Ngụy Lương lĩnh hai ngàn nhân mã lặng lẽ xuất phát, theo lời mật thám của Công Tôn Dương truyền đến, lần theo đường nữ nhi của Trần Tường đi, mấy ngày sau tới Lê Dương phát hiện ra đoàn người. Đoàn người mang theo cả vạn hộc lương thực nên không thể đi nhanh, mặc dù xuất phát sớm nhưng đến giờ vẫn chưa đi được nửa đường.
Ngụy Lương dẫn người mai phục trên ngọn núi phía trước, chờ đoàn người đi vào khe núi thì ra hiệu, binh sĩ mai phục hai bên xông ra.
Tướng Cao Thuận phụng lệnh Trần Tường hộ tống đoàn người giật mình, vội quát lên "Các ngươi là ai?", Ngụy Lương hô một tiếng "Ông nội mày đấy!", nói xong thúc ngựa vung đao lên. Cao Thuận vội vàng giơ kích đỡ, nhưng nào phải đối thủ của Ngụy Lương, chỉ hai ba hiệp đã bị chém ngã xuống ngựa.
Mấy tên tướng khác thấy Ngụy Lương hung hãn, quân lại đông, sợ kinh hồn bạt vía, giả bộ đánh đấm vài cái rồi thúc ngựa bỏ chạy. Mấy tên lính còn lại sao chống cự nổi, vội càng tẩu tán.
Mục đích lần này của Ngụy Lương không phải là giết địch nên cũng không truy kích, sai người tập trung lương thảo lại, sau đó đi đến chiếc xe ngựa chính giữa, vén rèm lên. Thiếu nữ đang co người trong xe run rẩy, mặt vốn đã tái mét, thấy Ngụy Lương nhìn vào thì hét lên, ngất xỉu, hai bà vú già bên cạnh mặt cũng xám ngoét, quỳ xuống dập đầu xin tha.
Ngụy Lương biết nữ tử bị hắn dọa ngất là nữ nhi của Trần Tường, gọi một tên lính canh giữ xe ngựa, sau đó đổi hướng đi về Dương Châu. Mấy ngày sau đến Hoài Nam, đang đóng quân thì có thám mã đến báo, Dương Tín phái cận thần Tống Hiến đến.
Tống Hiến cung kính mời đoàn người Ngụy Lương vào thành, nhưng Ngụy Lương từ chối, chỉ đạo quân sĩ cắm trại ngoài thành đợi lệnh, nghiêm cấm quân sĩ đến gần lều của nữ nhi Trần Tường, ngày đêm tuần tra nghiêm ngặt.
Dương Tín này hay có oán khích với Tiết Thái, mấy lần trước giao chiến lực lượng đều ngang nhau, cũng từng thắng bại, giằng co suốt 2 năm. Mấy ngày trước Ngụy Thiệu phái sứ giả Trương Ung đến, đưa bức thư tự tay Ngụy Thiệu viết, nói rõ ý đồ.
Ngụy Thiệu ở phương Bắc hùng mạnh, danh chấn hải vũ, thiên hạ anh hào đều đến báo danh, Dương Tín đã nghe từ lâu nhưng chưa từng qua lại. Nay đột nhiên lại thấy hắn sai sứ giả qua cũng thấy lạ.
Trương Ung xuất thân là Giang Đông thế gia, ngưỡng mộ danh tiếng Ngụy Thiệu mà đến, được giao chức quan Trưởng Sử, có tài ăn nói biện luận, chỉ hai ba câu đã làm Dương Tín coi hắn như tri kỷ.
Trần Tường tuy mạnh nhưng có Ngụy Thiệu kiềm hãm nên không đáng sợ. Phát binh thảo phạt Từ Châu chỉ còn 20 ngàn binh mã thì phần thắng rất lớn, huống hồ còn có lương thảo và ngựa mà Ngụy Thiệu hứa đưa qua.
Mấy thứ lương thảo không nói, một ngàn con ngựa kia mới quý. Phương Nam không nuôi ngựa được, nếu có một ngàn con ngựa từ phương Bắc chuyển tới thì giống như hổ được thêm cánh vậy. Dương Tín liền nhận lời ngay, cùng Trương Ung uống máu ăn thề, tối đó mở tiệc lớn, ngày sau điểm mười vạn binh mã, chia làm ba đường thẳng hướng Từ Châu.
Tiết Thái nửa tháng trước xuất binh đánh Duyện Châu, một đường cướp bóc, đến chó gà cũng không tha làm bách tính oán than cơ khổ. Bây giờ đại quân càng lớn lạnh, khi cách Đông quận chỉ còn trăm dặm thì thám mã đến báo, nói ngoài thành 30 dặm có phụ tử Kiều Bình - Thái Thú Đông quận lĩnh 50 ngàn binh mã đang dàn quân bày trận.
Tiết Thái nghe vậy thúc quân thẳng tiến. Hai quân gặp nhau ngoài hành, Tiết Thái nhìn phía đối diện, thấy dẫn đầu trận địa bên kia có một tướng quân trung niên cưỡi ngựa trắng, khuôn mặt tuấn tuấn tú, hắn biết đó là thái thú Kiều Bình. Bên cạnh có một tiểu tướng cưỡi ngựa đỏ thẫm, một thân áo giáp màu ngân bạch, tay cầm song kích, mắt sáng như sao, tuấn tú dị thường, hắn liền đoán là nhi tử của Kiều Bình, cười ha ha:
"Duyện Châu đúng là thiếu người, lại đưa một tiểu tử ra đây giao đấu."
Vừa nói xong, bốn phía cười vang. Kiều Từ tuổi trẻ khí thịnh, sao chịu được nhục nhã như vậy, không để ý Kiều Bình ngăn cản, hắn thúc ngựa lao ra trận mắng Tiết Thái là lão thất phu. Bên kia nhi tử 18 tuổi của Tiết Thái - Tiết Lương, kẻ sắp lấy nữ nhi của Trần Tường thúc ngựa ra tiếp chiến.
Hai người giao đấu trong bãi đất trống giữa trận, quân sĩ hai bên hò hét vang trời, qua mười mấy hiệp, Kiều Từ đánh cho Tiết Lương ngã xuống ngựa, Tiết Lương vội vàng chạy về trận địa. Kiều Từ đỏ mắt đuổi theo, một đao đâm trúng gáy Tiết Lương, Tiết Lương ngã xuống, tắt thở.
Kiều Bình ở phía sau quan sát trận đấu, vô cùng căng thẳng. Mặc dù huynh trưởng đã cho người đi Ngư Dương cầu viện, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm, binh mã của Ngụy Thiệu lại càng không thấy.
Mấy ngày trước biết tin đại quân của Tiết Thái đang tới gần, Kiều Bình tự mình lĩnh quân chặn trước ngoài thành, tính liều mạng một phen. Nhi tử độc nhất vẫn còn vị thành niên, ban đầu Kiều Bình không muốn để hắn hộ tống ông đánh trận đầu, ra lệnh hắn lưu lại thủ thành.
Nhưng mặc dù Duyện Châu có thể tập hợp được 50 ngàn binh mã, nhưng lại không tìm được tướng tài có thể đánh áp trận, Kiều Bình không thể làm gì hơn, lại nghĩ đến nếu như Đông quận mất cũng giống như mất tổ, mà khi đã mất tổ rồi thì sao bảo vệ trứng được? Cuối cùng ông đành cắn răng để nhi tử theo mình ra trận.
Bên kia Tiết Thái thấy còn chưa khai chiến mà nhi tử đã chết trận, còn chết trong tay thằng tiểu tử miệng còn hôi sữa, vừa sợ hãi vừa đau thương, giận dữ lệnh hai tả hữu đại tướng xông ra chém chết Kiều Từ. Tào Húc, Trương Bưu tuân lệnh phóng ngựa ra, đảo mắt đã bao vây Kiều Từ lại.
Kiều Từ mặc dù là thiếu niên anh hùng nhưng vẫn còn trẻ tuổi, kinh nghiệm chiến đấu không nhiều, còn Tào Húc, Trương Bưu lại là lão tướng Từ Châu, đã ra trận bao nhiêu năm trời. Kiều Từ lấy một địch hai, sao có thể chống lại nổi? Sơ suất một chút, cánh tay trái đã bị cắt một đao, máu chảy ròng ròng.
Kiều Bình thấy nhi tử bị chặn đường lui, lòng như lửa đốt, lập tức dẫn theo hai phó tướng đi tiếp ứng, nhưng còn chưa vào trận đã nghe Tào Húc hét lớn: "Nhóc con miệng còn hôi sữa, ta báo thù cho ấu chủ!", trơ mắt nhìn trường thương đâm vào ngực Kiều Từ. Kiều Từ hai tay đỡ cây đao Trương Bưu chém xuống, không thể tránh được. Ngay khi xác định đầu rơi máu chảy thì bất chợt một con ngựa như tia chớp vọt vào trước trận, người trên ngựa đầu đội nón rộng vành nhìn về phía ba người đang đánh nhau, đưa ngón tay lên miệng huýt một tiếng sắc bén, ba con chiến mã như nghe thấy ma âm chợt hí lên, hất ngã ba người Tào Húc, Trương Bưu, Kiều Từ ngã xuống.
Chiến mã của Tào Húc, Trương Bưu đều là ngựa tốt của Đại Uyển, chiến mã của Kiều Từ cũng được nuôi dưỡng từ nhỏ, không ngờ người xa lạ này chỉ huýt gió một tiếng mà ngựa đã hất chủ nhân xuống đất. Ba người ngã xuống đất, người kia liền thúc ngựa chạy đến, cúi người túm tay Kiều Từ, lôi hắn lên ngựa rồi chạy về phía Kiều Bình. Đến trước ngựa Kiều Bình, người kia liền đẩy Kiều Từ xuống. Kiều Từ đứng trên mặt đất vẫn còn đang sợ hãi, nhất thời không kịp phản ứng.
Kiều Bình vốn nghĩ nhi tử chắc chắn phải bỏ mạng, nhưng nằm mơ cũng không nghĩ tới, trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc lại có hiệp khách ra tay cứu giúp, bao nhiêu vui mừng cảm kích không thể nói thành lời, biết người này không phải trong quân lính, muốn nhìn kỹ hơn thì hắn lại kéo nón rộng vành thấp xuống, che khuất hai mắt, nhưng có thể đoán chừng hai mươi tuổi.
Kiều Bình chắp tay cảm tạ: "Đa tạ ân công ra tay cứu khuyển tử, xin ân công để lại danh tính, ngày sau xin bái tạ."
Kiều Từ đứng trên đất, vừa vặn thấy hai mắt che dưới vành nón của người kia, trong đó có một con mắt màu xanh lục, giống như đã gặp đâu đó rồi nhưng lại không thể nhớ ra, đang nghĩ thì Tiết Thái bên kia đã nổi trống ra lệnh tấn công. Không còn thời gian để nghĩ, hắn vội huýt sáo gọi chiến mã về, xông lên giết địch.
Hai quân đối chiến, Kiều Bình chỉ quen binh thư, ngày thường cũng ít khi luyện binh tác chiến, nay phải chỉ huy trận pháp, mà bên người lại thiếu tướng tài, binh lực cũng chỉ bằng một nửa đối phương, đội quân dần dần bị bao vây, phải vừa đi vừa đánh. Bỗng nhiên hai bên ầm ầm tiếng pháo nổ, hai cánh quân của Tiết Thái mỗi bên 1 vạn nhân mã thu hẹp vòng vây, 50 ngàn binh mã có nguy cơ bị diệt vong hoàn toàn.
Lúc này Kiều Bình muốn chỉ huy quân lùi vào thành để bảo toàn tính mạng, nhưng trận pháp đã loạn, nếu đột nhiên lùi về chỉ e càng thêm khó. Ông đang liều mình chống đỡ thì nam nhân đội nón vành kia xông lên, giết hai tên tướng thân cận của Tiết Thái, giơ đao hét lên một tiến như sấm rền, đám quân lính xung quanh sợ hãi không dám tới gần, to mắt nhìn hắn mở một đường máu, phóng ngựa đến trước mặt Kiều Bình, quát lên: "Sứ quân mau ra lệnh lui vào thành, chậm trễ thì toàn quân bị diệt mất! Ở đây cứ để ta thay ngài chống đỡ!"
Kiều Bình sững sờ.
Người trẻ tuổi không biết từ đâu xuất hiện này tuy mặc y phục đơn giản, nhìn qua như một kẻ bình thường - nhưng chẳng biết vì sao, đứng trong thiên quân vạn mã lại giống như Chiến thần, uy phong lẫm liệt, khiến người khác phải vô thức tuân lệnh hắn. Kiều Bình quay đầu, đang định ra lệnh thu binh, bỗng dưng tiếng trống thu quân bên quân Tiết Thái lại vang lên trước. Có vẻ xảy ra chuyện bất ngờ, Tiết Thái ngồi trên lưng ngựa vẻ mặt giận dữ, chỉ tay lên trời chửi ầm lên, cấp tốc ra lệnh thu quân, mang theo thi thể nhi tử lùi về phía Từ Châu hướng Đông Nam.
Mới đây thôi ngoài thành còn đang chém giết ngươi chết ta sống, đảo mắt đã lui binh thôi chiến. Kiều Bình cảm giác như được sống qua đại nạn, sững sờ không dám tin, không hiểu Tiết Thái đang ở thế thượng phong sao lại đột ngột lui binh. Nhưng giờ không phải lúc để nghĩ, ông trước tiên hạ lệnh thu dọn chiến trường, đưa binh sĩ chết trận cùng bị thương vào thành trước. Thở hắt một hơi, ông chợt nhớ đến người đội nón vành ban nãy, vội vàng tìm kiếm xung quanh, nhưng bóng dáng của hắn đâu còn?
...
Kiều Từ chạy theo suốt một đoạn đường không ngừng nghỉ, chạy hơn mấy chục dặm người phía trước vẫn không cắt đuôi được hắn, cuối cùng dừng ngựa.
Trên mặt Kiều Từ còn dính máu, vết thương trên cánh tay vẫn đang rỉ máu nhưng hai mắt sáng lên, dừng ngựa rút đao chỉ vào đối phương, nói to: "Ta nhận ra ngươi! Ngươi có một con mắt màu xanh! Đại tỷ của ta bị ngươi bắt đi phải không? Tỷ ấy đang ở đâu? Ngươi đưa tỷ ấy đi đâu rồi?"
Bỉ Trệ từ từ nâng nón vành lên: "Ta đã kết phu thê với nàng. Công tử yên tâm, ta sẽ chăm sóc nàng thật tốt. Công tử bị thương không nhẹ, mau quay về trị thương đi."
Kiều Từ mở to hai mắt, không thể tin được.
Bỉ Trệ gật đầu với hắn, sau đó lập tức thúc ngựa chạy đi, đảo mắt đã không thấy bóng dáng đâu nữa.
Kiều Từ đứng im ngây ngốc.
Chuyện Đại Kiều bỏ trốn cùng Bỉ Trệ nhà họ Kiều luôn giấu kín, đến Kiều Từ cũng không hoàn toàn biết rõ, hắn chỉ nghe phong thanh là có liên quan tới tên mã nô Bỉ Trệ. Thế nên khi trận chiến vừa kết thúc hắn liền chạy theo Bỉ Trệ, đuổi kịp tới đây.
Nhưng hắn không ngờ đường tỷ Đại Kiều đã gả cho người đó. Mà nghe giọng điệu của Bỉ Trệ thì rõ ràng Đại Kiều cam tâm tình nguyện.
Kiều Từ không ngờ lại có chuyện như thế.
Hắn không thể tiêu hóa nổi chuyện này. Đứng ngây ngẩn một lát, chợt nhớ vừa rồi khi mình sắp bỏ mạng dưới lưỡi đao thì người này như thần tiên trên trời giáng xuống cứu mình, trước hai quân hắn dũng mãnh kinh người, cả đời này chưa bao giờ Kiều Từ thấy ai như vậy.
Hắn rốt cuộc là người như thế nào?
Kiều Từ mê man.
...
Ngụy Thiệu dẫn binh đi rồi, nam nhân trong phủ cũng ít đi, Ngụy phủ như lạnh lẽo hẳn.
Tiểu Kiều mỗi ngày trừ chút khó chịu khi phải gặp Chu phu nhân ra, thì thời gian còn lại đều rảnh rỗi. Có điều nàng lo lắng quân tình ở Duyện Châu nên không thoải mái vô tư được. May là khi Ngụy Thiệu đi hơn nửa tháng thì có tin báo về, nói Tiết Thái đang tấn công Đông quận thì hay tin Từ Châu bị Hoài Nam thảo phạt, lập tức lui binh về cứu. Hai bên đại chiến cách Lưu thành chín dặm, Tiết Thái đại bại, hao binh tổn tướng, thất lạc lương thảo cùng vô số quân nhu, cuối cùng chật vật lui về Từ Châu cố thủ, nguyên khí đại thương. Một thời gian nữa chẳng thể dẫn quân đi cướp bóc tấn công được.
Tiểu Kiều lo lắng nhiều ngày cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm. Nàng quay về phòng, đang định viết một phong thư cho phụ thân Kiều Bình thì người bên Bắc phòng đến, nói Từ phu nhân gọi nàng qua.
Tiểu Kiều lập tức để bút xuống, thay y phục rồi đến Bắc phòng. Không ngờ Ngụy Nghiễm cũng ở đó, đang ngồi cạnh Từ phu nhân. Có vẻ như hắn vừa nói lời tạm biệt, Ngụy Nghiễm bái lạy Từ phu nhân, khi hắn xoay người thì thấy Tiểu Kiều, ánh mắt liền dừng trên người nàng.
Ngụy Thiệu mỗi lần xuất chinh bên ngoài luôn giao trọng trách canh giữ U Châu cho Ngụy Nghiễm. Nên giờ gặp hắn cũng không có gì lạ.
Tiểu Kiều cúi đầu xuống, chào một câu: "Đại bá".
Ngụy Nghiễm khẽ xoa cằm, quay người nói với Từ phu nhân: "Tôn nhi cáo lui trước. Ngoại tổ mẫu cứ chuẩn bị đi, gần sáng cháu đến tiễn bà."
Từ phu nhân gật đầu.
Ngụy Nghiễm nhìn Tiểu Kiều một cái, đi lướt qua nàng.
Tiểu Kiều bước lên sạp, quỳ gối cạnh Từ phu nhân. Thấy trên bàn trà đặt mấy cuốn thẻ tre đưa tin, có vẻ như từ nơi khác đưa tới.
Từ phu nhân mỉm cười nói: "Trọng Lân ra ngoài đã hơn nửa tháng, tổ mẫu biết cháu nhớ nó, nên có tin gì là nói cháu biết trước. Đại quân mấy ngày đã đến Thạch Ấp, chấn chỉnh biên thành, cắm trại bày trận, mọi thứ đều thuận lợi."
Tiểu Kiều bỗng nhiên thấy chột dạ.
Những ngày gần đây, nàng nhớ nhiều nhất thật ra là Duyện Châu. Còn Ngụy Thiệu, có lẽ vì biết quân hắn mạnh nên nàng chắc chắn hắn sẽ trở về, vì thế không nghĩ nhiều đến hắn.
Nàng cúi đầu nói: "Phu quân sẽ sớm khải hoàn về thôi."
Từ phu nhân gật đầu, nói tiếp: "Hôm nay ta cũng nhận được một tin khác. Mai ta sẽ lên đường đi Trung Sơn quốc thăm một người bạn cũ. Ta nghĩ cháu ở nhà cũng buồn chán, chi bằng đi cùng ta, dẫn cháu đi cho biết đây đó, trên đường ta cũng có người bầu bạn."
Tiểu Kiều ngạc nhiên. Không ngờ lại phải đi xa, mà cũng không biết Từ phu nhân đi Trung Sơn quốc làm gì. Nhưng nếu bà đã mở miệng, thì nàng đành phải gật đầu.
"Cháu về chuẩn bị đi, sáng mai lên đường." Từ phu nhân mỉm cười nói.