Kiếm Động Trung Châu

Chương 55



Lại nói, sau khi gặp Kim Diện Thần Y Vân Trung Hạc trên đường, sau vài câu khách sáo làm quen, Nghiêm Phi Long và lão càng lúc càng trở nên thân thiết, vừa đi vừa chuyện vãn. Bỗng nhiên, lão hỏi :



- Công tử đến đây có việc gì thế. Hay là cũng muốn xem nhiệt náo.



Nghiêm Phi Long lắc đầu :



- Không đâu. Tiểu sinh thuận đường chỉ định ghé qua đây chiêm ngưỡng thắng tích, nào ngờ lại gặp lúc đông người quá. Còn chuyện nhiệt náo thì tiểu sinh không định xem, vì … nguy hiểm lắm.



Vân lão cười ồ, nói :



- Có chi là nguy hiểm. Công tử cứ đi cùng lão phu, bảo đảm sẽ thấy nhiều việc ồn ào vui mắt lắm.



Thành Thế Kiệt ngơ ngẩn hỏi :



- Bá bá đến đây chỉ để xem nhiệt náo thôi ư ?



Vân lão cười ha hả đáp :



- Nếu không thì lão phu đến đây làm chi. Ở cái nơi chỉ có mấy lão hòa thượng suốt ngày tụng kinh gõ mõ, buồn chết đi được.



Nghiêm Phi Long khẽ mỉm cười, ngâm :



“Đàn thông phách suối vang lừng,



Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.



Kiếp phù sinh vinh nhục, nhục vinh,



Liếc mắt thấy đời người qua mấy chốc …”



Vân lão cả cười nói :



- Hay. Hay tuyệt. Công tử mà gặp mấy lão hòa thượng trên đó, chắc đôi bên đóng cửa nói chuyện suốt ba ngày ba đêm vẫn chưa chán. Thôi. Không nói chuyện ấy nữa. Lại tửu quán đằng kia, chúng ta cùng nhau uống mấy chung.



Rồi lão chen lên phía trước, đùn đẩy những người xung quanh mở lối. Mọi người giờ đã biết lão là ai, đều tránh đường cho lão đi qua, bởi ai cũng biết y thuật của lão nổi tiếng khắp võ lâm, không dám làm mất lòng lão, biết đâu sau này lại chẳng có lúc phải nhờ lão chữa trị cho.



Nghiêm Phi Long và Thành Thế Kiệt đưa mắt nhìn nhau gượng cười. Thế có phải sẽ đến Thiếu Lâm Tự trễ mất rồi không. Vân lão cứ tự quyết định mà không hỏi ý kiến ai cả. Nhưng đã như thế, hai người đành giục tuấn mã đi theo sau lão.



Sau một hồi chen lấn, Vân lão cũng đã đưa được Nghiêm Phi Long và Thành Thế Kiệt vào một ngôi tửu quán bên đường. Trong tửu quán lúc này không đông khách lắm, vì hầu hết những người đến Tung Sơn lần này đều đã kéo hết lên Thiếu Lâm Tự, và một số đông còn đang chen chúc ngoài đường, chỉ còn lại một số ít là những bậc cao nhân tiền bối, hay cả những người tự cho mình là cao nhân tiền bối, không muốn bon chen với bọn hậu sinh tiểu bối nên đã dừng lại nơi đây để thỏa mãn tửu hứng. Tuy vậy, tiếng cười nói vẫn rất ồn ào náo nhiệt.



Tiểu nhị thấy ba người bước vào thì vội vã chạy lại tiếp đón, và khi thấy phong thái sang trọng của Nghiêm Phi Long thì lại càng cung kính hơn. Y cầm lấy dây cương do Nghiêm Phi Long và Thành Thế Kiệt trao cho, dắt ngựa đi. Còn ba người bọn Nghiêm Phi Long thì bước vào trong quán, đến một chiếc bàn trống kê bên cửa số sát vách trong cùng ngồi xuống. Bọn họ không thích ngồi phía ngoài bởi không muốn hít bụi của đám đông đang chen chúc trên đường.



Vân lão gọi tiểu nhị lại bảo mang ra mười cân rượu và một ít thức nhắm. Thành Thế Kiệt hỏi :



- Bá bá gọi nhiều rượu như thế làm sao uống hết.




Vân lão cười nói :



- Ba người chúng ta mà chỉ uống có mười cân rượu thì có gì là nhiều. Một mình hiền điệt có thể uống được mấy cân.



Thành Thế Kiệt bẽn lẽn đáp :



- Tiểu điệt chỉ uống được độ hai cân là hết mức.



Vân lão lắc đầu nói :



- Kém quá. Kém quá.



Rồi lão quay sang Nghiêm Phi Long hỏi :



- Còn công tử thì sao.



Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :



- Chỉ sợ tiểu sinh không uống được quá ba chung.



Vân lão càng lắc đầu quầy quậy :



- Kém quá. Kém quá.



Nghiêm Phi Long nói :



- Các vị trưởng bối của tiểu sinh thường chỉ uống trà, nên tiểu sinh cũng không quen uống rượu.



Lúc này tiểu nhị đã mang rượu thịt đến, bày trên bàn. Tất cả chỉ gồm vài ba đĩa thức ăn và một vò rượu mười cân. Vân lão không như Nghiêm Phi Long nên thức ăn chỉ vừa phải, không quá thịnh soạn. Trong khi chàng hơi khẽ cau mày thì Vân lão đã nâng vò rượu rót vào chung của ba người, cười nói :



- Nào. Hãy cùng cạn chung. Mừng lão phu hôm nay quen biết Nghiêm công tử.



Thành Thế Kiệt liền nâng chung uống cạn. Nghiêm Phi Long cũng uống, nhưng chàng chỉ nhấp một chút rồi lại đặt chung rượu xuống, hơi nhăn mặt. Thành Thế Kiệt thấy vậy liền cười hỏi :



- Công tử chê rượu ở đây quá kém phải không ?



Vân lão trợn mắt nói :



- Hiền điệt đừng đoán mò. Rượu thế này mà kém cái gì. Chỉ tại Nghiêm công tử không quen uống rượu nên mới thế thôi.



Thành Thế Kiệt nói :



- Bá bá không biết đó thôi. Nghiêm công tử là vương tôn công tử, thứ rượu này vừa miệng công tử thế nào được. Loại mỹ tửu do Lưu tri phủ đãi hôm qua còn ngon hơn thứ này nhiều mà công tử vẫn còn chưa hài lòng kia.



Vân lão ồ lên nói :



- Hóa ra Nghiêm công tử là một vương tôn công tử, thân phận cao quý, hèn gì mà mới nhìn đã thấy khí chất bất phàm. Chẳng hay công tử có thể cho lão phu đây được biết lai lịch hay không.



Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :



- Tiểu sinh gặp ai thì người đó cũng đều hỏi lai lịch tiểu sinh cả. Nhưng mong tiên sinh thứ cho. Tiểu sinh đang thi hành vương sự, không tiện nói rõ lai lịch lúc này. Nhưng những gì Thành thiếu hiệp đã biết về tiểu sinh, thiếu hiệp có thể nói lại cho tiên sinh biết.



Vân lão đưa mắt nhìn Thành Thế Kiệt dò hỏi. Y liền đem những gì mình biết về Nghiêm Phi Long ra nói lại cho lão nghe. Lão vừa nghe y nói, vừa vuốt râu mỉm cười, lộ vẻ thích thú.



Vân lão còn định hỏi Nghiêm Phi Long là thứ rượu nào mới hợp khẩu vị chàng. Nhưng lão chợt nhận thấy chàng đang chăm chú nhìn ra bên ngoài, liền dõi mắt trông theo hướng nhìn của chàng.



Chợt lão phát hiện có một lão già tướng mạo kỳ quái đang đi lẫn trong đám đông trên đường. Lão già này xõa tóc, mặt mũi xanh rờn, thân hình gầy guột, sau lưng có đeo một cái thuổng.



Thành Thế Kiệt cũng nhìn ra, thấy lão già kia, liền nói :



- Lão già kia sao lại mang theo cái thuổng bên người. Chẳng lẽ lão lại là người cấy lúa hay sao.



Vân lão đã nhận ra lão già kia là ai, nên chợt biến sắc. Lão thấy Nghiêm Phi Long chăm chú nhìn lão già, liền hỏi :



- Công tử nhận biết lão già đó chăng.



Nghiêm Phi Long trầm ngâm một lúc, mới nói :



- Nếu như tiểu sinh không nhận lầm thì lão ta là một trong số Âm Sơn Tứ Quái.



Vân lão gật đầu nói :



- Công tử kiến văn thật quảng bác. Đúng rồi. Lão ta chính là Công táng lão nhân trong số Âm Sơn Tứ Quái. Mấy lão quái vật này đã không xuất hiện trong võ lâm bốn năm chục năm nay rồi. Không ngờ hôm nay Công táng lão nhân lại xuất hiện ở đây.



Nghiêm Phi Long nói :



- Nếu Công táng lão nhân đã xuất hiện tất có điềm bất tường.



Vân lão gật đầu nói :



- Lão phu ngó thấy lão ta còn phải giật mình kinh sợ. Chẳng lẽ bước tiền đồ hung hiểm thật sao ?



Nghiêm Phi Long nói :



- Chắc chắn tại đây sẽ diễn ra một trường sát kiếp. Bước tiền đồ hung hiểm phi thường. Không thì lão chẳng bao giờ xuất hiện. Rồi đây không chừng chúng ta sẽ còn gặp cả mấy lão kia nữa.



Thành Thế Kiệt ngơ ngác hỏi :



- Nãy giờ hai người đang nói chuyện gì thế.



Vẻ mặt y lộ vẻ kinh ngạc thật sự. Nãy giờ nghe Nghiêm Phi Long và Vân lão nói chuyện mà y không hiểu gì cả, nên mới hỏi lại. Y chưa từng nghe ai nói đến Công táng lão nhân, danh hiệu gì mà nghe thật lạ lùng kỳ quái.




Vân lão nói :



- Trong đám quái nhân mấy chục năm trước có Toán Tử tướng sĩ, Công táng lão nhân, Điệu Vong tú sĩ, … Chẳng lẽ tiểu tử ngươi chưa từng được nghe qua.



Thành Thế Kiệt lắc đầu nói :



- Tiểu điệt chưa hề nghe qua mấy danh hiệu đó. Nhưng chẳng biết sao lại gọi là Công táng lão nhân. Nghe thật là lạ lùng cổ quái.



Vân lão nói :



- Ngươi là người võ lâm mà kiến văn của ngươi thật là kém quá. Còn kém hơn cả Nghiêm công tử vốn chỉ là một văn nhân nữa.



Thành Thế Kiệt lộ vẻ bẽn lẽn. Nghiêm Phi Long cười nói :



- Tiên sinh không nên nói thế. Mấy lão quái vật này đều là cao nhân đời trước, mà những người cùng thời còn tránh nhắc đến. Đã lâu rồi mấy lão đã không xuất hiện, người võ lâm đương đại có mấy ai còn nhớ đến, nói gì Thành thiếu hiệp. Tiên sinh không thấy những người đi xung quanh lão ta vẫn có vẻ ung dung bình tĩnh hay sao. Chắc chắn là bọn họ chưa nhận ra lai lịch của lão rồi.



Vân lão gật đầu đồng tình :



- Công tử nói rất phải. Nếu bọn họ mà nhận ra lai lịch của lão ta thì đâu còn giữ được vẻ ung dung bình tĩnh như thế kia.



Thành Thế Kiệt nóng nảy hỏi :



- Nhưng rốt cuột lão ta là người thế nào.



Nghiêm Phi Long nói :



- Công táng lão nhân là một trong bọn quái nhân nổi tiếng từ hơn sáu mươi năm về trước. Ngày xưa, mỗi khi lão ta gặp người võ lâm chết là lại ra tay mai táng, không để bộc lộ thi hài. Trước nay lão ít khi đả đấu với ai. Nhưng lão đã xuất hiện ở nơi đâu thì nơi đó tất phải có chuyện phi thường sắp xảy ra.



Thành Thế Kiệt lại hỏi :



- Thế còn Toán tử tướng sĩ. Lão là người thế nào.



Vân lão nói :



- Lão này có chỗ bất đồng với những nhân sĩ coi tướng khác là chuyên coi điềm hung dữ cùng tướng của người sắp chết. Lão nhìn ai rồi lắc đầu, miệng niệm “Ô hô ai tai” là người đó nếu chẳng uổng mạng thì tất cũng gặp đại nạn lớn lao. Do vậy, thời trước người võ lâm rất sợ gặp phải lão.



Nghiêm Phi Long cười nói :



- Đó gọi là toán hung bất toán cát.



Vân lão lại nói :



- Lão ta đã vậy, Điệu vong tú sĩ lại càng bất tường hơn. Mục quang của lão chuyên coi người sinh tử. Hễ lão ngó ai mà buông tiếng thở dài là người ấy tuyệt đối không thể sống được. Vì lão ta đối với những cao thủ võ lâm chết chóc đều tỏ lòng thương tiếc nên mới kêu bằng Điệu Vong tú sĩ. Nếu người chết là nhân vật nổi danh một thời, lão ta còn làm văn tế để ai điếu nữa.



Ngừng lời giây lát, bưng chén rượu lên uống cạn, rồi lão lại nói tiếp :



- Mấy nhân vật này tuy không phải là người tệ hại, nhưng khi bọn họ đã xuất hiện là có điềm bất tường. Vì thế, những người võ lâm hồi đó hễ trông thấy mấy lão này xuất hiện là phát sợ.



Thành Thế Kiệt nói :



- Chúng ta thử đi theo xem lão có nói gì không.



Nghiêm Phi Long nói :



- Lão ta thường không nói gì cả. Mà nếu có nói thì lại là những câu dự ngôn nghe cũng không hiểu. Đồng thời thiếu hiệp có hỏi lão cũng lẳng lặng.



Thành Thế Kiệt nói :



- Vậy chúng ta đi theo xem lão hành sự.



Vân lão trừng mắt nói :



- Hừ. Đúng là bọn thanh niên hiếu sự. Lão đó có gì mà coi. Không khéo lại mang họa vào thân chứ chẳng chơi.



Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :



- Dù sao thì cũng muộn rồi. Chúng ta nên lên đường thôi. Nếu không khi lên đến Thiếu Lâm Tự thì sẽ chẳng có chỗ đặt chân.



Vân lão nói :



- Chuyện đó không lo. Lão phu có quen biết bọn hòa thượng ở trên Thiếu Lâm Tự. Nếu như trên đó không còn chỗ trống nào thì chúng ta cứ vào ở tạm trong thiền phòng của bọn họ. Chẳng sao cả.



Tuy nói vậy, nhưng lão cũng gọi tiểu nhị đến trả tiền, rồi ba người cùng rời khỏi tửu quán. Nghiêm Phi Long định dắt ngựa đi bộ với Vân lão, nhưng lão đã ôm ngang hông chàng đặt ngồi trên lưng ngựa, rồi tay vẫn nắm lấy dây cương con ngựa của chàng, lão xăm xăm tiến lên phía trước mở đường. Thành Thế Kiệt cũng vội nhảy lên ngựa, rồi hai người thủng thỉnh theo sau.



Nhờ có Vân lão đi trước mở đường, chẳng bao lâu sau là ba người đã tiến đến gần phía sau Công táng lão nhân, chỉ còn cách mấy trượng.



Bỗng nhiên, bọn họ chợt nhìn thấy dưới một gốc cây to ven đường phía trước có một đám đông đang tụ tập, bàn tán ồn ào. Đi gần đến nơi mới trông thấy có hai đại hán đứng tuổi chết lăn ra đó. Bên cạnh mỗi xác chết đều có một thứ khí giới, đủ chứng tỏ bọn họ là nhân vật võ lâm. Vì sự chết chóc trong võ lâm xảy ra hằng ngày nên chẳng ai tỏ vẻ ngạc nhiên, mà chỉ xầm xì bàn tán với nhau.



Nghiêm Phi Long bỗng quay sang Thành Thế Kiệt khẽ nói :



- Thiếu hiệp hãy xem lão.



Thành Thế Kiệt liền vội nhìn về phía Công táng lão nhân. Lão ta đã lần tới trước mặt xác chết, chẳng do dự gì cả, cúi xuống bên người chết thò tay xục tìm. Bao nhiêu người đứng quanh ngó lão cũng mặc kệ. Kết quả lão đã mò được khá nhiều bạc vụn ở trong mình hai xác chết. Ngoài ra còn có mấy thứ vật dụng vặt vãnh của người võ lâm. Sau cùng, lão lại nhặt luôn hai thứ khí giới của bọn họ cất vào bọc hành lý. Miệng lão nói lảm nhảm như để mình nghe :



- Đáng tiếc. Hai ông bạn này bần cùng quá.



Xục tìm xong, lão liền đưa mắt nhìn những người xung quanh, rồi trỏ vào hai hán tử trung niên, nói :



- Lão đệ. Hai người nên làm việc phúc đức đem hai xác chết này xuống chân núi mé tả để lão phu mai táng cho bọn họ.



Hai hán tử trung niên này đương nhiên cũng là nhân vật giang hồ. Một người cất tiếng hỏi :




- Lão trượng. Bao nhiêu tài vật của người chết lão lấy hết rồi thì bọn tại hạ làm việc không công hay sao ?



Công táng lão nhân cười khanh khách nói :



- Xin giúp dùm đi. Lão đệ. Tiền uống rượu về phần lão phu chịu.



Hai hán tử trung niên cười hì hì, vác hai xác chết chạy ngay xuống chân núi. Công táng lão nhân cũng rảo bước theo sau. Thành Thế Kiệt dõi mắt nhìn theo sau lưng lão ta, chép miệng nói :



- Thế ra Công táng lão nhân chẳng phải vì lòng nhân đạo mà chôn người. Lão mai táng tử thi của ai cũng xục tìm lấy hết đồ của người chết.



Nghiêm Phi Long cười nói :



- Như vậy so với cướp bóc hay sang đoạt còn hay hơn nhiều. Dù sao người đã chết rồi thì của cải cũng không thể mang theo. Được lão mai táng cho, khỏi phải bộc lộ thi hài cũng là chuyện tốt.



Thành Thế Kiệt nói :



- Dù sao thì cũng không phải là hành vi của người quân tử chân chính. Thảo nào mà người võ lâm không ai bình luận về lão.



Nghiêm Phi Long mỉm cười :



- Nếu không thế thì sao lại gọi là quái nhân.



Đột nhiên, Vân lão quay lại nói xen vào :



- Nhưng đem lão so với Toán tử tướng sĩ hãy còn tương đối nhân đức hơn. Toán tử tướng sĩ thường làm chuyện bất lương.



Thành Thế Kiệt hỏi :



- Bất lương ở chỗ nào ?



Vân lão nói :



- Lão ta nổi danh là người đoán trúng sinh tử nên bằng hữu giang hồ sợ nhất là lão hô mấy chữ “Ô hô ai tai”. Lão bất lương ở chỗ đáng lẽ người ta không chết, lão cũng nhìn người đó mà niệm “Ô hô ai tai” để họ yêu cầu lão giải cứu.



Thành Thế Kiệt hỏi :



- Thế nghĩa là sao ?



Vân lão nói :



- Khi trong mình lão không có tiền, vào quán cơm mà lão hô mấy chữ “Ô hô ai tai” thì dĩ nhiên khổ chủ phải cầu lão giải cứu và đưa bạc cho lão. Lão lấy bạc rồi dặn người đó đến một nơi tỵ hung, hoặc bảo họ đi kiếm nhân vật nào đó bảo vệ. Những người chịu bỏ bạc ra đều thoát chết.



Thành Thế Kiệt nói :



- Trong vụ này e có điều man trá ?



Vân lão cười nói :



- Cái đó ai mà biết được. Cũng có khi là người kia chẳng có chuyện gì nguy hiểm, chỉ vì kinh hãi mà mất tiền cho lão.



Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :



- Những kẻ tham sinh úy tử thường là những kẻ không tốt lành gì. Bọn họ có bị mất bạc về tay lão ta cũng chẳng có chi quá đáng.



Vân lão gật đầu nói :



- Công tử nói cũng phải.



Bỗng lão trỏ vào một quán rượu bên đường, nói :



- Chúng ta hãy vào quán kiếm tí rượu uống đã.



Thành Thế Kiệt ngơ ngác nói :



- Bá bá. Chúng ta vừa uống rượu xong mà.



Nghiêm Phi Long cười nói :



- Chắc là tiên sinh đã nhìn thấy điều gì rồi.



Vân lão đáp :



- Đúng thế. Hai người cứ nhìn kỹ thì sẽ thấy.



Nghiêm Phi Long và Thành Thế Kiệt đồng nhìn vào quán. Đây có lẽ là một ngôi quán vừa mới được dựng lên mấy hôm nay để phục vụ đám thực khách đông đảo này, nên lều quán trông khá xập xệ. Nhà quán khá rộng, có bán cả cơm lẫn rượu, bên trong rất đông thực khách lẫn tửu khách.


Bình Luận (0)
Comment