Kiều Kiều Vô Song

Chương 179

Edit: Frenalis

Lời Thôi Huyền vừa dứt, nhóm tỳ phụ lập tức cười đáp: "Tuân lệnh đại nhân."

Bốn phía người vây xem càng cười ha hả, vài con cháu Tiên Bi kích động đến nỗi lộn nhào trên lưng ngựa, reo lên đầy hứng khởi: "Ý kiến hay! Thực sự là ý kiến hay!"

Mọi người vội vàng quay đầu nhìn về phía Cơ Tự, vẻ mặt chờ mong nàng đổi sang nữ trang. Cơ Tự từ từ đứng lên.

Nàng lạnh mặt, hướng về Thôi Huyền quát lên đầy phẫn uất: "Thôi Lang có ý gì? Ta tuy bất hiếu, nhưng cũng là nam nhi đầu đội trời chân đạp đất. Nếu Thôi Lang muốn cưới nữ tử, đầy đường nữ tử cho ngươi tùy ý lựa chọn, không cần làm nhục Hiên Viên Tứ ta"! Dứt lời, nàng vung tay xé toạc vạt áo, trong nháy mắt kéo tung chiếc áo cưới ném xuống đất!

Cơ Tự nhảy xuống kiệu hoa, xoay người phi lên ngựa trắng, giơ roi thúc ngựa phóng đi như bay.

Mãi đến lúc này mọi người mới phản ứng lại. Vài tên Tiên Bi kêu lên: "Thảm rồi, Thôi Huyền, ngươi làm cho tiểu lang tức giận rồi!"

Cũng có người lên tiếng: "Hiên Viên Tứ nói có lý. Dù sao hắn cũng là nam nhi, Thôi Huyền lại muốn hắn trang điểm như phụ nhân thành thân, thật sự khinh người quá đáng!"

Bốn phía vang lên tiếng nghị luận ồn ào. Thôi Huyền vội vàng phi lên ngựa, thúc ngựa đuổi theo.

Xa xa nhìn về phía hai bóng người một trước một sau, mọi người xung quanh náo nhiệt cười đùa: chuyện cưới nam thê này, từ trước đến nay chỉ nghe trong lịch sử, chưa từng có ai gặp qua. Mọi người cho tới bây giờ cũng đều nghĩ hôn lễ này là một trò khôi hài đáng xem.

Cơ Tự lớn lên ở vùng nam địa, kỹ năng cưỡi ngựa của nàng cũng chỉ ở mức có thể cưỡi, mà Thôi Huyền lại là cao thủ có thể ngủ trên lưng ngựa. Giữa tiếng gió rít, hắn càng đuổi càng gần.

Nghe tiếng Thôi Huyền đuổi tới, Cơ Tự cúi người xuống, dùng hết sức quất vào bụng ngựa!

Con ngựa đau đớn, hí vang một tiếng rồi phi như điên, Thôi Huyền đưa ngón tay lên môi huýt sáo, theo tiếng huýt dài của hắn, con ngựa của Cơ Tự dựng đứng người lên. Sau vài vòng lắc lư, nó ngoan ngoãn đứng yên tại chỗ.

Thôi Huyền phi ngựa đến bên cạnh Cơ Tự.

Nhìn Cơ Tự đang quay lưng về phía mình, hắn khẽ thở dài, "Sao lại tức giận như vậy?"

Cơ Tự vẫn giữ nguyên tư thế quay lưng về phía hắn. Nàng lạnh lùng hỏi: "Vừa rồi ngươi có ý gì?"

Lần này, Thôi Huyền lại trầm mặc hồi lâu.

Cũng không biết qua bao lâu, Thôi Huyền khẽ nói: "Đúng vậy, ta muốn cưới nàng."

Hắn lại nói thêm: "Kỳ thật nàng không cần phải tức giận như vậy...... Bất kể ta mong chờ thế nào, hôn sự của chúng ta cũng không thể thành."

Cơ Tự ngẩn ra, Thôi Huyền chua xót nói: "Nàng không nhận ra sao? Vừa rồi có nhiều người như vậy, nhưng không có một người nào thuộc gia tộc Thanh Hà Thôi thị của ta. A Tự, nếu nàng thực sự bái đường cùng ta, tộc nhân của ta cũng sẽ đến ngăn cản."

Sau một hồi lâu, hắn nhẹ giọng nói: "...... Ta chỉ là, dù cuối cùng không thành, cũng muốn được cùng nàng đối diện bái đường, thực hiện nghi lễ phu thê."

Cơ Tự im lặng hồi lâu, không nói ra lời.

Thôi Huyền lại nhẹ giọng: "Trời cũng không còn sớm, chúng ta về biệt viện thôi." Nhìn thấy Cơ Tự nhìn về phía mình, hắn lại cười khổ nói: "Nàng yên tâm, tất cả mọi người đều biết đây chỉ là một trò cười, khi chúng ta trở về, đảm bảo khách nhân đã đi hơn phân nửa rồi."

Cơ Tự nghe vậy, cuối cùng cũng cúi đầu đi theo sau ngựa của hắn, hướng về biệt viện chạy tới.

Quả nhiên như lời Thôi Huyền nói, khi hai người trở về đến biệt viện, đám người chen chúc đến xem náo nhiệt đã tan hơn phân nửa, chỉ còn lại rải rác mười mấy người.

Ngay khi Thôi Huyền dẫn Cơ Tự đi vào biệt viện, mười mấy người đó ùa tới, mở miệng định giễu cợt. Lại nghe một tiếng vó ngựa dồn dập truyền đến, trong nháy mắt, một giọng nói già nua nhưng nghiêm khắc quát lên: "Thật là hồ nháo!"

Bước đi mạnh mẽ và dứt khoát, một vị trưởng giả có dung mạo hai phần giống Thôi Huyền dẫn theo vài lang quân trẻ tuổi đi tới.

Liếc nhìn tình cảnh trong biệt viện, lửa giận trên mặt vị trưởng giả bớt đi một chút. Ngay sau đó, ông ta đi đến bên cạnh Thôi Huyền, xoay người, hướng về đám người còn lại đang vây quanh chào hỏi, cao giọng nói: "Vừa rồi là Thôi Huyền cùng chư vị đùa giỡn một chút, xin các vị hãy tan đi."

Ngay sau đó, ông ta lại hướng về Thôi Huyền trầm giọng quát lớn: "Huyền nhi! Hôn nhân là đại sự đời người, ai cho phép con không thông qua gia tộc mà tự ý quyết định?"

Nói thật ra, sự xuất hiện của vị trưởng giả này nằm ngoài dự đoán của mọi người. Bởi vậy, mọi người cũng không nói thêm gì, từng người cười ha ha cáo từ Thôi Huyền.

Sau khi mọi người tan đi, vị trưởng giả quay đầu nhìn về phía Cơ Tự.

Đối diện với dung nhan như họa của nàng, trong mắt vị trưởng giả hiện lên một tia chán ghét. Ngay sau đó, ông ta thu hồi biểu cảm, hướng về Cơ Tự khách khí nói: "Nghe nói tiểu lang ở Nam địa đã cứu Huyền nhi nhà ta. Ân cứu mạng của tiểu lang, xin nhận lão phu thi lễ!" Ông ta lấy lễ trưởng bối tôn sư, thận trọng và trang trọng hướng Cơ Tự hành một lễ, cũng biến mối quan hệ giữa Cơ Tự và Thôi Huyền thành quan hệ giữa người cứu và người được cứu.

Nếu Cơ Tự thật sự là Hiên Viên Tứ, người đối với Thôi Huyền nhất kiến tình thâm, sẽ tự nhiên cảm thấy buồn trước sự xa cách cố ý của gia trưởng đối phương, đáng tiếc Cơ Tự không phải. Nàng thậm chí còn có chút kích động khi được nhận lễ này, vội vàng nói: "Trưởng giả đa lễ."

Nhìn thấy vẻ mặt không oán vô vưu của Cơ Tự, lửa giận của vị trưởng giả lại tan biến, ông ta gật đầu, quay đầu tức giận nói với Thôi Huyền: "Đi thôi, có gì muốn nói về đến nhà tộc lại nói!" Ông ta quay đầu, hướng về Cơ Tự mời nói: "Hiên Viên tiểu lang cũng thỉnh cùng nhau đi thôi."

Ngay sau khi hai người lên xe ngựa, Cơ Tự nghe thấy giọng nói của vị trưởng giả vang lên từ phía trước: "Huyền nhi, lần này ngươi nháo quá lớn, tốt xấu gì ngươi cũng là danh sĩ đương triều, chẳng lẽ muốn trở thành trò cười trong lời nói của người khác sao?"

Cơ Tự ngồi trong xe ngựa, nghe vị trưởng giả mắng mỏ liên tục, sự hổ thẹn vốn đã ấn xuống dần dần lại hiện lên trong đầu. Nàng thầm nghĩ: Ta đã gây ra quá nhiều phiền toái cho Thôi Huyền.

Lúc này, Cơ Tự cũng không biết rằng, đối với một gia tộc lớn như Thanh Hà Thôi thị, những người thực sự có tầm nhìn chính trị và tầm nhìn xa chỉ là một số ít. Vị trưởng giả này tuy rằng là bá bá của Thôi Huyền, nhưng thực ra ông ta lại giống như một nho sinh bình thường.

Vị trưởng giả lại tiếp tục mắng to: "Nam nữ thành thân, đều là sính giả làm vợ bôn tắc làm thiếp*, huống chi loại nam tử này......" Ông ta dường như xấu hổ khi nhắc đến hai chữ nam tử, dừng lại một chút rồi nói tiếp: "Loại chuyện này cũng nháo đến trước công chúng, thật là không biết xấu hổ!"

(*Sính giả làm vợ: ý nói những nữ tử được nhà chồng đưa sính lễ rước về làm chính thê, có địa vị cao quý trong gia đình. Bôn tắc làm thiếp: Nữ tử không được nhận sính lễ, chỉ được coi là vợ lẽ, có địa vị thấp kém và không được công nhận chính thức).

Cơ Tự nghe những lời nói đó, lại không khỏi cười khổ. Nàng thầm nghĩ: Cho dù ta có phải Hiên Viên Tứ hay không, nghe những lời này cũng không còn mặt mũi nào để đến phủ đệ Thanh Hà Thôi thị nữa. Thôi thôi, đến thành Lạc Dương rồi, ta cứ tìm một tửu lầu nào đó tạm trú.

Sau khi quyết định, Cơ Tự cũng bình tĩnh lại. Nàng dựa vào thành xe thầm nghĩ: Không biết Tạ Lang hiện giờ đang ở đâu? Có Lư Tử Du ở bên, chàng hẳn là cũng an toàn chứ?

Điều Cơ Tự không ngờ tới là, khi đoàn người tiến vào thành Lạc Dương, nàng chưa kịp mở lời, Thôi Huyền đã trực tiếp ra lệnh cho quân lính đưa Cơ Tự đến một tửu lầu tạm trú. Khi hắn đưa ra quyết định này, vị trưởng giả kia vô cùng bất mãn.

*********

Tửu lầu mà Thôi Huyền dùng để an trí Cơ Tự là tửu lầu tốt nhất Lạc Dương. Do Thôi Huyền dặn dò kỹ lưỡng, Cơ Tự được một mình một sân viện, còn có người hầu của tửu lầu chuyên môn hầu hạ.

Vào tửu lầu, Cơ Tự tắm nước ấm khoảng nửa canh giờ mới đứng dậy. Rửa mặt chải đầu xong, nàng nhìn mình trong gương đồng, suy nghĩ mãi rồi lại quyết định hóa trang thành Hiên Viên Tứ. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất là, vết bỏng trên mặt của Hiên Viên Tứ đã được bỏ đi.

Chuẩn bị xong khuôn mặt, Cơ Tự thay một bộ hồ phục thịnh hành ở phương Bắc. Loại trang phục quần dài bó sát này khi mặc lên người sẽ làm tôn lên đôi chân dài của nàng, đồng thời, cổ áo rộng cũng sẽ càng làm nổi bật khí chất.

Cơ Tự không chỉ cổ cao mà chân cũng dài, hơn nữa dung mạo lại vô cùng tuyệt luân. Nàng lạnh lùng hiên ngang đứng trong sân, tựa như cây dương liễu phương Nam, cây ngọc phương Bắc, chỉ cần đứng đó cũng đã là một cảnh đẹp.

Thôi Nghiêm - thứ tử Thanh Hà Thôi thị đến đây mời Hiên Viên Tứ, khi nhìn thấy cảnh tượng này, hắn không khỏi thầm nghĩ: một lang quân phong tư không tầm thường như vậy, thật không giống lấy sắc thờ người.

Cơ Tự theo Thôi Nghiêm cưỡi ngựa đi vào phố chính Lạc Dương, bốn phía có vô số người quay đầu trông lại.

Hiên Viên Tứ lúc này danh tiếng lẫy lừng, dù cho khí chất Bắc địa vốn bưu hãn, tuy chuyện phong hoa tuyết nguyệt vốn không được người ta chú ý, nhưng Cơ Tự vẫn thu hút vô số ánh nhìn.

Xa xa, còn có người xì xào bàn tán: "Kia chính là vị lang quân Nam địa ư? Quả nhiên khác biệt so với người Bắc địa chúng ta."

"Còn không phải là nõn nà hơn sao, trong ánh mắt còn ẩn chứa vẻ trách móc?"

"Ha ha ha ha."

Bốn phía vang lên tiếng chỉ trỏ, nhưng Cơ Tự hoàn toàn không để ý. Nàng đang vội vàng ngắm nhìn xung quanh.

Nàng nghĩ đây là Lạc Dương, là nơi đã từng vô cùng huy hoàng, cho tới bây giờ vẫn là thước đo chính thống cho văn hóa của các sĩ tử phương Nam. Thành trì này đã chứng kiến biết bao anh hùng hào kiệt. Từng trang sử vàng son như ánh dương rực rỡ chói loá, khiến người ta say mê.

Nàng nghĩ: Vô số nam nhân tâm tâm niệm niệm, nằm mơ cũng muốn được đặt chân đến Lạc Dương dù chỉ một lần trong đời. Nàng, hiện tại đã được nhìn thấy!

Nhìn Lạc Dương, có thể nhìn thấy được những dấu ấn vĩ đại của thời Tần - Hán, nhìn từng kẻ sĩ cao thâm uyên bác uy nghi đi qua, Cơ Tự lại thầm nghĩ: Chẳng trách hoàng đế Lưu Tống luôn nung nấu ý chí Bắc phạt, muốn đánh chiếm Lạc Dương. Cảm giác đứng trên mảnh đất cố đô này thật khiến người ta sôi sục.

Mọi người xung quanh vẫn chỉ trỏ và cười đùa về phía nàng. Trên lưng ngựa, Cơ Tự rút từ trong tay áo ra một cây sáo ngọc, bắt đầu thổi lên những giai điệu du dương.

Tiếng sáo của nàng vốn cao tuyệt, ở Vân thành tuy ít người thưởng thức, nhưng khi đến Lạc Dương, nơi tập trung những tao nhân mặc khách, tiếng sáo vừa cất lên đã thu hút vô số ánh nhìn.

Tiếng sáo của Cơ Tự mang theo một loại hào hùng, pha lẫn niềm bi thương của mặt trời lặn trên sông dài, nước mắt ly hương da diết và sự cô đơn khi nhìn ngắm non sông hùng vĩ.

Quá nhiều cảm xúc phức tạp được thổi ra từ cây sáo của một cao thủ tuyệt thế, trong khoảnh khắc khiến không ít người đỏ hốc mắt.

Trước đây, khi nghe về Hiên Viên Tứ, mọi người chỉ xem hắn là một kẻ si tình ham mê nhan sắc, nhưng giờ phút này, họ cảm thấy lang quân có thể thổi ra tiếng sáo như vậy đáng để được tôn kính. Một số người lại suy nghĩ, dung mạo, phong thái và tài năng của Hiên Viên Tứ như vậy, cũng trách không được có thể mê hoặc Bắc địa Thôi Lang.

Chẳng mấy chốc, Cơ Tự đã đến Thanh Hà Thôi thị.

Nàng đi vào từ cửa hông.

Điều này cũng không có gì đáng trách, dù sao Hiên Viên Tứ vốn là nam sủng, Cơ Tự thầm nghĩ.

Vừa bước vào sân, Cơ Tự đã nhìn thấy một lão nhân tóc bạc đang đứng đó. Lão nhân trông rất tinh anh, trong mắt ẩn chứa sự từng trải của năm tháng và trí tuệ, dung mạo và cử chỉ của Thôi Huyền đều di truyền từ lão nhân này.

Nhìn thấy lão nhân lẻ loi đứng đó, ngoài Thôi Nghiêm đưa Cơ Tự đến đây, còn có một người trung niên đang rót rượu cho lão nhân cách đó không xa, khiến nàng ngẩn ra trong chốc lát.

Nghe tiếng bước chân của Cơ Tự, lão nhân chậm rãi quay đầu.

Điều khiến Cơ Tự không ngờ tới là, khi nhìn thấy nàng, lão nhân tóc bạc lại nở nụ cười hoà ái, vẫy tay ra hiệu cho Cơ Tự tiến lên.

Cơ Tự mím môi, bước từng bước tiến đến.

Nàng cúi đầu hành lễ với lão nhân. Vì không có ai giới thiệu thân phận của đối phương, Cơ Tự liền gọi: "Hiên Viên Tứ ra mắt trưởng giả." Lúc này, Cơ Tự lại cảm thấy tên của mình đặt thật hay. Tên này vừa giả vừa thật, dù đối mặt với trưởng bối cũng không lo sau này bị vạch trần khiến nàng xấu hổ.

Lão nhân vẫn luôn mỉm cười nhìn Cơ Tự, đợi nàng hành lễ xong mới lên tiếng: "Nghe đồn Trần Quận Tạ thị Tạ Thập Bát Lang - người được mệnh danh là phong hoa đệ nhất Giang Nam, cũng đã đến Bắc Nguỵ?"

Cơ Tự ngẩn người, rồi cung kính đáp: "Đúng vậy."

Lão nhân khẽ thở dài, nói: "Từ đây về sau, thiên hạ sẽ có nhiều biến động."

Lời nói của lão nhân khiến Cơ Tự ngơ ngẩn. Nàng nhíu mày thầm nghĩ: Tạ Lang thanh cao thoát tục, với tính cách của chàng, chỉ muốn tránh xa sự đời để vui vẻ. Chàng là người như vậy, đi vào Bắc Nguỵ sao có thể dẫn đến thiên hạ đại loạn?

Lúc nàng đang suy tư, lão nhân đột nhiên hỏi: "Không biết Hiên Viên lang quân đã gặp quân chủ của triều ta chưa?"

Cơ Tự lại lần nữa ngẩn ra, rồi nhanh chóng cung kính đáp: "Nghe đại danh đã lâu, nhưng chưa từng gặp mặt."

Lão nhân lại nói: "Vậy không biết Hiên Viên lang quân có thể dạy ta điều gì?"

Cơ Tự khựng lại.

Nàng ngẩng đầu, bình tĩnh nhìn lão nhân. Sau một hồi im lặng, Cơ Tự cất tiếng nói: "Khổng Tử nói: "Đạo không thể thi hành được, ta sẽ đi bè gỗ ra biển. Người theo ta, chỉ có Trọng Do thôi!". Tử Lộ nghe vậy thì vui mừng. Khổng Tử nói: "con dũng cảm hơn ta, không có gì để khen cả.""

(Chỗ này là Cơ Tự trích dẫn lời của Khổng Tử để trả lời câu hỏi của lão nhân, ở phía sau sẽ có nhân vật giải nghĩa)

*********

Nhìn theo thân ảnh Cơ Tự, người trung niên tiến đến, nhíu mày nói: "Phụ thân cần gì phải đối với một tiểu lang đa lễ như vậy?"

Lời vừa dứt, lão nhân liền cười khổ, chậm rãi nói: "Năm ngoái Huyền nhi từ Nam địa trở về, đã từng nói qua, Lưu Tống quốc sư tiên đoán Thanh Hà Thôi thị nhất tộc chúng ta sẽ gặp đại nạn. Chuyện này các ngươi đều biết chứ?"

Người trung niên đáp: "Hài nhi đương nhiên biết." Ông ta đảo mắt, lại nói thêm: "Bệ hạ anh minh thần võ, đối với chúng ta cũng coi trọng, Huyền nhi chỉ vì lời nói bậy của một kẻ địch quốc mà muốn sửa đổi phương thức xử thế của Thanh Hà Thôi thị, quả thực lỗ m ãng."

Lão nhân gật đầu: "Lúc ấy các ngươi đều nói như vậy, lão phu cũng từng nói qua, việc này ngày sau lại bàn."

Rồi lão nhân lại nói: "Vừa rồi Hiên Viên Tứ nói câu kia, ngươi có hiểu ý tứ trong đó không?"

Người trung niên ngạc nhiên: "Còn không phải là câu đối thoại giữa Khổng Tử và đệ tử Tử Lộ sao?"

Ông ta vừa dứt lời, lão nhân liền nhìn sang.

Ánh mắt ấy khiến người trung niên có chút không được tự nhiên, ông ta nhanh chóng cúi đầu.

Điều mà người trung niên không ngờ tới là, buổi tối họp tộc, lão nhân lại đem cuộc đối thoại giữa họ và Cơ Tự ra nói, đặc biệt nhấn mạnh câu nói cuối cùng của Khổng Tử, khiến mọi người bàn tán sôi nổi.

Thôi Nghiêm đứng dậy đầu tiên, cất cao giọng nói: "Gia gia, ý nghĩa câu nói của Khổng Tử là: "Nếu như chủ trương của ta không thể thực hiện được, ta sẽ đi bè tre ra biển khơi, chỉ có Trọng Do đi theo ta mà thôi!" Tử Lộ nghe được lời này vô cùng vui mừng. Khổng Tử lại nói "Trọng Do, lòng dũng cảm của con vượt qua ta, nhưng không có gì để khen cả."." Giải thích đến đây, Thôi Nghiêm lại nói: "Gia gia, những lời này của Khổng Tử biểu đạt chí hướng của bản thân ông và hình dung tính cách của Tử Lộ."

Khi Thôi Nghiêm đ ĩnh đạc nói, lão nhân nhắm mắt không nhúc nhích.

Lại một lát sau, một lang quân khác của Thôi gia cũng đứng lên, cất cao giọng nói: "Gia gia, những lời này của Khổng Tử biểu đạt lý tưởng quy ẩn của ông khi thời cuộc không như ý."

Liên tiếp bốn năm lang quân đứng lên, lần lượt đưa ra giải thích cho câu nói của Khổng Tử.

Lão nhân khẽ thở dài.

Lúc này mọi nơi rất yên tĩnh, tiếng thở dài của lão nhân nghe thập phần chói tai.

Bất tri bất giác, các con cháu Thôi thị trong điện đều lộ ra vẻ bất an cùng hổ thẹn sâu sắc.

Lúc này, lão nhân mới mở miệng nói: "Thanh Hà Thôi thị ta, xác thật là đến lúc phải thay đổi rồi!"

Nhìn sắc mặt biến đổi của các con cháu, lão nhân lại nói: "Vừa rồi lão phu đã nói rõ ràng. Ta đầu tiên hỏi tiểu lang kia, hỏi hắn nhìn thấy quân chủ của triều ta chưa. Hắn trả lời không có, liền cho lão phu câu bình luận của Khổng Tử về Tử Lộ."

Lão nhân mở mắt, trong điện âm u, đôi mắt sắc bén như kiếm của ông quét nhìn mọi người, "Các ngươi còn không hiểu sao? Tiểu lang kia mượn lời Khổng Tử, dùng Tử Lộ để ám chỉ quân chủ Bắc Nguỵ ta!"

Dừng một chút, lão nhân chậm rãi nói: "Thích mạo hiểm, dũng mãnh hơn người, hành động theo bản năng, quyết đoán quá mức, bốn câu nói này chính là tính cách của Tử Lộ, cũng dùng để đánh giá tính cách của quân chủ Bắc Nguỵ ta! Các ngươi nói xem có đúng hay không?"

Các lang quân sau một hồi trầm mặt, đồng thanh nói: "Đúng là như vậy."

Lão nhân thở dài: "Đúng vậy, tính cách của quân chủ Bắc Nguỵ hiển hiện rõ ràng như vậy, bất kể kẻ nào đến gần, đều sẽ biết ngài là người như vậy."

Lão nhân từ từ đứng dậy, nhìn quanh bốn phía, cất tiếng nói: "Đến giờ phút này, các ngươi vẫn chưa hiểu rõ sao? Bệ hạ nếu quả thực hơn người, ắt hẳn sẽ vì tin lời gièm pha mà hiểu lầm Thôi thị Thanh Hà chúng ta. Lại thêm tính cách quá mức quyết đoán, sẽ khiến ngài trong lúc hiểu lầm mà vội vàng đưa ra quyết định sai lầm! Lấy tính tình của bệ hạ, có lẽ khi ra tay giết chúng ta, ngài sẽ hối hận, nhưng lúc đó máu của chúng ta đã chảy hết, hối hận còn ích gì?"

Nói đến đây, lão nhân lại tiếp lời: "Hiên Viên Tứ có đại trí tuệ! Lời gián ngôn của hắn, ta phải suy nghĩ cẩn thận mới có thể thấu hiểu." Mọi người trong điện đều cảm thấy hổ thẹn, lão nhân lại nói: "Nghĩ đến đây, các ngươi rốt cuộc đã biết mình không bằng Huyền nhi sao? Truyền lệnh của ta!"

Sau khi mấy người trung niên đồng loạt đứng dậy, lão nhân trầm giọng ra lệnh: "Từ hôm nay trở đi, Thôi Huyền chính thức trở thành tộc trưởng Thanh Hà Thôi thị!"

Sau một hồi tĩnh lặng, mọi người đồng thanh đáp: "Tuân theo lệnh tộc trưởng!"

Lúc này, lão nhân lại lần nữa hô: "Ngoài ra, tất cả tộc nhân của Thanh Hà Thôi thị khi gặp Hiên Viên Tứ, đều phải đối đãi như khách quý!"

Lại là một hồi trầm mặc lâu hơn, mọi người trong điện lục tục đáp: "...... Vâng!"
Bình Luận (0)
Comment