Hoàng Quyền

Chương 41

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Hoàng thành nguy nga phập phùng trong tiết trời oi ả, nắng hè đổ lửa, hừng hực thiêu đốt thế gian.

Hoàng cung khoáng đãng là vậy cũng chẳng phất nổi một ngọn gió lành. Thị vệ lũ lượt cầm cây dính nhựa, rón rén bắt hết lũ ve rả riết đêm ngày, tránh để Đế gia vốn đang bức bối phải đùng đùng nổi trận lôi đình.  

Vậy mà cũng chẳng ngăn nổi tiếng quát thót mình từ Ngự thư phòng truyền ra, thị vệ rúm ró quay qua, mặt mày khiếp đảm thất kinh.

“LŨ KHỐN!” Thiên Thịnh đế ném thẳng tấu chương vào mặt kẻ quỳ dưới đất: “Tự mình nhìn lấy hậu quả đi!”

Kẻ quỳ kinh hãi ngẩng đầu, là đô đốc năm quân, Thu Thượng Kỳ.

Sau vạ ‘buôn ngựa’, Đại Việt nhìn ra nguy thế lao đao của Thiên Thịnh hoàng triều, bèn gia tăng nhũng nhiễu, càn quét biên cương, đẩy bách tính lê dân sống quanh rơi vào thảm cảnh khốn cùng lầm than. Tị dân ải Bắc như ong đàn vỡ tổ lánh hết về xuôi, xáo trộn trị an một loạt trấn thành, nơi nơi lung lay tròng trành như đoàn thuyền nan trước cơn sóng dữ. Đại Việt hăng thế, không ngừng tập kết binh mã chờ ngày tung vó xéo tan Thiên Thịnh.

Hung tin đến tai, lửa giận ngút đầu, hoàng đế trút mọi tội vạ xuống vai Thu Thượng Kỳ, kẻ đưa ra đối sách ‘buôn ngựa’ ngày nào.

Vô phương giãi tỏ ngọn ngành, đô đốc chỉ đành nuốt hết đắng cay. Đoạn liếc qua thư án kế bên hoàng đế, Tri Vi còn đang mải tóm lược công hàm tấu chương, bi ai thu ánh mắt về, não nề trút tiếng thở dài trách thân.

Đầu mình nghĩ ra, miệng mình tấu lên, chối thế nào được đây?

Ngày đó, Ngụy tiên sinh đáo qua phủ nhà, trong lúc tán gẫu thăm hỏi có tiện tay giở vài cuốn sách ra coi rồi về. Lúc thu dọn, khéo sao ông ta lại thấy kế sách Đại Thành thường dùng đối phó với các nước lân bang rành rành chép trên trang giấy bỏ ngỏ, thế nên mới ‘sáng ý’ nảy ra ‘tối kiến’ này…

Giờ biết bắt bớ người ta tội gì đây? Đổ thừa người ta coi sách nhà mình sao?

“Tại thần hồ đồ mà ra.” Thu Thượng Kỳ dập đầu tạ tội: “Đại Việt mọi rợ, chỉ như con ong cái kiến mà dám ngông nghênh ‘đốt tai hổ, nhổ râu hùm’. Cúi xin bệ hạ cho thần lấy công chuộc tội, dẫn theo binh sĩ Thiên Thịnh, giày lũ giặc cuồng xuống đáy bùn nhơ, dạy cho chúng biết Thiên Thịnh ta oai phong, cường đại cỡ nào.”

Thiên Thịnh đế nhướng mày, không ậm chẳng ừ, lâu sau bèn khoát tay bảo: “Lui về trước đi.”

Thu Thượng Kỳ dè dặt cáo lui, rời khỏi thư phòng, dõi mắt ngắm trông mây đùn từng dải, lòng nghĩ: phận già hai màu tóc râu, lẽ nào mình đây vẫn phải chiêu binh mãi mã, đem quân trấn thủ biên cang?

Phía trong, Thiên Thịnh đế trầm ngâm giây lát rồi hỏi: “Thế nào?”

Ba đại học sĩ nhất loạt nhìn nhau, đoạn cùng đồng thanh:

“Bệ hạ, châm ngòi gây chiến, khổ triền dân ta…”

“Rợ dân miền ngược, vỗ yên xoa dịu vẫn là việc nên…”

“Thái tử phản nghịch hẵng còn chưa lắng, chiến tranh nổ liền, lòng dân nào yên…”

Hoàng đế sa sầm nét mặt, các quan vội ngừng khuyên răn, bất an lo lắng rợp trùm nội điện.

Ninh Dịch ngự hàng ghế trên, vốn đến báo cáo đê điều trị thủy, vừa hay gặp lúc nghị sự, bèn được vua cha kêu lại ngồi nghe.

Tóc đen lóng lánh ngọc quan, khoan thai ưu nhã, ngậm cười bàng quan.

Cách hắn mấy bước không xa, dùi mài nghiên bút, cận hầu Đế gia, Tri Vi cụp mắt thu mày, đạm điềm sắc thái, ưu phiền mảy may.

Từ lúc hắn vào tới giờ, đôi bên chẳng hề chạm mắt được lấy một giây.

Chờ đến khi mây mờ giăng kín đại điện, Ninh Dịch mới nhẹ giọng cất tiếng: “Phụ hoàng, hay ta thử nghe sáng kiến của Quốc sĩ tiên sinh Ngụy Tri.”

Tri Vi liền thành tiêu điểm, có kẻ lộ vẻ châm biếm – Sở vương điện hạ, ‘Quốc sĩ tiên sinh’ này làng nhàng tay mơ lắm đấy!

Tri Vi mỉm chi đáp lại, khẽ đặt bút rồi đứng dậy thưa: “Bẩm bệ hạ, có cách đánh lại như không đánh.”

“Lời này ý sao?” Thiên Thịnh đế lấy làm hiếu kỳ.

“Đại Việt xưa nay ngông cuồng, không chút nể nương thần phục triều ta. Ròng rã bao năm, đại chiến lần hai chưa từng bùng nổ nên chúng quên mất thất bại ê chề khi bị quân ta quét khỏi Trung Nguyên, trong lòng chỉ ôm mối hận: thiên hạ bao la, đất đai bát ngát này đã bị triều ta chiếm cứ, vì vậy mới luôn rục rịch manh nha, lăm le xâm chiếm bờ cõi. Sói dữ chưa thuần, gặp tay dạy cừ, roi thưởng –  khen phạt, ắt sẽ thành ngoan.”

“Ồ, tiếp đi.”

“Chỉ hiềm một điều, dân du mục giỏi tài cưỡi ngựa, kỵ binh hùng hậu, đến đi gió lướt. Muốn thắng một trận không khó nhưng để triệt tiêu khí lực, diệt trừ hung căn lại là một chuyện không dễ chút nào.”

Quan đứng đầu Nội các, Diêu đại học sĩ bèn mỉa mai: “Ngụy Tri, ngài vòng vo tam quốc, cuối cùng chốt lại cũng chỉ là những lời nói sáo, viển vông thôi sao?”

Tri Vi đưa mắt liếc lão tể tướng, vị này theo phe Ninh Dịch, luôn ôm mối hận cụt ngón nát tay của ái tử, đến giờ ngay cả việc công cũng chĩa giáo đâm cô, hòng một nước lôi cô xuống bùn!

“Đúng thế, Diêu lão tể tướng.” Tri Vi cười ngọt, ôn tồn đối đáp: “Ngụy Tri tài hèn ít học, quả tình không dám múa gậy vườn hoang.”

“Tài hèn ít học mới cần xô xát giũa mài, nêu tiếp đi.” Hoàng đế tỏ vẻ bực lòng: “Diêu Anh, khanh là lão tướng công thần đứng đầu Nội các, một chút bao dung nhẫn nại cũng không thể dành cho người trẻ hay sao?”

Bị quở, Diêu Anh lập tức nín bặt, đoạn rủa tên ranh này bám váy công chúa nên bệ hạ mới ưu ái đây mà!

“Rắn chết còn nọc, cỏ dại đốt rồi, xuân về lại mọc.” Tri Vi tiếp lời: “Binh mã có thể tái thu, vũ khí có thể tái rèn, dẫu có thua trận bao phen cũng không thể dập tắt dã tâm bành trướng của rợ dân Đại Việt… Chi bằng, ta dùng kế làm nhụt lòng dân chúng, hủy vũ khí chúng, khống chế nước chúng.”

Hoàng đế nghe rồi chấn động tâm tư, liền gấp rút bảo: “Mau nói rõ xem!”

“So với sống chết cố thủ, đâu bằng giải phóng biên cương.” Tri Vi bèn thưa: “Kế sách buôn ngựa của Thu đô đốc vốn là sáng kiến, chỉ tiếc phương hướng đúng nhưng thời cơ sai. Mấy năm nay, Đại Việt nhũng nhiễu thành thói, mở trấn buôn ngựa chỉ càng làm chúng nghĩ rằng quân ta thực lực đã yếu, đến lúc khuếch trương dã tâm bành trướng, thao binh rèn tướng chờ ngày xâm lăng. Giờ ta đem hùng quân ép trận, đánh nhụt sĩ khí chúng sau đó mở cửa biên giới, thông thương mậu dịch.”

“Ăn quàng nói xiên!” Diêu Anh đùng đùng ngắt ngang: “Đã đánh rồi còn thông thương nỗi gì? Cớ sao không thừa thắng xông tới, còn bỏ lỡ thời cơ thôn tính làm chi???”

“Diêu lão, kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nặng lời với nhau. Bệ hạ đã nói rồi, cần rộng đường ngôn luận để người trẻ có đất luyện tài chứ.” Râu dài trắng cước đứng bên, trợ tướng Hồ Thánh Tiên giả lả cất tiếng dàn hòa.

Tri Vi mỉm cười tạ lễ – Vị râu bạc này chính là Hồ phu tử chuyên giảng chính luận tại Thanh Minh viện, tuy rằng cùng phe Ninh Dịch nhưng trước giờ chưa từng khó dễ cô.

“Phải thông thương mậu dịch.” Tít mắt cười cười, Tri Vi lì lì cất giọng: “Thuần phục dã dân, đánh thôi chưa đủ, còn cần phải cấp phát trao đổi những thứ bên chúng thâm hụt thiếu thốn như lương thực, dược phẩm, lụa là, trang sức. Dĩ nhiên, vũ khí cần phải loại trừ. Đồng thời di dân lành lên ải Bắc, chấp thuận thông hôn cùng Đại Việt…”

“Xàm ngôn!” Lần này thì cả ba vị cùng lên tiếng bài xích: “Thiên Thịnh triều ta huyết thống tôn quý, sao có thể trộn chung với lũ mọi rợ đó được?!”

“Đại Việt bao đời sống bám đất cằn, thiên tai nghèo túng hoành hành khắp nơi, đã vậy, còn luôn đêm ngày giành giật cướp bóc với các bộ tộc sống cùng thảo nguyên, tính hiếu chiến man rợ cũng từ đấy mà ra. Nhưng nay, nếu đám lưng hùm vai gấu đó cưới được hiền thê mảnh mai của người Hán mình, học được lối sống an cư lạc nghiệp, biết khai vỡ đất hoang, canh tác trồng trọt, lại được giao dịch thông thương thu về của cải do chính tay mình làm ra, quen ăn lương thực dồi dào dinh dưỡng, quen lấy thuốc tốt để chữa trị bệnh…Thử hỏi, bọn chúng còn hiếu chiến ngông cuồng, liều chết xông pha trận mạc, đánh không tiếc mình được nữa hay không?”

Cả điện liền im phăng phắc, ai nấy đều trầm mặt đăm chiêu. Thiên Thịnh luôn hấp thu những tinh hoa giáo huấn của Đại Thành thời còn vương thịnh để dẹp yên giặc loạn, bấy lâu nay luôn cắt đứt thông thương, cô lập Đại Việt, nếu giờ sửa đổi, sẽ phải cải tổ đồng loạt chính sách trên dưới. Tên Ngụy Tri này, dám nghĩ mà cũng dám nêu!

Toàn là công thần mẫn cán, có tài kinh bang tế thế nên đều nhìn ra ba thủ đoạn tinh vi ‘chiến có sách lược, giao lưu kinh tế, truyền bá văn minh’ dẹp giặc an dân trong đối sách của Tri Vi. Song, ưu việt cách mấy cũng có hạn chế: rợ Bắc hung tàn, quanh năm tranh giành địa bàn vốn đã thành quen, cỏ dại ‘nắng thiêu mưa mọc’, diệt mãi cũng chẳng dốc gốc. Dẫu có chinh phục đồng hóa thì rất nhanh sau, sẽ liền cho ra giống cỏ hung hiểm ác bá, lúc ấy, dấy binh dẹp loạn là điều khó tránh. Hơn thế, trận này ắt sẽ dẳng dai khôn dứt. Mà Tây Nam Thiên Thịnh, Tây Lương cường quốc giàu về biển, mạnh về diêm nghiệp, thương nghiệp, hễ thấy hai nước liên miên giao tranh ắt sẽ đứng ngoài làm ngư ông đắc lợi.

Khi đó, tội vạ quy ai? Đối sách dẫu hay nhưng hậu họa khôn lường nên khó có người ủng hộ!

“Ngài đã từng nghĩ, khi Đại Việt nắm được giáo dục, kĩ thuật, quốc sách cũng như pháp trị văn minh của Trung Nguyên sẽ ngày một lớn mạnh rồi quay ra cắn ‘kẻ thuần’ là chúng ta không?” Lát sau, Hồ Thánh Tiên bèn ồm ồm hỏi lại. (Pháp trị: trị nước bằng luật)

“Mậu dịch, thông hôn phải rất lâu mới thấy được thành bại và để lớn mạnh, văn minh được như ta cũng chẳng phải chuyện ngày một ngày hai.” Tri Vi ngậm cười: “Hơn nữa, Thiết Lặc, đại bộ tộc lớn thứ ba sinh sống dưới dãy núi Trường Thanh bên rìa Đại Việt bao năm nay vẫn luôn lộng hành gây chiến. Đại Việt một khi thất thủ, chúng sẽ thừa cơ nhảy vào đánh phá, đôi bên hỗn chiến giao triền thì nội mười năm Đại Việt vô phương so bì với thảo nguyên Hồ Luận. Càng huống chi…” Tri Vi đổi giọng, từ ôn hòa chuyển qua ranh ma: “Vi thần còn có hai kế đắc dụng, đảm bảo triều ta sẽ thành công thuần sói thành khuyển!” (Hơi lằng nhằng chút nhưng thảo nguyên Hồ Luận chính là nơi mười ba bộ tộc Hô Trác Cách Đạt Mộc Tuyết Sơn sinh sống, anh nam chính thứ 3 tới đây sẽ từ thảo nguyên Hồ Luận đến góp vui với bộ ba Vi – Dịch – Y để tăng thêm phần gay cấn)

“Ồ?” Hoàng đế hứng thú ra mặt, Ninh Dịch ngồi bên bất giác nhíu mày.

Tri Vi trở gót, tiến tới chỗ hắn rồi khom người ướm hỏi:

“Điện hạ không phiền nếu vi thần hỏi mượn một thứ chứ?”

Ninh Dịch nheo mắt nom cô, giấu sau lớp mặt nạ kia, ẩn sau hơi sương mơ màng tựa mộng kia là thần tình sắc thái không ai thấu tỏ.

Mắt thoáng chạm mắt rồi dời đôi nơi, Ninh Dịch cúi đầu nhìn tay áo mình, đoạn nhạt giọng đáp: “Mời Quốc sĩ.”

Như đã đoán ra thứ cô cần mượn.

Tri Vi cong môi cười lạt.

Người ngồi vây quanh đều sốt sắng ra mặt, chẳng rõ đôi bên ngầm tính điều gì.

Tri Vi chỉ vào cổ tay Ninh Dịch, nhã nhặn cất lời: “Xin được mượn chuỗi tràng hạt trong tay vương gia.”

Phục trang trắng ngà, tà thụng dệt kim, mai năm cánh biếc man mác điểm xuyên, vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa, quả thực chẳng ai nhìn ra cổ tay giấu dưới ống áo kia đang đeo một chuỗi tràng hạt! (Một khi đã tính đối đầu với ND, Tri Vi đều luôn thực hiện phương châm, biết người biết ta trăm trận trăm thắng, đây chính là lúc tận dụng triệt để đội quân tình báo của Yến Hoài Thạch)

Hoàng đế mủm mỉm: “Lão Lục, xưa nay đâu thấy con chay tụng niệm kinh, sao giờ tín Phật rồi à?”

“Chả là thế này ạ. Mấy bữa trước lão Thất có vời các huynh đệ lại phủ yến ẩm,” Ninh Dịch cười đáp: “Giữa tiệc cao hứng bèn tặng mỗi người một chuỗi tràng hạt, còn tấm tắc khen: thứ này hè mát, đông ấm, giữ tâm thanh tịnh. Nhi thần kị nhất lạnh hàn, oi bức nên mới năng đeo trên tay, quả tình không phải cư sĩ tại gia gì đâu ạ.”

Nói rồi bèn vén ống áo, tràng hạt đen láy láng lẩy buộc quanh cổ tay trắng nõn ngọc ngà bỗng chốc ánh lên vẻ quyến rũ ma mị dẫu cho đây là vòng hạt linh thiêng của chốn Phật môn thanh tịnh tôn nghiêm.

Vươn tay ra trước, không hề tự tháo, hắn ngồi mỉm chi, hấp háy tinh quang muôn màu dưới hàng mi đen cười trông về cô.

Cô nhìn hắn.

Hắn nhìn cô.

Tay vẫn điềm nhiên để đó, không hề có ý thu về.

Tri Vi nghiến răng trèo trẹo, trơ lì đứng mãi thế này, thiệt thòi sẽ giáng xuống ngay. Đành miễn cưỡng tiến lại, giúp hắn tháo ra. Để tránh đụng vào da nên cô cực kỳ cẩn thận nhón tay gỡ từng chút một.

Hồ Thánh Tiên đứng bên thấy thế bèn đùa: “Ngụy đại nhân, lan hoa chỉ này nom nữ tính thật.”

(Lan hoa chỉ: hai trong năm ngón nhón lại thành nụ, còn những ngón kia khum khum xòe ra. Tay của Tri Vi lúc này giống như trong hình.)

0420070083

Cả điện bật cười hỉ hả, Tri Vi cũng cười họa theo: “Vi thần là con trưởng trong nhà, trước đó còn có mấy vị đại huynh nhưng đều đoản mệnh lìa trần từ nhỏ, song thân thấy vậy liền đem vi thần nuôi như con gái. Khiến chư vị đương tọa phải chê cười rồi.”

Lời dứt bèn nhanh tay tháo vội tháo vàng đâm ra bất cẩn quệt móng vào lòng bàn tay Ninh Dịch. Hắn liền móc ngón, cào nhẹ đáp trả.

Như sợi lông vũ mơn khẽ qua da, chấn động tâm trí, nhũn nhoài tứ chi.

Tri Vi giật bắn, vội rụt tay về, xém chút đánh rơi tràng hạt, liền thấy mặt mũi nóng rần, thầm kêu không xong – Mặt nạ có giúp che đi thì tai vẫn đỏ như gấc!

Quả nhiên thấy hắn châm chọc: “Ngụy đại nhân quả là người cẩn thận, gỡ chuỗi tràng hạt cũng tỉ mỉ được mãi thế này.”

Lại một tràng cười rộ lên, lần này có tiếng khề khà, có tiếng khùng khục xen lẫn kháy khẩy mỉa mai.

Con nhà bần nông, điệu đà bộ tịch, chẳng ra ngữ gì.

Dùi sâu vào ý cười châm chích của Ninh Dịch, Tri Vi ghìm lòng khẽ thưa: “Ngụy Tri xuất thân vi hàn, may được vinh hạnh diện kiến long nhan, hơn vậy, còn được vương gia cùng các tể tướng ưu ái coi trọng, thành thử cứ luôn líu quýu chân tay, lâu la lóng ngóng mãi cho đến rày, mong vương gia rộng lượng bỏ quá cho thần.”

“Khéo sao…” Ninh Dịch đáp lễ: “Mỗi lần thấy ngài, ta cũng vui lạ, lạ đến âu lo.”

Dưới trên ha hả cười rộn, hoàng đế vẫn đang ngổn ngang suy tính đối sách thuần sói của Tri Vi nên khi thấy đôi bên âm thầm đấu đá, sóng lòng cũng gợn lăn tăn nhưng không mấy để tâm truy cứu ngọn ngành.

“Bệ hạ.” Tri Vi mau mắn chuyển đề, đoạn dâng chuỗi hạt lên cho hoàng đế: “Hai kế thuần sói, cách đầu là từ thứ này.”

Thiên Thịnh đế bèn cầm lên xem, khi thấy hoa văn khắc trên vòng hạt thì chợt bật thốt: “Đạo Hô Khắc Đồ?”

“Chính vậy ạ.” Do muốn gấp rút thoát khỏi tổ kiến nên Tri Vi cấp tốc nói nhanh: “Đại Việt có chung nguồn cội với mười ba bộ tộc Hô Trác Cách Đạt, muôn đời thờ cúng thần Trường Sinh Thiên của đạo Hô Khắc Đồ. Sau rồi lục đục nội bộ, đôi bên mâu thuẫn phản mặt thành thù, Đại Việt di dân lên Bắc lập quốc, đạo Hô Khắc Đồ cũng vì lẽ đó mà suy yếu đi, nhường chỗ cho đạo Tát Mãn lên ngôi thống trị. Tuy vậy, quý tộc Đại Việt vẫn luôn tín tâm bái ngưỡng đạo Hô Khắc Đồ. Vi thần thiết nghĩ, bước đầu ta nên dùng kế để phát triển tôn giáo này rộng khắp Đại Việt.”

“Để làm gì?”

“Để thu về ba cái lợi. Lợi thứ nhất: tăng ni Hô Khắc Đồ có hai luật giới nghiêm, một là: bất sanh, hai là: bất dâm. Khi đông đảo quần chúng đều xuống tóc tu hành, nhân khẩu và quân lực tất sẽ triệt để tiêu hao. Cho dù có lệ ‘hoàn tục tòng quân’ thì tư tưởng ‘thanh tâm quả dục thủ chân’ đã ăn sâu vào máu binh sĩ, dẫu có xung quân đánh trận thì hiếu chiến lạm sát cũng giảm phần đa. Thứ hai, đạo Hô Khắc Đồ có thuyết ‘lục đạo luân hồi’, khổ tu kiếp này, mong cầu kiếp sau công đức mãn viên. Một khi đã bị ảnh hưởng thì tất thảy tăng ni đều thu tâm dưỡng tính, tích đức tu hành. Thứ ba, khi đã tu hành thì nhất định phải cần đến đền chùa miếu mạo. Chùa chiền sẽ chính là nơi mục dân rời bỏ yên ngựa, rũ bỏ bụi trần, tối ngày quây tụ gõ mõ tụng kinh.”

Nói chung, Hô Khắc Đồ không khác đạo Phật làm mấy. Mình xin chú giải đôi chút:

1.       Tăng ni: tăng nhân, ni cô.

2.       Bất dâm: không đụng đến sắc giới, bất sanh: không sinh con để cái.

3.       Thanh tâm quả dục thủ chân: ba trong bốn thuật trường sinh của Đạo gia:

–          Thanh tâm: rũ bỏ thất tình lục dục, để tâm thanh tịnh.

–          Quả dục: tiết chế mọi ham muốn, không cứ gì nữ sắc.

–          Thủ chân: giữ chân tâm, không gây nghiệp chướng, đi vào con đường tà đạo tội lỗi.

4.       Lục đạo luân hồi: sáu đường chuyển kiếp, cái này lằng nhằng khó hiểu, mình vốn ‘vô đạo’ nên không biết tóm lược thế nào cho xuôi tai, thôi thì ai muốn biết thêm cứ ra search google cho rõ.

5.        Mục dân: dân du mục, không phải dân mục rữa ~

“Còn kế thứ hai.” Tri Vi nói liền một hơi nên hoàng đế phải căng tai gù người mới bắt kịp ý. Nếu không vì lễ nghi quân – thần, e rằng ổng đã rời ghế, ngồi kế bên cô để nghe cho rõ rồi.

“Lông cừu.” Tri Vi tiếp lời: “Yến gia tại Nam Hải, bao đời rong thuyền tứ xứ ngoại dịch thông thương. Mấy năm trước, họ đã du nhập giống cừu cho lông rậm dài, dệt thành áo ấm tốt hơn vải bông mà dân ta thường mặc trong ngày giá đông. Song giống cừu này lại không ưa khí hậu nóng bức miền Nam, mà một khi Nam Hải tung ra thành phẩm áo lông đắt giá thì thị phần áo bông ắt sẽ giảm mạnh, vì vậy lâu nay triều đình luôn quản thúc gắt gao việc nhân giống nuôi cừu của Yến gia. Nhưng giờ, ta có thể đem cừu này buôn bán chăn thả trên đất Đại Việt, nơi thích hợp phát triển cả về tự nhiên lẫn con người, để thu về nguồn lợi to lớn cho nước nhà và thuận đà khống chế kinh tế huyết mạch của dân rợ Bắc.”

“Về phần làm sao tuyên truyền đạo Hô Khắc Đồ và thao túng huyết mạch kinh tế tại Đại Việt…” Cuối cùng Tri Vi khiêm nhường thu liễm: “Các vị công thần mẫn cán ngồi đây hẳn sẽ đưa ra đối sách chu toàn, đầy tính thực thi để tấu trình bệ hạ. Ngụy Tri xin được lui về, không dám khụng khiệng vượt quá chức phận như mới rồi nữa.”

Tài nhưng không kiêu – Ba vị lão tướng trâm anh dù là đối đầu hay ủng hộ đều cùng thốt lên một lời tán tụng như trên.

Thiếu niên thanh bần đứng giữa ngự điện hoàng gia, cứ địa tổng quyết thiên hạ quân cơ ‘ma thiêng nước độc’, không hề héo úa lụi tàn, mà còn trổ tài khoe sắc như ngọc thụ long lanh tỏa ánh hào quang vươn xa vạn dặm. (Ma thiêng nước độc: ý chỉ những nơi cây cối lụn bại, khó có cơ phát triển)

Bất giác, tất thảy đều ngả người về trước, tâm tư bảy nổi ba chìm, lênh đênh giữa dòng tính toan.

Tiểu tử này anh tài xuất chúng, tiền đồ trước mắt ắt sẽ rộng lớn thênh thang.

Tiểu tử này khôn ngoan sắc sảo quá đỗi, chỉ e về sau dễ bị trù dập, giữa đường đứt gánh công danh.

Tiểu yêu này đột nhiên lộ tài, hợp tình thuận lý đưa Yến gia lên vũ đài chính trị, cần phải cẩn trọng. 

Cách nghĩ cuối, đương nhiên là của Sở vương điện hạ tôn quý. Khắc này, lưng hắn ngồi ngay, mắt đăm đăm trông về phía Phượng hồ ly, cánh môi đọng cười, đẹp đẽ thâm trầm như bông cà độc dược tím sẫm lạnh lùng nở hé giữa đêm thâu.

Cà độc dược màu tím

0912201006toxicplants
Bình Luận (0)
Comment