Khom Lưng

Chương 86

Trăm dặm về phía Tây Bắc có một con đê ngăn nước sông Hoài tên là An Nhạc, được xây từ mấy chục năm trước.


Khi đó nhà Hán đã suy thoái nhưng hoàng quyền vẫn còn, Thái thú ở đây phát động dân phu, vất vả xây dựng suốt ba năm mới xong. Mỗi khi mưa lớn nước sông dâng cao về đều có con đê này ngăn lại, bảo vệ tám huyện cùng bảy mươi hai thôn xóm phía hạ nguồn. Dân chúng địa phương tưởng nhớ vị Thái thú kia, bèn lấy tên "An Nhạc" của ông ấy đặt cho con đê.


Chính con đê này đã bảo vệ dân chúng bình an suốt bấy nhiêu năm.


Mà hôm nay, con đê An Nhạc này chẳng còn như ngày xưa nữa.


Bắt đầu từ hôm qua, thứ sử Từ Châu - Tiết Thái một bên giả vờ tiếp tục vây thành để đánh lừa Dương Tín, một bên âm thầm sai hai tướng Tào Húc, Trương Bưu dẫn theo một ngàn binh mã lặng lẽ đi vòng đến đó, bắt lượng lớn dân phu bắt đầu phá đê.


Những dân phu này đều là dân chúng địa phương bị bắt ép tới. Trong lòng biết nếu đê bị phá thì nước sông Hoài sẽ trào xuống gây ngập lụt phía hạ nguồn, đồng ruộng sẽ biến thành biển nước. Mà càng làm người ta sợ chính là khi đê bị phá thì nước sẽ nhấn chìm nơi đây, bọn họ chỉ là dân phu có hai tay hai chân bình thường, sao thoát khỏi nước lũ ác liệt như thế?


Từ hôm qua đến giờ đám dân phu không ngừng cầu xin. Tào Húc, Trương Bưu đời nào nghe họ, những ai cứng đầu không chịu nghe, khóc lóc nhiều lời đều bị giết rồi ném xác xuống nước. Đám dân phu còn lại ôm hận nhưng không dám phản kháng, bị ép phải đào đất phá đê. Mặc dù trời rét, nhưng đếm hôm nay, con đê nguyên vẹn ban đầu đã bị đào một đường mương dài cả một dặm. Nước sông bên kia mấp mé có thể tràn vào bất cứ lúc nào, tình hình vô cùng nguy cấp.


Cạnh con đê dần dần tụ tập rất nhiều thôn dân nghe tin đến, ai nấy đều khóc lóc quỳ gối van xin. Tào Húc, Trương Bưu mắt điếc tai ngơ, một bên lệnh cho quân lính ngăn cản thôn dân, một bên quát mắng đám dân phu, không cho họ ngừng tay.


Dưới đê An Nhạc, tiếng đánh đập cùng tiếng khóc than hỗn tạp, tình cảnh loạn lạc vô cùng.


Tiết Thái ra tử lệnh cho hai người Tào Húc, Trương Bưu, bằng mọi giá trước tối hôm nay phải phá được đê, quân hắn sẽ nhân lúc trời tối leo lên chỗ cao. Mắt thấy mặt trời dần ngả về hướng Tây, đám dân phu lại dần loạn lên, dân chúng tụ tập về đây ngày càng nhiều, Tào Húc trong lòng nôn nóng, thấy ông già bên cạnh động tác chậm chạp, hắn bước tới đạp một cái khiến ông lão ngã lăn ra đất, rút roi da quất mạnh.


Trương Bưu thấy đám dân phu gần đó dừng lại nhìn sang với ánh mắt sợ hãi, thầm nghĩ giết gà dọa khỉ mới hữu hiệu. Thế là hắn rút đao ra đâm xuống người ông già kia trong tiếng hét kinh hãi của mọi người.


Cánh tay vừa hạ xuống, bất chợt bị người phía sau giữ chặt.


"Tướng quân quả nhiên uy phong, ra tay tàn nhẫn với một ông lão tay không tấc sắt như vậy à?"


Lôi Viêm nói.


Trương Bưu không nhận ra Lôi Viêm. Quay đầu thấy người này ngăn cản mình, tuy mặc thường phục nhưng vừa nhìn đã biết xuất thân trong quân đội, lực cánh tay của mình không nhỏ lại bị hắn giữ chặt như vậy, cây đao không đâm xuống được, nổi giận nói: "Ngươi là người phương nào? Dám nhúng tay vào đại sự của chúa công ta?"


Lôi Viêm cười lạnh nói: "Xử lí ngươi xong rồi ta sẽ nói ta là người phương nào!"


Trương Bưu giận dữ, ra sức giật cánh tay ra, múa đao chém Lôi Viêm. Đám lính bên cạnh cũng vây lên trợ giúp, nhưng hai người đánh nhau sát sao, người bên ngoài không xen vào được, nên bọn chúng chỉ dám đứng ngoài trợ uy cho Trương Bưu.


Mới qua mấy hiệp, Trương Bưu thét to một tiếng, cánh tay đứt lìa.


Trương Bưu ngã xuống đất, ôm bên tay bị cụt gào lên đau đớn. Tào Húc bên kia thấy vậy kinh hãi, vội vàng hét binh lính bao vây.


Lôi Viêm chẳng hề sợ hãi, giơ cao ấn tín Ngụy gia vàng rực trong tay, hô lên: "Ta chính là Lôi Viên dưới trướng Yên hầu U Châu! Chúa công ta hôm nay dẫn binh ngang qua đây nghe nói Tiết Thái ngang ngược, vì tranh một địa phương nhỏ bé mà làm ảnh hưởng tới an nguy của thôn dân tám huyện bảy mươi hai thôn hạ nguồn, dám mưu đồ phá đê gây lũ lụt! Việc trái luân thường đạo lý như vậy cũng dám làm, sao chúa công ta có thể ngồi im được? Thôn dân chớ sợ! Tất cả đã có chúa công ta!"


Ai nấy đều vô cùng kinh ngạc, dồn dập quay đầu nhìn lại. Thấy trên sườn đồi cách đó không xa có một nam tử đứng đó. Nam tử một tay giữ kiếm, khuôn mặt lạnh lùng, phía sau có mười hộ vệ nắm bội đao nghiêm chỉnh. Gió to nổi lên, góc áo hắn tung bay, càng nổi bật tư thế hiên ngang hùng vĩ, tựa như quân lâm thiên hạ, khí thế bức người.


Ngụy gia ở U Châu không chỉ đời đời trấn giữ biên cương ngăn chặn Hung Nô, mà đến lượt Yên hầu Ngụy Thiệu còn đánh hạ Ký Châu, thống nhất phương Bắc, bành trướng thế lực, trong hai năm gần đây danh tiếng vang xa, người trong thiên hạ ai cũng nghe danh.


Nửa năm trước Tiết Thái cùng Trần Tường kết minh tấn công Duyện Châu . Không ngờ bị Ngụy Thiệu chặn ngang, không những phá huỷ minh ước, mà sào huyệt ở Từ Châu thiếu chút nữa cũng bị Dương Tín cướp mất. Hai nhà đã sớm kết thù, có điều trước đây một Bắc một Nam, không giao tranh chính diện mà thôi.


Tào Húc mấy ngày trước nghe tin, nói cách đây không lâu quân Ngụy Thiệu giành thắng lợi ở Thượng Đảng. Mà trăm ngàn lần không ngờ tới hắn lại hiện thân ở nơi này. Uy danh của đối phương không người không biết, mà Lôi Viêm còn nói hắn dẫn binh qua đây, sợ không phải là đối thủ của hắn. Chi bằng lùi một bước, chạy về báo tin Ngụy Thiệu tới đây cho chúa công biết.


Tào Húc nghĩ kỹ, chậm rãi lùi về sau, đến khi lùi cách mấy trượng thì xoay người nhảy lên lưng ngựa, chạy đi.


Ngụy Thiệu lạnh lùng nhấc tay cầm cây cung của thủ hạ, cài tên, nhắm vào bóng lưng đang dần khuất xa, buông dây cung. 'Vút' một tiếng, tên bay như tia chớp bắn vào giữa lưng Tào Húc.


Tào Húc ngã xuống ngựa, bỏ mình.


"Ta chính là U Châu Ngụy Thiệu! Nay dẫn đại quân đi ngang qua đây, thấy Tiết Thái ngang ngược làm lòng người oán hận! Bọn binh sĩ các ngươi mau thả vũ khí xuống, ta sẽ tha tội chết!"


Ngụy Thiệu thu cung, theo gió thổi, từng câu từng chữ vang vọng.


Đám binh lính của Tiết Thái ai cũng biết tên Ngụy Thiệu phương Bắc. Thấy hắn bất ngờ hiện thân ở đây, uy phong lẫm liệt, khí thế bức người, không một ai dám bước lên. Mà chỉ trong chớp mắt Trương Bưu, Tào Húc kẻ bị thương kẻ mất mạng, vả lại trong những quân sĩ này đa số là người bị bắt sung quân, không phải ai cũng là phường côn đồ hung ác, bị Ngụy Thiệu làm hoảng sợ, ném vũ khí xuống đất rồi thi nhau bỏ chạy. Bên sườn đê nháy mắt chỉ còn đám dân phu. Dân chúng tụ tập ngày càng nhiều, không biết ai dẫn đầu, bọn họ thi nhau quỳ xuống dập đầu với Ngụy Thiệu, tiếng than khóc vang trời.


Ngụy Thiệu bước xuống, lệnh cho dân chúng lấp đất xuống con mương vừa đào để gia cố, tránh nước sông tràn qua.


Mọi người được nhắc nhở, hô hào lấp đất. Nhưng ngay lúc đó có mấy dân phu chạy tới, hốt hoảng nói khúc đê phía trước bị thủng một lỗ, nước đã tràn qua.


Thôn dân ai cũng biết, đê bị thủng có nghĩa là giữa đê xuất hiện một lỗ hổng. Nếu không kịp thời chèn lỗ hổng đó lại thì nó sẽ ngày càng vỡ lớn hơn, vô cùng nguy hiểm.


Ai nấy mặt đều biến sắc, dồn dập chạy đi. Trên sườn đê, dòng nước đục ngầu không ngừng chảy ra, nhanh chóng hợp thành một dòng suối. Mọi người sốt ruột, chạy lên đê tìm chỗ vỡ. Nhưng nước sông cuồn cuộn, làm sao có thể tìm thấy lỗ hổng ngay được?


Ngụy Thiệu đi theo, trong đám thân binh có người tên Trần Thiệu là người Nam quốc, tinh thông bơi lội, thấy thế chủ động đứng ra nói: "Quân hầu, có thể buộc dây thừng trên hông mạt tướng, thả mạt tướng xuống nước thăm dò xem."


Dòng nước lạnh thấu xương, dưới nước lại có xoáy ngầm, sức hút mạnh. Cứ thả người xuống như vậy, mặc dù có dây thừng giữ lại những cũng nguy hiểm vô cùng, lỡ bị hút vào xoáy nước thì chỉ có chết.


Ngụy Thiệu đương lúc chần chờ, một ông lão phía sau chợt nói: "Lão hủ có một biện pháp! Quân hầu không cần thả người xuống mạo hiểm!"


Ngụy Thiệu quay đầu lại, thấy người nói là một ông lão mặc áo gai, vai đeo túi thuốc, tóc bạc nhưng da dẻ hồng hào, râu trắng muốt. Ông lão bước nhanh về phía Ngụy Thiệu, đến gần thấy Ngụy Thiệu nhìn mình, ông khẽ gật đầu, lập tức sai người xé vải buộc thành dây thừng, một đầu buộc vật nặng, đầu kia giữ chặt tay sau đó thả xuống chỗ đê bị vỡ, chầm chậm đi dọc theo đó.


Mọi người nghe theo, đương kéo dây chầm chậm di chuyển thì bỗng thấy dây bị giật mạnh, kéo lên khó khăn, mà bờ đê bên kia dòng nước cũng dần nhỏ lại, mọi người đồng loạt hoan hô, cuối cùng đã tìm ra lỗ thủng.


Tìm được lỗ thủng rồi, dân phu bắt đầu lấp đất đá bịt lại, dòng chảy cũng dần biến mất. Những người còn lại tiếp tục đắp đất lèn cho chặt. Trước đây bị bắt ép đào đất, ai cũng không cam tâm, mà nay lại tranh nhau đắp đất, cứ sợ mình chậm hơn người khác một bước.


. . .


Nguy hiểm không còn nữa, Ngụy Thiệu quay đầu nhìn hướng Cửu dặm quan, đang lúc do dự lại thấy ông lão mặc áo gai đi về phía mình.


Gió to làm chòm râu trắng của ông lão tung bay, mang theo mấy phần tiên phong đạo cốt (giống tiên nhân).


"Lão hủ có lễ, gặp quân hầu."


Ông lão dừng trước mặt Ngụy Thiệu, nói.


Ngụy Thiệu thấy lão giả này không tầm thường, mang phong thái cao nhân, cũng không dám bất cẩn. Liền chắp tay chào, nói: "Không biết lão trượng đến từ phương nào, đang định đi về đâu? Lúc nãy may có lão trượng mới trừ được mối họa, ta vô cùng khâm phục."


Ông lão áo gai nhìn Ngụy Thiệu, đôi mắt tỏa sáng, mỉm cười nói: "Lão hủ thấu chút sự đời, hiểu nhân gian cực khổ, nên vân du tứ phương, tùy duyên tế thế. Mấy ngày trước xem sao trời thấy ba ngôi Tứ Tượng tề tụ ở đây. Tử vi đế vương ở giữa, thiên thị vây quanh, tinh tượng xán lạn. Lão hủ nghĩ đây là hiện tượng dị thường, tìm đến đây, vừa lúc nghe nói đê An Lạc có biến, lại bất ngờ gặp được quân hầu. Tận mắt nhìn thấy, quân hầu quả nhiên có vũ có trí, tấm lòng nhân hậu. Thiên hạ lê dân, từ nay có hi vọng."


Lúc hai người nói chuyện, dân chúng cũng dần dần vây quanh, nghiêng tai lắng nghe. Những lời ông lão nói họ nửa hiểu nữa không, nhưng nghe đến "Tử Vi đế vương" đều lờ mờ hiểu ra, đồng loạt nhìn Ngụy Thiệu với vẻ tôn kính, thì thầm bàn tán.


Con người Ngụy Thiệu bẩm sinh tính cách hung bạo, cũng chẳng có lòng thương người, thậm chí là người thù dai nữa, nếu không thời niên thiếu cũng chẳng có tên là tiểu bá vương.


Đến nay bản tính đó vẫn ngấm ngầm trong người Ngụy Thiệu, dã tâm bừng bừng.


Xưng bá, thậm chí lấy vũ lực giành được thiên hạ giang sơn, đó là dã tâm của hắn.


Nhưng nhiều năm qua hắn được Từ phu nhân chỉ dạy, lại có Công Tôn Dương ở bên khuyên can, theo tuổi tác dần lớn, bôn tẩu khắp nơi, thấy dân chúng lầm than, hắn ở địa vị cao cảm thấy bách tính khó khăn giống như một phần trách nhiệm của mình, dần dần cũng lo lắng cho bá tánh tứ phương.


Hôm nay sở dĩ thay đổi kế hoạch giữa chừng, một phần là ban ân với Dương Tín, mà một phần nữa bắt nguồn từ thương cảm thôn dân.


Mà bất ngờ lại gặp một ông lão như vậy.


Hắn đương nhiên nghe ra ẩn ý trong lời nói của ông lão, lòng hơi run lên.


Ông lão kia nói xong, chắp tay hành lễ với hắn, xoay người bước đi.


Ngụy Thiệu nhìn theo bóng lưng ông lão, không nhịn được hỏi: "Xin hỏi lão trượng, tôn tính đại danh của lão là gì? Có thể gặp lại lão lần nữa không?"


"Lão hủ có một vài học trò ngay dưới trướng quân hầu. Ngày khác nếu có duyên, tự nhiên sẽ gặp lại. Hi vọng quân hầu không phụ kì vọng của bá tánh, ngày khác tạo phúc lê dân, là phúc của thiên hạ."


Ông lão vẫn không quay đầu lại, tiếng nói theo gió truyền tới, ống tay áo tung bay, bóng người nhanh chóng biến mất.


 

Bình Luận (0)
Comment