Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 58

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 58: Ghen ăn tức ở

Ở ngoài khơi xa xôi, trên một hòn đảo cách bờ biển Nam Bình khá là xa, có một bọn cướp biển đang neo đậu thuyền của chúng để sửa chữa. Thuyền đi biển lâu sẽ bị hà bám vào, làm thuyền thêm nặng, làm giảm tốc độ chạy, cực kỳ bất lợi cho việc di chuyển. Với bọn cướp biển, tốc độ chính là yêu cầu tiên quyết.

Bọn cướp biển này được dẫn đầu bởi một gã thanh niên trẻ, tên là Watanabe Ebisu. Hắn mới ngoài 20 một chút, nhưng đã là thuyền trưởng của một thuyền cướp biển với 50 thủ hạ. Sở dĩ hắn có được trọng trách này, là do Ebisu là con trai của Watanabe Ten, một tên cướp biển kỳ cựu, và được cha mình dẫn dắt ngay từ khi mới hơn 13. Sau 7- 8 năm rèn luyện, hắn dần lấy được sự kính trọng của nhiều kẻ, và cũng mua sắm được một con thuyền để đi cướp.

Nói qua một chút về Watanabe Ten thì lão này là một tên Ronin Đông Doanh đã chuyển sang làm cướp biển sau khi Đại Hoa chinh phục được Đông Doanh. Với kỹ năng chiến đấu khá do từng đánh trận, học lỏm được vài kỹ năng lập trận như quân đội, tính kỷ luật tương đối, nên Ten đã là tên cướp biển sở hữu một lực lượng rất khá với 1 thuyền 100 người, 3 thuyền 50 người, chưa kể hậu cần và nô lệ. Hắn có tất cả 6 người con, trong đó Ebisu là con thứ, dù vậy hắn vẫn tận tâm giúp Ebisu khi cho thằng con vay một khoản không nhỏ có được tiền mua thuyền để tự phát triển, đồng thời cho đứa con thứ biết vài mối làm ăn nhỏ lẻ. Và trong số đó, có hai mối ở huyện Sơn Hải, một là làng Thụi, hai là Từ Văn Đồng. Đúng vậy, Từ Văn Đồng- kẻ đại diện cho những ông chủ tiệm gạo ở huyện thị Sơn Hải, cũng như giới tiểu thương trong chợ ở huyện thị. Lý do mà Từ Văn Đồng quen với đám cướp biển này là bởi y cũng từng làm công việc này, nhưng đã sớm rửa tay gác kiếm sau khi kiếm tạm đủ, rồi thay tên đổi họ và đi buôn gạo. Vì điều này, ông ta hay bị đám hải tặc bắt chẹn, phải cúng một tí tiền cho bọn nó để giữ cái bí mật này.

Chính bởi vậy, Từ Văn Đồng luôn rất căm bọn đồng đội cũ, nhưng hôm nay, chính ông ta tới gặp Ebisu để bàn công chuyện. Đó là về làng Hồng Bàng.

- Ô hô, bác Từ Văn Đồng, bác hôm nay chủ động tới chơi ư? Đúng là rồng tới nhà tôm.

- Thuyền trưởng Ebisu nói giỡn hay quá! Tôi làm sao dám là rồng, còn thuyền trưởng Ebisu ít ra cũng phải là giao long.

- Bác quá lời, quá lời rồi. Cháu ngượng mất. Mà thôi, nói chuyện dông dài làm chi cho mệt nữa, ta vào vấn đề chính nhé, bác muốn gì nào?

- Thẳng thắn lắm, ta thích.- Từ Văn Đồng cười, và lão đẩy ra một túi căng phồng.

Ebisu mở ra kiểm tra, một túi bạc, ít nhất phải 50 lượng. Việc này khá đấy.

- Ta muốn cháu đánh cướp một vài chuyền thuyền.

- Thuyền chở gì vậy!

- Rượu bia với cả gạo thôi.

- Ha ha, hẳn là chúng bán phá giá cạnh tranh với bác hả?

- Không ngờ thời thế đổi thay, chủ tiệm gạo lớn như ta phải thua một bọn nông dân. Nhưng bọn chúng quả thực rất khó chơi nếu dùng biện pháp thường!- Từ Văn Đồng than thở.

Đây quả thực không phải là nói dối, làng Hồng Bàng với những cải tiến nông nghiệp và những phát minh của Hoàng Anh Kiệt đang dần ép cho những kẻ như Từ Văn Đồng không thở nổi. Mà đó là khi chỉ mới một mình làng Hồng Bàng xuất trận thôi, chứ 3 làng kia vẫn còn đang thâm thù làng Hồng Bàng do sự chia rẽ của các phe phái khác. Sau khi làng Hồng Bàng kiếm được lợi lớn, họ nhanh chóng mời 3 làng kia vào lại liên minh của họ. Do làng Hồng Bàng đã chứng minh được rằng không cần 3 làng kia họ vẫn giàu, mà không có làng Hồng Bàng thì các làng này sẽ chỉ là miếng mồi cho các phe khác thâu tóm, cùng với thái độ chân thành của làng Hồng Bàng nên họ đổi thái độ, quay lại với liên minh cũ. Từ khi liên minh này được lập lại, những thế lực cũ ở huyện thị Sơn Hải gần như phải chấp nhận việc đối đãi với liên minh những ngôi làng này như một kẻ ngang cơ chung chiếu.

Chặn đường phát tài như thù giết cha cướp vợ, thâm thù này sao có thể dễ dàng bỏ qua. Tù Văn Đồng quyết tâm phải đánh cho dân Hồng Bàng một trận no đòn để chúng phải biết sợ. Và đám cướp biển này sẽ làm việc đó rất tốt. Nhằm giúp những kẻ này đánh gục làng Hồng Bàng một cách triệt để, Từ Văn Đồng cung cấp cho chúng tất cả những thông tin ông ta biết về làng Hồng Bàng: kết cấu ngôi làng, dân số, số thanh niên trai tráng,… và đặc biệt là nguồn lợi khổng lồ mà dân Hồng Bàng có được từ việc bán bia. Từ Văn Đồng chỉ nói vậy, nhưng lão ta tin rằng, khi nắm được thông tin này rồi, sợ rằng Ebisu sẽ thấy rằng cần phải bao cho cha ruột, để lão mang cả đội thuyền tới. 300 tên cướp biển tấn công, e rằng làng Hồng Bàng không chết một mớ mới là lạ.

Sau khi Từ Văn Đồng đi về rồi, Ebisu liền họp tất cả thuyền viên lại để bàn định sách lược. Làng Hồng Bàng rõ ràng là một miếng mồi ngon khó cưỡng, nhưng nhân số quá ít ỏi của họ thì không thể nào làm gì được, nếu tấn công trực diện chỉ e là bị dân ở đó quây lại đánh trả, khi đó thương vong e là sẽ rất cao. Thế nhưng, nếu mời cha mình ra mặt thì chiến lợi phẩm e phải chia sẻ ra. Ten đã già, và đội thuyền cướp biển kia đang phải có một chỉ huy mới. Con trai cả của Ten, Ryu, anh trai của Ebisu rõ ràng là một ứng cử viên nặng ký. Ebisu không muốn vậy, nhưng muốn được ủng hộ, hắn cần một chiến tích lẫy lừng, và làng Hồng Bàng sẽ là chiến tích đó.

- Thiếu chủ, dù có sử dụng hỏa thương, hỏa pháo thì chúng ta cũng không thể nào đánh lại hàng ngàn người.

- Không không không, bọn mi thực quá ngu ngốc. Dùng kiếm chém thì dọa được đôi ba người, dùng hỏa thương dọa được chục người, dùng hỏa pháo thì dọa hàng trăm. Nhưng tin đồn và nỗi sợ thì có thể phá hủy hàng ngàn hàng vạn. Trận Phì Thủy, Phù Kiên quân đông gấp mấy chục lần quân Tấn, mà chỉ vì hàng tướng Chu Tự hô rằng quân thua, mà tan nát hết cả, nữa là mấy thằng nhà quê.

Trận Phì Thủy (Phì Thủy chi chiến: 淝水之戰) là trận đánh nổi tiếng năm 383 thời Đông Tấn - Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc giữa quân Tiền Tần và quân Đông Tấn. Trên 90 vạn quân Tiền Tần gồm nhiều sắc tộc Ngũ Hồ và Hán, dưới sự chỉ huy của vua Tần Phù Kiên vừa thống nhất miền bắc đi thân chinh, cuối cùng bị quân Đông Tấn dưới sự chỉ huy của danh tướng Tạ Huyền đập tan. Không chỉ quân Tiền Tần tan nát mà bản thân vua Tần Phù Kiên cũng bị thương. Trận chiến Phì Thủy, với đại thắng của quân Đông Tấn, được đánh giá là trận đánh quan trọng nhất thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, và cũng được xem là một trong những trận "lấy ít thắng nhiều" tiêu biểu nhất trong lịch sử.

Ngoài ra, trận đánh này được xem là một trong những trận chiến lừng danh nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sau thảm họa Phì Thủy, Nhà nước Tiền Tần không thể nào vực dậy được nữa, và hai năm sau thì sụp đổ hoàn toàn, trong khi Nhà nước Đông Tấn vẫn vững tồn nhờ đại thắng này.

Dù đều là bọn dốt đặc cán mai về những thứ như Phì Thủy, Tiền Tần, Ngũ Hồ thập lục quốc,… song những tay thuyền viên của Ebisu vẫn nghe như nuốt từng lời. Để rồi khi Ebisu nói ra kế hoạch, chúng đều thán phục, tâng bốc gã cướp biển trẻ lên tận mây xanh.

Theo kế hoạch của Ebisu, một tên trong đoàn sẽ tìm cách trà trộn làm thủy thủ một thuyền vận tải gạo và bia của làng Hồng Bàng. Sau đó, bọn họ sẽ tấn công và giết gần sạch thủy thủ trên thuyền, giả như cướp biển vô tình gặp thuyền này để cướp bóc. Rồi sau đó, chúng sẽ chặt đầu vài thủy thủ, dọa ép cho để tạo điều kiện cho tên nằm vùng nói ra những tình hình của làng Hồng Bàng. Sau đó, chúng sẽ giả như muốn cướp phá làng, kéo theo hàng trăm tên khác tới. Những người sống sót, trong đó có tên nằm vùng sẽ được lén tạo cơ hội đào thoát, đem tin này về cho dân làng Hồng Bàng, tạo ra khủng hoảng. Khi đó, chỉ cần sự xuất hiện của một con thuyền hải tặc duy nhất, tất cả dân làng sẽ dắt díu nhau chạy sạch. Tiền bạc, của nả sẽ là miếng mồi ngon mặc bọn nó lấy.

Kẻ được chọn làm nội gián là một kẻ mới là Chà Và Hương. Tên này là con lai giữa dân Chà Và- một sắc dân ở những vùng biển đảo Nam Dương với dân Bách Việt, nên tướng mạo có phần na ná dân Bách Việt, biết tiếng Bách Việt, dễ dàng trà trộn. Hơn nữa, do Chà Và Hương là một lính mới, dân làng Thụi sẽ không biết tới hắn.

Chà Và Hương là lính mới, nay được lập công thì rất hăng hái. Hắn trước tiên tìm cách gia nhập đoàn thuyền chờ hàng từ làng Hồng Bàng đi và rất nhanh thì được nhận. Làng Hồng Bàng có một bãi biển nước không quá sâu, nhưng mà nếu dùng thuyền cỡ vừa để vận hàng ra tận ngoài khoảng 200m thì sẽ có vùng nước đủ sâu để thuyền lớn đi vào. Tại đây chỉ cần kéo hàng từ thuyền cỡ vừa lên thuyền to bằng ròng rọc là được. Vì thế, thuyền hàng qua lại tấp nập, nhu cầu về thủy thủ tự nhiên cũng nhiều, và tạo cơ hội cho thành phần như Chà Và Hương lẫn vào được.

Khi đảm bảo rằng đã không còn gì sơ suất để bắt đầu kế hoạch, Chà Và Hương bắn tin cho bọn cướp ở quán rượu huyện thị Sơn Hải, trước khi theo thuyền đi nhận hàng ở làng Hồng Bàng. Ebisu tính thời gian, cho thuyền ra phục sẵn. Và rồi, con thuyền xấu số nọ bị tụi cướp biển ghé thăm. Được sự chỉ điểm từ trước của Chà Và Hương, chúng chiếm quyền kiểm soát thuyền, giết đi khá nhiều người, song trong những người còn sống có Vũ Lê, kẻ mà có quan hệ tốt với Kiệt, kẻ mà làng Hồng Bàng đã tìm để liên hệ thuê thuyền trước hết. Chúng giả đò tra tấn dọa nạt người thanh niên, rồi cố tình bắn tin rằng chúng có thể sẽ giết tới làng Hồng Bàng các kiểu, và Vũ Lê tin ngay tắp lự. Thế nên, ngay sau khi Chà Và Hương diễn kịch, cứu được Vũ Lê cùng vài thủy thủ khác, lén cướp con thuyền nhỏ để trốn đi thì Vũ Lê đã động viên mọi người chèo hết tốc lực lên bờ biển làng Hồng Bàng để báo tin.
Bình Luận (0)
Comment