Hồng Lâu Mộng

Chương 45

Bạn kim lan ngỏ chuyện kim lan

Đêm mưa gió ngâm bài mưa gió

Phượng Thư đang vỗ về Bình Nhi, thấy chị em đến chơi, liền mời ngồi. Bình Nhi đi pha trà. Phượng Thư cười nói:

- Sao hôm nay đến chơi đông, như là có thiếp mời ấy.

Thám Xuân cười nói:

- Chúng tôi đến đây có hai việc: một là việc của tôi; hai là việc của cô Tư, lại kèm theo cả lời của cụ nữa.

- Việc gì mà cần thế?

- Chúng tôi mở thi xã, lần đầu không được đủ, mọi người nể nhau nên sai cả lệ. Chị là người thành thật không thiên vị ai, nên tôi muốn mời chị làm "giám xã ngự sử". Hai là cô Tư đang vẽ bức tranh cái vườn, không đủ đồ dùng, đã trình cụ rồi, người bảo: "Có lẽ dưới lầu còn những thứ ấy. Thử tìm xem, còn thì đem mà dùng, hết thì bảo người đi mua".

Phượng Thư cười nói:

- Tôi chỉ biết ăn thôi, ngoài ra chẳng hiểu nếp tẻ gì cả.

- Chị không hiểu cũng không cần chị phải làm, chỉ nhờ chị xem xét trong đám chúng tôi có ai lười biếng đáng phạt thì phạt, thế là được rồi.

- Các cô đừng lừa tôi. Tôi đã đoán ra rồi. Đâu có phải mời tôi làm "giám xã ngự sử"? Rõ ràng là bảo tôi làm người lái "buôn đồng" để nộp tiền thôi. Các cô mở thi xã, tất phải thay phiên nhau làm chủ thết rượu. Vì không đủ tiền, nên bày ra cách này lôi tôi vào để lấy tiền đó thôi. Có phải thế không?

Mọi người đều cười nói: "Chị đoán đúng đấy!"

Lý Hoàn cười nói:

- Mày thật là người pha lê mà ruột thủy tinh!

Phượng Thư cười nói:

- Khen cho chị là chị cả! Các cô ấy muốn nhờ chị dìu dắt học hành, học khuôn phép, học may vá. Bây giờ mở thi xã hết bao nhiêu tiền mà chị không dám nhận. Cụ, bà Hai thì không nói làm gì, vì là các vị "phong quân" 1 già. Còn chị mỗi tháng được mười lạng bạc lương, so với chúng tôi nhiều hơn gấp hai lần. Thế mà Cụ và bà Hai cứ thương chị là đàn bà góa, không làm gì, không đủ tiền tiêu, lại có đứa con bé được thêm mỗi tháng mười lạng nữa, như thế thì lương bằng Cụ và bà Hai rồi còn gì. Chị lại được miếng vườn cho thuê, số tiền thưởng cuối năm chị cũng được nhiều hơn. Mẹ con, thầy tớ nhà chị tất cả chưa đầy mười người, ăn mặc các cái vẫn là của trong kho chi ra. Tính ra ít nhất chị cũng có bốn, năm trăm lạng bạc. Bây giờ mỗi năm chị bỏ ra độ một hay hai trăm lạng bạc cho họ vui chơi, kể cũng được mấy năm. Sau này họ lấy chồng rồi, chẳng lẽ chị còn phải bù nữa chăng? Bây giờ chị sợ phải tiêu tiền, xui họ đến quấy rầy tôi, để ăn cho núi lở non mòn, tôi lại chả biết hay sao?

Lý Hoàn cười nói:

- Các cô nghe đấy, tôi nói có một, nó đã điên lên nói ra hàng tràng những câu mất dạy! Thực là hạng lái buôn, chuyên nghề so kè tính toán, bủn xỉn từng ly từng tý! Cái hạng này may là một vị tiểu thư đẻ ra ở nhà thi thư, sĩ hoạn, lại được lấy chồng thế này mà cũng còn quá quắt như thế, nếu là con nhà nghèo hèn, làm hạng con hầu đứa ở, thì không biết đê tiện đến thế nào. Khắp gầm trời ai cũng kêu mày xoay xở quá lắm. Hôm qua lại đánh cả con Bình, sao mày bạo tay thế? Thật là đem rượu ngọt đổ vào bụng chó! Tức quá, tao chỉ muốn báo thù hộ con Bình thôi. Nghĩ mãi, không mấy khi gặp "ngày vui của con chó dài đuôi", lại sợ cụ khó chịu, vì thế tao không nói ra, nhưng trong bụng vẫn tức. Thế mà hôm nay mày lại giở chuyện trêu tao. Kể ra mày xách giày cho con Bình cũng chưa đáng! Mày và con Bình nên đổi địa vị cho nhau mới phải!

Mọi người nghe nói đều cười ầm lên.

Phượng Thư cười nói:

- Ô! Tôi biết rồi! Thế ra các chị tìm tôi không phải vì thơ vì vè, chỉ để báo thù cho con Bình đấy thôi. Tôi thật không ngờ con Bình đã có một người để tựa lưng như chị. Tôi biết thế này, dù có ma quỷ kéo tay tôi đánh nó, tôi cũng không dám. Chị Bình lại đây, tôi xin lỗi chị trước mặt mợ Cả và các cô của chị, cứ cho tôi là "quá chén mất khôn thôi"!

Mọi người nghe nói đều cười ầm lên.

Lý Hoàn cười hỏi Bình Nhi:

- Thế nào? Tôi phải nói cho chị hả giận mới thôi!

Bình Nhi cười nói:

- Dù các mợ nói đùa, tôi cũng không dám nhận.

Lý Hoàn nói:

- Sao lại không dám! Đã có tôi đây! Thôi, đi lấy chìa khóa, bảo chủ chị mở cửa lấy các đồ dùng ra.

Phượng Thư cười nói:

- Chị Ơi! Chị hãy vào trong vườn với họ đã. Tôi vừa định mang sổ gạo ra tính với họ một lúc, mẹ tôi bên kia lại sai người sang gọi, không biết là bảo việc gì, tôi phải đi sang đó mới được. Lại còn quần áo cuối năm cho các cô, tôi phải sắp sẵn cho người ta may nữa.

Lý Hoàn cười nói:

- Mặc kệ! Thím cứ làm xong việc này cho tôi đi nghỉ, để các cô ấy khỏi quấy rầy tôi.

Phượng Thư vội cười nói:

- Chị Ơi! Hãy để cho em rỗi một tý đã, xưa nay chị vẫn thương em, sao bây giờ vì việc Bình Nhi, chị lại không thương em nữa? Chị thường khuyên em: "Tuy nhiều việc, nhưng cũng nên giữ gìn sức khỏe, được rỗi lúc nào cũng nên nghỉ ngơi". Thế mà hôm nay chị lại bắt ép em quá như thế à. Vả chăng, những quần áo cuối năm của người khác mà chậm thì không can gì, chứ quần áo của các cô mà chậm thì trách cứ ở chị đấy. Chị đã chẳng chịu làm gì, lại không nói giúp lấy một lời, lẽ nào cụ chả trách chị. Tôi thà đành nhận lỗi một mình, chứ không khi nào dám làm lụy đến chị.

Lý Hoàn cười nói:

- Các cô nghe kìa, nó nói thế có được không? Thế mà vẫn cho nó là biết ăn nói đấy, Tôi hãy hỏi: thím có nhận trông nom việc thi xã này không?

Phượng Thư cười nói:

- Sao chị lại nói thế? Nếu tôi không tốn mấy đồng tiền cho thi xã thì chẳng hóa ra tôi là kẻ lật lọng ở vườn Đại Quan này, còn hòng ăn ở đây được nữa không? Sớm mai tôi xin đến nhậm chức. Xuống ngựa nhận ấn, là tôi bỏ ngay ra năm mươi lạng bạc để chị em làm tiền mở tiệc họp thi xã tiêu dần. Sau này tôi không biết làm thơ làm văn, chẳng qua chỉ là một người rất tục thôi. Giám sát hay chẳng giám sát nữa cũng được, đã có tiền, chẳng còn lo chị em đuổi tôi ra nữa!

Mọi người đều cười. Phượng Thư lại nói:

- Lát nữa tôi sẽ mở buồng gác, còn thứ gì cho người mang xuống để chị em xem. Thứ gì dùng được để lại mà dùng, thiếu gì cứ chiếu đơn của chị em cho người đi mua là được rồi. Lụa vẽ tôi sẽ cắt. Tấm bản đồ không để ở bên cụ đâu, anh Trân giữ đấy. Nói cho các người biết khỏi phải tìm tòi lôi thôi. Tôi bảo người đi lấy về và đưa cả lụa cho bọn thợ vẽ hồ nước phèn, có được hay không?

Lý Hoàn gật đầu cười nói:

- Thế thì cảm ơn thím. Được như thế là xong việc. Thôi chúng ta về đi, nếu thím ấy không sai người mang đến, tôi lại phải đến quấy rầy lần nữa.

Nói xong, dẫn các chị em về.

Phượng Thư nói:

- Việc này chẳng phải tại ai, đều tự chú Bảo bới việc ra cả.

Lý Hoàn nghe nói, quay lại cười nói:

- Chính vì chú Bảo mới đến đây, thế mà lại lãng quên đi! Cuộc họp thơ đầu tiên, chú ấy đã làm lỡ việc. Chúng tôi nể quá, nay thím bảo nên phạt như thế nào?

Phượng Thư nghĩ một lúc rồi nói:

- Chẳng có cách nào khác, chỉ bắt chú ấy quét một lượt các nhà cửa của chị em là đủ.

Mọi người đều cười nói: "Phạt thế phải lắm".

Mọi người định ra về, thấy một a hoàn nhỏ dắt bà Lại đến. Phượng Thư vội đứng dậy cười nói: "Mời bà ngồi chơi". Rồi họ đều ngỏ lời mừng bà ấy. Bà Lại ngồi xuống cạnh giường, cười nói:

- Tôi mừng, các vị chủ nhà cũng mừng. Nếu không nhờ được ơn chủ, thì tôi làm gì có việc mừng này? Hôm nọ mợ lại sai anh Thái mang đến cho đồ mừng. Cháu tôi đã bái vọng tạ Ơn rồi.

Lý Hoàn cười nói:

- Bao giờ anh ấy đi nhậm chức?

- Bao giừ nó đi thì đi, chứ tôi cô biết đâu? Hôm nọ nó đến lạy tôi, tôi cũng chăng biết nói gì hơn, chỉ dặn nó: "Cháu đừng tưởng được làm quan là tha hồ ngang tàng bậy bạ! Nay mày đã ba mươi tuổi, tuy là con nhà tôi tớ, nhưng vừa mới lọt lòng mẹ đã được ơn chủ buông tha ra, trên nhờ hồng phúc của chủ, dưới nhờ có bố mẹ, cũng như các cậu, mày được đọc sách biết chữ, có bà già, a hoàn, có vú nuôi nâng niu như chim phượng hoàng. Giờ nhớn như thế, liệu mày đã biết viết hai chữ "nô tài" 2 thế nào chưa? Hay chỉ biết hưởng phúc mà không hiểu ông mày, bố mày đã chịu bao nhiêu khổ nhục, hai ba đời người vất vả mới nặn ra được mày như thế này! Từ lúc bé, mày bị bao nhiêu là tai nạn, tốn kém bao nhiêu là tiền bạc, giá đúc lại cũng bằng người mày rồi ấy. Đến năm mày ngoài hai mươi tuổi, lại nhờ ơn chủ, quyên cho một chức. Mày có biết chính trong họ nhà chủ cũng còn bao nhiêu người nhịn đói nhịn khát đấy không? Mày là con nhà tôi tớ, giờ hồn đấy, khéo không lại hết phúc! Mười năm trời sung sướng không biết mày giở trò ma quỷ thế nào, van xin chủ, lại được ra làm quan. Chức quan huyện tuy nhỏ, nhưng trách cứ rất lớn. Làm quan ở vùng nào tức là cha mẹ dân vùng ấy. Nếu mày không biết làm tròn phận sự, hết lòng giúp nước thờ chủ, thì trời cũng không dung cho mày đâu!"

Lý Hoàn, Phượng Thư đều cười nói:

- Bà hay lo xa, chúng tôi xem anh ấy cũng tốt đấy chứ. Trước kia anh ấy còn đến đây vài lần, nhưng mấy năm nay không thấy anh ấy đến. Lễ sinh nhật cuối năm ngoái, chỉ thấy tên của anh ấy thôi. Hôm nọ anh ấy đến chào cụ và bà Hai khi ở bên nhà cụ, chúng tôi thấy anh ấy mặc quân phục mới, trông càng oai vệ và béo hơn trước nhiều. Giờ anh ấy được làm quan, bà nên vui mới phải, tội gì mà buồn? Nếu anh ấy không tốt, đã có cha mẹ anh ấy, bà cứ yên hưởng phúc nhà là đủ rồi. Khi nào rỗi, bà đi kiệu sang đánh bài với cụ chúng tôi, nói chuyện cho vui, ai nỡ khinh rẻ bà? Ở nhà lại có cửa cao lầu rộng, ai chả kính nể? Bà thật cũng như một vị phong quân già vậy.

Bình Nhi pha nước mang đến, bà Lại vội đứng dậy nói:

- Xin cô đừng làm phiền, cứ bảo đứa hầu nhỏ nào pha cũng được.

Bà ta ta uống nước vừa nói:

- Mợ không biết, đám trẻ con này cần phải dạy bảo nghiêm ngặt. Nghiêm như thế mà chúng còn lén lút làm bậy, để người nhớn phải bận lòng. Người biết ra bảo tính trẻ con bướng bỉnh; người không biết lại bảo là chúng nó cậy của, cậy thế khinh người, làm cho chủ nhà cũng mang tiếng. Nhiều khi tức quá, tôi không làm thế nào được, phải gọi bố chúng đến, mắng cho một trận mới yên.

Bà ta lại chỉ Bảo Ngọc nói:

- Cậu giận tôi cũng cứ nói, bây giờ hễ ông nhà có răn bảo cậu một chút, cụ đã chằm chặp bênh. Chứ khi ông nhà còn bé, bị cụ Ông đánh luôn, ai mà không biết? Ông nhà hồi còn bé có ngỗ ngược như cậu thế này đâu! Lại còn ông bác ở bên kia hay nghịch ngợm thực, nhưng không ru rú ở trong nhà như cậu, thế mà ngày nào cũng bị đòn. Lại còn ông thân của cậu Trân ở bên phủ Đông, tính nóng như lửa, hễ nổi cơn giận chẳng kể gì con, đánh như tra giặc vậy! Bấy giờ tôi mắt thấy tai nghe, thì bác Trân dạy con cũng theo khuôn phép của cụ trước, nhưng chỉ có cái là gặp đâu nói đấy. Chính bản thân bác ấy cũng không kiềm chế được mình, trách sao được con cháu nó không sợ? Cậu hiểu ra sẽ cho tôi nói là phải, không hiểu thì ngoài mặt không nói, nhưng trong bụng có lẽ cậu chửi thầm tôi đấy!

Chợt thấy vợ Lại Đại đến, rồi vợ Chu Thụy và vợ Trương Tài cũng đến trình việc. Phượng Thư cười nói:

- Nàng dâu đến đón mẹ chồng đấy.

Vợ Lại Đại cười nói:

- Không phải tôi đến đón mẹ tôi về đâu, đến dò xem các mợ các cô có nghĩ đến thể diện cho không?

Bà Lại nghe thấy thế cười nói:

- Tôi lẩn thẩn thật! Cái việc đáng nói lại không nói, chỉ nói những chuyện dây mơ rễ má đâu đâu ấy thôi. Vì cháu nó được bổ làm quan, bạn hữu đều định đến mừng, thế nào cũng phải bày tiệc rượu. Tôi nghĩ đã bày tiệc rượn, mời người nọ không mời người kia thì không tiện. Sau lại nghĩ, nhờ ơn chủ mới được vẻ vang thế này, dù sạt nghiệp tôi cũng vui lòng, vì thế tôi bảo bố nó phải bày tiệc rượu ba ngày liền. Hôm đầu bày mấy bàn rượu và một rạp hát ở vườn hoa, mời cụ, các bà, các mợ, các cô đến giải buồn một hôm; nhà khách bên ngoài cũng bày một rạp hát, mấy bàn rượu mời các ông, các cậu đến cho được thơm lây. Hôm thứ hai mời các bạn thân. Hôm thứ ba mời bè bạn hai phủ. Vui nhộn luôn ba ngày, gọi là nhờ hồng phúc của chủ, được chút thể diện.

Phượng Thư, Lý Hoàn đều cười nói:

- Định hôm nào đấy? Thế nào chúng tôi cũng sang. Chưa biết chừng cụ cao hứng cũng sang đấy.

Vợ Lại Đại vội nói:

- Chọn vào ngày mười bốn, xin các mợ nể lời bà tôi.

Phượng Thư cười nói:

- Ai không biết, chứ tôi thì nhất định đi. Nhưng phải nói trước, tôi không có lễ mừng, mà cũng không thưởng tiền gì cả. Chỉ ăn xong rồi về thôi, đừng cười nhé.

Vợ Lại Đại cười nói:

- Sao mợ lại nói thế? Khi mợ vui dù thưởng cho chúng cháu vài ba vạn bạc cũng có.

Bà Lại cười nói:

- Tôi vừa đến mời cụ, người đã nhận lời đi, thế mới biết tôi nói còn đắt nhời.

Nói xong, lại dặn một lượt nữa, rồi đứng dậy muốn về. Chợt trông thấy vợ Chu Thụy, lại nhớ ra một việc, bà Lại nói:

- Tôi còn có một điều muốn hỏi mợ: thằng bé con chị Chu phạm lỗi gì mà đuổi nó ra không dùng nữa?

Phượng Thư cười nói:

- Tôi đang định nói với nàng dâu của bà đấy. Nhưng lắm việc cũng quên đi mất. Chị Lại về bảo cho chồng chị biết, trong hai phủ không ai được chứa thằng con Chu Thụy nữa, bảo nó đi đâu thì đi.

Vợ Lại Đại đành phải nhận lời. Vợ Chu Thụy liền quỳ xuống van xin. Bà Lại vội nói:

- Việc gì thế? Nói ra để tôi bàn hộ.

Phượng Thư nói:

- Hôm nọ ngày sinh nhật tôi, trong nhà chưa ai uống rượu, con nó đã say khướt rồi. Bên nhà mẹ tôi đưa lễ sang, nó không ở ngoài trông nom, cũng không chịu mang lễ vật vào, lại ngồi mắng người tạ Hai người con gái mang đến, nó mới dẫn bọn trẻ con bưng vào. Bọn trẻ con bưng tử tế, còn nó thì đánh rơi một cái hộp bánh hấp đổ tung ra nhà. Người ta về rồi, tôi sai Thái Minh ra gọi, nó lại mắng Thái Minh một trận. Cái hạng ranh con láo lếu coi trời bằng vung ấy, không đuổi đi để làm gì?

Bà Lại nói:

- Tôi tưởng là việc gì, hóa ra việc ấy. Xin mợ hãy nghe lời tôi: nếu nó có lỗi, đánh mắng một trận để cho nó chừa đi thì phải hơn; chứ đuổi nó đi thì quyết không nên. Nó không phải như con đẻ của tôi tớ nhà ta, mà là người hầu của bà Hai đem sang. Nếu mợ đuổi nó đi, đối với bà Hai cũng khó coi. Theo ý tôi, mợ nên đánh nó mấy roi để bận sau nó chừa đi, rồi cứ cho nó ở lại. Dù không nể mẹ nó, cũng nên nể bà Hai chứ.

Phượng Thư nghe nói, liền bảo vợ Lại Đại:

- Đã thế, ngày mai bắt nó lại đây đánh bốn mươi trượng, từ nay cấm không cho uống rượu nữa.

Vợ Lại Đại vâng lời. Vợ Chu Thụy lạy tạ đứng dậy, muốn lạy tạ cả bà Lại, nhưng vợ Lại Đại kéo lên mới thôi. Sau đó ba người cùng đi ra. Bọn Lý Hoàn cũng về trong vườn.

Đến chiều, Phượng Thư sai người mang những đỗ vẽ vào trong vườn. Bọn Bảo Thoa chọn một lúc, chỉ dùng được một nửa. Còn thiếu một nửa, liền biên vào đơn đưa cho Phượng Thư theo thế mà mua.

Một hôm, thợ vẽ bên ngoài đã hồ lụa xong, kẻ thành mẫu mang vào. Bảo Ngọc hàng ngày đến giúp Tích Xuân. Bọn Thám Xuân, Lý Hoàn, Nghênh Xuân, Bảo Thoa cũng đến chơi, vừa xem vẽ vừa họp nhau nói chuyện.

Bảo Thoa thấy trời mát, đêm lại hơi dài, liền đến bàn với mẹ mang ít đồ thêu thùa sang. Ban ngày, hai lần sang thăm Giả mẫu và Vương phu nhân, có khi lại phải ngồi tiếp chuyện cho vui. Khi rỗi lại sang bên vườn nói chuyện phiếm với chị em, vì thế bận suốt ngày, đêm lại phải thắp đèn thêu thùa đến canh ba mới ngủ.

Đại Ngọc hàng năm cứ đến kỳ xuân phân, thu phân, là bệnh ho lại phát. Mùa thu năm nay, vì Giả mẫu cao hứng quá, phải dự tiệc vui hai lần, đâm ra mệt. Gần đây bệnh ho trở lại và nặng hơn trước, vì thế không ra ngoài được, chỉ tĩnh dưỡng ở trong buồng thôi. Lúc nào buồn thì mong chị em đến nói chuyện cho khuây khỏa; đến khi bọn Bảo Thoa tới thăm, nói được dăm ba câu lại uể oải không muốn tiếp. Mọi người đều biết Đại Ngọc đương ốm, vả lại ngày thường thân thể gầy yếu, hễ buồn phiền một tí là không chịu được, vì thế dù cô ta tiếp đãi không được chu tất cũng chẳng ai trách.

Hôm ấy, Bảo Thoa đến thăm Đại Ngọc, nhân nhắc đến bệnh, Bảo Thoa nói:

- Ở đây đã mời mấy thầy thuốc, nhưng có uống cũng không thấy khỏi, chi bằng mời một danh sư khác đến chữa thì hơn. Năm nào cứ đến mùa xuân, mùa hạ lại ốm, bé đã qua già chưa đến, cứ mãi thế này thì còn ra làm sao?

- Không ăn thua gì đâu. Tôi biết bệnh tôi không thể chữa được. Không cứ lúc có bệnh, ngay lúc khỏe trông thân hình tôi cũng đủ biết.

- Chính là như thế. Cổ nhân có câu "Có ăn được cơm mới sống", nhưng ngày thường cô vẫn ăn cơm mà không bồi bổ được tinh thần khí huyết, tất không phải là việc tốt đâu.

Đại Ngọc thở dài nói:

- "Sống chết có số, phú quý ở trời", người ta muốn cũng không được! Bệnh tôi năm nay xem ra có phần nặng hơn năm ngoái.

Trong khi nói chuyện, Đại Ngọc ho đến ba, bốn lần.

Bảo Thoa nói:

- Hôm nọ tôi xem đơn thuốc của cô, thấy nhiều nhân sâm, nhục quế lắm. Tuy bảo là ích khí bổ thần, nhưng không nên dùng vị nóng quá. Cứ ý tôi, trước hết phải bình can dưỡng vị. Can hỏa mà bình thì không khắc tỳ thổ, vị khí tự khắc không có bệnh, ăn uống vào mới có thể bổ dưỡng được. Cứ mỗi sáng lấy một lạng yến sào thượng hạng hòa với năm đồng cân đường miếng, lấy cái ấm bạc đun thành cháo, nếu ăn quen còn hay hơn thuốc, nó rất tư âm bổ khí.

Đại Ngọc thở dài:

- Chị ngày thường đối với mọi người rất tốt, nhưng tôi là người đa nghi, cứ cho chị là ác ngàm. Từ hôm nọ, chị bảo tôi không nên xem sách nhảm, giờ lại khuyên tôi câu này, tôi rất là cảm động. Trước đây tôi nhầm, nhầm mãi đến bây giờ. Ngẫm nghĩ từ khi mẹ tôi chết, tôi không có anh chị em, năm nay đã mười lăm tuổi, không có một người nào dạy bảo tôi như lời chị nói hôm trước. Không trách được, cô Vân bảo chị là người tốt. Trước đây thấy cô ấy khen chị, tôi vẫn khó chịu; hôm nọ chính tôi gặp mới biết rõ. Ví như chị nói câu nào, tôi hay chấp nhặt, chị cũng không để ý, lại còn lấy những lời khuyên tôi. Thế mới biết là tự tôi nhầm. Nếu hôm nọ tôi không nhận ra, có lẽ hôm nay tôi cũng không nói với chị những câu này đâu. Vừa rồi, chị bảo tôi ăn cháo yến sào, tuy yến sào cũng dễ kiếm đấy, nhưng chỉ vì người yếu năm nào cũng mắc bệnh. Kể ra bệnh không lấy gì làm quan hệ, nhưng cũng phải mời thầy bốc thuốc, uống nhân sâm, nhục quế đủ làm nghiêng trời lệch đất rồi. Bây giờ lại giở cái món cháo yến sào mới lạ ra, bà tôi, dì tôi và chị Phượng thì chẳng nói gì đâu, nhưng đám bà già và a hoàn chắc sẽ cho tôi bới chuyện. Chị xem bọn họ thấy bà tôi thương Bảo Ngọc và Chị Phượng hơn, họ còn nhìn chòng chọc, bày chuyện nói vụng, huống chi là tôi? Vả chăng tôi không phải là chủ nhà, chỉ vì không có chỗ nương tựa, nên mới đến đây, họ đã khó chịu với tôi lắm rồi. Bây giờ tôi lại không biết điều, để cho người ta phải nguyền rủa mình nữa hay sao?

- Cô đừng nói thế, tôi cũng như cô.

- Chị sao lại ví với tôi? Chị còn có mẹ, có anh; ở nhà, chị có nhà có ruộng, đến đây lại có đất, có cửa hàng. Chị chẳng qua vì chỗ bà con nên mới đến đây, việc lớn nhỏ không phải nhờ ai một đồng nào, lúc nào muốn đi thì đi. Tôi không có một tí gì, ăn mặc tiêu pha lại đều được đối đãi như các cô ở nhà này. Như thế bọn tiểu nhân lẽ nào họ không chán ghét mình?

Bảo Thoa cười nói:

- Sau này chỉ tốn thêm một bộ đồ cưới thôi, bây giờ hãy chưa cần nghĩ đến.

Đại Ngọc đỏ mặt lên, cười nói:

- Tưởng chị đứng đắn, nên người ta mới kể những nỗi buồn phiền ra cho nghe, thế mà chị lại đem tôi ra làm trò cười!

- Tuy tôi nói đùa, nhưng là chuyện thực. Cô cứ yên tâm, tôi còn ở đây ngày nào, sẽ làm cho cô được khuây khỏa ngày ấy. Cô có điều gì bực tức khó khăn, cứ nói cho tôi biết, có thể đỡ đần được, thế nào tôi cũng đỡ đần cho cộ Tôi tuy có anh, chắc cô cũng đã biết anh tôi như thế nào rồi, tôi chỉ hơn cô ở chỗ còn mẹ thôi. Chúng ta là người cùng bệnh nên thương lẫn nhau. Cô là người hiểu đời, tội gì lại than thở như Tư Mã Ngưu 3 ngày trước? Câu vừa rồi cô nói phải đấy, "thêm một việc chẳng bằng bớt một việc". Có lẽ nhà tôi còn yến sào, tôi sẽ về nói với mẹ tôi đưa đến cho cô mấy lạng, mỗi ngày bảo bọn a hoàn nấu lên, vừa tiện vừa không bận đến ai.

- Vật tuy nhỏ, nhưng chị có lòng tốt như thế, thật là đáng quý.

- Cái đó có gì đáng nói? Chỉ sợ không được vừa lòng mọi người thôi. Bây giờ sợ cô mệt, tôi về đây.

- Tối chị lại đến chơi nói chuyện với tôi.

Bảo Thoa nhận lời rồi về.

Đại Ngọc húp mấy ngụm cháo rồi nằm ngả ở trên giường. Không ngờ về chiều giở trời, mưa xuống tầm tã, mây kéo đùn đùn, khi mưa khi tạnh. Lúc ấy đã về chiều, trời tối sầm xuống, nước mưa nhỏ róc rách vào những cành trúc, càng thêm buồn tẻ. Biết Bảo Thoa không thể đến được, Đại Ngọc ngồi bên đến cầm quyển sách xem, quyển Nhạc phủ tạp cảo 4, trong đó có hai bài từ "thu khuê oán" và "biệt ly oán". Đại Ngọc trong lòng cảm xúc, làm ngay một bài Đại biệt ly theo điệu "Xuân giang hoa nguyệt dạ" 5 đặt tên từ là "Thu song phong vũ tịch" 6 như sau:

Sang thu hoa cỏ úa vàng,

Đèn thu trằn trọc đêm trường đầy thu.

Song thu thu vẫn trơ trơ.

Lạnh lùng giờ lại gió mua thêm càng.

Đòi cơn mưa gió phũ phàng,

Sang thu tan giấc mơ màng từ đây.

Bận lòng nào nỡ ngủ say,

Bình kia bước tới, sáp này khêu cao,

Tờ mờ ngọn sáp dọi vào,

Này buồn, này giận nao nao khôn cầm.

Nhà nào gió chẳng tới thăm?

Nơi nào mưa chẳng rì rầm bên song?

Gió thu lạnh toát chăn hồng,

Mưa thu như giục tiếng đồng hồ reo.

Đêm đêm rả rích rì rào,

Trước đèn như muốn nghẹn ngào cùng ai.

Buồn tênh khói lạnh phía ngoài,

Trúc thưa cửa vắng bên tai lầm rầm.

Lúc nào gió tắt mưa cầm,

Thì đây lệ đã ướt đầm song the.

Ngâm xong, Đại Ngọc gác bút lên định đi ngủ, có a hoàn vào báo: "Cậu Bảo đã đến". Nói chưa dứt lời, đã thấy Bảo Ngọc đội nón lá, khoác áo tơi đến, Đại Ngọc phì cười nói:

- Chàng đánh cá này ở đâu đến đây?

Bảo Ngọc liền hỏi:

- Hôm nay có đỡ chưa? Uống thuốc gì? Ăn được bao nhiêu cơm?

Vừa nói vừa bỏ nón xuống, cởi áo tơi ra, một tay cầm đèn, một tay che ánh đèn, soi vào mặt Đại Ngọc, nhìn một lúc rồi cười nói:

- Hôm nay thần sắc khá rồi đấy.

Khi Bảo Ngọc cởi áo tơi ra, Đại Ngọc thấy trong người cậu ta chỉ mặc một áo lụa đỏ ngắn hơi rung rúc, lưng buộc khăn xanh, mặc quần áo lụa xanh cải hoa, chân đi bí tất sợi dệt lẫn chỉ kim tuyến, đôi giày bươm bướm vờn hoa, Đại Ngọc hỏi:

- Trên đầu anh sợ mưa, sao dưới chân lại đi giày và bít tất này vẫn khô thế?

- Nguyên là anh mặc cái bộ như thế này. Vừa đi cả đôi guốc gỗ đường, lên đến thềm thì bỏ ra.

Đại Ngọc lại thấy áo tơi và nón rất tinh xảo nhẹ nhàng, không phải là đồ bán ở chợ, liền hỏi:

- Đan bằng cỏ gì thế? Thảo nào mặc những đồ này không lù xù như là lông dím.

- Ba thứ này là của Bắc Tĩnh vương chọ Khi trời mưa, Đức vương ở nhà thường dùng những thứ này, nếu em thích, anh sẽ kiếm một bộ đưa chọ Thứ khác không nói, chỉ có chiếc nón này là thích nhất: cái chóp ở trên có thể mở ra đóng vào được, gặp khi có tuyết đội mũ vào rút cái que cài ra, bỏ chóp trên đi, chỉ còn lại một cái vành thôi. Lúc có tuyết thì con trai con gái đều đội được cả. Anh đưa cho em một cái để mùa đông có tuyết sẽ đội.

Đại Ngọc cười nói:

- Em không cần, nếu đội cái này thành ra một bà đánh cá vẽ ở trong tranh hay là diễn ở trên sân khấu mất.

Nói đến câu này, Đại Ngọc mới nhớ ngay ra câu mình vừa nói ăn khớp với câu nói đùa Bảo Ngọc lúc nãy nên cứ hối mãi, rồi đỏ ửng mặt lên, gục xuống án ho.

Bảo Ngọc không để ý, thấy trên án có bài thơ, liền lấy ra xem, khen hay mãi. Đại Ngọc vội giật lấy đốt đi. Bảo Ngọc cười nói:

- Đốt cũng không can chi, anh đã thuộc hết rồi.

- Em khỏi nhiều rồi, cảm ơn anh hàng ngày lại thăm em mấy lần, mưa cũng lại. Bây giờ đêm khuya rồi, em muốn đi nghỉ, anh hãy về đi, mai lại đến.

Bảo Ngọc nghe nói, móc ra một cái đồng hồ vàng to bằng hạt đào để xem, thấy kim đã chỉ vào chỗ cuối giờ tuất đầu giờ hợi, vội vàng cất đi và nói:

- Đáng lẽ em đi nghỉ rồi, anh lại đến quấy rầy em một lúc.

Nói xong, đội nón khoác áo đi ra, bỗng quay lại hỏi:

- Em muốn ăn cái gì cứ nói, sáng mai anh sẽ trình với cụ. Anh nói lại không rõ ràng hơn bọn bà già à?

- Để đến đêm em nghĩ xem đã, sáng mai sẽ nói. Anh xem, lại mưa to rồi, về đi thôi. Có ai đi theo hầu đấy không?

Hai bà già trả lời:

- Thưa cô, đã có người ở ngoài này cầm dù và thắp đèn lồng rồi.

Đại Ngọc cười nói:

- Giời này mà thắp đèn lồng à?

Bảo Ngọc nói:

- Không việc gì, đèn kiểu sừng dê đấy, không sợ mưa.

Đại Ngọc nghe nói, lấy cái đèn pha lê hình quả cầu ở trên tủ sách xuống, sai thắp một cây nếp nhỏ, đưa cho Bảo Ngọc, nói:

- Đèn này sáng hơn đèn kia, dùng để đi mưa đấy.

- Anh cũng có một cái đèn kiểu này, nhưng sợ họ trượt chân ngã thì vỡ mất, nên không mang đi.

- Vỡ đèn hơn hay người ngã đáng kể hơn? Anh lại không quen đi guốc gỗ. Cái đến lồng kia để họ thắp mang đi trước, còn cái đèn này vừa nhẹ vừa sáng, chỉ để cho một người dùng khi đi mưa thôi. Anh cầm lấy cái đèn này thì hơn, ngày mai sẽ mang sang giả em. Nếu nhỡ tay đánh vỡ cũng chẳng là bao, việc gì mà lại giở cái lối "mổ bụng giấu ngọc" 7 ấy?

Bảo Ngọc nghe nói, cầm lấy đèn. Đằng trước, hai bà già che dù và cầm đèn sừng dê; đằng sau lại có hai a hoàn nhỏ che dù. Bảo Ngọc đưa cái đèn cho một a hoàn cầm, rồi vịn vào vai nó đi về.

Có hai bà già ở Hành Vu Uyển, cũng che dù, xách đến đến đưa cho Đại Ngọc một gói yến sào lớn, một gói đường mai hoa trắng và nói:

- Những thứ này tốt hơn của đi muạ Cô chúng tôi bảo: "Cô cứ ăn đi, hết lại đưa sang".

Đại Ngọc nói: "Làm phiền cô nhà quá". Rồi mời họ ra ngoài uống nước. Bà già cười nói:

- Chúng tôi không uống, còn phải đi có việc.

Đại Ngọc cười nói:

- Tôi cũng biết các bà bận. Hôm nay mát trời, đêm lại dài, càng nên chơi mấy ván bài.

Một bà già cười nói:

- Chẳng giấu gì, năm nay cũng có phần khá; vả chăng đêm nào cũng phải có mấy người canh, nếu để lỡ giờ không được, chi bằng họp nhau đánh bạc để vừa ngồi cầm canh vừa giải buồn. Đêm nay đến phiên tôi, hễ đóng cửa vườn là chúng tôi lại sắp đánh đấy.

Đại Ngọc cười nói:

- Phiền các bà phải đi giữa mưa vất vả, lại làm cho các bà lỡ dịp phát tài.

Rồi sai người đưa cho họ mấy trăm đồng tiền, đem mua rượu uống để chống lạnh. Hai bà già cười nói:

- Lại quấy quả cô phải thưởng rượu.

Nói xong, họ chào rồi ra ngoài nhận tiền, che dù ra về.

Tử Quyên cất yến sào rồi tắt đèn, buông rèm, hầu hạ Đại Ngọc đi ngủ. Đại Ngọc nằm nghĩ cảm ơn Bảo Thoa, lại mừng cho chị ta còn có mẹ có anh, một lúc lại nghĩ Bảo Ngọc thường ngày thân mật với chị ta, vẫn có chỗ đáng ngờ vực. Bỗng nghe giọt mưa róc rách trên tàu chuối và cành trúc, gió lạnh thổi qua màn, tự nhiên nước mắt Đại Ngọc lại tràn ra, đến canh tư mới ngủ được.

1      Thời phong kiến, những người được phong chức tước hoặc con làm quan to mà cha mẹ được phong, đều gọi là phong quân hoặc phong ông.

2      Những người làm tôi tớ cho bọn quý tộc địa chủ trong thời phong kiến.

3      Tư Mã Ngưu: học trò Khổng Tử, không có anh em nào.

4      Các bài thơ trong Nhạc phủ.

5      Đêm giăng hoa ở sông mùa xuân.

6      Buổi chiều mưa gió trước cửa sổ mùa thu.

7      Trọng của hơn người.
Bình Luận (0)
Comment