Khuynh Tẫn Thiên Hạ

Chương 84

Gió tuyết cũng thưa dần.

Chỉ còn vài hạt tuyết trắng tinh xốp mềm muộn màng phiêu diêu trong không khí, từ trên cao lơ đãng nhàn du, lất phất dịu dàng…

Điệu nghệ xoay tròn, lả lướt quẩn quanh trên không, tao nhã chạm đất, rồi… tiêu biến trong tấm thảm trắng xóa của tuyết băng…

Để rồi sau đó sẽ cùng tan ra thành vô vàn hạt nước trong veo, dịu dàng thấm vào đất mẹ. Tiêu tán không còn dấu tích.

Khoan thai mở trúc tán (1), Phương Quân Càn chậm rãi bước trên nền tuyết xốp, từ từ tiến ra đại môn của Đại Tướng Quốc tự.

Đối diện, cách Đại Tướng Quốc tự chừng trăm sải chân là một chiếc cầu bạch ngọc dáng cong uốn lượn hình vòng cung trắng toát, chiếc cầu được xây dựng và cẩn hoàn toàn bằng đá cẩm thạch màu trắng, cả công trình là một màu tuyết bạch tinh khiết, lóa mắt, lộng lẫy xa hoa, được chế tác vô cùng tinh xảo khéo léo, công phu hơn cả kỳ quan thiên tạo.

Cầu cao mười thước, chiều ngang ba thước, rộng rãi thoải mái, hai chiếc xe ngựa ngược hướng cùng lúc qua cầu cũng có thể đi trót lọt mà không trở ngại gì.

Đấy chính là Nhân duyên kiều trong truyền thuyết.

Hàng năm, cứ đến Hội Tơ hồng se duyên, trên bề mặt Nhân duyên kiều sẽ bày ra muôn nghìn dây tơ hồng đỏ thắm, tuy vậy lại không sắp đặt gọn gàng thẳng thớm mà rất tùy ý, trộn lẫn vào nhau, nhìn vào chỉ thấy một mảnh hỗn loạn, chẳng biết phải gỡ từ đâu.

Nhưng tất cả đều là những sợi chỉ đỏ riêng biệt, một đầu dây ở bờ bên này, đầu kia yên vị ở bờ còn lại.

Nhân duyên kiều rất cao, hai bên dốc cầu thoai thoải uốn cong theo một đường bán khuyên hoàn hảo, cho nên, hai người cho dù cùng lúc đứng ở hai bên chân cầu vọng sang cũng không tài nào nhìn thấy mặt nhau được.

Vào ngày hội se duyên, nam thanh nữ tú sẽ chia nhau đứng xếp hàng dài dằng dặc ở hai bên chân cầu, nam nhân một bên, nữ tử một bên, nô nức, hồi hộp nhặt lên một đầu tơ hồng thắm đỏ, quấn vào ngón tay, bước sang bờ kia của Nhân duyên kiều.

Sợi chỉ đỏ mềm nhẹ cùng lúc được hai người quấn chặt, chỉ lối đưa đường cho đôi tim còn đang bâng khuâng, ngỡ ngàng chưa nhận ra nhau. Trời xanh đưa lối, tơ hồng khiển duyên, khoảng cách hai đầu từng lúc thu ngắn lại, ngắn lại, cho đến khi cả hai đối diện.

Kìa người trước mặt, người đang quấn trong tay đầu kia của sợi chỉ mảnh mai đỏ thắm, chính là lương duyên trời định. Từ nay, hoành tuyền bích lạc, vĩnh kết đồng tâm.

Xích thằng hồng tuyến nên duyên kiếp

Hoàng tuyền bích lạc mãi chung đôi

Phương Quân Càn gõ nhẹ lên trúc tán, lớp tuyết xốp mềm dưới chân đang dần tan ra trong nắng sớm dịu dàng đón vài hạt tuyết lất phất từ trúc tán nghiêng xuống, tạo ra thanh âm trong trẻo, vui tai, khuấy động một chút không gian tĩnh lặng bình yên của buổi ban mai vừa hé. Thăm thẳm sâu trong lòng Phương Quân Càn, dường như có một ý niệm vô danh, không biết phải gọi tên như thế nào đang thôi thúc, lôi kéo hắn vô thức bước trên nền tuyết lạnh, đến nơi này.

Đến khi hắn định thần, đưa mắt nhìn quanh, mới chợt phát hiện mình đã đi đến đầu cầu.

Vào lúc này, Hội se duyên đã chẳng còn náo nhiệt, người người phó hội tìm nhân duyên đã toại nguyện từ nhiều ngày trước, trên cầu giờ đây chẳng còn mấy tơ hồng, hơn nữa tuyết lạnh đã hóa băng phủ đầy mặt cầu càng làm khung cảnh trở nên u buồn ảm đạm… Thật sự, tìm đỏ mắt mà chẳng thấy đâu xuân ý ấm nồng, ái tình cháy bỏng, chỉ thấy dư thừa thanh tĩnh lạnh lùng, cô liêu tịch mịch.

Giữa không trung bông trắng phất phơ bay, trên mặt đất tuyết lạnh giăng giăng khắp, trong khung cảnh tuyền trắng thê lương, ánh mắt mênh mang vô định của Phương Quân Càn chợt bắt gặp một sắc đỏ diễm lệ đến nhức mắt. Tuyết dần tan, để lộ ra một sợi tơ hồng hiếm hoi còn sót lại, đỏ tươi như huyết sắc, rực rỡ tựa lửa hồng đang muốn bùng cháy mãnh liệt.

Trong đầu vốn không hề nghĩ, vào lúc này lại có thể phát hiện một mảnh tơ hồng, còn ước được một đoạn nhân duyên.

Không kìm lòng được, Phương Quân Càn bất giác cúi người nhặt lên một đầu sợi chỉ, đem quấn vào đầu ngón tay của mình.

“Công tử, tơ hồng thật sự có thể kết định nhân duyên sao?” – Đôi mắt to tròn, đen láy thông minh của Trương Tẫn Nhai mở to thích thú, khuôn mặt bầu bĩnh không giấu vẻ tò mò, “Con cũng muốn thử một lần!”

Tiếu Khuynh Vũ mỉm cười nhẹ nhàng, ôn nhu đáp: “Đồ nhi vẫn chưa đến tuổi. Huống chi, ngươi tìm thử xem, làm gì còn sợi tơ hồng nào nữa!”

Trương tiểu bằng hữu cố đưa mắt nhìn khắp mặt đất đầy tuyết, săm soi, tìm kiếm từng chỗ một nhưng quả thật, không hề bắt gặp sợi dây đỏ nào nữa, tự nhiên “Ôiiii!” một tiếng vừa thảm não vừa buồn cười, nhất thời cụt hứng.

Luân y đang khoan thai di chuyển, Tiếu Khuynh Vũ đột nhiên ghìm lại.

“Công tử!” – Trương Tẫn Nhai kinh ngạc nhìn biểu hiện bất thường của công tử, càng ngạc nhiên hơn khi thấy công tử nhà mình cúi người xuống bên cạnh luân y, chậm rãi nhặt lên một đầu tơ hồng đỏ như lửa.

Tiếu Khuynh Vũ ngàn vạn lần không ngờ được, cứ ngỡ phía trước Đại Tướng Quốc tự này ‘Muôn dặm non xanh chim mất bóng. Vạn nẻo đường mòn bặt dấu chân’ (2), vậy mà còn tìm được một dây tơ hồng.

Khóe môi khẽ mỉm cười, phi thường diễm lệ. Dẫu vậy, trong lòng lại là một mảnh ai oán bi thương, xót xa hoài cảm: có lẽ, đây chính là một chút dấu tích còn sót lại sau khi tàn cuộc phồn hoa, tan cơn khoái hoạt, bị nhân thế lãng quên, bị tuyết băng vùi lấp, cứ mãi lặng câm, cứ hoài thinh lặng làm nhân chứng nhỏ nhoi cho một hồi thịnh thế, một khắc yên hoa.

Trong tiếng thở dài khe khẽ hàm chứa cảm thông cùng thấu hiểu, ý chuyển tùy tâm, Tiếu Khuynh Vũ dịu dàng chậm rãi quấn sợi chỉ đỏ vào ngón tay thon dài mảnh mai của mình.

Tơ hồng bỗng nhiên động đậy.

Ở hai bên Nhân duyên kiều, hai nam tử không hẹn mà đều giật nảy mình, và cũng đồng thời, trên khuôn mặt cả hai cũng đều toát ra vẻ ngạc nhiên đến độ không thể tin được.

Nhân duyên kiều cách trở, không thể nào nhìn thấy được đối phương.

Tiếu Khuynh Vũ, chu sa thê diễm, thanh nhã xuất trần, dáng điệu tịch mịch cô đơn, an nhiên tĩnh tọa ở một đầu cầu.

Phương Quân Càn, tay nâng trúc tán, tà mị phong lưu, thân ảnh tịch liêu cô lẻ, bần thần đứng lặng ở một đầu cầu.

Mà, hai đầu của tơ hồng thắm đỏ ấy, đã tìm được chủ nhân.

Hai đầu, đều đang được hai nam tử tuyệt thế vô song quấn chặt vào đầu ngón tay của mình.

Tơ hồng đồng thời quấn quanh, một vòng, một vòng, rồi một vòng nữa… Khoảng cách hai đầu ngày một ngắn lại, khoảng cách hai người cũng ngày một thu hẹp dần.

Trời xanh dẫn lối, tơ hồng khiển duyên, cho đến khi đối diện.

Người đang giữ đầu kia của tơ hồng, chính là thiên định nhân duyên.

Đó là quy luật, và cũng là định mệnh.

Ở dưới chân cầu, Tiếu Khuynh Vũ đoan nhiên tĩnh tọa trong luân y, lặng lẽ nhìn sợi chỉ đỏ trong tay mình càng lúc càng rung động mạnh hơn, càng lúc càng bị kéo căng hơn, lặng yên se lại, im lìm cuốn quanh… Mà… chẳng biết về đâu…

Để rồi sau đó, đáp án hiện ra, rõ ràng, minh bạch…

Trên đỉnh Nhân duyên kiều, xuất hiện một bóng hồng cân đỏ tươi phơ phất, hờ hững khoác trên vai nam tử tuấn mỹ phong lưu, ngạo nghễ khinh cuồng.

Thân ảnh quen thuộc của Phương Quân Càn, đang cầm trên tay một cây trúc tán lấp đầy nhãn thần của Tiếu Khuynh Vũ…

Hai người, bốn mắt, nhìn nhau không chớp, giữa phong giữa tuyết, vô ngữ vô ngôn…

Tuyết trắng phiêu diêu, nhẹ nhàng chạm đất…

Tuyệt diễm, tuyệt lệ.

Mà cũng cực nhanh.

Tan rã.

Không chút dấu tích.

Cùng nhìn nhau…

Nhìn mãi, nhìn mãi, mỗi tia nhìn là một vết dao cứa, một nhát kiếm đâm. Đau buốt! Tái tê!

Tiếu Khuynh Vũ, thủy chung không lên tiếng. Phương Quân Càn, trước sau không nói gì!

Cả không gian lắng đọng, thời gian như dừng lại.

Hồi lâu.

Chẳng biết đến bao lâu…

Rồi Phương Quân Càn chậm rãi bước xuống cầu, tiến đến bên cạnh luân y của Tiếu Khuynh Vũ, trúc tán trong tay che lên thân ảnh băng giá lạnh lùng của bạch y thiếu niên…

Dưới bóng trúc tán, có hai tuyệt thế nam tử, một ngồi, một đứng.

Tơ hồng vô ý, duyên phận hữu tình, dẫu thiên di bách chuyển cũng trở về, dịu dàng quẩn quanh đầu ngón tay hai người, ánh lên sắc thắm, ngời sáng tinh hoa.

Thanh thiên khiển tuyến, trời định lương duyên. Từ nay, Bích lạc Hoàng tuyền…

Tiếu Khuynh Vũ, Phương Quân Càn, ngay tại nơi băng thiên tuyết địa, ở bên cạnh Nhân duyên kiều này…

Đã xác định được…

Một kiếp nhân duyên.

—oOo—

(1): cây dù truyền thống bằng trúc của Trung Quốc, (ở đây chỉ nói đến dù đơn – 1 người che) thường chia làm 2 loại, Tứ thập bát cốt tử trúc tán (dù có khung làm bằng 48 nan trúc – loại dù to, nặng) và Nhị thập tứ cốt tử trúc tán (dù có khung làm bằng 24 nan trúc – nhẹ hơn), nguyên văn thì Tiểu Càn đang mang cây dù Tứ thập bát cốt tử trúc tán, nhưng để nguyên câu chữ Hán thì dông dài mà diễn nghĩa nó ra thì lủng củng, thế nên tôi để xuống chú thích rùi chú luôn 1 lần cho gọn. Và cũng bởi vì đối với người VN mình thì 48 nan hay 24 nan thì cũng chỉ là cây dù mà thôi!

(2): Hai câu thơ trích trong bài thơ ‘Giang tuyết’ (Tuyết trên sông) của nhà thơ Liễu Tông Nguyên (một nhà thơ thời Trung Đường), đọc toàn bài thơ, tứ thơ cô đọng, hàm súc nhưng hàm ý sâu rộng, rất có điểm tương đồng với thơ Haiku. Ở đây, tôi dẫn ra nguyên văn chữ Hán, Hán Việt và bản dịch bừa của bản thân.

Nguyên văn

江雪

千山鳥飛絕,

萬徑人蹤滅。

孤舟簑笠翁,

獨釣寒江雪。

Hán việt

Giang tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt,

Vạn kính nhân tung diệt.

Cô chu thôi lạp ông,

Độc điếu hàn giang tuyết.

Chie dịch bừa

Tuyết trên sông

Muôn dặm non xanh chim mất bóng,

Vạn nẻo đường mòn bặt dấu chân.

Thuyền nan u uẩn che tơi nón,

Lão chài mặc tuyết thả cần không.

Bình Luận (0)
Comment