Khoảng Cách Của Người

Chương 62

Bọn họ cứ thế lái thẳng một đường tới phương Bắc.

Mang theo Đình Sương hai mươi bốn tuổi, chạy về phía Bách Xương Ý hai mươi bốn tuổi.

Trên đường đi ngang qua một bờ sông không người, bọn họ tựa lưng vào xe, gặm chung một ổ bánh mì hoa cúc, uống chung một chai nước, tán gẫu xem dòng sông trước mặt đã từng có nền văn minh nào quật khởi, hiện nay lại đổ về vùng biển nào. Trên đường đi qua rặng núi không người, bọn họ chẳng cách nào kiềm chế được, ở dưới bầu trời đầy sao mà thỏa sức làm tình, sau đó cọ xát thì thầm, hứa rằng chờ đến khi mùa đông trời quang, sẽ quay lại đây chụp biển sao lấp lánh.

Rốt cuộc cũng tới được Lübeck.

Ngủ chưa được ba tiếng, Bách Xương Ý đã gọi Đình Sương dậy, cùng ngồi thuyền ra biển.

Bọn họ đi nhờ một chiếc thuyền đánh bắt cá không lớn lắm, trên thuyền còn có 7-8 vị du khách khác, mọi người đều là trời vừa hửng sáng đã muốn lên thuyền ra biển, vừa ngắm mặt trời mọc, vừa quan sát quá trình đánh bắt cá.

Trời còn chưa sáng hẳn, trên mặt biển một vùng tối tăm.

Sóng biển cuồn cuộn tách sang hai bên mạn thuyền, gió biển gào thét bên tai.

Quả đúng là đạp gió rẽ sóng.

“Anh lạnh không?” Đình Sương hỏi.

Bách Xương Ý bảo: “Nếu em lạnh thì chúng ta đi vào bên trong khoang thuyền.”

Đình Sương nói: “Nếu anh lạnh thì hãy chui vào lồng ngực của em.”

Bách Xương Ý cười đáp: “Anh không lạnh.”

Đình Sương ôm lấy anh: “Em cảm thấy anh lạnh.”

Chân trời chậm rãi bừng sáng.

Một dấu chấm màu trắng, một vòng tròn màu vàng, chân trời biến thành những dải màu cam.

Đột nhiên, cách thuyền đánh cá rất gần nổi lên một gò đất, nương theo tiếng nổ vang trời, một cột nước từ đỉnh gò phun lên cao, trông giống như một tấm rèm làm từ tia nước. Ánh nắng ban mai từ chân trời rọi tới, xuyên qua tấm rèm tia nước, tạo thành một dải cầu vồng giáng xuống mặt biển.

Chỉ trong chớp mắt, ngay khi gò đất kia lặn xuống, một cái đuôi to đùng bay lên khỏi mặt nước.

Là cá voi.

“Đây là lần đầu tiên em đi biển mà được nhìn thấy ——” Tiếng nói của Đình Sương bỗng im bặt.

Thì ra không phải là một gò đất, mà là hàng chục cái gò đất.

Một bầy cá voi.

Chúng nó liên tiếp trồi lên mặt biển, phun ra tia nước, lưu lại hết dải cầu vồng này đến dải cầu vồng khác.

Từng dải cầu vồng hiện lên rồi biến mất, từng cái đuôi cá to lớn vung lên rồi lại chìm vào mặt biển.

Đàn cá voi bơi xa dần, trên mặt biển khôi phục vẻ gió êm sóng lặng, dường như chưa từng xảy ra bất cứ chuyện gì.

Đình Sương nhìn xung quanh, tất cả mọi người đều như cậu ban nãy, hẵng còn đắm chìm bên trong cảnh tượng tráng lệ kia, không một ai nhớ đến việc quay phim chụp ảnh.

Thời khắc này, cậu bỗng dưng lý giải được những lời mà Tô Bình đã nói —— không phải đứng ở góc độ của người khác để lý giải, mà phải chân chính dùng nội tâm của người đó để lý giải —— “khoảnh khắc”.

Tình cảnh vừa nãy trên mặt biển, chính là một trong vô vàn những “khoảnh khắc” mà bọn họ nắm giữ.

Đình Sương nhìn về phía Bách Xương Ý, nói: “Nhiều cá voi như vậy… anh từng thấy bao giờ chưa? Có phải trước đây đã được chiêm ngưỡng rồi không?”

“Chưa.” Bách Xương Ý mặt đối mặt với Đình Sương một lúc, cười rộ lên: “Em đừng nghĩ người lớn tuổi thì cái gì cũng từng thấy qua.”

“Vậy thì tốt quá.” Đình Sương cũng cười rộ lên: “Em chỉ sợ những điều mà em đang trải nghiệm, trước đây anh đã từng trải nghiệm rồi, thì anh sẽ thấy không còn gì thú vị nữa.”

Nói xong, cậu lại hỏi: “Em bảo này, nếu nhỡ đâu gặp phải tình huống như thế thì sao? Kiểu như em muốn nhìn, mà anh lại nhìn rồi ấy, phải làm thế nào bây giờ?”

Bách Xương Ý nói: “Vậy thì anh sẽ nhìn em.”

Một tiếng sau, thuyền đánh cá chạy vòng về bến tàu.

Điện thoại của du khách lúc ngồi thuyền bị mất sóng, hiện nay đã khôi phục lại tín hiệu.

Cột sóng khôi phục chưa được bao lâu, điện thoại của Đình Sương liền đổ chuông, cậu nhìn màn hình thì thấy hiển thị chữ Chúc Văn Gia.

Bách Xương Ý nhìn cậu, Đình Sương bảo: “Em trai em.”

Cậu một tay nhận điện thoại, một tay giao cho Bách Xương Ý, hai người tay nắm tay trở về bãi gửi xe.

“Anh ơi, em có việc muốn nhờ vả anh.” Giọng nói của Chúc Văn Gia giống như đang chịu nhục, coi bộ phải lâm vào đường cùng rồi, thì cậu ta mới bất đắc dĩ gọi điện thoại cho Đình Sương.

“Em sao thế?” Đình Sương hỏi: “Em chưa đến Đức đấy chứ? Anh không có nhà đâu.”

“Em chưa đến, nói đúng hơn là không đến được, ông già khóa hết sạch thẻ của em rồi, anh đặt vé máy bay cho em đi, em đang ở Amsterdam.” Chúc Văn Gia nói xong, lại bổ sung thêm một đống yêu cầu này nọ, nào là ứ chịu bay hãng này hãng kia, nào là thời gian bay không đẹp cũng ứ chịu. Còn một điều nữa là không muốn ngồi khoang phổ thông, có điều cậu ta quên nhắc, bởi vì xưa nay chẳng có ai mua ghế phổ thông cho cậu ta bao giờ.

“Sao ông ấy lại khóa thẻ của em?” Đình Sương bị đống yêu cầu kia của Chúc Văn Gia làm cho đau đầu: “Em cũng come out à?”

“Em đâu có nghĩ quẩn như thế.” Chúc Văn Gia hùng hổ nói: “Chuyện này anh cũng phải chịu trách nhiệm, tại so sánh em với anh nên ông già mới khóa thẻ của em đấy. Tuần trước em nỡ tiêu hơi quá tay, ông già lập tức gọi điện thoại đến, bảo rằng lúc anh con bằng tuổi con đã không ngửa tay xin tiền gia đình nữa rồi…”

“Ông ấy là ba của em, chỉ khóa có vài cái thẻ thôi, em đừng có gọi ba là ông già nữa.” Đình Sương hỏi: “Tuần trước em tiêu hết bao nhiêu?”

Chúc Văn Gia: “Khoảng hơn 20 vạn.”

Đình Sương: “Nhân dân tệ à?” (~660tr vnđ)

Khí thế của Chúc Văn Gia yếu đi một chút: “… Euro.” (~5,3 tỷ vnđ)

Đình Sương méo dám tin luôn: “Chúc Văn Gia con mẹ em ném tiền vào chỗ quái nào thế? Anh mày ba năm trời cũng không tiêu hết số tiền đấy đâu.”

Chúc Văn Gia lí nhí nói: “… Red light district.”

Đình Sương không tin: “Khu đèn đỏ nào mà xài tiền dữ vậy? Em còn làm gì nữa khai mau?”

Chúc Văn Gia: “… Em còn thuê một tòa lâu đài, gọi mấy thằng bạn với đám trai xinh gái đẹp tới chơi vài ngày.”

Đình Sương: “…”

Chúc Văn Gia: “Anh ơi, nói chung trước khi ba hồi tâm chuyển ý, anh thu nhận em mấy hôm đi, trong ví em bây giờ chỉ còn… để em đếm cái đã… 35 euro với 25 cent, em đến cơm còn không có mà ăn đây này.” (~930k)

Đình Sương liếc mắt nhìn Bách Xương Ý một cái, bảo: “Ờm… anh gần đây sắp thi rồi, bận lắm. Hay là thế này đi, anh mua vé máy bay cho em về nước nhé, em về nhà trước đi, dì chắc chắn không bỏ mặc em đâu.”

“Anh cũng biết thừa tính mẹ em đấy, mẹ em chỉ nghe theo ba thôi, đến lúc ấy chắc chắn sẽ ép em một là đi học, hai là về làm việc cho công ty, em còn lâu mới về. Anh, em chỉ còn có anh thôi…” Chúc Văn Gia nhõng nhẽo ỉ ôi, chuyện từ đời thuở nhà nào cũng lôi ra: “Anh có nhớ hồi anh em mình còn bé không, anh đẩy em ngã lăn đùng một cái, trên đầu em vẫn còn sẹo đây này… anh mở videocall đi, em vén mái lên cho anh xem…”

Đình Sương bị quấy đến không chịu nổi: “Em để anh nghĩ đã… nếu như em qua đây ở…”

Cậu dùng ánh mắt dò hỏi Bách Xương Ý, có được không?

Bách Xương Ý gật đầu.

“Vậy được rồi, để anh đặt vé máy bay cho em.” Đình Sương suy nghĩ một chút, quyết định làm công tác dự phòng: “Có chuyện này anh phải nói trước cho em biết, anh không ở một mình đâu, ờm… em phải để ý một chút nhé.”

“Anh có bồ mới rồi à?” Chúc Văn Gia chẳng coi đây là chuyện gì to tát, càng không nghĩ đến ‘quý ngài C’ mà cậu ta đã giúp Đình Sương ghép đôi dạo nọ.

“Ừ.” Đình Sương cảnh cáo thằng em trai: “Anh ấy không giống mấy tên ba lăng nhăng em hay chơi cùng đâu… Em gặp anh ấy rồi thì không được nói chuyện lung tung, phải lễ phép đấy nghe chưa?”

“Biết rồi khổ lắm nói mãi, em anh làm sao để anh mất mặt được?” Chúc Văn Gia rất tự tin: “Anh cứ yên tâm, đến khi ấy em sẽ lôi toàn bộ đức tính tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa ra biểu diễn, đảm bảo khiến anh hài lòng.”

Đình Sương không yên tâm lắm mà cúp máy, hỏi Bách Xương Ý: “Anh không ngại thật à? Nếu như anh cảm thấy bất tiện thì em thuê nhà khác cho nó ở tạm mấy hôm.”

Bách Xương Ý hỏi: “Một mình cậu ta sống à?”

Đình Sương đau đầu: “… Chắc em phải qua đấy làm bảo mẫu cho nó vài bữa.”

Bách Xương Ý nói: “Trước hết cứ để cậu ta ở nhà của bọn mình đã, có vấn đề gì sẽ giải quyết sau.”

Đình Sương cảm thấy hơi có lỗi: “… Chúng ta đã giao hẹn từ trước, sẽ không đưa những người khác về nhà.”

Bách Xương Ý cười nói: “Không sao, quy tắc trong nhà đều do anh định đoạt.”

Máy bay của Chúc Văn Gia 7h tối hạ cánh.

Nguyên đoạn đường đi đón em trai, Đình Sương đều lo lắng không thôi, sợ cái mồm như còi xe lửa của Chúc Văn Gia sẽ làm cho Bách Xương Ý không được vui.

Đến cổng chờ của sân bay, Đình Sương vẫn còn xem đồng hồ.

Bách Xương Ý bảo: “Máy bay hạ cánh đúng giờ, sẽ nhanh ra thôi.”

Vừa dứt lời, Đình Sương liền nhìn thấy một người đứng ở đằng xa đang vẫy vẫy tay về phía này.

Chúc Văn Gia nhuộm tóc trắng dài ngang vai, mặc một cái áo phông màu trắng và quần vải bố, chân đi dép xỏ ngón, sắc mặt trông khá tiều tụy.

Cậu ta vừa đi tới đó, việc đầu tiên muốn làm là lên án hành vi dã man tàn bạo của Đình Sương khi mua vé máy bay hạng phổ thông cho mình, nhưng nhác thấy Bách Xương Ý đeo kính nom nhã nhặn cấm dục đứng ngay bên cạnh, lập tức nhớ lại lời cảnh cáo của ông anh trai.

Phải lễ phép.

Thế là Chúc Văn Gia cực kỳ lễ phép, cực kỳ thân thiết mà cúi chào sếp Bách một cái: “Vị này là chị dâu đúng không ạ? Em chào chị dâu.”
Bình Luận (0)
Comment