Khúc Ca Biệt Ly

Chương 89

Hôm sau, tôi về Bắc Kinh một mình.

Tôi viết thư hồi âm cho Tiêu Triết, nói với cậu ta tôi muốn xuất ngoại, càng sớm càng tốt, nhưng tôi chưa chuẩn bị gì, thậm chí tôi còn không biết, đầu tiên mình nên làm gì. Trong lúc chờ đợi Tiêu Triết trả lời, tôi tự hỏi vì sao lại muốn xuất ngoại gấp như vậy. Lúc ở trấn Ngải Diệp, đấy chỉ là một cái cớ để chia tay mà thôi. Xuất ngoại? Ngay cả đến hộ chiếu tôi còn chưa làm, xuất cái nỗi gì?

Rất nhanh chóng Tiêu Triết trả lời thư, thậm chí cậu ta cũng không hỏi tôi về nguyên do của quyết định chớp nhoáng này, mà đề xuất luôn phương án cậu ta cho là nhanh chóng và êm xuôi nhất: trước tiên là xin qua Mỹ học tiếng Anh, rồi sau đó lo học ôn thi để xin theo học nghiên cứu sinh. Trong thư còn đính kèm một file lớn gồm những tài liệu có liên quan mà cậu ta đã xin được từ văn phòng sinh viên quốc tế của trường cậu ta, vô cùng cặn kẽ.

Mớ tài liệu đó toàn bên tiếng Anh, đêm đó tôi uống hết 3 ly cà phê, đọc cho đến sáng. Sau khi đọc xong, váng đầu hoa mắt, hình như lập tức quên mất hơn nửa. Tôi nhìn chiếc di động nằm im ỉm một bên thật lâu, vẫn không có chút động tĩnh.

Hắn sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, sẽ không còn một tin nhắn hoặc cuộc gọi nào nữa. Tôi nghĩ chắc là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau, lần chia tay này đoạn tuyệt hơn bất cứ lần nào trước đó, hắn, có thể chịu đựng bất cứ loại tổn thương nào, ngoại trừ tổn thương đến lòng tự tôn.

Sau đó, lại giống như vô số lần trong quá khứ, trùng phùng sẽ luôn xảy ra trong bất cứ một phút lơ đễnh nào đó. Mà nếu còn gặp lại, tôi có lẽ cũng sẽ y như cũ mà không sao chống lại được, sẵn sàng lao vào trong vùng xoáy ấy, tự mình đưa đầu vào rọ. Lẽ nào tôi vội vàng lo rời bỏ chốn này, không chỉ vì muốn tìm một chỗ để tự mình liếm láp vết thương, mà hơn hết chính là mong sao không gặp lại hắn nữa, để rồi không đi yêu hắn thêm lần nữa?

Có một ngày, Lạc Tiêu Tiêu bất chợt gọi điện thoại cho tôi, báo cho tôi biết Luật Sư Phương bị lãnh án 20 năm tù giam. Nhờ xét thấy biểu hiện của ông ta ngoan ngoãn, đã nhả số tài sản gian lận chiếm cứ ra lại, cho nên mới không bị hình phạt nghiêm trọng hơn. Ngô My My đương nhiên cũng phải chịu 1 phần trách nhiệm nhất định, may sao chỉ là một năm tù.

Vì sao Luật Sư Phương cuối cùng chọn đi đầu thú, tôi không rõ nguyên do, thậm chí cả một quá trình điều tra và xử án, tôi chả có chút hứng thú nào đi tìm hiểu. Có lẽ ông ta đã biết hành vi phạm pháp của ông đã khiến tôi thất vọng, bởi vì tôi đã kính trọng ông ta như thế, luôn coi ông như một tấm gương sáng để cố gắng học tập noi theo. Mà nay, ngay việc đến toà án xem ông ta cuối cùng đã biện hộ cho bản thân như thế nào, tôi cũng không có đủ can đảm để đi. Chỉ nghe nói ông ta đã rớt nước mắt trước quan toà, chắc là vì niệm tình bạn bè giữa ông ta và Ngô My My bao năm, hoặc có lẽ là do lương tâm thức tỉnh, khóc lóc van xin tích đức cho đứa con trai bị bứu não.

“Chị ơi,” Lạc Tiêu Tiêu nói, “Em nhớ chị.”

Cô nhỏ vừa nói xong, chuông cửa vang lên, tôi mở cửa ra, đứng ngay trước cửa, mắt sáng rỡ, chính là cô nhỏ. Lại còn mang quà đến cho tôi nữa, một bịch trái cây và một đĩa hát của Trần Dịch Tấn.

“Mẹ em đã mời gia sư mới cho em, em đã hứa trước khi mẹ ra tù, em sẽ quay về trường, tham gia cuộc thi đại học.”

“Tốt lắm.” Tôi nói.

“Chị ơi chị không vui sao?” Cô nhỏ dè dặt hỏi.

“Không phải.”

Tôi đâu muốn tiết lộ tâm sự của mình cho một cô nhóc. Nhưng cô nhỏ thực sự đã thay đổi rất nhiều, cũng không còn gặng hỏi cho bằng được. Hễ rảnh rỗi, cô nhỏ thường hay ghé thăm tôi. Giữa thành phố Bắc Kinh bất chợt đã trở nên bất an và cô đơn này, những ngày đó, cô nhỏ chính là niềm an ủi lớn lao nhất đối với tôi.

“Tại sao lại thất tình thế?” Rốt cuộc có một ngày, cô nhỏ hỏi tôi.

“Bởi vì chị mồ côi cha mẹ,” Tôi vuốt tóc cô nhỏ, đáp, “Chị không hy vọng vì chị mà trên thế giới này lại có thêm một đứa trẻ không có cha.”

“Nhưng chị cứ không vui hoài.” Cô nhỏ nói, “Có đáng không?”

“Vẫn bình thường mà.” Tôi nói, “Rồi cũng sẽ qua thôi.”

“Lẽ nào tình yêu không phải là ích kỷ sao?” Cô nhỏ ngẩng đầu hỏi tôi.

Tôi không biết phải trả lời cô bé ra sao.

Có Tiêu Triết giúp đỡ, thêm vào đó thành tích của tôi không tồi, đơn xin vào trường Mỹ được giải quyết vô cùng thuận lợi. Hôm được cấp thị thực, A Nam cũng về tới Bắc Kinh, bắt đầu đặt vé máy bay và thu xếp hành lý cho tôi. Mà tôi thì chỉ lôi tài liệu và giấy báo danh của trường đã được gửi về nhà cho mình, ngó lướt qua một lần, rồi nhét hết vào trong ngăn bàn.

Chả có ai để cần phải thông báo, cũng không cảm thấy có gì đáng để ăn mừng.

Huống chi, chỉ có mình tôi biết, thật ra tôi đang bỏ chạy, chạy trốn để rời xa một mối tình trái ngang.

Quãng 10 ngày trước khi tôi lên đường, tôi mới bắt tay vào gói ghém hành lý, nhét hết đồ vô va li, rồi không ngừng kiểm tra xem va li có bị quá trọng lượng hay không, hoặc là đồ đạc liệu có bị dồn nén quá tải mà bung ra ngay giữa đường hay không. Sau khi giải quyết mọi thủ tục một cách thoả đáng, tạm biệt với Nhan Dự Dự cả mấy lần, giữa gian phòng trống hoác chỉ còn sót lại cuốn lịch treo tường với một con số được khoanh tròn bằng bút màu đỏ, thế mà đã sắp tới rồi.

Tuy người xuất ngoại là tôi, nhưng A Nam còn bận bịu gấp mấy lần tôi, ông lo dọn dẹp nhà cửa, quét lau kỹ lưỡng, bỏ mã não vào trong tất cả mọi ngăn tủ, rồi xem xét lại một lần chót.

“Ba à, ba đâu cần phải làm gấp rút đến vậy,” Tôi nói, “Đợi con đi rồi ba có thể từ từ thu dọn sau, đâu nhất thiết phải làm hết trong hai ngày này.”

“Con mà đi rồi là ba không muốn ở Bắc Kinh thêm một ngày nào nữa.” Tính tình của ông trở nên cố chấp hơn rất nhiều so với trước đây, ông khăng khăng muốn dùng điều kiện để căn nhà này làm “tân phòng” cho tôi sau khi tôi kết hôn thì mới cho tôi xuất ngoại, còn bản thân ông, thì dọn về lại dưới quê với bà tôi.

“Ba bận rộn đến độ không có thì giờ nói được với con câu nào, con mà đi rồi thì đâu còn cơ hội để nói.” Tôi bảo.

Trên mặt của ông nở một nụ cười đã lâu lắm rồi chưa gặp: “Có thể dùng webcam mà, nhà mình đâu phải chỉ có một chiếc máy tính, con quên rồi sao? Tiêu Triết còn gắn cho ba nữa đấy.”

Tôi biết ông cố ý nhắc đến Tiêu Triết để thăm dò ý kiến của tôi, nhưng tôi không tiếp lời.

Trong lòng ông, Tiêu Triết chính là người thích hợp với tôi nhất, giống như ông là thích hợp với Lâm Quả Quả nhất. Câu nói kinh điển của ông, “Đây là người cô ấy yêu nhất, còn người yêu cô ấy nhất chính là chú” tôi không bao giờ quên. Lần này ông ấy đã thoải mái đồng ý cho tôi ra nước ngoài, trừ sự cưng chìu và ủng hộ ông vẫn luôn dành cho tôi ra, một phần lớn cũng là vì Tiêu Triết, có Tiêu Triết bên đó trông nom, ông mới có thể yên tâm.

Đó là hy vọng của ông, đối với cuộc sống của tôi. Còn Thuốc Độc thì, thông minh cỡ Nhan Dự Dự, Tiêu Triết, và A Nam, bọn họ đều không hé răng nhắc tới tên hắn. Chỉ có Lạc Tiêu Tiêu đôi khi sẽ nói với tôi:

“Bạn của anh đẹp trai nói anh ấy sẽ không bao giờ tới Bắc Kinh nữa rồi.”

“Anh đẹp trai làm rớt một tấm danh thiếp, em tìm được số điện thoại của anh ấy rồi!”

“Anh đẹp trai nói anh ấy không có tiền để nói chuyện trên điện thoại với em, em nạp cho anh ấy một ngàn đồng vào di động, kết quả anh ấy tắt máy, bà mẹ nó!”

Lạc Tiêu Tiêu vô tư không tim không phổi cho nên mới cứ thế mà không kiêng dè gì vết thương lòng của tôi, vui vẻ líu lo suốt ngày.

Tôi không biết Lạc Tiêu Tiêu làm cách nào để tìm được Thuốc Độc, nhưng điều duy nhất tôi có thể xác định là, sau khi Hạ Hoa qua đời, hắn chưa từng quay lại Bắc Kinh nữa.

Thế thì những gì trước đây hắn đã từng nói, một năm thường hay tới Bắc Kinh lo công chuyện, đại khái chắc là toàn nói để dỗ ngọt tôi thôi? Thật ra tôi không trách hắn đã gạt tôi. Ngay ngày đầu tiên quen biết hắn, tôi đã biết hắn là loại người như thế nào. Chỉ là mỗi một lần, tôi đều chọn tin tưởng những lời ngon tiếng ngọt của hắn. Rõ ràng biết hết thảy đều là mộng cảnh còn chưa tỉnh giấc, nhưng vẫn ráng nhắm chặt mắt, tưởng rằng như thế có thể kéo dài giấc mộng cho đến khi nó trở thành sự thật. Nhưng lần này, sau khi hắn đã làm một người cha, đứng trước sinh mệnh nhỏ bé ấy, không cần bất cứ cuộc đụng độ nào, tôi đã triệt để thảm bại. Ngoại trừ dứt áo ra đi, thì làm bất cứ một điều gì khác cũng sẽ để lộ rõ sự ngu xuẩn khiến tôi căm ghét bản thân mình.

Ngày lên đường, A Nam kéo hành lý giùm tôi, hai chúng tôi cùng hối hả tiến vào phi trường. Còn chưa kịp đăng ký lấy thẻ lên máy bay, bỗng có người réo gọi tên tôi: “Mã Chị Hai!!!!!”

Khỏi cần phải hỏi, Lạc Tiêu Tiêu.

“Mã Chị Hai,” Lạc Tiêu Tiêu nói, “Chị định ăn mặc như vầy đi tới Mỹ sao?”

A Nam vẫn chưa quen với phong cách của Lạc Tiêu Tiêu, không khỏi lên tiếng: “Vị này là…..”

“Cô Lạc.” Tôi nói.

“Có quà cho chị đấy!” Lạc Tiêu Tiêu đứng trước mặt tôi, đột ngột rút ra một phong thư, “Lên máy bay rồi mới được xem, đừng nói em chưa cảnh cáo chị.”

Lời chia tay lúc lên đường? Từ khi nào cô nhỏ đã học được trò này?

Thấy tôi bỏ thư vào trong túi xách, cô nhỏ mới nhẹ nhõm tựa như vừa cất được gánh nặng, rồi lại vung vẩy cánh tay, nói: “Cha chị đẹp trai quá nha, hay là giới thiệu cho mẹ em luôn cho rồi.”

Chỉ giỏi nói tầm bậy tầm bạ, thật không biết làm gì với cô bé này nữa.

Nhan Dự Dự sợ rằng nỗi buồn đưa tiễn của cô ấy sẽ gây ngập lụt cả phi trường thủ đô cho nên không chịu tới, nhất định ép tôi phải lấy một chiếc áo khoác bằng da loại tốt nhất của bên chồng cô ấy rồi mới buông tha cho tôi. Nhưng mà chúng tôi đã giao hẹn rồi, khi nào về nước, cô ấy nhất định sẽ ra đón.

Ở phi trường, tôi nhận được điện thoại cô ấy gọi đến, cô ấy nói: “Lần sau hai người cùng về đi, phải biết đấy là hy vọng lớn nhất của tớ ngay từ năm lớp 10.”

“Vậy e rằng nó sẽ trở thành một thất vọng của cả đời cậu.” Tôi trêu cô ấy.

“Hắn thật sự rất yêu cậu.” Nhan Dự Dự nói, “Còn nhớ cái lần hắn uống say không, hắn toàn gọi tên cậu ở nhà tớ, gọi cả đêm. Mã Trác, đừng dại dột nữa, phải ráng quý trọng.”

“Ờ, cậu cũng bảo trọng.” Tôi nói xong cúp máy.

Người sau cùng để tôi nói lời tạm biệt, chỉ còn lại A Nam. Ông luôn đi sau tôi, không nói năng gì. Tôi đứng lại trước cổng an ninh, xoay người để tạm biệt ông. Ly biệt gần kề, tôi nhìn ông, ông đã già, không chỉ có mái tóc đã điểm sương, cũng không phải là nếp hằn bên khoé mép, mà là trong ánh mắt. Ánh mắt ấy vô cùng thanh thản và mệt mỏi, tựa như đang lặng lẽ nói với tôi, tất cả những gì tôi đã nợ ông bao năm nay, ông chưa từng để trong lòng. Người đàn ông không mang một chút quan hệ máu mủ đang đứng trước mặt tôi này, thật ra hạt giống ỷ lại vào ông đã được gieo trồng trong tôi ngay từ giây phút đầu tiên ông chở tôi sau chiếc xe gắn máy, mà tôi lại lãng phí bao nhiêu năm nay đi oán trách ông, giằng co với ông; mãi đến lúc phải rời xa ông rồi mới hiểu ra, tôi đã lầm. Muốn ôm ông một cái, cơ thể lại cứng đờ không sao tiến tới được. Cuối cùng, ông là người tiến lên ôm tôi vào lòng, một cái ôm ấm áp an toàn đến vậy, hệt như những gì tôi đã từng khát khao thuở ấu thơ.

Ông vỗ vỗ đầu tôi, nói: “Con bé ngốc này, đừng khóc. Dọc đường cẩn thận, tới nơi nhớ lập tức liên lạc với ba. Ba cũng đang học tiếng Anh, khi nào học khá rồi, sẽ tới thăm các con.” Tôi vùi đầu vào bả vai ông, vừa khóc vừa cười vừa gật đầu.

Lên máy bay rồi, tôi lấy phong thư kia ra, nhìn thấy nét chữ ngoáy kinh khủng của Lạc Tiêu Tiêu, cô nhỏ lại còn dùng bút bi mực lóng lánh mà viết, lóng lánh đến đau cả mắt:

Chị Hai:

Có một bí mật em đã giữ kín cho đến ngày hôm nay, hy vọng chị sẽ niệm tình phút chót em chịu nói ra sự thật cho chị hay mà tha thứ cho em.

Đứa con gái đó của Thuốc Độc, không phải là con ruột của anh ấy, mà là con riêng của cái mụ tên Tinh Tinh kia đã có với người chồng trước của mụ ta.

Em vốn không định bụng sẽ nói cho chị hay, em vốn tưởng nếu em tranh thủ một chút thì anh ấy sẽ yêu em.

Nhưng mà em đã thất bại, trong lòng anh ấy chỉ có chị.

Đừng hỏi em làm sao mà biết rõ được điều này, em chính là Tiêu Tiêu em gái nhỏ toàn năng, không gì không làm được.

Chúc chị hành trình thuận lợi, ăn uống ngon miệng.

Yêu chị,

Tiêu Tiêu

Tôi đọc đi đọc lại bức thư ấy hết 7 lần, rồi mới xé nó đi.

Máy bay đang vượt qua tầng khí lưu trên không, những lớp mây chồng chất mang màu xám đục, trông như một đám bụi nằm lơ lửng giữa trời. Nhìn xuống dưới, không thấy được gì, khiến ta cảm thấy vừa mất mát vừa mờ mịt, tựa như tình yêu đã để vuột bay khiến ta không cách nào đối diện với cảm xúc trong lòng. Thật mong sao chỉ mãi trôi lơ lửng ở không gian không ai chạm tới này, không cần phải nghĩ ngợi gì về đúng sai, không cần phân tích tội trạng.

Trong khoang máy bay đã tắt bớt đèn, tôi vặn chặt chiếc quạt thông gió trên đầu, tắt ngọn đèn nhỏ, nhắm mắt lại chuẩn bị ngủ. Bỗng dưng khát khao được mơ thấy mẹ. Đã lâu lắm rồi, bà ấy không chịu đi vào giấc mộng của tôi nữa, tựa như đang phản đối chuyện tôi càng ngày càng giống bà ấy, nhưng càng ngày cũng lại càng không giống bà ấy. Tôi rất muốn hỏi bà, người mẹ đã từng dạy tôi rằng nếu có ai đánh mình thì mình nhất định phải đánh trả lại: tại sao mẹ không kịp dạy cho con làm sao để có thể dũng cảm đối diện với góc tối trong trái tim mình, làm sao để có thể sống một cách trọn vẹn trong nỗi đau của sự mất mát vĩnh viễn?

Thật ra, mẹ cũng không biết, đúng không?

Trong bóng tối, tôi biết bản thân không cách nào ngăn được giòng lệ yếu đuối, cũng chính như tôi biết lần này tôi đã không còn đường lui, tuy đã biết được sự thật.

Tha lỗi cho em, người em yêu, quá khứ bưng kín của em cùng với thói quen luôn quật cường trong cuộc sống, cuối cùng đã đưa tình cảm của đôi ta đến nước không sao cứu vãn được nữa rồi.

Ai bảo em đi tin vào số mệnh, tin rằng hết thảy đều đã được an bài. Nó khiến cho em tin rằng mỗi một lần đôi ta gặp lại để rồi phân ly, chỉ là để giẫm lên con đường của hành trình một đi không trở lại của ngày hôm nay.

Dẫu vậy, em vẫn cảm tạ đã từng gặp được anh, và cảm tạ số phận đã khiến đôi ta lại chia xa lần nữa.

Ở độ cao ba vạn thước trên không trung, em biết mình đang bay đến một đại dương mới, một thế giới không có anh. Vẫn như tất cả những lần trước trong quá khứ, em mang trên lưng hy vọng mới và mong đợi cặp bến ở một chân trời mới. 12 năm nay từ Tây sang Đông, từ Nam đến Bắc, rồi lại từ bên này của đại dương bay đến bên kia — hãy để em nói anh nghe lời thật lòng — trong cuộc đời 23 năm qua của em, điều đáng để mong đợi nhất, thật ra, chính là những lúc em ra đi.

Bởi vì, chỉ có ra đi, mới gặp được phép lạ, em thà rằng phải bay đến tận chân trời góc bể chứ không cam lòng trở trăn trong mộng một mình.

Đừng quên, em là Mã Trác. Chỉ hướng về phía trước, hướng về phía trước, không ngừng nghỉ, cũng không thể ngừng.

Hy vọng sẽ có một ngày anh gấp cho em một chiếc máy bay giấy phóng đi trong gió, hoặc ít ra anh vẫn còn nhớ đến quãng ngày thanh xuân chúng ta đã từng nắm tay chung bước trên đường. Dẫu sau bao lần chúng ta cáo biệt rồi lại tương phùng, tình yêu của anh và em đã từng đi được tới nơi xa thật xa; chỉ là hiện giờ, thuyền đã rời bến, em đã trôi về nơi tha phương.

Cuối cùng em đã hiểu, hẹn thề và chân tướng, vận mệnh và tiên tri, hết thảy đều là bòng bong hỗn độn. Không quan trọng nữa, cũng không đáng để canh cánh trong lòng.

Khúc ca biệt ly đoạn trường cuối cùng này, hãy để em biến nó thành một câu chuyện tình không lời, chỉ khẽ kể cho riêng mình anh nghe.

Cả đời này, ra đi, không nói lời hối hận, không than khóc đau thương.

———————- Chính Văn Hoàn —————–

Nhiêu Tuyết Mạn, hậu ký Khúc Ca Biệt Ly III

“Có đôi khi, chỉ có thể có một cái kết”

Viết xong KCBL III, là vào ngày 1 tháng Sáu, ngày quốc tế thiếu nhi. Một ngày nên dành trọn cho sự vui vẻ vô tư, tôi lại cho ra một cái kết mà tôi biết rất rõ là bạn đọc sẽ không ưa, rồi sau khi bao nhiêu bạn đọc đã khóc cạn tuyến lệ, tôi đã thành công bay lên đầu danh sách, trở thành “bà mẹ kế” NO.1 trong văn đàn.

Đừng trách tôi. Năm năm trước, sau khi tôi gõ hai chữ “Mã Trác” xuống trang giấy trắng, thì đã chủ định một cái kết như thế này, tôi không thay đổi nó được, bạn cũng không thay đổi nó được, không ai có thể thay đổi nó được.

Hết thảy những gì người ta nói về “định mệnh” đại khái chính là cái ý này.

Nếu không, đừng gọi cuốn sách này là “khúc ca biệt ly” làm gì, gọi nó thành “khúc ca tình yêu” cho rồi.

Giống như cái vị giúp tôi với lời hứa nơi đất Mỹ, tôi đã từng vô cùng nghi ngờ là cô bé chưa từng đọc qua KCBL I và II, nếu không thì mùa hè năm ngoái cô ấy sẽ không chỉ vào mặt Trần Ý Hàm (nhân vật Mã Trác trong phim truyền hình) hỏi tôi “người đẹp này là ai,” làm tôi tức đến mức suýt nữa mất hết phong độ trước mặt cô ấy mà trợn trắng mắt (tỏ ý khinh bỉ). Nhưng mà lúc vẫn đang viết KCBL III, cô ấy đã vô cùng nhẫn nại giải thích tường tận các thông tin về việc xuất ngoại của Tiêu Triết và Mã Trác, ngoài ra còn rành rọt giới thiệu với tôi rất nhiều thông tin thú vị và hữu ích về cuộc sống của lưu học sinh tại hải ngoại. Ngoài ra, cô ấy không ngừng giục tôi N+1 lần thiết kế cho Mã Trác một mối tình ABC (thành ra tôi biết cô ấy đã mắc chứng ABC)(1). Đương nhiên ngoài cô ấy ra, còn có rất nhiều người đều đồng loạt đưa ra rất nhiều kiến nghị hay ho cho cái kết của truyện, nhưng mà, kết cục, thật tình, đã sớm chính là cái dạng này.

(1) ABC – American Born Chinese, tức là một cuộc tình với một người Mỹ gốc Hoa.

Quãng thời gian ấy, mỗi ngày trước khi tôi nhắm mắt, trong đầu tôi luôn hiện ra cảnh tượng mà tôi đã từng miêu tả trong tưởng tượng bấy lâu nay. Phân ly, không than khóc, không đau thương. Ra đi, tìm kiếm tự do.

Bởi vì, chỉ có thế, Mã Trác mới có thể vẫn là một Mã Trác của tôi.

Đối diện với phân ly, nếu như mỗi người trong chúng ta có thể có thêm một chút can đảm, bớt đi một chút sợ sệt, thì có lẽ mới có thể hạnh phúc hơn một chút, đau khổ bớt đi một chút.

Ít ra, đấy là hy vọng tốt đẹp của tôi.

Trong cuốn sách này, nhân vật chịu đựng đau khổ để rồi được một món hời nhất chắc là chỉ có Tiêu Triết. Ấn tượng cậu ta để lại trong người đọc chắc gọi là “nhân vật cảm tử,” chỉ cần không bao giờ chịu buông tay, thì sẽ ôm được người đẹp về. Lúc Tiêu Triết và Mã Trác chia tay nhau ở phi trường, câu mà Tiêu Triết la lớn “Tớ sẽ không bao giờ buông tay,” đã khiến cho bao lữ khách không biết nội tình bị cảm động đấy.

Nhẩm tính, đã 5 năm trôi qua rồi, hệ liệt KCBL tổng cộng gồm có 3 quyển sách, hai bài hát, một bô phim điện ảnh, và vô số phiên ngoại của bạn đọc. Bất kể là đi đến đâu, cũng sẽ có người hỏi cùng một câu hỏi: “Sau này Mã Trác lấy ai?” Mấy bữa quay cảnh chót của KCBL III, chúng tôi mở một tiết mục phát sóng trực tuyến trên “Văn Đàn Thiên Trung,” mấy vạn bạn đọc trên mạng túc trực trên đó, chờ kết cục, chờ diễn viên xuất hiện, đợi tin nóng. Khi tôi trông thấy “Mã Trác” mặc áo cưới chạy giữa biển hoa, tôi cũng mang một ảo giác, tựa như cô ấy thật sự hiện hữu trong đời của tôi, mà tôi chỉ là một kẻ quan sát và ghi chép bên lề. Đương nhiên tôi hy vọng cô ấy sẽ hạnh phúc, bất kể kết cục như thế nào, tôi luôn tin rằng cô ấy sẽ hạnh phúc.

Bởi vì sau khi đã trải qua bao nhiêu sinh ly tử biệt, chắc là không còn gì tốt đẹp và quan trọng hơn việc lo sống sao cho thật tốt.

________________________________________

lời người dịch: Nếu bạn đọc có ấn tượng tốt và cảm xúc lai láng đối với cái kết này, mình khuyên bạn nên ngừng đọc truyện ở đây. Hoặc chí ít, bạn nên ngừng đọc vài ngày hoặc vài tuần, để cho ngấm. Rồi sau đó nếu tò mò, thì có thể đọc tiếp. Bởi vì trong “Ba Năm Sau,” tuy là một cái kết HE, nhưng diễn biến rất hấp tấp và có phần cẩu thả, tính cách của nhân vật chính thay đổi đến chóng mặt, tình tiết trở nên sến súa và sói mòn, cuối cùng thì mình cảm thấy chả ra đâu vào đâu. Cái phần “ba năm sau” cũng vốn chỉ được tác giả thêm vào sau vài lần tái bản, mình nghi nó chính là cái kết của phim truyền hình “Mã Trác.”
Bình Luận (0)
Comment