Không giống như Chu thị, khi tổ mẫu nói ra câu này giọng điệu không khác bình thường là bao, cũng không có vẻ phấn khởi gì hết.
Nhưng nếu nói có gì khác thường không, thì điều Tiểu Kiều thấy được là con mắt duy nhất của bà lấp lánh, toả ra thần thái như kiêu hãnh.
Anh hùng hay kiêu hùng (*) tạo nên thời loạn, mà thời loạn cũng tạo nên những anh hùng và kiêu hùng mới.
(*) Kiêu hùng: kẻ ngang ngược, có dã tâm.
Tổ mẫu Ngụy Thiệu đúng là có quyền kiêu hãnh, có tôn tử mới hai mươi tuổi đã làm chúa tể một phương như Ngụy Thiệu, Tiểu Kiều thầm nghĩ, huống chi hắn còn đánh chiếm được Tấn Dương nữa. Theo ý nghĩa quân sự, thì Tấn Dương không chỉ là một tòa thành, mà Tấn Dương về tay Ngụy Thiệu cũng không chỉ mang ý nghĩa là hắn chân chính thống nhất phương Bắc, trở thành bá chủ toàn phương Bắc - mà quan trọng nhất là hắn nắm trong tay bảo địa quốc gia - hai vựa lúa lớn nhất đất nước này.
Có đầy đủ lương thảo trong tay mới là bảo đảm lớn nhất cho mưu đồ thống nhất Trung Nguyên ngày sau. Phụ tử Trần thị sở hữu bảo địa, cuối cùng lại làm đệm lưng cho người khác, cũng chỉ đành trách mình vô năng.
Ác mộng về tương lai vẫn luôn ám ảnh nàng từ ngày đầu tiên đến thế giới này, theo nữ nhân tên Tô Nga Hoàng xuất hiện cùng với việc Ngụy Thiệu thống nhất phương Bắc, thì mọi chuyện đang đi theo đúng quỹ đạo, từng bước từng bước trở thành hiện thực.
Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, thì trượng phu Ngụy Thiệu của nàng cuối cùng vẫn xưng đế.
Suy luận như thế không chỉ dựa vào cơn ác mộng kia, hay là chuyện thiên mệnh huyền diệu khó hiểu, mà từ sau khi đến Ngụy gia, nàng có thể thấy trên người nam tử tên Ngụy Thiệu này dã tâm bừng bừng, nghị lực mãnh liệt, cao cao tự đại cùng với sự kiên cường hiếm có.
Một nam nhân như thế, trong thời loạn có thể đánh Nam dẹp Bắc để đi đến bước cuối cùng chắc chắn không phải do may mắn.
Thế nên Tiểu Kiều khó tránh khỏi nghi hoặc. Kiếp này thê tử của Ngụy Thiệu không còn là Đại Kiều nữa. Còn Tô nữ đột nhiên xuất hiện trước mặt mình khi đến Trung Sơn kia, sau này có theo quỹ đạo kiếp trước như trong giấc mơ của nàng, cuối cùng sóng vai bên hắn, trở thành đôi đế hậu khai quốc?
Những gì nàng biết ở kiếp trước chỉ là sau khi Ngụy Thiệu xưng đế, Đại Kiều tự sát, Tô nữ thành hoàng hậu, Lưu Diễm bị phá thành mà thôi.
Nàng bỗng nhiên rất muốn biết, người tên Ngụy Thiệu kiếp trước sau khi đã mãn nguyện xưng đế, nắm tay người hắn yêu thương, đồng thời hoàn toàn hủy Kiều gia mà hắn hận thấu xương tủy, có khi nào chợt nhớ đến nữ nhân đáng thương bị hắn ghẻ lạnh một đời, đến khi chết rồi vẫn không được vào lăng tẩm Ngụy gia? Khi nhớ đến nàng có bao giờ hắn mang theo chút hổ thẹn hay thương hại?
Mà kết cục cuối cùng của hắn, sẽ ra sao?
...
(Tiếp đây là những chuyện xảy ra ở kiếp trước)
Ba tháng trước đại quân Ngụy Thiệu đánh vào Lạc Dương, phá cửa hoàng cung Chu Tước, phế bỏ Hán đế, Hạnh Tốn tự xưng là Nam đế bị vây bắt, cuối cùng bỏ mạng ở Bắc cung.
Bắc cung lửa cháy rợp trời suốt ba ngày ba đêm mới lặng.
Nửa tháng sau Ngụy Thiệu lễ bái Bắc Giao, thông cáo đăng cơ với thiên hạ, thành lập nước Yên.
Năm đó hắn mới ngoài ba mươi, trở thành chủ nhân mới của đế đô Lạc Dương hoa lệ.
Hắn lập tông miếu xã tắc, tỉnh đài ty viện, thưởng công phạt tội, nhưng vị trí ở hậu cung vẫn chưa rõ ràng.
Hậu cung của hắn bây giờ chỉ có hai nữ nhân.
Một là Đại Kiều, thê tử hắn cưới mười năm trước.
Một người khác là sủng cơ Tô nữ đã theo hắn nhiều năm.
Nhiều năm trước hắn đã thống nhất phương Bắc, bấy giờ Trung Nguyên kể cả Lạc Dương quân phản loạn lớn nhỏ đều bị tiêu diệt, còn một số ít cá lọt lưới, nhưng bọn chúng chỉ thoi thóp ngắc ngoải nên hắn chẳng bận tâm.
Chỉ có duy nhất một vùng đất hắn quan tâm mà chưa thu vào tay được - chính là Ung (một châu trong 9 châu ngày xưa, vùng Thiểm Tây TQ).
Hai năm trước, để chống đối Hạnh Tốn lạm quyền mà một số thần tử tận trung với Hán thất đã nghênh tiếp Lang Gia vương Thế tử Lưu Diễm tới Ung châu, lập nên một triều đình nhà Hán khác, đặt đô tại Ung châu.
Chỉ cần dẹp cái triều đình tép riu đó thì thiên hạ sẽ quy về tay Ngụy Thiệu.
Thực ra khi Ngụy Thiệu vừa đánh vào Lạc Dương, mấy ngày sau khi Hạnh Tốn bị giết, có sứ giả mang ý chỉ của triều đình kia đến phong hắn là Đại thừa tướng, mời hắn tới Ung Đô để nghênh thánh giá về Lạc Dương, phò tá Lưu Diễm lên ngôi hoàng đế.
Ngụy Thiệu lúc đó cười ha hả, ai cũng có thể thấy vẻ mặt khinh bỉ cùng ngông cuồng.
Hắn nói, trời cho mà không lấy thì đúng là có tội.
Nửa tháng sau, hắn liền khởi binh tiến đánh triều đình tép riu kia.
Trước khi hắn xuất binh vẫn không lập Đại Kiều làm hoàng hậu, cũng không giống như mấy người khác suy đoán là lập Tô nữ mà hắn sủng ái nhiều năm làm hậu.
Hắn chỉ làm một chuyện - phong Tô nữ làm quý phi.
Đó là cấp bậc cao nhất trong hậu cung chỉ sau hoàng hậu.
Sau đó hắn rời Lạc Dương thân chinh đến Ung Đô.
Ngày thứ hai sau khi hắn đi, Tô Nga Hoàng đi tới điện Sùng Đức ở Bắc cung.
...
Hoàng cung Lạc Dương hùng vĩ tráng lệ, chia làm hai cung Nam Bắc. Nam cung là nơi Hoàng Đế nghị sự, còn Bắc cung là tẩm cung hậu phi.
Nửa tháng trước khi vây bắt Hạnh Tốn xảy ra trận cháy lớn, thiêu hủy phần lớn cung điện ở Bắc cung, bây giờ chỉ sót lại một số tòa nhà. Ngụy Thiệu lo tiêu diệt triều đình Lưu Diễm nên chưa hạ lệnh tu sửa, chỉ sai người dọn dẹp cung thất còn lại sau trận cháy để làm chỗ ở.
Tô Nga Hoàng ở Diên Hưu điện hoa lệ nhất, hậu phi cung nữ của tiền triều may mắn còn sống được sắp xếp ở Tăng Hỉ Quan phía Đông, còn Đại Kiều lại phải ở trong Sùng Đức điện đổ nát nhất.
Nàng đã bị bệnh nhiều năm, bên cạnh chỉ có một bà già hầu hạ uống thuốc ăn cơm.
Thật lâu trước đây, khi ấy nàng còn chưa xuất giá, ở quê nhà Đông quận nàng cùng muội muội Tiểu Kiều được người đương thời xưng tụng là "Song Kiều" vì dung mạo mỹ lệ hơn người.
Mà giờ nàng hai lăm, hai sáu tuổi, đúng ra đây là tuổi mà nữ nhân trở nên xinh đẹp rạng rỡ nhất, nhưng nàng lại gầy yếu như bộ xương khô, mu bàn tay đặt trên giường chỉ còn lớp da khô nổi rõ mạch máu xanh như mạng nhện. Chỉ có khi nàng mở mắt ra, từ trong ánh mắt kia còn có thể mơ hồ nhìn ra dấu vết mỹ nhân năm nào.
Đại Kiều khát nước vô cùng. Nàng đã khát rất lâu rồi. Nàng biết bà già kia không muốn hầu hạ mình, nãy giờ cố gắng bước xuống giường rót nước nhưng nàng thực sự không ngồi dậy nổi. Sức lực toàn thân như đã từng chút từng chút một rời bỏ nàng đi.
Nàng lại dùng thanh âm yếu ớt gọi bà già kia lần nữa. Bà già cuối cùng cũng đi vào, bước chân bịch bịch trên nền gạch nghe chói tai vô cùng.
Bà ta rót một ly nước lạnh băng đưa đến trước giường, đặt "cạch" một cái bên mép giường.
Nước trong ly đổ mất một nửa, làm ướt cả đệm chăn.
"Tỳ còn đang bận sắc thuốc cho ngài! Nếu không có chuyện gì gấp thì đừng có gọi!"
Bà ta hậm hực nói, xoay người đi.
Người bà ta được lệnh hầu hạ, mặc dù trên danh nghĩa là chính thê của Yên hoàng, nhưng ai cũng biết hoàng đế chưa bao giờ nhìn qua nàng ta lấy một lần.
Thậm chí trong đám hạ nhân còn rỉ tai nhau, nói hoàng đế không chỉ không nhìn nàng ta lấy một lần, mà đã nhiều năm như thế, ngài ấy còn chưa chạm qua một ngón tay của nàng ta.
Nữ nhân như thế, sống cũng thấy nhục.
...
Đại Kiều gắng gượng ngồi dậy.
Người nàng quá gầy, gầy tới mức ngồi dậy cũng cảm thấy đau.
Nàng với tay lấy ly nước, vất vả lắm mới cầm được thì bất chợt trước mắt sáng bừng, trong cung thất tối tăm không hiểu sao tự dưng lại sáng như vậy.
Đó là một nữ nhân đang đi tới giường nàng.
Nữ nhân chừng ngoài ba mươi nhưng bảo dưỡng rất tốt, da dẻ căng mịn hồng hào, đối lập hoàn toàn với Đại Kiều. Nàng ta chải tóc kiểu Cửu Hoàn tinh xảo, tóc cài trâm phượng lộng lẫy quý giá, trâm phượng ngậm chuỗi bảo ngọc lưu ly rũ xuống, theo từng bước chân nàng ta phát ra tiếng đinh đang vô cùng êm tai.
Chỉ búi tóc như thế này cần hai thị nữ chải cho nàng ta trong hơn nửa canh giờ, trên người nàng ta mặc y phục bằng gấm tím thêu hình chim phượng vờn trăm hoa lộng lẫy. Hoa văn thêu trên loại gấm tím này rất khó làm nên vô cùng quý giá, hai mươi thợ dệt và thợ thêu lành nghề cùng nhau làm trong một năm mới hoàn thành xong một thước vải. Nam tử có địa vị bình thường cũng chỉ dám mua làm đai lưng trang sức, mà nàng ta lại may thành bộ y phục như thế.
Còn đôi giày thêu của nàng ta, đế giày mười hai lớp được dệt từ sợi chỉ vàng, quanh giày đính trân châu, hai mũi chân trái phải đều đính một con bướm vàng khoe sắc giống như thật. Theo từng bước chân nàng ta, cánh bướm rung rinh làm người nhìn không thể rời mắt nổi.
Nàng ta chính là Tô nữ, sủng cơ của Ngụy Thiệu, người bây giờ trở thành quý phi, cũng chính là nữ nhân duy nhất bên cạnh Ngụy Thiệu suốt mấy năm nay.
Bà già kia nhìn thấy Tô quý nhân, trên mặt lập tức bày ra vẻ nịnh nọt, quỳ xuống dập đầu.
Tô Nga Hoàng lệnh cho bà ta ra ngoài, bên trong cung thất chỉ còn Đại Kiều và nàng ta.
Tô Nga Hoàng đi tới bên giường, ngồi xuống, tự tay cầm ly nước lạnh kia lên, đưa đến bên miệng Đại Kiều, mỉm cười nói: "Ta nghe nói ngươi bệnh không nhẹ. Bệ hạ chinh phạt Ung Đô, tỷ muội ta đến nước này cũng coi như có duyên phận, ta nên tới thăm ngươi một chút."
Đại Kiều không nhúc nhích.
Tô Nga Hoàng nhìn đôi môi khô nứt của nàng, khẽ nhíu mày.
Nữ nhân hơn ba mươi, mặc dù bảo dưỡng tốt nhưng hành động lơ đãng này vẫn làm khóe mắt nàng ta nổi lên vết nhăn lờ mờ.
Nàng ta quát lên: "Đám điêu nô kia, dám hầu hạ như vậy à?! Ngày đông mà dám để nước lạnh thế này hả!" Nói xong quăng ly nước xuống. Ly nước rơi trên nền đất choang một tiếng, nước lênh láng.
Đại Kiều vẫn bất động.
Tô Nga Hoàng liếc Đại Kiều: "Trước khi đi bệ hạ phong ta là quý phi, ngươi biết không?"
Đại Kiều đương nhiên không biết, không ai nói cho nàng cả, mà nàng cũng không để ý đến chuyện này.
"Đúng ra bệ hạ phải làm một chuyện nữa, đó là phong ngươi làm hoàng hậu, nhưng chàng không làm vậy. Đương nhiên bệ hạ sẽ không phong ngươi làm hoàng hậu, nhưng nếu ngươi sống ngày nào, thì ngày đó ta cũng không thể làm hoàng hậu."
Cuối cùng nàng ta thở dài một tiếng, dùng ánh mắt thương hại nhìn Đại Kiều: "Thế nên ta thực sự không hiểu, ngươi đã đến nước này rồi sao còn cố kéo hơi tàn, không chịu chết đi?"
...
Đúng thế, vì sao còn cố kéo hơi tàn, không chịu chết đi?
Đại Kiều cũng tự hỏi mình.
Đến nước này rồi, điều khiến nàng còn lay lắt sống, có chăng là bóng dáng nam tử với một con mắt xanh lục cô đơn vùi mình trong bóng đêm ở hoa viên Đông quận nhà nàng.
...
Tô Nga Hoàng thấy Đại Kiều không phản ứng, bèn nhìn chăm chăm nàng.
"Kiều nữ" nàng ta dùng giọng điệu ôn hòa nói: "Trên đời này ai cũng có thứ mà mình mong muốn. Nam tử thì muốn quan to lộc hậu, mang vinh quang về cho gia tộc; còn nữ tử thì mong phu quý thê vinh (*), mong gả được lang quân như ý. Nhưng ta đoán là ngươi không biết, trên đời này không có thứ đồ nào dễ dàng giành được. Dù là trời cho thì cũng phải tự mình đi lấy. Ta biết trong lòng ngươi vô cùng hận ta, nhưng có thể ngươi không biết, ta đi được đến ngày hôm nay cũng đâu có dễ dàng?"
(*) Phu quý thê vinh: Chồng cao sang thì vợ cũng vinh quang, đại loại thế :)))
Khóe môi nàng ta mỉm cười, sau đó lại khẽ thở dài như nuối tiếc gì đó.
"Mấy lời này, chắc cả đời ta cũng chẳng nói với ai được." Nàng ta nói. "Nhưng không hiểu sao giờ ta muốn nói cho ngươi nghe."
Nàng ta im lặng một lát, giống như nhớ lại chuyện xưa.
"Ta xuất thân nhà quyền quý, từ bé đã quen biết bệ hạ, ta lớn hơn chàng hai tuổi. Khi ta mười bốn thì trong lòng đã xác định chàng sẽ làm phu quân của ta. Đáng tiếc trời chẳng chiều ý người, Ngụy gia gặp nạn, đến khi mười bảy tuổi thì phụ mẫu lại gả ta cho Lưu Lợi. Ta đương nhiên không muốn. Nhưng ta biết, là cho dù ta có cãi lời phụ mẫu thì bệ hạ cũng không nguyện lấy ta, mà Ngụy gia cũng không tiếp nhận ta, ai bảo ta chẳng được lòng tổ mẫu của bệ hạ, còn bệ hạ lại vô cùng kính yêu bà ta."
Nhắc tới "Tổ mẫu của bệ hạ", khóe môi nàng ta nhếch lên vẻ căm ghét, sau đó liền biến mất.
"Nghĩ ngợi xong, ta đành theo lời phụ mẫu gả cho Lưu Lợi. Gã nam nhân vô năng họ Lưu đó, ta gả cho hắn gần mười năm mà hắn không leo lên đế vị được, lại còn chết sớm như vậy. Ta thành quả phụ, lão già Hạnh Tốn tân chủ Lạc Dương mê sắc đẹp của ta, đòi lấy ta nữa chứ, nhưng ta đâu thèm. Ta quay về Trung Sơn quốc, qua bao nhiêu trắc trở mới gặp được bệ hạ."
Nàng ta nhìn Đại Kiều chăm chú: "Khi gặp chàng, bệ hạ ngạc nhiên hỏi ta sao giọng nói lại biến thành như vậy? Ta đáp là vì biết bệ hạ thích giọng hát của ta, nên năm đó trước khi xuất giá ta đã uống thuốc phá giọng. Dù bị ép gả cho người khác, không thể sinh con nối dõi cho bệ hạ, nhưng ta có thể giữ giọng hát này cho riêng chàng. Bệ hạ khi ấy xúc động lắm. Chàng cũng không biết, giọng ta bị như thế là vì mắc bệnh, uống nhiều thuốc quá nên mới vậy..."
"Kiều nữ, bắt đầu từ giờ khắc đó ta liền biết bệ hạ vẫn còn tình cũ với ta. Khi lấy ngươi bệ hạ hai mươi hai tuổi, trong phòng không có một cơ thiếp nào. Ngươi có biết vì sao không? Vì ngày bé ta chơi đùa với chàng, hỏi sao trên đời này nam tử đã có người mình thương mà vẫn tam thê tứ thiếp, còn nữ tử phải thủ thân như ngọc? Ta và chàng xa cách nhiều năm, vì sao chàng không gần nữ sắc? Chính vì chàng nhớ kỹ lời nói vô tình của ta năm xưa, nên mới coi nữ tử trong thiên hạ như cỏ rác..."
Tô Nga Hoàng nở nụ cười, ánh mắt toát lên vẻ đắc ý.
"Dù cho năm đó ta và chàng xa cách, nhưng vậy thì sao chứ? Khi đó chàng chỉ là thiếu niên, trong lòng chàng - những kỷ niệm mà tỷ tỷ lớn hơn chàng hai tuổi để lại sẽ là hồi ức chẳng bao giờ quên. Huống chi năm đó chàng bị thương nặng, mẫu thân chàng cũng bệnh liệt giường, còn ta ở lại Ngụy gia hơn nửa năm, ngày ngày vất vả chăm sóc cho mẫu tử chàng. Dựa vào tình cảm đó, cho dù ta có gì quá đáng hơn nữa thì chàng vẫn một lòng chờ ta thôi."
Đại Kiều kinh ngạc nhìn nàng ta.
Ánh mắt Tô Nga Hoàng dần dần trở nên lạnh lẽo.
"Kiều nữ, mệnh của ngươi cũng đáng thương, lấy dáng vẻ của ngươi bây giờ ta cũng chẳng muốn làm gì ngươi. Có điều không khéo là nếu ngươi không chết thì bệ hạ cũng không dứt khoát lập ta làm hậu. Ta cũng chẳng có kiên nhẫn chờ đợi. Ngươi biết không, ngôi hoàng hậu trống, mà ta lại bị phong là quý phi, điều đó với ta là nhục nhã. Để đến được ngày hôm nay ta phải hao tổn biết bao công sức, còn ngươi đã làm gì? Chỉ bằng thân phận nữ tử kẻ thù Ngụy gia mà chiếm vị trí chính thê của bệ hạ suốt mười năm? Nhưng ngươi chỉ là người mà tổ mẫu của bệ hạ cưới vào thôi! Chỉ khi ngươi chết, bệ hạ mới phong ta làm hoàng hậu!"
"Nhưng sao ngươi không chịu chết đi?"
Cuối cùng nàng ta đứng dậy, ánh mắt lạnh lùng nhìn Đại Kiều, nói.