[Hồi Ký Chiến Tranh Vn] Từ Chiến Trường Khốc Liệt

Chương 19

ĐÀ NẴNG

Mùa hè năm 1967, Horst và tôi tổ chức kỉ niệm năm thứ năm ở Việt Nam bằng một buổi tiệc với 300 khách tại Khách sạn Royale, một khách sạn cũ kỹ nằm ở góc giao đường Nguyễn Huệ và đường Nguyễn Thiệp, cách hai khu phố từ cơ quan chúng tôi. Trong những ngày hoàng kim những năm 1920 và 1930, Khách sạn Royale thu hút quan chức thuộc địa người Pháp tới quán bar dễ chịu để nhâm nhi rượu apxin hay sâm panh lạnh, những món ăn thượng hạng phục vụ trong phòng ăn. Trong phòng khách tầng trên, những chủ đồn điền người Pháp từ vùng nông thôn hẹn hò bí mật những cô tình nhân người An Nam và đôi khi lợi dụng chính họ cho việc bào chế thuốc phiện bí mật. Truyện "Từ Chiến Trường Khốc Liệt (Live from the battlefield) "

Horst và tôi biến Khách sạn Royale thành nơi ẩn dật của mình, mặc dù những gì còn lại của kỉ nguyên thực dân là những tấm ván sàn kẽo kẹt, hệ thống nước kêu ầm ĩ, bức hình chân dung cũ của lính lê dương Pháp. Sự tồi tàn của quán bar bảo tồn tính thanh bình trong một thành phố bùng nổ câu lạc bộ, gái bar và những người Mỹ chè chén. Nhà hàng cũng không hấp dẫn, thực đơn chỉ có phi lê "Flétan a la moutarde" và súp cá cùng “palourdes", nhưng mang phong cách Corsian béo ngậy nhiều dầu liu và tỏi. Danh sách rượu là những loại Algery rẻ tiền đến mức được thể hiện không những ở năm mà còn là ngày tháng đóng chai và chỉ uống được khi pha loãng với nước khoáng xenxe.

Sự xuống cấp của Royale song song với người chủ, Jean Ottavi, một người đàn ông Pháp nhiều tuổi ăn mặc hoàn hảo trong chiếc áo sơ mi trắng và cà vạt. Ông Ottavi đi tập tễnh quanh khách sạn bằng chiếc gậy mà ông ta đập xuống sàn hống hách khi nhân viên Việt không thực hiện mệnh lệnh hoặc chậm phục vụ khách hàng. Ông Ottavi cho phép chúng tôi, ăn tối muộn hơn giờ đóng cửa và vào một số dịp đặc biệt, ông ta cho đầu bếp chuẩn bị những món ăn đặc biệt theo sự chọn lựa của chúng tôi. Tại bữa tiệc, nhân viên khách sạn đi quanh phòng tiệc phục vụ thịt cừu, dê nướng và những loại hoa quả, rau đặc biệt.

Một vài đồng nghiệp người Mỹ không hiểu tại sao chúng tôi lại thích vẻ đẹp mờ nhạt của Khách sạn Royale khi những nơi khác tốt hơn. Khách sạn Aterbea ở ngay cùng đường và Khách sạn Guillaume Tell ở trên đường Trịnh Minh Thế và những nhà hàng ở Khách sạn Caravelle và Majestic đều có thức ăn và đồ uống cao cấp hơn. Nhưng phong cách kín đáo và vị trí khách sạn mà chúng tôi đang ở rất thuận lợi cho việc gặp gỡ những nguồn tin nhạy cảm. Trung tướng Julian Ewell đôi khi lái xe vào Sài Gòn từ sở chỉ huy lực lượng chiến trường 3 của anh ta ở Long Bình để ăn tối với chúng tôi tại Khách sạn Royale, điều kiện duy nhất của anh ta là không để lộ tung tích của mình trong bộ đồ thường phục và ăn tối bí mật phía sau bức bình phong ở một góc yên tĩnh của nhà hàng.

Vào giữa năm 1967, giới báo chí Sài Gòn tăng dần lên với hơn bốn trăm người, hầu hết ở những căn hộ đơn, chung hoặc sống trong khách sạn. Một số thường trú lâu dài ở chiến trường cùng với lính. Khoảng 20 hoặc 30 người có vợ ở Sài Gòn. Đó là, R.Vw. Apple, Tom Buckley của Thời báo New York, Maynard Parker và William Tuohy của tờ Newsweek, Lee Lescaze và Robert Kaiser của tờ Washington Post, Robert Pisor của tờ Detroit News, Joe Fried của tờ New York Daily News và tôi.

Cuộc sống khá thoải mái trong những ngôi nhà thuê kiểu thuộc địa có người phục vụ và đầu bếp, có những bữa tiệc cooktail ngoại giao, những bữa ăn tối, tiệc báo chí và những buổi chiều ở Câu lạc bộ Cercle Sportiff và thậm chí trượt nước ở sông Sài Gòn, một môn thể thao được nhiều người ưa thích.

Bạn có thể vẫn vờ như thành phố đang thanh bình, chiến tranh chưa từng xảy đến với Sài Gòn. Nhưng nó có thể vang lên bất kỳ trong những vụ nổ khủng bố mà đôi khi oanh tạc qua thành phố trong tiếng la hét của trực thăng, tiếng nổ của đạn pháo binh, trận tấn công không quân từ những vùng nông thôn lân cận. Những tin, bài thảm họa nhất luôn được tìm thấy ở chiến trường nhưng Sài Gòn là ngôi nhà thoáng đãng cho tất cả mọi thông tin, đánh giá về chiến tranh và những chương trình bình định cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Âm mưu to lớn của chỉ huy cấp cao là nắm bắt được dòng chảy tin tức không chỉ trong vùng chiến mà ở mọi bữa tiệc cooktail và những buổi tụ tập ăn tối. Những lời nhận xét vô tư về những tức giận của chiến tranh luôn tìm được trong những bài phân tích tin và những bài tạp chí vào buổi sáng. Thành phố rò rỉ giống như Washington thu nhỏ. Một dòng chảy những chi tiết tai hại dưới những thông tin xấu từ chiến trường rằng chiến tranh rơi vào bế tắc và tệ nhất là đang thua, rằng chiến lược của Westmoreland tập trung vào những căn cứ quân sự rộng lớn và tốn tiền, những kho vũ khí quân sự phức tạp, thực hiện những chiến dịch tìm và diệt, không nhằm kết thúc chiến tranh nhanh chóng cũng không mang những người cộng sản tới bàn đàm phán hòa bình. Tuy nhiên hiểu rõ những gì đang diễn ra không có nghĩa dẫn tới những giao tiếp rõ ràng. Johnson của Nhà Trắng tiếp tục thuyết phục cuộc chiến đang thắng lợi và rất nhiều người ở Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng ủng hộ Tổng thống.

Giới báo chí Việt Nam chủ yếu dành cho nam giới. Một quan điểm phổ biến rằng chiến tranh là cuộc chiến giữa đàn ông với đàn ông và đàn bà không nên tham gia vào đó. Một số phóng viên nữ xuất hiện trong cuộc chiến là Georgie Anne Geyer, Liz Trotta, Gloria Emerson và Beverjy Deepe. Quân đội chỉ ưu tiên hơn chút ít với những nhu cầu cá nhân đặc biệt của phóng viên nữ và phóng viên báo ảnh. Chúng tôi, những phóng viên có xu hướng dèm pha khả năng buôn chuyện và những mối quan hệ của họ không thích giúp đỡ họ với chính quyền.

Phụ nữ được lính chào đón nhất trong chiến trường là những người hành động giống như đàn ông. Sau khi phóng viên ánh nổi tiếng Dickie Chapelle tử thương ở một bẫy nổ cuối năm 1966, Hugh Mulligan trích lời một chỉ huy quân đoàn: "Bất kì khi nào có một phóng viên nữ khác tới đây, chúng tôi sẽ điều một đại tá ra khỏi phòng anh ta vì phòng của anh ta có toilet riêng. Nhưng không phải Dickie Chapelle. Cô ấy không bao giờ đòi hỏi sự ưu tiên nhỏ nhất nào chỉ vì giới tính của mình. Cô ấy lội chiếc áo ponsô của mình trong bùn giống như những người đàn ông và ăn cơm bằng hộp sắt mà ai cũng cố nuốt. Trong bộ quần áo rằn ri và mũ sắt, tôi không thể phân biệt cô ấy với những người lính. Cô ấy luôn theo kịp mặt trận tốt nhất".

Phóng viên ảnh tự do nhỏ bé người Pháp Catherine Leroy bước vào văn phòng AP năm 1967 và ngay lập tức được liệt vào danh sách cộng tác viên trong đội quân của Faas với lời hứa 15 đô la cho 1 bức ảnh có thể sử dụng mà bất kì ai khác có. Cô ta có đủ tiền để thuê một cán hộ khép kín ở khu vực đông dân của Sài Còn.

Tôi đi cùng cô ta đến căn cứ mặt trận Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Đông Hà khi nhân viên báo chí cố gắng khuyên can cô ta không nên tham gia cùng một đại đội lính thủy đánh bộ do thám trong nhiệm vụ nhảy dù ở vùng biên giới. Nhiệm vụ này rất hạn chế với giới báo chí nhưng Cathy không bị từ chối. Những lời báng bổ đầy giận dữ mà phóng viên ảnh 85 pound thốt ra làm tôi xấu hổ vì rút lui và đã làm tức giận sĩ quan lính thủy đánh bộ đến mức anh ta phải phàn nàn với sở chỉ huy.

Catherine cuối cùng cũng giành được sự kính trọng miễn cưỡng của lính thủy đánh bộ và danh tiếng thế giới về những bức hình kinh hoàng của mình. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, cô ta bị thương nặng ở bụng nhưng vẫn kịp ném cuộn phim đầy máu vào tay một lính thủy đánh bộ trước khi bất tỉnh. Ở trong bệnh viện, cô ta biết rằng những bức ảnh chiến trường của mình làm tên tuổi cô ta nổi tiếng khắp thế giới.

Hầu hết các phóng viên của AP đều độc thân và họ cùng ở một căn hộ rộng do phóng viên ảnh Al Chang thuê, to bằng tòa nhà văn phòng. Chúng tôi gọi nó là Căn hộ Dứa theo xuất thân Hawaii của Al. Đó là căn hộ được trang trí đơn giản với ba giường ngủ đôi, vài chiếc ghế, bình lạnh để bia, khung cảnh nhìn ra quảng trường Lam Sơn. Một số bản nhạc "Tinh Bubble" hoặc "Blue Hawaii" hoặc một số giai điệu thường được bật lên cho những người nhớ nhà. Một số bàn để máy ảnh và ống kính, dọc theo tường là những ba lô quân sự, dụng cụ chiến trường và những bộ đồng phục bẩn.

Căn hộ cũng là ngôi nhà thứ hai cho những người lính chúng tôi làm quen trong chiến trường ghé qua Sài Gòn để ở trọ một hoặc hai đêm và tiếp đãi họ. Họ đến, người đầy bụi bặm, mồ hôi, lao vào tắm nước nóng và sau đó vớ một chai bia lạnh, ôm bất kì ai hoặc tất cả những người có mặt ở đó. Không giống như bar của Sài Gòn có lệnh giới nghiêm. Một người lính hoặc một phóng viên mới trở về từ chiến trường có thể uống trong sự lãng quên hạnh phúc và không gặp phải phiến phức gì.

Chúng tôi hiếm khi phá vỡ quy định, ra khỏi nhà vào giờ giới nghiêm buổi sáng để đưa những lính có nhu cầu tình dục tới nghĩa địa ở Chợ Lớn, vì đây là nơi trú ngụ của những cô gái điếm không có chỗ nào khác để hành nghề. George MCarthur, người kinh nghiệm nhất trong số chúng tôi về vấn đề này nài nỉ được lái xe làm người chỉ đường, nhưng tay lái xe này say rượu và khi những cô gái xuất hiện giữa họ, chiếc xe lắc lư và George bị văng lên mui xe. Ed Meade, đến từ Erie, Pennsylvania đã học được cách cứu thương khi còn là cầu thủ bóng đá ở trường đại học, đỡ George dậy và đưa anh ta về Khách sạn Caravelle mà không để xảy ra một sự kiện nào nữa. may mắn là một trong những người quen của chúng tôi, bác sĩ quân y Tom Durant thỉnh thoảng ghé thăm để kiểm tra người bị thương và cuối cùng yêu cầu anh ta tới bệnh viện phẫu thuật.

Một buổi sáng sớm khi tôi đang nghỉ ngơi trong căn hộ với những đồng đội còn lại thì phóng viên ảnh AP Rick Merron đi từ văn phòng cùng với vài tấm ảnh có được từ tạp chí khiêu dâm mà ai đó mua được ở Hồng Kông. Rick dán hình trước cửa Khách sạn Caravelle bên kia đường cùng hai câu chuyện treo trên tường cao, nơi thu hút sự chú ý của cảnh sát Sài Gòn - những người đang làm nhiệm vụ an ninh ở quảng trường phía dưới.

Sự thân thiện vô tư báo trước điềm gở. Hoạt động văn phòng AP vẫn diễn ra suôn sẻ không có cạnh tranh nhỏ nhen và đố kị trong nhân viên dù mức độ là những tranh cãi do căng thẳng của chiến tranh. Hai Boyle viết về một trong những lí do dẫn đến điều này là "Việt Nam là một câu chuyện trong thế giới, nơi có nhiều điều cho mọi người. Bạn không phải lo lắng bất kì ai ăn trộm câu chuyện của mình vì những câu chuyện hay hơn đang chờ đợi ngoài kia".

Mỗi một ngày chúng tôi gửi 8 đến 15 bản trên máy telex của văn phòng về New York, 40 hoặc 50 trang của bản copy gồm những cuộc điện thoại từ các phóng viên viết về lính thủy đánh bộ ở Đà Nẵng phía bắc, hai sư đoàn lính bộ Hoa Kỳ ở Plâycu, Tây Nguyên cộng với Sài Gòn có các bản chỉ thị sở chỉ huy và các khủng hoảng chính trị.

Nhưng còn một lí do khác giúp cho tình bạn của chúng tôi thêm gắn bó đó là nếu một ngày nào đó một đồng nghiệp bị thương hoặc bị giết bởi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, bạn có thể tha thứ rất nhiều trong những hoàn cảnh này.

Khi Ed White về nhà, người được thay thế làm Trưởng phân xã là Bob Tuckman, một cựu chiến binh lực lưỡng tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, clúng tôi tổ chức buổi kỉ niệm nhỏ sự thay đổi lãnh đạo. Tôi bày một trò, làm vương miện đội lên cái đầu hói của Bob, còn Horst thì đưa cho anh ta "cây trượng" của mình là chiếc gậy tre của Việt Cộng, vật được đưa cho Mai Browne những năm trước đó sau một vụ mai phục đẫm máu, vật gợi nhớ khi Sài Gòn chỉ là văn phòng một người, không phải văn phòng 30 nhân viên như bây giờ.

Những biểu tượng và vật cổ khác nhắc nhở người lãnh đạo mới về gánh nặng của mình và những vinh quang trong quá khứ: một cục vữa nhớ về Ngô Đình Diệm, được lấy vào đêm ông ta bị lật đổ từ những ngày khi nhân viên đều có tố chất đảo chính và một khẩu súng bazoca Horst tìm thấy ở vùng chiến trường C năm 1964.

Ed White được tiễn ra sân bay cùng một ban nhạc Trung Hoa mà Horst và Al Chang thuê sáng hôm đó. Tuy nhiên, cuộc trình diễn phải dừng lại ở cửa sân bay vì tay trưởng ban nhạc có dáng vẻ giống Hồ Chí Minh. Chúng tôi tiến hành chia tay ngay tại chỗ, rót sâm oanh khi tắc xi chờ đưa Ed ra máy bay. Đêm đó Bob Tuckman đánh vật với quyết định Trưởng phân xã đầu tiên của mình: Làm sao để giải trình cuộc biểu diễn hai giờ của ban nhạc Trung Hoa vào khoản chi phí văn phòng!

Trong thời gian này, Gallagher viết cho Horst và tôi yêu cầu những nhiệm vụ khác. “Các cậu đang bước sang năm thứ năm ở Sài Gòn, đó là một thời gian dài trong bất kì vùng chiến sự nào, đặc biệt là chiến tranh tàn khốc như ở Việt Nam. Tôi muốn biết xem các cậu có muốn đổi nhiệm vụ ở nơi nào khác không, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Tôi biết các cậu muốn ở nơi phải có hành động nhưng có vẻ như cuộc chiến này còn diễn ra rất lâu".

Tôi mất vài tháng để trả lời bức thư của Gallagher vì tôi không xem xét nghiêm túc lời đề nghị của ông ta nhưng khi ông ta giục tôi trả lời thì tôi đã viết: "Về mặt thể chất tôi rất ổn và đã không nghỉ ốm một ngày nào từ khi tôi tới đây. Về mặt tinh thần tôi thích nghĩ bây giờ tôi đứng vững như tôi đã từng làm vậy. Về mặt chuyên môn tôi cảm tưởng rằng công việc tốt nhất đang chờ tôi phía trước".

Tôi thú nhận rằng Nina và tôi đã bàn tới việc rời đi nhưng tôi đã nói với Gallagher rằng tôi muốn ở lại thêm vài năm nữa.

Sài Gòn là thành phố của sở chỉ huy, có thể tác nghiệp và vui thú trong mối quan hệ riêng tư không như Đà Nẵng nơi những tổ chức tin tọc mạch va đụng với sự tức giận của quân đội tại các trung tâm thông tin hải quân. Dường như mọi đại biểu quốc hội, nhân viên thông tin từ Hoa Kỳ, thậm chí những nhà hoạt động nhân quyền tới thăm thành phố này chỉ vì hải cảng cũ đã được xây lại như sở chỉ huy hải quân Hoa Kỳ và trở thành cửa ngõ cho chiến tranh phía bắc. Đi ra Đà Nẵng, họ có thể nói họ đã tới thăm mặt trận mà thực tế không phải như vậy.

Tôi thường xuyên bay ra Đà Nẵng trên chiếc C-130 của Không quân Hoa Kỳ. Văn phòng Hải cảng Không quân 12, một tòa nhà bằng gỗ mới được dựng lên, là nơi dừng chân của binh lính từ Hoa Kỳ tới bắt đầu nhiệm vụ tại Việt Nam và đó cũng là nơi họ được khởi hành về lại quê nhà một năm sau nếu sống sót trong cuộc chiến.

Nếu may mắn tôi sẽ được một xe jeep chờ ở trung tâm báo chí do một lính thủy đánh bộ thân thiện lái hướng ra khỏi cổng chính để ngắm quang cảnh Đà Nẵng, trong khi anh ta phải bấm còi inh ỏi để luồn lách qua những con phố ồn ào, đông đúc và xe ba gác bán rong, xe khách chở quá tải có nguy cơ đâm vào nhau. Chúng tôi đi dọc theo dòng sông trong thành phố và thường rẽ quanh bảo tàng Chăm, một kiểu kiến trúc đẹp gồm nhiều hình điêu khắc khéo léo trên đá cẩm thạch Hindu là những gì còn lại của một dân tộc cách đó năm thế kỷ.

Phía sau điều hoành tráng thường là điều nực cười, một nhà nghỉ lợp mái tôn xiêu vẹo trong hàng rào cao. Cổng chính do một người Việt nhàu nhĩ gác mà chúng tôi gọi là Lùn. Một biển màu vàng đỏ treo ở cổng "Trung tâm báo chí 111 MAF”, từ viết tắt của Lực lượng lính thủy đánh bộ 3. Ở trung tâm là một bể nước cao và bên dưới là một boong ke. Ở đoạn cuối sông là một lán hình A được gọi là nhà Tưởng niệm Chapalle Dickie, không phải là nhà thờ nhưng lại là trung tâm của các chiến dịch nơi lính thủy đánh bộ đưa ra các thông cáo chiến tranh và các phóng viên có thể thu thập thông tin nếu họ hiểu được những cú điện thoại gọi về cho các văn phòng Sài Gòn.

Phía sau lán ở bờ sông là bến tàu bằng gỗ ọp ẹp, xung quanh có hàng rào thép gai bụi bặm và phía dưới là sông Hàn bình yên. Bên kia bờ sông là bóng dáng đồ sộ của những tòa nhà trụ sở chỉ huy của lính thủy đánh bộ, phía xa nữa là biển Đông và những bãi cát hiện ra, màu nước trong lành ấm áp.

Lán AP như chúng tôi gọi, nơi chỉ có những chiếc giường đơn dành cho 3 người luôn không được dọn dẹp, khăn trải giường bẩn thỉu kéo lê trên sàn nhà bụi bặm nằm giữa đống lộn xộn can bia và những chai rượu whisky trống rỗng cùng những mẩu thuốc lá. Khu trại lính có dịch vụ dọn dẹp nhưng chẳng bao giờ sử dụng vì thường có người ở trên giường và khóa trái cửa để trốn tránh những chuyến hành quân cực nhọc hoặc say rượu.

Trung tâm báo chí Đà Nẵng do các nhân viên lính thủy đánh bộ quản lí. Đôi khi chúng tôi tự hỏi không biết những người này làm gì và không biết tại sao họ lại ở vị trí đó. Rõ ràng họ làm việc với chúng tôi là không thích hợp vì chẳng ai có kinh nghiệm làm việc với giới báo chí cả. Nếu như điều chết tiệt trên thế giới này đẩy một nhân viên lính thủy đánh bộ vào thời chiến thì chính là đây. Không giống như lính thủy đánh bộ, chúng tôi thường ngủ muộn, hiếm khi cạo râu, thường ăn mặc luộm thuộm, không có kỉ luật và thường say vào chập tối cãi lộn, đánh nhau vì những chuyện không đâu. Họ nhận xét chúng tôi là những người không yêu nước khi đang xảy ra chiến tranh và khi nói về vai trò của lính thủy đánh bộ.

Thiếu tướng Joel Martin, một nhân viên trung tâm báo chí trước đây, người chỉ huy lính ở chiến trường khi tức giận với giới truyền thông của mình từng nổ súng bắn vào máy bán hàng tự động trong một quán bar và chửi: "Nhận lấy điều này, Morley Safter, mày là đồ chó cái”. Tôi thông cảm với Martin và sau những cuộc cãi nhau ầm ĩ giữa ông ta với tôi và các đồng nghiệp của tôi, đôi khi chúng tôi thường ngồi uống bia trên bến tàu bằng gỗ vào đêm khuya và nói chuyện về chiến tranh, khi cơn giận đã dịu đi và hơi men làm chếnh choáng anh ta lại ngâm nga bài hát “tôi thuộc về Glasky" làm khuấy động cả mấy con chó đi tuần ở sở chỉ huy lính thủy đánh bộ bên kia sông.

Eddie Adams đã trở lại Việt Nam cố gắng làm dịu vùng nước khuấy động của trung tâm báo chí Đà Nẵng bằng cách mở một câu lạc bộ ngu ngốc mà anh ta gọi là TWAPS. Anh ta thu lệ phí năm đô la từ các đồng nghiệp chủ chốt, bắt họ đeo một chiếc mở nắp chai Gl quanh cổ khắc những chữ Head Twap, và yêu cầu những dấu hiệu bí mật và mật khẩu từ các thành viên. Anh ta quyết định kết nạp một thành viên danh dự, chỉ huy lính thủy đánh bộ, Thiếu tướng Lewis Walt người được biết đến như một tay chơi thể thao cừ khôi. Truyện "Từ Chiến Trường Khốc Liệt (Live from the battlefield) "

Eddie tổ chức một bữa tối bít tết trên bờ sông Hàn với những chiếc bàn ở nhà hàng của trung tâm báo chí trải khăn bằng vải lanh trắng xếp theo hình chữ U lớn. Tướng Walt đến muộn và khi ông ta đến cùng hai nhân viên cấp dưới, trời đã tối, hầu hết giới báo chí đã say và náo loạn, bầu trời phía trên ngọn núi đá cẩm thạch ở khoảng trung đang lóe lên những vệt sáng trắng khi những trực thăng bắn phá du kích Việt Cộng.

Eddie mặc chiếc áo khoác màu đỏ bằng vải satanh cài hàng tá huy hiệu quân đội rẻ tiền mua ở chợ đen Đà Nẵng, chiếc mũ sắt của anh ta chụp xuống. Anh ta yêu cầu tướng Walt đứng dậy giơ tay phải lên và nhắc theo anh ta: "Khi bị bắn tôi phải thét lên “Báo chí" (từ tiếng Việt cho các nhà báo)", vị tướng làm theo một cách gượng ép và Eddie tiếp tục: "Khi tôi mắc một loại bệnh xã hội tôi phải thông báo cho tất cả các thành viên khác của TWAPS tên người lây bệnh". Vị tướng cười với câu này nhưng Eddie với khuôn mặt tỉnh bơ tuyên bố: “điều này rất quan trọng". Sau đó Eddie đưa ra một kẹp cà vạt bằng vàng có khắc biểu tượng TWAPS mà ông ta hứa sẽ đeo với niềm tự hào. Chúng tôi bắt tay vị tướng đêm đó mặc dù không có sự cải thiện ngay lập tức trong mối quan hệ của chúng tôi với nhân viên trung tâm báo chí nhưng tất cả đều thưởng thức bữa tối miễn phí một cách ngon lành.

Năm 1967 dường như có hai cuộc chiến về Việt Nam đang diễn ra, một cuộc chiến trong những tòa nhà chỉ huy có điều hòa ở Sài Gòn, Long Bình và Đà Nẵng và một ở Lầu Năm góc khi những nhân viên bắt tay với những tay chó săn trơ tráo cùng bảng thống kê đã dược điều chỉnh về tỉ lệ thương vong, đảo ngũ, các chương trình bình định và số lượng tấn bom. Trong những con số dự đoán bí mật đó là khúc khải hoàn chiến thắng đang lôi kéo Tướng Westmoreland, vị đại sứ mới Ellsworth Bunker và Tổng thống Hoa Kỳ công bố với một dân tộc đang lo lắng rằng "ánh sáng ở cuối đường hầm và những cậu bé Mỹ sẽ nhanh chóng trở về nhà”.

Và sau đó là một cuộc chiến khác ngày càng đẫm máu, ác liệt của những chiến trường đạn bom dội đi dội lại vẫn trên những ngọn đồi và thung lũng đó, với những quan tài phủ cờ trở lại quê hương được những người thân đón nhận với đôi mắt u buồn, của những thùng napan kinh hoàng dội trên những ngôi làng lợp mái lá, của những người tù bịt mắt và những cánh đồng của người nông dân không còn chỗ của một dân tộc thách đố chiến lược tiêu hao sinh lực của Mỹ...

AP viết về những cuộc chiến tranh này và tôi thường lo lắng những câu chuyện của chúng tôi sẽ làm cho độc giả lúng túng như thế nào. Những đánh giá của tôi xuất hiện trên những trang nhất của các báo cùng “những bài" phóng sự của AP về những quan điểm tích cực về chiến tranh từ quốc hội Mỹ, từ Lầu Năm góc và những bài phát biểu thường xuyên trên truyền hình của Tổng thống Johnson. AP không can thiệp các dòng tin tạp nham. Nhưng có một khoảng cách lòng tin to lớn ngày càng hiện thực hóa mà chắc sẽ hủy hoại danh tiếng của một người nào đó.

Mùa xuân 1967 tôi theo chiến dịch "Junction City" đến vùng chiến khu C nơi có Sư đoàn Lính bộ 1 của Tướng Depuy và Sư đoàn Tia chớp Nhiệt đới 25 tập hợp cho nhiệm vụ quân sự lớn nhất của cuộc chiến, huy động tới 45.000 lính Mỹ ở vùng rừng rậm tìm kiếm sào huyệt chỉ huy Việt Cộng. Khi nhiệm vụ kết thúc, Thiếu tướng Jonathan Seaman nói với chúng tôi tại cuộc họp báo: "Chúng tôi không bắt được Mcnamara của họ nhưng ít nhất cũng ở bên ngoài Lầu Năm góc của họ". Phép loại suy của ông ta để lộ một vấn đề đang xuất hiện mà thậm chí một cuộc hành quân hùng mạnh quân đội Mỹ từ trước tới giờ cũng không thể đánh dấu những chiến thắng mang tính chất quyết định đối với phía cộng sản, và không một thao tác thống kê nào có thể tính toán hết thất bại đó.

Tướng Seaman là một sĩ quan đáng kính luôn động viên chúng tôi khi làm tin và tôi muốn tin ông ta tuyên bố cái chết của 143 lính Mỹ trong chiến dịch "Junction City" là đáng giá vì họ đã xuyên thủng nơi ẩn náu của cộng sản và giết 1.243 binh sĩ Việt Cộng. Westmoreland phát biểu trong cuộc phỏng vấn với AP rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "thảm sát họ tới khi Hà Nội tỉnh ngộ rằng họ làm đẫm máu đất nước của họ tới một thảm họa quốc gia cho nhiều thế hệ". Điều đó trở nên rõ ràng mặc dù trong chiến dịch rộng lớn này- và trong các chiến dịch khác đều tiến hành và đi theo điều đó - thậm chí nếu số thương vong của kẻ thù là chính xác thì sự hy sinh của người Mỹ rõ ràng đẩy mục tiêu chiến tranh lên phía trước.

Tất nhiên, John Paul Vann và những người quan sát khác cũng cho rằng Hoa Kỳ đang mạo hiểm chính mình nếu như mục tiêu chiến tranh còn tiếp tục. Cuộc tranh luận của Vann là có cơ sở: phía cộng sản đang lôi kéo lực lượng Mỹ vào chiến trường và sẵn sàng chấp nhận thương vong nặng nề, mục tiêu của họ là ván bài sinh tử với Mỹ để làm thất bại lòng tin về cuộc chiến tại chính quốc. Vann đưa ra một biểu đồ cho thấy những trung đoàn Bắc Việt và Việt Cộng đang chọn thời gian và địa điểm cho chiến trường. Khi tổn thất của họ cao, họ trở lại những căn cứ trong rừng gần biên giới Lào và Cămpuchia nơi họ gây dựng lại lực lượng và lại xuất hiện vài tháng sau đó.

Vann kết luận rằng khi một trung đoàn Bắc Việt vào trận chiến ở miền Nam, thì việc tăng quân cho trận chiến tiếp theo đã sẵn sàng rời Hà Nội hướng theo đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là những người lính tin rằng cách mạng sẽ thắng lợi và họ "sinh ra ở miền Bắc để chết ở miền Nam". Dòng người Nam tiến không ngừng và ngày càng đông đảo.

Những biểu đồ ớn lạnh không thể chối cãi. Mặc dù các chiến dịch dội bom dữ dội ở miền Bắc và sử dụng vũ khí bắn phá oanh tạc ở miền Nam ngày càng dày đặc, nhưng số lính Việt Nam bị giết vẫn ít hơn số các bé nam sinh ra. Theo Vann, cuộc chiến đang tiếp diễn là vô hạn nếu không được mở rộng tới mức độ có thể là không chấp nhận được với những người Mỹ hoặc cách tính toán về cơ bản phải sửa đổi.

Vann, người đã nghiên cứu trong vòng một năm để trình bày những quan điểm của mình cho Robert Mcnamara nghe và nói với tôi anh ta đã thành công vào tháng 7-1967 trong một chuyến đi tìm hiểu ít thực tế cuối cùng của Bộ trường quốc phòng tới Việt Nam. Vann tiết lộ rằng người bạn Dan Ellsberg của anh ta đã đi cùng chuyến bay với Bộ trường tới Sài Gòn và trình bày với ông ta về một chính sách sửa đổi. Chúng tôi ngạc nhiên khi biết rằng Mcnamara đang mất dần nhuệ khí cho cuộc chiến và ông ta từ chối thực hiện yêu cầu của Westmoreland muốn một đợt tăng quân khác với lực lượng 466.000 lính đã được tập hợp và ông ta muốn lực lượng Cộng hòa tham gia nhiều hơn vào các cuộc hành quân. Truyện "Từ Chiến Trường Khốc Liệt (Live from the battlefield) "

Nhưng những "con chó" của chiến tranh mà Mcnamara tháo xích đã lâu sẽ không dễ bị bịt mõm bởi suy nghĩ thứ hai của ông ta. Chúng cũng không được Nhà Trắng giữ lại kiểm soát khi bước vào một năm bầu cử.

Mùa thu năm 1967, tôi viết một bài về sự bế tắc của chiến trường. "30 tháng của cuộc chiến gian khổ và không mang lại kết quả”. Việt Nam buộc các chỉ huy quân sự Mỹ phải nhận ra thực tế quan trọng: nếu lực lượng quân lực Cộng hòa không có nhuệ khí, không trở thành nòng cốt thì lính Hoa Kỳ sẽ bị chốt chặt ít nhất một thập kỉ chỉ giữ được cái mũ của Việt Cộng trên khắp cả nước". Tôi nói rằng Westmoreland đã thử để chuyện đó tự diễn ra, "Để quân đội Cộng hòa tự nỗ lực khi kẻ thù bị lính thủy đánh bộ và bộ binh Hoa Kỳ đè bẹp" nhưng những chiến thuật này bị sức dai dẳng của cộng sản phá ngang. Hy vọng về một chiến thắng thần tốc đã "đào mồ cùng gần 13 nghìn lính Mỹ đã chết".

Sự tham gia của tôi chỉ là cơn gió nhẹ trong luồng gió nhận xét bao trùm toàn cầu về Việt Nam nhưng tôi muốn tin rằng nó hàm chứa một vài nét quan trọng. Nhiều nơi trên thế giới đang đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ ở Việt Nam cũng như rất nhiều người ở Hoa Kỳ không tin Việt Nam đáng là nơi để Mỹ phải đổ máu và tiền bạc. Tôi không phản đối cuộc chiến nhiều nhưng tôi cần sự chính xác. Tôi tin rằng sự thật được tìm ra ở chiến trường chứ không phải ở trong các phòng chỉ thị.

Tôi tiếp tục theo những lính Mỹ vào chiến trường cùng đám đông không kiên nhẫn, các phóng viên đều tranh luận về các câu chuyện. Tướng Depuy chỉ cho tôi một hiện tượng mà ông ta thấy rõ trên chiến trường rằng cuộc chiến có đặc điểm do những chu trình hành động của cộng sản lên tới đỉnh điểm rồi biến mất nhưng mỗi một cho trình mới thì đỉnh điểm cao hơn chu trình trước.

Ở Đắc Tô, vùng cao nguyên xa xôi vào một ngày mưa tháng 11, đỉnh điểm đã lên tới mức cao nhất và trở thành kinh nghiệm mất nhuệ khí nhất trong cuộc đời tôi trận chiến Đồi 875.

Bắc Việt chọn thời gian, địa điểm chiến trường và chiến lược của Westmoreland đưa ông ta vào cuộc chiến ở đó theo chu trình khi mùa mưa luôn sau mùa khô.

Vùng thung lũng Đắc Tô và địa hình quanh đó, xa vùng biển đông dân cư, đặc biệt dành cho những kẻ săn mồi lớn thích một vụ mùa săn các động vật hoang dã như báo, hổ, báo đen, voi và bò rừng. Các nhà côn trùng học tìm kiếm những loài bướm quý hiếm và say sưa với những chu trình côn trùng; các nhà nhân loại học viết những nghiên cứu thực nghiệm về các tộc người ban sơ sống ở đó như người Gia Lai, Mèo, Êđê, K’ho và người Vân Kiều. Sự hẻo lánh đã biến vùng này thành thành trì giá trị cho những hoạt động phản kháng chống lại thực dân Pháp. Cũng chính sự biệt lập này đảm bảo làm nơi sử dụng cho lực lượng miền Bắc tiến vào Nam.

Hai năm trước đây, cộng sản phá vỡ hai chốt duy nhất của chính phủ ở vùng thung lũng, thị trấn của Tou Morong và doanh trại Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ ở Đắc Sút và họ vẫn là mối đe dọa đối với một số nhân vật khác của chính phủ vẫn còn bám trụ.

Westmoreland tuyên bố trước công chúng về hiệu quả của chiến thuật tìm và diệt kẻ thù của ông ta. Miền Bắc Việt Nam đáp trả những lời huênh hoang của ông ta bằng cuộc chiến ở mạn và đỉnh đồi Đắc Tô. Dưới những nơi trú ngụ của khu rừng mái che ba chiều, ngoài tầm ngắm, Việt Cộng đào những boongke mở rộng và hệ thống hầm hào dẫn tới các hang có sẵn bằng gốc cây và những bức tường đan bằng tre. Mỗi hệ thống boongke lên đỉnh đồi đều được xây để chịu được những trận bom oanh tạc dữ dột nhất, một số được thiết kế giúp người cư trú chống thứ vũ khí kinh hoàng nhất sử dụng ở Việt Nam: Napan.

Chiến dịch tìm và diệt của Westmoreland dẫn ông ta vào những cái bẫy đã được gài sẵn. Con đường duy nhất dẫn tới chiến thắng ở Đắc Tô là con đường chính xác, đối mặt trực tiếp kẻ thù và tiêu diệt chúng, những người cộng sản đã chuẩn bị trận địa và sau đó họ cài bẫy, một trận mai phục nhỏ bắt đầu từ một rừng tre rậm nhất chống lại một trung đội lính nhảy dù Mỹ đầu tháng 11 thu hút sự chú ý của chỉ huy cấp cao. Lá bài đó được sử dụng vào ngày 6-11 khi họ giết và làm bị thương hầu hết một đại đội lính nhảy dù của Lữ đoàn Không vận 173. Westmoreland nắm lấy con mồi, lệnh cho Sư đoàn lính bộ 4 của quân đội Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xung đột dưới sự chỉ huy của Tướng William R.Peers, người đang chờ đợi đến mất kiên nhẫn những dấu hiệu của cộng sản và muốn chiến đấu.

Tôi bay tới Đắc Tô vào giữa tháng 11, cùng đội phóng viên AP đã tập trung ở đó. Lúc này bốn trung đoàn bộ binh Bắc Việt xuất hiện ở các ngọn đồi xung quanh với khoảng 12 nghìn quân, lớn nhất từ trước tới giờ tập trung để chống lại người Mỹ và tôi kinh hoàng chứng kiến khi đường chân trời quanh tôi vang dội tiếng súng pháo binh trong khói và các cuộc phản công không quân chống lại họ. Các đồng nghiệp nói với tôi về những trận chiến trên đồi khốc liệt đang nuốt chửng các đại đội bộ binh. Nhưng tin tức về cuộc chiến rất khó tiếp cận vì cộng sản có thể chuyển những người bị thương về tuyến sau, thậm chí dành toàn bộ trận chiến đó là cái bẫy để lôi các đơn vị Mỹ ra khỏi các vùng dân cư để tiêu diệt.

Vào ngày 18-11, chúng tôi biết ba đại đội lính nhảy dù từ Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn Không vận 173 bị đánh vào sườn phía tây và phía đông gần đỉnh đồi 875 và họ chịu tổn thất nặng nề. Buổi sáng hôm sau, phóng viên AP, Lew Simons, Al Chang và tôi đi nhờ trên một chiếc xe jeep tới sở chỉ huy chiến trường của lữ đoàn, một cụm lán cách đường băng khoảng 2 dặm. Những giọt sương đọng lại và bụi bay lên khi chúng tôi đi nhanh dọc con đường bẩn thỉu, làm những thanh niên người dân tộc đang đi trên đường chạy toán loạn. Chúng tôi dừng lại bên ngoài một lán có bản "PIO" sơn trên một chiếc hộp đựng khẩu phần ăn, văn phòng thông tin công cộng. Bên trong là một đội của CBS đang cố gắng truyền thông tin về bằng điện thoại của chiến trường, một phóng viên không kiên nhẫn tức giận nói oang oang những thông tin mới nhất về cuộc chiến.

35 phóng viên và nhiếp ảnh tập trung lại khi một sĩ quan thông báo với chúng tôi rằng tình hình xấu hơn ở đồi 875. Cộng sản ở các boongke liên tục bị ném bom, một đơn vị Mỹ đang chiến đấu giành sự sống và trận dội bom nhầm của một máy bay không quân đã giết chết 20 lính bị thương trước đó. Tám chiếc trực thăng bị bắn hạ khi cố gắng di chuyển những người bị thương khác vào sáng hôm đó. Không có cách nào để đưa những lính bị thương hoặc bất kì ai ra khỏi chiến trường.

Lữ đoàn đang tìm cách giải cứu và gửi vào thêm ba đại đội bộ binh ở Tiểu đoàn 4 đi bộ qua rừng với nhiệm vụ tìm đường tới phía sườn đồi. Ba người trong chúng tôi có thể đi cùng nếu muốn đi. Khi sĩ quan đưa ra thông báo đó, tôi biết rằng tôi phải tham gia cùng với họ. Tôi đứng xếp hàng đòi quyền lợi của mình như một đại diện của AP khi một sĩ quan cao cấp hỏi. Tom Cheatham của UPL yêu cầu được đi, và sau khi một số người càu nhàu, nhóm cũng đồng ý cho một phóng viên truyền hình tự do người Việt là người thứ ba tham gia. Tôi nhìn thấy biểu hiện ghen tị trên vài khuôn mặt đồng nghiệp của mình nhưng nói chung hầu hết đều đồng ý.

Ba chúng tôi lên một trực thăng đợt sẵn và bay về Căn cứ Pháo 16, một vị trí pháo binh ở thung lũng, một mặt là rừng xa Đắc Tô cách biên giới Cămpuchia hai dặm nơi không khí bốc mùi thuốc nổ không khói tỏa ra từ sườn một đồi phía nam. “đồi 875 đang cháy", một trung sĩ đi cùng chúng tôi nói.

Chúng tôi đi bộ về nhóm chỉ huy lữ đoàn đang rà soát trên bản đồ trải trong boongke bằng bao đựng cát và thay vì một lời chào chúng tôi nghe thấy câu “Các cậu đến quá muộn", từ vị chỉ huy lữ đoàn, người đang vẫy tay về phía đồi. "Họ đã rời đi cách đây một giờ".

Tôi biết rằng Lữ đoàn trưởng, Tướng L.H.Schweiter, người đã chỉ huy đơn vị suốt ba tháng tỏ ra thân thiện với phóng viên và tôi mong sự giúp đỡ của ông ta. Ông ta đồng ý cử một lính nhảy dù hộ tống chúng tôi trên con đường rừng tương tự mà những người lính bạc mệnh đã đi những ngày trước đó và sau đó là một đội giải cứu đã đi theo họ. Chúng tôi đi như chạy: giờ đã là trưa và còn phải đi vài dặm nữa.

Vượt xa căn cứ pháo, con đường biến mất sau khe núi. Chúng tôi đến đỉnh núi có những hàng tre mọc dày đặc và những bụi cây thấp làm cho việc đi lại khó khăn. Chúng tôi tiếp tục đi và đến chiều. Chúng tôi vấp ngã và phải bò theo đường đuổi theo những thành viên còn lại của đội giải cứu. Người tôi ướt đẫm mồ hôi, cổ họng khát khô nhưng lưỡng lự uống bình nước của mình vì nơi chúng tôi đang đi không có chỗ lấy nước.

Chúng tôi tìm được nhóm chỉ huy đại đội, nơi sĩ quan bàn bạc ý kiến trên bộ đàm với các đơn vị phía trước và bắt đầu trèo lên một cách cẩn thận lo sợ bị mai phục.

Vào cuối chiều, khung cảnh thay đổi trong rừng sâu với những cây gỗ tếch, cây dái ngựa, và chúng tôi bước qua những cành cây bị đốn ngã do đạn H & I bắn và nhằm ngăn cản sự di chuyển của các đơn vị pháo binh Mỹ. Khi trời tối chúng tôi vẫn còn hai dặm nữa thì tới đồi 875. Đại đội dẫn đường tìm thấy một đường mòn nhỏ và tất cả năm trăm người chúng tôi di chuyển theo hàng đơn, sợ bị mai phục và nắm lấy thắt lưng nhau để khỏi bị lạc trong đêm tối. Những tay súng mai phục nổ hàng loạt đạn rú lên quanh chúng tôi. Chúng tôi ẩn mình vào các bụi cây, ôm lấy mặt đất và chỉ tiếp tục đi khi mọi thứ lắng xuống.

Bóng tối dày đặc tới mức tiểu đoàn trường gọi pháo sáng từ Căn cứ Pháo binh 16 và chúng tôi tiếp tục hành trình còn lại trong sợ sệt nhờ những vệt sáng chiếu qua vòm cây phía trên. Vào lúc 9 giờ, chúng tôi đã tới sườn đồi 875, sử dụng những dây leo trên cây phía trên dẫn đường. Phía trước khu rừng vang dội bom đạn, những thân cây bị xé toạc vẫn đứng trơ trụi trong ánh trăng.

Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy các xác chết xung quanh mình và một người lính đứng gần tôi khóc thét lên, "ôi hãy nhìn những người kia, tất cả đều đã chết". Khi định hình rõ ràng tôi nhận ra đó không phải là những xác chết người Việt mà là người Mỹ, nạn nhân của trận chiến hôm trước vẫn nằm lại đó, những bộ quân phục, giày và vũ khí đã bị Việt Cộng lấy đi. Vào lúc mười giờ, đại đội tăng cường của chúng tôi đã tới nơi những người còn lại của Tiểu đoàn 2, chúng tôi bước đi vài trăm thước cuối cùng thận trọng hơn và trong im lặng, tất cả đều nhận thức đang ở trong khu vực giết chóc trên quả đồi bị bỏ rơi.

Chúng tôi tiến lên phía trước và hiểu ra những gì nhìn thấy: những xác lính nhảy dù nằm sõng soài nơi họ đã ngã xuống và phía sau những cành cây đáng thương là những người bị thương. Có một vài nhóm, một số bị thương ở đầu, ở ngực, băng bó rất nặng còn số khác bị thương ở chân, ở tay không được chăm nom, máu thấm qua tay áo và quần họ.

Một người thì thào hỏi nước và tôi đưa cho anh ta chai nước. Anh ta nói với tôi rằng đã nằm ở đó được 36 giờ và chờ được chuyển đi. Anh ta đã chứng kiến trận đánh bom nhầm giết chết 30 người bạn của anh ta và 11 trong số 12 bác sĩ quân y đã bị giết chết khi đang giúp những người bị thương. Anh ta chắc rằng mình sẽ chết.

Những người lính vẫn có thể sống sót nếu họ biết cách tập hợp nhau tránh xa boongke của người Bắc Việt trong bán kính 46m. Lính làm nhiệm vụ giải cứu mà tôi đi cùng hứa đưa một trực thăng vào và hạ cánh bên ngoài khu rừng trong buổi sáng để đưa những người bị thương ra nếu lính Bắc Việt ở vị trí bắn phá cách đỉnh đồi không quá 90m.

Tôi tìm thấy một khoảng đất trống và mượn dụng cụ đào hầm của một người lính bắt đầu đào một hố nông để qua đêm nhưng một xác người đã được chôn ở đó bởi vụ nổ ban sáng lộ ra với những mảnh sắt bám vào da thịt. Tôi sợ hãi, bước lùi lại vấp phải cái gì đó mềm và phát hiện ra đó là một cánh tay thò ra từ một cái xác khác. Tôi nhìn mình và cảm thấy choáng váng. Tôi là kẻ xâm hại và tọc mạch trên mảnh đất kinh hoàng đó. Tôi tự hào về sự suy xét độc lập trong nghề nghiệp của mình nhưng giờ cảm thấy xấu hổ với thái độ trung lập của mình, vô dụng với những cuốn ghi chú, máy ảnh và chai nước. Tôi thậm chí không mang theo một khẩu súng do vậy chỉ là cái nợ đối với những người đang chiến đấu một mất một còn.

Tôi cố gắng ngủ trong một cái hố nông bới bằng tay. Khi tỉnh dậy, mùi xác chết tỏa ra nồng nặc không khí. Tôi vừa dụi mắt thì nghe thấy tiếng súng cối gần đó, và những âm thanh vang trời của vụ nổ kinh hoàng xung quanh chúng tôi. Lính chạy vào boongke trú ẩn. Tôi nhìn thấy một người bị thương đang bò về phía cây và đống bẩn thỉu. Những mảnh đạn bay trên đầu khi tôi nằm xuống mặt đất. Một nhóm lính mà tôi vừa chào buổi sáng cách đây vài phút đã không gặp may. Họ đang bị thương quằn quại trong đống rác.

Bắn phá vẫn tiếp tục buộc tôi bò vào một boongke, nơi ba lính nhảy dù đang gập cong người. Một trong số họ là binh nhất Angel Flores đến từ thành phố New York. "Nếu chúng tôi chết như những người ngoài kia, chúng tôi không phải lo lắng về những điều vớ vẩn này", anh ta lẩm bẩm như nói với chính mình, ngón tay đẩy chuỗi hạt bằng nhựa xung quanh cổ và hôn nó một cách tôn kính. Một trong những người bạn của anh ta hỏi: “cậu làm vậy để lấy may à?" và người binh nhất trả lời, "ừ, tớ vẫn còn sống". Người bạn anh ta đáp: "Khỉ thật, tay sĩ quan tuyên úy cho cậu tràng hạt đó chết hôm Chủ nhật rồi" và Flores gật đầu nhưng vẫn tiếp tục hôn tràng hạt.

Tiếng pháo cối dừng, rocket rít qua rừng cây và tôi đẩy mình ra khỏi boongke để nhìn xung quanh. Tôi đi cùng chỉ huy trung đội, trung úy Bryan Macdonough ở tại boongke của anh ta nhìn về phía đồi. Anh ta nói rằng 8 sĩ quan cấp dưới đã chết, 8 người khác bị thương và giờ chỉ còn lại 9 người. Họ đang ở trong những vị trí bắn phá xung quanh, chờ đợi lực lượng tăng cường mang súng phun lửa vào và từ chối làm trách nhiệm cuối cùng lên ngọn đồi. Trong khi ngồi cùng họ thì một trực thăng cố gắng hạ cánh trong khu vực lân cận chúng tôi và một súng máy tạt vào nó cách đó 46m từ trên đồi và một lính thét lên kích động "Chúng ở đó, chúng tiến gần hơn" và đáp trả bắn phá bằng khẩu M-16.

Trung úy gọi về chỉ huy ở Căn cứ Pháo binh bằng bộ đàm, gọi thêm không quân tấn công - điểm chết đầu tiên ngày hôm đó - hạ cánh sát trên đầu chúng tôi, dội napan và bom vào người Bắc Việt mà không nhận thấy rõ hậu quả. Khi máy bay cất cánh, đạn lại tiếp tục bắn phá và số người chết lại tăng lên.

Tôi trở lại boongke của binh nhì Flores và nhận thấy mái boongke rất mỏng. Trong lúc đợt tấn công không quân phân tán kẻ thù, tôi trèo ra ngoài cùng chiếc xẻng đào một hố nằm khác. Tôi chứng kiến chiếc máy bay A-3 lao xuống thấp và nhìn thấy hai luồng đen lao ra từ trái bom nổ giống như những gã nặng 113kg. Tôi chờ chúng bay qua đầu nhưng chúng vẫn tiếp tục lao về phía tôi. Chính lúc này tôi biết mình đang nhìn thấy thần chết trên khuôn mặt và tôi không có thời gian để hoảng sợ mà chỉ phân vân thi thể của mình sẽ trông như thế nào, vỡ tan thành hàng nghìn mảnh khi nổ?

Hai quả bom rơi cùng một lúc, một rơi cách xa phía bên tay phải tôi trong một boongke trống và nổ vô hại. Trái còn lại đáp ngay trước mặt tôi cách khoảng 14m vào rễ một cây già. Thật kì diệu là nó không nổ.

Cheatham, tôi và tay đồng nghiệp người Việt quyết định di chuyển xuống đồi tới vùng hạ cánh ra khỏi khu rừng khi đã "lĩnh đủ”. Những người bị thương tập trung thành những hàng dài, hầu hết bị thương nặng được các bác sĩ quân y băng bó cẩn thận bằng áo ponsô (loại áo choàng bằng một tấm vải to có khe hở ở giữa để chui đầu qua). "Chết tiệt, thật xấu hổ họ vẫn chưa mang chúng ta ra khỏi nơi này", một trung sĩ gào khóc, anh ta đã nằm trên đồi 50 tiếng với vết thương nghiêm trọng ở háng. Những người khác không ngừng kêu rên, máu thấm qua băng và đôi mắt họ trở nên vô hồn. Những trực thăng cứu viện đang đến và đạn vẫn tiếp tục bắn.

Trong lúc chờ đợi để được ra ngoài, chúng tôi phải nhồi nhét nhau trong một hố nhỏ. Tôi đang cầu nguyện để được sống và ra khỏi đồi an toàn sau những gì được chứng kiến. Cuối cùng chúng tôi cũng được gọi, lao tới nơi có một trực thăng lên thẳng đang bay trên đầu chúng tôi. Người phi công thét gọi: "Đây là chuyến cuối cùng trong ngày. Chúng tôi đã vận chuyển 140 người bị thương, 90 người chết và 3 phóng viên ra khỏi nơi này". Tôi vẫy anh ta cảm ơn và leo lên trực thăng, nằm vật trên sàn khi trực thăng lên thẳng và ở nguyên vị trí đó một lúc bởi tôi đang khóc.

Chiếc trực thăng thả chúng tôi xuống phía cuối đường băng Đắc Tô. Tôi nhìn những căn lều và những bức tường bọc cát hàng rào sở chỉ huy quen thuộc thầm biết ơn. Trong đó sẽ có võng ngủ, nước uống và đồ ăn cho tôi.

Khi chúng tôi tới hàng rào thì nghe thấy ai đó thét lên: "Xung phong!" và tiếng nổ vang trời. Chúng tôi đang trong trận pháo cối tấn công từ các đồi. Có tiếng nổ, va đập. Lại một lần nữa tôi tìm nơi trú ẩn, trong đêm đặc biệt này tôi sống sót để chứng kiến tất cả, tôi bước tới boong ke gần nhất tham gia cùng những người lính đang túm tụm bên trong.

Đêm đó, tôi gặp phóng viên AP John Lengel tại lán báo chí Sư đoàn 4 và anh ta nói với tôi việc liên lạc với Sài Gòn là không thể vì tắc nghẽn điện thoại. Tôi thậm chí chẳng cố gắng để liên lạc.

Tôi thức dậy lúc bình minh, đi bộ tới hàng máy bay nằm dưới lớp sương mù phủ trùm như tấm rèm che các đồi lân cận. Tôi nhìn thấy phần còn lại của hai máy bay chuyên chở phía cuối đường băng, những nạn nhân của vụ bắn phá chiều hôm trước.

Trong vòng một giờ một trực thăng tiếp tế C-130 của lực lượng không quân Hoa Kỳ lượn qua những dám mây và vươn lên với tiếng rú thả kiện hàng - những thùng đạn dược. Cánh quạt tiếp tục quay và không đủ kiên nhẫn, rời khu vực trong vội vàng. Tôi giơ thẻ báo chí cho cơ trưởng khi leo thang lên máy bay. Anh ta tháo tai nghe, thét lên "Cậu không muốn biết chúng tôi sẽ đi câu à”, và tôi trả lời “tôi không quan tâm, chỉ cần đưa tôi tới nơi nào có điện thoại".

Chúng tôi hạ cánh tại Quy Nhơn, trung tâm tiếp tế bờ biển cho Tây Nguyên, nơi tôi biết có một văn phòng thông tin quân sự. Tay trung sĩ phụ trách cho tôi mượn máy đánh chữ và tôi ngồi đó khá lâu, suy nghĩ không biết sẽ miêu tả thảm kịch đã chứng kiến ở đồi 875 như thế nào, và nên đánh giá ra sao về sự thật của cuộc chiến. Tôi bắt đầu đánh máy và gọi trung sĩ vào giúp gọi điện cho văn phòng AP ở Sài Gòn và đọc chính tả câu chuyện của tôi từng trang một để kịp hạn nộp bài vào buổi trưa. Anh ta buộc phải đọc trang đầu tiên trên điện thoại trong khi tôi bắt đầu viết trang thứ hai.

"Chiến tranh quét lên một sắc màu ảm đạm và nhợt nhạt đối với cả người sống lẫn người chết trên đồi 875", tay trung sĩ bắt đầu đọc "Cách duy nhất để phân biệt người sống và người chết giữa những người đàn ông kiệt sức là khi chứng kiến pháo cối của kẻ thù dội vào. Người còn sống đổ xô không một chút xấu hổ vào những boongke bé nhỏ được đào trên đỉnh đồi, người bị thương thì quằn quại bò tới ẩn nấp sau những bụi cây đổ xuống đất. Chỉ có người chết là không cử động, đứng sững trong các boongke hoặc nằm sõng soài trên đất nơi họ bị đạn hạ gục".

Tôi nghe thấy trung sĩ há hốc miệng khi đọc bài của tôi nhưng anh ta cũng kiên nhẫn đọc hết mười một trang đánh máy. Ngay sau đó tôi trở lại sân bay, tìm cách quay về Sài Gòn cùng đống phim ảnh của mình. Chuyến bay đầu tiên chở 100 xác lính ở Đắc Tô đựng trong những chiếc túi bằng cao su màu đen. Tôi là hành khách duy nhất còn sống, ngồi phía trước gần ca bin chở hàng. Những chiếc túi xê dịch trên sàn. Khi máy bay bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chất nhờn từ những túi xác tràn lên mắt cá chân tôi.

Tôi vẫy một chiếc taxi bên ngoài sân ga. Người lái xe nghĩ rằng tôi là lính đang tìm vui thú ở Sài Gòn liền mời mua một túi cần sa với giá 5 đô la. Khi tôi từ chối, anh ta gợi ý gặp em gái anh ta. Anh ta bắt đầu đùa cợt vẻ ngoài nhếch nhác của tôi nên tôi trả đũa bằng cách chửi thề vài từ tiếng Việt mà tôi biết vào tai anh ta. Tôi nhận ra mình bị căng thẳng bởi những gì xảy ra ngoài mong đợi.

Ed White và John Lengel ở lại cùng câu chuyện đồi 875 và viết "ngọn đồi cuối cùng cũng thuộc về lính Mỹ vào buổi trưa ngày lễ Tạ ơn nhưng phải trả giá bằng 120 mạng người tìm thấy và chỉ có một xác lính bắc Việt còn lại trên đỉnh đồi".

Chiến dịch Đắc Tô tiêu hao sinh lực lính Mỹ nhiều hơn bất kì sự can thiệp nào vào cuộc chiến trước đó nhưng chính quyền vẫn đánh dấu đó như một chiến thắng khác, tăng giá trị cho thông điệp mà Tướng Westmoreland gửi tới Câu lạc bộ Báo chí quốc gia ở Washington vào cuối tháng 11 khi tuyên bố năm 1968 "sẽ là năm kết thúc chiến tranh".

Merton Perry của tờ Newsweek ghé thăm văn phòng chúng tôi vào dịp Giáng Sinh và đã bị sốc. Anh ta nói rằng nhận được hầu hết chỉ thị tích cực nhất trong 5 năm ở Việt Nam từ sở chỉ huy Lực lượng Tác chiến 2 quân đội Mỹ tại Long Bình. Một vị tướng lâu năm quả quyết tất cả các đơn vị lớn của kẻ thù ở vùng rộng lớn xung quanh Sài Gòn đã bị phân tán và chạy sang Cămpuchia, tình hình an ninh được cải thiện rất nhiều. .

AP yêu cầu tôi cung cấp bản đánh giá cuối năm, tôi miêu tả như cuộc chiến tranh trên hành tinh khác. Khi nhìn lại năm đó và những trận mà tôi đã viết, những cuộc đàm thoại với John Paul Vann và một số sĩ quan quân đội thẳng thắn, tôi kết luận rằng năm 1967 là màn dựng lên cho ván bài quân đội kết thúc ở Việt Nam vào năm 1968.

Tôi trích dẫn lời những người Mỹ nắm bắt tình hình dự đoán năm tiếp theo "Những trận đánh lớn nhất và đẫm máu nhất vẫn còn diễn ra mặc dù một năm dài đầy chiến dịch từ đầu đến cuối đất nước". Tôi viết rằng cả hai bên đều lạc quan, "Từ cách nhìn của họ cho thấy chỉ huy Mỹ vẫn còn phân tích Việt Nam dựa vào Chiến tranh thế giới thứ hai, còn những người cộng sản phân tích tình hình dựa vào cuộc chiến hất cẳng Pháp những năm 1950".

Han sonBaldwin, phóng viên chiến trường xuất chúng của tờ Thời háo New York cũng viết một bài đánh giá về cuộc chiến. Anh ta thân cận, gần gũi với Westmoreland và bài viết đương nhiên phản ánh sự tự tin ngày càng tô hồng của vị chỉ huy tối cao.

Đêm giao thừa là đêm ngừng bắn cơ bản với chiến trường và bình yên với các đơn vị hành chính ở thành phố. Những người Mỹ trẻ ở đại sứ quán và các cơ quan Hoa Kỳ khác tổ chức bữa tiệt "ánh sáng ở cuối đường hầm" tiêu khiển bằng nhiều trò vui ma mãnh thể hiện công khai sự lạc quan, tự gọi họ là “những bông hoa của Sài Gòn" trên những giấy mời in cẩn thận.

Nina, tôi và các chị gái cô ấy đến một biệt thự đại sứ quán rộng rãi số 47 đường Phan Thanh Giản ở phía cầu Biên Hòa. Bữa tiệc diễn ra tốt đẹp. Một ban nhạc Việt Nam ở một quán bar vùng ven trung tâm chơi điệu nhảy fox-trots, các sĩ quan với khuôn mặt sáng ngời đang nghỉ phép từ những chốt ở vùng ngoại ô đang má áp má với các thư ký của đại sứ quán trong thành phố. Vài đại diện của chính quyền mới của Nguyễn Văn Thiệu đang lả lướt theo điệu nhạc trong đám đông.

Các nhà báo tụ tập tại bar quanh Barry Zorthian, người vận chiếc áo Hawaii màu sáng và trong lối đi quanh John Paul Vann, người đi cùng một nhân viên lâu năm ở đại sứ quán. Tôi tự hỏi, dù sao buổi tiệc cũng đã được tổ chức nhưng làm sao có nhiều nhân vật then chốt lại tụ tập một cách thoải mái trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Sài Gòn? Nhưng chính tôi cũng phủ nhận, tôi uống, khiêu vũ qua đêm cùng với những người khác và vào buổi sáng chính tôi cũng muốn tin ánh sáng ở cuối đường hầm
Bình Luận (0)
Comment