồi xuống ghế, bảo A Liệt tiến lại gần. Lão nhìn chàng nói :

- Hài tử! Đã hai chục năm nay, ngươi là kẻ duy nhất mở được cửa quan này của lão phu.

A Liệt kinh hãi nói :

- Vãn bối không hiểu gì hết. Nếu biết trước khi nào dám sính cường trước mặt lão tiền bối !

Tiêu Dao lão nhân khoan thai cười đáp :

- Không sao, lão phu đặt cửa quan này là để cảnh tỉnh bốn tên nghiệt chướng kia, chứ không phải làm khó dễ với người ngoài. Nhưng lão phu vẫn để cho cơ hội thì nay ngươi đã làm thay cho chúng rồi.
Bình Luận (0)
Comment