Kiếm Linh Không Có Chí Tiến Thủ

Chương 38


Khi Dư sư huynh mệt mỏi về đến nơi thì thấy Yên Cửu đang lượn qua lượn lại trong phòng, sau lưng chàng là một con chim non loạng choạng bám theo.
Dư sư huynh không kìm được mà trợn tròn mắt, “Yên sư đệ, bọn đệ bắt con chim non này ở đâu thế?”
Ánh mắt hắn trông sửng sốt như thể đang hỏi: Sao bọn đệ lại nỡ lòng ra tay với một con chim non thế hả?
Yên Cửu bực bội gãi đầu, “Bọn ta đâu có bắt con chim này, nó tự nở ra từ đống trứng kia đấy.”
Trường Ly đang nằm trên chiếc bàn con cạnh đó cười cạc cạc cạc mãi không dứt.
Hễ Yên Cửu đi đâu là con chim non dí theo đó, chuẩn đét cái hội chứng vịt con không chệch đâu được.
Yên Cửu lườm Trường Ly vì nàng đã đứng xem mà còn ưa đâm bị thóc chọc bị gạo, nhưng chỉ càng khiến nàng cười dữ hơn.
Yên Cửu nản lòng xua tay, “Sư huynh đừng nhắc tới con chim này nữa, huynh tới phủ nha có tìm thấy manh mối nào không?”
Bấy giờ Dư sư huynh mới dời mắt khỏi con chim non, cầm ấm trà trên bàn lên rót cho mình một ly trà lạnh rồi uống một hơi hết sạch.
“Theo hồ sơ mấy tháng vừa qua ta đọc thì mấy vụ mất cắp xảy ra liên tiếp nhau kia thật sự rất kỳ lạ.”
“Đầu tiên là đồ tể Tiền phía Đông trấn bị mất một cái nồi sắt to chuyên dùng để hầm heo.

Cái nồi ấy nặng lắm, rõ ràng không dễ khuân vác, nhưng lại không cánh mà bay chỉ sau một đêm.”
“Kế đến là gã tiều phu ở rìa trấn bị mất một bó củi thông.”
Dư sư huynh thoáng dừng, sau đó nói với giọng hơi phức tạp, “Nếu cái nồi và bó củi còn chút giá trị thì thứ tú tài Giang bị mất mới thật sự kỳ quái.”
Yên Cửu tò mò hỏi: “Nhà hắn mất gì thế?”
Dư sư huynh đáp: “Một lu nước, mà mất cả lu lẫn nước luôn, xung quanh không để lại dấu vết gì cả.”
Đuôi mày Yên Cửu giật giật, “Còn ai bị mất cắp nữa không?”
Dư sư huynh kể tiếp: “Còn có ông chủ Đàm, cái đèn dầu to nhất tiệm ông ta đã bị trộm mất.”
“Khiêng kiệu Lộ bị mất một đôi giày, mà đôi giày kia chẳng đáng mấy đồng vì ông ta đã mang nhiều năm rồi.”
Trường Ly trở mình trên chiếc bàn con, thoạt nghe có vẻ mấy vụ này không liên quan gì tới Miêu Nương cả.
(*) À Miêu Nương ở đó thì chữ Miêu có nghĩa là mầm cây chứ không phải meo meo mèo méo meo meo đâu nà.
Sau khi Dư sư huynh kể xong tin tức bên kia, Yên Cửu cũng thuật lại những điều chàng tìm hiểu được từ phủ Vương lão gia.
Thấy đêm đã khuya, Yên Cửu nói với Dư sư huynh: “Sư huynh, tối nay huynh ngủ sớm đi, mai bọn mình sẽ tới mấy nhà bị mất cắp điều tra xem sao.”
Dư sư huynh vừa ngáp vừa đi về phòng cách vách.

Dư sư huynh vừa đi là Yên Cửu bắt đầu đấu mắt với con chim non đang bá chiếm cái gối của chàng, “Leo xuống!”
Con chim kia chíp một tiếng se sẽ nghe cực kỳ ỷ lại.
Trường Ly cố nín cười nói: “Yên Tiểu Cửu, huynh cho nó ngủ chung một đêm cũng có sao đâu.”
Yên Cửu từ chối thẳng thừng, “Ta chưa bỏ nó vào nồi hầm đã tốt lắm rồi, chẳng lẽ nó còn mơ chiếm nửa cái gối của ta nữa à?”
Trường Ly tìm một vị trí thoải mái trên bàn, “Huynh không ngủ thì ta ngủ trước.”
Chỉ vài giây sau, trên bàn đã vang lên tiếng hít thở đều đặn.
Yên Cửu tức tối liếc nhìn Trường Ly, sao lần này lại ngủ nhanh thế.
Sáng hôm sau, Trường Ly khoan khoái vươn vai một cái.
Vừa mở mắt ra, nàng đã trông thấy cặp mắt thâm quầng của Yên Cửu.
Trường Ly sợ hãi hỏi, “Yên Tiểu Cửu, huynh thức trắng nguyên đêm à?”
Giọng Yên Cửu nghe nhẹ bẫng, “Ta cố ngủ lắm chứ, nhưng cái con ranh này cứ nhảy nhót trên đầu ta cả đêm!”
Yên Cửu túm lấy con chim non trên gối bằng một tay rồi nhấc bổng nó lên.
Nhưng con chim non chẳng sợ gì, ngược lại còn kêu một tiếng đầy khoái chí vì tưởng đây là trò chơi mới của mẹ con nó.
Trường Ly cười tủm tỉm nhìn cảnh tượng vui mắt này, chân thành khuyên: “Yên Tiểu Cửu, nuôi con phải kiên nhẫn chút, thế thì khi nó khôn lớn hiểu chuyện ắt sẽ hiếu thảo với huynh.”
Yên Cửu hừ khẩy vì cái kiểu phán xanh rờn do không phải chuyện của mình của Trường Ly.
“Hành động hiếu thảo nhất của nó chính là tự nhảy vào nồi hầm!”
Có vẻ Trường Ly đã nhận ra sự ai oán của Yên Cửu, nàng bất giác nhắc: “Hôm qua huynh đã hứa với chủ con chim trắng là sẽ nuôi nó khôn lớn rồi mà.”
Nhắc tới chuyện này, Yên Cửu lại hối xanh cả ruột.
Tối qua đáng lẽ chàng nên kiên quyết vứt con chim này lại cho chủ cũ của nó mới phải, nếu thế thì bây giờ đâu thảm như này.
Chàng vừa ra khỏi cửa, con chim non đã loạng choạng đi theo, đuổi kiểu gì cũng không chịu về.
Trường Ly nói vài lời hộ nó, “Yên Tiểu Cửu, huynh mang nó theo đi.

Một con chim non như nó mà phải ở một mình trong quán trọ thì tội nghiệp lắm, trong trấn này người còn bị mất nữa huống gì là chim...”
Yên Cửu xụ mặt nhét con chim non vào cổ tay áo.
Hôm nay bọn họ và Dư sư huynh vẫn chia nhau ra hành động.

Dư sư huynh tới nhà tiều phu và tú tài Giang ở phía Bắc trấn, còn Yên Cửu và Trường Ly tới nhà đồ tể Tiền và khiêng kiệu Lộ ở phía Nam trấn, cuối cùng họ hẹn gặp nhau trong tiệm của ông chủ Đàm.
Theo địa chỉ Dư sư huynh lấy từ phủ nha, Yên Cửu và Trường Ly tới nhà đồ tể Tiền trước.
Đồ tể Tiền là một gã đàn ông cao lớn thô kệch trông rất cường tráng.

Lúc một người một kiếm tới nhà, ông ta đang mài dao soàn soạt trong sân.
Thấy lưỡi dao sáng loá, Trường Ly nghi là số heo từng bị làm thịt bởi con dao này chắc đủ xếp quanh trấn Hồng Sơn ba vòng.
Nghe Yên Cửu gõ nhẹ hai cái vào cánh cổng mở hé, đồ tể Tiền mới ngẩng lên nhìn khuôn mặt xa lạ hỏi, “Có chuyện gì thế?”
Yên Cửu nói thẳng: “Ta là đệ tử của Quy Nguyên Kiếm tông tới điều tra vụ án mất cắp.”
Đồ tể Tiền bỏ con dao mổ heo xuống, lầm bầm một câu rồi lau đại tay vào áo.
“Đã mấy lượt người tới rồi mà có tra được cái gì đâu.”
Yên Cửu không để bụng thái độ bực tức của đồ tể Tiền, ấn con chim non không chịu yên trong tay áo xuống.
“Ông có thể kể chi tiết những chuyện xảy ra khi cái nồi bị mất không?”
Đồ tể Tiền bèn dẫn bọn họ ra sau bếp, chỉ vào cái bệ bếp trống trơn: “Vốn cái nồi đó được bắc ở đây.

Đó là cái nồi sắt gia truyền của nhà ta, từ đời ông cố của ta đã bắt đầu dùng nó hầm heo, chẳng biết đứa ất ơ nào thó mất nó nữa.”
Trường Ly nhìn cái bệ bếp mà không khỏi líu lưỡi.
Căn cứ vào khoảng trống còn lại thì có thể đoán sơ sơ ra kích thước của cái nồi kia, đường kính của nó chắc còn dài hơn cả thân kiếm của nàng.
Nếu nhét nguyên con heo béo vào chắc hơi khó chứ để chứa một con bình thường thì ngon ơ.
Yên Cửu bắt đầu suy nghĩ, quả đúng là người thường khó mà lặng lẽ khuân cái nồi sắt to thế đi mà không đánh động ai được.
Chàng hỏi tiếp: “Ngoài cái nồi này thì trong nhà còn mất gì nữa không?”
Đồ tể Tiền lắc đầu, “Lạ ở chỗ đó đấy, tiền bạc và những vật quý giá đều còn nguyên, chỉ mất mỗi cái nồi thôi.”
Một người một kiếm vừa rời khỏi nhà đồ tể Tiền là Trường Ly nói ngay: “Xác suất kẻ cắp là tu sĩ cao lên rồi.”
Yên Cửu gật đầu tán thành, “Nếu bọn mình tới đây lúc chuyện này vừa xảy ra không lâu thì có khi sẽ phát hiện dấu vết phép thuật lưu lại, giờ đã qua mấy tháng nên chẳng còn gì nữa.”
Lúc chàng nói chuyện, rốt cuộc con chim non kia cũng thừa cơ Yên Cửu không đề phòng mà thò cái đầu bù xù ra khỏi tay áo.
Trường Ly bỗng bị nó thu hút ngay.

Yên Cửu chưa kịp ấn nó vào thì nàng đã bảo: “Huynh cho nó ra ngoài hít thở không khí chút đi, bé con ngạt luôn rồi kìa.”
Bấy giờ Yên Cửu mới thả lỏng tay, bé con lông lá bèn được nước làm tới, vỗ cánh bay thẳng lên đầu Yên Cửu làm tổ.
Mặt Yên Cửu trông càng thảm hơn.

Chàng đang tính kéo con chim non này xuống thì nó đã dùng hai cái chân be bé giật tóc chàng.
Yên Cửu tức khắc hít hà.
Trường Ly nín cười khuyên, “Huynh để nó yên đi, tóc bị nhổ sạch thì dễ chứ mọc lại khó lắm đó.”
Yên Cửu dừng tay lại.
Chàng đành đội con chim non đi tới nhà khiêng kiệu Lộ.
Khiêng kiệu Lộ đã đi làm công, chỉ có vợ ông ta ở nhà.
Yên Cửu vừa nói rõ mục đích đến đây là bà Lộ tuôn ngay một tràng: “Thưa tiên sư, thật ra bọn ta báo quan cũng không phải vì muốn tìm lại đôi giày kia mà chủ yếu vì thấy chuyện này kỳ quặc quá.”
Bà Lộ chỉ vào mớ giày xếp cạnh cửa, “Giày nhà ta đều để cả đây, có cả mới lẫn cũ, thế nhưng đôi bị trộm lại là đôi cũ nhất, hễ nghĩ tới chuyện này là ta lại thấy dựng hết tóc gáy.”
“Ông Lộ bảo đôi giày kia sắp rách tươm rồi nên mất cũng chẳng sao.

Nhưng ta nghĩ kiểu gì cũng thấy bất ổn, hôm nay tên trộm kia có thể lặng lẽ vào nhà ta trộm đôi giày thì ai biết ngày mai nó còn trộm thêm gì nữa! Cứ nghĩ tới chuyện này là ta chẳng tài nào ngủ ngon.”
Trường Ly cũng lấy làm khó hiểu, dầu gì cái nồi sắt nhà đồ tể Tiền còn là đồ gia truyền chứ đôi giày rách này đâu đáng xu nào?
Yên Cửu hỏi kỹ về đôi giày kia.
Bà Lộ đáp rất cặn kẽ, “Đôi giày kia do ta làm bảy tám năm trước, lúc ấy tốn công lắm.

Vì mang êm chân nên cứ đi đâu xa là ông Lộ lại thích mang nó, nhưng dù ông ấy giữ kỹ cỡ nào thì nó cũng rách tươm sau nhiều năm sử dụng.”
Chào tạm biệt bà Lộ xong, Yên Cửu và Trường Ly đi tới tiệm của ông chủ Đam trong trung tâm.
Tiệm của ông chủ Đàm chuyên bán đèn dầu, trong tiệm bày la liệt đèn dầu đủ các kích cỡ và cả giá nến linh tinh.
Cái đèn dầu bị đánh cắp là cái to nhất tiệm, có thể xem như báu vật trấn tiệm.
Vì bị vụ án mất cắp ảnh hưởng mà người đi đường thưa thớt, thành ra cửa tiệm cũng vắng hoe.
Chỉ có mình ông chủ Đàm ngồi trước quầy thu ngân gảy hạt châu trên bàn tính kêu lạch cạch trong cửa tiệm yên ắng.
Yên Cửu vừa vào tiệm là ông chủ Đàm hỏi ngay theo thói quen: “Quý khách muốn mua gì ạ?”
Ông ta vừa nói vừa ngẩng lên xem, lúc thấy mặt Yên Cửu lạ hoắc thì thôi gảy bàn tính.
“Xin hỏi ngài là ai?”
Yên Cửu khẽ gật đầu với ông ta, “Chào ông chủ Đàm, ta tới vì vụ án mất cắp.”

Ông chủ Đàm đóng sổ sách lại, đi ra khỏi quầy.
Ông ta nhìn áo tu sĩ của Yên Cửu, rồi liếc xuống tấm lệnh bài bằng ngọc bên hông chàng.
“Hóa ra là tiên sư tới tra án.”
Ông chủ Đàm chắp tay chào Yên Cửu.
Yên Cửu nhìn đám đèn dầu đủ màu trong tiệm rồi hỏi thẳng vào chuyện chính.
“Cái đèn dầu bị mất trông thế nào?”
Ông chủ Đám cười sầu, “Đó là cái đèn dầu ta thuê thợ thủ công tỉ mỉ làm nửa năm mới xong, đường kính ba thước, dùng đồng thau làm đế, khắc họa tiết như ý, dầu thắp trong ấy đã cố ý bái Phật, một khi đã thắp lên thì ba ngày ba đêm cũng chưa tắt."
Trường Ly thầm trầm trồ, có lẽ đây là vật có giá trị nhất trong số mấy thứ bị mất ở trấn Hồng Sơn.
Lúc này, trong ánh sáng lờ mờ phía ngoài cửa có một người bước vào tiệm.
“Yên sư đệ.”
Yên sư đệ nhìn người mới tới nói, “Dư sư huynh, huynh tới đúng lúc lắm, ông chủ Đàm đang kể về cái đèn dầu bị mất.”
Ông chủ Đàm nói tiếp: “Ta là dân làm ăn nên rất kĩ tính, ngày nào cũng tự khóa tiệm sau khi nghỉ bán.

Cái hôm đèn bị mất ta cũng khóa cửa cẩn thận, ngày hôm sau tới tiệm thì khóa vẫn còn nguyên xi, không hề có dấu vết bị cạy phá.”
Yên Cửu hỏi: “Chỉ mình ông có chìa khóa cửa à?”
Ông chủ Đàm quả quyết: “Chỉ mình ta có thôi, ngày nào ta cũng mang theo người, không ai trộm được cả.”
Càng nghe, Trường Ly càng tin chắc vụ này do tu sĩ làm.
Trừ phép thuật thì làm gì còn cách nào lặng lẽ đánh cắp đồ đạc nữa chứ?
Ra khỏi tiệm của ông chủ Đàm, Dư sư huynh cũng kể lại kết quả điều tra của hắn.
“Nhà tiều phu và tú tài Giang cũng không hề có dấu vết phạm tội nào cả.”
Yên Cửu trầm tư: “Vụ án này hơi khó phá đấy, năm vụ trộm đều xảy ra lâu lắm rồi, dù có dấu vết thì chắc cũng đã bị phá hủy.”
“Vụ gần nhất là vụ Miêu Nương mất tích, có lẽ bọn mình nên tập trung vào nó thì sẽ dễ hơn.”
Câu suy luận nghiêm túc của Yên Cửu kết thúc bằng tiếng chíp chíp của con chim non trên đầu chàng.
Dư sư huynh nghe tiếng nhìn sang mới để ý thấy con chim nhỏ đang chôn mình trong mớ tóc.
Mái tóc vốn luôn vào nếp của Yên sư đệ giờ hơi rối, nghiễm nhiên biến thành cái tổ chim mới xây xong.
Đúng lúc này, Trường Ly nhắc: “Yên Tiểu Cửu, bé con đói rồi, huynh cho nó ăn đi.”
Yên Cửu cố giữ bình tĩnh nhắm mắt lại.
Quả nhiên vẫn nên hầm phứt con chim này cho rảnh nợ..

Bình Luận (0)
Comment