Kiến Lộc

Chương 35

Vãn Thược là quân cờ trắng trong tay thái hậu, là hạt ngọc cao quý nhưng mong manh. Còn ta là quân cờ đen trong tay hoàng đế, là viên đá rẻ mạt nhưng kiên cường.

Lần đầu tiên ta thấy hoàng đế cười như vậy. Hắn ném quân cờ về phía Cảnh Yến: "Sao vậy? Sợ trẫm làm khó phu nhân đệ hay sao mà lại dám "nhắc bài" ngay trước mắt trẫm?"

Cảnh Yến không có ý giấu. Ngài kéo ta, nói: "Hoàng huynh, người đừng dọa nàng ấy, chẳng mấy chốc nàng ấy khóc đâu."

Hoàng đế khua tay, quay qua đối diện Cảnh Yến: "Tiểu Cửu, không ngờ sau khi trẫm lên ngôi vẫn còn nghe được một tiếng "hoàng huynh" của đệ."

Hắn nói xong liền sai người dọn bàn cờ, rồi đứng dậy: "Cả hai ở lại đây cùng dùng cơm trưa đi. Hai huynh đệ ta, hình như cũng đã lâu không ngồi lại ăn bữa cơm tử tế nào với mẫu hậu."

____________________

Dùng bữa

"Trái ôm phải ấp hồng nhan tri kỉ, Tiểu Cửu, đệ có phúc thật đấy."

Khi hoàng đế nói câu ấy, Vãn Thược tưởng như sắp bóp nát cái bát trên tay.

Cảnh Yến nào có tối dạ, ngay lập tức tiếp lời y: "Tất cả đều nhờ hoàng ân."

Thái hậu múc một muôi canh vào bát Vãn Thược. Bà cười hiền từ như một bậc trưởng bối đang săn sóc con cháu: "Sao ai gia lại nghe nói, mấy ngày trước có thích khách đột nhập vào phòng Vãn Thược?"

"Chỉ là tên nhãi nhép thôi. Vãn Thược hay nhát nên đâm ra hoảng quá." Cảnh Yến nói xong, cầm lấy tay Vãn Thược, khiến nàng ta vô cùng cảm động, nước mắt suýt nữa đã rơi.

Ta im lặng, tập trung dùng bữa. Bỗng hoàng đế lại réo đến ta: "Ly rượu ấy ngươi còn uống nổi không? Hay là ta cho người đổi cho ngươi một ly giấm?" (Trung Quốc: ghen = uống giấm)

Ta không lường trước được, nghe hắn nói vậy, suýt thì sặc cơm.

"Để, để hoàng thượng chê cười rồi. Vương gia và Vãn Thược muội muội mới là cặp đôi trời định, trai tài gái sắc."

"A di đà phật. Ngươi có thể nghĩ thoáng như vậy thì tốt, đừng như trước kia hay gây khó dễ cho Thược Nhi." Điệu bộ thái hậu thực cứ như lão Phật gia, nhưng mỗi chữ nhả ra đều đang răn ta: "Giúp cây gia phả hoàng gia có thêm nhiều cành nhiều nhánh là chuyện tốt. Nhưng nếu là cành nhánh thừa thãi thì phải tỉa tót lại."

Bà ta lo ta sẽ có thai, mà lại chẳng biết, ta cũng không hề muốn có.

Hoàng đế uống một ly rượu, đặt ly rỗng xuống, lướt nhìn Cảnh Yến lại nhìn đến thái hậu: "Dạo này phương Bắc không yên. Gia tộc Phù Độc thường xuyên khơi mào chiến tranh. Nhi tử quyết định sẽ phái quân dẹp loạn, không biết ý mẫu hậu ra sao?"

"A di đà phật! Ai gia tuổi tác đã cao, không nên lo lắng những chuyện thế này." Lời ngoài miệng là như vậy, nhưng lại đảo mắt ngầm ra ám hiệu cho Vãn Thược.

Vãn Thược có máu điên. Nhưng chỉ cần là chuyện không liên quan đến Cảnh Yến thì đầu óc cô ta cũng không đến nỗi chậm chạp. Vãn Thược ngay lập tức tiếp lời: "Hoàng thượng! Phụ thân con thông hiểu chiến sự, từng lập nhiều đại công, nay nguyện dẹp loạn phương Bắc, phân ưu cùng hoàng thượng."

Nếu mà ả ta lúc nào cũng nói chuyện cho tử tế như thế, có lẽ ta còn tưởng rằng ả là một người bình thường!

Chắc chắn hoàng đế không bằng lòng để cho Mạc Hầu cầm quân. Nhưng những lời như thế không thể thốt ra từ chính miệng hắn được. Hắn muốn để Cảnh Yến nói thay. Nhưng Cảnh Yến mà nói e lại đắc tội với thái hậu. Vậy là lại rơi vào cái thế cưỡi trên lưng cọp.

Ta ngầm đợi, đến đúng thời cơ bèn kéo tay áo Cảnh Yến, giả vờ thì thầm, nói: "Vương gia, Nghiêm đại nhân..."

"Nguyên Nguyên, chuyện quốc gia đại sự không được nói bừa." Lúc này Cảnh Yến chặn lời ta, ra vẻ đang khiển trách. Sau đó, ngài nói tiếp: "Hoàng thượng, nhưng nghe vậy thần mới nhớ ra. Nghiêm Phong, thuộc hạ của thần quả thực là một vị tướng tài giỏi hiếm có."

Vãn Thược không quản được miệng, ả lắc tay Cảnh Yến làm nũng: "Vương gia, tên Nghiêm Phong kia chỉ là một thị vệ."

Thái hậu cũng nói: "Ai gia nghĩ giao cho Mạc Hầu vẫn ổn thỏa hơn."

Cảnh Yến cũng không tỏ vẻ sốt ruột, ngài chỉ nhẹ nhàng nói thêm một câu: "Thần sẽ lựa ngày dẫn Nghiêm Phong vào cung để hoàng thương đích thân xem xét và định đoạt."

Câu này của ngài đã đúng với ý của hoàng đế. Bấy giờ màn kịch mới tạm kết thúc.

Dùng bữa xong là chuyển qua đi dạo. Thái hậu nói muốn Vãn Thược ở bên bà ta mấy ngày, cũng chẳng thèm hỏi xem cô ả có lưu luyến Tiểu Cảnh ca ca của ả quá hay không. So ra hoàng thượng cũng đỡ hơn. Sau khi thưởng một số vật phẩm ngài liền cho ta và Cảnh Yến về.

Trời tháng sáu nắng nóng vô cùng, ta lại còn phải vắt óc suy tính, bây giờ mệt sắp lả đi rồi.

Có lẽ Cảnh Yến cũng nhận ra. Ngài phe phẩy tay như cái quạt quạt cho ta: "Phu nhân vất vả quá, vi phu trông mà xót lòng."

Nghe ngài đùa vậy, ta cũng không đặng khó chịu mặt mày. Ta kéo ngài lại gần, thì thầm: "Hoàng đế còn nói ta ghê gớm, ngài ấy mới là ghê gớm nhất! Lần nào nghe ngài ấy hỏi xong, lưng thiếp cũng toát mồ hôi."

Ta khúc khích cười ôm cổ ngài, thở hắt ra, khẽ nói: "Nếu không phải trong hoàng cung nhiều người xăm xoi quá, thiếp cũng muốn để ngài sờ thử..."

Nghe ta đáp lại như vậy, ngài cũng không mất bình tĩnh. Ngài chỉ cười nhìn ta, sau đó cũng quay sang thì thầm to nhỏ tiếp: "Nguyên Nguyên, bổn vương quen đường quen lối hoàng cung lắm. Lối đến nơi không người bổn vương cũng biết, có "làm gì" nàng cũng chẳng ai hay."

Ta bày trò trước mà bị ngài giở trò lại đến nỗi đỏ mặt, thẹn quá phải đánh ngài một cái: "Không thèm lý lẽ với ngài."

"Dám chơi mà không dám chịu, vậy nàng trêu chọc ta làm gì?" Cảnh Yến đang thắng thế, chả lẽ gì ngài lại chịu bỏ qua cho ta dễ thế.

Ta quyết không tiếp ngài mà bám vào cánh tay ngài rồi lảng qua chuyện khác: "Vương gia, sao hoàng cung lại rộng lớn thế, đi thôi mà thiếp cũng thấy mệt."

Ngài vỗ tay ta, dịu dàng: "Đợi ra ngoài kia rồi bổn vương cõng nàng."

Ta ngây ngốc, không biết ngài đang nói thật hay nói đùa.

Còn ngài chẳng tỏ vẻ gì lạ thường, còn hỏi ta: "Nguyên Nguyên, có ăn đá bào không? Trời nóng nực bổn vương cũng muốn giải nhiệt."

Ra khỏi cung, Cảnh Yến lại bảo cõng ta, nhưng ta không chịu.

"Kêu nóng còn cõng gì mà cõng?" Ta kéo tay ngài, nói nhẹ: "Từ nhỏ có việc gì mệt việc gì bẩn mà thiếp chưa làm đâu, mấy bước chân thế này sao làm mệt nổi thiếp?"
Bình Luận (0)
Comment