Khom Lưng

Chương 95

Từ phu nhân ôm mèo đi vào phòng, bà bàng hoàng một lúc rồi mới hỏi: "Chuyện Lý Hương Hầu phu nhân trước kia có tiến triển gì không?


Chung bà bà đáp: "Tỳ đang định bẩm báo lão phu nhân. Xem ra phu nhân này cũng không phải tầm thường. Trước đây nàng luôn ở Lạc Dương. Năm ngoái Hương Hầu bị bệnh rồi qua đời, phụ nhân đó bị đưa về tổ trạch ở Ngư Dương. Lúc còn ở Ngư Dương, nàng ta rất ít khi giao du với bên ngoài, bình thường cũng không qua lại cùng ai cả. Nhưng mà..."


Bà chần chừ một lúc: "Vô tình tỳ biết một người quen cũng từng có quan hệ với nàng ta".


Từ phu nhân hỏi ngay: "Người quen nào vậy?"


"Chính là Tô thị ở Trung Sơn. Mấy năm trước lúc nàng ở Lạc Dương, có một khoảng thời gian Tô thị và nàng ta thường xuyên qua lại lắm, tiệc tùng yến nhạc. Sau này phụ nhân nọ bị tố cáo lẳng lơ. Có lẽ là để tránh chê cười, Tô thị dần dần không còn liên lạc nữa. Đây là chuyện của mấy năm về trước".


Từ phu nhân chậm rãi vuốt ve con mèo đang ngủ say trong ngực, bà trầm tư một lúc, lại hỏi: "Sao Khương bà bà lại lén lút lui tới với Hương Hầu phu nhân kia được nhỉ, có đầu mối gì không?"


Chung bà bà nói: "Tỳ vô dụng. Sau khi Khương bà bà và phụ nhân kia chết, cũng không lấy được khẩu cung nào. Theo vú già trong nhà Hương Hầu phu nhân nói, ngày thường bà ấy chưa từng thấy Khương bà bà gặp gỡ phu nhân trong nhà họ. Còn sao lại móc nối với nhau, thực sự tỳ cũng thấy khó hiểu".


"Lai lịch của Khương bà bà có tra được gì không?"


Khương bà bà vốn là hầu gái ở nhà mẹ đẻ của phu nhân, sau khi chồng mất thì có nuôi một đứa con trai. Chu phu nhân cũng từng có ân với bà ấy, cho nên bà ấy vẫn luôn ở bên phụng dưỡng bà, đến nay đã ba mươi năm rồi".


"Bây giờ nhi tử cửa Khương bà bà đâu rồi?"


"Có người nói mười mấy năm trước nhi tử của bà ta đã bạo bệnh rồi chết, khi đó chỉ mới mười mấy tuổi".


"Bị bệnh gì?"


"Bệnh gì thì không ai biết ạ. Nhưng mà tỳ tìm được một bà tử cũng từng hầu hạ phu nhân cùng với Khương bà bà, mười mấy năm trước phu nhân đuổi bà đi. Theo bà lão đó nói thì có thêm manh mối. Có người nói lúc đó nhi tử của Khương bà bà bị bạo bệnh mà chết, nhưng hình như lại có quan hệ với huynh đệ của phu nhân. Huynh đệ của bà đã từng nuôi nam sủng".


Quý tộc bây giờ, có người thì đi gọi kĩ nữ, có người thì lại nuôi nam sủng, đây cũng là phong trào bấy lâu nay.


Từ phu nhân chau mày: "Là cái tên say rượu trong hội hoa xuân ở Lạc Dương vào hai năm về trước, sau đó rơi xuống ao chết đuối mấy ngày mới nổi lên đấy à?"


"Chính là người đó".


Từ phu nhân không tiếp tục hỏi nữa, bà bàng hoàng hồi lâu rồi đột nhiên hỏi tiếp: "Hai ngày nay bà có thấy Thiệu Nhi không, có phải nó lại chọc tức cháu dâu rồi không thế?"


Chung bà bà thoáng chần chừ, không nói.


Từ phu nhân lắc đầu: "Mới năm trước còn hối hả không quản ngại đường xa, chạy xuống phía Nam đón cháu dâu ta về, xem nàng không khác gì bảo bối. Thế mà mới được có mấy ngày, bên kia cũng không có chuyện gì khẩn cấp, nói đi là đi luôn, còn bảo ta giữ nàng lại bên cạnh mình hầu hạ. Không phải là giận thì gì nữa?"


Chung bà bà đáp: "Nhớ năm xưa, Nam quân còn rất nhỏ, nỗi đau như cắt ruột cắt gan, cho nên cũng khó mà bỏ được. May mà Nữ quân hiền lành và độ lượng. Lão phu nhân không nên nóng vội, chờ một thời gian nữa, nhất định Nam quân sẽ giải được khúc mắc trong lòng".


Từ phu nhân đành nói: "Cố chấp như lừa ấy".


Chung bà bà nói tiếp: "Nam quân và Nữ quân là đôi vợ chồng trẻ, giận dỗi vô cớ cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu xa nhau khoảng năm, sáu tháng chỉ e là không ổn. Không phải là tỳ lắm miệng đâu, không bằng lão phu nhân mở lời bảo Nam quân đưa Nữ quân đi cùng. Dăm ba hôm thì hai người sẽ vui vẻ lại thôi".


Từ phu nhân bực bội: "Bà đã thấy có ai cầm roi ép lừa bước tiếp chưa? Nếu ta ra lệnh cho nó dẫn cháu dâu đi cùng, chưa chắc nó đã khó chịu đâu. Nhưng mà ta lại không muốn làm cháu dâu uất ức".


Bà suy nghĩ một chút, bàn tay sờ lên đầu mèo con, cười nói: "Qua năm mới trong nhà cũng không có việc gì, Bây giờ Ngư Dương gió lớn cát bay, ta lại thấy nhớ khí trời thoải mái ở thành Vô Chung rồi đấy".


...


Buổi chiều, lúc Ngụy Thiệu trở về thì không thấy Tiểu Kiều ở trong phòng, cũng không thấy bóng dáng Xuân Nương đâu. Hắn đi tắm xong cũng không thấy nàng về. Thế là đi hỏi Lâm bà bà.


Lâm bà bà đáp: "Lão phu nhân gọi Nữ quân qua dùng cơm rồi ạ".


Ngụy Thiệu thoáng chần chừ rồi cũng đi ra ngoài, vừa bước tới cửa đã nghe thấy tiếng bước chân từ hành lang bên sân vườn vang tới. Ngước mắt nhìn lên, hai thị nữ phía trước cầm lồng đèn chiếu sang, Tiểu Kiều cũng lững thững quay về. Ngụy Thiệu bước ra khỏi ngưỡng cửa, đi sang hướng thư phòng.


Sau khi tuần tra ở biên thành, mấy hôm nay sau khi về nhà hắn đều đi vào thư phòng trước, đến lúc khá muộn mới quay về phòng ngủ. Giữa hai người cũng yên ổn bình bình.


Tiểu Kiều nhìn thấy bóng Ngụy Thiệu thì gọi hắn: "Phu quân, tổ mẫu gọi chàng sang. Bà bảo có chuyện muốn nói với chàng".


Ngụy Thiệu nhìn nàng một cái rồi nhấc chân đi về hướng Bắc phòng.


Bước vào Bắc phòng, tầm mắt hắn dừng lại trên chiếc rương lớn được làm bằng gỗ nhãn, bên trong đặt mấy bộ quần áo và một số đồ dùng lặt vặt hằng ngày, nhóm vú già bận rộn đi qua đi lại bưng thứ này thứ nọ, Chung bà bà đang đứng bên chiếc rương, căn dặn một vú già: "Thời tiết ở đó không ấm lắm, mang thêm cái áo khoác bằng lông cáo này đi, cất lại cẩn thận..."


Đột nhiên nhìn thấy Ngụy Thiệu bước vào đây, bà vội chào, cười nói: "Nam quân đến rồi. Lão phu nhân đang ở bên trong ạ".


Ngụy Thiệu hỏi luôn: "Làm gì thế?"


Chung bà bà trả lời: "Lão phu nhân chuẩn bị đi tới thành Vô Chung".


Mi mắt hắn giật giật, bước vào phòng bên trong, Từ phu nhân cũng đang ngồi ở đó, nhìn thấy Ngụy Thiệu thì ngoắc gọi hắn sang.


Ngụy Thiệu đi sang ngồi bên cạnh: "Vừa rồi nhũ mẫu nói với cháu, tổ mẫu muốn đi thành Vô Chung phải không?"


Từ phu nhân gật đầu: "Gọi cháu sang đây là để nói chuyện này luôn đấy. Cháu cũng biết, bà thích thời tiết bên kia hơn, đông ấm hè mát, trong một năm cũng có đến quá nửa bà sống ở bên kia. Bây giờ cũng qua tiết Nguyên Tiêu, chờ cháu đi rồi, trong nhà cũng không còn ai cả, bà định qua đó ở một thời gian".


Ngụy Thiệu nói: "Bao giờ tổ mẫu đi? Tôn nhi đưa tổ mẫu đi trước. Chờ tổ mẫu ổn định đâu vào đấy, tôn nhi sẽ đi tới Tấn Dương".


Từ phu nhân từ chối: "Bà không cần cháu đưa đón làm gì. Bà còn dẫn theo cả mẫu thân của cháu. Nếu Tấn Dương đang có công chuyện gấp, cháu đi sắp xếp đi sớm đi là được. Bà cũng có người hộ tống mà".


Ngụy Thiệu hơn run lên, hắn chần chừ một lúc rồi mới hỏi: "Tổ mẫu chỉ dẫn mẫu thân của cháu đi thôi à?"


Từ phu nhân gật đầu, khẽ thở dài một tiếng: "Mặc dù bà đã cấm túc mẹ cháu vì chuyện từ lần trước, nhưng trong lòng bà cũng dễ chịu gì đâu. Dù sao nàng cũng là mẫu thân của cháu mà, bà biết trong lòng cháu cũng mong nàng vui vẻ. Lần này đi tới Vô Chung thành, bà quyết định dẫn mẹ cháu đi cùng, đến một nơi ở mới, có lẽ con người ta sẽ cảm thấy khác hơn".


Ngụy Thiệu trịnh trọng bái tạ Từ phu nhân.


Từ phu nhân mỉm cười: "Có gì mà tạ ơn kia chứ. Bà nhớ cách đây khoảng vài năm, tính tình mẹ cháu cũng không đến nỗi chi li vụn vặt như bây giờ. Thành ra như vậy, đương nhiên một phần là tại vì bản thân, nhưng thân là bà mẫu của mẹ cháu, không chỉ bảo con dâu mình tới nơi tới chốn, bà cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Nhân lần này dẫn nàng qua bên đó, bà sẽ đối xử với mẹ cháu tốt hơn".


Ngụy Thiệu cứ tạ ơn Từ phu nhân mãi. Từ phu nhân lại cười: "Gọi cháu tới cũng là vì chuyện này, cả ngày nay cháu bận bịu như vậy, nhanh nhanh đi về nghỉ sớm đi".


Ngụy Thiệu đáp lời, hắn đứng dậy khỏi giường, làm bộ rời đi thật, mới được mấy bước lại dừng chân, quay đầu lại hỏi: "Tổ mẫu không dẫn nàng đi cùng sao?"


Từ phu nhân nói: "Ai? Thê tử của cháu hả?"


Thấy Ngụy Thiệu vẫn đang nhìn mình, bà lắc đầu: "Nó không đi".


"Lẽ ra trong phủ chúng ta đã ít người như vậy". Từ phu nhân giải thích, "Cháu vừa đi, bà cũng đi, thế thì không cần con bé phải ở lại làm gì. Bà cũng định dẫn cả nó đi cùng. Mấy việc vặt trong nhà cứ giao cho quản sự là được. Nhưng mà cháu cũng biết rồi đấy, đầu tháng hai dân chúng phải cúng tế Thái Xã mong ngũ cốc được mùa, xưa nay toàn do chúng ta chủ trì cả. Năm vừa rồi là mẫu thân cháu làm. Bây giờ nàng đi cùng với ta, đương nhiên con bé phải gánh vác. Đây cũng là một chuyện trong số các nguyên nhân. Hơn nữa bà cũng có lòng riêng, nhỡ cháu có nhớ nhà, quay về còn có nàng chờ đợi. Nếu không biết đâu về sớm được, nhà cửa trống hoắc, vắng ngắt như thế này, ngay cả một người chào đón còn không có. Bà cũng thấy đau lòng cho cháu".


Ngụy Thiệu nói ngay: "Cháu không sao cả. Tổ mẫu cứ đưa nàng đi tới thành Vô Chung cũng được".


Từ phu nhân nói tiếp: "Vốn bà cũng sợ con bé ở nhà một mình sẽ cô đơn. Nhưng vừa rồi gọi con bé tới đây, bà cũng hỏi qua ý của nó thế nào. Nó bảo mình không sao hết cả. Cho nên bà lại thôi. Sớm muộn gì con bé cũng phải gánh vác trách nhiệm là chủ mẫu của Ngụy gia chúng ta, nhân lúc trẻ tuổi rèn luyện thêm cũng tốt".


Ngụy Thiệu mấp máy môi mấy lần, cuối cùng lại nói: "Tôn nhi biết rồi. Tôn nhi xin được cáo lui trước. Tổ mẫu cũng sớm an giấc nhé".


...


Ngụy Thiệu trở lại Tây phòng.


Tiểu Kiều đang chuẩn bị quần áo lên đường cho hắn cùng với Xuân Nương.


Ngụy Thiệu đứng bên nhìn mấy lượt rồi đi tới thư phòng. Muộn hơn một chút hắn mới về, Xuân Nương cũng không còn ở đây, trên sàn được đặt mấy chiếc rương lớn nhỏ như ở bên Bắc phòng, tất cả đều là quần áo của mình hắn.


Tiểu Kiều đang ngồi bên mép giường, xếp thêm vài bộ xiêm y nữa. Thấy hắn bước vào nàng cũng không ra đón, chỉ nói: "Thiếp nghe người ta nói, khí hậu ở Tấn Dương mùa đông thì khô lạnh, mùa hè thì khô nóng. Bởi vì chàng nói có lẽ phải nửa năm, cho nên lần này ra ngoài thiếp chuẩn bị cho chàng nhiều đồ hơn một chút. Ngoài áo bào, áo lông, khoảng mười bộ trung y, mười bộ nội y để thay đổi. Nội y đều là loại vải mịn. Nếu trời nóng thì đã có lụa mềm..."


Tầm mắt Ngụy Thiệu lướt qua mấy cái rương trên đất, hắn mất kiên nhẫn nói: "Mấy cái này nàng lo là được rồi. Nói với ta làm gì?"


Tiểu Kiều không nói nữa, nàng cúi đầu xếp tiếp mấy bộ xiêm y cuối cùng ở trên giường, sau đó dọn lại vào trong rương, đ.è xuống. Sau khi đập nắp lại, nàng quay đầu lại nói: "Cũng không còn sớm nữa, nghỉ ngơi thôi".


Từng người lên giường ngủ, không còn cái cảnh như keo như sơn vui vẻ của ngày xưa. Mỗi người mang theo tâm sự của riêng mình.


Tiểu Kiều nhắm mắt lại, bỗng nhiên nghe thấy tiếng Ngụy Thiệu bên tai: "Ngày mai nàng tới nói với tổ mẫu lại đi, bảo bà dẫn nàng đi tới thành Vô Chung".


Tiểu Kiều ngẩn ra, mở mắt nhìn sang hắn.


"Nàng cứ bảo, một mình nàng ở nhà nàng sẽ sợ cô đơn". Hắn nói tiếp.


Tiểu Kiều khẽ đáp: "Thiếp không sợ! Có gì đáng sợ đâu kia chứ? Tổ mẫu dẫn bà mẫu đi tới thành Vô Chung, thiếp ở nhà cũng là bổ phận của bản thân".


Chân mày Ngụy Thiệu hơi nhíu lại, nhìn nàng chằm chằm.


Tiểu Kiều quay mặt lại, nhắm chặt hai mắt.


...


Hai ngày sau, Từ phu nhân chuẩn bị đủ hành trang, bà gọi hầu gái ôm con mèo mập mạp, ngồi cùng xe ngựa với Chu thị khởi hành đi tới Vô Chung thành.


Ngụy Thiệu không để ý đến lời ngăn cản của Từ phu nhân, tự mình hộ tống. Buổi sáng đi đường, chạng vạng dừng lại nghỉ ngơi trong dịch xá. Chuyến hành trình không nhanh không chậm. Mấy trăm dặm đường đi hết khoảng ba ngày, hắn mới đưa Từ phu nhân đến được thành Vô Chung. Vô Chung lệnh ra cổng thành nghênh đón. Ngụy Thiệu vào thành thu xếp mọi chuyện xong, hắn để một đội gia tướng ở lại đây bảo vệ, ngay đêm đó hắn đã vội quay về, giữa trưa ngày hôm sau có mặt ở Ngư Dương.


Tiểu Kiều cứ tưởng sau khi đưa Từ phu nhân đi rồi, hắn về mấy hôm rồi lại rời đi tiếp. Nhưng không ngờ chuyến này trở về, Ngụy Thiệu lặng thinh không hề đề cập đến chuyện tới Tấn Dương. Nàng lẳng lặng quan sát được mấy ngày, thấy hắn cứ đi sớm về trễ, bận rộn lạ thường. Đương nhiên, Tiểu Kiều cũng không chủ động hỏi xem bao giờ hắn lên đường. Nàng chỉ gọi người tạm dời mấy chiếc rương đã được chuẩn bị xong. Bao giờ hắn đi thì mang ra là được.


Chớp mắt một cái, tháng giêng cũng vùn vụt qua nhanh, ngày hôm đó là lễ tế Thái Xá đầu tháng hai.


Tế Thái Xã là để tế thổ thần, lấy rau hẹ và trứng làm tế phẩm, mong muốn một năm được điền sản dồi dào, ngũ cốc được mùa. Sau khi tế cúng xong, hương dân sẽ cùng nhau nhảy múa chơi đùa, cũng có những nam thanh nữ tú nhân cơ hội trao nhau nhành phong lan gửi ý, đây cũng là một dịp lễ may mắn long trọng nhất trong năm, ngoài lễ Chính đán.


Sáng sớm hôm đó, Tiểu Kiều thức dậy, trang điểm xong xuôi thì thay đồ làm lễ, dưới sự hộ tống của đoàn người, nàng lên xe ngựa đi tới miếu Thái Xã ở ngoài thành.


Ngày đó, Ngụy Thiệu chờ nàng đi rồi mới đi tới nha môn. Vừa mới vào cửa, Công Tôn Dương đã thúc: "Chúa công, bao giờ mới tới Tấn Dương đây?"


 

Bình Luận (0)
Comment