Khoảng Cách Của Người

Chương 50

Suốt mấy ngày hôm nay, Đình Sương cứ rảnh là lại lên mạng ngắm ảnh chó. Cậu đang nghiên cứu xem mình và Bách Xương Ý nên nuôi giống chó nào thì hợp.

Đầu tiên là phải đẹp, thứ hai là phải thông minh giống như sếp Bách dị đó.

“Sếp Bách, anh cảm thấy mình giống loài chó nào?” Đình Sương hỏi Bách Xương Ý.

Bách Xương Ý đang đọc sách, nghe vậy thì giương mắt bảo: “Anh cảm thấy em muốn ăn đòn.”

“Đừng mà, anh nghĩ nhanh lên rồi trả lời em.” Đình Sương ném chuột qua một bên, ngồi vào trên đùi Bách Xương Ý: “Em hỏi thật đấy.”

“Anh cũng nói thật đấy.” Bách Xương Ý đáp.

“Thế em tự nghĩ vậy.” Đình Sương té về chỗ để laptop: “… Đang muốn thương lượng với anh một chút.”

Ánh sáng trên màn hình không ngừng thay đổi, chiếu vào bên trong đôi mắt của Đình Sương, làm cho người ta cảm giác được sự mong chờ của cậu.

Bách Xương Ý nhìn Đình Sương một lúc, rồi bảo: “Chuyện này em lo hết đi, anh không quản đâu đấy.”

“Hả? Chuyện nào?” Đình Sương vẫn đang dán mắt vào màn hình máy tính.

“Chuyện nuôi chó.” Bách Xương Ý đi tới, giao cho Đình Sương một tấm thẻ tín dụng: “Chọn giống chó gì, mua ở đâu hay nhận nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh với gắn chip, đóng thuế cho chó, mua bảo hiểm cho chó… những việc này đều là trách nhiệm của em.”

Trách nhiệm khiến con người ta trưởng thành hơn.

Theo ý của Bách Xương Ý, muốn làm chuyện gì thì bản thân phải tự mình nỗ lực hoàn thành. Cách duy nhất để thoát khỏi cảm giác vô năng chính là kinh nghiệm thành công, dù cho đấy chỉ là một thành công nho nhỏ, nhưng nó cũng sẽ khắc sâu vào trải nghiệm cuộc sống.

Đứa nhỏ ấy mà, cần phải rèn luyện nhiều hơn.

Cần phải có nhiều thành công hơn, thì mới có tự tin, mới có cảm giác an toàn.

Nếu như những chuyện này còn chưa đủ để lấp đầy cảm giác an toàn của Đình Sương, vậy thì cũng không sao, Bách Xương Ý anh có thừa tình yêu để lấp.

“Ơ? Em chẳng có chút kinh nghiệm nào cả…” Đình Sương ngửa đầu nhìn Bách Xương Ý.

Bách Xương Ý xoa mái tóc của cậu: “Sau lần này thì em sẽ có.”



Hơn một tháng sau, Đình Sương giải quyết xong hết đống thủ tục nhận nuôi chó.

Vào một chiều thứ hai có ánh nắng tươi đẹp, Đình Sương ôm chú chó Weimaraner hai tháng tuổi về nhà.

Chiều hôm đó Bách Xương Ý tan ca về, đập vào mắt là hình ảnh Đình Sương đang ngồi khâu ghế sô pha, dáng vẻ trông chua xót như thể mẹ già ngồi dưới ánh đèn khâu áo cho con. Ở bên dưới tấm thảm trước ghế gồ lên thành một cục, có thứ-gì-đó đang ngọ nguậy ở bên trong.

“Ting, trong nhà xảy ra chuyện gì vậy?” Ánh mắt của Bách Xương Ý di chuyển theo thứ-gì-đó đang chui trong thảm.

“Em đón con của chúng ta về rồi.” Đình Xương xoay người, giống như đang khoe một tác phẩm nghệ thuật, phi thường tự hào mà hất tung tấm thảm lên ——

“Gâu âuu.”

Một chú chó con có đôi tai rất lớn đang nằm bò trên đất, hai tròng mắt màu xanh lam nhìn về phía Bách Xương Ý.

Bách Xương Ý đứng cách đó khoảng mấy mét, cũng nhìn về phía chú chó con.

Người với chó nhìn nhau ba giây.

Đình Sương giới thiệu Bách Xương Ý cho nó: “Đây là papa của con.”

Chú chó con vẫy vẫy đuôi, thân thiết chạy đến dụi đầu vào ống quần Bách Xương Ý.

Đình Sương giới thiệu nó cho Bách Xương Ý: “Đây là Vico.”

Bách Xương Ý thuần thục ôm lấy chú chó con, hỏi Đình Sương: “Anh là papa, vậy em là gì?”

Đình Sương dùng giọng điệu nhân-viên-đài-phát-thanh, trịnh trọng tuyên bố: “Em là ba của nó.”

“Thế ba nó này.” Bách Xương Ý quét mắt nhìn đống gia cụ thê thảm trong phòng khách: “Em đã đăng ký trường học cho con trai em chưa?”

“Em đang xem thông tin trên mạng…” Giọng điệu sang sảng như đài phát thanh của Đình Sương lập tức tịt ngòi: “Lúc em ra khỏi phòng đọc sách… trong nhà đã thành thế này rồi… hơn nữa… đây cũng là con trai của anh mà.”

“Ừ.” Bách Xương Ý cười nói: “Anh cũng có trách nhiệm.”

Chuyện trường lớp cho con trai cần được đặt lên hàng đầu.

Đình Sương bỏ ra mấy ngày để chọn trường huấn luyện cho chó.

Lúc chọn trường, cậu cứ như bậc phụ huynh có con em đến tuổi đi học vậy, nghiêm túc khảo sát, tuyển chọn tỉ mỉ, cuối cùng chọn một khóa học “bốn em một lớp”. Lớp học này có một điểm đặc biệt, yêu cầu người nuôi chó phải là một đôi tình nhân. Trong phần giới thiệu về chương trình học có viết một câu rất ấm áp: Ba mẹ cần đồng thời tham gia lớp học của con, làm bạn với con trong quá trình trưởng thành.

Nói đơn giản chính là, hai người một chó cùng nhau đi học, cùng nhau làm bài, cùng nhau tiến bộ.

Thời gian học là vào xế chiều thứ hai, lịch học từ tuần sau sẽ bắt đầu.

Sáng hôm đầu tiên đưa con đến trường, Đình Sương học xong tiết của Bách Xương Ý, chờ đến khi cả lớp ra về hết, cậu mới nhắc nhở anh rằng: “Papa ơi, đừng quên trưa nay phải đi học đó.”

Mấy ngày nay cậu đều quen mồm gọi Bách Xương Ý như thế.

Chỉ cần không bị người khác nghe thấy, gọi như thế cũng chẳng có vấn đề gì.

Có điều quen mồm gọi đôi khi cũng gây ra rắc rối.

Chiều hôm đó Đình Sương đưa Vico đến trường học, cô huấn luyện gọi Vico kiểu gì nó cũng không hề đáp lại.

Cô huấn luyện hỏi Đình Sương: “Cháu nó tên Vico thật à?”

Đình Sương suy nghĩ một chút, dùng tiếng Trung gọi thử: “Con trai?”

Vico vui mừng chạy đến, dụi dụi đầu vào cẳng chân của Đình Sương.

Cô huấn luyện: “…”

Cô huấn luyện: “Cậu dạy tôi cách phát âm đi. Kon? Rai?”

Đình Sương: “Con trai.”

Cô huấn luyện nỗ lực uốn lưỡi: “Connnn? Trai?”

Đình Sương: “Chuẩn không cần chỉnh.”

Ba đôi tình nhân người Đức khác đứng bên cạnh vây xem đồng loạt vỗ tay.

“Được rồi.” Cô huấn luyện vỗ vỗ tay, ra hiệu bắt đầu lớp học: “Bài học đầu tiên của ngày hôm nay là ngôn ngữ cơ thể và vẻ mặt của chó, chúng ta cần phải hiểu rõ hành động và vẻ mặt của chúng có gì khác với con người. Tiếp đấy sẽ học một số khẩu lệnh và cùng luyện tập để chó nghe theo khẩu lệnh.”

Phần học đầu tiên không khác mấy với việc Đình Sương đi học hàng ngày, vì thế chẳng có vấn đề gì to tát. Nhưng đến phần thực tiễn, vấn đề bèn xuất hiện.

Bốn đôi tình nhân vừa mới luyện tập xong đống động tác ngồi xuống vân vân, hiện nay đang dắt chó đứng trên bãi cỏ.

“Bây giờ chúng ta sẽ luyện cho các cháu cách chạy từ phía bên kia về phía bên này.” Cô huấn luyện làm thủ thế: “Nào, bây giờ nhóm papa đứng ở chỗ tôi, nhóm mama dắt các cháu đi xa khoảng 50m, đứng vào vị trí đã đánh dấu.”

Ba cô gái liền dắt chó đi về vị trí đánh dấu cách đấy 50m.

Còn Đình Sương và Bách Xương Ý vẫn đứng im tại chỗ.

Cô huấn luyện thấy hai người họ không nhúc nhích, đột nhiên ý thức được vấn đề xưng hô. Trước nay cô toàn dạy các cặp tình nhân khác phái, vì thế quen dùng từ papa với mama để gọi bọn họ.

“Anh dắt con đi đi.” Đình Sương nói với Bách Xương Ý: “Em muốn ở nhóm papa.”

Sếp Bách là ai cơ chứ, còn lâu mới buồn để ý vấn đề xưng hô, lúc này bèn dắt chó đi về phía nhóm mama ở đằng kia.

“Làm phiền anh chờ cho một chút.” Cô huấn luyện gọi Bách Xương Ý lại: “Xin lỗi, trước nay tôi chưa gặp tình huống thế này bao giờ. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên phân tổ theo một hình thức khác. Dựa theo tình hình bây giờ mà phân tổ theo giới tính là rất bất lịch sự.”

Cô huấn luyện suy nghĩ một lúc, cho ra đời một phương pháp – ngoại trừ Bách Xương Ý – thì ai ai cũng hài lòng: “Thế này đi, nhóm mama quay lại đây nào. Hiện tại trong các cặp đôi, ai trẻ hơn thì đứng ở chỗ tôi, còn người lớn tuổi thì dắt các cháu đi xa 50m. Bên này là nhóm trẻ tuổi, bên kia là nhóm lớn tuổi.”

Bách Xương Ý: “…”

“Em dắt con đi đi.” Bách Xương Ý nói với Đình Sương: “Anh muốn ở nhóm trẻ tuổi.”

Đình Sương nhìn đôi mắt của Bách Xương Ý, khóe miệng nhếch lên.

Bách Xương Ý: “Cười gì đó.”

Đình Sương hôn cái chụt lên môi anh: “Anh thật đáng yêu.” Sau đó liền dắt con đi về phía nhóm lớn tuổi.

Buổi tối về nhà, tinh thần của Đình Sương với Bách Xương Ý đều khá tốt, nhưng con trai thì sức cùng lực kiệt rồi.

Vốn dĩ Weimaraner rất hiếu động, chẳng tối nào để nhà cửa được yên tĩnh, nhưng hôm nay Vico chơi đùa với bạn trên sân cỏ hăng quá, về nhà chưa được bao lâu đã ngủ mất tiêu.

Thông thường những gia đình có con nhỏ, tối nào hai vợ chồng muốn làm chút chuyện người lớn, thì luôn dỗ cho con đi ngủ sớm một chút.

Bây giờ tình hình trong nhà chính là như thế.

Thiên thời – địa lợi – nhân cẩu hài hòa.

Đình Sương mới ngồi xổm nghe con trai ngáy được hai phút, bèn bật dậy chạy về phía phòng đọc sách, dùng giọng điệu cha già mà bảo: “Con trai em ngủ rồi.”

Bách Xương Ý đang trả lời email: “Chờ một chút.”

Đình Sương thấy anh còn đang làm việc, cũng mở laptop của mình ra, tiện tay kiểm tra hòm thư.

Vừa kiểm tra một cái, cậu nhận ra bắt đầu từ thứ hai tuần này cho đến hết thứ sáu tuần sau, nguyên hai tuần lễ đều là thời gian dùng để đánh giá chương trình học. Mặc dù còn tận mấy tuần nữa mới kết thúc học kỳ, thế nhưng hiện tại sinh viên đã có thể chấm điểm cho toàn bộ chương trình học kỳ này, bất kể có được tham gia cuộc thi cuối kỳ hay không.

Chấm điểm các môn học à, trước tiên nên đánh giá vị giáo sư nào đây…

E hèm.

Để công bằng, cứ dựa theo trình tự bảng chữ cái đi.

Tiếng Đức có tổng cộng 30 chữ cái, chữ đầu tiên hiển nhiên là… B. (26 chữ latinh + 4 chữ ä, ü, ö, ß)

Tiếng Anh có 26 chữ cái, chữ đầu tiên hiển nhiên… cũng là B.

Chính xác.

Vừa khéo làm sao, dẫn đầu bảng danh sách giáo sư có chữ B chính là Prof. Bai.

Đình Sương mở phiếu đánh giá môn Robotik ra.

Học kỳ trước cậu cảm thấy phiếu đánh giá này vừa dài vừa phiền phức nên toàn điền qua loa cho xong chuyện. Hiện tại lại hận phiếu đánh giá này sao không dài hơn một chút, tốt nhất là có thêm nhiều câu hỏi mở, như vậy thì cậu có thể viết nguyên một bài tiểu luận về Bách Xương Ý.

(câu hỏi có đáp án lựa chọn là câu hỏi đóng, câu hỏi không có đáp án lựa chọn là câu hỏi mở)

Phần đánh giá đầu tiên là về nội dung chương trình học.

▬ Giáo sư Prof. Bai có kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung giảng dạy và ví dụ thực tiễn không?

[Có]

▬ Chương trình giảng dạy của giáo sư Prof. Bai có bị lỗi thời không?

[Không]

▬ Nội dung chương trình giảng dạy của giáo sư Prof. Bai có tương ứng với các chương trình học khác không?

[Có]

▬ Giáo sư Prof. Bai có đặt ra yêu cầu quá cao với sinh viên không?

[Có]

Khoan khoan.

Câu này nên đánh giá thế nào đây…

Đình Sương xoắn xuýt lắm luôn.

“Đang xem gì thế?” Giọng nói của Bách Xương Ý truyền tới từ phía trên đầu cậu.

Đình Sương đang muốn đóng laptop lại, Bách Xương Ý đã đọc xừ nó chữ trên màn hình lên: “Giáo sư Prof. Bai có đặt ra yêu cầu quá cao với sinh viên không? Ting, em chọn có à.”

“Vâng… à không…” Đình Sương ứ dám quay đầu: “Em còn đang cân nhắc…”

Bách Xương Ý: “Cân nhắc chuyện gì?”

Đình Sương: “… Cân nhắc xem tình yêu và chính nghĩa cái nào quan trọng hơn.”

Bách Xương Ý hôn đỉnh đầu của cậu một cái: “Suy nghĩ kỹ vào nhé.”

“… Tình yêu, đương nhiên là tình yêu.” Đình Sương lập tức sửa [Có] thành [Không].

Câu hỏi cuối cùng của phần đánh giá chương trình học ▬ Bạn cảm thấy chương trình học có độ khó thế nào?

Có tổng cộng năm mức độ: [Cực Kỳ Dễ] [Tương Đối Dễ] [Vừa Phải] [Tương Đối Khó] [Cực Kỳ Khó]

Đình Sương chậm rãi di chuột vào ô [Cực Kỳ Khó].

Cậu quay đầu nhìn Bách Xương Ý một cái, ánh mắt của anh trông rất hiền từ.

Đình Sương chậm rãi di chuyển chuột từ [Cực Kỳ Khó] sang [Tương Đối Khó].

Cậu lại quay đầu nhìn Bách Xương Ý một cái, ánh mắt của anh trông vẫn rất hiền từ.

Đình Sương chậm rãi di chuyển chuột từ [Tương Đối Khó] sang [Vừa Phải].

Click xác nhận.

Đình Sương cảm thấy, sự trái lương tâm của mình đã dồn hết vào hai câu hỏi này rồi.

Cuộc đời về sau cần phải sống thật đẹp như những con thiên nga của Trai-cốp-xki.

Các phần tiếp theo của phiếu khảo sát cậu đều cho đánh giá tốt, nào là cơ cấu giảng dạy, nguyên lý và phương pháp giảng dạy, nào là trình độ chuyên môn, thái độ giảng dạy, nhân cách mị lực của giáo sư… Tình yêu và chính nghĩa hoàn toàn có thể thống nhất!

Đình Sương tiếp tục chuyển sang trang tiếp theo.

Hể?

Không chỉ hỏi những câu liên quan đến giáo sư, còn hỏi về sinh viên nữa à?

Lẽ nào phiếu khảo sát kỳ này đã được sửa đổi và bổ sung?

Câu đầu tiên ▬ Bình thường bạn có hay chuẩn bị bài vở trước khi lên lớp không?

Các hạng mục để chọn: [Chưa Bao Giờ] [Thỉnh Thoảng] [Khá Thường Xuyên] [Luôn Luôn]

Trong lòng Đình Sương buốt lạnh.

“Sao em không chọn đi?” Bách Xương Ý ghé vào tai Đình Sương mà nói: “Anh cũng rất muốn biết.”
Bình Luận (0)
Comment