Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

Chương 25

Sáng hôm sau, tôi hốt hoảng choàng tỉnh khi mơ thấy mình bị trơ trọi giữa một cái hồ khổng lồ mà không có lấy một con thuyền nào. Tôi ngồi bật dậy, kéo căng đầu dây nối với máy thở BiPAP, và thấy tay Mẹ vỗ về tôi.

“Chào con, con không sao chứ?”

Tim tôi đập thình thịch, nhưng tôi gật đầu. Mẹ nói, “Kaitlyn đang chờ con trên điện thoại đó.” Tôi chỉ vào máy thở BiPAP và bà giúp tôi tháo nó ra, sau đó nối ngay vào Philip và cuối cùng tôi cầm lấy điện thoại di động từ tay Mẹ, “Chào Kaitlyn.”

“Mình chỉ gọi để hỏi thăm xíu,” nhỏ nói. “Xem bồ dạo này thế nào.”

“À, cảm ơn nha,” tôi đáp. “Mình vẫn bình thường.”

“Bồ vừa gặp vận xui đen đủi nên bình thường vậy là được rồi.”

“Mình cũng nghĩ vậy,” tôi nói. Tôi đã không nghĩ nhiều về thời vận của mình là hên hay xui nữa. Thật tình mà nói, tôi không muốn nói chuyên với Kaitlyn về bất cứ điều gì, nhưng nhỏ vẫn ráng kéo dài câu chuyện.

“Vậy chuyện đó như thế nào?” nhỏ hỏi.

“Chuyện bạn trai mình qua đời đó hả? Ừm, tệ lắm.”

“Không,” nhỏ nói. “Chuyện yêu và được yêu cơ.”

“Ồ,” tôi ngại ngùng. “Ờ, thì nó… ở bên cạnh một người thú vị thì rất thú vị. Tuy hai đứa mình rất khác nhau và hay bất đồng ý kiến về rất nhiều thứ, nhưng anh ấy luôn luôn rất thú vị, bồ hiểu không?”

“Trời ơi, mình không được như vậy. Những anh chàng mình quen thì chán ơi là chán.”

“Anh ấy không hoàn hảo gì đâu. Anh không phải là tuýp bạch mã hoàng tử trong chuyện cổ tích. Đôi khi anh ấy cũng cố gắng để được như thế lắm, nhưng thật tình thì mình thích anh nhất là khi anh là chính anh.”

“Thế bồ có một album ảnh lưu niệm và thư tình anh ấy viết không?”

“Mình cũng có chụp một số hình, nhưng thư thì anh chưa bao giờ viết cho mình cả. À, ngoại trừ có một số trang bị xé mất từ sổ tay anh mà có thể là anh viết cho mình, nhưng có lẽ anh đã ném chúng đi hoặc chúng bị thất lạc hay sao đó.”

“Có lẽ anh ấy gửi email cho bồ,” nhỏ gợi ý.

“Không đâu. Nếu có thì mình đã nhận được ở đây rồi.”

“Vậy thì có lẽ chúng không được viết cho bồ đâu,” nhỏ suy luận. “Có thể là… mình không có ý làm bồ buồn đâu nha nhưng có thể anh ấy đã viết chúng cho một người khác và đã gửi chúng –”

“VAN HOUTEN!” Tôi la lên trong điện thoại.

“Bồ ổn chứ? Bộ bồ mới ho hả?”

“Kaitlyn, mình yêu bồ. Bồ quả là một thiên tài. Mình phải đi đây.”

Tôi cúp máy, lăn qua bên kia giường, với tay lấy laptop, bật nút khởi động và bắt đầu viết email cho lidewij. vliegenthart.

Chị Lidewij,

Em tin rằng anh Augustus Waters đã gửi một vài trang tài liệu từ cuốn sổ tay của anh ấy cho chú Peter Van Houten ngay trước khi anh (Augustus) mất. Chuyện có ai đó đọc mấy trang này rất quan trọng với em. Dĩ nhiên là em rất muốn đọc, nhưng có lẽ chúng không phải được viết cho em. Dù sao đi nữa, tài liệu này cần được đọc. Phải tìm đọc cho được. Liệu chị có thể giúp em không?

Bạn của chị,

Hazel Grace Lancaster

Chị trả lời vào cuối chiều hôm đó.

Chào Hazel,

Chị không biết là Augustus đã qua đời. Chị rất buồn khi nghe tin này. Cậu ấy là một chàng trai trẻ rất lôi cuốn người khác. Chị rất tiếc và rất buồn.

Chị đã không nói chuyện với chú Peter kể từ khi chị xin nghỉ việc vào ngày chúng ta gặp nhau lần đầu. Hiện thời bên này đang khuya. Nhưng ngay sáng ngày mai chị sẽ qua nhà chú ấy để tìm lá thư và buộc chú ấy phải đọc nó. Thông thường, buổi sáng là thời gian hoạt động tốt nhất của chú ấy.

Bạn của em,

Lidewij Vliegenthart

T.B Chị sẽ dẫn theo bạn trai phòng trường hợp phải dùng vũ lực để áp chế chú Peter.

Tôi tự hỏi tại sao anh lại viết cho Van Houten trong những ngày cuối đời thay vì cho tôi, rằng Van Houten sẽ được tha thứ nếu như ông ta kể cho tôi nghe phần còn lại của câu chuyện. Có lẽ các trang sổ tay bị xé chỉ lặp lại yêu cầu này đối với Van Houten. Cũng có thể lắm, anh Gus đã tận dụng sự chết chóc của mình để biến giấc mơ của tôi thành sự thật: Phần tiếp theo của Nỗi đau tột cùng là một điều nhỏ nhặt không đáng phải hi sinh đến cùng, nhưng đó là điều lớn nhất còn lại đối với anh.

Khuya hôm đó, tôi kiểm tra email liên tục rồi ráng chợp mắt trong vài giờ, sau đó lại kiểm tra vào khoảng năm giờ sáng. Tuy nhiên không có thư nào mới. Tôi thử bật truyền hình để phân tâm bớt, nhưng suy nghĩ của tôi cứ trôi đến Amsterdam, tưởng tượng cảnh chị Lidewij Vliegenthart cùng anh bạn trai đạp xe lòng vòng quanh thị trấn vì sứ mệnh điên rồ là truy tìm bút tích cuối cùng của một đứa trẻ đã chết. Tưởng tượng đến cảnh ngồi sau chiếc xe đạp cứ xóc lên xóc xuống của chị Lidewij Vliegenthart trên nền đường lát gạch sẽ hào hứng thế nào, mấy ngọn tóc loăn xoăn màu đỏ của chị sẽ bay vào mặt tôi, mùi nước kênh quyện với mùi khói thuốc, cảnh mọi người ngồi ngoài hiên quán cà phê nhâm nhi bia, phát âm những chữ r và g theo một cách mà tôi sẽ không bao giờ học được.

Tôi đã bỏ lỡ tương lai. Rõ ràng là tôi biết ngay cả trước khi bệnh của anh Gus tái phát là mình sẽ không bao giờ được trưởng thành bên Augustus Waters. Tuy nhiên cứ nghĩ về chị Lidewij và bạn trai của chị, tôi lại có cảm giác như mình bị cướp đi một thứ gì đó quan trọng lắm. tôi có lẽ sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy biển từ độ cao chín ngàn thước, cao đến nỗi không thể phân biệt được đâu là sóng biển, đâu là tàu thuyền, khi đó đại dương chỉ là một tảng đá nguyên khối vĩ đại và vô tận. Tôi có thể mường tượng ra khung cảnh đó. Tôi có thể nhớ lại hình ảnh đó. Nhưng tôi không còn có thể nhìn lại tận mắt cảnh đó nữa, tôi chợt nhận ra rằng tham vọng tham lam của con người là không bao giờ thấy đủ khi những giấc mơ trở thành sự thật, bởi vì họ luôn có suy nghĩ rằng mọi chuyện đều có thể làm lại và lần sau sẽ tốt hơn lần trước.

Điều đó có lẽ đúng ngay cả khi bạn sống đến chín mươi tuổi – mặc dù tôi ghen tị với những người thọ đến đó và có cơ hội tự tìm hiểu. Bù lại, tôi đã sống lâu gấp đôi con gái của Van Houten. Định mệnh đã không cho ông ta có con qua đời ở tuổi mười sáu.

Đột nhiên Mẹ đứng chắn giữa ti-vi và tôi, chắp hai tay sau lưng. “Hazel,” bà nghiêm giọng gọi, khiến tôi cứ ngỡ có chuyện gì đó không ổn.

“Dạ?”

“Con có biết hôm nay ngày gì không?”

“Không phải là sinh nhật con, đúng không?”

Bà bật cười. “Chưa đâu. Hôm nay là ngày mười bốn tháng Bảy, Hazel.”

“Vậy có phải là sinh nhật của Mẹ không?”

“Không…”

“Sinh nhật của ảo thuật gia Harry Houdini?”

“Không…”

“Con thật sự thấy mệt khi phải đoán hoài như vậy.”

“HÔM NAY LÀ NGÀY PHÁ NGỤC BASTILLE!” Bà từ từ kéo tay từ sau lưng ra, giơ lên hai lá cờ Pháp tí hon bằng nhựa và hí hửng vung vẩy chúng.

“Cái tên nghe giả giả thế nào ấy. Kiểu như Ngày Nâng Cao Nhận Thức về Bệnh Tả vậy.”

“Mẹ đảm bảo với con, Hazel, không có gì là giả về Ngày Phá Ngục Bastille cả. Con có biết rằng hai trăm hai mươi ba năm trước vào ngày này, người dân Pháp đã xông vào nhà tù Bastille để đấu tranh giành tự do không?”

“Oaaa,” tôi thốt lên. “Chúng ta nên ăn mừng lễ kỷ niệm quan trọng này.”

“Dĩ nhiên phải ăn mừng rồi khi Mẹ vừa lên kế hoạch dã ngoại với Ba con trong Công viên Holliday.”

Bà không bao giờ thôi cố gắng, Mẹ của tôi. Tôi đẩy người đứng dậy khỏi ghế và cùng Mẹ gom một số nguyên liệu làm bánh sandwich và chúng tôi tìm thấy một giỏ mây để dã ngoại bám đầy bụi trong tủ đồ ngoài hành lang.

Đó là một ngày khá đẹp trời, khi mùa hè Indianapolis thật sự đã đến, không khí ấm áp và ẩm ướt – kiểu thời tiết nhắc nhở ta sau một mùa đông dài rằng thế giới này được tạo ra không phải cho loài người, mà chính loài người được tạo ra cho thế giới. Trong bộ suit nâu nhạt, Ba đang đứng chờ mẹ con tôi ở khu đậu xe dành cho người khuyết tật và hí hoáy bấm máy tính cầm tay. Nhác thấy hai mẹ con đậu xe, ông vẫy tay và ôm chầm lấy tôi. “Thật là một ngày đẹp trời,” ông thốt lên. “Nếu nhà mình sống ở California, mọi ngày đều sẽ nắng đẹp như thế này.”

“Ừ, nhưng mà rồi chúng ta sẽ không thích những ngày như thế đâu,” Mẹ nói. Mẹ đã lầm, nhưng tôi không chỉnh lời bà.

Cuối cùng chúng tôi cũng trải tấm phủ dã ngoại bên cạnh tác phẩm Tàn tích, một khối chữ nhật lạ lùng về phế tích La Mã mọc giữa một cánh đồng ở Indianapolis. Tuy nhiên chúng không phải là tàn tích thực: Chúng giống một tác phẩm điêu khắc tái tạo những phế tích được xây dựng cách đây tám mươi năm, nhưng khổi nỗi Tàn tích giả này đã bị bỏ phế khá lâu nên hiện thời chúng nghiễm nhiên trở thành tàn tích thực. Van Houten sẽ thích tác phẩm Tàn tích này. Anh Gus cũng thế.

Và chúng tôi ngồi dưới bóng râm của Tàn tích và ăn trưa nhẹ. “Con có cần kem chống nắng không?” Mẹ hỏi.

“Con không sao,” tôi đáp,

Ở đây có thể nghe thấy tiếng gió thổi xạc xào trong lá và âm vang trong đó là tiếng la hét của những đứa trẻ đang chơi đùa trên khoảng sân phía xa, những đứa trẻ đang tìm cách sống và làm chủ thế giới vốn không được tạo ra cho chúng bằng cách làm chủ một sân chơi. Để ý thấy tôi đang nhìn bọn trẻ, Ba ân cần hỏi: “Con thèm được chạy giỡn loanh quanh như thế hả?”

“Dạ, thỉnh thoảng cũng có.” Nhưng đó không phải là những gì tôi đang nghĩ. Tôi chỉ cố gắng ghi nhớ tất cả mọi thứ: ánh nắng chiếu xiên trên Tàn tích đổ nát, một em bé mới chập chững tập đi đang khám phá một cây cột ở góc sân chơi, người mẹ không biết mệt mỏi của tôi đang rê mù tạt ngoằn ngoèo trên chiếc bánh sandwich gà tây của bà, Ba tôi vỗ nhè nhẹ chiếc máy tính cầm tay trong túi và ráng kìm lòng không lấy nó ra kiểm tra, một gã tung cái dĩa nhựa Frisbee ra xa cho chú cún của hắn rối rít chạy theo, bắt lấy nó và quay lại trả cho hắn.

Tôi là ai mà dám nói rằng những điều này sẽ không thể tồn tại mãi mãi? Peter Van Houten là ai mà dám khẳng định những nỗ lực lao động của con người chỉ mang tính tạm thời? Tất cả những gì tôi biết về thiên đường và tất cả những gì tôi biết về cõi chết đều tập trung trong công viên này: một vũ trụ tao nhã đang không ngừng chuyển động, tràn ngập những tàn tích đổ nát và trẻ em nô đùa la hét inh ỏi.

Ba phẩy tay trước mặt tôi. “Tỉnh lại đi Hazel. Con có nghe không?”

“Con xin lỗi, dạ, sao ạ?”

“Mẹ đề nghị chúng ta đi thăm mộ Gus?”

“Ồ, dạ, dạ được,” tôi tán thành.

Thế là sau khi ăn trưa, chúng tôi lái xe xuống Nghĩa trang Crown Hill, nơi an nghỉ cuối cùng và vĩnh viễn của ba vị phó tổng thống, một vị tổng thống, và anh Augustus Waters. Chúng tôi lái xe lên đồi và đỗ lại. Phía sau chúng tôi, dòng xe cộ lao nhanh vun vút trên Đường Ba mươi Tám. Rất dễ tìm thấy mộ anh: Ngôi mộ mới nhất. Vẫn còn là mộ đất và chưa lập bia.

Tôi không cảm thấy sự hiện diện của anh ở đó hoặc bất cứ điều gì, nhưng tôi vẫn lấy một lá cờ Pháp ngớ ngẩn của Mẹ cắm vào nền đất phía dưới chân mộ anh. Có thể mọi người đi ngang qua sẽ nghĩ anh là một người trong đội lính lê dương của Pháp hay là một tay lính đánh thuê anh hùng nào đó.



Chị Lidewij cuối cùng cũng trả lời thư vào đúng sáu giờ chiều khi tôi đang nằm dài trên ghế xô-pha vừa xem ti-vi vừa xem phim trên laptop. Ngay lập tức tôi thấy có bốn tập tin đính kèm trong email và tôi muốn mở xem chúng đầu tiên. Thế nhưng tôi ráng nén lòng trước sự cám dỗ và đọc thư trước.

Chào Hazel,

Chú Peter đã say khướt khi bọn chị đến nhà chú vào sáng nay, tuy nhiên điều này đã giúp cho công việc của bọn chị dễ dàng hơn một chút. Bas (bạn trai của chị) giữ cho chú phân tâm trong khi chị lục lọi trong mấy túi rác chứa thư của fan hâm mộ mà chú Peter cứ giữ đó. Nhưng sau đó chị sực nhớ ra là Augustus biết địa chỉ nhà chú Peter. Trên bàn ăn lại có một chồng thư to tướng nên chị tìm thấy lá thư rất nhanh chóng. Chị mở nó ra và thấy rằng nó được viết cho chú Peter nên chị yêu cầu chú đọc nó. Chú từ chối.

Lúc đó, chị rất giận, Hazel ạ, nhưng chị đã không la hét gì hết. Thay vào đó, chị nhẹ nhàng nói với chú rằng vì cô con gái đã qua đời của mình, chú phải đọc lá thứ này từ một cậu bé cũng đã qua đời. Rồi chị đưa thư cho chú, sau khi đã đọc toàn bộ những gì đã viết trong đó xong, chú nói với chị rằng – chị xin dẫn nguyên văn lời chú – “Hãy gửi thư này cho cô gái đó và nói với cô ấy rằng tôi không có gì bổ sung.”

Chị đã không đọc lá thư, mặc dù mắt chị cũng có lướt qua một số chỗ trong khi scan các trang viết như tài liệu đính kèm đây. Đồng thời chị cũng sẽ gửi chúng qua đường bưu điện cho em, địa chỉ nhà em vẫn không đổi chứ?

Cầu chúa ban phúc lành và phù hộ cho em, Hazel.

Bạn em,

Lidewij Vliegenthart

Tôi nhấp mở bốn tài liệu đính kèm. Chữ viết tay của anh khá lộn xộn, xiêu vẹo khắp trang giấy, chữ bé chen chữ to, đến màu mực của bút cũng thay đổi lung tung. Hẳn danh đã viết nó trong nhiều ngày với nhiều tâm trạng khác nhau.

Ông Van Houten,

Tôi là một người tốt nhưng là một nhà văn tồi. Ông là một kẻ tồi nhưng lại là một nhà văn tốt. Hợp lại chúng ta có thể là một đội tuyệt vời. Tôi không muốn xin ân huệ gì ở ông hết, nhưng nếu ôn có thời gian – và từ những gì tôi quan sát thì ông có rất nhiều thời gian – tôi đang tự hỏi liệu ông có thể viết một bài điếu văn cho Hazel không. Tôi đã ghi đầy đủ các ý nhưng liệu ông có thể sắp xếp chúng thành một câu chuyện hoàn chỉnh và mạch lạc hay sao đó không? Hoặc thậm chí chỉ cần cho tôi biết tôi cần nói theo cách nào khác.

Đây là câu chuyện về Hazel: Hầu như tất cả mọi người bị ám ảnh với việc để lại một dấu ấn trên cõi đời này. Truyền lại một di sản. Khiến cái chết tồn tại lâu hơn. Tất cả chúng ta đều muốn được người khác nhớ đến. Tôi cũng thế. Nên chuyện làm tôi băn khoăn nhất, là bị lãng quên trong cuộc chiến chống lại bệnh tật xưa như Trái Đất và chẳng mấy vẻ vang này.

Tôi muốn để lại một dấu ấn.

Nhưng ông Van Houten này: Dấu ấn mà con người để lại thường là vết sẹo. Ta xây dựng một siêu thị mini cổ quái, giật dây một cuộc đảo chính hoặc cố gắng trở thành ngôi sao nhạc rock và nghĩ rằng, “Họ sẽ nhớ đến mình,” nhưng (a) họ không nhớ tới ta, và (b) tất cả những gì ta để lại hậu thế càng giống vết sẹo hơn. Cuộc đảo chính của ta sẽ trở thành một chế độ độc tài. Siêu thị của ta sẽ trở thành một thứ phế phẩm.

(Được rồi, có lẽ tôi không phải là một nhà văn tồi. Nhưng tôi không thể gom các ý tưởng của mình lại với nhau, ông Van Houten ạ. Suy nghĩ của tôi như những ngôi sao rời rạc và tôi không có cách nào gom chúng thành từng chòm được.)

Chúng ta giống như một bầy chó tè bậy lên vòi nước cứu hỏa, đầu độc mạch nước ngầm với thứ nước tiểu độc hại của mình, cố đánh dấu CÁI GỌI LÀ CỦA TÔI lên tất cả mọi thứ trong một nỗ lực lố bịch để vượt qua cái chết. Tôi không thể ngừng tè lên vòi nước cứu hỏa. Tôi biết chuyện nghe thật ngớ ngẩn và vô dụng – vô dụng một cách bi thương với tình trạng hiện tại của tôi – nhưng tôi là một con thú như bất kỳ người nào khác.

Hazel thì khác. Cô ấy đi đứng thật nhẹ nhàng, ông nhà văn ạ. Cô ấy cứ đi lại khoan thai trên hành tinh này. Hazel biết được sự thật rằng: Sức phá hoại của chúng ta đối với vũ trụ này ngang ngửa với khả năng hàn gắn nó, và có vẻ như chúng ta chẳng chịu làm gì.

Mọi người sẽ nói thật buồn khi cô ấy để lại một vết sẹo mờ nhạt hơn, khi ít người nhớ đến cô ấy hơn, khi cô ấy được yêu sâu sắc bởi một số ít người chứ không rộng rãi. Nhưng chuyện đó không đáng buồn, ông Van Houten ạ. Đó mới thực là chiến thắng. Đó mới thực là anh hùng. Chẳng lẽ lại không phải là chủ nghĩa anh hùng thực sự hay sao? Giống như các bác sĩ thường nói: Trước tiên là không được gây hại gì.

Dù sao đi nữa, anh hùng thực sự không phải là người làm nên việc, mà chính là người NHẬN THẤY được sự việc và để ý đến nó. Người phát minh ra thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa đã không thực sự phát minh ra bất cứ thứ gì, ông ấy chỉ đơn giản nhận thấy rằng những người bị bệnh đậu mùa ở súc vật thì miễn nhiễm với bệnh đậu mùa.

Sau khi phim chụp cắt lớp của tôi sáng lên cho thấy tế bào ung thư di căn khắp nơi, tôi đã lẻn vào Phòng chăm sóc đặc biệt ICU và nhìn thấy cô ấy đang hôn mê bất tỉnh. Tôi cứ thế đi theo sau một y ta mang bảng tên và ngồi bên cạnh cô ấy trong khoảng mười phút trước khi bị bắt quả tang. Lúc đó tôi cứ nghĩ rằng cô ấy sẽ chết trước khi tôi có thể nói với cô ấy rằng tôi cũng sẽ chết sớm. Thật tàn nhẫn khi chứng kiến một màn chăm sóc đặc biệt đang không ngừng được máy móc hóa. Chất dịch ung thư sẫm màu được rút từ ngực cô ấy. Mắt nhắm nghiền. Khí quản được đặt ống. Nhưng bàn tay cô ấy vẫn vậy, vẫn ấm áp và móng tay gần như bầm đen cả. Tôi ngồi nắm chặt tay cô ấy và cố gắng hình dung ra thế giới này khi không còn hai chúng tôi. Trong khoảng một giây, tôi trở thành người tốt khi hy vọng rằng cô ấy cứ thế nhắm mắt xuôi tay để không bao giờ biết rằng tôi cũng sắp chết. Nhưng sau đó tôi muốn có nhiều thời gian sống hơn, để chúng tôi có thể yêu nhau. Mong muốn của tôi đã thành sự thật, tôi nghĩ vậy. Tôi đã để lại một vết sẹo.

Một chú y tá đến và nói với tôi rằng tôi phải ra ngoài, rằng nơi đó không cho phép khách vào thăm. Tôi hỏi thăm xem cô ấy đã ổn chưa và chú ấy cho biết, “Cô bé vẫn còn bị tràn dịch.” Sa mạc phước lành, đại dương đáng rủa.

Còn gì nữa nhỉ? Cô ấy thật xinh đẹp. Ông sẽ không cảm thấy mệt nhọc khi ngắm nhìn cô ấy. Ông sẽ không bao giờ lo ngại chuyện cô ấy có thông minh hơn mình không: Ông biết câu trả lời mà. Cô ấy khôi hài chứ chưa bao giờ có ý hằn học ai. Tôi yêu cô ấy. Tôi thật may mắn khi yêu cô ấy, ông Van Houten ạ. Trên thế gian này, ta sẽ không lựa chọn nếu biết mình sẽ bị tổn thương, thưa ông nhà văn, nhưng ta vẫn lựa chọn một số người mà ta biết là sẽ làm tổn thương ta. Tôi thích sự lựa chọn của tôi. Tôi hy vọng cô ấy cũng thích sự lựa chọn của cô ấy.

Em đồng ý, anh Augustus.

Em đồng ý.

Lời cảm ơn

Tác giả xin chân thành bày tỏ rằng:

Căn bệnh và các biện pháp chữa trị trong cuốn tiểu thuyết này đều được hư cấu. Chẳng hạn như không có loại thuốc nào mang tên Phalanxifor. Đó là một cái tên do tôi tự đặt ra với ước mong loại thuốc này sẽ có thật. Những độc giả muốn tìm hiểu về lịch sử thực tế của bệnh ung thư, xin hãy đọc cuốn Hoàng đế của mọi bệnh tật (The Emperor of All Maladies) của Siddhartha Mukherjee. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Robert A.Weinberg, tác giả của cuốn Sinh học về ung thư (The Biology of Cancer) cũng như đến Josh Sundquist, Marshall Urist, và Jonneke Hollanders, những người đã chia sẻ với tôi thời gian cùng những kiến thức chuyên môn về y khoa mà tôi dễ dàng bỏ qua khi nảy ra các ý tưởng bất chợt.

Esther Earl, cuộc sống của em là món quà đối với tôi và nhiều người khác. Tôi cũng biết ơn gia đình Earl – Lori, Wayne Abby, Angie, Graham, và Abe – vì lòng quảng đại và tình bạn của họ. Được truyền cảm hứng từ Esther, gia đình Earl đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Ngôi Sao Không Tắt (This Star Won’t Go Out) để tưởng nhớ em. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại trang tswgo.org.

Quỹ Văn học Hà Lan, tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi viết trong hai tháng ở Amsterdam. Tôi đặc biệt biết ơn Fleur van Koppen, Jean Cristophe Boele van Hensbroek, Janetta de With, Carlijn van Ravenstein, Margje Scheepsma, và Hội Nerdfighter Hà Lan (Hội những người tuyệt cú mèo).

Biên tập viên đồng thời là đại diện xuất bản của tôi, Julie Straus – Gabel, cô đã gắn bó cùng câu chuyện này nhiều năm với đủ mọi tình tiết ngoắt ngoéo, cũng như đội ngũ xuất sắc tại Nhà xuất bản Penguin. Đặc biệt gửi lời cảm ơn đến Rosanne Lauer, Deborah Kaplan, Liza Kaplan, Elyse Marshall, Steve Meltzer, Nova Ren Suma, và Irene Vandervoort.

Ilene Cooper, người cố vấn kiêm ‘thần hộ mệnh’ của tôi.

Jodi Reamer, người đại diện của tôi, vì những lời khuyên đã cứu tôi khỏi nhiều thảm họa không kể xiết.

Các Nerdfighter, vì luôn là những cá nhân tuyệt cú mèo.

Catitude, vì chẳng muốn gì khác ngoài việc làm cho thế giới này trở nên đỡ nhàm chán hơn.

Em trai tôi, Hank, người bạn tốt nhất và là người đồng sự thân thiết nhất của tôi.

Vợ tôi, Sarah, không chỉ là tình yêu lớn mà còn là độc giả đầu tiên và đáng tin cậy nhất của tôi. Cùng với con trai tôi, Henry bé bỏng. Ngoài ra còn có bố mẹ tôi, Mike và Sydney Green, và bố mẹ vợ, Connie và Marshall Urist.

Các bạn tôi, Chris và Marina Waters, những người đã giải cứu câu chuyện này ở những thời điểm then chốt, cũng như Joellen Hosler, Shannon James, Vi Hart, Karen Kavett – một người am tường biểu đồ Venn; cùng Valeria Barr, Rosianna Hales Rojas, và John Darnielle.
Bình Luận (0)
Comment