Kiếm Động Trung Châu

Chương 38



Lại nói, sau khi rời khỏi Cửu Hoa Sơn, hoàn thành công cuộc thảo phạt Cửu Trùng Giáo, Giang Hoài Ngọc đã cho các đàn trở về nguyên vị. Còn đoàn thị vệ thì tiếp tục hộ vệ chàng đi về phương nam, hướng đến là thành Kim Lăng.



Sau khi rời Cửu Hoa Sơn được mười dặm, Giang Hoài Ngọc truyền lệnh dừng lại nghỉ ngơi. Suốt đêm rồi ai nấy đều khó nhọc nên chàng muốn để mọi người có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức.



Đoàn xa giá trú đóng trên một ngọn đồi thấp, cây cối thưa thớt. Giữa ngọn đồi và quan đạo có một khoảng rừng thưa, nhưng cũng đủ che chắn được sự dòm ngó của khách lữ hành đi trên đường.



Một toán thị vệ tỏa ra xung quanh lo việc cảnh giới. Số còn lại chuẩn bị việc ăn uống nghỉ ngơi. Trong lúc ấy, Giang Hoài Ngọc cùng Quan lão và Bách Lý Hạc ngồi uống trà chuyện vãn.



Mặt trời đã lên khá cao.



Các toán thị vệ cứ luân phiên một toán cảnh giới cho vài toán nghỉ ngơi. Cảnh vật yên bình, chẳng có gì đáng phải lo ngại.



Trời trong gió mát.



Giang Hoài Ngọc ngồi dưới một gốc cây, cũng thiu thiu ngủ. Cả đêm thức trắng khiến chàng thấy mệt.



Không biết đã trải qua bao lâu …



Bỗng nhiên, chàng nghe thấy có tiếng động lạ từ phía xa vẳng lại. Dù rằng chàng đang ngủ, nhưng tâm tư chàng rất linh mẫn. Kể từ lúc chàng gặp đại nạn, thính giác của chàng đã trở nên rất nhanh nhạy. Tiếng động rất nhỏ, và ở khoảng cách rất xa, lại lẫn vào những tiếng lá reo vi vu, thế mà chàng vẫn nghe thật rõ ràng. Có điều, chàng chỉ nhận biết được đó là tiếng quát tháo của ai đó, nhưng không nghe rõ họ đang nói gì, đương nhiên cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.



Chàng mở mắt nhìn lên, bất giác giật mình.



Quan lão và Bách Lý Hạc đã không còn ở nơi đấy nữa. Chàng đưa mắt nhìn quanh, nhưng vẫn không thấy bóng dáng hai người họ đâu. Chỉ có bọn Tang Lương bốn người đang túc trực xung quanh chàng.



Thấy chàng nhìn quanh, Tang Lương hiểu ý, liền nói :



- Chúa công. Ở phía Tây Nam thấy có kẻ lạ xuất hiện. Nhị vị Tổng quản đều đã đến đó xem xét.



Phía Tây Nam chính là hướng mà chàng đã nghe thấy tiếng quát tháo. Chàng khẽ cau mày, hỏi :



- Khanh có biết là chuyện gì không.



Họ Tang cung kính đáp :



- Không ạ.



Khoảng cách quá xa, đến chàng mà còn chưa nghe rõ được tiếng nói thì đương nhiên bọn Tang Lương cũng chẳng nghe thấy gì. Chàng nói :



- Vậy chúng ta hãy đến đó xem thử.




Nếu là Quan lão hay Bách Lý Hạc thì chắc sẽ ngăn chàng đi. Nhưng bọn Tang Lương nào dám có ý kiến, chàng bảo sao thì phải nghe vậy. Thế là, chàng đi trước, bốn người họ theo sau, cùng đi đến nơi phát ra tiếng quát tháo.



Hướng đi ngày càng đi sâu vào trong, mỗi lúc một xa quan đạo. Bọn Tang Lương nhìn nhau lo lắng, tay nắm chặt vũ khí đề phòng bất trắc. Nhưng Giang Hoài Ngọc vẫn cứ thong thả đi tới. Chàng biết mình đã đi đúng hướng, vì thanh âm mỗi lúc một lớn hơn, và chàng nghe trong đó có cả tiếng nói của Quan lão.



Trải qua hơn mười dặm đường, phía trước mặt hiện ra một dòng suối nhỏ quanh co uốn khúc. Nước chảy róc rách nghe thật vui tai.



Bên dòng suối là một khoảng không thoáng đãng. Một chiếc thạch bàn kê tựa bên bờ. Xung quanh là mấy tảng đá phẳng phiu có thể dùng làm ghế ngồi. Cảnh sắc hữu tình, không gian tĩnh mịch. Nếu không có mấy nhân vật đối diện nhau với vẻ không mấy thân thiện thì thật là nơi thích hợp để hưởng thú thanh nhàn.



Không khí tại nơi ấy có vẻ khá căng thẳng.



Lúc này không còn tiếng quát tháo nữa, bởi song phương đã bắt đầu giao đấu. Hai phe đối diện nhau, mỗi phe mười mấy người đều hầm hầm sát khí. Giữa trường, Quan lão đang giao thủ cùng một lão nhân đầu hói bóng. Bách Lý Hạc cùng đội thị vệ đứng bên ngoài quan chiến. Phía đối diện chừng độ hai chục người, căn cứ theo y phục thì xem chừng thuộc hai nhóm khác nhau.



Chợt thấy Giang Hoài Ngọc cùng Tứ đại thị vệ đi đến, Bách Lý Hạc vội lướt tới nghênh đón, nói :



- Chúa công. Quan lão ca đang thử võ công của bọn người kia.



Lão sợ Giang Hoài Ngọc ngăn cản cuộc chiến nên đã vội nói trước. Chàng nhìn vào đấu trường, thấy hai đối thủ đều đang hăng hái giao đấu, nhưng cuộc chiến cũng không đến nỗi kịch liệt cho lắm, có vẻ như mỗi đấu thủ đều chỉ dùng một phần sức lực. Chàng khẽ cau mày, hỏi :



- Bọn người kia là ai thế. Vì đâu lại đánh nhau.



Bách Lý Hạc nói :



- Lão hói kia là Âm Sơn lão tổ, Khai sơn Tổ sư của phái Âm Sơn. Còn cái lão gầy như que củi kia là Lạc Phách Ma Quân ở Lạc Hồn Cốc. Bọn họ đều là những đại ma đầu hồi mấy mươi năm về trước, cùng thời với Quan lão ca, và đã lâu rồi không thấy xuất hiện trong giang hồ. Bọn họ hội nhau ở đây để giải quyết một trường ân oán nào đó. Bọn lão phu nghe tiếng động thủ liền vội đến xem thử. Quan lão ca sợ bọn họ gây cuộc ồn ào làm mất giấc ngủ của chúa công nên lên tiếng khuyên can. Dè đâu hai lão đã chẳng chịu nghe lời mà còn gây chuyện, thách thức Quan lão ca tỷ đấu. Quan lão ca cũng muốn biết võ công bọn họ đạt tới mức nào nên đã chấp nhận.



Giang Hoài Ngọc nhìn vào cục trường, thầm hiểu rằng sự thật không phải chỉ có thế. Chỉ có điều Bách Lý Hạc không muốn nói tường tận mà thôi. Chàng thấy cuộc chiến cũng không đến nỗi quá kịch liệt đến mức có thể gây thương vong nên cũng không muốn làm Quan lão mất hứng thú. Do vậy mà chàng không lên tiếng khuyên ngăn, chỉ cùng Bách Lý Hạc đi đến chỗ bọn thị vệ.



Lại nói, Quan lão đang giao đấu cùng Âm Sơn lão tổ và xem ra đã chiếm được chút thượng phong, chợt thấy Giang Hoài Ngọc đi đến thì lộ vẻ ngần ngại. Trong lòng lão đang lo ngại chàng sẽ lên tiếng khuyên ngăn, yêu cầu bãi chiến, nên chiêu thế cũng có phần chậm lại, khiến tình thế trở lại quân bình.



Nào ngờ chàng đến nơi rồi lại không ngăn cản mà lại đứng ngoài quan chiến, khiến lão sinh lòng hứng khởi, gia tăng kình lực, từng chiêu từng thức đánh ra dồn dập, liên miên bất tuyệt.



Hôm nay, Quan lão không dùng đến món vũ khí đã tề danh cùng lão là cây bút lông nửa đen nửa trắng, mà lại sử dụng môn công phu chỉ vừa mới luyện thành gần đây là Thiết Tụ Công.



Với bộ hoàng bào theo lối vương giả, hai ống tay áo rộng với người thường sẽ bị xem là vướng víu thì nay đối với Quan lão lại trở nên vô cùng lợi hại. Chỉ với hai chiêu Cẩm Tụ Tế Thiên (tay áo gấm che trời) và Thần Long Hí Vân (rồng thần vờn mây) được lão luân phiên sử dụng, đôi ống tay áo đã dệt nên một màn tụ ảnh mờ mờ, cùng với tụ kình mãnh liệt như cuồng phong bạo vũ chụp lấy đối phương, trấn nhiếp tinh thần, như muốn buộc đối phương phải hạ khí giới chịu thua.



Trong khi đó, Âm Sơn lão tổ cũng không chịu kém, bảo đao trong tay múa tít bảo thủ toàn thân. Thân hình lão ma biến mất trong làn hắc quang mờ mờ kín kẽ. Thanh đao của Âm Sơn lão tổ không phải loại thường, mà đó là thanh Ma Đao trấn sơn, bảo vật truyền đời của Âm Sơn phái.



Bảo rằng không phải loại thường bởi thanh đao kia đã không sáng bóng mà lại sơn đen, bề mặt không trơn láng mà được chạm khắc hàng nghìn mảnh vẩy rồng tinh xảo cầu kỳ. Ngoài lý do trang trí, những hình khắc trên thanh Ma đao còn tiềm ẩm sát cơ. Từng chiếc vẩy rồng được đánh bóng sáng loáng kia là từng mảnh kính nhỏ xíu phản chiếu ánh dương quang, làm hoa mắt địch thủ. Âm Sơn lão tổ là loại người biết tận dụng từng lợi thế nhỏ để thắng địch.



Thế nhưng, sáng hôm nay vầng dương chỉ nhạt nhòa, lại thêm trong rừng thâm u nên thanh Ma Đao không thể phát huy tính năng đặc biệt đó. Và đối thủ của Âm Sơn lão tổ lại là bậc kỳ lão của võ lâm, đang chiếm tiên cơ nhờ ra đòn nhanh như sấm sét, cũng như nội lực có phần thâm hậu hơn.



Đôi ống tay áo chứa đầy chân khí của Quan lão liên tiếp giáng những đòn nặng như búa tạ vào lưới đao, khiến đường đao chậm đi hoặc lệch hướng, để lộ sơ hở. Âm Sơn lão tổ đã phải vận dụng đến quyền chưởng để bổ khuyết. Cách này tạm thời có hiệu quả, nhưng không phải là diệu sách, bởi sức lực con người có hạn, dù nội lực thâm hậu cỡ như Âm Sơn lão tổ thì cũng có lúc sẽ kiệt lực.



Tuy cuộc chiến chưa ngã ngũ, nhưng sự hơn thua đã quá rõ. Càng về sau, phần thắng càng nghiêng về phía Quan lão.



Và rồi cuối cùng thì màn đao quang, chưởng ảnh kín kẽ ấy cũng đã lộ sơ hở. Ống tay áo bên hữu của Quan lão đã len qua được màn đao quang, vươn đến trước ngực của Âm Sơn lão tổ.



Âm Sơn lão tổ đang hăng hái vũ lộng Ma Đao, chợt cảm thấy có một áp lực rất nặng nề dồn ép vào lồng ngực.



Là một đại cao thủ, đã từng trải giang hồ mấy mươi năm, Âm Sơn lão tổ lập tức hiểu ngay chuyện gì, liền vội ngửa người ra sau theo thế Thiết Bản Kiều, rồi hai chân đạp mạnh, cả thân người trượt về phía sau mấy trượng. Đôi thiết tụ mất mục tiêu, giáng thẳng xuống đất đánh “sầm” một tiếng.



Bụi đất bắn tung mù mịt.



Khi cát bụi tan đi, chỗ đứng lúc nãy của Âm Sơn lão tổ giờ đây đã biến thành một cái hố sâu hoắm.



Kình lực của Thiết Tụ thật ghê gớm, nếu lỡ giáng trúng thân người chắc đến phải tan xương nát thịt. Những người bên phe Âm Sơn lão tổ đang đứng ngoài quan chiến đều nghĩ vậy, bất giác rùng mình.



Bao nhiêu đó nhắm cũng đã đủ khiến cho đối phương phải khiếp phục rồi, Quan lão không tấn công tiếp nữa mà thu tay lại, đưa mắt nhìn Âm Sơn lão tổ lúc ấy đang lồm cồm ngồi dậy, miệng tủm tỉm cười.



Thấy uy lực của Thiết Tụ Công lợi hại đến như vậy, Giang Hoài Ngọc khe khẽ thở dài, nói :



- Môn này thật bá đạo.



Quan lão quay lại phân trần :



- Chúa công. Lão phu biết phân biệt nặng nhẹ mà. Tùy đối thủ mà lão phu sẽ vận dụng kình lực thích hợp. Nếu không phải là kẻ đáng chết thì lão phu chẳng bao giờ hạ sát thủ. Chúa công cứ yên tâm.



Lời nói của Quan lão nghe qua cũng không phải vô lý, nhưng với Âm Sơn lão tổ thì lão ta thấy bị sỉ nhục nặng nề. Quan lão nói thế chẳng hóa ra Quan lão muốn giết hay tha ai là tùy ý lão, kể cả Âm Sơn lão tổ cũng không ngoại lệ. Lão tổ hầm hầm nổi giận, chỉ mặt Quan lão, quát :



- Cái lão ngạo mạn kia. Chúng ta đấu tiếp một trận nữa.



Bách Lý Hạc quay sang rỉ tai Giang Hoài Ngọc :



- Chúa công. Xem ra mấy lão quỷ đó đến giờ vẫn chưa nhận ra được lai lịch của Quan lão ca.



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu. Âm Sơn lão tổ vì chưa nhận ra lai lịch Quan lão nên mới gọi là “cái lão ngạo mạn”. Chứ thường nếu biết đó là những lời nói của Sinh Tử Phán, một đại sát tinh uy vọng lẫy lừng, thì chẳng ai thấy ngạc nhiên. Âm Sơn lão tổ tuy là võ lâm tiền bối, là tôn chủ một phái, nhưng so với Quan lão, địa vị trong võ lâm vẫn hãy còn kém hơn một bậc.



Riêng đối với nhân vật gầy ốm là Lạc Phách Ma Quân, nghe Quan lão và Bách Lý Hạc gọi Giang Hoài Ngọc là chúa công thì có vẻ kinh ngạc, cứ chằm chằm nhìn chàng. Có lẽ lão đang thầm lượng định trình độ võ công của chàng. Xưa nay, bọn ma đầu sống lâu thành tinh thường cẩn thận như vậy.



Vốn đã quen với việc người khác nhìn trân trối, Giang Hoài Ngọc cũng không lấy làm khó chịu, nói với Quan lão :




- Thử thì cũng đã thử rồi. Tiên sinh không nên đánh nhau nữa.



Quan lão đưa mắt nhìn Âm Sơn lão tổ, rồi rời trường đấu, đi đến đứng bên Giang Hoài Ngọc. Thấy Quan lão không kể gì đến lời nói của mình, Âm Sơn lão tổ quá tức giận, thét lên be be :



- Lão khinh thường ta đến thế hay sao.



Quan lão không nhìn lại, lạnh lùng nói :



- Ngươi cứ tự xem lại mình thì biết.



Âm Sơn lão tổ cả giận, mắt trợn trừng nhìn Quan lão. Trong trường hợp thế này, lão không biết nên phải xử trí thế nào. Đánh thì không đánh lại. Còn đấu khẩu thì lại càng thất thế hơn. Riêng bọn môn hạ của lão thấy sư tôn chưa ra lệnh, dù đang tức giận cũng không dám loạn động.



Còn về phần Lạc Phách Ma Quân, lúc ấy lão như vừa sực nhớ ra một chuyện, liền vội lên tiếng :



- Lão đại hiệp phải chăng là … là ….



Chỉ nói đến đó bất giác lão ma lại ấp úng, lời vừa muốn thốt ra mà lại thôi, vì lão thật tình cũng không muốn phán đoán của mình lại là sự thật. Quan lão chậm rãi quay lại nhìn lão ma, hỏi :



- Ngươi muốn nói gì.



Lão ma run giọng nói :



- Lão đại hiệp họ Quan.



Quan lão gật đầu, ậm ừ không đáp. Lạc Phách Ma Quân thất sắc. Lão biết mình đã đoán đúng. Và lúc này Âm Sơn lão tổ cũng rúng động khi nhớ ra Quan lão là ai. Thủ lĩnh đã vậy, không cần phải nói cũng biết bọn thủ hạ của hai lão kinh hãi đến mức nào. Thấy tình hình như vậy, Giang Hoài Ngọc cũng hiểu uy vọng của của Quan lão trong võ lâm lừng lẫy đến thế nào.



Bách Lý Hạc lại nói khẽ vào tai chàng :



- Chúa công. Sợ hãi kẻ mạnh, hà hiếp kẻ yếu là đặc tính của phần lớn người võ lâm. Nếu Quan lão ca là người chính phái, không có thủ đoạn tàn độc phi thường thì bọn chúng cũng chẳng kinh sợ đến như thế.



Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu, nhưng không nói gì. Chàng thoáng trầm tư, dường như có điều chi nghĩ ngợi. Bách Lý Hạc thấy thế thì nhìn chàng lo lắng, nhưng không dám lên tiếng, sợ làm đứt dòng suy nghĩ của chàng.



Trong khi đó, tại trường, Lạc Phách Ma Quân đã lấy lại bình tĩnh, chắp tay thi lễ, cười hì hì nói :



- Tại hạ không sớm nhận ra đại hiệp nên thất lễ, thật là có lỗi, có lỗi. Xin đại hiệp lượng thứ cho.



Quan lão hướng ánh mắt nghiêm lạnh nhìn lão ma, hỏi :



- Ngươi muốn gì đây.



Lạc Phách Ma Quân nói :



- Đại hiệp thần công cái thế, uy chấn giang hồ, tại hạ dù cũng muốn lĩnh giáo nhưng tự lượng bản lĩnh tầm thường, không dám múa may trước mặt đại hiệp. Nhưng bản cốc có một trận pháp nhỏ, cúi mong đại hiệp chỉ giáo cho.



Quan lão hắng giọng hỏi :



- Trận pháp gì.



Lạc Phách Ma Quân đáp :



- Lạc Hồn Trận, là trận pháp trấn môn của bản cốc.



Quan lão vốn không hiểu mấy về trận pháp, nếu không lúc trước đã không bị hãm vào trận kỳ môn ở trúc lâm. Nhưng lão ỷ bản lĩnh công phu cao cường, nghĩ rằng chỉ cần đả thương được bọn người thủ trận là có thể phá trận được, liền nói :



- Phá thì phá. Cái trận tầm thường đó lão phu có xem vào đâu.



Nhưng lời vừa mới nói ra miệng thì lão chợt nghĩ đến việc Giang Hoài Ngọc đang có mặt tại trường, lão không tiện tự ý chủ trương, liền vội quay lại nhìn chàng hỏi ý. Chàng khẽ cau mày, nói :



- Thêm chuyện không bằng bớt chuyện. Chúng ta về trại thôi.



Quan lão trừng đôi mắt sáng quắc như điện nhìn bọn Lạc Phách Ma Quân, rồi lặng lẽ quay về bên Giang Hoài Ngọc. Tuy lão nghe lời chàng nhưng xem ra có vẻ vẫn chưa cam tâm. Dù vậy, lão cũng không nói gì, lẳng lặng đi bên cạnh chàng. Mọi người chậm rãi cất bước đi về nơi đóng trại.



Nhưng chắc có lẽ bọn Lạc Phách Ma Quân đã tới số nên lão ma bỗng buông lời khích bác :



- Lạc Hồn Trận của bản môn uy thế vô song, trước nay thiên hạ chưa một ai có thể phá được.



Khi nghe lão ma nói những lời đó, bỗng nhiên Giang Hoài Ngọc dừng bước, quay người nhìn lại. Quan lão trong lòng hớn hở, nhưng cũng cảm thấy kinh ngạc. Cả Bách Lý Hạc cũng thế. Xưa nay chàng vốn không thích dính líu đến những chuyện thị phi. Chẳng lẽ chàng đã nổi sát cơ rồi chăng.



Giang Hoài Ngọc nhìn hai lão ma một lượt, rồi quay lại hỏi Bách Lý Hạc :



- Tính hạnh bọn họ thế nào.



Bách Lý Hạc cung kính đáp :



- Trình chúa công. Bọn họ tuy là ma đầu, nhưng cũng chưa đến nỗi là ác ma. Do bởi thường ngày chỉ hành sự theo ý mình, không phân biệt phải trái gì cả nên mới bị mang ác danh. Phải chăng chúa công …



Giang Hoài Ngọc đỡ lời :



- Dù là kẻ đại gian ác, nhưng nếu đã biết hối cải thì cũng nên tạo cơ hội để bọn họ phục thiện.



Dù chàng nói rất khẽ, cốt ý chỉ để cho Quan lão và Bách Lý Hạc nghe, nhưng hai lão ma đều là cao thủ tuyệt đỉnh, thính lực tinh tường nên cũng đã nghe được. Âm Sơn lão tổ vốn đang tức bực vì thua trận, gầm lên :




- Ngươi có bao nhiêu phân lượng mà dám xem ta chẳng ra gì.



Quan lão trừng mắt nhìn lão ma, lạnh lùng nói :



- Ai nói thế chẳng được. Bởi vì ngươi vốn chẳng ra gì.



Âm Sơn lão ma thét lên be be :



- Chúng ta đấu trận nữa.



Quan lão cười nhạt nói :



- Ngươi vốn không bằng lão phu, có đấu thêm mấy trận nữa cũng vậy thôi.



Trong khi Âm Sơn lão ma mỗi lúc mỗi thêm giận dữ thì Lạc Phách Ma Quân lại càng bình tĩnh hơn. Lão nghĩ Giang Hoài Ngọc đã là chúa công của Quan lão thì tất công phu chẳng thể tầm thường. Lão không dám xem thường chàng, mà cố nghĩ cách đối phó với tình hình trước mắt.



Suy nghĩ một lúc, giao thủ thì lão không nắm chắc, nhưng lão tự tin vào Lạc Hồn Trận do lão dày công rèn luyện nên hỏi Giang Hoài Ngọc :



- Công tử sẽ phá trận chứ.



Từ lúc theo học thuật kỳ môn ở nơi Thảo Đường Bốc Sư và Tứ Hải Quân chủ tại Giang Nguyên, Giang Hoài Ngọc rất tự tin vào khả năng đối phó với các trận pháp của chàng, liền gật đầu nói :



- Được thôi. Nhưng nếu cô gia giải phá được thì túc hạ phải nghe theo một điều kiện của cô gia nhé.



Lạc Phách Ma Quân thận trọng thành tính, tuy tự tin sẽ thắng nhưng cũng hỏi lại :



- Điều kiện gì thế. Công tử có thể cho biết trước được không.



Âm Sơn lão tổ thấy nãy giờ chẳng ai thèm chú ý đến lão, liền cười gằn, quay sang nói với Lạc Phách Ma Quân :



- Chưa đấu mà ngươi đã sợ thua rồi ư.



Lạc Phách Ma Quân lãnh tỉnh nói :



- Cẩn tắc vô áy náy.



Âm Sơn lão tổ bực bội nói :



- Ai chứ tiểu tử này lão phu chẳng xem vào đâu.



Quan lão chớp ngay thời cơ, liền lên tiếng :



- Thế ngươi có dám đấu với chúa công trăm chiêu không.



Giang Hoài Ngọc quay lại nhìn Quan lão, và lão nói ngay :



- Chúa công. Cũng cần dạy cho lão ma gàn dở kia một bài học.



Bị gọi là gàn dở, Âm Sơn lão ma tức giận nói :



- Tiểu tử. Chúng ta đấu với nhau. Nếu lão phu thua thì ngươi muốn gì lão phu cũng nghe theo.



Giang Hoài Ngọc chưa kịp đáp thì Quan lão lại cướp lời :



- Nhất ngôn cửu đỉnh.



Lão ma nói :



- Lão phu là tôn chủ một phái, lẽ nào lại đi nuốt lời.



Quan lão tức thì ôm bụng cười khanh khách, xem ra không có chuyện nào khiến lão thấy buồn cười hơn. Âm Sơn lão ma quát hỏi :



- Lão cười cái gì.



Quan lão lắc đầu, cứ tiếp tục ôm bụng cười vang.


Bình Luận (0)
Comment