Họa Mục

Chương 9

Khuynh Tự đang đứng trước một sạp bán son chợt nghe thấy giọng đàn ông quát tháo, tò mò quay đầu nhìn về hướng phát ra tiếng ồn, thấy một gã trung niên chỉ trỏ mắng thiếu niên áo trắng.

Nép giữa kẽ hở của họ là một nữ tử ngồi bệt dưới đất ôm cây đàn tỳ bà, nhu nhược cúi gằm mặt ôm chiếc tay nải cũ, phấn trang điểm vung vãi và hộp son bị lật úp.

Khuynh Tự loáng thoáng nghe gã đàn ông mắng như là 'bao đồng', 'biến đi'... Thiếu niên trơ ra trước khuôn mặt đỏ tía của gã, bất thình lình - gã vung bàn tay dày rộng tát mạnh xuống. Thiếu niên kia phản ứng nhanh hơn, rút thanh kiếm đeo trên lưng đánh vào bả vai gã khiến gã trật khớp.

"Xin lỗi đi."

Khuynh Tự đọc ra khẩu hình môi của thiếu niên, thấy gã đàn ông vẫn ngoan cố sửng cồ lên lập tức bị thiếu niên tuốt kiếm kề sát vào cổ. Cậu nắm bao kiếm ghì xuống trên mũi chân gã, lặp lại: 'Xin lỗi đi.'

Thiếu niên chỉ cao đến ngực đối phương có ánh mắt sắc hơn cả lưỡi gươm trong tay.

Bây giờ gã đàn ông mới biết sợ, khuôn mặt đỏ au vì rượu và vì tức nhanh chóng tái mét, tấm lưng rộng khum lại, gã lộ ra lá gan thỏ, chắp tay vái vội thiếu niên và con hát đang ngã ngồi dưới mặt đất. Thiếu niên bắt gã đền tiền cho con hát rồi mới thu kiếm thả người.

Cổ tay của cô nương hát rong in một dấu tay rất rõ, cô ấy dè dặt nhận tiền đền thiếu niên đưa, rơm rớm nước mắt suýt thì dập đầu tạ ơn nhưng bị ngăn cản.

"Tiện tay mà làm, tiện tay mà làm." Thiếu niên liên tục xua tay từ chối cảm tạ, mãi cô nương ấy mới chịu thôi.

Lúc này Khuynh Tự mới nhìn thấy hài tử áo xanh bị thiếu niên che khuất, trong tay ôm một thanh trường kiếm.

Con hát cầm đàn tỳ bà, cứ ba bước tới lại ngoảnh mặt cúi đầu với ân nhân, nhanh chóng chìm vào biển người.

Thiếu niên và nam hài cũng dắt nhau rời khỏi.

Khuynh Tự chợt phát hiện sau tai trái của nam hài áo xanh có một hình hồ điệp.

.

Đường huyện yên ả.

Bởi vì đã được xuống núi nên Cửu Điệp khó mà bị ngăn cản rời khỏi chỗ ở tạm, bằng không nó cũng sẽ lén lút bám theo sư huynh. Quân Huyền không còn cách nào, đành mang nó ra ngoài với mình để tiện trông coi.

"Đúng là nam trang luôn dễ chịu hơn nữ trang."

Quân Huyền nghe Cửu Điệp thì thầm như vậy khi thay y phục nam. Nó chọn màu xanh giống hình thêu gợn sóng trên tay áo cậu, tháo trang sức rồi dùng dây buộc tóc cao lên, đôi khuyên tai đỏ chấm phá dung mạo tinh xảo, trông nó tuấn tú đến bất ngờ.

"Điệp Nhi thích thanh kiếm mới đến vậy à?"

"Thích chứ ạ, có kiếm thì ta sẽ bảo vệ ca ca."

"Xưng 'ta'?"

"Mặc nữ trang mới xưng 'muội', mặc nam trang xưng 'ta' nghe mạnh mẽ hơn." Cửu Điệp ép bao kiếm vào má, ngửa mặt cười tươi tắn.

"Muội bảo mình sẽ bảo vệ ta sao?"

"Ừm!"

"Phải là nam bảo vệ nữ mới đúng chứ?"

Nó xốc thanh kiếm lên, kéo vạt áo của mình đáp: "Nhưng bây giờ ta là nam. Ta sẽ bảo vệ huynh, không để huynh bị người ta ức hiếp vì thiếu tiền nữa."

"Chuyện đó, phần sai thực sự thuộc về ta."

"Có là vậy, bọn họ cũng không được nói những lời khó nghe với huynh." Cửu Điệp hằm hằm 'hứ', phồng một bên má: "Ca ca của ta tốt nhất, không ai được bêu xấu."

Không biết có phải nhờ Cửu Điệp mặc nam trang nên Quân Huyền mới cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi đi sát với nó hay chăng, bị nắm tay cũng không thấp thỏm, chộn rộn lắm.

Tung tăng dạo chơi trên đường lớn, chốc chốc Cửu Điệp lại tự nhiên mỉm cười tủm tỉm vân vê khuyên tai. Đôi khuyên giả lưu ly này là do ca ca mua tặng cho nó bởi vì hồi trên núi, nó từng bị đứt mất đôi khuyên cũ tại cây rừng khi giúp ca ca nâng sọt quần áo. Dù rằng đồ cũ đẹp và tốt hơn nhưng nó lại thích đồ mới hơn rất rất nhiều.

Đằng lưng chợt vang lên một giọng nói: "Hai vị thiếu hiệp xin dừng bước."

Ban đầu Quân Huyền không biết tiếng này gọi bọn họ nên cứ đi tới, đến lần thứ hai mới nhận ra mà dừng chân ngoái lại. Đó là một thiếu nữ mảnh dẻ chạc tuổi cậu mặc váy nghê thường*, đeo mạng che nửa mặt, thắt lưng giắt một cây sáo và một ống trúc - sau lưng thiếu nữ là một nữ tử lớn hơn bận đồ tương tự. Cô ấy nhún mình chào: "Tiểu nữ Khuynh Tự, phái Nghê Mi, xin thứ lỗi vì đường đột làm phiền hai vị thiếu hiệp."

* Nghê thường: váy áo nhiều màu sắc.

Thấy người lạ mặt thi lễ với mình, lại nghe tên phái lớn, Quân Huyền có chút bối rối thi lễ cho phải phép, cũng xưng danh: "Tại hạ Quân Huyền, sư môn không đáng nhắc tên, cô nương đây... có việc gì với tại hạ?"

Cửu Điệp ôm kiếm trốn sau lưng sư huynh, hé mắt nhìn ra.

Khuynh Tự hơi nhướng đôi mày liễu, trỏ ngón tay nõn nà vào thắt lưng thiếu niên: "Thiếu hiệp thực sự không biết bản thân làm mất thứ gì ư?"

Quân Huyền chạm vào bên hông, giật mình phát hiện túi tiền biến mất rồi.

Lúc này Khuynh Tự mới đưa ra một chiếc túi vải bạc phếch: "Tiểu nữ tình cờ nhìn thấy thiếu hiệp ở trước cửa lầu rượu vừa nãy. Thiếu hiệp trẻ tuổi mà không nề hà bên vực người yếu thế, thực sự khiến tiểu nữ khâm phục."

"Chuyện xấu trước mắt, người giang hồ nào cũng sẽ tiện tay tương trợ, chẳng đáng kể công." Quân Huyền chắp tay bày tỏ cảm kích rồi định cầm lấy túi tiền thì chợt bị Cửu Điệp kéo lại.

Nó phụng phịu giữ chặt tay sư huynh, vừa giữ vừa bước ra lấy túi tiền rồi nói: "Nam nữ thụ thụ bất thân."

Khuynh Tự dời mắt qua nó, khóe môi dưới lớp mạng che cong lên: "Vị tiểu thiếu hiệp này nói như vậy thì chẳng nhẽ đang tự nhận mình là nữ?"

"Chứ sao?" Cửu Điệp cũng ngọt ngào cười: "Tiểu tỷ tỷ sao lại hỏi một câu kém thông minh như thế?"

Nữ tử đằng sau Khuynh Tự tức giận trừng mắt.

Quân Huyền vội vàng che miệng nó, cúi đầu tạ lỗi với Khuynh Tự: "Sư muội nhỏ tuổi không biết cách ăn nói, ta sẽ về răn đe lại, mong nhị vị cô nương đừng chấp nhặt."

Khuynh Tự giơ tay ra hiệu cho người sau lưng, điềm đạm đáp: "Tiểu nữ quả thật đã hỏi một câu hiển nhiên, khiến thiếu hiệp chê cười rồi." Ánh mắt thiếu nữ sắc nhọn như gai hoa. "Đều là người giang hồ chính đạo, tiểu nữ dám hỏi, tôn tính đại danh của sư phụ thiếu hiệp là vị tiền bối nào?"

"Tôn sư đã cao niên và rút khỏi giang hồ từ sớm, thứ cho tại hạ không thể tiết lộ danh tính."

"Ồ, thật đáng tiếc." Khuynh Tự lại nhìn Cửu Điệp một lần nữa, ngỏ lời khen: "Sư muội của thiếu hiệp xinh xắn lanh lợi, tiểu nữ không để bụng lời vô tư, thiếu hiệp cũng đừng khắc khe với việc vừa rồi quá."

Cửu Điệp kéo tay ca ca xuống, giành nói: "Người ta là bảo bối của sư huynh, là tức phụ (vợ) nuôi từ nhỏ của sư huynh. Chẳng cần tỷ tỷ khuyên, sư huynh cũng sẽ không trách cứ ta."

"Điệp Nhi!" Quân Huyền đè miệng nó lại, trông nét mặt ngạc nhiên của hai người kia mà nhất thời không nói nên lời thanh minh, mặt dần dần nóng lên.

"Phì." Khuynh Tự bật cười trước, bông đùa đáp: "Tỷ tỷ nào có dám tranh thiếu hiệp với tiểu muội. Tỷ tỷ mà tranh thì sẽ tranh tiểu muội với thiếu hiệp cơ. Con gái nhà ai tuấn tú vậy không biết."

Cửu Điệp vội vàng chạy về sau núp bóng sư huynh.

Không hiểu sao mà Quân Huyền tự nhiên thấy khó chịu, vươn tay che Cửu Điệp lại, hỏi: "Nhị vị cô nương còn việc gì với tại hạ nữa chăng?"

"Bèo nước gặp nhau." Khuynh Tự nhẹ nhàng lắc đầu: "Nếu có duyên, tiểu nữ mong được gặp lại thiếu hiệp."

Dứt lời, thiếu nữ liền nhún mình bái biệt, lụa nghê thường phơ phất dưới ánh tà dương. Kín đáo liếc lại, Khuynh Tự nhón tay hé mở ống trúc bên eo, một con trùng nhỏ xíu bay ra và vo ve theo hướng ngược với cô...

.

Về đến nhà, Cửu Điệp đưa túi tiền lên mũi ngửi, chun mũi nói: "Tỷ tỷ kia dùng dầu thơm hay sao mà trên túi lại có mùi thơm như bánh ngọt?" Rồi đổ hết tiền ra, đem túi đến chỗ chum nước giặt.

Tiểu Bạch trườn lên vai chủ, ngoe nguẩy cái đuôi.

Ngày sắp tàn mà sư phụ vẫn chưa về. Cửu Điệp ngồi trên ghế tre tự mình tết tóc, đung đưa chân với đôi giày đỏ rớt gót. Nó lại thay về nữ trang, yêu kiều như một đóa hoa thành tinh. Nó ngước mắt lên, thấy sư huynh mới tắm rửa xong, cả thân thể nồng thở vị khoai khoái, mái tóc còn ướt phác họa đường nét quai hàm nửa cương nửa nhu. Giọt nước đọng mơn trớn qua yết hầu chưa hiện rõ.

"Bảo bối hửm?" Giọng của huynh ấy đang bắt đầu vỡ, thanh điệu trầm xuống hẳn. Tự dưng nó chạm vào cổ mình, nhớ đến lời A Dao ca ca nói rằng bát thuốc kia có thể khiến giọng vỡ chậm hơn.

Quân Huyền kéo ghế ngồi xuống phía đối diện Cửu Điệp, đặt tay lên bàn hỏi: "Muội nói mình là bảo bối của ta, hửm? Điệp Nhi, muội lấy sự tự tin đó ở đâu?"

Cửu Điệp nghe câu hỏi đó, đôi mắt như lòng biển sâu ánh lên long lanh, vuốt khuyên tai cười tủm tỉm hỏi lại: "Ca ca có biết trong phong tục của người Điệp Cách, tặng khuyên tai nghĩa là gì không?"

"Là gì?"

"Không phải người Tư các huynh có câu, có câu, ừm... A! Có câu 'nhĩ tấn tư ma*' sao? Người Điệp Cách cũng có một quan niệm tương tự như vậy đó. Nên, nếu nam tặng cài tóc cho nữ thì nghĩa là nam muốn thổ lộ với nữ. Nếu nam tặng khuyên tai cho nữ thì nghĩa là nam muốn nữ làm thê tử của mình." Nó cười toe toét: "Nữ không đồng ý thì không nhận, đồng ý thì nhận thôi!"

* Nhĩ tấn tư ma: vành tai tóc mai chạm nhau. Ám chỉ tình nhân thân mật.

Quân Huyền tức thì nóng bừng mặt, lắp bắp: "Ta, ta, ta đâu có biết chuyện đó!"

"Nhưng mà huynh đã tặng cho người ta rồi thì không được rút lại!" Cửu Điệp che hai tai mình, nghiêng đầu nhìn khuôn mặt giấu dưới bàn tay của sư huynh: "Người Tư có câu 'nhất ngôn cửu đỉnh', lời huynh đã nói ra dù có thế nào cũng không được thay đổi."

Quân Huyền đột ngột ngẩng phắt lên, giọng có chút giận dữ: "Ta đang hỏi muội lấy đâu ra sự tự tin đó? Chẳng nhẽ cứ được ai tặng khuyên tai, muội cũng sẽ gả cho hắn ta sao? Muội có suy xét đến con người của hắn ta không? Có suy xét đến cách đối đãi của hắn với muội không? Chung thân đại sự đâu phải chuyện đùa mà muội có thể coi một sự hiểu lầm thành thật được?"

"Ta không có ngốc!" Cửu Điệp giận dỗi phản bác lại: "Ta đâu phải không suy nghĩ gì hết mà cứ nói chứ? Chẳng phải người Tư cũng có quan niệm rằng chỉ mẹ hoặc vợ mới mua áo cho con trai thôi sao? Lúc ta mua áo cho huynh, huynh cũng có nói gì đâu? Ta cứ tưởng huynh hiểu nên - nên mới, nên mới... làm như vậy..."

Quân Huyền lại tưởng rằng nó làm vậy để báo đáp những lần mình chăm sóc nó.

Trẻ con chẳng biết cách tỏ ra mến mộ hay nói lời ngọt tai đâu, chỉ biết tặng những món quà nhỏ xinh cho người mình thinh thích rồi nhìn người ấy sử dụng mà trộm hớn hở trong lòng.

Con rắn trắng dường như cảm nhận được tâm trạng của chủ, nó ngẩng đầu, thè lưỡi khè thiếu niên đối diện. Cửu Điệp dụi mắt, xỏ giày vào mà ôm Tiểu Bạch chạy vòng ra sân sau.

Tiếng lắc chuông lanh lảnh vọng nửa xa nửa gần.

"Điệp Nhi!" Quân Huyền vội vã đứng dậy, thuận tay cầm theo chiếc đèn lồng trên thùng gỗ ở góc nhà, đuổi theo nó.

Bởi vì sư phụ ưa thích những nơi hoang vu thanh tịnh nên luôn dựng nhà ở vùng đất trống hoặc đồng không. Nhưng dẫu sao trời cũng đã tối, Quân Huyền không thể để Cửu Điệp ra đồng một mình được.

"Điệp Nhi!" Cậu gọi đến câu thứ ba thì đã có chút gắt, cỏ cao đến bắp chân, đâm trúng người ngưa ngứa, sương đêm thấm vào vạt áo lành lạnh.

Không phải cậu không đuổi kịp nó, chỉ là chưa biết phải nhìn nó như thế nào nên mới rối rắm, chân díu cả vào nhau.

Cửu Điệp không đi xa, đến con suối nhỏ thì dừng lại, nói: "Ca ca nhắm mắt lại đi."

Quân Huyền cầm đèn lồng, phân vân một chút rồi làm theo. Gió mát phất qua mặt thổi suy nghĩ của cậu miên man.

Khẩu quyết của Táng Niên là 'lặng', một chữ này đã bao hàm toàn bộ tập kiếm pháp cuối cùng của sư phụ. Không phải ai cũng học được Táng Niên - bởi vì càng học, ước nguyện trong lòng càng ít, sở cầu cũng không còn mãnh liệt nữa. Người trẻ học Táng Niên, sự khinh cuồng càng nhỏ lại, rốt cuộc cõi lòng cũng trở nên phẳng lặng. Cậu học Táng Niên là để xóa bỏ ám ảnh của tuổi thơ, mà sự tham gia của Cửu Điệp như liều thuốc xoa dịu vết thương nhức nhối trong tâm trí cậu.

Cậu không phải kẻ ngạo mạn nhưng cậu luôn khao khát được khen khi làm tốt một việc gì đó, dù là nhỏ nhặt. Bởi vì nỗi ám ảnh của cậu là đòn roi và mắng nhiếc nên mỗi lần được khen, cậu mới cảm nhận thấy ý nghĩa tồn tại của mình.

Cậu nhắm mắt thật lâu, đến khi nghe tiếng cỏ gãy tiến lại gần, thoáng run lên khi bàn tay Cửu Điệp chạm vào má mình. "Ca ca mở mắt ra đi."

Nó đang kiễng chân, ngửa cổ nhìn cậu, đôi mắt tựa biển sâu.

Đôi bên bờ suối mọc cao cỏ tự dưng xuất hiện rất nhiều đom đóm nhấp nháy, giống như vừa có một trận mưa tinh tú. Dòng suối hứng lấy ánh trăng rơi óng ánh, khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Cửu Điệp bất ngờ vòng tay ôm sư huynh, không để ý đến sự cứng còng của cậu, tha thiết nói: "Ca ca phải tin ta, huynh rất tốt."

"Ta có kiếm, ta sẽ bảo vệ huynh."

Bình Luận (0)
Comment