CHIẾC DƯƠNG CẦM NGÀY XƯA
Việc Dobbin đến thăm làm cho ông già Sedley đâm ra bồi hồi xúc động khác thường. Tối hôm ấy, con gái khuyên mấy ông lão cũng không chịu làm những công việc bình thường hoặc giải trí như mọi người. Suốt buổi tối, ông lúi húi lục lọi các ngăn kéo, các hộp đựng giấy má; hai bàn tay run rẩy, ông lão cởi hết các bó giấy tờ cũ sắp xếp lại chờ Joe về thì đưa cho xem... đủ cả biên lai, thư từ giao thiệp về việc thương mại với luật sư và bạn hàng, giấy tờ liên quan đến chương trình kinh doanh rượu vang (kế hoạch mới đầu thì nhiều triển vọng lắm nhưng cuối cùng thất bại vì một sự rủi ro khó mà giải thích được.), chương trình kinh doanh than đất (nếu không vì thiếu vốn thì kế hoạch này cũng hứa hẹn lắm lắm), dự án thành lập một xưởng máy cưa v.v... Mãi tới khuya, ông lão còn loay hoay với đống giấy má, cứ lẩy bẩy đi từ phòng này sang phòng khác, tay run run bưng cây đèn cháy chập chờn... Đây là giấy tờ về rượu, đây là về than, đây là về nhà máy cưa, còn đây là bản lưu bức thư gửi đi Madras và Calcutta, cả thư trả lời của thiếu tá Dobbin và Joseph Sedley, “Emmy ạ, phải cho nó thấy rằng tao làm ăn đâu vào đấy”. Emmy mỉm cười đáp:
- Ba ạ, con chắc anh Joe chả buồn để ý đến những giấy má ấy đâu.
Ông lão lắc đầu trịnh trọng nói:
- Con ơi, mày chẳng hiểu lý gì về việc kinh doanh cả.
Phải công nhận rằng về vấn đề này Emmy không hiểu gì thật, nhưng lại đáng thương cho nhiều người khác, vì họ am hiểu vấn đề ấy quá tường tận. Ông lão xếp cẩn thận mớ tài liệu vô giá trị trên mặt bàn rồi lấy một chiếc khăn tay có in hoa (một tặng vật của Dobbin) phủ lên trên cẩn thận; vẻ mặt hết sức nghiêm trang, ông dặn chị hầu gái và bà chủ nhà chớ có mó máy gì vào chỗ giấy má ấy, để sớm hôm sau ông Joe về sẽ xem lại... “Ông Joseph Sedley, tòng sự tại Sở Hành chính khu Belgan, thuộc Công ty Đông Ấn Độ).
Hôm sau, Amelia thấy ông lão dậy thật sớm, có vẻ nóng ruột, bận bịu lắm, nhưng cũng run rẩy hơn mọi ngày. Ông nói:
- Emmy, đêm qua tao không ngủ được mấy. Tao cứ nghĩ đến bà cụ Bessy nhà này. Giá bà lão còn sống đến bây giờ để lại được ngồi xe ngựa của thằng Joe đi chơi nhỉ. Ngày xưa, bà cụ nhà này đi đâu có xe ngựa riêng, cũng chững chạc lắm.
Hai dòng nước mắt bỗng ứa ra chảy ròng ròng trên đôi má nhăn nheo của ông lão. Amelia lấy khăn tay chùi nước mắt cho cha, hôn ông cụ thật âu yếm, đoạn thắt cho ông cụ một cái nơ thật khéo trên cổ áo, lại cài vào ngực áo sơ-mi của ông lão một chiếc cặp bằng vàng. Thế là ông Sedley bận bộ áo ngày chủ nhật đẹp nhất của mình ngồi sẵn chờ con trai từ sáu giờ sáng.
Ngoài dãy phố lớn ở Southampton có mấy hiệu thợ may to; trong tủ kính thấy bày đủ kiểu áo chẽn rất đẹp, may bằng lụa và nhung, vàng, tím đủ các màu; lại treo cả những tấm hình vẽ quảng cáo cho các kiểu áo tối tân, vẽ những ông công tử bảnh bao đeo kính, vừa dắt tay những đứa nhỏ, đứa nào mắt cũng to thô lố và tóc cũng quăn tít, vừa liếc tình mấy bà bận áo kiểu đi ngựa đang ghìm cương bên pho tượng Achilles ở Apsley House. Tuy đã có những bộ áo sang trọng may ở Calcutta nhưng Joe cho rằng nếu không cắt thêm vài kiểu áo tối tân này thì không thể ló mặt ra đường được.
Anh ta chọn một tấm áo gi-lê bằng sa-tanh màu đỏ thẫm có thêm hình bươm bướm bằng chỉ kim tuyến, và một chiếc áo ngoài bằng vải sa-tăng nhung màu đen pha đỏ có sọc trắng, cổ bẻ, lại mua thêm một chiếc ca-vát sa-tanh màu xanh lơ; kèm theo một cái cặp ca-vát bằng vàng có đính hình người phi ngựa nhảy qua hàng rào bằng sắt tráng men màu hồng. Đủ lệ bộ như thế, anh ta mới cảm thấy yên tâm ra mắt công chúng nơi kinh đô được. Joe không còn nhút nhát vụng về, hay đỏ mặt như xưa nữa; bây giờ anh ta đã trở thành bạo dạn và tự tin vào mẽ người của mình một cách khá ngây thơ. Waterloo Sedley vẫn hay bảo bạn bè thế này: “Cần cóc gì để ý đến lời bàn tán của thiên hạ, xưa nay tớ vẫn là tay ăn diện cơ mà”.
Trong những buổi dạ hội tổ chức tại dinh Tống đốc Belgan, mỗi lần Joe bị giới phụ nữ để ý đến là anh chàng lúng túng đỏ mặt. Sở dĩ anh chàng chạy trốn những cái liếc tình của các cô, chủ yếu vì sợ mình bị bắt chim, như thế rất phiền vì anh ta đã quyết định không bao giờ lấy vợ. Nhưng ở Calcutta, ai cũng đồn rằng Waterloo Sedley là một tay hào hoa nổi tiếng, ăn tiêu rất mực sang trọng, tiệc tùng luôn, mà bát đĩa dùng trong các bữa tiệc thì cũng đẹp nhất thành phố.
Thợ may xin một ngày mới đủ thì giờ may áo chẽn cho một vị to béo và sang trọng như Joe. Trong khi chờ đợi, anh ta dùng một phần thì giờ đi tìm thuê một người để trợ lực anh người làm da đen trong việc hầu hạ mình; rồi dặn dò người nhân viên sở quan thuế cho việc chuyển từ trên tàu xuống hành lý, hòm xiểng và sách những cuốn sách cả đời anh ta không để mắt đến - những hòm gia vị, những bọc khăn san mua về làm quà cho những người hiện nay anh ta chưa biết là ai, và tất cả những đồ phụ tùng đông phương () khác của anh ta.
Mãi đến ngày thứ ba, anh ta mới khệnh khạng bận áo mới bước vào thành phố Luân-đôn. Thằng hầu người da đen quấn khăn san, ngồi co ro trên cái hòm bên cạnh một người phụ việc mới thuê; Joe đứng bên thỉnh thoảng lại thở phào một hơi thuốc lá, nom ra phết ông chủ; thấy vậy, bọn trẻ con reo ầm lên:
- Hoan hô!
Nhiều người qua đường yên trí anh ta phải là một viên tổng trấn nào đó ở thuộc địa mới về. Trên đường đi, Joe cũng không từ chối lời chào mời đon đả của mấy ông chủ khách sạn. Đi qua mỗi thị trấn anh ta lại dừng lại chè chén một lúc. Ở Southampton, Joe đã dùng một bữa sáng thật ê hề, đủ các món cá, cơm, trứng luộc, thế mà chưa đến Winchester, anh ta đã thấy cần uống một cốc rượu mạnh để trợ lực rồi. Đến Alton, thằng hầu mời chủ nghỉ chân, anh ta đồng ý ngay, vào quán thưởng thức rượu ngon nổi tiếng của địa phương một chầu tuý luý. Qua Fullham, Joe đứng lại xem lâu đài của đức giám mục, và ăn qua loa gọi là vài món nhẹ, gồm có lươn hầm, sườn bê rán, đậu Pháp, kèm theo một chai vang. Đến Bagshot Heath, anh ta cảm thấy lạnh, lại thấy thằng hầu da đen cứ run bắn lên, bèn dừng lại làm ít rượu cho ấm bụng. Tóm lại, lúc bước chân vào tỉnh, dạ dày anh ta phình lên toàn những rượu, thịt, gia vị và thuốc lá, như cái kho chứa thực phẩm của một chiếc tàu chở hàng.
Khi chiếc xe ngựa rầm rầm chạy đến đỗ trước chiếc cổng nhỏ ngôi nhà ở Brompton thì trời đã tối; người con trai chí hiếu muốn về nhà thăm bố ngay, trước khi đến gian phòng trọ Dobbin đã thuê sẵn hộ ở quán rượu Slaughters.
Cả phố đổ xô ra cửa sổ nhìn; chị hầu gái chạy vội ra hàng rào ngó. Hai mẹ con bà Clapp cũng vén rèm bếp nom ra. Emmy cảm động quá đứng chờ trong hành lang, áo mũ chỉnh tề, ông lão Sedley ngồi trong phòng khách run lên bần bật. Từ trên xe ngựa Joe bệ vệ bước xuống, bậc xe rít lên ken két; hai chú người hầu da đen và da trắng vội đỡ chủ; anh chàng da đen càng run tợn, bộ mặt đen tái nhợt đi vì lạnh, biến thành màu mề gà. Hai mẹ con bà Clapp, áng chừng muốn nghe trộm, vừa mon men đến cửa phòng khách, đụng ngay phải anh chàng Ấn Độ bận áo sù sụ ngồi run như cầy sấy trên chiếc ghế dài, vừa rên hừ hừ nhe bộ răng trắng nhởn thô lố mắt ra mà nhìn.
Chúng tôi không muốn tả lại cuộc đoàn viên giữa Joe và ông bố già nua và người em gái dịu dàng. Ông lão xúc động đặc biệt, dĩ nhiên Amelia cũng vậy. Joe cũng không phải là vô tình; xa gia đình mười năm trời đằng đẵng, kẻ ích kỷ mấy cũng phải nhớ nhà, nhớ cha mẹ anh em. Sự xa cách khiến cho con người thêm gần gũi nhau. Sau một thời gian dài ấp ủ những tình cảm đã quên đi, đến lúc được hưởng lại, người ta thấy đậm đà đằm thắm hơn trước nhiều. Tuy hai bố con có chuyện không bằng lòng nhau...nhưng lần này nhìn thấy và được bắt tay cha, Joe cảm thấy sung sướng một cách thành thực; Joe cũng vui mừng vì được gặp lại em gái, và ta nhớ rằng xưa kia cô là một thiếu nữ rất xinh tươi. Joe buồn rầu thấy thời gian, sự lo nghĩ và những tai hoạ đã khiến ông già tiều tuỵ đi nhiều. Emmy bận áo tang đen ra cửa đón, thì thầm trước với anh trai rằng mẹ đã chết, lại dặn anh đừng nên gợi lại câu chuyện đau lòng ấy với cha làm gì. Thật ra cẩn thận như thế cũng vô ích, vì chính ông lão Sedley lại nhắc đến chuyện ấy trước; ông lão kể lể và khóc lóc mãi. Thấy cha đau khổ như thế, anh chàng “ấn-độ” cảm động quá; anh ta đâm ra ít suy nghĩ về mình hơn mặc dầu xưa nay Joe vẫn là người ích kỷ.
Cuộc hàn huyên có lẽ đem lại kết quả tốt đẹp, vì lúc Joe lên xe ngựa trở về phòng trọ, Amelia âu yếm hôn cha, dáng điệu sung sướng, cô nói với ông cụ rằng xưa nay mình vẫn chẳng bảo Joe tâm địa rất tốt là gì?
Thực ra Joseph Sedley thấy cha và em lâm vào hoàn cảnh túng thiếu cũng thương; nhân cuộc tái ngộ đầu tiên, đang hào hứng, anh ta tuyên bố ngay rằng từ rày trở đi sẽ không để cho cha và em gái phải thiếu thốn điều gì, và trong thời gian còn lưu lại ở nước Anh - mà thời gian này cũng khá lâu- tất cả mọi thứ của anh đều là của cả gia đình. Amelia sẽ đóng vai bà chủ gia đình cho anh trai, cho đến khi nào cô muốn giữ vai trò riêng cho mình.
Amelia hiểu anh trai muốn nói gì. Cô buồn bã lắc đầu và dĩ nhiên cũng như mọi lần, lại thút thít khóc. Ngay đêm hôm Dobbin đến thăm, Amelia và người bạn tâm tình ít tuổi là cô bé Mary đã bàn với nhau rất lâu về chuyện này. Cô bé Polly tính tình sôi nổi nhịn không được, bèn đem ngay câu chuyện mình vừa khám phá ra kể cho Amelia nghe, cô tả lại Dobbin có vẻ xúc động đặc biệt thế nào khi gặp ông Binny đi cùng người vợ mới cưới, khi anh biết rằng ông ta không còn là kẻ tình địch của mình nữa. Cô Polly thêm:
- Lúc bà hỏi ông ấy lập gia đình chưa, ông ấy đáp: “Ai bịa chuyện ấy ra với chị…” thế bà có thấy ông ấy cảm động đến run lên không? Bà ạ, em thấy mắt ông ấy không rời bà lấy một chút. Em chắc vì nghĩ đến bà nhiều quá nên tóc ông ấy đã lốm đốm bạc đấy.
Amelia ngước nhìn lên chân dung chồng và con trai treo trên đầu giường, rồi khuyên cô thiếu nữ đừng bao giờ nên nhắc tới chuyện ấy nữa. Cô nói rằng thiếu tá Dobbin là người bạn thân thiết nhất của chồng, và có thể coi Dobbin như một người anh... vả chăng người đàn bà nào đã có diễm phúc làm vợ một thiên thần như thế kia - cô chỉ lên bức chân dung treo trên tường - thì không bao giờ có thể nghĩ đến chuyện tái giá. Cô bé Polly thở dài; cô chợt nhớ đến cậu Tomkins làm ở phòng bào chế hay nhìn cô chằm chằm mỗi lần gặp nhau ở nhà thờ. Cậu ta mới tấn công cô bé bằng luồng nhỡn tuyến mà đã khiến cho trái tim bé bỏng e lệ của cô hồi hộp quá đến nỗi cô chỉ muốn đầu hàng ngay lập tức... cô đang nghĩ xem ví thử bây giờ cậu Tomkins bất hạnh bị chết thì mình sẽ cư xử ra sao? Cô biết cậu ta đang mắc bệnh phổi, hai má lúc nào cũng đỏ ửng, mà thân hình thì gầy đét.
Còn Emmy khi biết rõ anh chàng thiếu tá thực thà kia yêu mình, cũng có ra mặt cự tuyệt hoặc cảm thấy khó chịu khi phải gặp mặt với anh ta đâu. Người đàn bà nào có thể bực mình trước tâm tình của một con người chân thành và trung thực như vậy? Xưa kia Desdemona () cũng có giận Cassio () đâu, tuy chắc chắn nàng biết viên tướng trẻ này yêu mình tha thiết (riêng tôi, tôi tin rằng trong câu chuyện đáng buồn này có nhiều uẩn khúc mà vị tướng quân người Moore () không hề ngờ tới: tại sao Miralda vẫn đối xử nhã nhặn với Cassio? Dĩ nhiên cũng chỉ có một nguyên nhân thôi...nhưng nói như thế không có nghĩa là nàng khuyến khích mối tình si dại của thằng quỷ con gớm ghiếc.
Thì Amelia cũng vậy; cô không hề khuyến khích mối tình si của viên thiếu tá. Cô sẵn sàng vẫn ban cho anh chàng những cái nhìn trìu mến, mà con người tốt bụng và chung thuỷ xứng đáng hưởng: cô sẽ đối đãi với Dobbin một cách hết sức thẳng thắn, thân mật cho tới khi nào anh chàng thổ lộ mối tình u ẩn của mình; khi ấy mới là lúc nên nói chấm dứt những hy vọng chắc chắn không bao giờ thực hiện được.
Cho nên đêm hôm ấy, sau buổi chuyện trò với cô Polly , Amelia ngủ rất yên giấc; có lẽ giấc ngủ còn ngon hơn mọi đêm mặc dầu hôm ấy Joe vẫn chưa về. Cô nghĩ thầm: “Anh ấy không cưới cô O’Dowd làm vợ, thôi thì mình cũng mừng thay. Đại tá O’Dowd không thể nào có em gái xứng đáng lấy thiếu tá William làm chồng được”. Vậy thì trong chỗ người quen kẻ thuộc, thử điểm mặt xem có ai xứng đáng làm vợ anh chàng không? Cô Binny? Không được, cô ta già quá, lại bẳn tính. Cô Osborne?... cũng già rồi. Cô bé Polly thì còn trẻ con quá…cho đến lúc ngủ thiếp đi, Amelia vẫn chưa tìm được ai xứng đáng kết duyên với anh chàng thiếu tá.
Mãi tới khi người đưa thư đem tin của Joe đến, hai cha con mới yên tâm; thư viết rằng Joe đi đường hơi mệt, hôm ấy chưa về nhà ngay được; sáng hôm sau anh ta mới rời Southampton, đến tối thì sẽ tới nhà gặp mặt em gái và cha mẹ. Amelia đọc to lá thư lên cho cha nghe; cô dừng lại ở chữ cuối cùng; thế này rõ ràng anh trai cô chưa biết tý gì về những chuyện đã xảy ra trong gia đình. Mà làm sao Joe biết được? Đoán rằng anh bạn đường của mình sẽ kiếm cớ trì hoãn ít nhất là hai mươi bốn tiếng đồng hồ rồi mới về thăm nhà. Dobbin cũng không kịp viết thư báo cho bạn biết trước về tin buồn trong gia đình bạn, vì mải nói chuyện với Amelia lúc anh ta ra về thì đã quá giờ nhận thư của bưu điện lâu rồi.
Cũng sáng hôm ấy Dobbin nhận được một lá thư từ Southampton gửi về quán trọ Slaughters cho mình; Joe viết thư xin lỗi “anh Dobbin yêu quý” về chuyện hôm trước mình đã gắt gỏng lúc bị đánh thức dậy quá sớm. Joe nói rằng đêm hôm ấy bị nhức đầu như búa bổ, mãi gần sáng mới thiếp đi được một tí, lại nhờ Dobbin thuê sẵn hộ vài căn phòng thật tiện lợi trong quán trọ Slaughters cho mình và người hầu ở. Suốt cuộc hành trình, Dobbin đã trở thành cần thiết đối với Joe. Anh chàng cứ bám nhằng nhằng lấy viên thiếu tá.
Mấy người cùng đi trên chuyến tàu cũng về Luân-đôn; ngay hôm ấy Ricketts và Chaffers thuê xe ngựa về nhà... Đến Botley, Ricketts leo lên ngồi đằng trước xe, đòi cầm cương thay xà ích; viên thầy thuốc thì về Portsea thăm gia đình. Bragg về Luân-đôn tìm lại cánh bè bạn trong nghề kinh doanh tàu biển. Riêng viên phó thuyền trưởng còn ở lại lo việc dỡ hàng hoá gửi trả khách. Một mình Joe ở lại Southampton buồn quá, anh chàng bèn mời ông chủ khách sạn “Hoàng đế George” uống với mình vài cốc rượu cho vui. Cũng đúng giờ ấy, thiếu tá Dobbin đang ngồi ăn với ông cụ thân sinh là tôn ông William. Anh chàng cả đời không biết nói dối bao giờ, thành ra phải thú thực với cô em gái rằng hôm qua mình bận đến thăm bà George Osborne nên về muộn.
Joe sống rất ung dung tại đại lộ Martin, cả ngày tha hồ hút thuốc lá Ấn Độ thoả thích, lúc nào hứng lại la cà ở các rạp hát. Có lẽ anh ta cứ ở lỳ mãi tại quán trọ Slaughters, nếu không có Dobbin thúc bách. Joe mà chưa thực hiện lời hứa lo sắp đặt nơi ăn chốn ở cho cha và em gái cẩn thận thì Dobbin chưa chịu để cho yên. Tính Joe vốn nhu nhược, ai bảo gì cũng nghe... Dobbin vẫn có thói quen “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, thành ra nhà ngoại giao tốt bụng này xui gì, Joe ngoan ngoãn làm theo ngay; thôi thì mua sắm, thuê mượn, bán chác tuỳ ý Dobbin. Chú hầu da đen Loll Jewab, mỗi lần vác bộ mặt “súc cù là” ra đường là bị bọn trẻ con đuổi theo chế nhạo đến khổ; Joe bèn gửi nó về Calcutta, trên chuyến tàu “Công nương Kicklebury” của Công ty Ấn Độ, chiếc tàu mà William Dobbin có góp cổ phần kinh doanh. Trước khi về nước, nó đã làm tròn nhiệm vụ huấn luyện thằng hầu người da trắng của Joe phương pháp làm các món cà-ry, cơm rang và cách hầu điếu ông theo kiểu Ấn Độ. Joe và Dobbin chung nhau thuê một nhà làm xe ngựa ở Long Acre đóng một cỗ xe thật lộng lẫy. Joe để hết tâm trí săn sóc việc đóng xe. Anh ta mua được một đôi ngựa thật đẹp, thế là ngày ngày chỉ bệ vệ giong xe ngựa ra công viên chơi, hoặc đi thăm các bạn cũ trước cùng làm việc ở Long Acre . Ít khi có Amelia cùng ngồi xe ngựa đi chơi với anh trai mà không thấy Dobbin ngồi cặp kè trên ghế sau; thỉnh thoảng ông Sedley cùng ngồi xe ngựa đi chơi với con gái. Amelia cũng mời cô Clapp đi chơi với mình luôn. Cô bé choàng tấm khăn san màu vàng ngồi trên xe ngựa, sung sướng nhất là lúc đi qua phòng thăm bệnh thấy cậu Tomkins nhận ra mình, cứ thập thò cái đầu trong cửa sổ ngó theo mãi.
Joe về Brompton được ít lâu thì một chuyện đáng buồn xảy ra tại ngôi nhà nhỏ bé này, nơi gia đình Sedley đã sống hơn mười năm trời. Một hôm, Joe đánh xe ngựa đến (chiếc xe dùng tạm chứ không phải là chiếc xe mới còn đang đóng dở dang chưa xong) đưa hai cha con ông già Sedley đi để không bao giờ trở lại đây nữa. Nhân dịp hai mẹ con bà chủ nhà đã nhỏ những giọt nước mắt buồn khổ cũng thành thực như bất cứ giọt nước mắt nào đã nhỏ trong cuốn truyện này. Suốt thời gian chung sống, cũng như từ ngày quen hơi bén tiếng, họ chưa hề thấy Amelia nặng lời với ai. Bao giờ Amelia cũng ăn nói dịu dàng, ngọt ngào bao giờ cũng tỏ ra nhã nhặn, biết ơn, ngay cả những khi bà Clapp cáu kỉnh và giục trả tiền nhà. Bây giờ Amelia đi hẳn rồi, bà mới hối hận về những lời phũ phàng của mình trước kia; cho nên lúc hai mẹ con lấy xi đính một tờ giấy lên cửa sổ rao trong nhà có phòng bỏ không cho thuê, người ta thấy bà khóc thút thít. Khó lòng mà tìm một người thuê nhà biết điều như vậy, chuyện ấy là rõ ràng nhất. Về sau sự dự đoán của bà quả nhiên thành sự thật. Để trả thù sự xấu thói của người đời, bà Clapp bèn tính tiền đèn nến và tiền thịt cừu thật nặng, đổ vào đầu những người ở thuê nhà bà. Đa số trả tiền nhưng càu nhàu kêu ca; vài người quỵt thẳng, nhưng không có ai ở nhà bà lâu. Bà chủ nhà tha hồ mà tiếc những người bạn cũ đã từ biệt mình đi ở chỗ khác.
Cô Mary phải chia tay với Amelia buồn bã quá đến nỗi chúng tôi không dám miêu tả lại đây nữa. Từ tấm bé, hàng ngày sống cạnh Amelia, cô rất gắn bó với người đàn bà hiền hậu tốt bụng này; lúc chiếc xe ngựa đến mang Amelia đi, cô ngất lịm trong tay người bạn lớn tuổi. Amelia cảm động không kém vì vẫn yêu quý cô bé vui tính này và coi cô như con gái mình. Suốt mười một năm nay cô Mary vẫn là người bạn tâm tình trung thành của Amelia, cho nên đối với chính cô, cuộc chia tay cũng đầy đau khổ. Nhưng rồi Amelia thu xếp thế này; cô Mary sẽ đến chơi luôn luôn tại ngôi nhà sang trọng chỗ Amelia sắp dọn đến ở. Cô Mary nhất định tin rằng tại đó Amelia sẽ không thể nào được sung sướng bằng hồi còn cùng mình chung sống trong “mái nhà tranh”; ấy là danh từ cô Clapp dùng để chỉ căn nhà của bố mẹ, bắt chước ngôn ngừ trong mấy cuốn tiểu thuyết mà cô rất mê.
Chúng ta cũng mong rằng cô nghĩ như vậy là lầm. Thực ra, trong thời gian sống dưới “mái nhà tranh”, những ngày hạnh phúc của Amelia rất hiếm hoi. Số mệnh tàn ác như luôn luôn lẩn quất trong nhà này. Bây giờ đi khỏi rồi, Amelia không muốn nghĩ đến chuyện trở lại nữa, cũng không thiết nhìn lại mặt bà chủ nhà đã đối xử với mình không ra gì lúc tức giận vì tiền nhà chưa trả đủ, và lúc vui vẻ thì lại thân mật một cách sỗ sàng đến gần như thô bỉ.
Thấy Amelia trở lại cuộc sống sung túc, bà Clapp tỏ thái độ săn đón đến hèn hạ: Amelia không thể chịu nổi. Đến thăm ngôi nhà mới chỗ Amelia ở, bà luôn luôn tấm tắc khen nhà cửa, bàn ghế, đồ dùng cái gì cũng đẹp cũng sang. Bà mân mê quần áo của Amelia, đoán phỏng may hết chừng nào tiền; bà khăng khăng thề rằng người như Amelia thì đồ ăn thức dùng quý đến đâu cũng chưa xứng. Nhìn con người nịnh xằng đang bợ đỡ mình, Amelia không sao quên được hình ảnh mụ đàn bà cay nghiệt trước kia đã bao nhiêu lần làm mình mất ăn mất ngủ mỗi khi cô phải nói khéo xin khất tiền nhà chưa trả được; lần nào bắt gặp Amelia mua chút quà bánh về cho bố mẹ là mụ la lối om xóm. Amelia quên sao được kẻ đã chà đạp thân phận hèn mọn của mình trong cảnh túng thiếu.
Nào ai thấu hết được nỗi khổ nhục người đàn bà đáng thương ấy đã phải chịu đựng. Amelia giữ kín không cho cha biết, mặc dầu chính vì sự vụng tính của ông lão mà cô phải khổ. Người con gái đành gánh vác hết cả tai hoạ do sự lầm lỗi của cha gây ra, với một thái độ hết sức nhẫn nại dường như trời sinh ra mình là để làm một nạn nhân vậy.
Có lẽ từ đây trở đi Amelia không còn phải vất vả như trước nữa. Người ta thường bảo rằng kẻ đau khổ tìm được cách tự an ủi mình, có lẽ thế thật; cô bé Mary đáng thương phát ốm vì phải xa bạn, gia đình bèn mời cậu thanh niên ở phòng bào chế đến thăm bệnh, kê đơn; chỉ sau một thời gian ngắn được cậu này săn sóc, cô khỏi phăng mọi bệnh tật. Lúc rời Brompton ra đi, Emmy để lại cho Mary tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ mang theo có hai bức chân dung (hai tấm hình vẫn treo ở đầu giường ngủ) và chiếc dương cầm...
Chiếc đàn bây giờ đã cũ kỹ lắm rồi, kêu không ra tiếng, nhưng Amelia vẫn quí vì những lý do riêng. Cô đã dùng nó từ hồi còn bé; đó là món quà của cha mẹ mua cho. Sau này, khi ông bố lâm vào cảnh phá sản, mất hết cơ nghiệp, riêng cây dương cầm được vớt vát lại, trở về với chủ cũ, chắc các bạn đọc còn nhớ.
Dobbin cũng đến trông nom hộ việc dọn dẹp nhà cửa; anh ta luôn miệng khen nhà đẹp và đầy đủ tiện nghi. Dobbin vui nhất là khi thấy trên chiếc xe ngựa chở hòm xiểng của gia đình Sedley từ Brompton đến, có cả chiếc dương cầm cũ kỹ. Amelia muốn đặt chiếc đàn trong phòng khách riêng của mình, một căn phòng xinh xắn gọn ghẽ trên gác, kê sát ngay phòng của cha; ông lão có thói quen tối nào cũng ngồi chơi trong căn phòng này.
Người nhà khiêng chiếc dương cầm vào; Amelia bảo họ đem đặt trong căn phòng khách vừa nói trên; Dobbin thấy thế bằng lòng lắm. Anh chàng cảm động nói: Chị gìn giữ chiếc đàn này như thế, tôi cho là phải lắm. Tôi chỉ lo chị không buồn để ý đến nó.
Amelia đáp:
Tôi quý nó hơn mọi vật trên đời này đấy, anh ạ.
- Thật không, Amelia?
Anh chàng thiếu tá sung sướng quá, kêu lên. Sự thực chính Dobbin đã mua chiếc đàn; và mặc dầu chưa bao giờ nói ra, nhưng anh ta cũng không hề nghĩ rằng Emmy có thể lầm, cho rằng người mua đàn gửi tặng là người nào khác; theo ý anh ta, chắc chắn Emmy phải biết chính Dobbin mua đàn tặng mình. Anh ta kêu lên:
“Thật không, Amelia?” và đôi môi đã mấp máy muốn thốt ra một câu hỏi, câu hỏi quan trọng nhất đời mình thì Amelia đáp:
- Tất nhiên tôi phải gìn giữ chứ... chẳng phải là của anh ấy tặng tôi sao?
- Nào tôi biết được!
Anh chàng Dobbin đáng thương cụt hứng đáp.
Ngay lúc ấy, Amelia không quan tâm đến câu chuyện cũng không chú ý đến bộ mặt rầu rĩ của anh chàng Dobbin thực thà nhưng về sau cô mới nghĩ ra. Lúc ấy Amelia mới giật mình; biết rằng chính Dobbin mới là người gửi tặng mình chiếc dương cầm, Amelia cảm thấy đau khổ vô cùng. Thì ra xưa nay vẫn tưởng George tặng mình chiếc đàn là lầm; đó không phải là tặng phẩm của George, không phải là tặng phẩm duy nhất của người yêu như mình vẫn tưởng... thế mà mình đã nâng niu trân trọng nó hơn mọi vật quý trong đời... coi nó như một di vật quý báu thân thiết nhất. Nhiều lần Amelia đã thì thầm nói chuyện với chiếc đàn về George đã chơi những bài nhạc George thích trên chiếc dương cầm; nhiều buổi tối Amelia đã ngồi hàng giờ liền đem hết tài năng tầm thường của mình dạo những tiếng đàn ảo não trên hàng phím, rồi âm thầm khóc trên phím đàn. Bây giờ chiếc dương cầm chẳng còn phải là tặng vật của George nữa rồi; đối với Amelia nó trở thành vô giá trị.
Hôm sau, ông Sedley bảo con đánh đàn cho mình nghe, Amelia trả lời rằng nó bị hỏng nhiều quá mình lại đang nhức đầu không sao đánh được.
Nhưng rồi cũng như mọi khi, Amelia hối hận; cô tự trách mình có thái độ nhỏ nhen, vô ơn; Amelia thấy mình có tội, vì tuy không hề nói ra với Dobbin, nhưng trong thâm tâm quả có thái độ rẻ rúng đối với chiếc đàn khi biết là của anh chàng gửi tặng. Mấy hôm sau, nhân lúc hai người ngồi trong phòng khách - Joe ăn xong đã ngủ thiếp đi rất ngon giấc- Amelia giọng run run nói với Dobbin:
- Tôi phải xin anh tha lỗi cho về chuyện này. Dobbin hỏi lại:
- Về chuyện gì thế?
- Về chuyện...chuyện chiếc dương cầm ấy. Từ hồi anh mua gửi cho đã mười mấy năm nay, khi tôi còn chưa ở riêng, tôi chưa lần nào có lời cảm tạ anh. Trước tôi vẫn tưởng người khác gửi tặng. Anh William tôi xin cảm ơn anh.
Amelia đưa tay cho Dobbin nắm, nhưng trong lòng như đứt từng khúc ruột, và dĩ nhiên nước mắt lại tuôn ra như suối.
Lúc này William không sao kìm giữ lòng mình được nữa; anh ta thổ lộ can tràng:
- Amelia, Amelia; chính tôi đã mua chiếc dương cầm ấy đấy.Ngay từ hồi ấy cũng như hiện nay, tôi vẫn yêu Amelia. Tôi phải thú thực hết. Có nhẽ tôi yêu Amelia ngay phút gặp gỡ đầu tiên...ngay khi George đưa tôi đến nhà ta để giới thiệu vị hôn thê với tôi. Hồi ấy, Amelia còn là một thiếu nữ, mặc áo trắng toát, có những búp tóc quăn quăn, vừa bước xuống thang gác vừa hát... Amelia còn nhớ không?... thế rồi chúng ta đi chơi Vauxhall. Từ ngày ấy, tôi chỉ mơ tưởng đến một người đàn bà trên đời này, người đó là Amelia. Suốt mười hai năm nay, quả thực không có một giờ một phút nào tôi không nghĩ đến Amelia. Trước khi đi Ấn Độ tôi đã đến để thú thực điều ấy, nhưng Amelia có buồn để ý đến tôi đâu; thế là tôi không dám nói nữa. Hồi ấy, Amelia không cần biết tôi đi hay tôi ở lại.
Amelia đáp:
- Tôi thật là kẻ vô ơn.
Dobbin thất vọng tiếp:
- Không phải. Amelia vô tình thì đúng hơn. Tôi tự biết không có đức tính gì khiến được đàn bà khỏi vô tình với mình. Tôi hiểu hiện giờ Amelia nghĩ gì. Sự thực về chiếc dương cầm đã khiến cho Amelia rất khổ tâm, vì nó là tặng vật của tôi, không phải là của George. Lẽ ra tôi không bao giờ nên nói ra điều này mới phải; bây giờ chính tôi phải xin Amelia thứ lỗi vì trong một phút điên rồ đã có cử chỉ vô nghĩa ấy, và vì lầm tưởng rằng hơn mười hai năm trời trung thành tận tụy có thể khiến Amelia động tâm nghĩ lại.
Amelia cảm động đáp:
- Chính anh mới thật là nhẫn tâm. George bao giờ cũng vẫn là chồng tôi, dưới cõi trần cũng như trên thiên đường. Làm sao tôi có thể yêu người khác được? William ạ, bây giờ cũng như lần đầu tiên anh gặp tôi, tôi vẫn là của George. Chính anh ấy đã nói với tôi rằng anh là người rộng lượng, cao quý; chính George đã dạy tôi biết coi anh như người anh ruột; thì anh chẳng đã săn sóc chu đáo mọi sự cho mẹ con tôi đấy sao? Đối với chúng tôi anh đã là người đỡ đầu thân quý nhất trung thực nhất, là người che chở rộng lượng nhất. Giá anh trở về sớm hơn vài tháng, có lẽ đã tránh cho mẹ con tôi được sự chia ly đau đớn kia rồi. Ôi, anh William ơi, tôi như chết đi từng khúc ruột... nhưng anh không về mặc dầu ngày đêm tôi vẫn cầu nguyện mong đợi tin anh. Thế là họ bắt mất đứa con của tôi mang đi. Anh William, anh có thấy cháu đáng yêu không? Mẹ con tôi mong vẫn được coi anh là bạn như cũ...
Nói đến đây, Amelia nghẹn ngào, gục mặt vào vai Dobbin.
Anh chàng thiếu tá vòng tay ôm lấy Amelia như ôm một đứa trẻ, và cúi xuống hôn vào mái tóc, nói:
- Amelia thân yêu ơi, tôi sẽ không thay đổi. Tôi sẽ không đòi hỏi Amelia yêu tôi nữa. Có lẽ tôi không nên đòi hỏi gì khác. Chỉ xin Amelia cho tôi được gần gũi và trông thấy mặt luôn luôn là đủ.
- Vâng, luôn luôn.
Amelia đáp vậy. Thế là William cứ việc tự do mà nhìn và khao khát, y như thằng bé học trò đáng thương không một xu trong túi, tha hồ ngắm nghía hòm kẹo của người đàn bà bán hàng rong mà thở dài nuốt nước bọt.