Kẻ Trộm Sách

Chương 52

ĐỨA EM TRAI KHÔNG CÓ TUỔI

Chỉ còn vài tuần nữa là Liesel Meminger mười bốn tuổi.

Bó nó vẫn vắng nhà.

Nó hoàn tất thêm ba buổi đọc sách nữa với người đàn bà đang tuyệt vọng đến tột cùng. Rất nhiều đêm, con bé quan sát Rosa ngồi với cây đàn xếp và câu chuyện, cằm chống lên ống bễ của cây đàn.

Lúc này đây, con bé nghĩ thầm, đã đến lúc rồi. Thường thì ăn trộm là điều sẽ khiến con bé thấy vui lên, nhưng vào ngày này, đó là đưa trả lại một cái gì đó.

Con bé thò tay xuống dưới giường và lấy cái đĩa ra. Một cách nhanh nhẹn nhất có thể, con bé lau chùi nó trong nhà bếp rồi ra ngoài. Thật dễ chịu khi được đi bộ ở Molching. Bầu không khí sắc nét và phẳng, như cái Watschen của một người giáo viên độc ác hay một bà xơ vậy. Giày nó phát ra những âm thanh duy nhất trên phố Munich.

Khi nó băng qua dòng sông, một tin đồn bằng ánh nắng mặt trời đang đứng đằng sau những đám mây.

Ở nhà số 8 phố Grande, con bé bước lên những bậc cấp, để cái đĩa xuống chỗ cánh cửa rồi gõ cửa, và vào lúc cánh cửa mở ra, thì con bé đã đang rẽ sang phố khác rồi. Liesel không nhìn lại, nhưng con bé biết rằng nếu nó làm thế, thì nó sẽ lại nhìn thấy em trai mình ở chỗ cánh cửa, hai đầu gối của thằng bé đã hoàn toàn hồi phục. Thậm chí nó còn có thể nghe thấy giọng nói của thằng bé nữa.

“Như thế tốt hơn rồi đấy, Liesel.”

***

Con bé cảm thấy một nỗi buồn khủng khiếp khi nhận ra rằng em trai nó sẽ mãi mãi là một thằng nhóc sáu tuổi, nhưng khi bám víu lấy cái suy nghĩ đó, nó cũng cố gắng nở một nụ cười.

Con bé nán lại ở chỗ sông Amper, chỗ cây cầu, nơi Bố đã từng đứng đó và ngả người xuống thành cầu.

Con bé cười, rồi lại cười, và khi tất cả những nụ cười đã được thực hiện, con bé quay về nhà, và em trai nó không bao giờ trèo vào giấc ngủ của nó nữa. Theo rất nhiều cách, nó sẽ bỏ qua em trai nó, nhưng nó sẽ không bao giờ bỏ qua được đôi mắt chết chóc của thằng bé trên sàn tàu hỏa, hay cái âm thanh của cơn ho chết người ấy.

Đêm hôm đó, kẻ trộm sách nằm trên giường, và thằng bé chỉ xuất hiện trước khi nó nhắm mắt lại. Nó chỉ là một thành viên của đoàn diễn viên, vì Liesel luôn được ghé thăm trong căn phòng đó. Bố của nó đứng đó và gọi nó là phụ nữ được một nửa rồi. Max đang viết quyển Người lay từ ngữ nơi góc nhà. Rudy trần truồng ở lối cửa phòng. Thảng hoặc, mẹ nó đứng trên một sân ga bên cạnh giường ngủ của nó. Và xa xa, trong một căn phòng kéo dài ra như cây cầu dẫn đến một thị trấn vô danh, đứa em trai Werner của nó đang chơi đùa trong lớp tuyết của nghĩa địa.

Vọng lên từ dưới hành lang, như một cái máy nhịp cho những hình ảnh, là tiếng Rosa ngáy, và Liesel nằm thao thức với những thứ ấy xung quanh mình, nhưng con bé cũng nhớ lại một câu trích từ quyển sách gần đây nhất của nó.

NGƯỜI LẠ MẶT CUỐI CÙNG, TRANG 38

Có người ở khắp nơi trên con đường của thành phố, nhưng người lạ mặt không thể cảm thấy cô đơn hơn được nữa dù cho con đường có vắng tanh không một bóng người.

Khi bình minh ló dạng, những nhỡn ảnh ấy biến mất, và con bé có thể nghe thấy một trò độc tấu khẽ khàng của những từ ngữ trong phòng khách. Rosa đang ngồi với cây đàn xếp, và cầu nguyện.

“Hãy để họ sống sót quay về,” bà lặp lại. “Con xin Người. Tất cả bọn họ.” Thậm chí những nếp nhăn xung quanh hai con mắt của bà cũng đang nắm tay lại và cầu nguyện cùng nhau.

Hẳn là cây đàn xếp đã làm bà thấy nhức nhối, nhưng bà vẫn để nguyên như thế.

Rosa sẽ không bao giờ kể cho Hans biết về những khoảnh khắc như thế, nhưng Liesel tin rằng hẳn những lời cầu nguyện ấy đã giúp Bố sống sót qua tai nạn của LSE ở Essen. Nếu chúng không giúp được gì, thì chắc chắn chúng cũng không làm ông tổn thương.

TAI NẠN

Đó là một buổi chiều trong xanh đến kinh ngạc, và những người đàn ông đang trèo vào bên trong chiếc xe tải. Hans Hubermann vừa mới ngồi xuống chỗ ngồi dành cho mình. Reinhold Zucker đang đứng nhìn xuống ông.

“Tránh ra,” gã ta nói.

“Bitte? Sao cơ?”

Zucker gập người xuống bên dưới mui xe. “Tôi bảo ông tránh ra cơ mà, Đồ lỗ đít này.” Mái tóc dinh dính của gã bết lại thành từng mảng lên trán. “Tôi với ông sẽ đổi chỗ ngồi cho nhau.”

Hans bối rối. Chỗ ngồi đằng sau này hẳn phải là chỗ kém thoải mái nhất trong cả dãy ghế. Đó là chỗ ngồi lùa gió nhiều nhất, lạnh lẽo nhất. “Tại sao thế?”

“Có vấn đề gì không?” Zucker đã mất kiên nhẫn. “Có thể vì tôi muốn là người muốn xuống xe đầu tiên để dùng cái nhà xí.”

Hans nhanh chóng nhận thức được rằng những người còn lại của đơn vị đang quan sát vụ va chạm đáng tiếc giữa hai người đàn ông lẽ ra là phải trưởng thành rồi này. Ông không muốn lép vế, nhưng cũng không muốn cư xử nhỏ mọn. Bên cạnh đó, họ vừa mới kết thúc một ca làm việc đầy mệt mỏi, và ông không có đủ năng lượng để tiếp tục cuộc cãi vã này. Đi lom khom người, ông tới chỗ ngồi còn bỏ trống ở giữa chiếc xe tải.

“Tại sao ông lại nhượng bộ cái đồ đầu tôm[1] đó chứ?” Người ngồi bên cạnh hỏi ông.

[1] Nguyên văn tiếng Đức: Scheisskopf.

Hans bật một que diêm lên và chìa điếu thuốc ra đề nghị ông này hút cùng: “Gió lùa ở chỗ đó cứ thốc thẳng vào tai tôi mãi thôi.”

***

Cái xe tải màu xanh ô liu đang trên đường đi về trại cách đó chừng mười dặm. Brunnenweg đang kể chuyện đùa về một cô hầu bàn người Pháp thì bánh xe trước bên trái bị xịt lốp và người tài xế mất lái. Cái xe lăn tròn nhiều lần, và những người đàn ông trong xe luôn mồm chửi thề khi họ phải nhào lộn giữa không khí, đèn, rác rưởi và thuốc lá. Bên ngoài, bầu trời xanh chuyển từ trần nhà thành sàn nhà, trong khi họ cố gắng leo trèo để tìm cái gì đó mà bấu víu.

Khi xe ngừng lại, tất cả bị dồn về phía thành xe bên phải, mặt họ bị áp chặt vào bộ đồng phục hôi hám của người bên cạnh. Những câu hỏi thăm nhau xem có sao không được chuyền đi cho đến khi một người trong số họ, Eddie Alma, bắt đầu hét lên. “Hãy mang cái thằng khốn khiếp này ra khỏi người tôi ngay!” Anh nói câu đó ba lần, rất nhanh. Anh đang nhìn trừng trừng vào đôi mắt đang trân trối của Reinhold Zucker.

THIỆT HẠI, ESSEN.

Sáu người bị bỏng vì thuốc lá.

Hai người bị gãy tay.

Vài ngón tay bị gãy.

Một cái chân gãy cho Hans Hubermann.

Reinhold Zucker thì bị gãy cổ, cái cổ của hắn nằm trên cùng một đường thẳng với dái tai hắn.

Họ lôi nhau ra cho đến khi chỉ còn lại cái xác trong xe.

Người tài xế, Helmut Brohmann, đang ngồi bệt xuống đất gãi đầu. “Lốp xe,” ông giải thích, “bị nổ.” Vài người ngồi xuống cùng với ông và đồng loạt nói rằng đó không phải là lỗi của ông. Những người khác thì đi loanh quanh hút thuốc, hỏi thăm người ta xem thương tích của họ liệu có đủ tồi tệ để được chấm dứt nghĩa vụ quân sự không. Một nhóm nhỏ khác thì tụ tập lại ở đằng sau chiếc xe tải và nhìn cái xác chết.

Ở chỗ một cái cây, một cơn nhói đau dữ dội vẫn nhói lên nơi chân của Hans Hubermann. “Lẽ ra người đó phải là tôi,” ông nói.

“Cái gì kia?”

Viên trung sĩ giật giọng hỏi lại từ chỗ cái xe tải.

“Anh ta đã ngồi ở chỗ của tôi.”

Helmut Brohmann lấy lại được ý thức của mình và trèo trở lại vào khoang dành cho tài xế. Nằm dài ra, ông ta cố gắng khởi động cái xe, nhưng không có cách nào làm cho nó nhúc nhích được. Một chiếc xe tải khác đã được gửi đến, kiêm luôn nhiệm vụ làm xe cứu thương. Xe cứu thương đã không đến.

“Các anh biết điều đó có nghĩa là gì mà, phải không?” Boris Schipper nói. Họ biết điều đó có nghĩa là gì.

Khi tiếp tục chặng đường quay trở lại trại, mỗi người đều cố gắng không nhìn xuống.

“Tôi đã bảo các anh là chúng ta phải úp sấp mặt anh ta xuống kia mà,” ai đó lên tiếng. Có vài lần, một vài người trong số họ quên khuấy đi mất và đạp chân lên cái thây người. Khi đã đến nơi, tất cả đều cố gắng tránh cái nhiệm vụ lôi cái xác ra khỏi xe. Khi công việc ấy được hoàn tất, Hans thực hiện vài bước đi ngắn trước khi cơn đau đớn nứt ra nơi chân ông và khiến ông gục xuống.

Một giờ đồng hồ sau, một bác sĩ kiểm tra cho ông, và ông được báo là chắc chắn là chân ông đã gãy rồi. Viên trung sĩ đã có mặt ở đó, và đang đứng đó với một nụ cười nửa miệng.

“Nào, Hubermann. Có vẻ như anh đã thoát khỏi cái chốn này rồi, phải không hả?” Ông ta đang lắc lư cái khuôn mặt tròn trịa của mình, hút thuốc, và ông liệt kê ra một danh sách những điều sẽ xảy ra tiếp theo. “Anh sẽ nghỉ ngơi. Người ta sẽ hỏi tôi xem nên làm gì với anh bây giờ. Tôi sẽ bảo họ là anh đã làm rất tuyệt công việc của mình.” Ông phà ra vài cụm khói thuốc. “Và tôi nghĩ là tôi sẽ bảo họ rằng anh không phù hợp cho tổ chức LSE nữa và nên gửi anh về Munich để làm việc bàn giấy hay bất cứ công việc dọn dẹp nào cần phải làm ở đó. Nghe thế nào hả?”

Không thể kìm được một tiếng cười giữa những tiếng rên rỉ đau đớn, Hans đáp. “Nghe tuyệt lắm, Trung sĩ ạ.”

Boris Schipper kết thúc điếu thuốc đang hút. “Đúng là nghe tuyệt lắm chứ, mẹ kiếp. Anh đã gặp may khi tôi thấy thích anh, Hubermann ạ. Anh gặp may khi anh là một người tốt, và rất hào phóng với mấy điếu thuốc lá.”

Trong phòng bên, người ta đang đắp bột để bó vết gãy.
Bình Luận (0)
Comment