Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

Chương 5

Tôi đã không liên lạc với Augustus trong khoảng một tuần. Lần sau cùng tôi gọi điện thoại cho anh là vào Buổi Tối Đập Phá Cúp, theo lệ thường thì đến lượt anh gọi cho tôi. Nhưng anh chẳng gọi. Và tôi cũng không phải kiểu con gái suốt ngày ôm khư khư điện thoại trong bàn tay ướt đẫm mồ hôi, mắt nhìn chăm chăm vào đèn báo hiệu có cuộc gọi đến trong khi diện chiếc Đầm Vàng Đặc Biệt, kiên nhẫn chờ chàng trai trong mộng – người luôn sống xứng đáng với ‘thanh danh’ của chàng – sẽ gọi điện cho mình vào một ngày đẹp trời nào đó. Thay vì vậy, tôi tiếp tục thói quen sinh hoạt thường ngày của mình: một buổi chiều tôi hẹn đi cà phê với Kaitlyn và bạn trai của nhỏ (trông dễ thương thật nhưng không có ‘chất Augustinô’); mỗi ngày tôi dùng đủ liều Phalanxifor theo chỉ định; tôi đi học vào ba buổi sáng trong tuần tạo MCC; và mỗi đêm tôi đều ăn tối cùng Ba Mẹ.

Vào tối chủ nhật, nhà tôi ăn pizza với ớt chuông và bông cải xanh. Khi cả nhà đang quây quần bên chiếc bàn tròn trong bếp thì nhạc chuông điện thoại của tôi bắt đầu réo vang. Nhưng tôi không được phép bắt máy vì ở nhà có một quy định nghiêm ngặt là không-nghe-điện-thoại-trong-lúc-ăn.

Tôi ngồi nhấm nháp một chút trong khi Ba Mẹ nói về trận động đất vừa xảy ra ở Papua New Guinea. Ngày xưa, hai người gặp nhau tại Peace Corps ở Papua New Guinea. Nên khi có bắt cứ chuyện gì xảy ra, thậm chí là tin xấu, họ bỗng không còn là những người lớn đã ổn định cuộc sống gia đình nữa mà như đột nhiên quay trở lại với thời thanh niên của mình, trẻ trung, tràn đầy lý tưởng, sống tự lập và gặp nhiều gian truân. Và Ba Mẹ phấn khích đến độ chẳng buồn để ý là tôi đang ăn nhanh hơn thường ngày, không ngừng chuyển thức ăn trên đĩa vào miệng với tốc độ tên lửa khiến tôi gần như nghẹn thở. Dĩ nhiên tôi cũng lo lắng nhỡ đâu lại bị tràn dịch màng phổi lần nữa. Tôi cố xua tan ý nghĩ này. Theo lịch, tôi sẽ chụp cắt lớp PET trong vài tuần nữa. Nếu có chuyện chẳng lành thì tôi sẽ sớm biết thôi. Từ giờ đến đó lo lắng cũng chẳng ích gì.

Nhưng tôi vẫn lo lắng. Tôi yêu cuộc sống này và tôi không muốn từ bỏ nó sớm. Tuy nhiên, lo lắng cũng là tác dụng phụ của việc chờ chết.

Cuối cùng cũng ăn xong. Tôi hớn hở thông báo, “Con ăn xong rồi!” trong khi Ba và Mẹ vẫn say sưa thảo luận về ưu – khuyết của cơ sở hạ tầng ở Guinea. Tôi chộp lấy chiếc ví đặt trên quầy bếp, rút điện thoại ra và kiểm tra các cuộc gọi nhỡ vừa rồi. Là Augustus Warters.

Tôi bước ra cửa sau. Trời chạng vạng tối và tôi có thể thấy chiếc đu. Tôi nghĩ đến việc ra đó ngồi, vừa đong đưa vừa tán chuyện với anh, nhưng khoảng cách dường như khá xa đối với cái bụng đang óc ách của tôi.

Thay vào đó, tôi nằm bệt xuống bãi cỏ bên cạnh chiếc ghế hóng mát, ngước nhìn chòm sao Thợ săn, chòm sao duy nhất tôi có thể nhận diện, và gọi cho anh.

“Hazel Grace,” anh chào.

“Chào,” tôi nói. “Anh khỏe không?”

“Khỏe như vâm,” anh đáp. “Anh đã muốn gọi cho em từng phút một nhưng anh ráng chờ đến khi suy nghĩ mạch lạc hơn đối với truyện Nỗi đau tột cùng.” (Anh dùng từ mạch lạc. Anh ấy thực sự nói thế, cái anh chàng đó.)

“Và?” Tôi hỏi.

“Anh nghĩ rằng nó như… Đọc nó, anh cứ có cảm giác giống như, giống như…”

“Giống như gì?” Tôi hỏi vẻ trêu chọc.

“Giống như một món quà á?” Anh ướm lời như dò xét. “Giống như em đã trao cho anh một cái gì đó quan trọng.”

“Ồ,” tôi khẽ thốt lên.

“Xin lỗi, nghe có vẻ khách sáo quá.”

“Không, anh không cần xin lỗi đâu.”

“Nhưng nó thiếu đoạn kết.”

“Ừ!” Tôi đồng tình.

“Thật là một sự tra tấn. Anh có thể đoán được là cô bé đã chết hay bị gì đó.”

“Ừ, tôi cũng đoán vậy,” tôi nói.

“Ừ, okay, thôi được. Nhưng có một thỏa thuận bất thành văn giữa tác giả và người đọc và anh nghĩ rằng không viết đoạn kết cho truyện cũng là vi phạm một phần thỏa thuận đó.”

“Tôi không biết,” tôi đáp, trong lòng thấy muốn bênh vực cho Peter Van Houten. Nói một cách nào đó thì phần kết là một trong những lý do khiến tôi thích cuốn sách này. Nó miêu tả chân thực cái chết. Ta lăn ra chết ở giữa chừng xuân, ngay cả chính giữa một câu. Nhưng tôi cũng — Chúa ơi, tôi cũng thật sự muốn biết chuyện gì xảy ra sau đó đối với tất cả nhân vật khác. Đó là những gì tôi hỏi ông ấy trong thư của mình. Nhưng ông ấy, hây da, ông không bao giờ hồi âm.

“Đúng rồi, em nói ông là một người sống ẩn dật phải không?”

“Dạ phải.”

“Không thể tìm được tung tích.”

“Dạ phải.”

“Hoàn toàn không thể liên lạc,” Augustus nói tiếp.

“Đáng tiếc là đúng vậy đó,” tôi xác nhận.

“‘Thưa anh Waters,’” giọng anh thủng thẳng. “‘Tôi viết thư này để cảm ơn về bức email của anh đã gửi thông qua cô Vliegenthart vào ngày sáu tháng Tư, từ nước Mỹ xa xôi tới mức có thể nói khoảng cách địa lý đã được xóa nhòa trong thời đại số hóa tiên tiến của chúng ta.’”

“Augustus, anh đang đọc cái quái gì thế?”

“Ông ấy có một trợ lý,” Augustus giải thích. “Lidewij Vliegenthart. Anh tìm ra chị này và đã gửi email cho chị. Chị chuyển email cho ông và ông trả lời thông qua tài khoản email của chị ấy.”

“Được rồi, được rồi. Anh mau đọc tiếp đi.”

“Thư phúc đáp của tôi được viết tay bằng bút mực trên giấy theo truyền thống vẻ vang của tổ tiên chúng ta và sau đó được cô Vliegenthart chuyển thành một loạt các ký tự 1 và 0 chạy ngoằn ngoèo trong một mạng lưới tẻ nhạt, mà gần đây đã mê hoặc được loài người chúng ta. Thế nên tôi thành thật xin lỗi cho bất kỳ lỗi chính tả hay thiếu sót nào có thể xảy ra.’”

“‘Với nhiều thú vui chơi giải trí náo nhiệt sẵn sàng phục vụ các thanh niên cô cậu của thế hệ anh, tôi thật vô vàn cảm kích trước bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu đã dành ra vài giờ hiếm hoi để đọc cuốn sách hèn mọn của tôi. Nhưng tôi đặc biệt mang ơn anh, thưa anh, không chỉ vì những lời ca tụng tốt đẹp của anh về cuốn Nỗi đau tột cùng mà còn vì anh đã nhín chút thời giờ để cho tôi biết rằng cuốn sách đó của tôi, ở đây tôi xin trích nguyên văn lời anh, “có ý nghĩa to lớn” với anh.’”

“‘Nhận xét này, tuy nhiên, khiến tôi tự hỏi: Ý anh là gì khi dùng cụm từ có ý nghĩa? Với cuộc đấu tranh sinh tồn mà kết cục sẽ là cửa tử dành cho tất cả chúng ta, liệu tính phù du thoáng qua của ý nghĩa sống mà nghệ thuật đem lại cho chúng ta có giá trị không? Hay sống chỉ mang giá trị đơn thuần là từng ngày trôi qua sao cho thoải mái nhất? Câu chuyện nên phát triển theo chiều hướng nào đây, anh Augustus? Một hồi chuông cảnh tỉnh? Một lệnh tổng động viên? Một liều thuốc giảm đau? Tất nhiên, như tất cả mọi câu hỏi chất vấn khác trên vũ trụ này, thắc mắc này rõ ràng đưa chúng ta đến câu hỏi sống kiếp người có ý nghĩa gì và phải chăng – xin mượn lời của bọn choai choai mười sáu tuổi với ngổn ngang tâm sự lo lắng cho thế giới hỗn độn này, những tâm sự mà chắc chắn khi nghe anh sẽ cười vào mũi chúng – cuộc sống này có ý nghĩa.’”

“‘Tôi e rằng không, anh bạn của tôi. Và tôi không khuyến khích anh cật vấn thêm về văn phong viết lách của tôi. Nhưng để tôi trả lời thẳng thắn câu hỏi của anh: Không, tôi đã không viết thêm gì khác, cũng chẳng định viết nữa. Tôi không thấy việc tiếp tục chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn độc giả sẽ mang lại lợi ích cho họ hoặc cho tôi. Cảm ơn anh một lần nữa về bức email với những lời khen tặng hào phóng ấy.’”

“‘Trân trọng kính chào, Peter Van Houten, thông qua Lidewij Vliegenthart.’”

“Oaaa,” tôi thốt lên. “Anh không bịa đấy chứ?”

“Hazel Grace, liệu anh có thể, với trí tuệ kém cỏi của mình, bịa ra một lá thư từ Peter Van Houten với mấy cụm từ bay bướm như ‘thời đại số hóa tiên tiến của chúng ta’ hay không?”

“Anh không thể đâu,” tôi đồng ý. “Vậy tôi có thể nào… có thể xin địa chỉ email được không?”

“Dĩ nhiên là được rồi,” Augustus nói, cứ như thể đó không phải là món quà ý nghĩa nhất mà tôi từng nhận được.

Tôi mày mò suốt hai giờ để viết một email cho Peter Van Houten. Dường như tôi càng viết, thư càng ẹ hơn, nhưng tôi quá phấn khích đến độ không thể ngăn mình ngừng viết được.

Kính thưa ông Peter Van Houten (Nhờ chị Lidewij Vliegenthart chuyển giúp),

Tôi tên là Hazel Grace Lancaster. Bạn tôi, anh Augustus Waters, người đã đọc cuốn Nỗi đau tột cùng theo lời tôi giới thiệu, vừa nhận được một email của ông theo địa chỉ này. Tôi hy vọng ông sẽ không phiền khi anh Augustus đã chia sẻ nội dung email đó với tôi. Ông Van Houten, theo tôi hiểu từ email ông viết cho anh bạn Augustus là ông không định xuất bản sách nữa. Nói một cách nào đó, tôi vừa thất vọng, vừa nhẹ nhõm: Tôi không phải lăn tăn chuyện cuốn sách tiếp theo của ông liệu có đạt đến mức hoàn hảo tuyệt vời như cuốn đầu tay không. Là một bệnh nhi đã sống sót qua năm thứ ba của căn bệnh ung thư giai đoạn IV, tôi có thể xác nhận rằng ông đã viết rất đúng trong cuốn Nỗi đau tột cùng. Hoặc ít nhất ông viết đúng về bệnh nhi ung thư như tôi. Cuốn sách của ông như đã báo cho tôi biết trước những gì mình sẽ trải qua trước khi tôi thật sự cảm nhận được và tôi đã đọc đi đọc lại hàng chục lần.

Tuy nhiên, tôi tự hỏi không biết ông có thể giải đáp một vài câu hỏi tôi còn băn khoăn về những gì xảy ra sau khi kết thúc truyện không. Tôi hiểu là cuốn truyện kết thúc bởi vì Anna đã chết hoặc sức khỏe quá yếu không thể tiếp tục viết lách. Nhưng tôi thực sự muốn biết những gì xảy ra sau đó với mẹ của Anna – liệu cô ấy có kết hôn với Chú Tulip Hà Lan không, cô ấy có sinh thêm em bé không, và cô ấy vẫn cư ngụ ở số 917 W. Temple chứ, v.v.v Ngoài ra, có phải Chú Tulip Hà Lan là kẻ gian không, hay chú thực sự yêu thương mẹ con họ? Và còn các bạn của Anna – đặc biệt là Claire và Jake, họ còn kết mô-đen với nhau không? Và cuối cùng – tôi nghĩ đây là loại câu hỏi sâu sắc và chín chắn mà ông luôn hy vọng độc giả mình sẽ hỏi – chuyện gì sẽ xảy đến với chú chuột hamster Sisyphus? Những câu hỏi này đã ám ảnh tôi trong nhiều năm – và tôi không biết mình còn sống bao lâu để tìm ra câu trả lời cho chúng.

Tôi hiểu đây không phải là câu hỏi quan trọng mang tính văn chương trong khi cuốn sách của ông tràn ngập các câu hỏi văn chương quan trọng hơn, nhưng tôi thực sự rất muốn biết.

Và tất nhiên, bất cứ khi nào ông quyết định cầm bút lần nữa, ngay cả khi ông không muốn xuất bản thì tôi vẫn rất mong đợi được đọc nó. Thậm chí tôi sẵn sàng đọc danh sách mua hàng tạp hóa của ông.

Một độc giả hâm mộ cuồng nhiệt,

Hazel Grace Lancaster

(16 tuổi)

Sau khi gửi thư, tôi gọi lại cho Augustus và chúng tôi say sưa nói về Nỗi đau tột cùng đến khuya lơ khuya lắc. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ của Emily Dickinson mà Van Houten đã dùng làm tiêu đề. Anh khen nức nở tôi có giọng đọc hay, ngắt nghỉ đúng nhịp chứ không dừng quá lâu. Sau đó anh bảo tập thứ sáu trong bộ Cái giá của Bình minh, cuốn Nợ máu phải trả bằng máu cũng bắt đầu bằng cách trích thơ. Phải mất một lúc để anh lục tìm cuốn sách và cuối cùng anh cũng đọc được đoạn trích cho tôi nghe: “‘Hãy thừa nhận đi nào, đời em đang lao dốc. Nụ hôn cuối em trao/ đã từ năm nảo năm nao.’”

“Cũng hay,” tôi nói. “Hơi màu mè. Tôi tin rằng Max Mayhem sẽ gọi đó là ‘một mớ ẻo lả.’”

“Ừ, với hàm răng nghiến chặt, anh cá luôn. Chúa ơi, Mayhem nghiến răng rất nhiều lần trong bộ tiểu thuyết này. Nếu sống sót qua cả cuộc chiến, chắc ông ấy sẽ bị sái quai hàm mất.” Và sau một giây im lặng, Gus hỏi, “Nụ hôn cuối cùng của em là khi nào?”

Tôi nhớ lại. Mọi nụ hôn của tôi – tất cả đều từ trước khi phát hiện bệnh – đều qua loa vả chẳng thoải mái tí nào. Hơi giống con nít đang chơi trò người lớn. Nhưng tất nhiên chuyện cũng lâu rồi. “Cách đây nhiều năm rồi!” Cuối cùng tôi đáp. “Còn anh?”

“Anh đã có một vài nụ hôn nồng cháy với bạn gái cũ, Caroline Mathers.”

“Cũng cách đây nhiều năm ư?”

“Lần cuối cùng là chưa đầy một năm trước.”

“Chuyện gì đã xảy ra?”

“Trong khi hôn á?”

“Không, với anh và Caroline kìa.”

“À,” anh ngập ngừng. Lại im lặng một giây. “Caroline không còn bị nỗi thống khổ của kiếp người hành hạ nữa.”

“Ồ,” tôi ngỡ ngàng.

“Ừ,” anh đáp.

“Tôi xin lỗi,” tôi nói. Tuy tôi biết rất nhiều người nay đã ‘về nơi chín suối’ nhưng tôi chưa bao giờ hẹn hò với ai trong số đó. Thậm chí tôi còn không tưởng tượng được viễn cảnh đó.

“Không phải lỗi của em, Hazel Grace à. Tất cả chúng ta chỉ là tác dụng phụ, phải không nào?”

“‘Như những con hàu bám chặt con tàu chuyên chở ý thức,’” tôi nói, trích trong NĐTC.

“Okay,” anh kêu. “Anh phải đi ngủ đây. Gần một giờ rồi.”

“Okay,” tôi đáp.

“Okay,” anh nhại lại.

Tôi cười khúc khích và nói, “Okay.” Sau đó đầu dây bên kia im lặng nhưng chưa cúp máy. Tôi gần như cảm thấy anh đang hiện diện trong phòng với tôi. Nhưng theo một cách hay hơn: giống như tôi đã không còn ở trong phòng của tôi và anh cũng chẳng ở trong phòng của anh mà thay vào đó, chúng tôi ở cùng nhau trong một không gian thứ ba vô hình, mong manh và chỉ tồn tại trên điện thoại.

“Okay,” anh nói sau một hồi lâu. “Có lẽ nên đặt okay là mật mã luôn luôn của chúng ta.”

“Okay,” tôi đáp.

Và Augustus là người tắt máy sau cùng.

Peter Van Houten trả lời email của Augustus chỉ bốn giờ sau khi anh gửi nó. Vậy mà đã hai ngày trôi qua. Van Houten vẫn không trả lời tôi. Augustus an ủi tôi là vì email của tôi viết hay hơn và đòi hỏi phải động não nhiều hơn khi phúc đáp, rằng Van Houten đang bận viết câu trả lời cho tôi, và rằng những áng văn xuất sắc luôn cần đầu tư nhiều thời gian. Nhưng tôi vẫn lo lắng.

Vào thứ Tư, tôi nhận được tin nhắn từ Augustus trong tiết học Văn chương Mỹ dành cho Học sinh Không chuyên 101:

Isaac ra khỏi phòng mổ rồi. Phẫu thuật thành công. Hắn cũng chính thức được xác nhận là NEC.

NEC có nghĩa là “không có dấu hiệu của ung thư.” Vài giây sau lại có thêm tin nhắn thứ hai.

Ý anh là, hắn bị mù. Nên thật bất hạnh.

Chiều hôm đó, Mẹ đồng ý cho mượn xe để tôi tự lái đến bệnh viện Memorial thăm anh Isaac.

Tôi tìm đến phòng của anh trên tầng năm, lịch sự gõ cửa phòng dù nó đang mở. Giọng một phụ nữ vọng ra, “Vào đi!” Đó là một y tá đang thao tác gì đó trên miếng băng gạc che kín đôi mắt của anh Isaac. “Hây, chào anh Isaac,” tôi nói.

Anh hấp tấp hỏi, “Monica hả em?”

“Ồ, không phải. Xin lỗi. Không, là em đây, ừm, Hazel. Ừm, Hazel ở Hội Tương Trợ đây. Hazel mà anh gặp vào Buổi-Tối-Đập-Phá-Cúp đó?”

“À,” anh đáp. “Ừ, mọi người cứ nói rằng mấy giác quan khác của anh sẽ nhạy hơn để bù đắp cho thị giác đã mất, nhưng RÕ RÀNG LÀ CHƯA TIẾN BỘ GÌ. Chào em, Hazel Hội Tương Trợ. Nào, em đến đây để anh có thể sờ khuôn mặt em bằng hai tay và nhìn sâu thẳm vào tâm hồn em rõ hơn bất cứ một người sáng mắt nào trên đời xem.”

“Cậu ấy đùa đấy,” cô y tá nói.

“Dạ,” tôi nói. “Em biết mà.”

Tôi bước đến giường anh, kéo một chiếc ghế và ngồi xuống, cầm lấy tay anh. “Em nè,” tôi lên tiếng.

“Ừ,” anh nói và sau đó im lặng một lúc lâu.

“Anh thấy trong người sao rồi?” Tôi bắt chuyện.

“Cũng ổn,” anh đáp. “Anh cũng không biết nữa.”

“Anh không biết chuyện gì?” tôi hỏi. Tôi nhìn bàn tay anh bởi vì tôi không muốn nhìn vào khuôn mặt đang bị miếng băng gạc che ngang phần mắt. Anh Isaac đã gặm móng tay. Tôi thậm chí còn thấy vài ngón rịn máu do bị xước khóe.

“Cô ấy thậm chí không thèm đến thăm anh,” anh nói. “Dù sao tụi anh cũng đã cặp kè nhau suốt mười bốn tháng. Mười bốn tháng là một thời gian dài. Chúa ơi, thật đau lòng mà.” Anh Isaac buông tay tôi ra để mò mẫm máy bơm truyền thuốc của anh. Mỗi lần bấm máy, một lượng thuốc mê sẽ bơm vào cơ thể.

Cô y tá, sau khi đã hoàn tất công tác thay băng, bước lui ra. “Chỉ mới một ngày thôi, Isaac à,” cô nói, có vẻ hơi trịch thượng. Và mười bốn tháng không phải dài lắm đâu, nếu so với những chuyện khác. Cậu cũng chỉ mới bắt đầu thôi, rồi cậu sẽ thấy.”

Cô y tá ra khỏi phòng. “Cô ấy đi chưa em?”

Tôi gật đầu, sau đó nhớ ra là anh không thể nhìn thấy cái gật đầu đó, bèn nói. “Rồi anh.”

“Rồi anh sẽ thấy à? Thật ư? Cô ấy thật sự dám nói vậy à?”

“Những Phẩm chất của một Y tá Tốt. Bắt đầu nào!” Tôi mở đầu.

“1. Không nói kháy về khuyết tật của chúng ta,” anh Isaac nói.

“2. Lấy máu ngay từ mũi tiêm đầu tiên,” tôi tiếp lời.

“Nghiêm túc mà nói thì người đạt phẩm chất này rất hiếm nhé! Đây là cánh tay của anh, chứ không phải tấm bia để tập ném phi tiêu ‘kim tiêm’ đâu! 3. Không ra giọng chiếu cố bệnh nhân.”

“Em thấy khỏe chưa cưng?” Tôi giả giọng ngọt ngào. “Giờ chị sẽ tiêm cho em một mũi nhé, có thể sẽ hơi đau một tẹo nhé cưng.”

“Cậu bé đáng iu của tui đây à?” anh phụ họa. Một lúc sau, anh nói, “Thật ra hầu hết mấy cô y tá đều tốt bụng. Chỉ là anh muốn mau chóng thoát khỏi chỗ này thôi.”

“Chỗ này, ý anh là bệnh viện hả?”

“Cả chuyện đó nữa,” anh thú nhận, quai hàm bạnh ra. Tôi có thể thấy rõ sự đau đớn trong đó. “Thú thật là anh suy nghĩ rất nhiều về Monica, nhiều hơn cả chuyện đôi mắt của anh. Anh điên quá em ha? Thật điên rồ.”

“Chỉ hơi điên một tí thôi,” tôi công nhận.

“Nhưng em biết không, anh tin vào tình yêu đích thực. Anh không tin tất cả mọi người đều có thể giữ mình sáng mắt hay không đổ bệnh hoặc bất cứ tai ương nào, nhưng mọi người cần có tình yêu đích thực. Và tình yêu đó phải bền bỉ, kéo dài đến tận cuối cuộc đời chúng ta, ít ra phải thế.”

“Đúng,” tôi nói.

“Đôi khi anh ước gì mọi chuyện đừng xảy ra. Cái căn bệnh ung thư quái ác này.” Bài phát biểu hùng hồn của anh đứt quãng dần, thuốc mê đã phát huy tác dụng.

“Em rất tiếc,” tôi nói.

“Trước khi em đến, Gus có ghé thăm. Khi anh tỉnh dậy thì thấy hắn. Hắn cúp học. Hắn…” Anh hơi ngoẹo đầu sang một bên. “Nằm vậy dễ chịu hơn,” anh lẩm bẩm.

“Anh đau à?” tôi hỏi. Anh khẽ gật đầu.

“À,” tôi nói. Một chốc sau, như một nhỏ mê trai, tôi dò hỏi: “Anh đang nói dở về anh Gus.” Nhưng anh Isaac đã chìm vào cơn mê.

Tôi đi xuống lầu, đến một cửa hàng nhỏ bán quà tặng. Thấy một cụ bán hàng tình nguyện hom hem đang ngồi trên chiếc ghế đẩu phía sau quầy tính tiền, tôi bèn hỏi mua loại hoa có hương thơm nhất.

“Tất thảy đều tỏa mùi thơm giống nhau vì chúng đã được phun thuốc Siêu Hương Hoa,” bà thành thật nói.

“Ồ, vậy à?”

“Ừ, vừa mới phun hương xong.”

Tôi mở xịch cánh cửa phía bên trái bà cụ, đưa mũi ngửi thử một khóm hồng, rồi cúi người xuống cạnh một bó cẩm chướng. Đúng là cùng một mùi thật, thơm nồng đến ngạt cả mũi. Hoa cẩm chướng rẻ hơn nên tôi mua một chục bông màu vàng, khoảng mười bốn dollar. Tôi quay trở lên phòng; mẹ anh đã đến, cô đang nắm tay con trai mình. Cô còn trẻ và rất đẹp.

“Cháu là bạn nó à?” cô hỏi. Tôi như bị điểm trúng huyệt vì đây là một trong những câu hỏi vu vơ, chung chung nhưng thật khó trả lời.

“Dạ phải,” tôi nói. “Cháu đến từ Hội Tương Trợ. Hoa này cháu mua tặng anh Isaac.”

Cô nhận lấy, đặt bó hoa vào lòng rồi hỏi. “Thế cháu có biết Monica không?”

Tôi lắc đầu không biết.

“Chậc, thằng bé đang ngủ,” cô nói.

“Dạ lúc nãy cháu đã nói chuyện với ảnh rồi, lúc y tá đang thay băng cho ảnh.”

“Cô chẳng muốn bỏ lại thằng bé một mình những lúc như thế. Nhưng cô phải đến trường đón em Graham,” mẹ anh tâm sự.

“Anh ấy không sao đâu,” tôi an ủi. Cô gật đầu. “Thôi, cháu nên để cho anh ngủ yên giác.” Cô lại gật đầu lần nữa. Tôi bèn ra về.

Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm và việc đầu tiên là kiểm tra email.

[email protected] cuối cùng đã trả lời tôi.

Kính gửi chị Lancaster

Tôi e rằng niềm tin của chị đã bị đặt nhầm chỗ - nhưng niềm tin thường hay bị thế. Tôi không thể trả lời các câu hỏi của chị, ít nhất là không thể viết thành văn bản. Bởi vì viết ra câu trả lời như vậy sẽ vô tình tạo thành phần tiếp theo của cuốn Nỗi đau tột cùng. Và chị có thể công bố hoặc chia sẻ trên thế giới mạng, một thế giới đã thay thế bộ não của thế hệ chị. Tôi cũng có thể trả lời qua điện thoại, nhưng chị vẫn có thể ghi âm cuộc trò chuyện. Không phải là tôi không tin tưởng chị, nhưng tất nhiên tôi không có cơ sở gì để tin chị cả. Chao ôi, thưa chị Hazel, tôi không bao giờ có thể trả lời những câu hỏi như vậy, ngoại trừ trường hợp gặp mặt trực tiếp. Nhưng chị ở bên đó, còn tôi đang ở bên này.

Cũng xin thú thật rằng tôi rất vui khi bất ngờ nhận được thư của chị gửi thông qua cô Vliegenthart. Thật kỳ diệu khi biết rằng tôi đã làm một điều gì đó hữu ích cho chị - mặc dù cuốn tiểu thuyết đó với tôi dường như quá khác lạ đến mức tôi cảm giác như một người khác đã viết toàn bộ tác phẩm ấy. (Tác giả của cuốn tiểu thuyết đó rất mảnh khảnh, rất mong manh và hơi bị lạc quan!)

Tuy nhiên, nếu chị có đến Amsterdam, xin vui lòng ghé thăm tôi lúc rỗi rãi. Tôi thường ở nhà suốt. Khi đó thậm chí tôi còn cho chị xem qua danh sách mua đồ tạp hóa của tôi.

Trân trọng,

Peter Van Houten

nhờ cô Lidewij Vliegenthart chuyển giúp

“CÁI GÌ?!” Tôi hét toáng lên. “SAO THẾ NÀY?”

Mẹ chạy vào. “Chuyện gì vậy con?”

“Không có gì,” tôi trấn an bà.

Vẫn còn lo lắng. Mẹ quỳ xuống kiểm tra Philip để đảm bảo máy vẫn đang tụ đủ ô-xy cho tôi. Tôi tưởng tượng mình ngồi tại một quán cà phê chan hòa ánh nắng với Peter Van Houten. Ông chống khuỷu tay, hơi chồm người qua bàn và thì thào nói để tránh người khác nghe lỏm sự thật về những gì đã xảy ra với các nhân vật mà tôi đã trăn trở suy tư trong mấy năm qua. Ông đã nói không thể cho tôi biết, ngoại trừ gặp trực tiếp. Ông còn mời tôi sang Amsterdam. Tôi kể cho Mẹ nghe rồi tuyên bố, “Con phải đi.”

“Hazel, Mẹ yêu con. Và con biết đấy. Mẹ sẽ làm bất cứ điều gì cho con. Nhưng nhà mình – nhà mình không đủ tiền để đi du lịch nước ngoài, cũng như chi phí vận chuyển các thiết bị trợ thở qua đó – con cưng, việc đó thật sự không—”

“Dạ,” tôi ngắt lời Mẹ. Tôi nhận ra mình thật ngớ ngẩn khi chẳng thèm nghĩ đến chuyện tiền nong. “Mẹ đừng lo lắng về chuyện này.” Nhưng bà trông thật lo lắng.

“Chuyện này thực sự rất quan trọng với con, đúng không nào?” Vừa hỏi bà vừa ngồi xuống, âu yếm đặt một tay lên đùi tôi.

“Thật tuyệt vời,” tôi thành thật đáp, “khi là người duy nhất biết được những gì xảy ra, ngoại trừ chính tác giả.”

“Ừ, cũng tuyệt thật,” bà nói. “Để Mẹ bàn với Ba xem sao.”

“Thôi Mẹ ơi, thôi khỏi đi Mẹ,” tôi từ chối. “Con nói thật đó! Con xin Mẹ, đừng phí tiền vô chuyện này. Con sẽ nghĩ cách khác.”

Tôi chợt ý thức rằng lý do Ba Mẹ tôi không có tiền là vì tôi. Tôi nuốt dần các khoản tiền tiết kiệm của gia đình vì thần dược Phalanxifor, dù đã được bảo hiểm hỗ trợ một phần. Riêng Mẹ tôi không thể tiếp tục đi làm bởi vì bà quyết định bỏ việc để theo đuổi sự nghiệp Lảng Vảng Bên Tôi toàn thời gian. Tôi không muốn đẩy ông bà lún sâu thêm vào nợ nần.

Tôi nói với Mẹ là tôi muốn gọi điện thoại cho Augustus nhằm mời khéo bà ra khỏi phòng. Bởi tôi không thể chịu được vẻ mặt buồn bã tôi-không-thể-biến-giấc-mơ-của-con-gái-yêu-thành-sự-thật của bà.

Đúng tác phong của Augustus Waters, tôi đọc cho anh nghe lá thư thay vì chào anh.

“Oaaa,” anh thốt lên.

“Bất ngờ, đúng không?” Tôi nói. “Làm sao để tôi sang Amsterdam đây?”

“Em có một Điều Ước mà?” Anh hỏi, nhắc đến một tổ chức tên là Quỹ Genie, chuyên ban tặng cho các bệnh nhi một điều ước.

“Không được,” tôi nói. “Tôi sử dụng Điều Ước trước khi Phép màu xảy ra rồi.”

“Thế em đã làm gì?”

Tôi thở dài đánh sượt rồi nói, “Khi ấy tôi chỉ mới mười ba tuổi.”

“Đừng nói là Disney,” anh đoán.

Tôi im lặng.

“Em đã không đến Disney World chứ?”

Tôi vẫn im lặng.

“Hazel GRACE!” anh hét lên. “Em đã không sử dụng Điều Ước duy nhất trước phút lâm chung của mình để đến Disney World cùng với ba mẹ đấy chứ?”

“Còn có Trung tâm Epcot nữa,” tôi lí nhí nói.

“Ôi, Chúa ơi,” Augustus thốt lên. “Anh không thể tin anh đã phải lòng một cô gái với những điều ước rỗng tuếch như vậy.”

“Khi đó tôi mới mười ba,” tôi lập lại lần nữa, mặc dù trong đầu chỉ ong ong mấy từ phải lòng, phải lòng, phải lòng, phải lòng, phải lòng. Tuy lấy làm khoan khoái trong lòng, nhưng tôi nhanh chóng thay đổi chủ đề. “Không phải anh đang ở trường sao?”

“Anh trốn học để ra chơi với Isaac, nhưng hắn đang ngủ. Nên anh đang ở ngoài sân giải bài hình học.”

“Anh Isaac thế nào rồi?” Tôi hỏi thăm.

“Anh không rõ là phải chăng hắn vẫn chưa sẵn sàng để đối mặt với thực tế phũ phàng là mình đã bị mù vĩnh viễn, hay là hắn chỉ đang chăm chăm nghĩ đến việc bị nàng Monica đá. Nhưng hắn chẳng nói gì khác hơn ngoài chuyện đó.”

“Ừa,” tôi nói. “Ảnh còn nằm viện trong bao lâu vậy?”

“Vài ngày à. Sau đó hắn phải đến trung tâm phục hồi gì đó một thời gian, nhưng hắn được về nhà ngủ, anh nghĩ vậy.”

“Chán nhỉ!” tôi nói.

“Anh thấy mẹ hắn rồi. Anh phải đi đây.”

“Okay,” tôi nói.

“Okay,” anh đáp lời. Tôi có thể nghe thấy nụ cười ranh mãnh của anh.

Vào thứ Bảy, cả nhà tôi kéo nhau đi chợ nông sản ở Broad Ripple. Đó là một ngày nắng đẹp, rất hiếm thấy vào tháng Tư ở bang Indiana này. Dù trời nắng oi ả nhưng mọi người ở chợ nông sản đều mặc áo cộc tay. Chúng tôi, những người sinh trưởng tại Indiana, thường rất lạc quan về mùa hè. Mẹ và tôi ngồi cạnh nhau trên một băng ghế đối diện với gian hàng chuyên sản xuất xà phòng từ sữa dê. Phía sau gian hàng, ông chủ tiệm cứ luôn miệng giải thích cho từng vị khách đi qua là xà phòng được làm từ sữa dê do ông nuôi, và không, xà phòng sữa dê không nặng mùi như thịt dê.

Điện thoại của tôi réo rắt. “Ai vậy con?” Mẹ hỏi trước khi tôi kịp kiểm tra.

“Con không biết,” tôi đáp. Và đó là Gus gọi đến.

“Em có đang ở nhà không?” Anh hỏi.

“Ừm, dạ không,” tôi nói.

“Đó là một câu hỏi gài bẫy. Anh biết câu trả lời rồi vì anh đang đứng trước cửa nhà em đây.”

“Ồ, vậy à. Ừ, cả nhà tôi cũng đang trên đường về đây.”

“Thế thì hay quá. Lát nữa gặp em nhé!”

Augustus Waters đang ngồi trên bậc thềm trước cửa khi chúng tôi quẹo xe vào nhà. Hôm nay anh mặc một chiếc áo thể thao của đội bóng rổ Indiana Pacers, bên ngoài khoác áo lông cừu. Thật là một lựa chọn phối đồ dường như hoàn toàn lạc điệu, mặc dù trông anh vẫn bảnh. Trên tay anh cầm bó tulip màu cam, những nụ hoa vừa hé nở. Anh đẩy mình đứng dậy khỏi thềm cửa, chìa bó tulip tặng tôi và hỏi: “Em có muốn đi dã ngoại với anh không?” Tôi gật đầu, cầm lấy bó hoa.

Ba bước đến sau tôi và bắt tay Gus.

“Áo của Rik Smits à?” Ba tôi hỏi.

“Dạ đúng ạ.”

“Chúa ơi, bác hâm mộ anh này lắm!” Ba tôi thốt lên. Thế là ngay lập tức, cả hai bị cuốn vào câu chuyện bóng rổ. Tôi không thể (và cũng không muốn) tham gia đề tài này, nên tôi mang bó tulip vào nhà.

Mẹ cười thật rạng rỡ khi tôi bước vào. Bà hỏi, “Con có muốn Mẹ cắm hoa vào bình không?”

“Dạ không, được rồi Mẹ.” tôi đáp. Nếu cắm chúng vào bình rồi đặt trong phòng khách thì sẽ là hoa của mọi người. Tôi muốn hoa là của riêng tôi cơ.

Tôi đi về phòng mình nhưng không thay đồ ra. Tôi đánh răng, chải tóc, thoa một chút son bóng và xịt tí ti nước hoa. Tôi vẫn nhìn đăm đắm mấy bông hoa tulip. Sắc cam của chúng thật khiêu khích, quá sặc sỡ để có thể gọi là đẹp. Tôi không có bình cắm hoa trong phòng. Thế nên tôi rút bàn chải đánh răng ra khỏi lọ, đổ một ít nước, cắm hoa tulip vào rồi để trưng trong phòng tắm.

Bước ra khỏi phòng tắm, tôi có thể nghe tiếng mọi người nói chuyện lao xao bên ngoài. Tôi bèn đến ngồi bên mép giường và lắng tai nghe qua khe cửa:

Ba: “Hóa ra cháu gặp Hazel ở Hội Tương Trợ.”

Augustus: “Dạ đúng, thưa bác. Nhà mình trang trí xinh quá. Cháu thích mấy tác phẩm nghệ thuật của hai bác.”

Mẹ: “Cám ơn cháu, Augustus.”

Ba: “Cháu cũng là bệnh nhân ung thư à?”

Augustus: “Dạ đúng ạ. Chúa chưa cắt đuôi được cái gã ung thư này để tận hưởng niềm vui trọn vẹn mặc dù gã là một chiến lược giảm cân tuyệt vời. Chân cẳng thì nặng nề lắm ạ!”

Ba: “Vậy giờ sức khỏe của cháu thế nào rồi?”

Augustus: “Cháu được xác nhận NEC trong mười bốn tháng rồi.”

Mẹ: “Thật tuyệt. Những phương pháp điều trị ngày nay – thực sự đáng nể.”

Augustus: “Cháu biết ạ. Cháu thật may mắn.”

Ba: “Nhưng cháu phải hiểu là Hazel vẫn còn bệnh, Augustus à, trong suốt quãng đời còn lại của con bé. Con bé hẳn muốn theo kịp cháu, nhưng phổi con bé—”

Đúng thời điểm đó, tôi xuất hiện khiến Ba im bặt.

“Thế hai đứa sẽ đi đâu vậy?” Mẹ hỏi. Augustus đứng lên và nghiêng người về phía Mẹ, thì thầm câu trả lời, rồi giơ một ngón tay lên miệng ra hiệu. “Suỵt,” anh nói với bà. “Đó là bí mật.”

Mẹ mỉm cười. “Con có mang theo điện thoại chưa?” bà hỏi tôi. Tôi giơ nó lên cho Mẹ thấy rồi cài giá đỡ bình ô-xy lên bánh xe và bắt đầu đi ra. Augustus lật đật bước theo và chìa tay ra cho tôi. Tôi khoác tay anh, mấy ngón tay ôm chặt lấy bắp tay săn chắc của anh.

Thật xúi quẩy là anh cứ nằng nặc đòi cầm lái. Và tài lái xe của anh chẳng khá khẩm hơn. Trong khi chiếc xe cứ cà giật cà xình bò đến điểm hẹn bí mật, tôi nhận xét, “Anh làm Mẹ tôi mê tít thò lò.”

“Ừ. Còn ba em lại là fan hâm mộ của Smits nên cũng dễ bắt chuyên. Thế em có nghĩ hai bác thích anh không?”

“Chắc thế rồi. Nhưng quan tâm làm gì, chỉ là hai bậc phụ huynh thôi mà.”

“Hai bác là phụ huynh của em mà,” anh nói, liếc nhìn tôi. “Thêm vào đó, anh khoái được yêu thích. Nghe tửng quá ha?”

“Thôi nào, anh không cần phải vội tỏ ra lịch thiệp hay khen tôi nức nở để lấy lòng tôi.” Anh chợt đạp mạnh phanh khiến tôi lao thẳng về phía trước. Tôi cảm giác hơi thở của mình gấp gáp và kỳ quặc. Tôi nghĩ đến lịch hẹn chụp PET. Đừng lo lắng, có lo lắng cũng vô ích thôi. Tuy vậy, tôi vẫn lo lắng. Chiếc xe thắng lết bánh và gầm rú trước khi rẽ trái tại một bảng hiệu ‘Xin dừng!’ để lên khu Cảnh quan Hùng vĩ (có lẽ bị đặt nhầm tên vì tuy nhìn ra cảnh quan một sân golf thật, nhưng chẳng có gì đáng gọi là hùng vĩ cả). Điều duy nhất tôi có thể nghĩ ra khi rẽ theo hướng này là đến nghĩa trang. Augustus với tay lên bộ điều khiển trung tâm, mở một gọi thuốc lá còn đầy và rút một điếu ra.

“Anh có bao giờ vứt gói thuốc nào chưa?” Tôi thắc mắc.

“Một trong những vô vàn lợi ích của việc không hút thuốc là gói thuốc sẽ tồn tại vĩnh viễn,” anh hóm hỉnh. “Anh mua gói này gần một năm rồi và một vài điếu đã bị gãy ngang đầu lọc. Nhưng anh tin bao thuốc này sẽ đồng hành với anh qua sinh nhật lần thứ mười tám đấy.” Kẹp đầu lọc giữa các ngón tay, anh thong thả đưa điếu thuốc vào miệng. “Ừ, vậy đó,” anh nói tiếp, “Được rồi, giờ hãy kể những điều mà em chưa tận mắt thấy trong thành phố Indianapolis này xem.”

“Ừm. Người lớn bị suy dinh dưỡng,” tôi trêu anh.

Anh phá ra cười. “Khá lắm! Tiếp xem nào!”

“Ừm, bãi biển. Các quán ăn gia đình. Địa hình địa vật.”

“Đều là những ví dụ tuyệt vời về những gì chúng ta thiếu. Còn nữa, văn hóa.”

“Ừ, chúng ta không có một nền văn hóa lâu đời,” tôi đáp, đồng thời cũng nhận ra địa điểm mà anh muốn dẫn tôi tham quan. “Chúng ta đang đến bảo tàng à?”

“Đúng một phần.”

“Ồ, chúng ta đang đến công viên gì đó phía sau bảo tàng phải không?”

Trông Gus hơi tiu nghỉu. “Ừ, chúng ta đang trên đường đến công viên gì đó phía sau bảo tàng. Em đoán ra rồi hả?”

“Ơ, đoán ra gì cơ?”

“Không có gì.”

Sau lưng bảo tàng có một công viên, nơi các nghệ sĩ điêu khắc tề tựu và sáng tác những tác phẩm khổng lồ. Tôi từng nghe về công viên này nhưng chưa có dịp viếng thăm. Chúng tôi lái xe ngang qua bảo tàng và đậu ngay bên cạnh một sân bóng rổ giăng đầy các vòng cung thép khổng lồ màu xanh và đỏ, khiến người ta hình dung đến một đường bóng đang nảy.

Chúng tôi đi bộ vượt qua một ngọn đồi theo cách gọi của dân Indianapolis xuống một khoảng đất trống, nơi có rất nhiều em nhỏ đang leo trèo trên một bộ xương điêu khắc to quá khổ. Mỗi khối xương đều cao ngang hông, riêng khúc xương đùi thậm chí còn dài hơn cả tôi. Toàn bộ tác phẩm trông giống như một bức vẽ bộ xương nguệch ngoạc của con nít nhô lên từ mặt đất.

Tôi thấy đau ở vai và lo sợ có lẽ tế bào ung thư phổi đã lây lan. Tôi tưởng tượng các khối u di căn vào xương, như một con lươn đang trườn bên trong với ý định ngấm ngầm đục khoét tủy xương của tôi. Bộ Xương Tân Thời, Augustus đọc bảng ghi chú. “Được tạc bởi Joep Van Lieshout.”

“Nghe giống tên Hà Lan nhỉ.”

“Ông ấy đúng là người Hà Lan,” Gus đáp. “Giống Rik Smits. Và mấy bông hoa tulip nữa.” Gus dừng lại ở giữa khoảnh đất, ngay trước tác phẩm xương khổng lồ, và cởi ba lô trên vai ra. Anh mở khóa kéo, lấy ra một tấm phủ màu cam, nửa lít nước cam, và một vài lát bánh mì sandwich đã được cẩn thận cắt bỏ lớp vỏ bánh khô và gói gọn trong giấy kiếng.

“Sao toàn màu cam không vậy?” Tôi hỏi, vẫn không muốn đẩy trí tưởng tượng đi quá xa theo kiểu sắc màu này sẽ dẫn đến Amsterdam.

“Dĩ nhiên phải thế, màu của quốc kỳ Hà Lan mà. Em có nhớ William da cam và câu chuyện về ông ấy không?”

“Ông này không có trong bài thi Giáo dục đại cương GED.” Tôi mỉm cười, cố gắng kiềm chế sự phấn khích của mình.

“Em ăn bánh mì sandwich không?” Anh hỏi.

“Để tôi đoán xem có gì trong đó nha,” tôi tinh nghịch.

“Phô mai Hà Lan và cà chua. Nhưng cà chua nhập khẩu từ Mexico. Anh xin lỗi.”

“Anh luôn khiến tôi thất vọng, Augustus. Ít ra anh cũng mua cà chua cam chứ?”

Anh bật cười. Chúng tôi cùng nhấm nháp sandwich trong im lặng, ngắm nhìn những đứa trẻ đang đùa nghịch trên các tác phẩm điêu khắc. Tôi không tiện hỏi anh về ý nghĩa đằng sau màu cam nên tôi chỉ ngồi giữa sắc màu rất Hà Lan đó, trong lòng xao xuyến và thấp thỏm hy vọng.

Phía đằng xa, tắm mình dưới ánh mặt trời rực rỡ rất hiếm hoi và quý giá tại quê hương chúng tôi, lũ trẻ đã biến kiệt tác bộ xương thành sân chơi của chúng, hào hứng chui qua chui lại giữa các khối xương điêu khắc.

“Cả hai điều anh thích về tác phẩm điêu khắc này,” Augustus nói. Anh đang kẹp điếu thuốc không-bao-giờ-được-châm giữa các ngón tay, búng búng nó như thể đang gạt tàn rồi ngậm lại trên miệng. “Thứ nhất là các khối xương được sắp đặt trong một khoảng cách vừa tầm, sao cho con nít cứ gặp là sẽ thích thú nhảy nhót trong đó. Giống như bọn chúng có thể dễ dàng từ xương sườn nhảy phóc lên xương hộp sọ. Điều này đồng nghĩa với việc, thứ hai, tác phẩm điêu khắc này thực chất nhằm khuyến khích trẻ em chơi với xương. Và những hình ảnh biểu trưng này sẽ tồn tại vĩnh viễn theo thời gian, Hazel Grace à.”

“Anh có vẻ thích các biểu tượng nhỉ!” Tôi nói, hy vọng hướng cuộc trò chuyện quay trở lại những biểu tượng mang màu sắc Hà Lan của buổi dã ngoại.

“Đúng rồi, nói về biểu tượng. Có lẽ em đang tự hỏi sao mình phải ăn một cái bánh sandwich phô mai dở òm, uống nước cam ép và tại sao anh lại mặc áo thể thao của một vận động viên Hà Lan trong môn thể thao mà anh ghét cay ghét đắng.”

“Tôi có nghĩ đến chuyện này,” tôi thú nhận.

“Hazel Grace, giống như rất nhiều trẻ em trước đó – anh xin nói điều này bằng một tình cảm chân thành – là em đã sử dụng Điều Ước quá vội vã mà chẳng bận tâm đến hậu quả sau đó. Thần Chết lởn vởn trước mặt em cùng nỗi sợ sẽ sớm lìa đời mà vẫn chưa sử dụng Điều Ước trong túi đã khiến em vội vàng chọn thứ em nghĩ ra trong đầu. Và em, cũng như mọi đứa trẻ khác, đã chọn niềm vui tầm thường và giả tạo của công viên giải trí.”

“Tôi thực sự đã có một khoảng thời gian tuyệt vời trong chuyến đi đó. Tôi đã gặp Goofy và Minn—”

“Anh chưa xong bài độc thoại mà! Anh đã viết bài phát biểu hùng hồn này ra giấy và học thuộc lòng nó. Nên nếu em cắt lời anh thì anh sẽ quên sạch sành sanh,” Augustus chen ngang. “Xin cứ thưởng thức miếng sandwich của em và lắng nghe thôi.” (Miếng bánh sandwich đã chai ngắc chai ngơ nhưng tôi vẫn mỉm cười và cắn một miếng.) “Okay, anh nói tới đâu rồi?”

“Niềm vui giả tạo.”

Anh cất điếu thuốc vào trong bao. “Phải rồi, niềm vui tầm thường và giả tạo của công viên giải trí. Nhưng anh xin trịnh trọng trình bày rằng những anh hùng thực sự của Công Xưởng Sản Xuất Điều Ước là những người đang ở độ tuổi thanh xuân. Họ sẵn sàng chờ đợi như Vladimir và Estragon chờ đợi Godot trong vô vọng hay như những thiếu nữ Kitô giáo thánh thiện chờ đợi hôn nhân. Những vị anh hùng trẻ tuổi kiên nhẫn chờ đợi, mà không hề ca thán, đến ngày nào đó một Điều Ước thật sự sẽ xuất hiện. Có thể Điều Ước sẽ không bao giờ xuất hiện nhưng ít nhất họ có thể ‘nhắm mắt xuôi tay’ yên nghỉ dưới mồ vì biết rằng sự vẹn nguyên của Điều Ước như một lí tưởng.

“Nhưng ngược lại, có thể ý định đó sẽ xuất hiện một ngày nào đó: Có thể em sẽ nhận ra rằng Điều Ước thật sự của em là viếng thăm Peter Van Houten đang sống ở Amsterdam. Khi đó, em sẽ vui sướng biết bao khi đã bảo lưu Điều Ước của mình.”

Augustus dừng lại đủ lâu để tôi nhận ra bài độc thoại đã kết thúc. “Nhưng tôi đã không bảo lưu Điều Ước của mình,” tôi buồn bã nói.

“Ừ,” anh đáp. Và sau một lúc im lặng, như một quãng ngắt nhịp cố ý, anh nói thêm, “Nhưng anh còn.”

“Thật không?” Tôi ngạc nhiên rằng Augustus cũng hội đủ điều kiện được ban tặng Điều Ước, khi anh vẫn đang đến trường và bệnh tình cũng đã thuyên giảm một năm rồi. Người nào phải bệnh rất trầm kha thì mới được các vị thần Genie ban tặng cho Điều Ước nhằm vực dậy tinh thần bệnh nhân.

“Anh phải đánh đổi chân mình để nhận Điều Ước,” anh giải thích. Ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt khiến anh phải nheo mắt nhìn tôi. Khi đó, mũi anh chun lại trông thật đáng yêu. “Bây giờ, không phải là anh sẽ tặng em Điều Ước của anh đâu. Nhưng anh cũng muốn đến gặp Peter Van Houten. Và thật không còn ý nghĩa nếu anh đi gặp ông mà không có cô gái đã giới thiệu cuốn sách của ông cho anh đi cùng.”

“Chắc chắn là không rồi,” tôi nói.

“Vì vậy, anh đã trao đổi với các vị thần Genie và họ hoàn toàn đồng ý. Họ cho biết Amsterdam rất đẹp vào đầu tháng Năm. Họ đề nghị nên đi vào ngày ba tháng Năm và trở về ngày bảy tháng Năm.”

“Augustus, thật chứ?”

Anh đưa tay lên chạm vào má tôi và trong một tích tắc tôi nghĩ rằng anh sẽ hôn tôi. Cả người tôi căng ra, và tôi nghĩ anh cũng nhận thấy thế vì anh rút tay về.

“Augustus,” tôi nói. “Thật ra, anh không cần làm vậy.”

“Dĩ nhiên,” anh đáp. “Nhưng anh đã tìm thấy Điều Ước cho chính mình.”

“Ôi Chúa ơi, anh thật tuyệt vời!” Tôi khen anh.

“Anh cá là em sẽ nói thế với mọi chàng trai nào tài trợ cho em đi du lịch nước ngoài,” anh trêu.
Bình Luận (0)
Comment