Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 23

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 23: Sách lược làm ăn

Có bộ dụng cụ mới mà thứ chế tạo vốn không quá khó- Kiệt phân nhỏ ra nhiều phần, mỗi phần đều thực dễ chế tạo, chẳng mấy mà Hoàng Văn Đinh đã làm ra đủ 15 cái máy tuốt lúa. Tất nhiên, không phải đùng một cái là có đủ 15 cái máy tuốt lúa ngay, mà làm từ từ. Đồng thời Kiệt cũng không đợi tới khi làm xong mới đem ra, mà làm được cái nào thì đem ra cái ấy. Những cái máy tuốt lúa chạy cực tốt, kể cả những chiếc làm mẫu nhưng không được chọn cũng được đưa ra cho mọi người dùng.

Do chưa làm xong hết để đưa ra mua bán, những cái máy này để cho thuê, tính theo giờ. Tiền thuê không đắt lắm, giá chỉ bằng một nửa giá thuê người làm công, mà có năng suất gấp gần 7 lần, làm cho cả những gia đình tầm trung cũng cắn răng bỏ ra tiền ra để dùng. Không chỉ tăng năng suất mà còn đỡ mệt hơn trước rất nhiều, hơn nữa chỉ cần hai người là đủ, khiến cho các hộ gia đình có thể tiết kiệm thời gian hơn nữa bằng cách làm cuốn chiếu: bố mẹ gặt lúa xong, con cái lập tức tuốt lúa tại ruộng. Vì máy tuốt có sẵn ống dẫn tới thẳng thúng đựng, nên không sợ vãi ra ruộng. Con cái làm mệt thì cũng có khi là bố mẹ gặt vừa xong, có thể nghỉ một chút rồi bố mẹ tuốt lúa, con chở lúa về nhà. Công việc làm cứ thoăn thoắt, thời gian làm giảm hơn 10 lần.

Tuy nhiên, sự tiện lợi của máy tuốt lúa cũng làm phát sinh vấn đề: sự lũng đoạn. Cố nhiên, mọi người đều có thể thuê cái máy, tiền cho thuê cũng không quá mắc, nhưng những ai có đủ tiền để thuê máy mà không phải mảy may suy nghĩ, thì sẽ làm trước, và thuê trong thời gian dài, vì vậy mà nhiều nhà không có máy để dùng. Để có thể giúp một số gia đình như vậy, Kiệt đồng ý cho họ thuê máy về dùng ban đêm. Thời kỳ này người dân vốn quen dùng ánh trăng để làm việc, mà mùa gặt vào lúc ngày nắng, đêm trăng vằng vặng không mây nên trừ ngày mồng một không trăng ra thì ổn cả. Nhưng con người thì không phải sinh vật hoạt động về đêm- hoặc ít nhất là lúc này- ngày họ đã làm việc nhiều nên mệt mỏi là dễ hiểu, đã vậy thức ăn còn ít chất, không đủ thịt cá, và quan trọng hơn cả là ánh trăng dù tốt, cũng không bằng tia nắng ban ngày, nên sự thật là với người không đủ tiền, máy tuốt lúa chưa tới tay họ, công việc họ phải làm vẫn chủ yếu là dùng sức người mà thôi.

Tất cả thành viên trong gia đình họ Hoàng hôm nay tụ họp là để làm lễ ăn mừng thu hoạch sau vụ mùa. Do có Hoàng Anh Kiệt, những cái máy được ưu tiên cho nhà họ Hoàng và những người quen nhất, nên công việc xong cũng sớm nhất làng. Sẵn tiện việc cho thuê máy cũng đã giúp kiếm thêm một khoản thu nhập kha khá. Dù rằng vẫn còn nhiều gia đình đang tiếp tục thuê máy, nhưng khoản thu nhập cũng đủ mở tiệc rồi.

- Nhóc Kiệt giỏi thật, chế được cái máy vừa tuốt được lúa vừa hái được tiền.- Hoàng Thị Đào- cô ruột của Kiệt khen nức nở.

Nói qua một chút về gia đình của Kiệt, bố cậu Hoàng Văn Định là con trai trưởng, sau có 3 chú lần lượt là Hoàng Văn Đinh- làm nghề mộc, là người đã cùng cậu làm việc bấy lâu, là bố của Hoàng Văn Tâm, Hoàng Văn Đình và Hoàng Văn Định là chú út, cả hai đi lên thanh thị buôn bán. Chú ba là thợ thủ công, chuyên làm gốm, còn chú tư thì làm tiểu thương buôn thịt. Ngoài các chú ra, Kiệt còn 3 người cô, Hoàng Thị Mai, Hoàng Thị Cúc, Hoàng Thị Đào. Hai cô lớn đã lấy chồng ở làng khác, chỉ có cô út lấy chồng ở gần làng, cho nên lần này cô ấy có thể đến mượn máy tuốt lúa, và cùng chồng đến ăn bữa liên hoan mừng thu hoạch.

Trong khi nhiều người hơi ái ngại vì việc cô út về nhà mẹ ăn ké tiệc, Kiệt cũng không lấy làm phiền, vì ở thời của cậu, điều này hoàn toàn bình thường. Phương tiện giao thông quá thuận lợi, việc con gái quay lại nhà bố mẹ khi có việc là đơn giản vô cùng. Thậm chí Kiệt cũng hiểu lý do cô út quay về, chồng của cô út vốn là con trưởng một gia đình, giống bố Kiệt vậy, và phải lo cho em út. Nhà đó vốn dĩ có ông bà ốm, nên cô chú ấy nhiều việc phải lo, và tiền hao hụt đi nhiều. Vốn dĩ nhà cậu dù có mẹ cậu chèo chống, nhưng dù bà có giỏi cũng không thể biến cát thành vàng, trợ giúp cũng hữu hạn thôi nên cô ấy trước đây không dám về nhờ, mẹ cậu có tới cho thì cô ấy nhận thôi. Nhưng bây giờ có Kiệt tài giỏi, kiếm được nhiều tiền, tiền đồ khó bàn cãi, nên cô ấy quyết định đánh liều xem sao.

- Cháu cũng biết là nhà cô chú tiền bạc đang không dư dả gì, nên dù làm ruộng quanh năm cũng chưa chắc đã khá hơn, chứ chưa nói tới sau vụ mùa này thì tương đối nhàn, tiền kiếm được sẽ ít ỏi, vậy cháu xem nói với chú Đinh cho chồng cô một suất làm xưởng mộc.

- Chú Ruyên đâu có biết làm mộc đâu cô!- Hoàng Anh Minh chợt nói xen vào

- Làm mộc thì có gì mà khó chứ, cứ làm rồi sẽ được thôi, cô thấy mấy cái máy tuốt làm cũng đơn giản mà, đâu có hoa văn cầu kỳ.. Hơn nữa chẳng phải cũng cần người phụ việc bán hàng hay sao. Làng mình nhiều người thế cơ mà.- Cô Đào nhìn Minh với vẻ khó chịu mà nói. Cô không coi Minh là con cháu trong nhà, mà quả thực Minh cũng là con ghẻ, con riêng của mẹ. Hơn nữa, điều Minh vừa nói còn gây khó khăn cho gia đình chồng nhà cô và cả chính cô nữa.

- Những cái máy tuốt cũng không cần làm thêm nữa, vì quả thực nhu cầu ở trong làng cũng chỉ có thế này thôi. Mấy hôm nữa hết vụ, ai còn cần nữa. Cùng lắm là mình đem bán theo kiểu trả chung nhiều nhà, may ra thì cần thêm chừng dăm cái nữa. Nếu như không có thị trường rộng hơn thì là ra chỉ phí tiền vật liệu và công sức.

- Vậy thì đem bán sang làng khác cũng được mà, mấy chú em chồng cô ở làng khác nói là nếu có thể đem sang thì họ bán dùm cho.

- Không kinh tế chút nào, vì giờ thì ở nơi khác họ cũng đã là cuối vụ, việc đập lúa thậm chí đã xong 7- 8 phần, giờ đem cái máy tới cũng chưa chắc đã ai chịu mua đâu.

- Vậy thì…

- Dù vậy, cháu đang nghĩ rằng cô nên kiếm thêm một vài người nữa đi ạ, vì công việc sắp tới sẽ còn nhiều lắm ạ. Bọn cháu đang muốn thử nghiệm làm thêm nhiều máy móc khác.

- Thử nghiệm ư, vậy thì chẳng phải bọn cháu cũng có thể tự thử nghiệm rồi à, cần thêm người làm gì nữa? Mà nếu cần thì công xá thế nào?

- Bọn cháu làm máy tuốt lúa thì nhẹ nhàng rồi, nhưng mấy cái máy này hết sức nặng nhọc, nên cần người lớn tới làm.

- Nhiều việc ư?

- Đúng ạ, còn về tiền bạc…

- Nói nhiều thế làm gì chứ Kiệt, ai chẳng biết việc cháu đang làm có thể cho tiền bạc chảy ra như nước suối, ai không vào thì người ấy thiệt.- Chú Đinh đột ngột xen vào câu chuyện.

- Chú nói vậy là không đúng đâu chú hai, mọi việc đều cần phải rõ ràng, càng rõ ràng rành mạch thì càng ít vấn đề.- Kiệt tỏ ra không đồng ý.- Giống như hiện tại vậy, nhà ta còn nhiều việc không quá rõ ràng, nên giờ con muốn nhân ngày hôm nay, tụ họp được nhiều người trong nhà ta để nói chuyện.

Nghe lời nói đầy nghiêm túc của Kiệt, mọi người cũng dừng đũa lại, chú ý lắng nghe. Lúc này, không ai coi rằng Kiệt là một đứa trẻ con nữa, họ coi nó như một người có tiếng nói trong nhà.

- Ông bà, bố mẹ, các cô các chú các thím, con thấy nhà mình như thế này là vẫn còn nhiều vấn đề. Trước hết, nhà ta còn nghèo. Kể cả khi mẹ cháu cố cố gắng, thì so với trong làng ta, nhà ta cũng chỉ ở tầm trung, và các cô các chú cũng không ai là bằng nhà cháu cả. Đây là điều không tốt, không sợ thiếu, chỉ sợ chia không đều. Một người giàu có mà không giúp cả họ giàu lên thì là không đúng. Vì thế, con muốn cả nhà ta, ông bà, bố mẹ, các cô các chú cùng chung tay với con từ hôm nay. Sắp tới, con sẽ còn chế tạo thêm nhiều máy móc nữa, công việc sẽ nặng nề và cần nhiều thời gian, công sức cho nên mong mọi người cùng tới làm, mà thu nhập thi như mọi người biết rồi đấy, ngoài việc cho dân làng thuê máy, hai họ Đào và Đỗ cũng đang mạnh tay vung tiền cho con dùng.

- Vậy là nhà ta sẽ làm thuê cho hai họ Đào và Đỗ ư?- Mẹ của Kiệt nhăn mặt một chút

- Thôi mà, cũng là một ý tưởng không tồi. Hai họ đó giàu có, một người nhiều ruộng, một người có đường dây buôn bán lớn, như thế hàng hóa nhà ta mới tiêu thụ được mạnh mẽ. Ta sản xuất máy, họ tiêu thụ và bán dùm ta.

- Nhưng như thế thì tiền lời ít.

- Nhà ta làm gì có con đường nào nữa đâu. Chị có thể đem mấy cái máy đó đi bán không?

- Không, không phải làm thuê, mà là hợp tác.- Thấy cả nhà tranh luận lên, Kiệt ngăn cản lại, để tránh câu chuyện sa đà lan man.

- Hợp tác!

- Nhà ta tại sao phải ở chiếu dưới chứ, con nhớ rằng làng này là 3 nhà Hoàng, Đào và Đỗ cùng nhau lập nên cơ mà. Ngày đó binh đao chấm dứt, việc võ bị lơi lỏng, nhà ta mới dần mất vị thế, nay ta có được cơ hội trời ban, Kiệt đã thông minh, nhà ta nếu đồng lòng thì nên lấy lại vị thế đã mất đó.- Mẹ của Kiệt, Hoàng Nguyệt Nga nhanh chóng đề nghị

- Đúng, nhà ta có Kiệt, nó tuy nhỏ mà vô cùng tài giỏi, sao lại phải lụy trước hai họ kia. Chú nhất định ủng hộ cháu.- Chú Đinh gật gù tán đồng

- Được rồi, nhưng dù thế nào cũng phải kiếm được nhiều tiền nhé.- Cô Đào dặn dò.

- Tiền, tiền, tiền, con nói thế mà nghe được à. Cháu nội của mẹ tài giỏi như thế, bây giờ mà vì con mà mất đi cơ hội vươn lên, có khác gì là mổ gà làm sao nhỉ?- Bà nội chặn họng cô Đào luôn.

- Mổ gà lấy trứng mẹ ạ!- Bố Kiệt bổ sung. Ông cũng thấy con mình giỏi, nếu như vì chuyện tiền bạc trước mắt mà hỏng kế hoạch lâu dài thì cũng tệ lắm.

- Đúng! – Ông bà nội cùng đồng thanh.

- Thực ra cô út nói cũng có ý đúng, là về tiền. Nếu như không kiếm được nhiều tiền, thì quả thực ta không tài nào so được với họ đâu. Thế nên con mới phải họp ngay lúc này.

- Con định làm cái gì?

- Ý tưởng ban đầu của con thì đơn giản thôi, nhà ta sản xuất máy móc, bán cho hai họ Đào và Đỗ…

- Đấy, em nói đúng…

- Nghe cháu nó nói hết đi.

- Nhưng ta cần phải đảm bảo rằng, thứ máy ta sản xuất ra sẽ không mãi mãi phải thông qua hai họ kia mới ra thị trường, và ta cũng không thể bị họ ép giá quá mức.

- Ý con là kiểu để mấy người em bên chồng cô Đào đi giới thiệu với người dân các làng quanh đây ư.

- Gần như thế. Trước hết, ta phải đảm bảo máy ta làm có những đặc điểm dễ nhận dạng, tức là làm con dấu cho thương hiệu của mình. Sau đó nhờ hai họ kia truyền bá chúng ra, tức là làm thương hiệu ta được nhiều người biết đến. Đến lúc đó, ta lại cho người đến những nơi từng mua chúng để giới thiệu cho họ về những sản phẩm chính hãng- tức là do ta sản xuất, giá cả lấy giá gốc và tiền đi lại, chắc chắn sẽ có giá cả cạnh tranh.
Bình Luận (0)
Comment